H
ãy tưởng tượng bạn đang trò chuyện với một người nào đó và cuộc trò chuyện này diễn ra không tự nhiên cho lắm, nếu không muốn nói là rất gượng gạo. Cả bạn và người đó đều không biết đối phương đang đề cập đến chuyện gì và không hiểu được những lời nói đùa của nhau. Xuyên suốt cuộc trò chuyện là những khoảng lặng dài vì cả hai đều phải cố nghĩ xem nên nói gì tiếp theo. Nhịp trò chuyện đơn giản là đứt quãng.
Cuối cùng, người đối thoại với bạn thốt lên: “Ôi, cuộc trò chuyện này thật gượng gạo quá!”.
Vậy theo bạn thì lời nhận xét đó sẽ khiến mọi chuyện tốt lên hay tệ đi?
Đối với tôi, câu trả lời rất rõ ràng. Theo tôi, lời nhận xét “cuộc trò chuyện này thật gượng gạo quá” sẽ khiến mọi người trở nên lúng túng hơn, và do đó mọi chuyện sẽ tệ thêm. Vậy nên, khi tình huống này xảy ra với tôi - một người tôi gặp ở một buổi tiệc đã nói lên sự gượng gạo trong quá trình tương tác - tôi đã tự vấn rất nhiều. Tại sao lại có người nói ra điều này? Anh ta có nhận ra anh ta đang khiến mọi thứ tệ hơn không?
Tôi quyết định tạo bảng bình chọn trên Facebook để tham khảo ý kiến mọi người, một phần vì tò mò, nhưng chủ yếu vì tôi muốn xác nhận quan điểm của mình về tình huống kể trên. Tôi mô tả tình huống và hỏi: “Khi ai đó thốt lên rằng cuộc trò chuyện với bạn thật gượng gạo, bạn cảm thấy tốt hơn hay tệ hơn?”. (Tôi không đề cập cụ thể câu chuyện của mình, và đặt câu hỏi một cách trung lập nhất có thể để người khác không đoán được quan điểm của tôi.)
Tôi đã tự tin là đa số mọi người sẽ đồng tình với mình.
Nhưng không ngờ, chỉ có một phần ba trong số những người trả lời khảo sát đồng quan điểm với tôi: 16 người nói rằng việc chỉ ra sự gượng gạo khiến tình hình tệ hơn, và 32 người cho rằng điều đó giúp tình hình trở nên tốt hơn. Đây không phải là một cuộc khảo sát khoa học nghiêm ngặt với đối tượng khảo sát có tính đại diện, nhưng dù sao đi nữa, việc nhận được kết quả khác xa với những gì tôi hình dung khiến tôi không thể không thừa nhận mình đã sai.
Hành động theo tư duy trinh sát vừa rồi của tôi có hữu ích không?
Thật ra trong tình huống tôi vừa kể, mọi chuyện không đủ rõ ràng để xác định liệu tư duy trinh sát có hữu ích hay không. Thông tin tôi có được từ bảng khảo sát không thật sự dẫn đến một hành động cụ thể nào. Tôi không cần phải đưa ra một quyết định cụ thể nào dựa trên quan điểm chính xác của mọi người về việc ai đó chỉ ra sự gượng gạo trong cuộc trò chuyện. Tôi cũng không gặp lại người đàn ông kia, nên quan điểm của tôi về anh ta có thay đổi hay không cũng không quan trọng.
Nhưng tôi nghĩ trải nghiệm này có ích cho tôi, và tôi sẽ giải thích vì sao.
Trong chương này, tôi sẽ nói về lý do vì sao chúng ta nên cố gắng áp dụng tư duy trinh sát trong đời sống hằng ngày, ngay cả khi chúng ta chưa thấy được lợi ích trực tiếp nào. Bạn rất dễ nhận thấy lợi ích của tư duy trinh sát khi cần cân nhắc những quyết định quan trọng, chẳng hạn như một loại thuốc nào đó có hiệu quả hay không, có nên dồn tiền mua cổ phiếu hay trái phiếu không, công ty của bạn có nên sa thải một nhân viên nào đó hay không. Trong những trường hợp này, hiếm khi nào tôi phải tìm cách thuyết phục để người ta tin rằng tư duy trinh sát là hữu ích.
Nhưng trong nhiều tình huống khác thì sao? Trong nhiều trường hợp, lợi ích của tư duy trinh sát là rất khó nhận ra. Ví dụ:
Trong những ví dụ trên, bạn dễ đi đến kết luận rằng niềm tin của mình có chính xác hay không cũng không quan trọng và bạn có thể sử dụng tư duy chiến binh nếu muốn. Nhưng tôi sẽ chứng minh cho bạn thấy vì sao tư duy trinh sát đáng để bạn áp dụng, ngay cả khi bạn không thể thấy được bất kỳ lợi ích nào của nó.
MẠNG LƯỚI NIỀM TIN
Trong quyển sách này, hình ảnh ẩn dụ tôi sử dụng là “tấm bản đồ” hiện thực.
Triết gia Willard Van Orman Quine cũng có một hình ảnh ẩn dụ nổi tiếng liên quan đến “tấm bản đồ” này. Ông cho rằng mỗi người chúng ta có một “mạng lưới” niềm tin: tất cả niềm tin của chúng ta đều kết nối với nhau, trực tiếp hoặc gián tiếp. Mỗi khi chúng ta tiếp nhận một thông tin mới, tác động của nó sẽ lan đến toàn bộ mạng lưới.
Một số niềm tin nằm ở phần rìa của mạng lưới, ví dụ như giờ mở cửa của nhà hàng món Thái gần công ty hay tên của anh chàng mà bạn mới gặp cuối tuần trước. Nếu bạn nhận ra những niềm tin này của mình là sai, thì những niềm tin khác của bạn cũng không bị tác động nhiều.
Một số niềm tin khác thì nằm gần trung tâm mạng lưới hơn, chẳng hạn như sếp của bạn đánh giá thế nào về bạn. Nếu niềm tin này thay đổi, tác động lan truyền trên mạng lưới của bạn sẽ mạnh hơn một chút. Khi đó, mức độ tự tin của bạn đối với những niềm tin khác sẽ thay đổi, khiến bạn tự hỏi: “Mình có đánh giá thấp sự tôn trọng mà người khác dành cho mình không?”, hay “Năm sau mình có nên tìm việc mới không?”.
Và ở trung tâm của mạng lưới là những niềm tin cốt lõi. Khi thay đổi, những niềm tin này sẽ tạo nên những cơn sóng thần và tác động đến mọi niềm tin khác. Ví dụ, “Nhìn chung mình là một người đúng mực” là một niềm tin cốt lõi.
Hình ảnh ẩn dụ về mạng lưới niềm tin giúp chúng ta thấy được vì sao chúng ta khó có thể dự đoán được giá trị của việc thay đổi suy nghĩ về một điều gì đó: vì chúng ta khó có thể dự đoán được sự thay đổi của một niềm tin sẽ tạo ra tác động lan truyền thế nào lên toàn mạng lưới. Thông thường, sự thay đổi của nhiều niềm tin ở rìa sẽ tạo ra tác động lan truyền lên một niềm tin ở gần trung tâm hơn.
Việc tôi nhận ra người khác nhận định thế nào về những cuộc trò chuyện gượng gạo không thật sự hữu ích ngay tại thời điểm đó. Nhưng vài tháng sau đó, tôi có một trải nghiệm tương tự: tôi nghĩ cách hành xử của một người mà tôi tình cờ gặp là bất lịch sự và tôi đã kể chuyện đó cho một cô bạn của mình nghe. Tôi hết sức ngạc nhiên khi cô ấy nói: “Ồ… làm vậy là không lịch sự hả? Mình thì thấy bình thường. Thật ra mình cũng thường hành xử như thế”. Với tôi, cô bạn ấy là một người tinh tế và biết cách cư xử, thế nên tôi bắt đầu nghi ngờ nhận định của mình về tình huống nói trên.
Sau đó tôi còn trải qua nhiều tình huống tương tự như thế nữa. Trong những tình huống đó, tôi luôn có cảm giác rằng nhận định của mình về quy tắc ứng xử là hiển nhiên và đúng đắn, cho đến khi tôi phát hiện có nhiều người khác không đồng tình với tôi. Những tình huống đó không để lại hậu quả nghiêm trọng. Trong mỗi tình huống, tôi đều cố bảo vệ quan điểm của mình về quy tắc ứng xử, một phần vì tôi muốn mình đúng, một phần vì tôi thấy khó chịu với “người vi phạm quy tắc ứng xử”. Khi thấy “khó chịu” với một người nào đó, chúng ta không quan tâm đến những cách lý giải cho thấy lối hành xử của người đó “không sai”.
Nhưng nhìn chung, tất cả những tình huống đó đã cho thấy một lối tư duy mà tôi không thể phủ nhận. Tôi đã ngầm mặc định những quy tắc đúng với mình chính là những quy tắc chung của xã hội, nhưng quan điểm của mọi người về quy tắc ứng xử xã hội thì đa dạng hơn tôi nghĩ rất nhiều.
Sự thay đổi niềm tin ở gần trung tâm này đã và đang rất hữu ích đối với tôi. Giờ đây, tôi thường suy nghĩ thận trọng hơn, không vội rút ra kết luận về nguyên nhân vì sao người khác lại cư xử với mình theo một cách nào đó. Đồng thời, tôi cũng dễ thích ứng hơn với sự khác biệt trong quy tắc ứng xử, nhất là sự khác biệt giữa các tiểu văn hóa khác nhau.
NHỮNG NIỀM TIN CẤP CAO
Có lẽ trong số tất cả các tác động lan truyền, quan trọng nhất là tác động có ảnh hưởng lên cái mà Quine gọi là niềm tin “cấp cao”. Theo Quine, niềm tin cấp cao là loại niềm tin dẫn đến niềm tin, chẳng hạn như nguồn tin nào đáng tin, chứng cứ nào có tính thuyết phục.
Ví dụ, một số niềm tin cấp cao của bạn có thể là:
Nếu bạn nhận ra sự bất hợp lý của bản thân khi cảm thấy khó chịu vì ai đó không giữ cửa thang máy cho mình, thì có thể việc “nhận ra” đó không mang lại lợi ích trực tiếp nào cho bạn. Nhưng nhìn chung, nhiều trải nghiệm như thế có thể sẽ tạo nên tác động lan truyền, khiến bạn trở nên thận trọng hơn khi đưa ra những nhận định tức thời về nhân cách của người khác.
Nếu bạn đặt nghi vấn về những tuyên bố của một người nổi tiếng nào đó và nhận ra anh ta đang cường điệu hóa vấn đề, thì việc này có thể cũng không mang lại lợi ích trực tiếp nào cho bạn. Nhưng có thể trong tương lai, tác động lan truyền của việc đó sẽ giúp bạn bớt cả tin hơn trước những nhân vật có sức ảnh hưởng.
Trong Chương 3, tôi đã kể về tình huống mà nữ khoa học gia Bethany Brookshire gặp phải, khi cô nhận ra mình đã nhận định sai về thành kiến giới tính trong những email mà cô nhận được. Brookshire đã hành động theo tư duy trinh sát và khi đó, có thể cô chưa thấy được bất kỳ lợi ích trực tiếp nào. Tuy nhiên, hành động theo tư duy trinh sát đó đã tạo nên tác động lan truyền lên những niềm tin cấp cao trong mạng lưới của cô, ví dụ như “Liệu mình có thể mặc định khuôn mẫu mà mình đang nhận thấy (hoặc ai đó tuyên bố họ nhận thấy) là đúng với thực tế hay không?”.
THẬN TRỌNG KHI THÊM NHỮNG NIỀM TIN SAI LỆCH VÀO “TẤM BẢN ĐỒ” CỦA MÌNH
Trong chương này, cũng như trong cả quyển sách, có một điều quan trọng mà tôi mong bạn có thể rút ra được cho riêng mình, đó là để trở thành một người có tư duy trinh sát, bạn phải biết trân trọng tấm bản đồ của mình, bất kể bạn có thấy được lợi ích trực tiếp của nó hay không. Và điều này có nghĩa là bạn phải thận trọng với sự tự lừa dối, dù cho sự tự lừa dối đó có vẻ vô hại hay thuận tiện cho bạn trong ngắn hạn.
Hãy tưởng tượng bạn là một lính trinh sát thực thụ. Một người nào đó tỏ ý muốn cho bạn 100 đô-la để bạn thêm thông tin sai lệch vào tấm bản đồ của bạn. Có thể họ muốn bạn vẽ một dòng sông uốn cong về bên trái thay vì bên phải, hoặc vẽ một dãy núi nào đó lệch đi vài trăm mét về phía nam so với vị trí thực tế.
Bạn không thấy những thông tin sai lệch vừa rồi có thể gây hậu quả gì. Sắp tới bạn cũng không dự định sẽ đi vào vùng đất đó, và bạn không thể nghĩ ra mình sẽ gặp những bất lợi gì nếu bạn vẽ sai về con sông hay dãy núi.
Bạn có làm theo lời đề nghị kia không?
Theo tôi, ít nhất bạn nên dè dặt trước khi trả lời là có. Bạn nên thấy lo lắng một chút khi nghĩ tới nguy cơ làm hỏng tấm bản đồ của mình với những thông tin sai lệch. Bạn chắc chắn đến mức nào về việc những thông tin sai lệch đó sẽ không gây hệ lụy về sau?
Nói như vậy không có nghĩa là bạn không thể để trống một số khu vực trong bản đồ của mình, những khu vực bạn còn đặt nhiều dấu chấm hỏi để cho thấy bạn chưa nắm rõ thông tin về các vùng lãnh thổ trong khu vực đó. Đây là điều không thể tránh khỏi. Nhưng ít ra, khi để trống như vậy, bạn nhớ rằng mình còn rất mù mờ về các vùng đất đó, thay vì tự lừa dối bản thân rằng mình rất tự tin về những gì có ở đó.
Khi đặt bản thân vào hình tượng lính trinh sát, bạn cũng nên có cảm giác tương tự về tấm bản đồ hiện thực của mình. Chúng ta thường gặp phải nhiều tình huống mà trong đó, chúng ta tự làm hỏng tấm bản đồ của mình bằng những thông tin sai lệch để có được những lợi ích tức thời.
Chúng ta rất dễ bị cám dỗ, đặc biệt là khi chúng ta không thể thấy được bất kỳ hậu quả rõ ràng nào. Nhưng một tấm bản đồ sai lệch có thể gây ra những hệ lụy về sau. Để bạn có thể hiểu rõ hơn, tôi sẽ nói sơ về lịch sử ngành gây mê.
NIỀM TIN SAI LỆCH CÓ THỂ GÂY HỆ LỤY VỀ SAU
Trước khi thuốc gây mê được đưa vào sử dụng, phẫu thuật là chuyện rất kinh khủng. Tôi sẽ không đi vào những chi tiết đáng sợ đó, nhưng hẳn là bạn có thể tưởng tượng được. Ngay chính các bác sĩ phẫu thuật cũng thường bị sang chấn tâm lý vì đã gây ra sự đau đớn tột cùng cho bệnh nhân của mình. Một bác sĩ phẫu thuật từng nói rằng mỗi lần đi đến phòng phẫu thuật, ông lại có cảm giác như đang ra pháp trường.
Vậy nên vào thế kỷ 19, các bác sĩ bắt đầu thử nghiệm các phương pháp để bệnh nhân không phải chịu đau đớn lúc giải phẫu, bằng cách sử dụng các loại thuốc gây mê qua đường hô hấp như ether và chloroform. Có lẽ bạn đang nghĩ rằng đây rõ ràng là một chuyện tốt và được mọi người đón nhận.
Nhưng thực tế là rất nhiều người vẫn từ chối sử dụng thuốc gây mê suốt hàng chục năm kể từ khi nó được phát triển. Tại sao lại như vậy?
Có thể nói, xuyên suốt lịch sử nhân loại, đau đớn là điều không thể tránh khỏi. Và khi chúng ta coi điều gì đó là không thể tránh khỏi, chúng ta thường tìm cách để hợp lý hóa nó. Chúng ta tự thuyết phục bản thân rằng đau đớn thật ra không phải điều gì quá ghê gớm, thậm chí ta còn xem đó là một điều tốt.
Niềm tin trên đã tạo động lực cho sự phát triển của hàng loạt niềm tin khác, theo đó lý giải vì sao sự đau đớn lại là “điều may mắn của con người”, như những gì mà một bác sĩ đã viết vào năm 1852:
Đây là những quan điểm phổ biến thời đó. Một tu sĩ từng gọi thuốc gây mê là “cái bẫy của Satan”, thứ có thể “làm chai sạn xã hội và khiến người ta quên mất việc gọi tên Chúa Trời những lúc nguy khốn”. Một giảng viên sản khoa uy tín ở Thành phố Dublin (Ireland) nói rằng các y tá hộ sinh cực lực phản đối việc sử dụng ether trong quá trình sinh sản vì “Thượng Đế đã ban cho phụ nữ cơn đau vừa đủ khi sinh nở tự nhiên. Chúng ta không nên nghi ngờ hay tìm cách ngăn chặn cơn đau đó…”
Nhưng theo thời gian, lợi ích quá lớn của việc sinh con và phẫu thuật không đau đớn khiến người ta không thể phủ nhận giá trị của thuốc mê. Cuối thế kỷ 19, mặc dù vẫn còn vài nhóm chống đối kiên quyết bảo vệ “giá trị” của cơn đau, nhưng hầu hết các cấp chính quyền đều đã hiểu được tác dụng của thuốc mê. Trên thực tế, ngày nay người ta còn không thể tin nổi là thế hệ trước mình đã từng phản đối một phát minh tuyệt vời như thế. Năm 1901, triết gia William James đã viết:
Một cuộc biến đổi kỳ lạ về quan niệm đạo đức đã càn quét xã hội phương Tây của chúng ta chỉ trong thế kỷ trước. Chúng ta không còn bình thản đối diện với cơn đau thể xác nữa… Chúng ta kinh ngạc khi tổ tiên mình xem nỗi đau như một thứ không thể thiếu trong thế giới này, cũng như khi họ có thể gây ra và chịu đựng nỗi đau như một phần hiển nhiên của cuộc sống.
Nếu ví dụ vừa rồi về giải thích duy lý nghe có vẻ quá xa vời đối với bạn, như một điều gì đó mà bạn sẽ không bao giờ phạm phải, hãy nhớ rằng trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta cũng thường dùng cách giải thích tương tự để lý giải những chuyện không may.
Những người không tự tin trong giao tiếp hoặc từng không được yêu mến lúc còn nhỏ, thường phát triển một niềm tin có tính tự phòng thủ rằng việc không được mọi người yêu mến chính là dấu hiệu của phẩm hạnh tốt, còn ăn mặc chải chuốt và học cách giao tiếp xã hội là dấu hiệu của sự phù phiếm.
Tôi từng thấy quan điểm này và những quan điểm tương tự trong tấm bản đồ của tôi cũng như của bạn bè tôi, chẳng hạn như “Tham vọng (hoặc sự thành đạt) sẽ khiến chúng ta trở nên xấu xa”, “Người đẹp thường ngu ngốc”, hay “Nỗi đau làm nên cá tính” (có lẽ quan điểm này khá giống với ví dụ về việc những người phản đối thuốc gây mê). TVTropes - trang web với vô số những bài phân tích xã hội - có một danh mục chứa rất nhiều các ví dụ như vậy. TVTropes đặt tên cho danh mục đó là “Những trái nho chua”, trong đó bao gồm những bài viết “tồn tại nhằm mục đích thuyết phục người đọc tin rằng ước mơ và ảo tưởng của họ không chỉ không có khả năng trở thành hiện thực, mà còn bởi vì việc những ước mơ đó không trở thành sự thật mới là tốt cho họ”.
Những bài viết này được nhiều người ưa chuộng vì một lý do, đó là nó củng cố niềm tin của chúng ta rằng những người có thứ mà ta không có là những người không hạnh phúc, thậm chí là vì những thứ đó mà cuộc sống của họ trở nên tồi tệ hơn. Nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng dễ dàng đoán trước được “trái nho chua” nào là “an toàn”, hay nói cách khác là chúng ta không thể biết được “trái nho chua” nào sẽ không trở thành rào cản của mình trong tương lai.
VÌ SAO NÊN BIẾN TƯ DUY TRINH SÁT THÀNH THÓI QUEN
Triết gia Harry Frankfurt có một quyển sách kinh điển mang tên On Bullshit (tạm dịch: Chuyện nhảm nhí). Trong quyển sách này, ông nói về một thói xấu của chúng ta, đó là nói nhảm. “Nói nhảm” theo ý của Frankfurt là “đưa ra những lời khẳng định mà không quan tâm đến bất kỳ điều gì ngoài việc đó là điều bản thân muốn nói”. Rõ ràng thói xấu này có nét tương đồng với khái niệm “tư duy chiến binh” mà tôi sử dụng, mặc dù Frankfurt tập trung vào lời nói, còn tôi tập trung vào lối tư duy.
Frankfurt đã nói về mối nguy hiểm của việc thường xuyên nói nhảm như sau: “… thói quen của chúng ta trong việc quan tâm đến bản chất của mọi thứ sẽ bị suy giảm hoặc biến mất hoàn toàn”. Tôi nghĩ nhận định này về cơ bản là đúng. Như những gì bạn sẽ thấy khi đọc quyển sách này, tư duy trinh sát chủ yếu bao gồm việc lưu ý đến mọi thứ, có những thói quen tốt và có những kỹ năng tốt thông qua quá trình rèn luyện.
Tư duy trinh sát phụ thuộc vào khả năng lưu ý của bạn về mọi thứ. Bạn có lưu ý thấy bản thân mình có cảm giác gì khi nói một điều mà bạn không tin hay không? Bạn có lưu ý thấy bản thân đang biện luận cho phe của mình thay vì cố gắng tìm ra sự thật hay không? Nói “Bạn có thể áp dụng hoặc không áp dụng tư duy trinh sát” nghe có vẻ vô lý hơn là nói “Bạn có thể bật hoặc tắt khả năng lưu ý của bản thân trong lúc lập luận”.
Tư duy trinh sát là tập hợp những thói quen - các phản ứng tự động mà bạn có đối với những kích thích nhất định. Khi bị kích thích bởi “cảm thấy quan điểm của một người nào đó thật ngu ngốc”, tôi sẽ có phản ứng “kiểm tra lại xem họ thật sự nói điều ngu ngốc hay là tôi đang hiểu lầm ý họ”. Trước đây tôi không hề có thói quen này, nhưng sau vài lần trải nghiệm cảm giác giận dữ hoặc khinh thường một ý kiến nào đó và phát hiện ý kiến đó hợp lý hơn tôi nghĩ, tôi đã hình thành được thói quen nhận thức này.
Tư duy trinh sát là tập hợp các kỹ năng. Ví dụ, như những gì chúng ta sẽ tìm hiểu trong Chương 9, một trong những kỹ năng cốt lõi của tư duy trinh sát là khả năng dự tính trước về các tình huống khó khăn có thể xảy ra mà không bị nản lòng hay đầu hàng trước cám dỗ của việc muốn bao biện để né tránh. Đó là một kỹ năng mà chúng ta càng rèn luyện nhiều thì càng dễ vận dụng hơn.
Tất cả những điều này có nghĩa là ngay cả khi bạn không hưởng lợi trực tiếp từ việc nhìn nhận chính xác về một vấn đề nào đó, thì cách bạn suy nghĩ về vấn đề đó vẫn có tác động đến thói quen tư duy của bạn, dù tốt hay xấu.
Một cuộc tranh luận về một chủ đề nào đó có vẻ không liên quan tới cuộc sống hằng ngày của bạn như “Quyết định can thiệp vào Syria của Đảng Dân chủ là đúng hay sai?” không đơn thuần là một cuộc tranh luận về Syria. Đó là lúc bạn rèn luyện tâm trí của mình. Việc bạn rèn luyện những gì là tùy thuộc vào bạn: bạn rèn luyện kỹ năng tìm mọi cách để chiến thắng trong các cuộc tranh luận hay kỹ năng nhìn nhận mọi thứ một cách trung thực?
VÌ SAO NHIỀU NGƯỜI KHÔNG MUỐN BIẾN TƯ DUY TRINH SÁT THÀNH THÓI QUEN
Có những lúc mọi người hiểu sai khi nghe tôi nói: “Hãy áp dụng tư duy trinh sát trong cuộc sống nói chung”. Họ nghĩ rằng điều đó có nghĩa là nếu đọc một bài báo thì họ phải dành một giờ đồng hồ để xem xét tỉ mỉ bài báo đó; nếu họ bất đồng quan điểm với một ai đó trên mạng thì họ buộc phải cùng người đó trao đổi cởi mở với nhau; nếu có nỗi lo nào đó trỗi dậy thì họ buộc phải suy xét thật kỹ chứ không cứ thế mà bỏ qua.
Ý của tôi hoàn toàn không phải như vậy! Cuộc sống như thế quá mệt mỏi.
Trong Chương 1, chúng ta đã nói về độ chuẩn xác và về luận điểm cho thấy mục tiêu của chúng ta không nên là biết tất cả mọi thứ, mà là nhận thức được mình biết và không biết những gì. Những gì tôi muốn truyền đạt khi nói bạn “hãy áp dụng tư duy trinh sát trong cuộc sống” cũng tương tự như vậy.
Nếu là người theo Đảng Dân chủ và đang đọc một bài báo chỉ trích Đảng Cộng hòa thì bạn không nhất thiết phải xác minh tính chính xác của bài báo đó. Nhưng chí ít thì bạn nên thận trọng trong cách suy nghĩ của mình: “Các bài báo thường không kể toàn bộ câu chuyện. Mình không nên quá tin tưởng các thông tin trong bài báo này”.
Nếu bất đồng ý kiến với ai đó trên mạng, thì tất nhiên bạn hoàn toàn có thể phớt lờ họ. Khi đọc đến Chương 13, bạn sẽ thấy rằng đa số những sự bất đồng đều không đáng để chúng ta phải mất quá nhiều thời gian. Nhưng về lâu dài, có lẽ bạn nên để ý xem có người nào được cho là thông minh và biết lý lẽ bất đồng quan điểm với bạn hay không. Ngay cả khi có bất đồng với một người như thế, bạn cũng không nhất thiết phải tìm hiểu sâu hơn, nhưng ít ra thì bạn nên thận trọng suy nghĩ: “Mình nên xem xét lại quan điểm của mình. Có những người thông minh và hiểu chuyện không đồng tình với quan điểm đó, và mình chưa hiểu lý do vì sao”.
Nếu một nỗi lo nào đó trỗi dậy, thì bạn không cần phải bỏ hết mọi thứ và nghĩ xem mình lo lắng như vậy có hợp lý hay không. Bạn hoàn toàn có thể gạt nỗi lo đó qua một bên vì đó chỉ là một nỗi lo bâng quơ, hoặc vì thời điểm hiện tại chưa thích hợp để bạn nghĩ về nó. Nhưng ít nhất khi gạt nỗi lo đi, hãy thành thật nói với bản thân: “Có thể mình lo lắng như vậy là đúng, nhưng bây giờ chưa phải là lúc để lo”, thay vì tự đánh lừa trí thông minh của mình rằng chẳng có gì phải lo.
“CHẠY NƯỚC RÚT”
Sau đây là một kiểu phản đối khác đối với việc thường xuyên áp dụng tư duy trinh sát:
Nếu lên sân khấu trình diễn, tôi phải tin mình là người tuyệt vời nhất thế giới. Nếu tôi đang thương lượng làm ăn hoặc tranh biện trên tòa, mục tiêu của tôi không thể là “tìm kiếm sự thật” mà phải là chiến thắng bằng cách đưa ra những lập luận thuyết phục nhất có thể. Làm thế nào tư duy trinh sát lại thích hợp để áp dụng trong những trường hợp này được?
Thật ra thì tôi hoàn toàn đồng tình với lập luận này.
May mắn thay, tôi tin chúng ta có thể áp dụng tư duy chiến binh trên sân khấu hoặc trong phiên tòa mà không gây hại quá nhiều đến thói quen hoặc tấm bản đồ hiện thực của mình. Thực tế thì trong số những người giống-trinh-sát nhất mà tôi biết, có một số người ứng biến rất tốt trong các tình huống trên. Tôi gọi các tình huống ngoại lệ này là “chạy nước rút”.
Có hai yếu tố đặc trưng để xác định thế nào là chạy nước rút. Đầu tiên, việc chạy nước rút diễn ra trong quãng thời gian ngắn, tách biệt với các hoạt động khác, và chỉ được tính bằng giờ chứ không phải ngày hay tháng. Trong quãng thời gian ngắn như thế, bạn không có cơ hội để tiếp nhận (nhiều) thông tin về thế giới. Bạn cần thể hiện, không phải tìm hiểu.
Vì chặng đua nước rút thường rất ngắn nên khi nó kết thúc, bạn có thể nhìn lại và trung thực đánh giá những thông tin mới mà bạn vừa nhận được. Vậy nên nếu đang biểu diễn trên sân khấu thì bạn không cần phải vừa diễn vừa cẩn trọng suy xét những khuyết điểm của mình. Nhưng tối hôm đó, khi bạn vẫn còn nhớ rõ về màn trình diễn của mình, bạn có thể chuyển về tư duy trinh sát và trung thực đánh giá xem bạn đã biểu diễn tốt mức nào, bạn có thể cải thiện những gì, v.v…
Yếu tố đặc trưng thứ hai của việc chạy nước rút là nó khiến bạn có cảm giác như đang chơi trò nhập vai, hoặc chuyển sang một chế độ mà trong đó, bạn hành động và cảm nhận dựa trên “giả định” điều gì đó là đúng, dù thực tế bạn biết là không.
Nhà vật lý Richard Feynman là một ví dụ điển hình. Để có động lực nghiên cứu đến cùng, ông thường tự khiến bản thân “tin” rằng mình đang nghiên cứu đúng hướng và kết quả đang chờ ông phía trước. Ông nói: “Khi nỗ lực tìm kiếm bất kỳ điều gì, bạn phải khiến bản thân tin rằng đáp án đang được chôn giấu ở chỗ nào đó thì bạn mới tiếp tục đào bới ngay chỗ đó, đúng không nào?”.
Nhưng Feynman cũng cảnh báo rằng để trở thành một nhà nghiên cứu giỏi, bạn không bao giờ được quên một sự thật, đó là bạn luôn có thể sai. Trong một quyển sách của mình, ông viết:
Bạn tạm thời cho phép mình hành động theo một định kiến hoặc sự dẫn dắt nào đó, nhưng đồng thời, trong tâm trí của bạn, bạn đang cười chính mình… Có thể bạn đang đào bới ở nơi mà bạn tạm thời thuyết phục mình ở đó có đáp án. Nhưng rồi một ai đó đến và nói với bạn: “Anh có biết người ta tìm được gì ở bên kia chưa?”. Thế là bạn ngẩng đầu lên và nói: “Ôi trời! Tôi đào sai chỗ rồi!”. Chuyện thế này rất thường xảy ra.
NÃO BỘ CỦA CHÚNG TA ĐÁNH GIÁ THẤP SỰ THẬT
Hãy cùng điểm lại nội dung ở Chương 4. Trong chương này, chúng ta đã tìm hiểu về việc tâm trí của chúng ta thực hiện các phép tính nhanh trong vô thức để chọn áp dụng tư duy trinh sát hay tư duy chiến binh đối với từng vấn đề cụ thể. Não bộ của chúng ta sẽ xem xét những yếu tố như “Nếu có niềm tin chính xác hoặc không chính xác về một vấn đề nào đó thì chúng ta có phải đối mặt với hệ quả gì không?”, “Nếu chúng ta có những nhận định đúng hoặc sai thì người khác có nhận ra hay không?”, “Nếu chúng ta cố gắng giữ vững quan điểm của mình bất chấp sự thật thì tinh thần của chúng ta có được nâng cao hay không?”.
Hệ quả, trách nhiệm và tính hiếu kỳ là những động lực thúc đẩy bạn có tư duy trinh sát; tinh thần và tính tuyên truyền là những động lực thúc đẩy bạn có tư duy chiến binh. Các động lực của hai lối tư duy này thường mâu thuẫn lẫn nhau. Do đó, não bộ của chúng ta sẽ cố gắng thực hiện những sự đánh đổi hợp lý, cân nhắc giữa cái giá phải trả và lợi ích của việc theo đuổi niềm tin chính xác trong từng tình huống.
Nhưng những nhận định đó không phải lúc nào cũng chính xác. Chúng ta cân nhắc cái giá phải trả và lợi ích của tư duy trinh sát cũng như tư duy chiến binh một cách đại khái, vô thức và cảm tính. Trong nhiều trường hợp, bộ não của chúng ta thường phán đoán sai về việc sự thật nào đáng hay không đáng để ta theo đuổi.
Nhà tâm lý học Drazen Prelec của Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT - Massachusetts Institute of Technology) cho rằng chúng ta thường không giỏi đánh đổi trong các tình huống có các tính chất sau đây:
Cả ba sự bất tương xứng nêu trên đều ảnh hưởng đến tư duy trinh sát.
Đối với sự bất tương xứng về thời gian: như chúng ta đã tìm hiểu trong Chương 5, khi đối diện một sự thật khó chấp nhận, chúng ta thường phải chịu tổn hại nhất thời về mặt tinh thần để đổi lấy sự tiến bộ về lâu dài. Trong khi đó, tư duy chiến binh mang lại cho chúng ta những phần thưởng tức thời về tinh thần, tạo sức ảnh hưởng và động lực cho ta, mặc dù chúng ta sẽ phải trả giá về lâu dài.
Đối với sự bất tương xứng về sự rõ ràng: khi đối diện với một sự thật không dễ chịu nào đó, ta phải trả một cái giá rõ ràng, đó là cảm thấy rất tồi tệ ngay lập tức. Nhưng lợi ích của việc đó thì lại mơ hồ: trong tương lai, có lẽ bạn sẽ có thể đưa ra những quyết định đúng đắn hơn, bởi bạn đã có tấm bản đồ chính xác hơn về hiện thực; nhưng hiện tại, bạn chưa biết thời gian và cách thức để có được tấm bản đồ như thế.
Đối với sự bất tương xứng về mức độ: việc có thói quen vận dụng tư duy trinh sát có giá trị cực lớn. Nhưng để tập thành thói quen này, bạn phải thường xuyên hành động theo tư duy trinh sát, dù mỗi hành động như thế đều đi kèm với một cái giá phải trả nho nhỏ nào đó. Những hành động đó có thể là nhận ra lỗi sai của mình, kiên quyết không gian lận, hoặc tương tự như thế. Nhìn chung, những hành động theo tư duy trinh sát đều đáng để ta thực hiện, nhưng sẽ luôn có những cám dỗ thường trực khiến ta muốn nói với bản thân: “Mình sẽ làm điều đúng đắn vào lần tới!”.
Tất cả những điều này có nghĩa là nếu để tiềm thức của chúng ta tự quyết định khi nào ta cần dùng tư duy trinh sát thì chúng ta sẽ sử dụng lối tư duy này ít hơn mức cần thiết rất nhiều.
Hoặc chúng ta có thể hiểu theo hướng lạc quan hơn như sau: Khi bạn nắm quyền điều khiển cơ chế chuyển đổi giữa tư duy trinh sát và tư duy chiến binh của não bộ, bạn có cơ hội đạt được nhiều lợi ích hơn với cái giá phải trả thấp hơn.