B
ạn và tôi có một điểm chung: một cụ tổ tên là Lucy với các phần cơ thể hóa thạch được các nhà khảo cổ tìm thấy vào năm 1974. Thật ra Lucy không hẳn là người; Lucy là một cá thể thuộc loài vượn người có tên khoa học là Australopithecus afarensis, sống ở Đông Phi cách nay khoảng 3,2 triệu năm.
Lucy không thường lập luận theo động cơ, chủ yếu vì Lucy không có khả năng lập luận. Tôi không nói vậy vì có ác ý với Lucy. Một trong những điểm khác biệt lớn nhất giữa Lucy và con người hiện đại chúng ta là trong khoảng thời gian 3,2 triệu năm, bộ não của chúng ta đã phát triển to gấp ba lần bộ não của Lucy. Sự phát triển chênh lệch ấy phần lớn diễn ra ở vỏ đại não nằm ngay sau trán - phần chất xám gấp nếp ở lớp ngoài cùng của bộ não - mang lại cho chúng ta khả năng tư duy trừu tượng.
Tại sao chúng ta lại tiến hóa với bộ não lớn hơn? Phần năng lực trí tuệ đó rất “đắt đỏ” về mặt trao đổi chất. Chúng ta tốn rất nhiều năng lượng để vận hành bộ não; phần năng lượng đó vốn dĩ có thể được dùng để làm cho chúng ta trở nên mạnh hơn, khỏe hơn hoặc nhanh nhẹn hơn. Có lẽ khả năng lập luận hẳn phải mang lại cho chúng ta thế mạnh sinh tồn nào đó, tương xứng với phần năng lượng mà chúng ta phải bỏ ra để có được nó.
Trong lịch sử, các triết gia từng cho rằng phần chất xám được phát triển thêm đó có tác dụng giúp chúng ta hiểu về thế giới xung quanh một cách chính xác nhất có thể - ít nhất là chính xác nhất với lượng thời gian và nguồn lực giới hạn mà chúng ta có được.
Quan điểm này có vẻ khá hợp lý. Nếu niềm tin của chúng ta là tấm bản đồ giúp ta định hướng trong cuộc sống, đương nhiên chúng ta sẽ muốn tấm bản đồ đó càng chính xác càng tốt. Một tấm bản đồ sẽ trở nên vô nghĩa nếu con đường chúng ta thấy trên bản đồ thực tế lại là dòng sông, hoặc không cho chúng ta thấy dãy núi hiểm trở án ngữ giữa ta và đích đến của mình.
Nhưng nếu vậy thì sự tồn tại của tư duy chiến binh thật khó hiểu. Tại sao bộ não con người lại tiến hóa để bỏ qua những khuyết điểm của chúng ta thay vì sửa chữa những khuyết điểm đó? Tại sao người hút thuốc thường không tin vào bằng chứng cho thấy hút thuốc có hại cho sức khỏe? Tại sao bộ não của chúng ta lại thường sẵn sàng đứng về một phía thay vì nỗ lực tìm ra sự thật?
Nói cách khác, tại sao quá trình tiến hóa lại vượt qua mọi khó khăn để tạo ra một công cụ cho chúng ta, nhưng cuối cùng cái chúng ta nhận được lại là một phiên bản mang lỗi hệ thống của công cụ đó?
Câu hỏi trên không đơn thuần chỉ là một câu hỏi gây tò mò. Câu trả lời của câu hỏi này rất quan trọng. Nếu chúng ta muốn thay đổi cách tư duy của mình thì trước tiên chúng ta phải tự hỏi: “Nguyên nhân hình thành lối tư duy mặc định ban đầu của chúng ta là gì?”.
Tôi thường tuân thủ một nguyên tắc, đó là khi một người đề nghị thay đổi một quan niệm hay thói quen lâu đời nào đó, người đó phải chứng minh được họ hiểu mục đích của quan niệm hay thói quen đó là gì. Nguyên tắc này được gọi là “Hàng rào Chesterton”, hình ảnh ẩn dụ được đề cập trong một bài luận của tác giả người Anh G. K. Chesterton.
Hãy tưởng tượng bạn đang khảo sát khu đất rộng lớn bạn vừa mua và phát hiện người chủ cũ đã dựng hàng rào chắn ngang một con đường trong khu đất đó. Lúc này bạn tự nhủ: “Tại sao lại dựng hàng rào ở đây? Thật vô ích và vớ vẩn làm sao! Phải dỡ bỏ nó thôi”.
Theo quan điểm của Chesterton, nếu bạn không hiểu tại sao lại có hàng rào ở đó, bạn sẽ không biết thứ gì đang ẩn nấp ở phía bên kia hàng rào. Nếu không biết nguyên nhân người ta dựng hàng rào, bạn nên đặc biệt thận trọng khi muốn dỡ bỏ nó.
Các tập tục hoặc thể chế lâu đời cũng giống như những hàng rào đó. Những nhà cải cách “ngây thơ” nhìn vào các tập tục lâu đời và nói: “Tôi không hiểu tập tục này tồn tại nhằm mục đích gì, hãy xóa bỏ nó đi”. Nhưng những nhà cải cách thận trọng sẽ phản bác: “Nếu anh không hiểu tập tục này tồn tại nhằm mục đích gì thì chúng tôi không thể để anh xóa bỏ nó. Hãy tìm hiểu và đảm bảo là anh biết ý nghĩa tồn tại của tập tục này. Chỉ khi anh thật sự hiểu mà vẫn tin rằng tập tục này không còn cần thiết nữa, có thể chúng tôi sẽ cho phép anh xóa bỏ nó”.
Trong vài trang tiếp theo, tôi sẽ bàn về những cách lý giải hợp lý nhất theo khoa học đối với câu hỏi: “Mục đích của tư duy chiến binh là gì?”. Chỉ khi bạn hiểu được lý do tồn tại của tư duy chiến binh, tôi mới có thể giải thích vì sao tôi tin rằng sẽ có lợi cho bạn hơn nếu bạn có tư duy chiến binh ít hơn và tư duy trinh sát nhiều hơn.
Vậy câu trả lời cho câu hỏi trên là gì? Tại sao chúng ta lại phát triển tư duy chiến binh? Tại sao lại có “hàng rào” đó trong nhận thức của chúng ta?
Từ trước đến nay, chúng ta thường không thể biết chắc vì sao mọi thứ tiến hóa. Nhưng có ba giả thuyết chính để lý giải về sự phát triển của tư duy chiến binh, bao gồm: Tư duy chiến binh là một hệ miễn dịch, Tư duy chiến binh là một cỗ máy tuyên truyền, và Tư duy chiến binh giống như quá trình tự thỏa mãn bản thân.
GIẢ THUYẾT #1: TƯ DUY CHIẾN BINH LÀ MỘT HỆ MIỄN DỊCH
Trong cuộc sống, sức khỏe của chúng ta liên tục bị đe dọa bởi các mầm bệnh có trong không khí, trên những món đồ ta chạm vào, hay trong thực phẩm và đồ uống của ta. Lý do duy nhất chúng ta còn tồn tại là chúng ta có một hệ miễn dịch vô cùng nhạy để chống lại các tác nhân gây bệnh đó.
Một số nhà tâm lý học tin rằng ngoài hệ miễn dịch nói trên, chúng ta còn có hệ miễn dịch tâm lý. Trong cuộc sống, bản sắc cá nhân và cảm giác hạnh phúc của chúng ta luôn bị đe dọa bởi những thất bại và nỗi thất vọng của chính mình, bởi sự vượt trội của những người khác, bởi những lời chỉ trích và nhiều thứ khác nữa.
Theo giả thuyết #1, lý do duy nhất chúng ta không gục ngã trong nỗi thất vọng ê chề là vì ta có một hệ miễn dịch tâm lý. Hệ miễn dịch này liên tục thực hiện đủ loại mánh khóe cũng như những điều chỉnh tinh vi để bảo vệ tâm lý chúng ta khỏi các mối đe dọa kể trên.
Chúng ta thường tự đề cao bản thân. Hiện tượng tự đề cao này được gọi là “Hiệu ứng Hồ Wobegon”, theo đó mọi người đều tự cho rằng mình tốt trên mức trung bình. Chúng ta nghĩ mình thông minh hơn, trung thực hơn, hòa đồng với mọi người hơn, có tay lái cứng hơn (thậm chí những người phải nhập viện vì tai nạn giao thông do chính họ gây ra cũng tự nhận là tay lái trên-mức-trung-bình).
Chúng ta không thích thừa nhận mình sai, ngay cả với bản thân chúng ta, vì điều đó sẽ làm ảnh hưởng đến hình ảnh thông minh và tài giỏi mà chúng ta nhìn nhận về chính mình. Thế nên khi làm hỏng việc, chúng ta luôn có cách để biện minh rằng lý do hỏng việc không “thật sự” là do lỗi của mình. Tương tự, khi đưa ra một dự đoán không chính xác, chúng ta luôn có cách lý luận để chứng minh mình không “thật sự” sai, chẳng hạn như “Dự đoán của mình lẽ ra đã chính xác nếu không có chuyện như thế xảy ra, mà mình đâu thể nào tính trước hết mấy chuyện đó được, vậy nên…”.
Chúng ta lạc quan thái quá về tương lai. Chúng ta đánh giá cao khả năng thành công của mình, nhưng lại không ước lượng được thời gian ta cần để hoàn thành kế hoạch và không lường trước được những rủi ro mà mình có thể gặp phải.
Vậy nếu kết quả ta nhận được trái ngược với những kỳ vọng lạc quan của chúng ta thì sao? Khi đó chúng ta sẽ tự bào chữa. Chúng ta đổ lỗi cho những yếu tố khách quan như vận rủi khi thất bại và nhận công lao về mình khi thành công. Hoặc như con cáo trong truyện ngụ ngôn Aesop, chúng ta sẽ kết luận rằng những chùm nho mình không hái được dù sao cũng vẫn còn xanh và chua.
Shelley Taylor - một trong những nhà tâm lý học hàng đầu ủng hộ giả thuyết này - nhận định: “Chúng ta phải hiểu rằng người có tâm trí ‘khỏe mạnh’ không phải là người nhìn nhận sự việc đúng với bản chất của nó, mà là người nhìn nhận sự việc theo ý của họ”.
GIẢ THUYẾT #2: TƯ DUY CHIẾN BINH LÀ CỖ MÁY TUYÊN TRUYỀN
Thuyết “hệ miễn dịch tâm lý” tương đối dễ hiểu, và có lẽ vì vậy mà giả thuyết này thu hút được nhiều sự chú ý từ truyền thông đại chúng. Có thể bạn từng đọc được ít nhất một bài viết nêu lên lợi ích của những “ảo tưởng tích cực” đối với sức khỏe tinh thần. Chuyên san tâm lý học Psychology Today từng đăng một bài có tiêu đề “Tại sao sự tự lừa dối lại có ích cho bạn?”, còn tờ New York Times thì có bài “Cố gắng đối mặt với thực tế? Bác sĩ sẽ không khuyên bạn làm vậy”.
Thế nhưng theo các nhà tâm lý học tiến hóa, giả thuyết hệ miễn dịch tâm lý có một vấn đề: nó không hợp lý.
Tại sao quá trình tiến hóa phải “bận tâm” đến mức độ hạnh phúc hay lòng tự tôn của chúng ta? Trên phương diện tiến hóa, quan trọng nhất là chúng ta có truyền được bộ gien của mình cho thế hệ sau hay không. Thực tế mà nói thì quá trình tiến hóa sẽ “muốn” ngăn chúng ta cảm thấy quá thỏa mãn; vì khi đã thỏa mãn, chúng ta sẽ không có động lực để tiếp tục phát triển tiềm lực, địa vị và quyền lực.
Các nhà tâm lý học tiến hóa cũng chỉ ra điểm bất hợp lý trong tính “miễn dịch” của hệ thống này. Mục đích của hệ miễn dịch là tiêu diệt các tác nhân gây hại, chứ không phải thuyết phục cơ thể bạn tin rằng mầm bệnh không tồn tại. Nếu hệ miễn dịch của cơ thể có cơ chế hoạt động giống hệ miễn dịch tâm lý mà các nhà khoa học nhận thức đã mô tả thì chúng ta sẽ chết sớm, vì khi đó, cơ thể chúng ta sẽ “ngừng bận tâm” về vi khuẩn và vi rút.
Các nhà tâm lý học tiến hóa này cho rằng tư duy chiến binh giống với một cỗ máy tuyên truyền hơn là một hệ miễn dịch. Mục đích của cỗ máy này là thao túng cách người khác nhìn nhận về chúng ta - chẳng hạn như thể hiện bản thân là người có địa vị, trung thành hoặc giỏi giang - để ta dễ dàng đạt được các mục tiêu xã hội của mình.
Theo giả thuyết này, lý do chúng ta bẻ cong sự thật trong vô thức để củng cố hình ảnh tài giỏi, tao nhã, thông minh của mình là nhằm khiến người khác nhìn nhận chúng ta theo cách đó. Cảm giác hài lòng về bản thân là một tác dụng phụ tích cực của hành vi tự đề cao này, không phải mục đích chính.
Nhà tâm lý học tiến hóa Robert Kurzban đã sử dụng một hình ảnh ẩn dụ vô cùng dễ hiểu để giải thích cách vận hành của cỗ máy tuyên truyền này như sau:
Hãy xem tâm trí bạn như một công ty. Trong tiềm thức của bạn, có một ban lãnh đạo chuyên đưa ra những quyết định hệ trọng về các hoạt động của công ty. Ví dụ, ban lãnh đạo đó nói: “Chúng ta nên tài trợ buổi vận động quyên góp cho các trường học ở địa phương. Làm vậy thì hình ảnh công ty sẽ được củng cố, đặc biệt là sau khi CEO của chúng ta vô tình xúc phạm đội hướng đạo sinh hồi tuần rồi”.
Nhưng ban lãnh đạo sẽ không nói vậy trước công chúng. Thay vào đó, họ sẽ đưa cho trợ lý truyền thông một bản thông cáo báo chí và hướng dẫn anh ta: “Hãy nói với mọi người rằng chúng ta tài trợ hoạt động này vì chúng ta muốn đền đáp cho cộng đồng địa phương”. Anh trợ lý truyền thông lúc này sẽ hoàn toàn tin tưởng và hăng hái truyền đạt thông điệp này đến công chúng.
Tôi sẽ cho bạn một ví dụ khác từ kinh nghiệm của chính tôi: Tôi sợ rằng mình sẽ thất vọng tột cùng nếu không được nhận vào chương trình cao học, nhưng tôi cũng không muốn nghĩ về bản thân như một người để một nỗi sợ như thế cản trở tham vọng của mình. Thế là ban lãnh đạo (tiềm thức) của tôi bèn yêu cầu trợ lý truyền thông (ý thức) lý giải rằng thật ra tôi không hề muốn học cao học vì thị trường việc làm không khả quan chút nào.
Hành động xuất phát từ tư duy chiến binh này thật sự đã khiến tôi cảm thấy dễ chịu hơn về bản thân, nhưng khác với giả thuyết về “hệ miễn dịch tâm lý”, việc tôi cảm thấy dễ chịu hơn không phải là mục đích của hành động này. Mục đích thật sự là tạo điều kiện thuận lợi để tôi thể hiện cho người khác thấy mình là một người có tham vọng, một người đưa ra quyết định dựa trên những lý do chính đáng chứ không phải vì hèn nhát.
Thuyết cỗ máy tuyên truyền có thể được giải thích đơn giản như sau: ban lãnh đạo của chúng ta đưa ra các nhận định nhằm giúp chúng ta có phương hướng hành động phù hợp; trợ lý truyền thông của chúng ta đưa ra những lập luận để giúp chúng ta tạo ấn tượng tốt với người khác.
Giả thuyết này cũng có thể được giải thích bằng một hình ảnh sinh động hơn, như người bạn thông thái Steven Kaas của tôi từng nói: “Bạn không phải là nhà vua trong bộ não của chính mình. Bạn là nhân vật bí ẩn đứng cạnh nhà vua và nói: ‘Đó là một lựa chọn sáng suốt, thưa Đức vua’”.
GIẢ THUYẾT #3: TƯ DUY CHIẾN BINH GIỐNG HÀNH VI TỰ THỎA MÃN BẢN THÂN
Mặc dù giả thuyết “cỗ máy tuyên truyền” có thể lý giải rất nhiều trường hợp của tư duy chiến binh, nhưng nó vẫn khá bất hợp lý trong những trường hợp khác.
Có vẻ phần lớn những lần tôi áp dụng tư duy chiến binh đều chỉ nhằm mục đích cho phép mình trốn tránh những việc phải làm hay chạy theo một sự cám dỗ nào đó. Sau khi tôi hoàn thành một bài kiểm tra vô cùng căng thẳng, bộ não của tôi sẽ một mực khẳng định tôi không cần phải kiểm tra lại đáp án, vì chắc hẳn tất cả đáp án đều đúng rồi. Khi tôi đang ăn kiêng mà lại thèm một cái bánh ngọt, bộ não của tôi sẽ đưa ra đủ lý do để chứng minh việc tạm dừng ăn kiêng để thưởng thức một cái bánh ngọt là hoàn toàn chính đáng.
Thường thì tư duy chiến binh được chúng ta áp dụng để thuyết phục bản thân tin vào những điều làm chúng ta vui vẻ hoặc truyền cảm hứng cho ta, nhưng lối tư duy này lại không mấy hiệu quả trong vai trò cỗ máy tuyên truyền. Tại sao chúng ta chỉ tin những kết luận nhất định về sức khỏe của mình, chẳng hạn như có những người tìm đến những bác sĩ khác vì họ không tin kết quả chẩn đoán của bác sĩ đầu tiên? Tại sao chúng ta thường thuyết phục bản thân rằng cuộc sống rất công bằng, và nếu chúng ta nỗ lực làm việc cũng như tuân thủ các quy tắc, chúng ta sẽ được nhận những gì mình xứng đáng nhận?
Người ủng hộ thuyết “cỗ máy tuyên truyền” có câu trả lời cho các câu hỏi này, mặc dù đó là những câu trả lời có vẻ gượng ép. Theo họ, lý do chúng ta tự lừa dối bản thân rằng mình khỏe mạnh là để chúng ta có thể thuyết phục người khác cũng tin như vậy, để họ sẵn sàng đầu tư vào việc xây dựng mối quan hệ bạn bè hoặc hợp tác làm ăn với chúng ta.
Với tôi thì lý do này có vẻ khiên cưỡng.
Tôi nghĩ chúng ta cần thêm một giả thuyết thứ ba vào nhóm các giả thuyết nổi bật này. Đây là một giả thuyết từng được vài triết gia đề xuất, nhưng chưa được đào sâu: tư duy chiến binh giống hành vi tự thỏa mãn bản thân.
Sự tự thỏa mãn bản thân không “tiến hóa”. Những gì đã tiến hóa chính là nhu cầu sinh lý của chúng ta, và tất nhiên đó là sự tiến hóa vì mục đích thích nghi. Nhưng theo thời gian, tổ tiên của chúng ta đã phát hiện ra một sự thật: chúng ta có thể tự thỏa mãn ham muốn tình dục của mình ngay cả khi không có bạn đời. Có thể hành vi tự thỏa mãn không thể mang lại cho chúng ta cảm giác hưng phấn như khi quan hệ với bạn đời của mình, nhưng hành vi đó vẫn có thể giúp ta nhanh chóng giải tỏa ham muốn. Và mặc dù hành vi tự thỏa mãn có thể không giúp ích cho việc duy trì nòi giống, nhưng vì không ảnh hưởng đến sự sinh tồn của con người nên hành vi này sẽ không bị quá trình tiến hóa loại bỏ khỏi bộ gien của chúng ta.
Nhiều trường hợp tự lừa dối bản thân có thể được giải thích hợp lý theo những gì mà tôi gọi là thuyết “tự thỏa mãn” của tư duy chiến binh. Có lẽ khả năng biện luận cho một bên và đưa ra chứng cứ phù hợp để bảo vệ bên đó vốn dĩ được phát triển nhằm mục đích tuyên truyền. Nhưng về sau, chúng ta đã phát hiện mình có thể sử dụng khả năng này để giúp bản thân cảm thấy thỏa mãn.
Khác với hai giả thuyết đầu tiên, thuyết “tự thỏa mãn” không bàn về vấn đề liệu tư duy chiến binh có lợi cho chúng ta hay không. Tư duy chiến binh có thể giúp ích hoặc gây hại cho chúng ta, hoặc vừa giúp ích vừa gây hại. Ý nghĩa cốt lõi của thuyết “tự thỏa mãn” đơn giản là chúng ta không nên mặc định rằng tư duy chiến binh chắc chắn hữu dụng, ngoại trừ việc nó có thể mang lại cho ta cảm giác dễ chịu nhất thời.
Trong chương này, chúng ta đã bàn về những mục đích mà tư duy chiến binh có thể hướng tới, bao gồm: đảm bảo sức khỏe tinh thần, tạo dựng hình ảnh đẹp về bản thân trong mắt người khác, giúp chúng ta cảm thấy thỏa mãn - bất kể cảm giác thỏa mãn có hữu ích hay không.
Tiếp theo, hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn về cách vận hành của tư duy chiến binh và lý do vì sao chúng ta khó có thể xóa bỏ lối tư duy này.
Năm 2000, ngành y khoa Mỹ đã có sự thay đổi lớn.
Đó là năm mà bạn bắt buộc phải đăng ký trước nghiên cứu của mình trên trang ClinicalTrials.gov. Trước khi tiến hành nghiên cứu, bạn phải tuyên bố cụ thể bằng văn bản với nội dung như sau: “Đây là giả thuyết mà tôi muốn kiểm chứng bằng nghiên cứu của mình”. Nếu muốn nghiên cứu về lợi ích của dầu cá, bạn phải đưa ra một lời tuyên bố đại loại như: “Tôi muốn kiểm chứng xem dầu cá có giúp giảm huyết áp ở những người mắc chứng cao huyết áp hay không”.
Khi đã đăng ký trước một nghiên cứu nào đó, bạn không thể chỉ tìm kiếm trong các dữ liệu và xem xét nhiều kết quả khác nhau cho đến lúc phát hiện một kết quả có vẻ là công dụng của dầu cá, rồi viết báo cáo như thể đó là những gì bạn đã tìm kiếm ngay từ khi bắt đầu nghiên cứu (chẳng hạn như “Dầu cá làm giảm tỷ lệ mắc bệnh tim của nam giới trên sáu mươi tuổi!”).
Nếu bạn vẫn nghĩ rằng việc đăng ký trước không mang lại bất kỳ sự thay đổi nào trong chất lượng nghiên cứu, hãy xem biểu đồ thú vị dưới đây:
Năm công bố
Người tạo ra biểu đồ này đã xem xét một số nghiên cứu được công bố trước và sau năm 2000. Đối với những nghiên cứu không dính luật đăng ký trước, 57% các nhà nghiên cứu cho rằng những gì họ thử nghiệm có nhiều lợi ích đáng kể. Sau khi luật đăng ký trước được áp dụng, con số này giảm còn 8%.
Đây là một tin đáng buồn về ngành y. Nhưng có thể nó cũng phần nào mang lại cho bạn cảm giác minh bạch, nếu bạn từng tự hỏi tại sao có quá nhiều kết quả nghiên cứu bị chứng minh là sai chỉ trong vòng một năm, dù ban đầu nghiên cứu đó được xem là đột phá và từng được công bố trên các tập san chuyên khoa nổi tiếng.
Con số 8% nói trên cũng là một tín hiệu đáng buồn về cách bộ não của chúng ta vận hành. Đa số các nhà khoa học trong lĩnh vực y khoa không cố tình tìm cách thao túng kết quả nghiên cứu. Họ không phải là những nhân vật phản diện vừa vân vê ria mép với vẻ gian xảo vừa nghĩ: “Ta sẽ chọn những dữ liệu phù hợp nhất để công bố nghiên cứu của mình, bất chấp dữ liệu đó có đúng hay không”.
Trong đa số trường hợp, những gì thật sự diễn ra chỉ đơn giản là trong quá trình phân tích dữ liệu, bạn thường dễ phát hiện những thông tin bạn muốn tìm mà không hề nhận thức được hành vi này của mình.
Nhà thống kê Andy Gelman gọi hiện tượng này là “Địa đàng quanh co” (The Garden of Forking Paths), lấy cảm hứng từ một truyện ngắn về mê cung của nhà văn nổi tiếng Luis Borges. Những gì Andy Gelman muốn biểu đạt thông qua cách gọi tên này chính là khi thu thập hoặc phân tích một bộ dữ liệu, bạn phải đối mặt với hàng trăm lựa chọn, hàng trăm ngả rẽ nhỏ dọc lối đi chính, và mỗi ngả rẽ đó đều có phần hợp lý. Vì vậy, bạn dễ vô thức lựa chọn một ngả rẽ dẫn tới mục tiêu của mình.
Để chứng minh cho quan điểm của mình, Gelman đã dẫn chứng một nghiên cứu tâm lý học công bố năm 2013 - vì tâm lý học không phải là một ngành thuộc y khoa nên nghiên cứu này không bị ràng buộc bởi luật đăng ký trước. Nghiên cứu này khẳng định: “Phụ nữ trong giai đoạn có khả năng thụ thai cao nhất thường có xác suất mặc áo màu đỏ hoặc hồng cao gấp ba lần so với các thời điểm khác trong chu kỳ kinh nguyệt”.
Nhiều lựa chọn đã được các tác giả nghiên cứu đưa ra và tất cả đều có vẻ hợp lý, nhưng nếu họ có những lựa chọn khác thì những lựa chọn đó vẫn sẽ có vẻ hợp lý:
Những gì tôi vừa đề cập chỉ là một vài ví dụ điển hình, nhưng bấy nhiêu cũng đủ để tạo thành cái mà Gelman gọi là “sự bùng nổ tổ hợp” về những hướng đi khác nhau mà các nhà nghiên cứu có thể lựa chọn, và bất kỳ hướng đi nào trong số đó cũng đều có vẻ hợp lý. Đây là những gì có thể khiến chúng ta dễ bị động cơ của mình dẫn dắt và đi đến kết luận mà ta mong muốn. Trong nghiên cứu vừa được nêu ra, kết luận mà những nhà nghiên cứu mong muốn là một kết quả thống kê rõ ràng, củng cố cho giả thuyết “Các tông màu đỏ thường gắn liền với giai đoạn phụ nữ có khả năng thụ thai cao nhất”.
ĐỊA ĐÀNG QUANH CO
Đây không phải là quyển sách về nghiên cứu khoa học. Đây là quyển sách về tâm trí của chúng ta và cách nó vận hành. Nhưng cách tư duy chiến binh âm thầm dẫn dắt suy nghĩ của chúng ta về một việc gì đó - chẳng hạn như “Mình có nên bắt đầu ăn kiêng từ tuần này không?” - cũng giống như cách mà lối tư duy này dẫn dắt suy nghĩ của các nhà khoa học về việc nên kiểm chứng giả thuyết của mình như thế nào.
Như tôi đã đề cập, tư duy chiến binh nghĩa là khi cân nhắc một điều mà chúng ta muốn trở thành sự thật, ta sẽ tự hỏi: “Mình có thể tin điều này không?”; trái lại, khi cân nhắc một điều mà chúng ta không muốn chấp nhận, ta sẽ tự hỏi: “Mình có buộc phải tin điều này không?”. Thường thì đáp án cho hai câu hỏi này sẽ khác nhau. Nhưng tại sao lại thế?
Mỗi khi chúng ta có một nhận định nào đó, có hàng chục hoặc thậm chí hàng trăm quyết định nhỏ đã được chúng ta đưa ra mà bản thân ta cũng không nhận ra - chẳng hạn như quyết định nên tin tưởng bằng chứng nào, nên hoài nghi mức nào, khi nào cần tham khảo ý kiến của người khác, nên hiểu những khái niệm mơ hồ thế nào, hay nên viện dẫn những nguyên tắc nào. Tất cả các lựa chọn nhỏ này tạo thành một vườn địa đàng quanh co, để chúng ta có thể bảo vệ bất kỳ luận điểm nào mà mình muốn trong khi vẫn cảm thấy bản thân vô cùng khách quan.
SỰ HOÀI NGHI CÓ CHỦ Ý
Khi nhìn nhận một bằng chứng nào đó, chúng ta nên hoài nghi ở mức độ nào?
Thật ra không có một tiêu chuẩn rõ ràng nào để trả lời cho câu hỏi này. Có lần, khi tranh luận với một người trên mạng, tôi đã dẫn chứng kết quả của một cuộc thăm dò ý kiến mà tôi từng thực hiện để củng cố cho quan điểm của mình. Tuy nhiên, người này cho rằng kết quả đó là không thích hợp vì cuộc thăm dò đó không được thực hiện trên các đối tượng ngẫu nhiên. Vậy mà chỉ vài phút sau, người này lại tìm cách củng cố lập luận của bản thân bằng cách dẫn chứng ý kiến của một vài người bạn của anh ta. Sự hoài nghi của chúng ta hướng vào bên nào hoàn toàn phụ thuộc vào việc chúng ta muốn bên nào thắng.
SỰ DỪNG LẠI HOẶC TIẾP TỤC CÓ CHỦ Ý
Chúng ta nên dành bao nhiêu thời gian để tìm kiếm bằng chứng?
Không có một tiêu chuẩn khách quan nào về lượng thời gian hay số nguồn tin để tìm kiếm bằng chứng. Nói vậy có nghĩa là ngay khi tìm được thông tin mà bạn thích, bạn có thể dừng tìm kiếm. Nếu tôi hỏi ý kiến của một người bạn về ý tưởng khởi nghiệp của mình và nhận được câu trả lời rằng ý tưởng đó thật tuyệt vời, tôi có thể xem như mình đã hoàn thành nhiệm vụ thu thập ý kiến. Nhưng nếu người bạn ấy không ủng hộ ý tưởng khởi nghiệp của tôi, có thể tôi sẽ quyết định: “Mình cần hỏi thêm ý kiến của người khác nữa”.
LỢI DỤNG SỰ MƠ HỒ
Những khái niệm như “thành thật” (honest) hay “sáng tạo” (creative) được định nghĩa thế nào?
Nghĩa của từ thường khá mơ hồ, nên chúng ta thường “vô tình” hiểu các từ theo hướng phù hợp với mình nhất. Khi nghĩ xem mình có “thông minh” (intelligent) hay không, có thể tôi sẽ tập trung vào các tiêu chí như “Mình đã đưa ra những lựa chọn sáng suốt trong kinh doanh và chưa từng bị ai lừa gạt”, nhưng bạn thì có thể tập trung vào tiêu chí như “Tôi nằm trong tốp 5% những người có điểm số cao nhất trong kỳ thi toán quốc gia”, và bạn bè của bạn lại có thể nghĩ theo hướng “Tôi đã thiết kế được một trò chơi mà mọi người đều yêu thích”.
Hãy nghĩ về bản thân như một doanh nhân vừa khởi nghiệp, muốn nắm bắt tình hình kinh doanh nhưng đồng thời lại không muốn những con số tiêu cực ảnh hưởng đến tinh thần của mình. Vậy bạn sẽ chọn quan tâm đến những số liệu nào? Thu nhập, lợi nhuận, doanh số, mức độ hài lòng của khách hàng, tỷ lệ chuyển đổi, lượng tiền thu được, hay tỷ lệ phát triển? Đối với mỗi tiêu chí vừa nêu, bạn đều có thể biến nó thành tiêu chí chỉ có nửa phần đáng tin, đồng nghĩa với việc tiềm thức của bạn có thể sẽ tự quy định những số liệu khả quan nhất là số liệu quan trọng nhất.
TUÂN THỦ NGUYÊN TẮC THEO NHU CẦU
Các nguyên tắc nào nên được áp dụng trong những tình huống nhất định?
Hầu như không ai trong chúng ta có thể chủ động đưa ra một bộ nguyên tắc rõ ràng về những gì được xem là hợp lý hay hợp đạo đức… Có rất nhiều nguyên tắc nghe có vẻ rất ấn tượng. Và chúng ta thường vô tình tuân thủ những nguyên tắc có thể củng cố cho quan điểm mình muốn bảo vệ.
Giả sử một vị tổng thống nào đó ký lệnh thông qua một dự luật, nhưng đồng thời cũng tuyên bố rằng ông sẽ không cưỡng chế thi hành tất cả các điều luật trong dự luật đó. Hành động này có hợp lý không? Thực tế thì chuyện hợp lý hay không còn tùy thuộc vị tổng thống đang được nói đến là ai. Nếu đó là George W. Bush thì những người theo Đảng Cộng hòa sẽ nghĩ hành động đó là hợp lý. Nếu đó là Barack Obama thì những người theo Đảng Dân chủ sẽ nghĩ hành động đó là hợp lý.
Quyền quyết định thông qua hôn nhân đồng giới nên thuộc về thẩm quyền của các tiểu bang hay chính phủ liên bang Mỹ? Đây có vẻ là một vấn đề liên quan đến giá trị đạo đức hay pháp lý. Nhưng cũng như những trường hợp khác, chúng ta có thể biện giải cho mọi phương án để ủng hộ cho bất cứ bên nào, và vì thế chúng ta được tự do lựa chọn những gì mình muốn, tùy thuộc vào động cơ của chúng ta. Suốt hai mươi năm qua, khi hôn nhân đồng giới ngày càng được nhiều người ủng hộ thì những người phản đối hôn nhân đồng giới đã chuyển từ ủng hộ quyết định của chính phủ liên bang sang ủng hộ quyết định của tiểu bang; trong khi đó, những người chấp nhận hôn nhân đồng giới thì có xu hướng ngược lại.
Tất cả những điều này xảy ra vì chúng vẫn mang đến cho ta cảm giác khách quan.
Mặc dù mọi người vẫn thường nói chúng ta “chỉ tin điều mình muốn tin”, nhưng chúng ta không thể cứ thế ngẫu nhiên chọn tin tưởng một điều gì đó. Chúng ta muốn mình là người có suy nghĩ hợp lý, hoặc ít nhất là “có vẻ hợp lý”.
Chúng ta không muốn mình là một kẻ định kiến, nông cạn hay ảo tưởng.
Nhưng “có vẻ hợp lý” là một khái niệm có rất nhiều kẽ hở. Có rất nhiều chuẩn mực “có vẻ hợp lý” khác nhau để chúng ta lựa chọn; tương tự, có vô số định nghĩa về sự thông minh cũng như thước đo về sự thành công của một người. Ai trong chúng ta có thể khẳng định mình cần trưng cầu bao nhiêu ý kiến “hợp lý” trước khi đưa ra quyết định về một vấn đề nào đó?
Hãy nhớ rằng lập luận bị động cơ chi phối được hình thành dựa trên sự đối chiếu phản sự thật: bạn sẽ lập luận khác so với những gì lẽ ra bạn sẽ lập luận, nếu bạn có những động lực khác.
Bạn không bao giờ nhận ra mình đang đứng trong một thế giới phản sự thật, nơi bạn có những động lực khác nhau. Và vì thế, bạn không bao giờ nhận ra mình đang lập luận khác đi - tức đang chọn một ngả rẽ khác trong địa đàng quanh co - so với những gì lẽ ra bạn sẽ làm, nếu bạn muốn có một đáp án khác.
GIỚI HẠN CỦA TRÍ TUỆ
Chúng ta thường có xu hướng nghĩ rằng trí tuệ có thể giúp ta lý giải được mọi thứ, nhưng thực tế phức tạp hơn nhiều.
Năng lực tư duy của một người có thể được xác định bằng bài kiểm tra IQ hay các bài kiểm tra tương tự, chẳng hạn như SAT. Những người có năng lực tư duy tốt thường sẽ có nhiều lợi thế trong việc lập luận, ví dụ như có thể nghĩ ra nhiều phương án khả thi hơn. Người có trí tuệ vượt trội sẽ có thể đưa ra những quyết định sáng suốt về các vấn đề liên quan đến phương pháp chữa trị y tế, bằng cách so sánh xác suất thành công và tác dụng phụ của các phương pháp khác nhau.
Những người này cũng giỏi lập luận trừu tượng hơn, nghĩa là họ có khả năng đưa ra những luận điểm trái chiều, áp dụng các giả thuyết hay nhận ra các hàm ý mang tính logic trong một luận điểm, v.v… Do đó, người có trí tuệ vượt trội thường đánh giá khá chính xác về chất lượng của các luận điểm, khi họ muốn.
Tuy nhiên, hãy chú ý lời cảnh báo nho nhỏ trong câu vừa rồi: “khi họ muốn”. Và đó cũng chính là mấu chốt của vấn đề.
Các nhà nghiên cứu đã nhiều lần chỉ ra rằng một khi chúng ta đưa ý thức hệ vào quá trình lập luận - chẳng hạn như cho đối tượng tham gia nghiên cứu động cơ để tư duy theo hướng khác, tùy vào việc họ theo “bên” nào - thì lợi ích của việc sở hữu trí tuệ vượt trội cũng không còn nữa.
Trong một nghiên cứu từng được thực hiện mà đối tượng tham gia nghiên cứu được chia thành hai nhóm, nhóm đầu tiên được cung cấp thông tin sau:
Theo một cuộc khảo sát toàn diện của Bộ Giao thông Hoa Kỳ, khi xảy ra tai nạn giao thông giữa hai xe ô-tô, so với những mẫu ô-tô điển hình dành cho gia đình thì có một mẫu ô-tô của Đức có nguy cơ gây tử vong cho những người ngồi trong chiếc xe còn lại cao gấp tám lần. Bộ Giao thông Hoa Kỳ đang cân nhắc đề nghị cấm bán mẫu xe Đức này.
Sau đó, họ được hỏi có ủng hộ lệnh cấm đó không. 78,4% trong số họ trả lời là có.
Tuy nhiên, nhóm đối tượng nghiên cứu này không biết mẫu “xe Đức” kia thật ra chính là một mẫu xe Mỹ - Ford Explorer. Số liệu thống kê được cung cấp là số liệu thật. Vào thời điểm cuộc khảo sát của Bộ Giao thông Hoa Kỳ được thực hiện, Ford Explorer là dòng xe có mức độ nguy hiểm cao bất thường đối với người ngồi trên những chiếc xe va chạm với nó.
Nhóm đối tượng nghiên cứu còn lại được biết thông tin thật rằng chiếc xe nguy hiểm kia chính là Ford Explorer của Mỹ. Câu hỏi dành cho họ là: “Bạn có nghĩ rằng chính phủ Đức nên cấm bán Ford Explorer trong nước họ không?”. Lần này, chỉ có 51,4% các đối tượng nghiên cứu trong nhóm nghĩ rằng mẫu xe này nên bị cấm bán. Đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy, với tư cách là một tập thể, người ta sẽ áp dụng những tiêu chuẩn để đánh giá một hiệu xe nước ngoài khác với những tiêu chuẩn họ sẽ dùng đối với hiệu xe trong nước.
Và thông qua ví dụ này, tôi muốn đề cập đến một luận điểm vô cùng quan trọng, đó là kết quả không phụ thuộc vào trí tuệ của đối tượng tham gia nghiên cứu. Ở các đối tượng nghiên cứu có trí tuệ trên trung bình, sự chênh lệch - giữa ủng hộ cấm mẫu xe Mỹ và ủng hộ cấm xe Đức - cũng lớn tương đương với sự chênh lệch ở các đối tượng có trí tuệ dưới trung bình.
Trí tuệ sẽ giúp bạn tránh được những sai sót của lối suy nghĩ bất cẩn hay tùy tiện. Nhưng trí tuệ không thể bảo vệ bạn khỏi những sai sót bắt nguồn từ việc không muốn tìm câu trả lời đúng. Và tư duy chiến binh chính là không muốn tìm câu trả lời đúng.
Làm người thông minh có thể khiến mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn.
Thực tế thì vấn đề có thể còn nghiêm trọng hơn thế.
Các nghiên cứu gần đây cho thấy trong những tình huống kích hoạt tư duy chiến binh, trí khôn có thể gây ra tác động ngược. Dan Kahan - một giáo sư của Trường Luật thuộc Đại học Yale (Mỹ), người từng nghiên cứu về tác động của văn hóa lên cách lập luận của chúng ta - đã phát hiện rằng những người có kiến thức khoa học và năng lực phân tích cao nhất lại chính là những người dễ rơi vào cái bẫy của lối lập luận theo động cơ nhất.
Có thể bạn cho rằng những người càng hiểu về khoa học và càng giỏi lập luận theo khoa học thì sẽ càng dễ đồng tình với nhau về một vấn đề mang tính khoa học.
Nhưng sự thật thì không như thế. Khi trình độ khoa học của chúng ta tăng lên, số người theo Đảng Dân chủ tin rằng biến đổi khí hậu là do con người gây ra cũng tăng lên đáng kể, nhưng số người theo Đảng Cộng hòa tin vào quan điểm này lại giảm xuống rõ rệt. Trong số những người có trình độ khoa học cao nhất, 100% người theo Đảng Dân chủ hoàn toàn đồng ý rằng biến đổi khí hậu là do con người gây ra, nhưng chưa tới 20% người theo ở Đảng Cộng hòa tin vào điều này.
Nhiều nhà nghiên cứu khác cũng tìm ra các kết quả tương tự: những người có học vấn và trình độ khoa học cao hơn thường dễ có những quan điểm phân cực hơn, đặc biệt là đối với những vấn đề có liên quan đến tôn giáo và/hoặc chính trị, chẳng hạn như biến đổi khí hậu, tế bào gốc, vụ nổ Big Bang hay sự tiến hóa của loài người.
BIẾT VỀ TƯ DUY CHIẾN BINH KHÔNG GIÚP ÍCH CHO BẠN
Trong vòng mười năm trở lại đây, khái niệm “lập luận theo động cơ” đã dần được sử dụng nhiều hơn trong các cuộc tranh luận xã hội, và thường thì điều này có hại nhiều hơn là lợi. Thay vì khiến mọi người quan tâm hơn đến việc bản thân họ có thường “lập luận theo động cơ” hay không, khái niệm này lại trở thành vũ khí để họ đối phó với những ai có ý kiến trái chiều với mình.
Vấn đề là nếu muốn thì bạn luôn có thể phản bác ý kiến của người khác bằng cách lập luận rằng ý kiến của họ xuất phát từ hệ quả của tư duy chiến binh.
Khi mất kiên nhẫn với những người không tin rằng hiện tượng nóng lên toàn cầu đang diễn ra, bạn có thể quy chụp là những người đó theo đuổi chủ nghĩa tư bản - chế độ kinh tế có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi những quy định liên quan đến khí hậu. Ngược lại, nếu muốn tìm một lý do để bác bỏ quan điểm của những người tin rằng hiện tượng nóng lên toàn cầu là có thật, bạn cũng có thể quy chụp là chủ nghĩa môi trường đang trở thành một “tín ngưỡng” với những tín đồ rất đỗi tự hào nhưng không được phép nghi ngờ.
Nếu động lực của bạn là bảo vệ quan điểm của bản thân và bác bỏ quan điểm của người khác, thì việc biết về những thiên kiến đại loại như tư duy chiến binh có thể sẽ phản tác dụng - giống như cách mà trí tuệ và trình độ khoa học phản tác dụng - vì khi bạn biết về thiên kiến, bạn sẽ dễ dàng thoát khỏi mọi cuộc tranh luận mà bạn không thích.
KIẾN THỨC VÀ LÝ LẼ LÀ CON DAO HAI LƯỠI
Khi mọi người nói về vấn đề của tư duy chiến binh, có một “điệp khúc” thường được họ lặp đi lặp lại: “Giá như người ta có thể sử dụng logic và chứng cứ!”, hoặc “Giá như người ta biết cách lập luận hợp lý!”, hoặc “Chúng ta cần cải thiện chương trình giảng dạy về khoa học và tư duy phản biện!”.
Nhưng một khi đã hiểu về địa đàng quanh co, bạn sẽ dễ dàng nhận ra tại sao những giải pháp nói trên đều không giúp gì được cho chúng ta. Vấn đề không phải là chúng ta dở lập luận. Vấn đề là có quá nhiều cách khác nhau để vận dụng lý lẽ, và chúng ta lại thường tự động chọn cách có thể củng cố cho đáp án mà ta thích.
Nói cách khác, trí tuệ và kiến thức là con dao hai lưỡi. Trí tuệ và kiến thức có thể giúp bạn xây dựng một thế giới đề cao tính chuẩn xác, nếu đó là động lực của bạn. Nhưng đồng thời, nếu động lực của bạn là bảo vệ một nhận định nào đó thì trí tuệ và kiến thức cũng có thể giúp bạn làm việc đó tốt hơn. Trí tuệ có vai trò giống như nhiên liệu, đẩy bạn đi nhanh hơn và xa hơn trên bất kỳ con đường nào bạn chọn - dù con đường đó hướng tới sự thật hay tới kết quả mà bạn muốn.
Sẽ như thế nào nếu động lực của bạn là có được câu trả lời chính xác?
Tiếp theo, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu một hình ảnh trái ngược với chiến binh: lính trinh sát.