Bạn thân mến,
Giáo dục là một phạm trù thật sự rộng lớn và khó để định nghĩa. Bản thân tôi vẫn hay thường nói với bạn bè mình rằng: “Đừng hỏi giáo dục là gì, hãy hỏi xem trên đời này có gì mà lại không phải là giáo dục?” Ta có thể học những điều mới bằng cách quan sát, thắc mắc, và lại quan sát, bằng cách lắng nghe một ai đó, hoặc đọc một tài liệu nào đó. Dù theo cách nào đi nữa, thật không khó để chúng ta nhận ra rằng mình có thể học hỏi được những điều mới từ những sự vật, hoạt động không mấy xa lạ vẫn diễn ra quanh ta hàng ngày.
Trong khoảng hơn 20 năm trở lại đây, nhiều nhà nghiên cứu và thực hành giáo dục tại Việt Nam thường trích dẫn Triết lý Giáo dục của UNESCO: “Học để chung sống; Học để biết; Học để làm; và Học để tồn tại.” Những câu chữ này nằm trong báo cáo Learning: The Treasure Within (Học tập: Một tài sản tiềm ẩn), được Nhóm chuyên trách nghiên cứu về Giáo dục cho thế kỷ XXI của UNESCO công bố vào năm 1996(1). Thế nhưng, có một sự thật khá thú vị, đó là bản báo cáo này của UNESCO không hề nhắc tới một tuyên bố nào như là Triết lý Giáo dục của UNESCO. Những phát ngôn mà chúng ta cho là Triết lý Giáo dục của UNESCO, thực chất là những gợi ý về vai trò của việc học tập trong thế kỷ XXI, chúng được đề cập trong chương 4 của bản báo cáo với tiêu đề “The four pillars of education” (Bốn trụ cột của giáo dục). Trong phần 2 của báo cáo này, cùng với bốn trụ cột trên, nhóm chuyên trách do Jacques Delors(2) dẫn dắt đã dành riêng chương 5 để nói về “Learning through life” (Học tập suốt cuộc đời). Đó là những nguyên tắc (principles) mà các hệ thống giáo dục trong thế kỷ XXI cần lưu tâm, với các hoạt động học tập không chỉ nằm trong khuôn khổ nhà trường, mà còn gắn kết với các vấn đề văn hóa, xã hội, phát triển.
Chú thích:
(1) Delors, J. (1996). Learning: The treasure within. UNESCO. https://unesdoc.unesco.org/ ark:/48223/pf0000109590
(2) Jacques Delors là Chủ tịch Ủy ban UNESCO về Giáo dục cho thế kỷ XXI. Ông từng đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu (European Comission) từ tháng 1 năm 1985 đến tháng 1 năm 1995.
Tại thời điểm cuốn sách này được viết, chúng ta đã trải qua 21 năm đầu tiên, tương đương với 21% thời gian của thế kỷ XXI. Các hình thái xã hội sẽ phát triển thế nào, và các nhà trường sẽ đi về đâu? Những câu hỏi ấy có lẽ cần nhiều nhiều năm mới có thể tìm được câu trả lời. Và thông thường, chúng ta chỉ tìm thấy đáp án khi đã quá muộn. Thay vì trông chờ những cải tổ mang tính hệ thống, tôi tin rằng những thay đổi nhỏ nhất từ bên trong mỗi người mới là những động lực đầu tiên cho những cải tổ thực sự và bền vững. Cuốn sách này được viết ra với mong muốn đồng hành cùng với bạn trên từng bước cải tổ các thói quen học tập của bản thân, từ bên trong bạn, qua từng giờ, từng ngày.
Khi bạn cầm cuốn sách nhỏ này trên tay, tôi tin rằng bạn đã ít nhiều quan tâm tới việc học. Và khi bạn đọc tới những dòng này, thì tôi chắc rằng bạn thực sự quan tâm tới việc học tập hiệu quả. Thế nhưng, nếu bạn chỉ khu trú phạm vi việc học trong nhà trường, có lẽ cuốn sách này chỉ đáp ứng được một phần nào mong muốn của bạn thôi, bởi nó không hề có những “mẹo” để giúp bạn đạt điểm cao trong các bài kiểm tra.
Nếu bạn quan tâm nhiều hơn tới việc săn sóc hiệu quả khu vườn trong tâm trí của chính mình, thì cuốn sách này có thể sẽ có ích cho bạn. Trong cuốn sách này, chúng tôi giúp bạn hệ thống hóa một vài chiêu (practices) và một vài thức (mindset). Nói cách khác, bạn sẽ có thể áp dụng những hoạt động nhìn-thấy-được, và cũng cần suy nghĩ về những phạm trù, nguyên tắc mà bạn không nhìn thấy được.
Khi áp dụng những hoạt động hoặc suy nghĩ về một vài câu hỏi trong cuốn sách này, đôi lúc bạn có thể hơi chán nản, thở dài và lắc đầu nguầy nguậy, hoặc cũng có thể reo lên ‘À há!’ và tạo ra một thứ gì đó của riêng mình. Cho dù bạn cảm thấy trúc trắc hay thuận lợi, xin hãy nhớ rằng đó cũng chính là thời điểm tuyệt vời để bạn học được thêm một điều gì mới. Chúng tôi mong rằng bạn sẽ chia sẻ những khoảnh khắc, bài học đó với những người xung quanh mình, cũng như luôn sẵn lòng lắng nghe những bài học từ phía họ.
Trong quá trình thực hành việc học, chúng tôi cũng đã gặp nhiều trắc trở. Có những khó khăn chỉ một lần là chúng tôi đã vượt qua, có những khó khăn đến giờ vẫn chưa thể vượt qua. Không có cái dại nào giống cái dại nào cả, nhưng vẫn có những cái dại mang tính chu kì, và bài học từ mỗi lần vấp ngã lại thú vị theo mỗi cách khác nhau. Và để quá trình thực hành việc học được trở nên thú vị hơn, chúng tôi đã soạn ra một bản Tuyên ngôn Học tập (The Learning Manifesto), như một kim chỉ nam cho quá trình thực hành của mình. Nếu bạn đồng ý với những điều này, bất cứ lúc nào, chúng tôi mời bạn (và cả những người bạn, người thân của bạn) kí tên vào bản tuyên ngôn này cùng chúng tôi và những người bạn khác đang tham gia một hành trình tự học suốt đời. Bạn có thể kí ngay vào cuốn sách này, hoặc kí tên trực tuyến tại địa chỉ <https://cunghoc.edu.vn/tuyen-ngon- hoc-tap/>.
Xin chúc bạn có một hành trình tự học thú vị!
Thay mặt nhóm tác giả
Hoàng Anh Đức
Tổng Giám đốc Hệ thống giáo dục Sky-Line
Giám đốc Trung tâm NC&PT Giáo dục EdLab Asia