N
ếu là người đã từng trễ hẹn giống như tôi, có thể bạn sẽ cảm thấy tình huống sau đây có phần quen thuộc.
Bạn đang có nguy cơ trễ giờ, thế là bạn nhắn tin cho bạn của mình: “Xin lỗi, mình tới trễ, mình sẽ có mặt ở đó trong vòng…”. Ngay lúc này, não bộ của bạn muốn điền một thông tin lạc quan nào đó vào chỗ trống. Bạn biết nếu nói sẽ tới trễ hai mươi lăm phút, thì bạn của bạn sẽ càng bực bội hơn. Thế là bạn lạc quan nhắn rằng bạn có thể tới nơi trong vòng mười phút, thay vì hai mươi lăm phút nữa.
Nhưng hiển nhiên là lợi ích bạn nhận được chỉ mang tính ngắn hạn. Bạn đang đánh đổi sự vui vẻ nhất thời của bạn mình ở thời điểm hiện tại để trao cho họ sự phiền lòng gấp bội chỉ vài phút sau đó. Chuyện này cũng giống như vay tiền ngắn hạn - bạn có được một khoản tiền ngay lập tức, nhưng sau đó bạn phải thanh toán với mức lãi suất cực cao. Khi kết cục là bạn đi trễ hai mươi lăm phút thay vì mười phút, bạn của bạn sẽ cảm thấy khó chịu hơn nhiều, so với trường hợp bạn nói thẳng là mình sẽ trễ hai mươi lăm phút ngay từ đầu.
“KHẤU TRỪ QUÁ MỨC”
Việc ước tính thời gian theo kiểu lạc quan thái quá như trên là một ví dụ điển hình về tâm lý con người: chúng ta sẵn sàng nhận lãnh hình phạt nặng nề trong tương lai để có được phần thưởng ở hiện tại.
Khi nghĩ xem mình sẽ làm gì vào tối mai, xem phim trên Netflix8 hay đến phòng gym tập thể dục, chúng ta thường quyết định: “Mình sẽ đi tập gym. Dù mình thích xem trên Netflix nhưng tập gym là một lựa chọn tốt hơn cho sức khỏe và sẽ khiến mình cảm thấy hài lòng hơn với bản thân”.
8 Netflix là trang web cung cấp dịch vụ xem phim trực tuyến nổi tiếng của Mỹ, được thành lập vào năm 1997 tại bang California.
Nhưng nếu quyết định ta phải đưa ra là chọn giữa gym và Netlix vào tối nay chứ không phải tối mai, thì chắc hẳn gym sẽ bị trì hoãn thêm một ngày. Tối nay chúng ta còn phải xem mấy tập mới của phim House of Cards (tạm dịch: Ván bài chính trị). Khi sự lựa chọn ở ngay trước mắt, bộ não của chúng ta thường sẽ chọn phần thưởng có thể có ngay lập tức, chứ không phải phần thưởng sẽ đạt được trong tương lai.
Hiện tượng này được gọi là “khấu trừ quá mức” (hyperbolic discounting) - một thuật ngữ chỉ việc các lựa chọn của chúng ta thường không nhất quán vì chúng ta coi trọng những phần thưởng ngay trước mắt hơn những phần thưởng trong tương lai. Nói cách khác, chúng ta không đủ kiên nhẫn để chờ đợi. Nếu phải lựa chọn giữa nhận 80 đô-la ngay lập tức và nhận 100 đô-la sau một tháng, chúng ta thường chọn 80 đô-la. Nhưng nếu phải chọn giữa nhận 80 đô-la sau một năm và nhận 100 đô-la sau một năm một tháng, chúng ta sẽ chọn 100 đô-la. Trong cả hai trường hợp, các phương án lựa chọn là giống hệt nhau, khác biệt duy nhất là khoảng cách thời gian một năm. Nhưng trong trường hợp thứ nhất, chúng ta sẵn sàng “hy sinh” 20 đô-la để được nhận tiền ngay lập tức mà không phải chờ đợi thêm một tháng.
Thật khó để xác định tại sao con người lại có xu hướng hành động như vậy. Có một giả thuyết phổ biến lý giải rằng đó là một phản ứng hợp lý, giúp tổ tiên của chúng ta đối phó với sự không chắc chắn. Trong một thế giới mà chúng ta có thể chết ngay ngày hôm sau vì bị thú dữ tấn công hay mắc một chứng bệnh nào đó không thể chữa trị, có lẽ việc “tận hưởng ngay lập tức” sẽ hợp lý hơn rất nhiều so với việc chuẩn bị cho một tương lai lâu dài nhưng có thể không bao giờ tới. Và vì bộ não của con người vốn được phát triển trong thế giới đó, nên giờ đây chúng ta cũng gặp không ít khó khăn trong việc tự thuyết phục bản thân “nỗ lực trước, hưởng lợi sau”.
TƯ DUY CHIẾN BINH MANG LẠI SỰ THOẢI MÁI,TRONG NGẮN HẠN
Tương tự như việc say sưa xem phim trên Netflix hay vay một khoản vay ngắn hạn, lợi ích của tư duy chiến binh cũng thường đến trước, còn cái giá phải trả thì đến sau:
Trên đây là các ví dụ điển hình cho những gì chúng ta có thể gọi là tác dụng “giảm đau” của tư duy chiến binh, tức khả năng mang đến cho ta cảm giác hài lòng hoặc dễ chịu tức thời, đôi khi khiến ta phải trả giá bằng lợi ích lâu dài hơn của mình.
Những suy nghĩ lạc quan như “Mọi thứ sẽ tốt đẹp” hay “Từ trước đến giờ mình vẫn đúng” có tác dụng giảm đau rõ rệt nhất.
Nhưng cần phải lưu ý rằng niềm tin mang đến sự-thoải-mái-tức-thời không phải lúc nào cũng có tính lạc quan. Ngược lại, đôi khi đó còn là một ý nghĩ bi quan: Nếu không còn hy vọng thì không việc gì phải cố gắng.
Nếu bạn thấy chuyện này thật kỳ lạ, tôi sẽ giúp bạn dễ hình dung hơn bằng ví dụ sau đây. Vài năm trước, có lần tôi sắp trễ chuyến bay. Lúc đó, tôi vẫn còn ở nhà, thậm chí chưa soạn xong hành lý, dù chỉ còn chưa đầy một tiếng nữa là đến giờ khởi hành. Sau một hồi chạy tới chạy lui và cố gắng nhét mọi thứ vào va-li, cuối cùng tôi tự nhủ: “Thật vô vọng. Dù mình có thể rời đi trong vòng mười phút nữa, không bị kẹt xe trên đường ra sân bay, và nhanh chóng hoàn thành thủ tục ở cửa kiểm soát an ninh vắng-một-cách-bất-thường, thì mình vẫn không thể đến cửa khởi hành kịp giờ lên máy bay. Rõ ràng là mình không có cơ hội bắt kịp chuyến bay này. Thôi thà mình bỏ cuộc, tới sân bay trễ và hy vọng người ta có thể chuyển mình sang chuyến bay kế tiếp”.
Tôi buông mình xuống giường, thở dài.
Một ý nghĩ chợt lóe lên trong đầu tôi: “Khoan đã, biết đâu chuyến bay sẽ bị hoãn. Mình nên lên mạng kiểm tra thử. Việc các chuyến bay bị hoãn khoảng hai mươi phút hoặc hơn cũng không phải là hiếm. Nếu vậy thì có lẽ mình sẽ đến kịp”.
Có lẽ bạn đang cho rằng ý nghĩ vừa rồi sẽ cho tôi một tia hy vọng, và rằng tôi sẽ ngồi dậy, kiểm tra thông tin chuyến bay. Nhưng thật ra, tôi đã bác bỏ ý nghĩ của chính mình: “Chắc là chuyến bay không bị hoãn đâu... mà dù có hoãn đi nữa thì giao thông giờ này cũng kinh khủng lắm. Vậy đâu việc gì mình phải kiểm tra xem chuyến bay có bị hoãn hay không. Mọi thứ vẫn vô vọng”.
Lập luận nói trên hoàn toàn không hợp lý, nếu mục tiêu của tôi là tìm cách bắt kịp chuyến bay. Tôi sẽ chẳng mất bao nhiêu thời gian và công sức để kiểm tra thông tin chuyến bay. Dù chỉ có 50% cơ hội bắt kịp chuyến bay thì tôi vẫn nên tranh thủ chạy ra sân bay để thử vận may. (Dù sao thì tôi cũng phải tới sân bay để mua vé cho chuyến sau.)
Vậy tại sao tôi lại lập luận mình không có cơ hội thành công? Vì bỏ cuộc thì thoải mái hơn nhiều. Viễn cảnh phải hối hả soạn hành lý, rồi phải vội vã chạy ra sân bay và căng thẳng suốt quãng thời gian đó thật không hấp dẫn chút nào, dù phải thừa nhận rằng nếu tôi thành công thì tất cả những nỗ lực đó hoàn toàn xứng đáng.
Không chỉ xuất hiện trong các tình huống hằng ngày như ví dụ tôi vừa kể, lối tư duy này còn xuất hiện trong những trường hợp có sức ảnh hưởng lớn hơn.
Có thể bạn từng cho rằng thật vô ích khi chuẩn bị để đối phó với thảm họa thiên nhiên như động đất hay sóng thần. Eric Klinenberg - giáo sư ngành xã hội học của Đại học New York - chia sẻ: “Đa số mọi người đều phẩy tay và nói: ‘Đó là số mệnh, nằm ngoài tầm kiểm soát của tôi; nếu có chuyện tồi tệ xảy ra, tôi chỉ còn cách dựa vào vận may và sự ngẫu nhiên’”.
Là một người từng muốn buông xuôi và nghĩ mình không thể làm gì để tăng cơ hội sống sót, tôi cho rằng lối lập luận này được thúc đẩy bởi cảm giác muốn né tránh, để bản thân không phải suy nghĩ về những tình huống đáng sợ mà mình phải đối mặt khi đấu tranh sinh tồn.
Nếu bạn không hài lòng với công việc hiện tại của mình, bạn sẽ rất dễ lập luận rằng tìm kiếm một công việc tốt hơn là chuyện vô ích (“Dù sao thì mình cũng không còn trẻ để bắt đầu lại từ đầu”). Và cách lập luận như thế là để bạn biện minh cho việc từ bỏ những cơ hội việc làm mới.
Nếu là một người thường xuyên sử dụng mạng xã hội, có thể bạn cũng biết đến một hình vẽ biếm họa được lan truyền rộng rãi trên Internet vào năm 2016. Hình biếm họa đó vừa thể hiện rõ nét tác dụng giảm đau của tư duy chiến binh, vừa nói lên cảm nghĩ của người dân Mỹ trong giai đoạn đó. Trong hình, một chú chó đội nón đang ngồi cạnh bàn, bên trong một căn phòng đang cháy. Chú chó gượng cười và nói với chính mình: “Mọi chuyện đều ổn”.
TƯ DUY CHIẾN BINH GIÚP CHÚNG TA CÓ SỨC ẢNH HƯỞNG LỚN HƠN, TRONG NGẮN HẠN
Có thể bạn sẽ nghĩ: “Được rồi. Cảm giác thoải mái là lợi ích ngắn hạn của tư duy chiến binh, không có gì đáng ngạc nhiên. Nhưng còn những lợi ích khác hữu dụng hơn của tư duy chiến binh thì sao? Chẳng phải lối tư duy này sẽ giúp chúng ta dễ tác động đến cách người khác nhìn nhận về chúng ta sao? Chẳng phải tư duy chiến binh sẽ giúp chúng ta có động lực thực hiện những nhiệm vụ khó khăn hay sao? Cả hai lợi ích này đều không có vẻ gì là chỉ mang tính tạm thời”.
Bạn hoàn toàn có lý khi nghĩ như thế.
Trước tiên, chúng ta hãy bàn về sức ảnh hưởng - chức năng “tuyên truyền” của tư duy chiến binh. Tư duy chiến binh đúng là có giúp ích cho việc nâng cao sức ảnh hưởng của bạn, ví dụ:
Tất cả những trường hợp trên đều hợp lý. Những người xung quanh thường không có đủ thông tin về kỹ năng hay kiến thức của bạn. Họ không có nhiều thông tin để xem xét, ngoài những gì bạn tự nói về bản thân. Họ có lý khi mặc định rằng những người tự tin vào bản thân sẽ kể (tương đối) chính xác về kỹ năng và trình độ của mình.
Nhưng trong tất cả những ví dụ trên, lợi ích bạn có được chỉ mang tính ngắn hạn. Về lâu dài thì chuyện gì sẽ xảy ra? Theo thời gian, những người xung quanh sẽ có cơ hội thu thập thông tin về kỹ năng và trình độ thật sự của bạn. Điều đó có khiến nhận định của họ về bạn bị ảnh hưởng không?
Câu trả lời là có.
Tuy nhiên, sự tự tin thái quá không phải lúc nào cũng phản tác dụng. Trong một số lĩnh vực, mọi người không thật sự quan tâm đến chuyện đúng-sai. Những người dẫn chương trình mạn đàm vẫn thường tự tin đưa ra những thông tin không chính xác mà không phải gánh chịu hậu quả gì nghiêm trọng, vì khán giả của họ không có động lực để xem xét đúng-sai trong lời nói của họ. Mục đích của chương trình mạn đàm là để giải trí, để giúp khán giả cảm thấy dễ chịu.
Trong nhiều lĩnh vực khác, ngay cả khi đã có thời gian quan sát, chúng ta vẫn rất khó đánh giá năng lực thực tế của một người. Khi một chuyên gia tư vấn quản lý khuyên bạn nên tái cơ cấu các phòng ban trong công ty, làm sao bạn biết được lời khuyên đó có hữu ích hay không? Bạn có thể đánh giá lời khuyên đó dựa trên lợi nhuận của các năm tiếp theo, nhưng vì tái cơ cấu chỉ là một trong nhiều yếu tố có thể tác động đến lợi nhuận, nên dù lợi nhuận có giảm thì bạn cũng khó xác định vị cố vấn đó đúng hay sai. Đối với những tình huống không rõ ràng tương tự, có thể tư duy chiến binh sẽ mang lại cho bạn lợi ích lâu dài.
Điều tôi muốn nói ở đây không phải là tư duy chiến binh không bao giờ giúp bạn tạo được sức ảnh hưởng lâu dài, chỉ là lợi ích tổng thể của tư duy chiến binh phức tạp hơn nhiều so với những gì chúng ta nghĩ khi nhìn vào lợi ích ngắn hạn nó mang lại. Và vì não bộ của chúng ta thường đánh giá quá cao những phần thưởng trước mắt, hẳn chúng ta cũng đang đánh giá quá cao lợi ích của tư duy chiến binh và tự thuyết phục bản thân tin vào sự hữu dụng của lối tư duy này.
TƯ DUY CHIẾN BINH GIÚP DUY TRÌ ĐỘNG LỰC, NHƯNG ĐIỀU NÀY KHÔNG PHẢI LÚC NÀO CŨNG CÓ ÍCH
Vậy còn quan điểm cho rằng tư duy chiến binh sẽ giúp chúng ta duy trì động lực để theo đuổi những mục tiêu khó khăn, từ đó tăng cơ hội thành công của chúng ta thì sao?
Vì tôi sống ở San Francisco, nên cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi tôi nghe được rất nhiều câu hỏi như trên từ rất nhiều doanh nhân, những người ôm mộng xây dựng đế chế công nghệ khổng lồ như Google hay Facebook. Người ta tin rằng bạn phải buộc bản thân tin mình sẽ thành công rực rỡ; nếu không, bạn sẽ không có động lực để tiến bước trên hành trình gầy dựng sự nghiệp đầy gian nan. Bạn có thể nghe thấy những điều tương tự ở bất kỳ đâu, nhưng sau đây là một đoạn nội dung được trích từ một bài luận trên tạp chí TIME, thể hiện rõ ràng và chính xác quan điểm vừa nêu:
Doanh nhân có thể ngông cuồng tin vào cơ hội thành công của mình. Chỉ khi có thể tự thuyết phục rằng bản thân sẽ thành công thì những doanh nhân đó mới có động lực để nỗ lực làm việc, từ đó họ mới có thể giúp cho công ty của mình có cơ hội thành công thật sự.
Đã có một số bằng chứng cho thấy sự lạc quan phi thực tế giúp chúng ta kiên trì với mục đích của mình. Trong nhiều nghiên cứu, các nhà nghiên cứu đã tìm cách tác động đến sự lạc quan của các đối tượng tham gia. Kết quả là khi sự lạc quan của các đối tượng này càng được nâng cao thì họ càng kiên trì và càng có khả năng hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Nhưng khi xem xét lợi ích của sự tự tin thái quá trong trường hợp này, một điều quan trọng đã bị bỏ qua: tính ngắn hạn của các nghiên cứu này. Các nhà nghiên cứu chỉ giao những nhiệm vụ ngắn hạn cho người tham gia và xem xét “Giữa tự tin thái quá và suy nghĩ thực tế, lối tư duy nào giúp người ta có khả năng hoàn thành nhiệm vụ này cao hơn”. Và sau đó họ kết luận rằng sự tự tin thái quá mang lại nhiều lợi ích hơn.
Kết luận đó đã củng cố cho lợi ích của tư duy chiến binh. Có thể đúng là một khi đã chọn một dự án cụ thể nào đó, suy nghĩ lạc quan về khả năng thành công sẽ giúp bạn thành công. Nhưng mục tiêu chính của việc cố gắng có niềm tin chính xác là để chúng ta có thể chọn đầu tư vào những dự án đáng đầu tư.
Nói một cách dễ hiểu, hãy hình dung bạn có hai dự án khác nhau, A và B. Trong đó, dự án A có khả năng thành công là 25%. Nếu chọn thực hiện dự án A và tự tin thái quá rằng tỷ lệ thành công là 95%, bạn có thể tăng cơ hội thành công của mình lên đến 40%. Vì so với những người khác, bạn nỗ lực nhiều hơn và có ý chí kiên trì tới cùng hơn. Vậy trong trường hợp cố gắng hoàn thành dự án A, bạn nên duy trì niềm tin phi thực tế về khả năng thành công của mình.
Nhưng phân tích vừa rồi đã bỏ qua một sự thật, đó là ngoài dự án A, có thể còn có dự án B - một dự án có tỷ lệ thành công tối thiểu lên đến 80%. Và khi đó, chỉ cần bạn chọn thực hiện dự án B thì cơ hội thành công của bạn đã cao hơn rất nhiều thay vì cứ đâm đầu vào dự án A với sự tự tin thái quá.
Timothy Gallwey - một huấn luyện viên quần vợt, đồng thời là tác giả của quyển The Inner Game of Tennis (tạm dịch: Cuộc chiến tinh thần trong môn quần vợt) - đã có kết luận tinh tế như sau:
Một người cực kỳ thông thái đã từng chia sẻ: “Nói đến chuyện vượt qua trở ngại, chúng ta có ba loại người. Loại người thứ nhất coi hầu hết trở ngại là không thể vượt qua và chọn cách bỏ đi. Loại người thứ hai nhìn chướng ngại vật và nói: ‘Tôi có thể vượt qua’, sau đó họ bắt đầu đào bên dưới, leo bên trên, hoặc tìm cách xuyên thủng chướng ngại vật đó. Loại người thứ ba, trước khi quyết định vượt qua chướng ngại vật, họ sẽ cố gắng tìm vị trí thích hợp để quan sát xem bên kia chướng ngại vật có gì. Và chỉ khi nhận thấy phần thưởng xứng đáng với công sức của mình, họ mới cố gắng vượt qua chướng ngại vật đó”.
Hãy nhìn lại ví dụ về những doanh nhân tự tin thái quá. Có thể đúng là trong trường hợp khởi nghiệp, bạn sẽ có cơ hội thành công cao hơn nếu bạn đánh giá cao khả năng thành công của mình. Có thể tỷ lệ thành công của bạn sẽ được nâng từ 10% lên 30% hoặc đại loại thế nếu bạn tin tưởng một cách phi thực tế rằng mình có đến 90% cơ hội thành công.
Nhưng trở thành một doanh nhân không phải là con đường duy nhất để làm giàu, để tạo sức ảnh hưởng hay để hạnh phúc. Việc quá tự tin vào khả năng trở thành một doanh nhân thành đạt sẽ khiến bạn bỏ qua những cơ hội khác - những lựa chọn mang lại kết quả tốt đẹp hơn, phù hợp hơn với hoàn cảnh của bạn.
Dustin Moskowitz từng là một trong những nhà đồng sáng lập của Facebook. Công việc hiện tại của ông là điều hành Asana - một công ty chuyên viết ứng dụng quản lý công việc - và làm người hướng dẫn của các doanh nhân khởi nghiệp. Một trong những việc ông làm khi hướng dẫn các doanh nhân này là cảnh báo rằng khởi nghiệp có thể không phải là canh bạc tốt nhất mà họ muốn dấn thân vào. Moskowitz đã làm một bài toán nhanh như sau để giải thích quan điểm của mình:
Giả sử bạn mở một công ty, và sau một thời gian, bạn bán công ty đó với giá một trăm triệu đô-la. Nếu bạn nắm 10% cổ phần công ty, bạn sẽ được hưởng mười triệu đô-la. Tuyệt vời!
Tuy nhiên, có rất ít công ty (khoảng 2%) có thể được định giá ở mức đó. Một viễn cảnh thường xảy ra hơn là sau nhiều năm nỗ lực gầy dựng công ty, cuối cùng bạn sẽ phải ngừng hoạt động mà không có được một khoản tiền nào đáng kể.
Nếu bạn là người có tài và chịu khó thì có một phương án khác dành cho bạn, đó là gia nhập một công ty khởi nghiệp có tiềm năng phát triển. Ví dụ, bạn gia nhập một công ty đang có giá trị khoảng năm trăm triệu đô-la, và bạn giúp công ty đó phát triển lên mức hai mươi tỷ đô-la. Khi đó, dù bạn chỉ nắm 0,05% cổ phần công ty, bạn cũng có được mười triệu đô-la.
Tất nhiên không có gì đảm bảo là công ty bạn gia nhập có thể phát triển đến mức đó. Nhưng theo quan điểm của Moskowitz, nếu mọi chuyện tiến triển không như mong đợi sau khi bạn đã làm việc vài năm ở công ty đó thì bạn hoàn toàn có thể thử lại lần nữa với một công ty khác. Dù sao thì đổi chỗ làm vẫn dễ dàng hơn nhiều so với thành lập một công ty mới. Với tư cách là một nhân viên, nếu lỡ “thất bại” thì tính ra bạn vẫn có mức thu nhập cao hàng tháng, và vẫn có một ít cổ phần của một công ty tương đối thành công khi rời đi.
Nếu bạn có thể lựa chọn tốt và đầu quân cho một công ty có tiềm năng phát triển thành một Facebook hay Google thứ hai từ khi công ty đó vẫn còn nhỏ thì bạn sẽ có được một phần thưởng hậu hĩnh về sau.
Moskowitz chia sẻ: “Kỹ sư lập trình xếp hạng thứ một trăm tại Facebook có mức thu nhập cao hơn nhiều so với đại đa số các doanh nhân”.
Moskowitz không có ý kêu gọi các doanh nhân trẻ bỏ cuộc. Ông chỉ muốn đảm bảo rằng họ biết rõ những rủi ro nào đang chờ đón và quyết định trở thành doanh nhân vì những lý do xứng đáng.
Nếu bạn không chỉ có tài và chịu khó, mà còn ấp ủ một ý tưởng mà bạn cho rằng có thể giúp ích cho thế giới, hoặc bạn thích cảm giác mạo hiểm khi khởi nghiệp, hoặc bạn muốn phát triển bản thân thông qua quá trình khởi nghiệp thì trở thành một doanh nhân có thể là canh bạc dành cho bạn.
Tuy nhiên, có rất nhiều người, dù còn nhiều cách để thỏa mãn những lựa chọn ưu tiên của họ, nhưng họ vẫn không nhận ra vì đang mải trung thành với niềm tin rằng họ sẽ thành công trên con đường đã chọn.
Nếu chú ý quan sát, bạn sẽ nhận ra một hiện tượng lạ lùng, đó là khi nói về giá trị của sự tự tin thái quá, người ta thường phớt lờ những phương án khác mà họ có thể lựa chọn.
Nhiều nghiên cứu cho thấy hai phần ba số người ăn kiêng theo các chế độ ăn hạn chế calorie cuối cùng sẽ tăng cân nhiều hơn so với số cân họ đã giảm. Khi viết về những kết quả nghiên cứu đó, một nhà báo đã lập luận rằng những kết quả đó chứng minh tầm quan trọng của việc duy trì thái độ lạc quan:
Dù kết quả không mấy sáng sủa, nhưng hãy nhớ rằng sự lạc quan mang lại động lực vô cùng cần thiết: sự lạc quan khiến chúng ta tin rằng mình có thể giảm cân, giúp chúng ta củng cố quyết tâm kháng cự những cám dỗ như đồ ăn vặt hay món tráng miệng, và khiến chúng ta quay lại chế độ ăn kiêng mỗi khi trót bị món ngon cám dỗ. Vì chúng ta lạc quan tin rằng sau cùng mình cũng sẽ loại bỏ được số cân thừa kia.
Thật tình mà nói, tôi thấy kiểu lập luận này chẳng hợp lý chút nào. Chẳng lẽ vì chế độ ăn kiêng thường phản tác dụng đối với đa số mọi người mà bạn cần hết sức lạc quan khi thực hiện chế độ ăn kiêng để không bị nản lòng bởi sự thật là nó sẽ phản tác dụng?
Theo tôi, cách phản ứng thích hợp lý hơn sẽ là: “Các bằng chứng cho thấy chế độ ăn kiêng này tuy phổ biến nhưng không thật sự hiệu quả. Có lẽ mình nên thử một phương pháp giảm cân nào đó hiệu quả hơn, chẳng hạn như điều chỉnh dần lối sống của bản thân trong vài năm. Tuy phương pháp này nghe có vẻ không hấp dẫn bằng việc giảm được chín ký trong vòng hai tháng, nhưng các bằng chứng đã cho thấy đây là phương pháp hữu hiệu hơn”.
Hoặc bạn có thể kết luận: “Biết làm sao được, đời là những sự đánh đổi mà. Thay vì cố gắng giảm cân, mình sẽ dành năng lượng cho những việc khiến mình vui vẻ, chẳng hạn như nỗ lực làm việc để được thăng chức hay tìm cho mình một sở thích mới. Vì các bằng chứng đã cho thấy giảm cân không dễ như mình tưởng tượng nên có lẽ mình sẽ từ bỏ ý định giảm cân và chấp nhận sự thật là mình thừa đến bảy ký so với cân nặng lý tưởng”.
Hoặc, nếu giảm cân là chuyện quan trọng đối với bạn, thì có lẽ bạn nên đặt nhiều tâm huyết hơn vào đó để nâng cao khả năng thành công, ví dụ như thuê huấn luyện viên riêng trong dài hạn, làm quen với những người có lối sống lành mạnh, hay thậm chí là tiến hành phẫu thuật thắt dạ dày. Tất cả những giải pháp này đều là những giải pháp “nặng đô hơn”. Nhưng nếu khả năng thành công của bạn là rất thấp khi không áp dụng các giải pháp này và bạn không muốn chấp nhận tỷ lệ thấp như vậy, thì những giải pháp “nặng đô hơn” này có thể xứng đáng để thử đối với bạn.
Tuy nhiên, bạn cần mường tượng được bức tranh thực tế về khả năng thành công của mình, trước khi tự hỏi điều gì xứng đáng đối với bạn. Khi bạn không cho bản thân cơ hội nghĩ đến khả năng thành công trong dài hạn và những khó khăn tiềm ẩn trong việc theo đuổi mục tiêu của mình, hậu quả thường là bạn lạc quan tông thẳng vào một cánh cửa bị kẹt cho đến khi thương tích đầy mình, dù bạn vốn dĩ có thể nhìn quanh và chọn cho mình một hướng đi khác.
NHƯNG CHẲNG PHẢI ẢO TƯỞNG TÍCH CỰC CÓ LỢI CHO CHÚNG TA SAO?
Có thể bạn đã từng đọc hoặc nghe nói về việc “khoa học đã chứng minh ảo tưởng tích cực là có lợi cho chúng ta”.
Quan điểm trên vốn xuất phát từ một bài luận khoa học. Đó là một trong những bài luận được nhiều người trích dẫn nhất trong lịch sử ngành tâm lý học. Bài luận này được Taylor và Brown viết vào năm 1988, có tựa đề “Ảo tưởng và hạnh phúc: Một góc nhìn tâm lý học xã hội về sức mạnh tinh thần”. Taylor và Brown đã tiến hành khảo sát và kết luận tư duy chiến binh thật sự có lợi cho chúng ta: việc có những góc nhìn tích cực đến phi thực tế về bản thân và tương lai sẽ khiến chúng ta cảm thấy hạnh phúc hơn, đồng thời đó có thể là một lời tiên tri tự ứng nghiệm, mang lại cho chúng ta sự tự tin và động lực để theo đuổi những mục tiêu khó khăn đến cùng.
Từ khi được công bố, bài luận của Taylor và Brown đã tạo cảm hứng cho hàng loạt nghiên cứu khác và thay đổi cách nhìn nhận của mọi người về hiện tượng tự lừa dối bản thân. Những tạp chí lớn như Psychology Today và Harvard Business Review tranh nhau nói về lợi ích của niềm tin sai lệch bằng các bài viết có tiêu đề đại loại như “Giành chiến thắng bằng lời tiên tri tự ứng nghiệm”.
Nhưng bài luận của Taylor và Brown, cũng như hầu hết những công trình được bài luận đó truyền cảm hứng về lợi ích của ảo tưởng tích cực, có một số vấn đề nghiêm trọng. Vấn đề nghiêm trọng nhất có lẽ là nó không thật sự xác định được thế nào là ảo tưởng tích cực.
Thay vào đó, phương pháp cơ bản của nghiên cứu này chỉ đơn giản là yêu cầu một cá nhân đưa ra cảm nhận của họ về bản thân so với một mức trung bình nào đó. Ví dụ, một trong những tiêu chuẩn thường được dùng để xác định ảo tưởng tích cực là khảo sát xem người ta tự đánh giá bản thân ở mức nào so với bạn bè cùng trang lứa, theo thang điểm từ 1 (tệ hơn nhiều) đến 7 (tốt hơn nhiều). Trong bảng khảo sát là các đặc điểm tích cực, chẳng hạn như “Tự tin về trí thông minh”, “Vui vẻ”, “Có khả năng học thuật” và “Tự tin về giao tiếp xã hội”, cùng những đặc điểm tiêu cực như “Hay lo lắng”, “Tính khí thất thường”, “Lười biếng” và “Thiếu động lực”.
Nếu bạn tự đánh giá mình tốt hơn bạn bè, dù chỉ một chút, trong bất kỳ tiêu chí nào nói trên, thì bạn được xem là “tự đề cao bản thân” hoặc tự tin thái quá về hình ảnh của bản thân. Bạn khẳng định mình có khả năng học thuật cao trên mức trung bình ư? Đó là ảo tưởng tích cực. Bạn nói mình ít lo lắng hơn so với mức trung bình ư? Đó là ảo tưởng tích cực.
Nhưng tất nhiên, nhiều người thật sự giỏi trên mức trung bình trong một khía cạnh nào đó. Thực tế thì những người như thế chiếm một nửa dân số thế giới. Thế nhưng, những nhà nghiên cứu không hề tìm cách để kiểm tra xem trên thực tế, bạn có nhỉnh hơn bạn bè của mình về khả năng học thuật hay ít lười biếng hơn họ không. Chỉ cần bạn nghĩ mình tốt trên mức trung bình thì bạn đã bị gán ghép là tự lừa dối bản thân.
Sau khi khảo sát, các nhà nghiên cứu xem xét hệ quả của ảo tưởng tích cực. Ví dụ, họ kiểm tra phản ứng của người tham gia thử nghiệm khi đối mặt với áp lực, và nhận thấy những người tự đề cao bản thân giỏi ứng phó với áp lực hơn.
Nhưng vì chúng ta không có lý do gì để nghi ngờ câu trả lời của đa số những người được cho là tự đề cao bản thân, nên tất cả những gì các bài luận kia cho thấy chỉ là những người tự cho rằng mình vui vẻ hơn mức bình thường, ít lo lắng hơn mức bình thường, hay đại loại thế… là những người có xu hướng giỏi ứng phó với áp lực hơn. Vậy thì… đâu có gì lạ. Không việc gì chúng ta phải lý giải kết quả này bằng kiểu logic lòng vòng như “Những người cho rằng họ ít lo lắng hơn mức bình thường là những người đang tự lừa dối bản thân, và tự lừa dối bản thân là một lời tiên tri tự ứng nghiệm, giúp họ ít bị căng thẳng trước áp lực hơn”.
Nhiều tiêu chuẩn xác định sự tự đề cao bản thân khác thậm chí còn không yêu cầu người tham gia thử nghiệm so sánh bản thân với mức trung bình. Thước đo Lòng tự trọng Rosenberg là một trong những phương pháp phổ biến để xác định ảo tưởng tích cực, nhưng nó bao gồm các câu khẳng định như “Tôi cảm thấy mình có nhiều phẩm chất tốt đẹp”. Sau đó các nhà nghiên cứu phát hiện những người tự nhận bản thân có nhiều phẩm chất tốt đẹp - những người được cho là người tự đề cao bản thân - là người có điểm cao trong các bài kiểm tra sức khỏe tâm thần. Từ đó, các nhà nghiên cứu kết luận sự tự đề cao bản thân tỷ lệ thuận với sức khỏe tâm thần.
Kiểu lập luận lòng vòng kỳ lạ này xuất hiện dày đặc trong những bài viết về “lợi ích của ảo tưởng tích cực”. Đôi khi kiểu vòng vo này được thể hiện rất rõ ràng. Dưới đây là một đoạn tóm tắt từ bài luận gốc của Taylor và Brown:
Ảo tưởng tích cực đã được ghi nhận là có liên hệ mật thiết với hạnh phúc. Những người có lòng tự trọng cao và tự tin vào bản thân, những người cho rằng họ hoàn toàn kiểm soát được cuộc sống của mình, hay những người tin rằng tương lai sẽ mang đến niềm vui thường có xu hướng khẳng định rằng họ đang hạnh phúc ở hiện tại hơn, so với những người không đưa ra các nhận định tương tự.
Hãy chú ý đến sự thiếu liên kết giữa hai câu trên. Câu đầu tiên khẳng định hạnh phúc gắn liền với ảo tưởng tích cực về cuộc sống. Nhưng câu tiếp theo để bổ trợ cho câu thứ nhất lại lý giải hạnh phúc có liên quan với những niềm tin tích cực về cuộc sống. Khác với ảo tưởng, niềm tin đôi khi có thể chính xác.
Đáng buồn là trong các tài liệu nghiên cứu về lợi ích của sự tự lừa dối, việc đánh đồng niềm tin tích cực với ảo tưởng tích cực đã trở thành thông lệ, chứ không còn là ngoại lệ. Và không có gì bất ngờ khi đa số những tài liệu đó đều khẳng định “sự tự lừa dối” trong cách định nghĩa này gắn liền với những điều tích cực.
Nhưng nếu chỉ tập trung vào những nghiên cứu có định nghĩa đúng về sự tự lừa dối - những niềm tin tích cực đến phi lý - bằng cách so sánh nhận định của một người về bản thân họ với nhận định của người khác về họ, bạn sẽ thấy những lợi ích mà sự tự lừa dối mang lại giảm đáng kể.
Trong số những nghiên cứu chỉ xét đến nhận định của một người về chính họ và xác định người tự đề cao là người có nhận định tích cực về bản thân, 92% (11/12) nghiên cứu kết luận người tự đề cao bản thân là người có tâm lý ổn định. Nhưng trong số những nghiên cứu có đối chiếu giữa nhận định của một người về bản thân họ với nhận định của người khác về họ, đồng thời xác định rõ người tự đề cao là người có nhận định về bản thân tích cực hơn so với những gì người khác đánh giá về họ, chỉ có 13% (2/16) nghiên cứu cho thấy người tự đề cao bản thân là người có tâm lý ổn định.
Như thường lệ, tâm lý học vẫn luôn là một bộ môn phức tạp và rối rắm. Vậy nên, tôi nghĩ chúng ta nên thận trọng khi rút ra một kết luận bất kỳ từ các nghiên cứu đã được thực hiện từ trước tới nay. Nhưng ít nhất thì chúng ta có thể tự tin khẳng định rằng các nghiên cứu có kết luận “ảo tưởng tích cực có lợi cho chúng ta” là sai.
Vậy là trong chương này, chúng ta đã tìm hiểu những lợi ích mà tư duy chiến binh mang lại trong ngắn hạn, cũng như tác hại của nó trong dài hạn.
Ngược với tư duy chiến binh, tư duy trinh sát có thể khiến bạn gặp bất lợi trong ngắn hạn và giúp bạn có được lợi ích về lâu dài. Cũng dễ hiểu khi việc lắng nghe lời phê bình, kiểm chứng nhận định của bản thân và đối mặt với nguy cơ phát hiện chúng ta sai, hay cân nhắc các rủi ro có thể xảy ra khiến chúng ta cảm thấy căng thẳng. Nhưng sau cùng, tất cả những việc đó sẽ trở nên hữu ích cho ta.
Nỗi đau tức thời khi phải đối diện với sự thật thường tồn tại trong quãng thời gian ngắn hơn nhiều so với những gì chúng ta lo sợ. Lời phê bình có thể khiến chúng ta bị tổn thương trong một ngày; nhưng một tuần sau đó, chúng ta đã tiếp thu lời phê bình đó và không còn cảm thấy tồi tệ như lúc đầu. Việc thành thật với bản thân cũng tương tự như thế. Giống như khi ta gỡ miếng băng cá nhân ra khỏi vết thương, xem bảng kê số dư hay nhảy xuống hồ nước lạnh, mặc dù ta biết cảm giác đau sẽ không kéo dài, nhưng ta vẫn có xu hướng trì hoãn những việc đó lâu quá mức cần thiết. Và khi nhìn lại, chúng ta ước gì mình đã không trì hoãn lâu đến thế.
May mắn là vẫn còn nhiều cách để có thể giảm thiểu những tổn thương ngắn hạn. Trong Phần IV của quyển sách này, chúng ta sẽ tìm hiểu xem làm thế nào để việc đối diện với sự thật trở nên dễ dàng hơn và ít tổn thương hơn, ngay cả trong ngắn hạn.