T
rong chương trước, chúng ta đã tìm hiểu về việc não bộ của chúng ta đã chuyển đổi giữa tư duy chiến binh và tư duy trinh sát như thế nào, đã vô thức đánh giá lợi ích và cái giá phải trả của sự thật ra sao.
Nhưng chúng ta có nên tin rằng quá trình phân tích lợi-hại trong vô thức đó là chính xác không? Chúng ta có nên mặc định rằng não bộ của chúng ta sẽ tự động chọn lối tư duy mang lại nhiều lợi ích hơn cho ta, dù đó là tư duy chiến binh hay tư duy trinh sát?
Tôi không nghĩ vậy. Đây cũng là điểm khác biệt giữa tôi và những tác giả khác khi viết về thiên kiến và sự phi lý.
Nhiều quyển sách đã bàn về lý do vì sao chúng ta có tư duy chiến binh, chẳng hạn như quyển Why Everyone (Else) is a Hypocrite của Robert Kurzban, The Upside of Irrationality (Lẽ phải của phi lý trí) của Dan Ariely, hoặc The Elephant in the Brain (tạm dịch: Con voi trong não bộ) của Robin Hanson và Kevin Simler. Nhìn chung, các tác giả vừa kể trên đều kết luận rằng những gì tự nhiên thì đều tốt. Theo đó, tư duy chiến binh phát triển, hẳn là nó đã giúp ích cho tổ tiên của chúng ta, và vì thế nên lối tư duy này sẽ tốt cho chúng ta.
Nhưng giữa thế giới hiện đại và thế giới cổ đại có vô số những điểm khác biệt quan trọng. Mục đích của con người hiện đại cũng khác với mục đích được quy định trong bộ gien của chúng ta.
Ví dụ dễ hiểu nhất là những lúc chúng ta thèm đường hay chất béo.
Vào thời của tổ tiên chúng ta, đường là nguồn năng lượng dồi dào nhưng lại rất khó tìm. May mắn lắm thì chúng ta thỉnh thoảng mới tìm được trái cây hoặc loại củ nào đó có chứa đường, như cà rốt chẳng hạn. (Cần lưu ý rằng rau củ quả thời đó có hàm lượng đường ít hơn rau củ quả ngày nay chúng ta thường mua ở siêu thị, vì đó là những sản phẩm đã được lai trồng để trở nên to hơn, ngọt hơn, mềm hơn, và phù hợp với khẩu vị của chúng ta hơn.)
Tổ tiên chúng ta cảm thấy đường rất hấp dẫn, vì thế họ có động lực để đi đào cà rốt và leo cây hái trái bất cứ lúc nào họ tìm được những loại củ quả đó. Và động lực này rất có ích trong thế giới mà chúng ta càng có nhiều nguồn thực phẩm giàu năng lượng càng tốt.
Nhưng chúng ta đang sống trong một thế giới hoàn toàn khác. Chúng ta không còn phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt năng lượng nữa: bánh kẹo, thức uống đá xay và thức ăn nhanh có mặt ở khắp mọi nơi, với những mức giá mà đa số mọi người đều mua được. Tuy nhiên, bộ não của chúng ta vốn được định hình để giúp con người tồn tại nơi hoang dã, và bộ não ấy không thể tiến hóa đủ nhanh để thích nghi với hoàn cảnh sống mới. Giờ đây, để giữ gìn sức khỏe của mình, chúng ta phải kiềm chế bản thân mỗi khi cảm thấy thèm đường.
Trong hai chương kế tiếp, tôi sẽ chứng minh rằng điều tương tự cũng xảy ra với những động lực chi phối việc chúng ta lựa chọn tư duy chiến binh hay tư duy trinh sát. Tư duy chiến binh có thể có lợi cho bộ gien của chúng ta trong thời cổ đại, nhưng chúng ta không nên mặc định nó cũng có lợi cho chúng ta trong thế giới hiện đại.
Nói cách khác, sự thật đáng giá hơn nhiều so với những gì não bộ của chúng ta nhận định.