N
hư vậy, thông qua những gì đã tìm hiểu, chúng ta đều nhận thức được sức mạnh mà sự bình an mang lại. Bây giờ là lúc chúng ta tạo dựng sự bình an cho mình để trải nghiệm trong cuộc sống, và cách thực hành phổ biến nhất là thiền định. Tuy nhiên, khi đề cập đến phương pháp này, chúng ta lại vấp phải một vấn đề mà đa số mọi người quan tâm: Có phải ai cũng thành công khi thực hành thiền định? Tại sao số lượng người thực hành thiền định lại rất ít?
Để giải đáp hai câu hỏi này, chúng ta cùng tìm hiểu 7 vấn đề liên quan cũng là 7 câu trả lời khá thực tế cho điều mà đa số mọi người đang mắc phải.
1. Bình an giả tạo
Hầu hết mọi người chưa bất an đến cực độ để nhận ra rằng họ đang phải chịu đựng đau khổ từ lối sống của mình và cần mau chóng tìm lối thoát. Chúng ta bị sa đà tìm đến với những kích thích từ bên ngoài như các phương tiện thông tin đại chúng, tán gẫu với bạn bè hay thậm chí thành tựu của người khác để tác động vào các giác quan. Tất cả những tác nhân kích thích này khơi gợi cảm giác bình an và mãn nguyện tạm thời trong giây lát, tuy nhiên sau đó chúng ta sẽ còn bị căng thẳng hơn. Đã có rất nhiều người mang trong đầu một tư tưởng rằng: “Tại sao tôi lại phải đi tìm kiếm một chốn bình an nào trong khi việc nhâm nhi tách cà phê vào giờ giải lao cũng giúp thư thái, nhẹ nhõm?”. Thật ra, đó mới chỉ là một nửa câu trả lời, giải thoát nghĩa là hoàn toàn thoát khỏi tâm trạng bất an và những “trò nhào lộn cảm xúc” quen thuộc. Khi chúng ta tìm kiếm sự bình an từ bên ngoài, sức mạnh giải thoát được tích lũy trong nội tâm ta cứ mất dần đi, nếu không kịp thời nhận ra và quay trở lại với trạng thái bình an nội tâm thật sự mà cứ quẩn quanh dùng các cách thức khác để thay đổi thì không bao giờ ta tìm được sự giải thoát thật sự.
Hãy nhìn những hình ảnh quen thuộc trong cuộc sống xung quanh chúng ta: những người thành đạt thường bị căng thẳng, nặng nề, chịu nhiều áp lực; những người hay bị ám ảnh về mục tiêu trong cuộc sống, những kẻ ngồi lê đôi mách, những kẻ háu ăn, những kẻ béo phệ ngồi mê mẩn trước ti-vi - tất cả đều nghiện thứ gì đó và nhanh chóng bị đẩy vào tình cảnh khó khăn! Cơn đau do nghiện ngập này chưa lên đến mức cực độ để khiến cho họ nhận ra các tác nhân kích thích ấy chẳng những không hiệu quả mà còn phản tác dụng, có thể hủy hoại họ. Nhưng điều gì đến rồi cũng sẽ đến. Những ý tưởng như là thiền định, mường tượng và suy ngẫm về bản thân… sẽ được quan tâm và ứng dụng phổ biến trong một cuộc sống đầy căng thẳng như thế.
2. Ngụy tri kỷ
Đến một ngày nào đó, con người bừng tỉnh và chợt nhận ra rằng mình cần hướng vào nội tâm để thay đổi chất lượng cuộc sống của bản thân. Vì vậy, chúng ta bắt đầu tìm kiếm những phương pháp để phát triển nội tâm của mình, và chắc chắn dù các cách thức có khác nhau đi chăng nữa thì rồi chúng sẽ cùng đưa ta đến sự bình an trong tâm hồn. Tuy nhiên, nếu chúng ta mới chỉ có ý tưởng cho điều này mà đã tâm sự ngay với bạn bè, gia đình hay đồng nghiệp về cách chúng ta định trải nghiệm và lôi kéo họ theo thì rất có thể chúng ta đang tự biến mình thành trò cười trong mắt họ. Những điều chúng ta chia sẻ nhanh chóng bị bỏ ngoài tai vì chẳng ai muốn làm đảo lộn cuộc sống của mình.
Mọi người xung quanh đã quá quen thuộc với lối sống và cách cư xử của chúng ta, cuộc sống của họ cũng chịu ảnh hưởng lớn từ lối sống của chúng ta. Nếu ta thay đổi, cuộc sống hiện tại của họ cũng bị xáo trộn, nên họ rất lo sợ điều đó xảy ra. Đó là lý do tại sao khi áp dụng bất kỳ hình thức phát triển bản thân hay thực hành tâm linh nào, tốt nhất là đừng nên nói gì với ai, chỉ thầm lặng thực hiện. Nếu không, những người xung quanh sẽ sẵn sàng dùng mọi biện pháp để làm ta nản lòng, khiến chúng ta do dự, nhằm ngăn cản động cơ thay đổi tích cực trong ta. Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể phủ nhận vai trò của những người bạn tốt thật sự, họ không những hiểu mà còn luôn hỗ trợ, động viên, thậm chí họ có thể tham gia cùng ta. Nhưng tốt nhất là giữ im lặng cho đến khi chúng ta hoàn toàn ổn định và thành công với hướng đi mới của mình.
3. Những ưu tiên sai lầm
Sau một thời gian ngắn thực hành tìm sự bình an trong tâm hồn (thiền định), nhiều người vội vàng đưa ra kết luận: thiền chỉ là một hình thức ngồi thụ động mà không làm được gì cả. Niềm tin cố hữu mách bảo họ rằng “sống” là phải “hành động”, phải đứng dậy bắt tay vào làm một cái gì đó, cuộc sống là phải tất bật, cuống cuồng lên. Vì thế, họ không ngần ngại đưa ra nhận định: việc tập trung vào nội tâm là một ưu tiên sai lầm, chỉ làm lãng phí thời gian; từ đó họ đưa ra ưu tiên hàng đầu cho bản thân là tập trung vào người khác và nói về chuyện người khác nên thay đổi như thế nào… Họ là những người nghiện hành động, nghiện sự vội vã, cả ngày chỉ lao vào công việc, vì vậy họ chấm dứt luôn việc thực hành thiền (nếu họ đã từng bắt đầu). Tuy nhiên, đến một lúc nào đó năng lượng tinh thần sẽ suy kiệt và họ sớm nhận ra rằng hãy “sống” - nhận thức rõ bản chất nguyên thủy tốt đẹp, sức mạnh nội tâm của mình - trước khi “làm” mới là cách đúng đắn. Chúng ta không thể thay đổi cách chúng ta tạo dựng cuộc sống của mình bằng cách nói về việc người khác nên thay đổi cuộc đời họ như thế nào và chúng ta cũng không thể làm cuộc đời mình mới mẻ hơn lên khi năng lượng tinh thần ngày càng suy giảm vì lao vào hành động quá nhiều. Chúng ta cần học cách “sống” để “làm” chứ không phải “làm” để “sống” như từng lầm tưởng.
4. Căn cứ sai lầm
Khi bắt đầu thiền định nghiêm túc nghĩa là chúng ta bắt đầu thực hiện cuộc hành trình hướng về nội tâm, đi sâu vào trong ý thức của mình. Qua đó, chúng ta nhận thức rõ hơn điều gì đang diễn ra bên trong tâm trí, trí tuệ và ký ức - ba bộ phận của ý thức. Giả sử chúng ta có một chiếc tủ chứa đồ và nó chỉ được mở ra mỗi năm một lần. Khi nhìn vào bên trong, chúng ta thấy rất nhiều đồ cũ, những thứ lặt vặt không cần thiết. Lúc đó ta làm gì? a) đóng cửa tủ lại không muốn nhìn nó nữa; b) cứ để vậy sử dụng và không có ý định dọn dẹp; c) bắt đầu dọn dẹp, sắp xếp lại và loại bỏ đi những thứ không dùng đến, nhưng sau đó, ta lại phát hiện ra rất nhiều thứ lỉnh kỉnh khác ở bên dưới. Dường như mọi thứ quá lộn xộn, bừa bãi, phải cực công dọn dẹp, chúng ta nhanh chóng cảm thấy chán ngán, cuối cùng, ta quyết định đóng cửa tủ lại và đi thưởng thức một tách trà!
“Chiếc tủ ý thức” trong ta cũng giống như vậy, những đồ vật lỉnh kỉnh, đáng vứt đi trong đó sẽ khua lên lách cách, làm ta cảm thấy ngại ngần, chẳng muốn dọn dẹp. Chúng ta nghĩ rằng công việc đó chỉ mất thời giờ mà chẳng ích lợi gì vì sau đó nó cũng sẽ trở lại sự hỗn độn như ban đầu mà thôi. Cứ thế, chúng ta để mặc cho “chiếc tủ ý thức” ngày càng bề bộn hơn. Đó cũng là lý do tại sao khi thực hành thiền định, chúng ta nên có một người hướng dẫn giàu kinh nghiệm, có như vậy chúng ta mới có thể phá bỏ được những ảo tưởng do mình tự đặt ra.
5. Phương pháp sai
Học thiền nghĩa là chúng ta đang bước đi trên con đường tâm linh, do đó ngoài yếu tố nhận thức như sự hiểu biết về bản thân, về ý thức và vai trò của ý thức, để tăng cường thêm hiệu quả, chúng ta cũng cần có những kỹ thuật thực hành hàng ngày khác như: chế độ ăn uống, ngủ nghỉ, và sự sẻ chia với người khác. Con đường tâm linh nhấn mạnh đến quá trình chuyển hóa bản thân, những trải nghiệm của cá nhân trong thực tế hơn là việc chỉ học thuộc những niềm tin một cách mù quáng mà đôi khi cũng không hiểu gì về chúng. Để khắc phục điều đó, bạn hãy lưu ý sau đây 7 trong số hàng trăm dấu hiệu xác thực để thực hành tâm linh đúng đắn:
• Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc chuyển hóa bản thân, trải nghiệm được quá trình chuyển hóa này, chứ không phải là giữ mãi những niềm tin cố hữu, bất di bất dịch.
• Thực hành mang đến nhận thức rõ ràng hơn về bản thân, nghĩa là biết được Tôi là ai, và Tôi là gì, trái với cách thức tiếp nhận từ sự đánh giá của người khác Tôi nhìn bản thân mình ra sao.
• Có sự chuyển hóa tích cực, thật sự cả trong suy nghĩ, thái độ và hành động, không những bản thân mà người khác cũng cảm nhận được.
• Sức mạnh tinh thần từ từ gia tăng sau một thời gian thực hành.
• Những ảo tưởng về bản thân và thế giới dần được nhận ra và bị xua tan, thay vào đó là những hiểu biết sâu sắc hơn.
• Trở thành người thầy hướng dẫn người khác thông qua chính trải nghiệm thực tế của mình, và người lãnh đạo thể hiện vai trò bằng sự tôn trọng, chứ không phải bằng quyền lực do địa vị mang lại.
• Chấp nhận, cởi mở trước niềm tin và phương thức thực hành của người khác.
Bên cạnh đó, có lẽ chúng ta sẽ cần thêm một dấu hiệu nữa, đó là: đơn giản hóa vấn đề - có nghĩa là những điều phức tạp nên được nhìn nhận và hiểu theo những cách đơn giản hơn. Khi thực hành thiền định, chúng ta sẽ phát triển được con mắt trí tuệ tinh tường, sáng suốt hơn để nhìn ra điều cốt lõi, sự thật trong mọi vấn đề một cách tự nhiên.
6. Những kỳ vọng sai lầm
Chúng ta không nên kỳ vọng quá nhiều, và mong muốn mọi thứ diễn ra thật nhanh chóng. Nhiều người hướng đến đức tin của bản thân một cách vô cùng mạnh mẽ, như những người sùng đạo thật sự thấy mình hòa hợp vào Đấng toàn năng. Nhưng nếu không đạt được điều mình kỳ vọng, họ trở nên chán nản, tuyệt vọng, và thoái chí. Chỉ có những người thực hành thiền lâu năm và chân thành nhất mới cảm nghiệm được rằng thiền là một quá trình làm sáng tỏ dần những điều thuộc về tinh thần, tiến sâu vào trải nghiệm bình an và cảm nhận sức mạnh nội tâm của bản thân đang tăng lên, nhưng họ không quên đi vai trò của mình trong cuộc sống. Họ không kỳ vọng về điều gì, mà chỉ thoải mái tận hưởng thành quả của việc thực hành thiền định - những phẩm chất như: bình an, hạnh phúc, yêu thương và những sức mạnh: khoan dung, hợp tác, chấp nhận… mà họ đang đạt được.
7. Những so sánh sai lầm
Khi mới bắt đầu thực hành, chúng ta chỉ nên chia sẻ những trải nghiệm của bản thân với người hướng dẫn. Đừng bao giờ so sánh bản thân và trải nghiệm của mình với người khác. Có vô vàn nhân tố khác nhau ảnh hưởng đến việc thiền định của chúng ta, do đó mọi so sánh đều không cần thiết và chỉ làm chúng ta thêm rối trí. Mỗi người trong chúng ta là một thực thể riêng biệt, độc đáo, vì vậy những trải nghiệm nội tâm của ta cũng mang tính khác biệt chỉ mình ta mới có. Thỉnh thoảng, chúng ta có thể bắt gặp hoặc cảm nhận được những cảm xúc không thoải mái hay những hiểu biết tiêu cực đi vào tính cách ta, nhưng đừng nên lo lắng. Vì khi thiền, ta đang sẵn sàng nhìn ra và cảm nhận về chúng, ta đủ sức mạnh để có thể chuyển hóa chúng. Chỉ cần nhớ rằng không nên đồng hóa mình với những gì chúng ta nhìn thấy và cảm nhận được, chúng đến từ ta nhưng không phải là ta.