C
ó hai loại tự nhận thức: loại khó và loại khó hơn.
Loại tự nhận thức khó là khả năng nhận ra “Mình thường áp dụng tư duy chiến binh, giống như nhiều người khác”. Có thể bạn còn nhớ hiệu ứng Hồ Wobegon. Theo đó, hầu hết mọi người đều nghĩ họ vượt trội hơn người khác về một đặc điểm tích cực nào đó, như có tính trung thực hoặc lái xe an toàn chẳng hạn. Nếu vậy thì bạn sẽ không ngạc nhiên khi biết rằng hiện tượng hành vi tương tự cũng xuất hiện ở những người có tư duy chiến binh: họ tự đánh giá rằng bản thân họ ít có quan điểm thiên kiến hơn những người khác.
Đây là hiện tượng hành vi được ghi nhận lần đầu tiên bởi các nhà tâm lý thuộc Đại học Stanford, những người đã đặt tên cho hiện tượng này là “điểm mù thành kiến”. Trong một nghiên cứu, khi các sinh viên tham gia khảo sát được cung cấp thông tin rằng xu hướng chung của con người là nhận công về mình và đổ trách nhiệm cho người khác, các sinh viên này đã tự đánh giá là nguy cơ họ rơi vào xu hướng đó sẽ ít hơn một người Mỹ bình thường khoảng 40%.
Các bác sĩ thừa nhận quà tặng của trình dược viên có thể tác động đến việc kê đơn của bác sĩ, nhưng là của bác sĩ nói chung chứ không phải của bản thân họ. Trong một ví dụ cụ thể, chỉ có 20% các bác sĩ tham gia khảo sát nghĩ rằng ăn trưa cùng trình dược viên có thể tác động đến quyết định kê đơn của mình, nhưng các bác sĩ này lại ít lạc quan hơn nhiều về khả năng duy trì sự công tâm của các bác sĩ khác: có đến 43% trong số họ cho rằng “một bác sĩ bình thường” có thể bị tác động.
Tuy nhiên, dù có điểm mù thành kiến nhưng hầu hết chúng ta đều thừa nhận là mình có bị tác động một chút bởi lối lập luận theo động cơ. Chúng ta biết đó là hiện tượng thường thấy, và chúng ta hiểu mình không phải là ngoại lệ. Thậm chí, có khả năng là chúng ta còn có thể nhìn lại và nhận thấy rõ ràng rằng trong quá khứ chính chúng ta cũng từng lập luận theo động cơ.
Nhưng nhận ra hành vi lập luận theo động cơ dựa trên lý thuyết là một chuyện, nhận ra hành vi đó trong lúc nó đang diễn ra lại là chuyện hoàn toàn khác.
Và loại tự nhận thức khó hơn chính là khả năng nhận ra “Mình đang lập luận theo động cơ ngay lúc này, về vấn đề cụ thể này”. Khi cố gắng đánh giá mức độ thiên lệch của bản thân về một vấn đề nào đó, chúng ta thường phụ thuộc vào khả năng tự vấn của mình. Chúng ta tự hỏi những câu như “Ý kiến của mình có đang bị thiên lệch hay không?”, “Nhận định này của mình có hợp lý không?”, hoặc “Mình có bị tác động bởi bữa ăn trưa miễn phí của trình dược viên kia không?”.
Vậy chuyện gì sẽ xảy ra khi chúng ta cố gắng tự vấn bản thân? “Thư ký truyền thông” của chúng ta sẽ can thiệp ngay lập tức để trấn an rằng ý kiến của chúng ta không hề bị thiên lệch. Viên thư ký này sẽ đưa ra vô số lý do hợp lý để chứng minh là không có bất kỳ dấu hiệu thiên lệch nào hết. Và thế là chúng ta đã hoàn thành quá trình tự vấn bản thân, với cảm giác thỏa mãn vì sự khách quan của mình.
Nhưng thật ra, chúng ta chưa chứng minh được gì cả.
Trong một bài diễn thuyết trên TED Talk, Kathryn Schulz - tác giả quyển sách Being Wrong (tạm dịch: Sai lầm) - đã nêu ra một câu hỏi: “Chúng ta có cảm giác như thế nào khi phạm sai lầm?”. Và cô trả lời: “Cảm giác của chúng ta khi phạm sai lầm và khi làm đúng là như nhau”.
Điều này cũng đúng đối với hành vi lập luận theo động cơ. Cảm giác khi ta áp dụng tư duy chiến binh cũng hệt như cảm giác khi ta áp dụng tư duy trinh sát. Quá trình mà não bộ của chúng ta ưu tiên những bằng chứng có lợi cho quan điểm của chúng ta là những quá trình được vận hành trong vô thức. Vì vậy, dù bạn đã tự tìm kiếm bằng chứng về nhận định thiên lệch của bản thân (“Có phải mình đang đánh giá sai ý kiến của John vì mình không thích quan điểm chính trị của anh ấy không?”) và không tìm được bất kỳ bằng chứng nào (“Không, mình không hề quan tâm đến quan điểm chính trị của John khi đánh giá ý kiến của anh ấy”), nhưng điều đó cũng không chứng minh được là bạn không có nhận định thiên lệch.
Vậy chẳng lẽ khả năng tự nhận thức của chúng ta không giúp ích được gì sao?
Không hẳn là như vậy. Có một phương pháp tự vấn mà đôi khi bạn có thể áp dụng để xác định liệu bạn có đang lập luận theo động cơ ngay tại thời điểm đó hay không. Và đó chính là nội dung của hai chương tiếp theo.