L
uân Đôn vào giữa thế kỷ 19 là một nơi đáng sợ. Cứ mỗi vài năm là một đợt dịch tả lại bùng phát, lan khắp thành phố và đồng loạt cướp đi mạng sống của hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người. Bệnh diễn biến rất nhanh. Khi mắc bệnh, những người đang khỏe mạnh chỉ thấy bụng hơi đau, nhưng họ sẽ tử vong trong vòng vài ngày, thậm chí chỉ vài giờ.
Một vị bác sĩ tên John Snow tin rằng ông đã tìm được nguyên nhân gây bệnh. Ông đã viết một quyển sách vào năm 1855 để công bố chi tiết về giả thuyết của mình: thủ phạm gây bệnh chính là những phân tử vô cùng nhỏ mà người dân Luân Đôn đang hấp thụ từ một nguồn nước giếng đã bị ô nhiễm bởi chất thải của con người.
Snow đã đúng. Về sau ông được mọi người ca ngợi vì đã giải quyết được vấn đề và tạo tiền đề cho sự ra đời của lý thuyết mầm bệnh (the germ theory of disease). Nhưng câu chuyện tôi muốn chia sẻ không phải về Snow.
Đây là câu chuyện về một người cùng thời với Snow: Đức cha Henry Whitehead - người sống trong khu Soho nghèo nàn và đông đúc của Luân Đôn. Cha Whitehead được nhiều người dân trong vùng yêu mến, và cha cũng ngày càng lo lắng hơn với những gì mà dịch tả gây ra cho giáo dân của mình.
Cha Whitehead đã đọc quyển sách của Snow, và cha cực kỳ hoài nghi về những lập luận trong sách. Ông thấy không có mối liên quan nào giữa những người mắc bệnh và việc họ uống hay không uống nguồn nước mà Snow cho là đã bị ô nhiễm ở Phố Broad. Whitehead tin chắc là Snow đã sai, và ông đã nói suy nghĩ của mình với Snow.
Nhưng Whitehead muốn chứng minh nhận định đó của mình. Tuy không được đào tạo bài bản về phương pháp nghiên cứu khoa học, nhưng Whitehead là người có tính hiếu kỳ và tư duy hệ thống. Ông quyết tâm tìm hiểu cũng như thu thập dữ liệu. Whitehead đi đến từng nhà và hỏi người thân của những nạn nhân đã qua đời trong trận dịch tả trước đó về nguồn nước uống của họ. Ông thậm chí còn đi ra ngoài thị trấn để tìm kiếm những người từng sinh sống tại Luân Đôn nhưng đã rời đi sau trận dịch đó.
Whitehead vô cùng tỉ mỉ khi hỏi chuyện người khác. Ngay cả khi đã có được những câu trả lời củng cố cho quan điểm của mình, ông vẫn tiếp tục tìm hiểu để chắc chắn đó là sự thật. Nhờ vậy, Whitehead phát hiện đã có một số thông tin sai lệch từ những câu chuyện ông từng nghe kể.
Ví dụ, câu chuyện của một gia đình nọ có vẻ đã chống lại giả thuyết của Snow: không có ai trong gia đình đó bị dịch tả, mặc dù bà mẹ nói rằng cả gia đình họ đều uống nước lấy từ giếng bơm trên phố Broad.
“Ai là người đi lấy nước?”, Whitehead hỏi.
“Con gái tôi”, bà mẹ trả lời.
Whitehead gặp cô con gái để kiểm chứng thông tin.
“Đoạn đường đến chỗ giếng bơm toàn là xe tang, cháu không sợ sao?”, Whitehead hỏi.
“Cháu không đi qua đoạn đường đó”, cô gái đáp.
Hóa ra cô đã ở nhà vì bị cảm lạnh. Whitehead lại hỏi bà mẹ: “Khi con gái của bà không đi lấy nước thì gia đình dùng nước ở đâu?”. Người mẹ nói khi đó họ sẽ sử dụng nước lấy từ một bồn chứa gần nhà. Vậy là một lỗ hổng trong giả thuyết của Snow đã được “vá” lại.
Whitehead không khỏi ngỡ ngàng khi càng tìm được nhiều chứng cứ thì mọi thứ càng có vẻ củng cố cho quan điểm của Snow. Cuối cùng, Whitehead hoàn thành quá trình kiểm chứng và công bố một báo cáo chi tiết về những phát hiện của mình. Trong đó, ông kết luận: “Dù có hơi miễn cưỡng, nhưng sau cùng tôi buộc phải thừa nhận rằng Snow đã đúng”.
Đáng tiếc là Snow qua đời vài năm sau đó. Tuy nhiên, Whitehead đã hạ quyết tâm sẽ thay Snow làm cho lý thuyết mầm bệnh về dịch tả được công nhận.
Dù mục tiêu ban đầu của Whitehead là tìm bằng chứng chứng minh giả thuyết của Snow sai, nhưng cuối cùng Whitehead lại trở thành người công nhận giả thuyết đó. Trải nghiệm này để lại ấn tượng sâu đậm trong tâm trí Whitehead đến mức từ đó về sau, ông luôn treo một bức chân dung của Snow trong phòng làm việc của mình. Whitehead nói ông làm vậy là để tự nhắc nhở bản thân rằng trong bất cứ ngành nghề nào, chúng ta đạt được kết quả cao nhất không phải bằng cách cuống quýt “hoàn thành một việc gì đó”, mà bằng cách kiên nhẫn tìm hiểu những quy luật bất biến của tự nhiên.
TRÁNH TỰ LỪA DỐI BẢN THÂN
Tôi cảm thấy ấn tượng với Whitehead không chỉ vì ông nỗ lực tìm ra nguồn gốc dịch bệnh, mà còn vì ông đã làm tất cả những gì có thể để đảm bảo có được câu trả lời đúng, cho dù ông hoàn toàn có thể dừng cuộc điều tra sau khi nghe được những gì mình muốn nghe và vẫn cảm thấy mình đã làm hết trách nhiệm.
Nhà vật lý Richard Feynman từng có bài phát biểu “Cargo Cult Science” kinh điển vào năm 1974 tại lễ tốt nghiệp của sinh viên Caltech - Viện Công nghệ California. Thông qua bài phát biểu của mình, Feynman đã nói về tầm quan trọng của nỗ lực tránh tự lừa dối bản thân.
Đó là những gì có thể tách ngụy khoa học khỏi khoa học chân chính - nền khoa học có thể tìm ra quy tắc vận hành của vũ trụ và tạo ra những phát minh hữu ích. Đó là đánh giá chính xác những sai lầm có thể có trong các giả thuyết do bản thân đề ra, thừa nhận tất cả các kết quả có được chứ không chỉ những kết quả có lợi, và không dàn dựng các thí nghiệm để đạt được kết quả như mong đợi. Feynman cho rằng thật đáng kinh ngạc khi những nguyên tắc này không hề được truyền đạt rõ ràng đến sinh viên. Thay vào đó, chúng ta lại hy vọng sinh viên có thể tự lĩnh hội theo thời gian.
Trong bài diễn văn của Feynman có một câu nói mà sau này được rất nhiều người biết đến: “Nguyên tắc đầu tiên là đừng tự lừa dối bản thân - và bạn chính là người dễ bị lừa nhất”.
Trong Chương 2, chúng ta đã tìm hiểu tại sao chúng ta lại dễ tự lừa dối bản thân đến thế. Ta đã biết bộ não của mình áp dụng những tiêu chuẩn khác nhau thế nào đối với từng quan điểm hoặc chứng cứ cụ thể, tùy vào việc chúng củng cố cho nhận định nào. Ta cũng biết rằng trong vô thức, chúng ta ít khi xem xét kỹ lưỡng những ý kiến hợp ý mình, thường ngừng tìm hiểu một khi đã nghe được điều mình muốn nghe, có xu hướng sử dụng những nguyên tắc có lợi cho bản thân và lựa chọn các tiêu chí đánh giá sao cho ta có được kết quả phù hợp nhất.
Trong chương này, tôi sẽ giúp bạn hình dung mọi chuyện sẽ thế nào nếu chúng ta có thể phá vỡ những khuynh hướng trên. Mọi chuyện sẽ thế nào nếu chúng ta chỉ đi theo con đường mà các chứng cứ đang hướng đến? Mọi chuyện sẽ thế nào nếu chúng ta ưu tiên có được một tấm bản đồ chính xác hơn là có được kết quả mà mình muốn, và đánh giá các quan điểm dựa trên một tiêu chuẩn nhất quán chứ không phải “tiêu chuẩn kép”?
Tư duy trinh sát không nhất thiết phải là điều gì đó quá xa vời. Ở phần cuối của chương này, bạn sẽ nhận ra vô số ví dụ về việc tìm kiếm sự thật trong đời sống hằng ngày, những việc mà bạn đã rất quen thuộc hoặc đã tự mình trải nghiệm nhiều lần. Nhưng trước hết, tôi sẽ bắt đầu chương này bằng những ví dụ đặc sắc hơn, cho thấy sự tương phản rõ rệt giữa tư duy trinh sát với tư duy chiến binh. Những ví dụ này cũng sẽ làm nổi bật những khía cạnh khác nhau mà tôi muốn bạn lưu ý về tư duy trinh sát.
TẠO ĐIỀU KIỆN ĐỂ SỰ THẬT TÌM ĐẾN BẠN
Trong cuộc Nội chiến Hoa Kỳ, quân đội Liên bang miền Bắc đã bắt giữ một chiếc tàu của Anh chở hai nhà ngoại giao của Liên minh miền Nam và tạm giam hai nhà ngoại giao này. Sự kiện này khiến phe miền Bắc vô cùng phấn khởi, bao gồm cả Tổng thống Lincoln đương nhiệm.
Tuy nhiên, William Seward - một thành viên nội các của Lincoln - lại không cảm thấy vui mừng. Theo Seward nhận định thì bắt giữ hai sĩ quan cấp cao của miền Nam có thể mang lại phần nào lợi thế cho miền Bắc, nhưng hành động này đã vi phạm luật quốc tế. Không những vậy, đây chính xác là những gì người Anh đã làm với tàu của những người đi khai phá vài chục năm trước đó và bị họ kịch liệt phản đối. Sao Liên bang miền Bắc có thể nghiễm nhiên bỏ qua những nguyên tắc cơ bản đã giúp xây dựng thể chế của họ như thế?
Lincoln đã viết một bản dự thảo về quan điểm của Liên bang miền Bắc, theo đó ông từ chối thả hai tù binh kia. Seward viết một bản dự thảo với quan điểm trái ngược có nội dung tuyên bố phóng thích hai tù binh đó và trình lên Lincoln. Sau khi đọc và cân nhắc bản dự thảo của Seward, Lincoln nói với Seward: “Tôi nhận thấy mình không thể đưa ra một quan điểm chỉ để thỏa mãn tâm trí của chính tôi, và điều này cho thấy quan điểm của ông là đúng”.
Về sau, sự kiện này được nhìn nhận là vô cùng quan trọng trong lịch sử Hoa Kỳ. Một sử gia từng viết: “Bản dự thảo của Lincoln có thể khiến nước Anh tuyên chiến với Hoa Kỳ”. Và nếu chuyện đó xảy ra, lợi thế rất có thể đã thuộc về phe miền Nam.
Tinh thần sẵn sàng thay đổi quan điểm cá nhân của Lincoln thật đáng ngưỡng mộ. Nhưng câu chuyện của ông còn cho thấy một nguyên tắc có giá trị lớn hơn, đó là tầm quan trọng của việc tạo điều kiện để sự thật tìm đến bạn, bằng cách tạo ra những “tình thế” giúp bạn dễ dàng thay đổi quan điểm của mình.
Trong trường hợp của Lincoln, tình thế mà ông tạo ra cho bản thân là chủ trương lập nên một ban nội các gồm toàn những người không ngần ngại nêu lên ý kiến trái chiều với ông. Những người này chính là “nhóm đối thủ” nổi tiếng của Lincoln mà chúng ta vẫn thường nghe nhắc đến. Sau khi đắc cử tổng thống năm 1860, Lincoln “lấp đầy” nội các của mình bằng những người vốn là đối thủ cạnh tranh của ông. Trong đó có cả những người căm ghét chiến thắng của Lincoln, những người tự cho mình có thế thượng phong trong cuộc tranh cử và công khai đối đầu với ông.
John Bunn - một người bạn của Lincoln - từng kể về việc ông tình cờ gặp Lincoln không lâu sau cuộc bầu cử và đã bày tỏ sự hoài nghi đối với quyết định đưa người vào nội các của Lincoln. Cuộc đối thoại diễn ra như sau:
Bunn: “Hy vọng anh không định đưa người đó vào nội các”.
Lincoln: “Tại sao anh nói vậy?”.
Bunn: “Gã đó nghĩ anh ta tài giỏi hơn anh nhiều đấy”.
Lincoln: “Vậy ngoài anh ta ra, anh còn biết ai nghĩ họ giỏi hơn tôi không?”.
Bunn: “Có lẽ là không. Nhưng tại sao anh hỏi vậy?”.
Lincoln: “Vì tôi muốn đưa toàn bộ những người đó vào nội các của mình”.
“Tạo điều kiện để sự thật tìm đến bạn” bao gồm rất nhiều thứ. Cách bạn phản ứng với lời chỉ trích hoặc quan điểm bất đồng có vai trò to lớn đối với khả năng bạn sẽ gặp những lời chỉ trích hoặc quan điểm bất đồng khác trong tương lai. Nếu bạn chỉ lo “phòng thủ” hoặc ra sức “tiêu diệt” người truyền thông điệp, thì bạn sẽ khiến người đó không muốn truyền thêm bất kỳ thông tin gì cho bạn trong tương lai nữa.
“Tạo điều kiện để sự thật tìm đến bạn” cũng bao gồm cả cách đặt câu hỏi sao cho bạn có thể khuyến khích người khác nói ra sự thật.
Một người bạn tên Spencer của tôi phải quản lý nhiều đội ngũ nhân viên. Mỗi năm hai lần, Spencer kêu gọi nhân viên điền vào một bảng khảo sát giấu tên để nhận xét về cách quản lý của anh. Theo thời gian, Spencer ngày càng làm tốt công việc của mình; và anh luôn đảm bảo mình sẽ nghe được những lời phê bình cần nghe, nếu có.
Anh đã phát hiện được một phương pháp đặt câu hỏi, đó là nếu hỏi “Thế mạnh của tôi trong vai trò quản lý là gì?” trước tiên, thì nhân viên sẽ cảm thấy thoải mái hơn và sẽ đưa ra câu trả lời cụ thể khi được hỏi “Điểm yếu của tôi trong vai trò quản lý là gì?”. Spencer còn tìm nhiều cách khác nhau để đặt câu hỏi, nhằm làm tăng khả năng nhận được một lời phê bình quan trọng nào đó. Ví dụ, ngoài câu “Điểm yếu của tôi trong vai trò quản lý là gì?”, anh còn hỏi câu “Nếu chỉ được chọn một điểm duy nhất để tôi cải thiện thì điểm đó sẽ là gì?”.
Đối với một người ở cấp lãnh đạo như Spencer, anh ấy có thể chỉ đưa ra một câu hỏi trên phiếu khảo sát và hy vọng không nhận được lời nhận xét nào quá tiêu cực. Thay vì vậy, Spencer đã nỗ lực để tìm cách tối đa hóa cơ hội nghe được những lời phê bình cần nghe, và đây chính là dấu hiệu của lối tư duy được chi phối bởi sự chính xác.
QUAN TÂM ĐẾN SAI LẦM CỦA BẢN THÂN
Vào một sáng thứ Hai, ký giả Bethany Brookshire chuyên viết về đề tài khoa học ngồi vào bàn làm việc và kiểm tra email. Có hai thư phản hồi từ hai nhà khoa học mà cô đã gửi lời mời phỏng vấn. Email của một nữ khoa học gia được mở đầu bằng “Gửi Tiến sĩ Brookshire”; email còn lại của một nam khoa học gia thì ghi “Gửi cô Brookshire”.
Brookshire có bằng tiến sĩ khoa học, và học vị này được ghi rõ trong chữ ký email của cô. Brookshire nghĩ: “Thật thú vị khi nữ khoa học gia công nhận học vị tiến sĩ của mình, còn nam khoa học gia kia thì không”.
Thực tế thì lúc này ngẫm lại, cô mới nhận ra đa số những người gọi cô là “Tiến sĩ” đều là nữ. Cô mở ứng dụng Twitter4 và đăng tweet sau:
4 Twitter là một trang mạng xã hội miễn phí của Mỹ. Twitter cho phép người dùng đăng tải, đọc và chia sẻ các mẩu tin nhỏ được gọi là tweet.
Một ghi nhận vào sáng thứ Hai:
Tôi có ghi học vị “Tiến sĩ” trong chữ ký email của mình. Trên phần chữ ký, tôi chỉ ký “Bethany Brookshire”, thay vì “TS. Bethany Brookshire”. Tôi từng gửi email cho rất nhiều tiến sĩ.
Sau đây là cách họ phản hồi:
Nam: “Gửi Bethany”, hoặc “Xin chào cô Brookshire”.
Nữ: “Xin chào Tiến sĩ Brookshire”.
Tỷ lệ này không phải là 100%, nhưng nó RẤT rõ ràng.
Tweet này của Brookshire nhanh chóng được mọi người chia sẻ. (Ít nhất là so với tweet khác của cô. Tweet này được chia sẻ hơn 2.300 lượt.) Brookshire đã nói đúng nỗi bức xúc của nhiều phụ nữ khác, những người cũng cảm thấy không được tôn trọng đúng mức trong lĩnh vực của mình.
Nhưng khi sự ủng hộ dành cho Brookshire ngày càng tăng lên, cô bắt đầu cảm thấy băn khoăn. Tweet của cô được viết dựa trên ấn tượng trong trí nhớ của cô. Dữ liệu thực tế đang nằm trong hộp thư đến của cô, trong hàng trăm email của các nhà khoa học, cả nam lẫn nữ. Chẳng phải cô nên kiểm tra lại nhận định của mình sao?
Thế là cô kiểm tra lại những email cũ và thống kê số liệu. Và cô nhận ra mình đã sai.
Hóa ra không có sự khác biệt rõ rệt nào giữa nam và nữ khoa học gia trong việc họ có gọi Brookshire là “Tiến sĩ” hay không. Trong số tất cả những người phản hồi email của cô, có 19 người sử dụng kính ngữ. Trong 19 người đó, có 63% là nam. Nói cách khác, có 8% nam khoa học gia gọi Brookshire là “Tiến sĩ” trong email. Tỷ lệ này ở các nữ khoa học gia là 6%. Số liệu này không đủ để rút ra một kết luận chắc chắn nào, nhưng hiển nhiên là nó cũng không củng cố nhận định ban đầu của Brookshire về việc phụ nữ thường gọi cô là “Tiến sĩ” hơn.
Sau đó Brookshire đã đăng một tweet đính chính và chia sẻ kết quả thống kê của mình:
Cập nhật: Tôi đã kiểm tra số liệu thực tế về vấn đề này. Kết quả là… tôi đã sai.
Cần phải nói rõ rằng Brookshire sai không có nghĩa là bất bình đẳng giới không tồn tại trong việc gọi chức danh hay học vị của nam và nữ khoa học gia. Đã có nhiều nghiên cứu cho thấy vai trò của nữ khoa học gia thường bị xem nhẹ; vụ việc của Brookshire không phải là bằng chứng phủ nhận những nghiên cứu đó. Thay vào đó, trường hợp cụ thể này - với riêng Brookshire và việc người ta gọi danh xưng của cô thế nào trong email - chỉ cho thấy ấn tượng của Brookshire về bất bình đẳng giới là sai.
Brookshire chia sẻ: “Tất cả chúng ta đều liên tưởng tới điều gì đó vì nó có vẻ giống với thực tế của chúng ta. Trong nhiều trường hợp, điều đó có thể đúng là thực tế của chúng ta. Nhưng nhận định của tôi về các email mình nhận được là một sai lầm… Tôi cần phải nói cho mọi người biết sự thật. Cho dù tôi có bị mất mặt thì sự thật vẫn quan trọng hơn cảm giác của tôi”.
Brookshire đã cho chúng ta thấy một phẩm chất khác của lính trinh sát, đó là họ muốn biết mình có nhận định sai về một điều gì đó hay không, ngay cả khi họ không nhất thiết phải kiểm tra lại nhận định của mình.
Đa số chúng ta đều tìm cách né tránh việc đó.
Năm 1968, trong quyển sách bán chạy The Population Bomb (tạm dịch: Bùng nổ dân số) của mình, nhà sinh học Paul Ehrlich đã đưa ra cảnh báo rằng trong vòng vài chục năm tiếp theo, dân số ngày càng gia tăng sẽ khiến trái đất cạn kiệt nguồn lực và không thể nuôi sống con người nữa. Ngoài những cảnh báo trong sách, Ehrlich còn có nhiều dự đoán khủng khiếp hơn nữa, trong đó có một nhận định táo bạo được ông đưa ra vào năm 1970: “Nếu là một tay cờ bạc, tôi sẽ cược năm ăn năm thua rằng nước Anh không thể tồn tại đến năm 2000”.
Năm 2014, tờ New York Times hỏi Ehrlich rằng ông có suy nghĩ gì khi nước Anh vẫn còn tồn tại. Trước câu hỏi này, Ehrlich vẫn không thừa nhận là mình đã dự đoán sai:
Gần đây, tôi bị mọi người chỉ trích vì nhiều năm trước tôi đã nói mình sẵn sàng cược rằng nước Anh sẽ không thể tồn tại đến năm 2000. Thực tế thì đúng là nước Anh vẫn còn hiện hữu vào năm 2000. Nhưng từ đó đến nay chỉ mới được mười bốn năm thôi… Một trong những điều mà mọi người không hiểu là cách tính thời gian của một nhà sinh thái học không giống với cách tính thông thường.
Đây là cách né tránh cực kỳ phổ biến. Khi thấy nhận định của mình có nguy cơ bị chứng minh là sai, chúng ta sẽ nói mình đã “gần” đúng. Hoặc chúng ta sẽ giải thích rằng ý của mình vốn dĩ không phải là vậy. Hoặc chúng ta sẽ khẳng định là mình vẫn đúng, chỉ là thời điểm chưa đúng mà thôi. Hoặc chúng ta sẽ dùng bất kỳ cái cớ nào trong vô vàn những cái cớ khác nhau để tránh đối diện với sự thật là mình đã sai.
Cách tiếp cận của lính trinh sát thì ngược lại: giống như Brookshire, lính trinh sát sẽ chủ động xác định sai lầm của mình để tránh phạm sai lầm tương tự trong tương lai.
Nhóm nghiên cứu đầu tư kỳ cựu của Tập đoàn Berkshire Hathaway - được dẫn dắt bởi Warren Buffett và cộng sự Charlie Munger - nổi tiếng là có khả năng tự chỉ ra những sai lầm mà tập đoàn mắc phải. Ví dụ, trong báo cáo gửi đến các cổ đông năm 1989, nhóm nghiên cứu đã trình bày hẳn một phần nội dung dài với tiêu đề “Những sai lầm trong hai mươi lăm năm đầu (Bản tóm tắt)”. Trong bản tóm tắt đó, nhóm nghiên cứu đã liệt kê nhiều sai lầm khác nhau của tập đoàn trong việc đầu tư với giọng văn tích cực nhưng không kém phần nghiêm khắc, bao gồm những gì không nên mua nhưng đã mua, những gì nên mua nhưng lại không mua, những sai lầm mà họ đã mắc phải hết lần này tới lần khác nhưng vẫn không rút kinh nghiệm, hay những nguyên tắc kinh doanh mà họ phải trả giá rất đắt để học.
Trong cuộc họp thường niên của Berkshire năm 2011, Munger chia sẻ: “Tôi biết tôi sẽ làm tốt hơn nếu dám nhìn thẳng vào những sai lầm của mình. Đây là một bí quyết tuyệt vời mà tôi đã học được”.
ĐÁNH GIÁ LẬP LUẬN THEO “ĐỘ ĐÁNG TIN”, THAY VÌ THEO “PHE”
Trong suốt cuộc đời, Barry Goldwater được mọi người đặt cho nhiều biệt danh khác nhau, chẳng hạn như “Ngài Bảo Thủ”, “Cha đẻ của chủ nghĩa bảo thủ hiện đại Mỹ” hay “Người hùng của phong trào bảo thủ Mỹ”. Ông là người cực lực phản đối chủ nghĩa cộng sản, và là người chỉ tin vào mô hình chính phủ quy mô nhỏ cũng như quyền hạn của tiểu bang.
Tuy nhất mực trung thành với chủ nghĩa bảo thủ, nhưng Goldwater không phải là người mù quáng chấp nhận một lập luận nào đó chỉ vì nó có lợi cho phe bảo thủ.
Năm 1994, tổng thống đương nhiệm Bill Clinton lúc bấy giờ đang bị điều tra về những khoản đầu tư đáng ngờ vào Tập đoàn Whitewater Development. Bill Clinton và vợ - Hillary Clinton - bị những người theo Đảng Cộng hòa buộc tội lừa đảo, cũng như có dính dáng đến nhiều hoạt động phạm pháp khác. Khi đó, Goldwater đã là một ông lão tám mươi lăm tuổi, tóc bạc trắng và phải chống gậy khi đi lại, nhưng ông vẫn thức trắng đêm để xem xét kỹ lưỡng vụ việc của Clinton.
Sau đó, Goldwater đã mời nhiều phóng viên đến nhà để ông chia sẻ quan điểm của mình: Đảng Cộng hòa nên từ bỏ vụ kiện này. Ông tuyên bố: “Tôi chưa tìm được thông tin gì cho thấy vụ này đáng để làm to chuyện đến vậy”.
Dĩ nhiên, những gì ông nói đã khiến các thành viên Đảng Cộng hòa cảm thấy không hài lòng chút nào. Trụ sở chính của Đảng Cộng hòa và các chương trình mạn đàm địa phương nhận được hàng loạt cuộc gọi bày tỏ sự phẫn nộ. Một người dẫn chương trình theo chủ nghĩa bảo thủ đã lên tiếng phê bình: “Goldwater phải biết là khi đảng phái của bạn đã quyết tâm điều tra và sắp bắt được kẻ có tội, thì bạn không nên bảo họ dừng lại”.
Goldwater đã thẳng thừng đáp lại lời phê bình đó: “Còn điều mà anh phải biết chính là tôi không quan tâm những gì anh biết”.
Tư duy trinh sát là đánh giá các nhận định và chứng cứ dựa vào “độ đáng tin” của chúng, bất kể chúng mang lại lợi ích cho “phe” nào. Nguyên tắc này trái ngược với những gì chúng ta đã biết về tư duy chiến binh - lối tư duy khiến chúng ta (vô thức) hỏi “Mình có thể chấp nhận điều này không?” đối với những lập luận chúng ta thích, và “Mình có buộc phải chấp nhận điều này không?” đối với những lập luận chúng ta không thích.
Bạn có thể gọi nguyên tắc này là công bằng, tức là áp dụng cùng một tiêu chuẩn đánh giá cho tất cả các chứng cứ, dù chứng cứ đó củng cố quan điểm bạn thích hay quan điểm bạn không thích. Công bằng là bác bỏ những lập luận bất hợp lý và chấp nhận những lập luận hợp lý, bất kể lập luận đó xuất phát từ “phe” nào.
Mọi người thường hiểu sai rằng công bằng sẽ tạo ra sự cân bằng giả tạo, nghĩa là bạn phải có cách nhìn nhận tương đối trong mọi vấn đề và có những kết luận mang tính dung hòa như “Cả hai quan điểm đều có giá trị”.
Tuy nhiên, sẽ không có sự cân bằng giả tạo, nếu bạn thật sự công bằng. Lập luận bị chi phối bởi sự chính xác nghĩa là cảm thấy phân vân trước những vấn đề chưa có đủ chứng cứ để phân định đúng sai. Nhưng trong một số trường hợp, một bên rõ ràng là đúng và bên còn lại rõ ràng là sai, và nếu bạn thật sự toàn tâm toàn ý tìm kiếm sự thật thì bạn sẽ dễ dàng nhận ra điều đó. Nói cách khác, công bằng không có nghĩa là “Cả hai bên đều có phần đúng”, mà là “Tôi muốn áp dụng cùng một tiêu chuẩn đánh giá cho cả hai bên để xác định bên nào đúng hơn”.
Sau đây là một ví dụ khác về chính trị, lần này là về Đảng Dân chủ.
Barack Obama hầu như không có bất kỳ lý do nào để “thích” anh em nhà Koch. Hai người này đã góp hàng triệu đô-la cho các đối thủ chính trị của Obama để họ tìm cách đánh bại ông. Quan điểm chính trị của anh em nhà Koch và Obama cũng có rất nhiều điểm bất đồng. Dù vậy, khi phát biểu tại Hiệp hội Quốc gia vì sự phát triển của người da màu (NAACP - National Association for the Advancement of Colored People), Obama đã ca ngợi anh em nhà Koch về lập trường của họ trong cuộc cải cách án tù ở Mỹ. Khán giả bên dưới tỏ vẻ hoài nghi, nhưng Obama vẫn khẳng định: “Tôi nói thật đấy, mọi người nên công nhận điểm tốt của họ. Chúng ta thấy thế nào thì phải nói đúng như vậy”.
Trong giai đoạn phải đối mặt với nhiều vấn đề về ngoại giao với Iran, Obama cũng từng ca ngợi người hùng cánh hữu5 Ronald Reagan. Obama nói ông ngưỡng mộ Reagan vì tinh thần thực tế và thái độ sẵn sàng đàm phán với Liên Xô.
5 Cánh hữu là một cách gọi khác để chỉ Đảng Cộng hòa; tương tự, cánh tả để chỉ Đảng Dân chủ.
(Đáng tiếc là khi đưa tin về phát ngôn đó của Obama, nhiều kênh tin tức dường như chỉ có thể nhìn nhận phát ngôn đó dưới lăng kính phe phái. Một nhà báo nhận định: “Để bảo vệ cho thỏa thuận hạt nhân với Iran, Tổng thống Obama và một số người ủng hộ ông bỗng trở thành người ủng hộ Ronald Reagan”. Một nhà báo khác giật tít: “Obama chế nhạo Đảng Cộng hòa về thỏa thuận với Iran bằng cách so sánh mình với Reagan”. Tôi nghĩ một khi đã quá quen với tư duy chiến binh, chúng ta rất khó chấp nhận khi thấy người khác có tư duy trinh sát.)
NHỮNG NHÀ DỰ BÁO ĐẠI TÀI
Nhà khoa học chính trị Philip Tetlock đã dành gần hai mươi năm để đánh giá khả năng của con người trong việc dự báo các sự kiện xảy ra trên toàn thế giới. Kết quả… rất đáng thất vọng. Ngay cả những người được gọi là chuyên gia cũng không đưa ra được những dự đoán chính xác, mà chủ yếu vẫn dựa vào may rủi. Nói theo cách của Tetlock, các chuyên gia này dự đoán “chính xác cỡ một con khỉ phóng phi tiêu”.
Sau nhiều năm quan sát, Tetlock nhận thấy vấn đề mà các nhà dự báo trong nghiên cứu của ông gặp phải là sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm: tự tin thái quá, trả lời theo phản xạ và không chịu thừa nhận sai lầm của bản thân. Ngay cả khi một dự báo của họ được chứng minh rõ ràng là sai, những chuyên gia này vẫn có thể viện một lý do nào đó để biện giải rằng họ không “thật sự” sai - giống như Paul Ehrlich không thừa nhận mình đã dự đoán sai về những thảm họa trong tương lai - và vì thế, họ không bao giờ rút ra được bài học kinh nghiệm cho mình.
Nhưng cũng có trường hợp ngoại lệ. Trong số những người nghiệp dư, có một nhóm nhỏ có kỹ năng dự báo đặc biệt tốt, đến mức họ đã vượt qua cả các chuyên gia phân tích của CIA 6 suốt nhiều năm liền, và đưa ra những phán đoán cực kỳ chính xác về các sự kiện trên thế giới, chẳng hạn như chuyện Bashar al-Assad có làm Tổng thống Syria đến 31/01/2012 hay không.
6 CIA là từ viết tắt của Central Intelligence Agency, tức Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ.
Tetlock gọi những người trong nhóm nghiệp dư đó là những “nhà dự báo đại tài” (superforcaster).
Vậy họ đã làm đúng những gì? Họ là người thông minh, đó là điều chắc chắn. Nhưng đối thủ của họ cũng thế. Bạn không thể trở thành giáo sư hoặc chuyên gia phân tích của CIA nếu không có tư duy sắc bén. Những nhà dự báo đại tài này không biết nhiều hơn những người khác. Họ hầu hết là những nhà dự báo nghiệp dư - những dược sĩ hoặc nhân viên đã về hưu - và chưa từng đưa ra dự đoán về những chủ đề như tình hình chính trị Syria. Khi muốn tìm hiểu về một chủ đề nào đó trước khi đưa ra dự đoán, họ cũng dùng Google để tra cứu như chúng ta.
Điều khiến những nhà dự báo đại tài này tạo ra sự khác biệt - bí quyết tạo nên thành công đột phá - chính là động cơ của họ.
Họ vui vẻ thừa nhận sai lầm của mình cho những dự báo đã qua, nhờ đó họ có thể học hỏi và tiến bộ theo thời gian. Họ háo hức đón nhận mọi thông tin và không thiên vị bất kỳ hệ tư tưởng nào, nhờ đó họ có thể thu thập thông tin từ nhiều người với nhiều góc độ khác nhau. Ở họ, động cơ phác họa một bức tranh chính xác về thực tế mạnh mẽ hơn động cơ bảo vệ niềm tin của bản thân. Nói tóm lại, họ chính là lính trinh sát.
Về sau, Tetlock đã viết quyển Superforecasting (Siêu dự báo) nói về những kết quả đột phá mà ông ghi nhận được. Trong sách, ông giải thích:
Một người giỏi giải quyết vấn đề có thể sẽ có những kỹ năng thô cần thiết để đưa ra dự báo. Nhưng nếu anh ta không mảy may hoài nghi những niềm tin cơ bản gắn liền với cảm xúc của bản thân, thì anh ta sẽ bất lợi hơn khi so với một người kém thông minh hơn nhưng có khả năng tư duy phản biện cao hơn mình. Sở hữu kỹ năng phân tích thô không phải là điều quan trọng nhất. Bạn làm gì với những kỹ năng mình sở hữu mới là điều quan trọng nhất.
TƯ DUY TRINH SÁT TRONG CUỘC SỐNG HẰNG NGÀY
Những ví dụ tôi nêu ra trong chương này minh họa rõ nét cho tư duy trinh sát - được thể hiện qua cách một người có khả năng thay đổi suy nghĩ của mình, bày tỏ quan điểm bất đồng hoặc có khả năng hiệu chuẩn tốt, trong những tình huống mà những người bình thường khác thường không làm được.
Nhưng hãy nhớ rằng tư duy trinh sát cũng có thể được áp dụng trong các tình huống thường ngày của cuộc sống.
Hãy hình dung bạn đang cố tìm xe của mình trong bãi đậu xe. Có thể bạn sẽ áp dụng một số kiểu tư duy trinh sát như: cân nhắc các giả thuyết khác nhau (“Có khi nào mình đi nhầm bãi xe rồi không?”); thay đổi một giả định nào đó hoặc điều chỉnh mức độ chắc chắn của mình về giả định đó (“Có lẽ mình đã chạy lên bãi xe tầng hai chứ không phải tầng một”); tham khảo ý kiến của người khác (“Em yêu, em có chắc là chúng ta đã đậu xe ở bãi này không?”).
Sau tất cả những cuộc bàn luận về sự phi lý, thiên kiến và lập luận bị chi phối bởi động cơ của con người, chúng ta dễ quên mất một sự thật: chúng ta là những người lính trinh sát cừ khôi khi chúng ta muốn. Trong vô số những tình huống hằng ngày - chẳng hạn như xác định xem mình đã đậu xe ở đâu - tinh thần tìm kiếm sự thật của chúng ta trỗi dậy một cách tự nhiên. Khi nấu ăn, bạn sử dụng tư duy trinh sát để cân nhắc xem thêm muối vào sẽ làm món ăn ngon hơn hay dở đi. Khi tìm mua nhà, bạn xem xét nhiều ngôi nhà khác nhau và kiểm tra nhiều nguồn thông tin. Khi di chuyển trong thành phố của mình, bạn sẽ chủ động đánh giá liệu một khu vực nào đó có đủ an toàn để đi bộ một mình hay không, hoặc xe buýt có thường chạy đúng giờ không.
Có tinh thần tìm kiếm sự thật không có nghĩa là chúng ta luôn có thể tìm ra sự thật. Ngay cả khi ưu tiên tìm kiếm sự chính xác, chúng ta vẫn thường mắc sai lầm, hoặc do không đủ may mắn, hoặc đơn giản là không có đủ thông tin để tìm được câu trả lời cần tìm. Tuy vậy, rõ ràng là trong nhiều tình huống diễn ra trong cuộc sống hằng ngày, tâm trí của chúng ta tự động cố tìm kiếm sự chính xác, thay vì cố bảo vệ cho một quan điểm nào đó.
Ngẫm lại thì không có gì đáng ngạc nhiên. Hoàn toàn hợp lý khi trong quá trình tiến hóa, con người chúng ta đã phát triển khả năng tìm kiếm thông tin, thay đổi quan điểm, hay nhận ra những điều chưa chắc chắn… Tổ tiên của chúng ta sẽ không thể sống sót nếu không có niềm tin chính xác về nơi nào có thú dữ, loài thực vật nào có độc và loài nào có thể ăn, làm thế nào để tìm nơi trú ẩn, hay ai trong bộ tộc là người đáng tin…
Nhiều người tin rằng năng lực dự đoán - khả năng phán đoán về những gì có thể xảy ra - chính là lý do vì sao con người có thể thành công. Năng lực này có lẽ đã vô cùng hữu dụng đối với tổ tiên của chúng ta, đặc biệt khi họ thay đổi môi trường sống và phải đối mặt với những nguy cơ cũng như có được những cơ hội mà trước đó họ chưa từng có. Dĩ nhiên, các phán đoán của chúng ta chỉ có ích khi nó được đưa ra dựa trên tình hình thực tế. Nếu chúng ta nhìn thấy một con gấu và mong rằng nó sẽ trở thành bạn tốt của ta, thì suy nghĩ đó có thể khiến chúng ta cảm thấy vui vẻ, nhưng niềm vui đó sẽ sớm kết thúc.
Quan điểm về khả năng nhận thức của con người mà tôi vừa đề cập đã phần nào làm sáng tỏ một câu chuyện thần thoại.
Trong thần thoại Hy Lạp, có một câu chuyện kể về Prometheus - một titan khổng lồ đã trộm lửa từ các vị thần để trao cho loài người khi thấy họ phải đấu tranh để sinh tồn trong một thế giới không có tình thương. Cái giá mà Prometheus phải trả cho hành động của mình là bị các thần trừng phạt bằng khổ hình. Nhưng ngọn lửa mà ông ban tặng đã giúp loài người tồn tại và xây dựng nên nền văn minh vĩ đại.
Có thể nhiều người đã nghe qua câu chuyện này, nhưng tôi nghĩ không mấy ai trong số họ biết được cái tên Prometheus có nghĩa là “phán đoán”. Chính khả năng phán đoán - đưa ra những dự đoán chính xác về tương lai - đã giúp con người từ những sinh vật chỉ đấu tranh để sinh tồn trở thành kẻ thống trị Trái đất.
Trong những chương trước, tôi đã phác họa hai mặt đối lập trong nhận thức của con người, cả hai đều được khắc sâu trong tâm trí chúng ta: tư duy chiến binh (động lực thúc đẩy chúng ta bảo vệ một quan điểm nào đó theo ý mình), và tư duy trinh sát (động lực thúc đẩy chúng ta nỗ lực tạo ra bức tranh chính xác nhất về hiện thực).
Giờ là lúc chúng ta xếp tất cả các mảnh ghép lại với nhau và hỏi: “Tại sao đôi khi chúng ta là chiến binh, đôi khi lại là lính trinh sát?”.