N
ếu bạn muốn thực hiện một chuyến hành trình nội tâm, sẵn sàng trải nghiệm, khám phá, đối diện và xua tan đi những ảo tưởng xuất hiện trên suốt cuộc hành trình, thì đây là 7 bước cơ bản cho việc thiền định và con đường quay trở về với trạng thái bình an nội tâm thật sự của bản thân.
Bước 1
Tạo dựng chốn bình an
Hãy dành một không gian nào đó trong nhà để thực hành thiền định, hoặc chỉ cần một nơi đủ để đặt một chiếc ghế bành. Mỗi khi thực hành thiền định, hãy bước vào không gian riêng này để tìm kiếm sự bình an. Bạn cũng có thể đặt một số đồ vật quen thuộc gợi cảm giác thoải mái xung quanh nơi thiền định, nó sẽ giúp bạn tự tin, tập trung hơn.
Bước 2
Thiết lập không gian thiền
Ngoài không gian vật chất, để bước vào thiền, hãy thiết lập trong nội tâm mình một không gian tinh thần bình lặng – chẳng hạn như: không suy nghĩ lo lắng, không hồi tưởng lại quá khứ đã qua, không phán xét hay chỉ trích. Hãy hình dung ra một không gian được bao quanh bởi một chiếc bong bóng vô hình. Lúc bạn bước vào trong chiếc bong bóng ấy, tự khắc bạn ngưng lo lắng, ngưng nhớ lại quá khứ, phán xét và chỉ trích. Mỗi khi thấy mình sắp “làm mồi” cho một trong những thói quen suy nghĩ này, hãy đưa mình quay về không gian nội tâm, thoát khỏi những lôi kéo tinh thần ấy. Đừng bao giờ tự giày vò bản thân mình khi bị cuốn theo những thói quen suy nghĩ kia. Thật ra, tự giày vò bản thân cũng là một thói quen khác cần phải bỏ đi. Vì vậy, 5 nguyên tắc này cũng là 5 nội quy dành cho không gian thiền định của bạn. Ngoài ra, chúng ta cũng nên thêm “tai ương/tai biến” và “nghi ngờ” vào danh sách này. Đây chính là những dấu hiệu nhắc nhở chúng ta về những trở ngại thường xuất hiện để phá rối việc thực hành thiền định và trì hoãn hồi phục bình an nội tâm, sức mạnh nội tâm của chúng ta:
1. lo lắng
2. hồi tưởng lại quá khứ đã qua
3. phán xét
4. chỉ trích
5. đổ lỗi, giày vò bản thân
6. tai ương/tai biến
7. nghi ngờ
Để làm được điều này, mỗi chúng ta cần phải kiên nhẫn với bản thân và thực hành đều đặn.
Bước 3
Tách rời và quan sát
Bây giờ, hãy chủ động hướng sự tập trung của mình vào thế giới nội tâm, tách biệt dần với thế giới thực tại:
• Xem thế giới thực tại như một sân khấu lớn.
• Bạn đang ngồi yên ở hàng ghế khán giả, quan sát mọi diễn biến trên sân khấu.
• Bạn không cần phán xét các nhân vật là tốt hay xấu, đúng hay sai.
• Nếu bạn học cách chỉ “quan sát” thế giới, bạn sẽ không bị ảnh hưởng bởi những sự kiện và hoàn cảnh bên ngoài, từ đó bạn sẽ nhìn thế giới rõ ràng hơn, hiểu người khác nhanh hơn và đúng đắn hơn.
• Khi thực hành quan sát và tách rời, không đồng hóa mình với ngoại cảnh, bạn sẽ dễ dàng sống bình an hơn.
• Hãy thực hành điều này trong vài phút, ngay bây giờ.
Có thể những lần thực hiện ban đầu có đôi chút khó khăn vì thói quen lo lắng về thế giới, phán xét người khác và chỉ trích, phê bình đã ăn sâu vào tính cách mỗi chúng ta. Bắt đầu tập trung vào một thế giới nội tâm hoàn toàn khác, ở đó chúng ta nhận thức đầy đủ được rằng TA đang sống với những suy nghĩ, cảm xúc, ký ức và đam mê. Giờ đây, chúng ta tiếp tục thực hiện các bước “quan sát tách biệt” thế giới nội tâm như đã tiến hành với thế giới thực tại:
• Không để tâm trí bị lôi kéo vào bất kỳ ý nghĩ, cảm xúc, mối lo lắng hay ký ức nào.
• Mỗi khi nhận thấy mình đang bị lạc vào trong dòng chảy ý nghĩ, hãy tự kéo mình ra và quay trở về với trạng thái ban đầu.
• Thực hành thường xuyên để tách mình khỏi những suy nghĩ và cảm xúc.
• Hiểu rằng mọi nỗ lực luôn mang lại phần thưởng tương xứng.
• Hãy thực hành điều này trong vài phút, ngay bây giờ.
Việc thực hành quan sát và tách rời này cũng giống như việc bạn đang sắp xếp lại chiếc tủ nội tâm của mình. Cần phải dành thời gian và kiên nhẫn để sắp xếp lại mọi thứ theo trật tự, sau đó vẫn phải tiếp tục không ngừng chăm sóc cho nó. Nếu không, chiếc tủ sẽ trở lại tình trạng hỗn độn ban đầu.
Bước 4
Cảm nhận sự yên bình
Sau một thời gian thiền định, cảm giác yên bình sẽ xuất hiện. Tận hưởng khoảnh khắc này, chúng ta như được nghỉ ngơi trong chính mình và cảm giác tươi mới lan tỏa trong người. Tuy nhiên, không có cảm xúc nào là bất biến, sự yên bình này đến rồi cũng có lúc đi, và chúng ta đừng cố níu giữ lấy chúng. Để nó đến và đi thật tự nhiên thì chúng ta mới lưu giữ được nó lâu dài cho những lần sau.
Bước 5
Quan sát thế giới bằng nội tâm
Chúng ta không thể ở lâu trong sự yên bình này vì cuộc sống đang chờ đợi ta phía trước, chờ những hành động và phản ứng của ta. Nhưng trước khi bước ra khỏi không gian thiền định, hãy để con mắt nội tâm của chúng ta soi tỏ mọi vấn đề đang diễn ra trong thế giới thực tại, xuyên suốt qua bản chất vốn có của vạn vật để nắm bắt và hiểu chúng. Bây giờ, bạn đang bình yên và sẵn sàng bước trở ra thế giới từ chốn bình an nội tâm. Đừng vội làm việc ngay, hãy ngồi lại thêm chút nữa vì lúc này, bạn có thể cảm nghiệm được bình an sâu sắc hơn.
Bước 6
Đón nhận bình an
Bây giờ, nếu bạn có thể nhẹ nhàng đưa tâm trí mình thoát khỏi mọi hình ảnh và ý nghĩ về thế giới ngoài kia, và hoàn toàn chỉ nhận thức về bản thân, bạn sẽ cảm nhận được sự tĩnh lặng sâu sắc trong tâm hồn mình. Đây không phải là sự tĩnh lặng do không gian yên ả ngoài kia mang lại mà là một trạng thái tĩnh xuất phát từ nội tâm lan tỏa ra. Khi đó, chúng ta hoàn toàn nhận thức về bản thân, về thế giới trong sức mạnh của mình. Không điều gì có thể lay động, làm xao lãng hay rút cạn đi năng lượng của ta theo bất kỳ cách nào.
Bước 7
Sự tĩnh tại vĩnh cửu
Đây là một trong những quà tặng ý nghĩa nhất cho quá trình thực hành thiền định một cách kiên nhẫn và duy trì liên tục. Khi đã thực hành thiền thuần thục, chúng ta sẽ dễ dàng tạo nên một chuyển biến tinh tế từ nhận thức về sự chuyển động và thay đổi - hai yếu tố cho ta cảm nhận về dòng chảy của thời gian, cho đến trạng thái không còn phụ thuộc vào thời gian, bất biến và tĩnh tại. Theo đó, chúng ta cảm nhận được tự do thật sự - tự do trong tâm hồn. Trong trạng thái tự do đích thực và bất biến này, chúng ta nhận ra thế giới bên ngoài và thế giới của những suy nghĩ, cảm xúc bên trong mình đang thay đổi, nhưng không gì có thể ảnh hưởng đến chúng ta; không còn ý niệm gì về quá khứ và tương lai, chỉ có một khoảnh khắc duy nhất là hiện tại vĩnh cửu.
Bình an đến từ trạng thái tập trung này mạnh mẽ như một thanh nam châm thu hút tất cả mọi năng lượng xung quanh về phía nó. Khi quay trở về thế giới thực tại, chúng ta nhận thức được sự hữu hạn của cuộc sống, làm sáng tỏ những ảo tưởng vốn đang lan tràn trong tất cả các mối quan hệ con người, và tìm thấy cách mới để tồn tại trong thế giới này. Chúng ta không còn cảm thấy bất an và hiểu ra rằng tức giận là điều vô lý, mọi nỗi sợ hãi hoàn toàn chỉ là ảo tưởng, không có thật, và những buồn phiền, tuyệt vọng dần dần trở nên đáng tức cười! Ta biết chúng tồn tại để làm gì, cảm xúc tiêu cực chẳng qua chỉ dựa trên sự hiểu biết hạn hẹp về bản thân. Còn trong lúc này, ta biết mình thật sự là ai – một thực thể sống vượt lên khỏi giới hạn của hình thức bề ngoài – và khám phá lại bình an sâu thẳm trong trái tim nội tâm, bình an không do cầu xin mà có, không phụ thuộc vào những cảm giác thoải mái bình thường khác.