K
hi mới bắt đầu tìm hiểu để viết quyển sách này, tôi không khỏi ngạc nhiên trước phản ứng của một vài doanh nhân ở Thung lũng Silicon. Những cuộc trò chuyện giữa tôi với các doanh nhân này đại loại diễn ra như sau:
“Tôi đang viết một quyển sách về cách nhận định chính xác về thế giới…”, tôi mở lời.
“Ôi, cô không cần phải có nhận định chính xác đâu. Cô phải tin tưởng bản thân 100% chứ.”
Không lâu sau đó, tôi có dịp ăn tối cùng các nhà môi giới chứng khoán. Họ hỏi tôi về quyển sách tôi đang viết. Lần này, rút kinh nghiệm từ những cuộc trò chuyện trước, tôi đã điều chỉnh cách trả lời của mình để tránh bị người đối diện lập tức bác bỏ luận điểm cốt lõi của quyển sách.
Tôi nói: “Tôi đang viết một quyển sách về lý do vì sao chúng ta nên có cái nhìn chính xác về thế giới, bất kể những gì người khác nghĩ…”.
Các thương nhân kinh ngạc hỏi lại: “Khoan đã, chẳng lẽ lại có người nghĩ chúng ta không nên có cái nhìn chính xác về thế giới sao? Người đó là ai vậy? Thật lạ khi họ nghĩ như thế!”.
Sau những cuộc trò chuyện đầy bất ngờ đó, tôi nhận ra những tình huống khác nhau mà doanh nhân và nhà môi giới phải đối mặt khiến thái độ của họ đối với sự thật cũng rất khác nhau.
Sự thành công của nhà môi giới hoàn toàn phụ thuộc vào nhận định của họ. Những gì nên mua, thời điểm nào nên bán, mức độ hiểu biết về rủi ro liên quan đến một tài sản nào đó, độ ổn định của thị trường… Độ chính xác trong nhận định của họ về tất cả những yếu tố này và vô số những yếu tố khác sẽ định đoạt việc họ có kiếm được lợi nhuận hay không.
Ngược lại, so với các nhà môi giới, sự thành công của doanh nhân ít phụ thuộc vào nhận định mà phụ thuộc nhiều vào khả năng thuyết phục của họ. Doanh nhân cần thuyết phục nhân tài gia nhập công ty, thuyết phục nhân viên hiện tại tiếp tục trung thành và cống hiến, thuyết phục các nhà đầu tư tin tưởng họ và thuyết phục công chúng sử dụng sản phẩm của họ. Bạn buộc phải tin rằng mọi thứ thật tuyệt vời thì mới có thể dễ dàng thuyết phục người khác tin theo.
Vậy nên, không có gì đáng ngạc nhiên khi các doanh nhân vẫn thường có vẻ tự tin thái quá về khả năng thành công của họ. Trong một cuộc khảo sát năm 1988, ba ngàn doanh nhân đã được hỏi: “Khả năng thành công của công ty anh/chị là bao nhiêu?”. Kết quả, cứ ba người thì có một người khẳng định xác suất thành công của họ là 100%. Đó là một tuyên bố khiến người nghe không khỏi nghi ngờ, không phải vì phần lớn các công ty khởi nghiệp đều thất bại, mà vì tuyên bố này còn cho thấy các doanh nhân tin rằng mình sẽ thành công hệt như tin rằng ngày mai mặt trời sẽ mọc vậy.
(Dĩ nhiên, các doanh nhân cũng phải đưa ra rất nhiều quyết định khác nhau. Và khi bị hỏi dồn, họ cũng thừa nhận niềm tin chính xác có vai trò rất quan trọng trong nhiều trường hợp. Đó chỉ không phải là phản ứng đầu tiên của họ mà thôi.)
CHÚNG TA CHUYỂN ĐỔI LIÊN TỤC GIỮA TƯ DUY CHIẾN BINH VÀ TƯ DUY TRINH SÁT
Khi nghe tôi giải thích về tư duy chiến binh và tư duy trinh sát, mọi người thường nói: “Tôi là lính trinh sát, còn đồng nghiệp/người nhà/người quen của tôi là chiến binh”.
Nhưng “lính trinh sát” hay “chiến binh” không thật sự tồn tại. (Mặc dù đây là hai khái niệm tôi sử dụng, nhằm mục đích ẩn dụ.) Tất cả chúng ta đều là sự pha trộn của cả hai hình ảnh này, tùy từng hoàn cảnh cụ thể. Việc chúng ta đang “bật” chế độ tư duy nào trong một tình huống nhất định hoàn toàn phụ thuộc vào một nguyên tắc cơ bản, đó là giữa tin vào những gì thật sự diễn ra và bảo vệ một niềm tin nhất định, động lực nào đang thúc đẩy ta mạnh mẽ hơn?
Nếu để ý, bạn sẽ nhận thấy mức độ áp dụng tư duy trinh sát của bạn có thể thay đổi theo từng phút, khi động lực thúc đẩy bạn trong tình huống đó thay đổi. Ví dụ, hãy tưởng tượng bạn đang trò chuyện với người thân của mình về tình hình hoạt động của công ty. Bạn thẳng thắn bày tỏ những hoài nghi và nỗi lo của mình, còn người thân của bạn thì giúp bạn có thể cởi mở tâm sự.
Giờ hãy hình dung một tuần sau đó, bạn đang ở văn phòng, và một đồng nghiệp đang chỉ trích các quyết định của bạn. Người đó nói: “Lẽ ra chúng ta không nên tăng trưởng nhanh đến thế này! Đây là một sai lầm nghiêm trọng”. Lúc này, bộ não của bạn sẽ tự động đưa ra những lời biện minh và phủ nhận.
Vì hoàn cảnh lúc này đã khác và có những động lực thúc đẩy khác - động lực quan trọng nhất tại thời điểm này là “Bảo vệ hình tượng một nhà lãnh đạo tốt và thông minh của bản thân” - nên não bộ của bạn sẽ chuyển sang chế độ chiến binh, nỗ lực tìm kiếm những lập luận có lợi và phù hợp với chiến lược hiện tại.
Ta có thể lấy một ví dụ khác. Giả sử một người bạn của bạn đang cảm thấy thất vọng về công ty cung ứng thức ăn của cô ấy. Bạn lên tiếng an ủi: “Cậu là người có năng lực mà! Việc kinh doanh chưa tốt là vì cậu mới bắt đầu đó thôi! Ai cũng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng trong thời gian đầu mà!”.
Bạn không hề nói dối; bạn thật sự tin những gì mình nói.
Nhưng rồi cô ấy hỏi: “Cậu có thể giới thiệu dịch vụ của mình cho bạn bè của cậu không?”.
Bỗng nhiên bạn nhận ra bạn không thật sự tin những gì mình vừa nói. Bạn không chắc liệu cô bạn của mình có phải là một nhà cung cấp dịch vụ ăn uống tốt hay không. Bạn nhớ đã từng nghe cô ấy kể về những lần trễ hẹn hợp đồng hay không theo sát quá trình thực hiện hợp đồng từ đầu đến cuối… Bạn bắt đầu lo lắng về việc bảo đảm cho cô ấy trước bạn bè của bạn.
Một phút trước đó, tất cả những thông tin tiêu cực này đều không quan trọng với bạn, vì khi đó bộ não của bạn đang theo đuổi mục tiêu “an ủi bạn mình, một cách thật thuyết phục”. Chỉ khi bạn thấy cái giá phải trả - hậu quả bạn phải gánh nếu đoán sai về năng lực làm việc của cô bạn mình - thì bộ não của bạn mới chuyển sang mục tiêu mới, đó là “xác định xem bạn mình có giỏi đến mức mình có thể giới thiệu với các mối quan hệ khác của mình không”.
ĐỘNG LỰC CỦA CHIẾN BINH VÀ LÍNH TRINH SÁT
Thật sự thì một số người thường sẽ có khuynh hướng theo đuổi sự thật trong những tình huống mà nhiều người khác thường không làm vậy. Những người được đề cập trong chương trước - Picquart, Vesalius, Lincoln, Brookshire hay các nhà dự báo đại tài chẳng hạn - là những ví dụ nổi bật, đại diện cho những người thường sẽ áp dụng tư duy trinh sát trong các tình huống mà đa số mọi người đều chọn tư duy chiến binh.
Nhưng với một người bất kỳ, có rất nhiều yếu tố tác động đến mức độ họ áp dụng tư duy chiến binh hay lính trinh sát, tùy từng hoàn cảnh cụ thể. Dường như tiềm thức của chúng ta luôn cân nhắc các động lực của chiến binh và của lính trinh sát, đồng thời phân tích sơ bộ về lợi-hại của các động lực đó để so sánh xem ta sẽ được những lợi ích gì khi giữ vững một quan điểm bất chấp sự thật với khi ta nỗ lực tìm kiếm sự thật.
Trong các chương sau, chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ hơn về các động lực khác nhau, thúc đẩy chúng ta đến với tư duy trinh sát hoặc tư duy chiến binh. Nhưng trước hết, hãy cùng điểm sơ qua các động lực này: Tính tuyên truyền, Tinh thần, Hệ quả, Trách nhiệm và Tính hiếu kỳ.
ĐỘNG LỰC CỦA CHIẾN BINH: TÍNH TUYÊN TRUYỀN
Như những gì chúng ta đã tìm hiểu về thuyết “cỗ máy tuyên truyền” ở Chương 2, chúng ta thường vô thức bảo vệ những quan điểm giúp ta thể hiện với người khác những phẩm chất mình muốn có.
Càng cảm thấy nên đồng thuận với người khác về một quan điểm nào đó, chúng ta càng có khuynh hướng đề cao người đó hoặc điều chỉnh quan điểm của mình cho phù hợp với họ.
Càng có lợi khi thuyết phục người khác tin tưởng một điều gì đó, chính chúng ta sẽ càng có động lực để tin tưởng vào điều đó. Ví dụ, so với các nhà khoa học độc lập, những chuyên gia được các hãng dược phẩm thuê để nghiên cứu về một loại thuốc nhất định thường ít đưa ra kết luận bất lợi cho loại thuốc đó. (Như những gì nhà báo Upton Sinclair từng nhận định: “Thật khó để người ta hiểu điều gì đó khi họ được trả lương để không hiểu”.)
Càng công khai thể hiện niềm tin đối với một quan điểm nhất định, chúng ta càng có động lực để tiếp tục tin tưởng quan điểm đó. Nếu từng tiếp xúc với những người bán hàng quá năng nổ, bạn sẽ thấy họ rất thường lợi dụng điều này. Để mở đầu, họ sẽ hỏi: “Bạn có nghĩ mình là một người ủng hộ nghệ thuật không?”. Nếu bạn nói có, họ sẽ dễ dàng bán được cho bạn một sản phẩm nào đó họ đang chào mời có-liên-quan-một-cách-mơ-hồ-với-nghệ-thuật. Nguyên nhân là vì bạn bị thôi thúc phải thể hiện đúng với những gì bạn đã nói trước đó.
ĐỘNG LỰC CỦA CHIẾN BINH: TINH THẦN
Như những gì đã tìm hiểu trong Chương 2, chúng ta biết rằng thật khó để xác định lý do vì sao ta luôn cố gắng tìm cách để bảo vệ tinh thần của mình. Có phải vì mục tiêu của tư duy chiến binh là đảm bảo sức khỏe tinh thần của chúng ta, như giả thuyết “hệ miễn dịch” đã nhắc tới? Có phải vì khi có tinh thần tốt thì chúng ta sẽ dễ dàng thể hiện cho người khác thấy những phẩm chất mình muốn có, như giả thuyết “cỗ máy tuyên truyền” đã nói đến? Hay đơn giản chỉ vì chúng ta có thể và sẽ cảm thấy vui vẻ khi bảo vệ tinh thần của mình, như giả thuyết “tự thỏa mãn” đã đề cập? Bất kể nguyên nhân là gì, không thể phủ nhận rằng chúng ta rất thường bảo vệ tinh thần của mình, và đây là một động lực thường thấy của tư duy chiến binh.
Đặc điểm tính cách nào càng quan trọng với tinh thần của chúng ta, đặc điểm tính cách đó càng được chúng ta tự củng cố. Những người tin rằng tính hướng ngoại có vai trò quan trọng đối với sự thành công của bản thân thường sẽ dễ tự nhận mình là người hướng ngoại; tương tự đối với tính hướng nội.
Càng không mong đợi một tin tức nào đó, chúng ta sẽ càng né tránh tin tức đó. So với những phụ nữ có các triệu chứng ung thư vú không đổi hoặc có cải thiện, những người có triệu chứng càng nặng sẽ càng trì hoãn ngày khám chữa bệnh của mình.
Khi tiếp nhận thông tin, càng không thích thông tin đó, chúng ta sẽ càng xem xét nó kỹ lưỡng hơn. Trong số những người được yêu cầu đánh giá một nghiên cứu nói về tác hại của caffeine đối với sức khỏe về lâu dài, người thích uống cà phê sẽ có nhiều hoài nghi hơn và tìm cách bắt bẻ phương pháp luận của nghiên cứu đó.
Càng gắn giá trị của bản thân với một nhóm cụ thể (chính trị, văn hóa...), chúng ta sẽ càng có động cơ để tin tưởng vào những điều tốt đẹp về nhóm đó. Trong Chương 12, bạn sẽ thấy những người càng tự cho mình là “game thủ” sẽ càng phủ nhận các bằng chứng về tác hại của việc chơi game, những người càng tự nhận mình là tín đồ Thiên Chúa giáo sẽ càng bác bỏ bằng chứng phạm tội của linh mục, và nhiều trường hợp tương tự như thế.
ĐỘNG LỰC CỦA LÍNH TRINH SÁT: HỆ QUẢ
Trong chương trước, tôi đã nói về tư duy trinh sát trong đời sống hằng ngày. Theo bản năng, chúng ta thường đặt mục tiêu hướng đến sự chính xác, và thường sẽ đạt được mục tiêu đó trong hầu hết các hoạt động thường ngày, từ việc quyết định nên bắt chuyến xe buýt nào, chọn ăn tối ở nhà hàng nào, đến việc tìm hiểu vì sao lỗ thoát nước trong phòng tắm bị tắc nghẽn. Trong những tình huống đó và nhiều tình huống đời thường khác, sự chính xác mang lại cho chúng ta những lợi ích thiết thực. Chúng ta có thể đến cuộc họp đúng giờ; chúng ta có bữa tối ngon miệng; chúng ta có một phòng tắm không bị ứ đọng nước.
Đây chính là lý do vì sao chúng ta phát triển tư duy trinh sát: đưa ra nhận định chính xác hơn về những gì có thể tác động đến chất lượng cuộc sống của bản thân. Trong các tình huống kể trên, với những hệ quả rõ ràng khi có hoặc không có sự chính xác, tư duy trinh sát được vận dụng theo bản năng. Chúng ta tự động tìm kiếm thông tin liên quan, cân nhắc các tình huống khả dĩ khác nhau, cởi mở và sẵn sàng thay đổi suy nghĩ của mình.
Khi tất cả các yếu tố khác đều như nhau, nếu càng nhận định mình có thể sử dụng được một thông tin nào đó, chúng ta sẽ càng áp dụng tư duy trinh sát đối với thông tin đó.
Chúng ta thường không muốn tìm hiểu thông tin chính xác về bệnh tình không mấy khả quan của mình. Nhưng đối với thông tin càng có tính khả thi cao - nghĩa là ta càng tin bản thân có thể biến thông tin đó thành hành động để cải thiện bệnh tình của mình - thì chúng ta sẽ càng có động lực để tìm kiếm thông tin đó.
Đặc điểm tính cách cũng tương tự như thế. Khi càng tin rằng một đặc điểm tính cách quan trọng nào đó là có thể điều chỉnh được, chúng ta càng có động lực để tìm kiếm những lời góp ý thật lòng của người khác về tính cách của mình. (Và nếu tin rằng một đặc điểm tính cách nào đó là không thể điều chỉnh được, thì chúng ta sẽ chỉ tìm kiếm những nhận xét tích cực về tính cách đó mà thôi.)
Thường thì khả năng tư duy trinh sát của chúng ta sẽ tăng lên, khi ta thấy được phần thưởng của sự chính xác và hệ quả nếu phạm sai lầm. Điều này đúng trong cả môi trường nghiên cứu lẫn ở đời thường, ví dụ như mức độ chính xác của nhân viên tín dụng sẽ tăng lên nếu họ được thưởng tiền mỗi khi chọn đúng người phù hợp để cho vay.
ĐỘNG LỰC CỦA LÍNH TRINH SÁT: TRÁCH NHIỆM
Phu nhân Catherine de Bourgh - một nhân vật trong tiểu thuyết Pride and Prejudice (Kiêu hãnh và Định kiến) của Jane Austen - là một phụ nữ có bản tính ái kỷ ngày càng ăn sâu vào tính cách của mình, bởi lời tâng bốc của những kẻ nịnh hót luôn vây quanh bà. Có lần trong lúc khách khứa đang đánh đàn dương cầm, bà kiêu hãnh nói: “Nếu được học đàn thì có lẽ bây giờ ta đã là một nhạc công tài giỏi”.
Thật khó để có thể tìm được một lời tuyên bố nào ít bị ràng buộc bởi trách nhiệm hơn thế! Chỉ cần Catherine không bao giờ học đàn thì không ai có thể chứng minh bà sai.
Trong các nghiên cứu về khoa học nhận thức cũng có xuất hiện điều tương tự, chúng ta có thể tạm gọi đó là “hiệu ứng Phu nhân Catherine”. Khi nghĩ rằng không ai có thể phát hiện những gì chúng ta nói là đúng hay sai, ta sẽ thoải mái đưa ra những quan điểm tự mãn và thiếu thực tế. Ví dụ, trong một nghiên cứu, các sinh viên được hỏi về khả năng họ sẽ giành chiến thắng trong trò truy tìm kho báu. Các sinh viên được tác động để tin rằng đó chỉ là một câu hỏi giả định và họ không nhất thiết phải tham gia trò chơi đã đánh giá khả năng chiến thắng của họ cao hơn 50% so với thực tế. Trong khi đó, những sinh viên biết họ phải tham gia trò chơi đã đưa ra những dự đoán chính xác hơn về khả năng chiến thắng của mình.
Tóm lại, khi tất cả các yếu tố khác đều như nhau, nếu người khác càng có khả năng biết được sự thật trong lời nói của chúng ta, thì chúng ta sẽ càng có động lực để tìm kiếm sự chính xác.
Từ đó suy ra: khi càng bị buộc phải nhận định chính xác thay vì mơ hồ, chúng ta càng có động lực để trở nên chính xác. Thật dễ dàng để chúng ta tuyên bố “Steve và Lisa không đến với nhau được đâu” với sự tự tin tuyệt đối, vì đó là một tuyên bố quá mơ hồ. Vào bất kỳ thời điểm nào, nếu mối quan hệ của Steve và Lisa chưa kết thúc, thì bạn luôn có thể nói là vẫn chưa tới hồi kết. Hoặc bạn có thể thoải mái biện luận rằng bạn không nói là Steve và Lisa sẽ chia tay, mà ý của bạn thật ra chỉ là họ không phải mảnh ghép phù hợp của nhau.
Thế nhưng, chuyện sẽ khác đi nếu câu hỏi bạn nhận được là: “Bạn có nghĩ Steve và Lisa sẽ chia tay nhau sau một năm nữa không?”. Câu hỏi này buộc bạn phải đưa ra một nhận định cụ thể hơn, và vì thế sẽ dễ dàng hơn để người khác xác định bạn đúng hay sai. Lúc này, bạn thường sẽ thận trọng hơn với câu trả lời của mình, và có thể bạn sẽ bắt đầu nhớ lại về những cặp đôi đã khiến mọi người ngạc nhiên vì sự gắn bó của họ.
Phil Tetlock - nhà khoa học chính trị tôi đã đề cập trong chương trước - từng triển khai hai cuộc thi về dự báo khác nhau. Trong đó, mới nhất là cuộc thi dự báo ông đã tổ chức cho Cơ quan Hoạt động Nghiên cứu Tình báo Công nghệ cao (IARPA - Intelligence Advanced Research Projects Activity). Chính trong các cuộc thi này, ông đã tìm ra “những nhà dự báo đại tài” mà tôi đã nhắc đến trong các chương trước. Trước đó, Tetlock từng tổ chức một cuộc thi dự báo kéo dài nhiều năm - dự án được ông mô tả trong quyển sách cùng tên Expert Political Judgment (tạm dịch: Quan điểm chính trị của chuyên gia), viết tắt là EPJ. Trong cuộc thi này, cả chuyên gia lẫn người nghiệp dư sẽ thi nhau đưa ra dự báo chính xác về các sự kiện sẽ xảy ra trên thế giới.
Cuộc thi được tổ chức bởi IARPA có tính “công khai”, nghĩa là mỗi người tham gia đều có thể biết những người khác đang làm tốt đến mức nào. Trong khi đó, EPJ là cuộc thi ẩn danh. (Tổ chức một cuộc thi ẩn danh là cách duy nhất để Tetlock có thể thuyết phục các chuyên gia tham gia cuộc thi.)
Tetlock nhận định: “Thật đáng kinh ngạc khi thấy những người tham gia cuộc thi công khai của IARPA đã đưa ra dự báo chính xác hơn nhiều, so với lúc họ tham gia dự án EPJ ẩn danh tôi tổ chức trước đó”. Thi đấu công khai khiến người tham gia phải chịu trách nhiệm với nhận định của mình. Tetlock cho rằng giống như những gì Samuel Johnson từng nói, sự công khai “có tác dụng không khác gì một cái giá treo cổ: nó buộc tâm trí ta phải tập trung (để tránh giết chết danh tiếng của mình trong các cuộc thi)”.
ĐỘNG LỰC CỦA LÍNH TRINH SÁT: TÍNH HIẾU KỲ
Đôi khi, cái chúng ta thật sự muốn chỉ là biết được sự thật. Và chúng ta sẵn sàng bỏ ra rất nhiều thời gian cũng như công sức để tìm ra sự thật đó. Nếu bạn từng không ngừng suy nghĩ về một vụ án nào đó chưa được giải quyết trong quá khứ, thì có lẽ bạn hiểu ý tôi rồi đấy. Bạn không hề bị tác động bởi động lực trách nhiệm hay hệ quả, mà đơn thuần chỉ là tính hiếu kỳ.
Trong Chương 2, tôi có đề cập đến nghiên cứu của Dan Kahan và một số chuyên gia khác. Theo nghiên cứu đó, người có trình độ khoa học cao thường có nguy cơ áp dụng tư duy chiến binh cao hơn người khác, nhất là đối với những chủ đề khoa học bị ảnh hưởng bởi hệ tư tưởng như sự biến đổi khí hậu hay nghiên cứu về tế bào gốc.
Tuy nhiên từ nghiên cứu đó, Kahan đã đúc kết được một điều vô cùng bất ngờ, đó là trình độ khoa học có thể làm tăng tư duy chiến binh, nhưng sự hiếu kỳ về khoa học sẽ làm giảm tư duy chiến binh. Một người có tính hiếu kỳ về khoa học càng cao thì người đó càng thể hiện tư duy trinh sát, ngay cả trong các đề tài chịu ảnh hưởng của hệ tư tưởng. Theo Kahan, tính hiếu kỳ về khoa học của một người được xác định dựa trên khuynh hướng tìm kiếm và nghiên cứu của người đó về các bài viết, sách báo hay phim ảnh khoa học.
Khi một người nào đó càng hiếu kỳ về khoa học, người đó sẽ càng đọc nhiều bài viết có cung cấp các bằng chứng bác bỏ quan điểm của mình:
Khi càng hiếu kỳ, chúng ta càng ít có các quan điểm phân cực về những vấn đề liên quan tới hệ tư tưởng. Ở trang sau, biểu đồ đầu tiên là biểu đồ tôi đã giới thiệu trong Chương 2, cho thấy sự phân cực tăng lên tỷ lệ thuận với trình độ khoa học; còn biểu đồ thứ hai cho thấy mối liên hệ giữa sự phân cực với sự hiếu kỳ về khoa học, thay vì trình độ khoa học.
Khi tính hiếu kỳ tăng lên, quan điểm của người theo Đảng Dân chủ và người theo Đảng Cộng hòa về tác động của con người đối với sự biến đổi khí hậu bắt đầu có điểm tương đồng (thay vì chia thành hai hướng hoàn toàn khác nhau khi trình độ khoa học tăng lên). So với người có tính hiếu kỳ thấp, thì những người có tính hiếu kỳ cao có xác suất tin vào sự biến đổi khí hậu do tác động của con người cao hơn, kể cả những người theo Đảng Cộng hòa.
Nói cách khác, sự hiếu kỳ về khoa học có vẻ sẽ phần nào giúp chúng ta hạn chế lối lập luận bị chi phối bởi hệ tư tưởng. Kahan nhận định: “Khi những người hiếu kỳ về khoa học được tự do lựa chọn giữa thông tin ủng hộ và thông tin phản bác quan điểm của mình dựa trên các bằng chứng mới nhất, họ sẽ chọn đọc thông tin phản bác. Đối với họ, các bằng chứng mới nhất là những thứ vô cùng hấp dẫn, và họ không thể cưỡng lại thôi thúc muốn tìm hiểu các bằng chứng đó”.
NHỮNG ĐỘNG LỰC NÀY LOẠI TRỪ LẪN NHAU THẾ NÀO?
Vừa rồi là rất nhiều các động lực khác nhau, rất nhiều các yếu tố có thể tác động đến việc chúng ta áp dụng tư duy chiến binh hay tư duy trinh sát. Tính tuyên truyền và tinh thần thôi thúc chúng ta bảo vệ những quan điểm mà mình ủng hộ, trong khi hệ quả, trách nhiệm và tính hiếu kỳ lại khiến chúng ta nỗ lực nhìn nhận thực tế theo cách chính xác nhất có thể.
Thường thì những động lực còn sót lại sau quá trình loại trừ lẫn nhau sẽ khiến chúng ta nghiêng hẳn về một lối tư duy nhất định.
Chuyện bầu cử ở Mỹ là một ví dụ. Hầu như trong mọi cuộc bầu cử, các bình luận viên chỉ có thể nhìn vào sự hiểu biết của cử tri về cuộc bầu cử đó và thở dài ngao ngán. Tình hình không được sáng sủa cho lắm. Những thông tin cơ bản nhất về chính phủ và chính sách của họ đều bị cử tri “phớt lờ”.
Đảng Dân chủ hay Đảng Cộng hòa đang nắm quyền kiểm soát Hạ viện? Hầu hết cử tri Mỹ đều không biết. Có phải viện trợ quốc tế đang làm hao tốn ngân sách của quốc gia này không? Tỷ lệ tội phạm đang tăng hay giảm? Người theo đạo Hồi chiếm bao nhiêu phần trăm dân số Mỹ? Đa số người Mỹ đều không biết rõ. Điều này khiến cử tri không có vẻ gì là có thể đưa ra những quyết định bầu cử phù hợp với tình hình chính trị.
Vấn đề không phải là cử tri ngu ngốc. Vấn đề là họ không có động lực để quyết định đúng.
Suy cho cùng, mỗi cử tri không ảnh hưởng nhiều đến kết quả bầu cử, đặc biệt đối với cuộc bầu cử tổng thống. Sức ảnh hưởng của bạn phụ thuộc vào việc tiểu bang của bạn có phải là bang dao động7 hay không (vì phiếu bầu của tất cả các cử tri khác đã được chia đều cho các ứng cử viên của phe Cộng hòa và phe Dân chủ, nên phiếu bầu của bạn sẽ mang tính quyết định, ảnh hưởng đến kết quả bầu cử cuối cùng). Tỷ lệ ảnh hưởng của bạn sẽ dao động từ 1/1.000.000 nếu bạn sống ở bang dao động như Florida, đến khoảng 1/1.000.000.000 nếu bạn sống ở các bang theo Đảng Dân chủ như California hay bang theo Đảng Cộng hòa như Alabama.
7 Bang dao động (swing state) là thuật ngữ dùng để chỉ những bang có số cử tri ủng hộ tương đương nhau giữa Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ, đồng thời đây là cách nói đặc biệt chỉ có trong bầu cử tổng thống Mỹ. Trong hầu hết các cuộc tranh cử, những bang này là mục tiêu để hai chính đảng tìm kiếm sự ủng hộ.
Có thể thấy sức mạnh trong lá phiếu của cử tri Mỹ - khả năng họ có thể tác động đến quốc gia bằng quan điểm của mình - gần như bằng không. Trong trường hợp này, động lực về hệ quả và trách nhiệm là vô cùng nhỏ. Trong khi đó, nhiều cử tri lại có động lực rất lớn về tinh thần và tính tuyên truyền. Nếu hình ảnh xã hội của bạn gắn liền với Đảng Dân chủ hoặc Đảng Cộng hòa, thì bạn sẽ có những động lực mạnh mẽ để bảo vệ quan điểm chính trị của đảng đó, và không có động lực nào mạnh mẽ tương đương để thúc đẩy bạn hướng tới sự chính xác.
Nhưng người duy nhất thật sự cố gắng để có góc nhìn chính xác về chính trị lại là những người có tính hiếu kỳ về chính trị, hoặc đơn giản là muốn có những niềm tin chính xác về lĩnh vực này. Những người như thế không nhiều, đặc biệt là khi phải tốn rất nhiều thời gian để cập nhật tình hình chính trị.
SỰ CẠNH TRANH GIỮA CÁC ĐỘNG LỰC
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu các động lực mạnh mẽ của tư duy chiến binh gặp các động lực mạnh mẽ của tư duy trinh sát? Khi đó mọi chuyện sẽ diễn ra thế nào?
Điều này cũng còn tùy. Hiện tại, có một công trình nghiên cứu nhỏ đang được phát triển nhằm xác định mô hình phản ứng của hệ thống ra quyết định trong vô thức của chúng ta đối với các động lực khác nhau. Nhưng nghiên cứu này vẫn đang trong giai đoạn đầu, và còn rất lâu chúng ta mới có được bức tranh toàn cảnh về việc các động lực của chúng ta loại trừ lẫn nhau như thế nào.
Thử thách mà chúng ta gặp phải là vô cùng phức tạp. Lý do là dù khi giải thích về các động lực của con người, tôi thường nói: “Khi tất cả các yếu tố khác đều như nhau”, nhưng thực tế thì chúng ta không thể nào làm cho tất cả các yếu tố khác đó như nhau được. Ví dụ, khi động lực về hệ quả tăng lên, chúng ta sẽ được thúc đẩy áp dụng tư duy trinh sát. Nhưng đồng thời, những viễn cảnh về hệ quả cũng tăng lên, tạo ra những cảm giác như hy vọng, khao khát, sợ hãi và lo lắng. Tất cả những cảm giác đó lại có tác động đến tinh thần - động lực thúc đẩy tư duy chiến binh.
Đó cũng là lý do vì sao chúng ta thường giỏi ra quyết định cho người khác hơn là cho bản thân. Khi phải đối mặt với nguy cơ phá sản, có thể tôi sẽ cố gắng lý giải rằng mọi chuyện rồi sẽ ổn, vì thế tôi không nên lo lắng thái quá. Nhưng một người bạn nào đó của tôi sẽ nhìn nhận sự việc ở góc độ khác và nói: “Không, cậu phải hành động ngay để giải quyết vấn đề này”.
Đôi khi, chúng ta giữ nguyên các quan điểm mâu thuẫn với nhau để có thể thỏa mãn được nhiều động lực cùng lúc.
Vladimir Shlapentokh - một giáo sư xã hội học, sinh trưởng trong xã hội Liên Xô cũ - từng viết về một hiện tượng thú vị: người dân Liên Xô mua bán trên thị trường chợ đen. Một mặt, người dân Liên Xô luôn hết lòng ủng hộ tinh thần bài trừ tư bản; mặt khác, họ lại tham gia và kiếm lợi từ hoạt động tư bản.
Theo Shlapentokh nhận định, sự mâu thuẫn này xuất phát từ sự tồn tại của hai phần riêng biệt và hiếm khi tương tác với nhau trong tâm trí chúng ta: phần “thực dụng” được dùng trong đời sống hằng ngày, và phần “ý thức hệ” được hình thành từ các sự kiện xã hội. Vì thế, người dân Liên Xô đơn giản là có hai bộ quan điểm hoàn toàn khác biệt về chủ nghĩa tư bản. Bộ quan điểm nào sẽ được kích hoạt phụ thuộc vào tình huống họ đang gặp phải và việc họ muốn thu về lợi ích vật chất (hệ quả), hay muốn thể hiện cho người xung quanh thấy họ có quan điểm đúng đắn (tuyên truyền).
Bạn có thể thấy điều này có đôi nét tương đồng với quan điểm chính trị của người Mỹ. Sau mỗi cuộc bầu cử tổng thống, cử tri bên thắng cuộc thường nói rằng họ cảm thấy lạc quan hơn về nền kinh tế. Trên thực tế, xu hướng này ngày càng tăng lên theo thời gian. So với sự lạc quan về kinh tế của những người ủng hộ Bush sau cuộc bầu cử năm 2000, sự lạc quan của những người ủng hộ Trump đã tăng gấp sáu lần sau cuộc bầu cử năm 2016.
Sự lạc quan đó có tác dụng củng cố tinh thần và tuyên truyền. Nhưng chẳng phải sự lạc quan đó cũng tạo ra những hệ quả xấu trong các quyết định của chúng ta sao? Nếu các cử tri lạc quan kia sai và nền kinh tế không đi lên, phải chăng họ sẽ có những quyết định sai lầm về chi tiêu, tiết kiệm hay đầu tư?
Điều đó sẽ không xảy ra, chỉ cần họ biết cách phân chia hợp lý. Mặc dù tất cả những người ủng hộ Trump (2016), Obama (2008 và 2012), hay Bush (2000) đều được ghi nhận là đã trở nên lạc quan hơn về nền kinh tế sau cuộc bầu cử, nhưng sự lạc quan đó lại không được thể hiện trong bất kỳ quyết định kinh tế nào của họ. Cụ thể, những người này không hề tiêu xài nhiều hơn, trái ngược với những gì chúng ta sẽ làm khi cảm thấy lạc quan về kinh tế. Trường hợp này, cũng giống như người dân Liên Xô mua bán trên thị trường chợ đen, cử tri của phe thắng cuộc ở Mỹ dường như vừa duy trì được góc nhìn lạc quan về kinh tế để củng cố tính tuyên truyền và tinh thần, vừa giữ nguyên một quan điểm kinh tế khác để áp dụng cho quá trình ra quyết định của mình.
Tuy nhiên, năng lực của chúng ta trong việc tư duy kép như các ví dụ vừa rồi là có giới hạn. Thông thường, khi vừa có động lực chiến binh vừa có động lực trinh sát, chúng ta buộc phải lựa chọn: giữa bảo vệ hình ảnh tốt đẹp của bản thân với tìm được thông tin giúp chúng ta cải thiện; giữa giảm khả năng thể hiện sự tự tin của bản thân mỗi khi suy xét những điểm yếu của mình với chấp nhận đánh đổi sự tín nhiệm của người khác vì bản thân đã tự tin thái quá.
Đây là một trong những điều vô cùng nghịch lý của con người - niềm tin của chúng ta phải phục vụ cho quá nhiều mục đích khác nhau, mà những mục đích này lại thường mâu thuẫn với nhau. Một mặt, chúng ta muốn biết sự thật về thế giới xung quanh để có thể ra quyết định tốt hơn. Mặt khác, chúng ta muốn giữ gìn hình ảnh tốt đẹp của bản thân và duy trì động lực để đương đầu với thử thách; chúng ta muốn bảo vệ vị thế của mình; chúng ta muốn được vui vẻ.
Đôi khi, bộ não của chúng ta sẽ tự động thỏa hiệp. Hãy nghĩ về câu chuyện của chính tôi trong phần Giới thiệu. Tôi đề nghị học viên của mình “nhận xét thật lòng”, nhưng đồng thời tôi lại gật đầu trong vô thức và hỏi những câu hỏi mang tính dẫn dắt để có được những góp ý tích cực. Hình ảnh đó giờ đã hằn sâu trong tâm trí tôi - hình ảnh đặc tả sự giằng co giữa các động lực của chiến binh và của lính trinh sát.