Thôi Miên Cảm Xúc là một kỹ thuật giao tiếp giúp bạn thấu hiểu bản thân mình hơn, từ đó kiểm soát và làm chủ được những phản hồi của người khác đối với mọi hành động và ngôn từ của bạn.
Kỹ thuật này là kết quả hơn mười bảy năm nghiên cứu và thử nghiệm, với hàng nghìn đối tượng nghiên cứu thuộc đủ mọi lứa tuổi và nghề nghiệp. Các cuộc thử nghiệm được thực hiện với cả nhóm và cá nhân. Tổng hợp từ vô số những nhân tố gây xao nhãng tâm trí của các đối tượng nghiên cứu, chúng tôi đã tổng kết được Bốn điểm Thôi Miên Cảm Xúc chung nhất - hay còn được gọi là các Tử Huyệt Cảm Xúc - có khả năng gây sự chú ý và khuấy động tâm trí của bất kỳ ai trong mọi trường hợp. Thông qua những Tử Huyệt Cảm Xúc này, bạn có thể vận dụng Phương Pháp Thôi Miên Cảm Xúc trong mọi tình huống giao tiếp cần đến những ngôn từ và hành động thích hợp để đạt kết quả mong muốn.
Với kỹ thuật này, bạn có thể Thôi Miên Cảm Xúc người khác một cách có chủ đích và không phải phụ thuộc vào sự tình cờ hay may rủi.
Phần lớn con người chúng ta ít khi suy nghĩ nhiều trong giao tiếp hằng ngày; chúng ta thường bị đưa đẩy bởi cảm xúc và cảm nhận nhiều hơn là phân tích lý trí! Chính những cảm xúc hay cảm nhận này vừa kích thích lại vừa kìm hãm giao tiếp.
Do vậy, để giao tiếp thành công, bạn có nhiệm vụ sử dụng Phương Pháp Thôi Miên Cảm Xúc để xuyên thấu những cảm nhận và cảm xúc đó, bằng cách đánh trúng Tử Huyệt Cảm Xúc của đối phương với những ngôn từ hoặc hành động chính xác. Khi đó, bạn sẽ làm cho họ phải lắng nghe mình. Đây chính là mẫu thức chung của mọi mối quan hệ thành công, là chiếc chìa khóa giúp bạn mở ra một cuộc sống tốt đẹp và thành đạt hơn!
Ba nguyên tắc chủ đạo của Phương Pháp Thôi Miên Cảm Xúc:
1. Tất cả mọi người đều BẬN RỘN.
2. CHỦ ĐỀ GIAO TIẾP tác động được đến ĐỐI PHƯƠNG khi và chỉ khi điểm Thôi Miên Cảm Xúc thích hợp có khả năng thâm nhập tâm trí đối phương được kích hoạt.
3. Điểm Thôi Miên Cảm Xúc thích hợp của mỗi người luôn nằm đâu đó trong “Bộ Tứ Quyền Lực trong Tử Huyệt Cảm Xúc”:
• Tử Huyệt Bản Thân
• Tử Huyệt Tiền Bạc
• Tử Huyệt Tình Yêu
• Tử Huyệt Danh Tiếng
Trong tiếng Anh, cụm từ “Bộ Tứ Tử Huyệt” đã được sử dụng trong một thời gian dài, trở nên phổ biến và dễ nhớ. Phương Pháp Thôi Miên Cảm Xúc quyết định lằn ranh mong manh giữa “thành công hoặc thất bại” cũng như tính sống còn của mọi cuộc giao tiếp giữa con người với con người. Bất chấp mức độ phức tạp của cuộc giao tiếp, điểm Thôi Miên Cảm Xúc của mỗi người không bao giờ nằm ngoài Bộ Tứ Tử Huyệt gồm Bản Thân, Tiền Bạc, Tình Yêu và Danh Tiếng.
Cách duy nhất để bạn khiến cho đối phương hoặc đám đông khán giả phải lắng nghe mình chính là cung cấp một lý do đủ lớn để họ làm việc đó. Và bạn sẽ không bao giờ tìm ra lý do này nếu không xác định được ít nhất một trong bốn Tử Huyệt có thể liên kết những gì bạn nói với những cảm nhận và cảm xúc của người nghe. Một khi bạn không thể làm cho những người này hướng sự chú ý về phía bạn, họ sẽ tiếp tục rong chơi trong tâm trí của mình và lắng nghe bản thân họ chứ không phải bạn!
Toàn bộ Bộ Tứ Quyền Lực trong Tử Huyệt Cảm Xúc trên đều hiện hữu trong mỗi người chúng ta, trong mọi chủ đề và đối tượng, trong mọi cá nhân và tập thể. Chúng là những bản năng bẩm sinh của con người, và bạn không thể chống lại hay tống khứ chúng đi.
Trong mỗi tình huống nhất định, sẽ có một Tử Huyệt Cảm Xúc trội hơn những cái còn lại và trở thành lý do vì sao đối phương hoặc khán giả phải lắng nghe hoặc nể sợ bạn! Đôi khi Tử Huyệt này có mối liên hệ phần nào với Tử Huyệt khác, nhưng điều chắc chắn là rất hiếm khi xảy ra trường hợp có nhiều hơn hai Tử Huyệt nổi trội một lúc gắn kết diễn giả và khán giả, nhà văn và độc giả hoặc người nói và người nghe.
Thêm một quy luật tối quan trọng nữa là, bạn có thể xui khiến người khác lắng nghe mình khi và chỉ khi bản thân bạn cũng phải là một người biết lắng nghe. Trong cuộc sống có quá nhiều thứ khiến cho tâm trí chúng ta bận rộn và rối bời, một chuyên gia giao tiếp hay thuyết phục giỏi phải có khả năng lắng nghe người khác chân thành thì mới có thể khám phá, nhận diện và thấu hiểu những nỗi lo toan, bận rộn của người khác.
Cứ thử quan sát cuộc sống cũng như mọi hoạt động giao tiếp xung quanh mình một cách có ý thức, bạn sẽ nhận thấy quyền năng và tầm ảnh hưởng của Bộ Tứ Quyền Lực trong Tử Huyệt Cảm Xúc đối với sự thành đạt của con người rõ ràng như thế nào. Việc ứng dụng Phương Pháp Thôi Miên Cảm Xúc vào cuộc sống sẽ dần dần cải thiện và nâng tầm tính cách, kỹ năng thuyết phục, sức khỏe và phong thái của bạn một cách đáng kể theo thời gian. Khả năng tưởng tượng và quyền năng sáng tạo của bạn sẽ được giải phóng, động lực thành công của bạn sẽ được khai thông, và bạn sẽ trở thành con người tuyệt diệu mà mình hằng ao ước!
Ba loại liên kết then chốt trong Phương Pháp Thôi Miên Cảm Xúc
Tôi sẽ giúp bạn tổng kết lại ba mối liên kết quan trọng trong Phương Pháp Thôi Miên Cảm Xúc bằng sơ đồ sau:
Một khi áp dụng Phương Pháp Thôi Miên Cảm Xúc, chúng ta sẽ nhận ra được sự khác biệt lớn giữa việc cố gắng giao tiếp một cách khiên cưỡng và giao tiếp thành công một cách tự nhiên. Sự khác biệt đó chính là việc bạn có chọn ra được những Tử Huyệt Cảm Xúc thích hợp hay không. Bạn thậm chí có thể áp dụng điều này để tự bảo vệ bản thân, tài sản hoặc cứu mạng chính mình trong những tình huống nguy hiểm!
Sau khi kết thúc phần trình diễn của mình trong một chương trình truyền hình ở New York, quý ông R. đi tàu điện ngầm để đến bãi đỗ xe. Ông lái ô tô qua phố Bowery để về nhà.
Lúc đó đã là 9 giờ tối, phố Bowery vắng vẻ không một bóng người.
Khi ông R. giảm tốc độ và tiến đến một ngã tư có đèn giao thông, ông nhìn thấy một gã đàn ông cao to với bộ dạng bặm trợn bất thình lình xuất hiện trong màn đêm và tiến gần đến phía bên trái xe. Ngay lúc đó, tín hiệu giao thông chuyển sang đèn đỏ. Ông R. buộc lòng phải dừng lại.
Gã đàn ông lạ mặt dùng hai bàn tay to kềnh của mình nắm chặt lấy cửa xe ngay bên tay lái của ông R., và ông có thể nghe thấy giọng nói ngạo nghễ của hắn ta: “Chú mày nghĩ sao nếu tao xin vài đồng để kiếm chút cháo? Cả buổi tối hôm nay tao chưa có gì bỏ bụng cả.”
Giọng nói của hắn nghe rất đáng sợ; còn xung quanh thì vắng như chùa Bà Đanh - điều kiện hết sức thuận lợi cho một vụ cướp. Tên này mà thò tay vào được bóp tiền của ông R. thì ông chỉ có nước bó tay. Tuy nhiên, ông R. đã bình tĩnh chọn cách sử dụng thứ vũ khí cá nhân lợi hại nhất của mình - Phương Pháp Thôi Miên Cảm Xúc bằng ngôn từ!
Không thèm quay sang nhìn tên trộm, ông R. vẫn nhìn thẳng con đường phía trước và hét lớn: “Thưa chỉ huy, tôi phải tập trung đuổi theo chiếc xe phía trước. Tôi đang làm nhiệm vụ, vậy nhé!”
Gã lạ mặt biến ngay lập tức!
Câu nói “Tôi đang làm nhiệm vụ” khiến hắn ta sợ hãi còn hơn cả ông R. sợ hắn.
Gã nghe thấy cụm từ đó. Chúng đã thâm nhập tâm trí của gã ngay lập tức và khiến gã phải hành động ngay!
Giống như hầu hết những tên tội phạm khác, gã không muốn bị bắt và rất sợ dính dáng đến cảnh sát. Câu nói dõng dạc của ông R. với ý chỉ rằng ông cũng là một cảnh sát đã tạo nên một hiệu ứng cảm xúc mãnh liệt trong gã, đến nỗi gã còn lầm bầm một câu xin lỗi trước khi bỏ chạy vào bóng tối!
Trong những phần kế tiếp của cuốn sách, chúng ta sẽ hiểu hơn về vai trò của Tử Huyệt Bản Thân trong việc khiến cho tên cướp hụt đó phải lắng nghe và thay đổi ý định ngay lập tức. Có thể ý định đi cướp của hắn xuất phát từ động cơ Tiền Bạc, nhưng cuối cùng, nỗi sợ bị bắt bỏ tù (thuộc động cơ Bản Thân) lại gây hiệu ứng cảm xúc mạnh mẽ hơn quyết tâm ăn cướp của hắn.
Trong tình huống này, cũng như mọi tình huống khác của cuộc sống, luôn luôn hàm chứa một nhân tố gây chú ý chủ đạo mà bạn phải tìm ra được để chiếm ưu thế. Nó luôn hiện hữu trong mọi sự tương tác, nhưng bạn phải làm thế nào để phát hiện ra nó kịp thời?
Với Phương Pháp Thôi Miên Cảm Xúc, mọi chuyện đều có thể.
Một học viên cũ của tôi từng nhiều năm làm công việc quản lý các hoạt động trại hè thiếu nhi. Những người quản lý và trưởng nhóm hướng đạo sinh ở đây thường được chọn lựa và đề bạt dựa trên tiêu chí về kinh nghiệm cá nhân và những thành tích nhất định trong các hoạt động đoàn đội.
Trong một trại hè nọ, cậu quản lý này kể tôi nghe về Charlie, một trưởng nhóm hướng đạo sinh. Charlie được bình chọn là cầu thủ bóng chày xuất sắc nhất trong các trường đại học ở Mỹ. Tất cả các cậu bé trong trại đều thích mê những buổi hướng dẫn chơi bóng chày của Charlie và thường tụ họp để bàn tán sôi nổi về tài năng và danh tiếng của cậu ấy, trừ một em tên Ronnie.
Ronnie là một hướng đạo sinh khá giỏi trong trại. Em có thành tích xuất sắc trong mọi hoạt động, trừ bóng chày. Dù đã cố gắng hết sức, Charlie vẫn lực bất tòng tâm trong việc làm cho cậu bé tiến bộ hơn với môn này.
‘Tôi không biết làm thế nào để em ấy hứng thú,” anh ta than phiền với học viên cũ của tôi.
“Ronnie không thích nghe tôi nói. Em ấy cứ ngó lơ, vênh váo và kích động những cậu bé khác tẩy chay tôi. Tôi xin phép anh loại em ấy ra khỏi lớp bóng chày, nếu không em ấy sẽ tiếp tục đầu têu và làm hư những bạn khác mất thôi.”
Sau bữa trưa hôm đó, viên quản lý cho gọi Ronnie vào phòng làm việc của mình.
“Chuyện gì xảy ra với em vậy?” Người quản lý hỏi.
“Thầy thấy em học rất tốt với những thầy cô khác, chỉ trừ Charlie. Em thừa biết thầy ấy là một trong những cầu thủ bóng chày tài năng nhất của các trường đại học mà. Sao em không nghĩ rằng mình có thể học hỏi được rất nhiều điều hay từ Charlie?”
“Ôi không thầy ơi!” Ronnie đáp. “Em chẳng học được gì cả!”
“Tại sao?”
Cậu bé mười ba tuổi đứng thẳng người với tư thế chống nạnh và trả lời một cách chắc nịch: “Một tín đồ của đội Giant thì làm sao có thể dạy dỗ một người hâm mộ của đội Dodger được?”
Sau đó, viên quản lý có một buổi nói chuyện riêng với Charlie.
Sáng hôm sau, trong tiết học bóng chày, Charlie nói với đội của Ronnie: “Các em đều biết là tôi hâm mộ đội Giant. Các em cũng biết là đội Giant và đội Dodger có một mối thù truyền kiếp và không đội trời chung trong các giải vô địch bóng chày. Tuy nhiên, dù là một người hâm mộ Giant đi nữa, tôi vẫn phải thừa nhận rằng đội Dodger có nhiều kỹ thuật sở trường hay hơn nhiều so với Giant trên sân đấu. Điển hình là kỹ thuật ném bóng và phòng ngự kép...”
Ronnie hào hứng ngay lập tức. Lần đầu tiên cậu bé muốn được nghe Charlie chia sẻ nhiều hơn. Sau đó, Charlie và Ronnie trải qua những ngày sinh hoạt trại hè như những người bạn thân thiết, và khả năng chơi bóng chày của Ronnie tiến bộ rõ rệt.
Như chúng ta đã thấy, có một lý do cảm xúc lấp đầy tâm trí của Ronnie khiến cậu không muốn đội trời chung với Charlie. Khi rào cản này được phá bỏ bằng những từ ngữ đánh động Tử Huyệt Danh Tiếng - cũng chính là điểm Thôi Miên Cảm Xúc nổi trội của Ronnie, cậu bé ngay lập tức lắng nghe và thuận theo.
Viên quản lý trại hè kiêm học viên cũ của tôi đã dành rất nhiều thời gian quan sát những hành vi và cách giao tiếp của Ronnie. Kết quả cho thấy động lực lớn nhất của cậu bé khi làm bất kỳ điều gì hoặc khi lắng nghe người khác chính là để được mọi người công nhận - một yếu tố thuộc phạm trù Danh Tiếng!
Vào mùa bóng nọ, khu vực khán đài sân vận động của đội Yankee chật kín người. Trận đấu hấp dẫn đến nỗi nhiều cổ động viên nửa đứng nửa ngồi trên ghế, nhiều người thậm chí còn tràn ra cả lối đi và các bậc cầu thang để xem cho rõ. Ngay trước lúc cao trào của trận đấu, một anh chàng bán hàng rong mặc áo màu trắng cố gắng xuyên qua đám đông nhằm tiến đến khu vực cầu thang để bán hàng thuận tiện hơn.
Không người nào chịu nhường lối cho cậu ta đi cả.
Anh bán hàng rong giữ chặt chiếc giỏ hàng và la lớn: “Làm ơn cho tôi đi qua!”
Không một người nào di chuyển dù chỉ là một chút, thế là anh chàng tiếp tục hét lớn: “Nước sôi, nước sôi đây! Cẩn thận kẻo bỏng. Cho tôi đi qua nào!”
Vẫn chẳng có ai tránh đường cho cậu ta di chuyển. Sau vài lần gào thét, anh bán hàng rong bỏ cuộc và đành phải rời khỏi chỗ đó để tìm lối đi khác dẫn đến khu vực cầu thang.
Một cổ động viên nọ đã quan sát sự việc từ đầu đến đuôi. Ông này bèn gọi anh bán hàng rong lại và thì thầm vào tai anh vài điều. Sau đó, anh bán hàng nhún vai với vẻ mặt vui mừng và quay trở lại đám đông ban nãy. Lần này, anh băng băng tiến tới, tay nắm chặt giỏ hàng và la lớn:
“MÙ TẠC ĐÂY! Làm ơn cho tôi đi qua. NẾU KHÔNG MÙ TẠC RƠI BẨN ÁO BÂY GIỜ!”
Ngay lập tức, những ai nghe thấy câu đó đều hoảng hốt vì tâm trí của họ đã được thâm nhập thành công vào đúng nơi và đúng thời điểm. Họ ngay lập tức nhường lối cho anh bán hàng rong đi qua. Bạn thấy đấy, mặc dù đám đông khán giả đang bận tận hưởng trận đấu - một thú vui hấp dẫn thuộc phạm trù Bản Thân, họ vẫn là những sinh vật đầy ắp những cảm xúc khác nhau. Ban đầu, anh bán hàng rong dọa “nước sôi”, ám chỉ rủi ro bị bỏng. Đây cũng là một yếu tố thuộc về sự an toàn Bản Thân, nhưng nó lại không phải là Tử Huyệt chủ đạo của khán giả ở nơi đó và tại thời điểm đó.
Sự việc xảy ra ở sân vận động Yankee, nơi có rất nhiều xúc xích được bày bán. “Mù tạc” là một từ đáng sợ trong hoàn cảnh đó, vì nó đồng nghĩa với nguy cơ quần áo bị bẩn không tẩy rửa được, chi phí giặt ủi tốn kém và nỗi sợ phải mang bộ dạng hôi hám, dơ bẩn trước mặt thiên hạ nếu mù tạc rơi vào người. Câu chuyện đã rõ. Tử Huyệt Danh Tiếng (sợ bẩn quần áo) chính là điểm Thôi Miên Cảm Xúc chủ đạo của đám đông khán giả này, với một chút liên quan đến Tiền Bạc (chi phí giặt ủi). Chỉ cần bị đánh trúng Tử Huyệt Cảm Xúc chủ đạo, hàng trăm người tự nguyện nhường lối cho anh bán hàng rong hiên ngang đi qua.
Một khi ngôn từ được thốt ra thì đối tượng sẽ có phản ứng, hoặc không!
Chỉ một hay một vài từ ngữ đơn giản nhưng chính xác vẫn dư sức tạo nên hiệu ứng vô song về mặt ý nghĩa. Chúng có thể gây nên cả một cơn bùng nổ cảm xúc liên hoàn không thua gì bom nguyên tử!
Trong khi đó, vài lời hay ý đẹp được kết hợp chuẩn xác với giọng nói và hành động phù hợp sẽ giúp khởi đầu một mối quan hệ lãng mạn và khiến cho trái tim chúng ta loạn nhịp. Những từ ngữ tiêu cực chính là nguồn cơn của mọi phiền muộn, hoài nghi và đau khổ. Trái lại, chỉ cần vài ngôn từ tích cực là có thể vực dậy cả một tinh thần đang xuống dốc, giúp chúng ta tự tin hơn, dũng cảm, trung thành và tử tế hơn. Ngôn từ âu yếm, dịu dàng giúp khơi dậy tình yêu. Những lời nói dè bỉu, chê bai có thể là những giọt nước làm tràn ly, gây ra những phản ứng giận dữ và chống đối. Nói năng thiếu suy nghĩ tất yếu dẫn đến nghi ngờ và thù hận.
Bạn đã nói chuyện với mọi người như thế nào trong ngày hôm nay?
Những lời nói của bạn có khiến cho họ khóc, cười, hy vọng, lo âu, hoài nghi, hoặc ưa thích, xem thường, tránh xa bạn hơn không? Hay họ chẳng có phản ứng gì cả?
Nghĩ đi nào!
Những lời nói và ngôn từ mà bạn đã thốt ra ngày hôm nay có hiệu quả hay chưa? Bạn có khơi dậy được những phản hồi như ý muốn từ đối phương bằng cách nắm bắt chính xác Tử Huyệt Cảm Xúc chủ đạo của họ?
Bạn hoàn toàn có thể. Thành công của bạn không phụ thuộc vào việc bạn có chọn đúng đối tượng hay không. Bài học quan trọng ở đây là, mỗi một con người và mỗi một nhóm người đều sẵn sàng dỏng tai lắng nghe bạn một cách chăm chú một khi bạn khai phá được hiệu quả của Phương Pháp Thôi Miên Cảm Xúc. Với nó, bạn có thể tìm được đúng Tử Huyệt Cảm Xúc của người nghe trong bất kỳ hoàn cảnh hay tình huống nào.
Bất kể bạn là ai đi chăng nữa, bạn sẽ chẳng làm nên cơm cháo gì nếu không thể xui khiến một người nào đó làm điều gì đó cho bạn. Điều gì đó ở đây là một phản ứng xúc cảm đối với ngôn từ và hành động của bạn trong một lần hoặc nhiều lần với một hoặc vài Tử Huyệt Cảm Xúc thuộc Bộ Tứ. Bạn không chỉ phải làm được điều này một lần, mà là vô số lần trong suốt cuộc đời mình.
Về bản chất, người thành đạt là người biết vận dụng khéo léo những ngôn từ và hành động của chính mình để tự chúng đưa anh ta đến những đỉnh cao mà bản thân mong muốn! Chúng giúp anh ta đạt được những mục tiêu của mình thông qua những sự Thôi Miên Cảm Xúc hiệu quả, thâm nhập tâm trí thành công và tạo nên nhiều phản ứng tích cực từ những người khác xung quanh anh ta.
Điều này đúng cả trong những hội ngồi lê đôi mách.
“Cô ta vừa không xinh đẹp lại chẳng có gì hay ho, vậy mà lại cưới được ông chồng đại gia hoành tráng thế kia!”
Hay:
“Hắn ta từng nghèo rớt mồng tơi, lại chẳng quen biết ai ra hồn. Vậy mà bây giờ hắn đang là chủ doanh nghiệp lớn kia kìa!”
Hoặc:
“Con bé này hồi nhỏ cứ đi thi là bị loại ngay từ vòng gửi xe. Vậy mà bây giờ nó trở thành ngôi sao truyền hình mới ghê chứ!”
Một cựu học viên của tôi cũng khởi nghiệp từ con số 0 theo đúng nghĩa đen. Cậu ta được sinh ra trong một gia đình nghèo thuộc một thị trấn kém phát triển. Cậu ta ít học, không có lấy một mối quan hệ nào ra hồn mà còn mắc phải tật nói ngọng. Nhưng cậu đã có một cuộc sống thú vị và thành công chỉ nhờ vào biệt tài Thôi Miên Cảm Xúc mọi người. Những ai đã từng gặp cậu ta dù chỉ một lần đều luôn có cảm giác như đã biết cậu ta từ thuở nào, thân thiết đến độ họ liên tục mời cậu tham gia những sự kiện trọng đại hoặc đến những nơi chốn thú vị.
Bí kíp của anh chàng này nằm ở một câu nói mà cậu ta không ngần ngại thốt ra những khi thấy phù hợp:
“Tôi rất hân hạnh được làm quen với anh. Dù tôi chỉ mới vừa biết anh, nhưng tôi chắc chắn rằng anh hẳn là con người thú vị nhất mà tôi từng gặp.”
Những người kia hiển nhiên là dâng trào cảm xúc mỗi khi nghe câu nói đó, và họ khao khát được gặp lại cậu học viên cũ của tôi lần nữa.
Theo thời gian, số lượng những mối quan hệ của cậu ta cứ tăng dần, và sự nghiệp của cậu cũng thăng hoa từ đó.
Vào một ngày Chủ nhật nọ, anh cựu học viên này của tôi đến tham dự một buổi hòa nhạc cùng với một người bạn. Khi người bạn kia nói rằng mình không thích chương trình hòa nhạc này, cậu ta nhớ ngay ra bài học đã được lĩnh hội về Phương Pháp Thôi Miên Cảm Xúc. Khi hai người họ chia tay ra về, cậu ta nói ngay với người bạn đi cùng:
“Hẳn là buổi hòa nhạc này đã không được như chúng ta mong đợi. Nhưng những chuyến du lịch thú vị vừa rồi của anh ở Canada mà anh kể tôi nghe sẽ khiến tôi lâng lâng cả tháng cho mà xem. Nhờ có anh mà tôi vừa được trải qua một trong những buổi tối Chủ nhật tuyệt vời nhất đời mình!”
Kỳ thực, toàn bộ câu nói trên chỉ là một cách nói khác của “Cảm ơn anh vì buổi tối ngày hôm nay!” Nhưng anh cựu học viên của tôi đã khéo léo lồng ghép một điểm Thôi Miên Cảm Xúc đánh vào Tử Huyệt Danh Tiếng của người nghe và khiến người đó cảm mến mình. Hãy nhớ, hầu như tất cả chúng ta - trong tận đáy lòng - đều khao khát được mọi người công nhận và ngưỡng mộ trong mọi việc.
Nhìn chung, “Cảm ơn” là một trong những từ ngữ có quyền năng Thôi Miên Cảm Xúc mạnh nhất trong giao tiếp hằng ngày, từ các giao dịch bán buôn cho đến những cuộc chuyện trò cá nhân. Phần lớn chúng ta đều mong muốn được người khác cảm ơn và thừa nhận công sức từ những việc nhỏ nhất.
Trong một dãy phố ở Chicago, có hai sạp báo cách nhau chỉ mười bốn thước và cùng bán những loại báo và tạp chí giống nhau. Người chủ của sạp báo thứ nhất rất kiên nhẫn và chịu khó; ông nhiệt tình nói “Cảm ơn” với bất kỳ ai đến mua báo, kể cả trong những lúc cao điểm hoặc đông khách nhất. Còn người bán báo kia thì chỉ lạnh lùng hô “Người kế tiếp!” hoặc “Anh/chị muốn đọc gì?”
Suốt gần một năm, nhờ câu “Cảm ơn” mà mỗi ngày, người bán báo thứ nhất đạt được doanh số gấp bốn lần so với người thứ hai dù cả hai người có lượng khách hàng tiềm năng tương đương nhau. Người đi đường sẵn sàng đi bộ thêm mười bốn thước nữa - kể cả khi họ đang vội - chỉ để được nghe tiếng “Cảm ơn” từ người bán báo thứ nhất!
Ở thành phố New York, các sạp báo lại dùng một cách khác để Thôi Miên Cảm Xúc khách hàng. Thay vì thối tiền dư cho khách bằng xu lẻ, họ thay thế chúng bằng những đồng xu được dùng làm vé đi tàu điện ngầm có giá trị tương đương. Nhiều khách bộ hành sẵn sàng mua báo để được nhận những đồng xu đó một cách nhanh chóng thay vì mất thời gian đứng xếp hàng dài mòn mỏi ở các quầy vé đi tàu điện ngầm để mua chúng. Do vậy, sáng kiến của những người bán báo không chỉ giúp khách đi tàu điện ngầm tiết kiệm được thời gian và sức khỏe, mà còn giúp cả những người bán vé tàu không phải mất công đổi tiền lẻ để thối lại cho khách. Đây đều là những lợi ích thuộc phạm trù Bản Thân!
Đôi khi, sự khác biệt giữa việc chọn nhầm điểm Thôi Miên Cảm Xúc gây thất bại và việc tác động đúng Tử Huyệt dẫn đến thành công chỉ đơn thuần là cách sắp xếp từ ngữ.
Một vị giáo sĩ từng kể tôi nghe câu chuyện về hai anh chàng mục sư là bạn thân của nhau. Cả hai đều nghiện thuốc lá nặng. Mỗi người họ phải viết đơn xin phép gửi cha xứ. Một trong hai người viết là:
“Liệu con có thể hút thuốc trong khi cầu nguyện?”
Cha xứ không đồng ý. Anh chàng còn lại viết:
“Liệu con có thể cầu nguyện trong khi hút thuốc?”
Cha xứ cho phép ngay!
Quyền năng cảm xúc bao trùm cuộc sống của chúng ta mạnh mẽ đến nỗi chúng ta thường xuyên nghe, nhìn, nói, và làm bất kỳ điều gì khiến bản thân mình vui mà không mảy may dừng lại nghĩ xem vì sao chúng ta lại nghe, nhìn, nói, và làm những việc đó.
Nếu một bộ comple hay một chiếc đầm giúp chúng ta “cảm thấy” mình trông như một tỷ phú hay bà hoàng, chúng ta yêu ngay những bộ cánh đó và không còn quan tâm đến chất lượng hay giá cả của chúng đắt rẻ ra sao. Ngay lúc đó, kể cả khi có một bộ cánh khác rẻ hơn, có chất lượng tốt hơn nhưng lại không cho chúng ta cái cảm giác huy hoàng đó, chúng ta cũng chẳng thèm đếm xỉa đến nó.
“Tôi nghĩ mình không có thành kiến với màu sắc, cũng chẳng phân biệt đẳng cấp giàu nghèo sang hèn,” Mark Twain từng nói. “Điều duy nhất tôi quan tâm là con người thì vẫn luôn là con người. Thế là đủ, vì anh ta không phải thứ gì khác tệ hơn!”
Mark Twain đã đúng.
Con người luôn muốn nhìn thấy hoặc nghe thấy những gì tác động lên họ về mặt cảm xúc.
Điều này luôn đúng bất kể bạn muốn tác động một người, hai người, ba người, ba mươi nghìn người hay thậm chí ba mươi triệu người.
Anh chàng Redmond O’Hanlon đến từ Sở Cảnh sát New York sẽ chứng minh cho bạn thấy quy luật trên lợi hại thế nào. Anh là một trong những người chơi đầu tiên của trò chơi truyền hình “Ai là triệu phú” lúc bấy giờ. Nhờ trả lời được câu hỏi về văn hào William Shakespeare, anh giành được 16.000 đô la. Trong kỳ phát sóng tuần kế tiếp, anh phải quay trở lại để trả lời trước người dẫn chương trình và khán giả rằng mình có ở lại chơi tiếp hay không, để có cơ hội giành lấy 32.000 đô la ở câu hỏi kế tiếp.
Nhiều tờ báo và giới truyền thông khắp nước Mỹ liên tục đưa tin và cập nhật hình ảnh về viên cảnh sát O’Hanlon. Người dân xôn xao bàn tán về anh - người hiện là cha của năm đứa trẻ, sống bằng đồng lương ba cọc ba đồng của nghề cảnh sát. Anh sẽ mất trắng giải thưởng đang có nếu trả lời sai câu hỏi có trị giá 32.000 đô la. Liệu anh ta sẽ chọn phương án an toàn, dừng cuộc chơi và mang về số tiền thưởng 16.000 đô la, hay chơi tiếp để có cơ hội sở hữu 32.000 đô?
Câu chuyện về O’Hanlon đánh động cảm xúc của hơn 30.000.000 người trên toàn nước Mỹ lúc bấy giờ. Dù mỗi người dân là một cá thể khác nhau, nhưng tất cả họ đều quan tâm đến sự kiện, một phần vì cảm xúc Bản Thân của họ được đánh động, số khác vì Tiền Bạc, một số người lại quan tâm đến những khía cạnh Tình Yêu và gia đình trong câu chuyện, và cũng có nhiều người theo dõi vì Danh Tiếng. Chính những phản ứng đông đảo và mạnh mẽ này đã khiến cho buổi phát sóng hôm đó của trò chơi truyền hình “Ai là triệu phú” trở thành chương trình ti vi có lượt người xem cao nhất nước Mỹ lúc bấy giờ.
O’Hanlon thừa biết rằng hàng triệu người dân Mỹ đang mong anh ngừng cuộc chơi để bảo toàn số tiền thưởng, còn hàng triệu người khác muốn anh chơi tiếp để có cơ hội giành giải thưởng cao hơn. Và anh đã có một câu trả lời khôn ngoan:
“Một mặt, tôi tự nhận mình là một người tự nghiên cứu, học hỏi và hâm mộ Shakespeare. Vì thế, tôi rất háo hức muốn biết cảm giác chiến thắng với giải thưởng lớn hơn sẽ như thế nào, và điều này thực sự khiến tôi muốn chơi tiếp. Nhưng mặt khác, tôi chỉ là một viên cảnh sát bình thường, đang sống cùng năm đứa con dễ thương và một người vợ tuyệt vời trong một căn nhà trả góp bằng đồng lương viên chức. Vì lý do này, tôi quyết định dừng cuộc chơi tại đây và mang về giải thưởng 16.000 đô la.”
Gần như tất cả mọi người theo dõi chương trình đều ủng hộ quyết định của O’Hanlon, kể cả những người trước đó đã hy vọng anh chơi tiếp!
Vài năm sau đó, vào thời kỳ mà các chương trình trò chơi truyền hình bắt đầu giảm sức hút và lắm tai tiếng vì có quá nhiều người chơi thắng giải trên 100.000 đô la, câu trả lời chân thành của viên cảnh sát O’Hanlon vẫn được nhớ đến và lưu truyền trong tâm trí người dân như một tấm gương về lòng tự trọng!
Mỗi người chúng ta là một cá thể khác nhau với những mối quan tâm riêng biệt. Chúng ta có những quan điểm khác nhau về đủ thứ trên đời, từ thuốc lá, đàn ông, đàn bà, thời trang, mũ nón cho đến tình dục, xe cộ, phim ảnh, tôn giáo, bằng hữu, cà vạt và máy giặt.
Nhưng dù khác biệt cách mấy, tất cả chúng ta vẫn là con người. Đó chính là nguyên lý cơ bản nhất và là nguồn cội của Bộ Tứ Quyền Lực trong Tử Huyệt Cảm Xúc của mỗi chúng ta. Những nhu cầu, động lực hay điểm yếu của chúng ta về Bản Thân, Tình Yêu, Tiền Bạc và Danh Tiếng cắm sâu bên trong bản năng của chúng ta đến nỗi chúng ta luôn hành động trước cả khi bộ não kịp suy nghĩ và nhận thức đúng, sai, lợi, hại. Chỉ cần những ngôn từ và hành động của chúng ta đánh động được cảm xúc của người khác, chúng ta sẽ có cơ hội lý tưởng để thuyết phục họ thuận theo mình, thậm chí khiến họ mở lòng chấp nhận tất tần tật những gì chúng ta nói một cách vô tư, không đắn đo.
Owen D. Young từng khuyên rằng:
“Người nào có khả năng đặt mình trong hoàn cảnh của người khác, thấu hiểu được những suy nghĩ, tâm tư của họ thì không cần phải lo lắng về bất kỳ điều gì của tương lai; vì người đó chắc chắn sẽ thành công.”
Lời khuyên này đặc biệt đúng với phụ nữ thời nay - những người được trời ban cho sự nhạy cảm cao độ, đã và đang ngày càng khẳng định vị thế quan trọng của mình trong công sở cũng như trên thương trường.
Trong một khu dân cư ở bang Ohio nước Mỹ, có một cửa hàng bán đồ dùng học tập và văn phòng nọ đã đổi chủ đến bảy lần trong bốn năm. Mỗi người chủ đó đã đến đây, cố gắng thu hút và giữ chân khách hàng bằng đủ cách: các chương trình khuyến mãi, giảm giá và quà tặng liên tục, sắp xếp lại các tủ kính và kệ trưng bày thật bắt mắt. Nhưng tất cả vẫn thất bại trong việc tăng doanh số. Khách hàng vẫn thích đến mua ở một chuỗi cửa hàng bách hóa cách xa chỗ đó đến bốn trăm mét.
Người chủ thứ tám của cửa hàng dụng cụ học tập là một đôi vợ chồng. Người chồng là thương binh, gặp khó khăn trong việc giao tiếp. Người vợ nổi bật với nụ cười tỏa nắng và có khả năng nhớ tên tất cả khách đến mua hàng, bất kể đó là người mới hay khách quen. Cũng như những người chủ trước, những ngày đầu bán hàng của đôi vợ chồng này rất vắng khách. Nhưng chính câu chào của bà vợ đã dần dần tạo nên sự khác biệt. Đó không phải là một câu “Chào buổi sáng” vô hồn như chúng ta thường nghe. Đó là những câu chào khác nhau được dành riêng cho từng khách hàng như “Xin chào Julie!” hoặc “Buổi sáng tốt lành nhé ông Brown!” Bà ấy cá nhân hóa mối quan hệ của mình với từng khách hàng và ông chồng cũng bắt chước làm theo. Bất kỳ khách hàng nào đặt chân vào cửa tiệm của ông bà cũng cảm thấy mình được chào đón niềm nở và trở thành người quan trọng, mặc dù có thể họ chỉ đến đó để mua vài thứ đồ lặt vặt hoặc dùng bốt điện thoại. Thế là tiếng lành đồn xa.
Trong câu chuyện trên, uy tín (thuộc phạm trù Danh Tiếng) và sự thuận tiện (thuộc phạm trù Bản Thân) đã Thôi Miên Cảm Xúc người mua tốt hơn so với việc giảm giá trong quá trình cải thiện dịch vụ của một cửa hàng nhỏ nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Cần nhớ, khách hàng cũng là con người. Hãy đánh động chính xác vào Tử Huyệt Cảm Xúc của họ, rồi họ sẽ trung thành với bạn mãi mãi!
Ngày nay, những nguyên tắc liên quan đến đối nhân xử thế, sản phẩm và dịch vụ càng lúc càng đồng nhất với nhau hơn. Mọi cuộc cạnh tranh trên thương trường cũng như trong cuộc sống thực chất đều là những cuộc ganh đua xem ai là người có thể thâm nhập sâu hơn vào tâm trí của đối phương, người nghe, khách hàng, bệnh nhân, khán giả, vân vân và vân vân. Và bạn sẽ không thể làm được điều này nếu không nắm bắt được đúng hướng cảm xúc của đối tượng mình nhắm đến.
Lời nói và hành động là những phương thức giao tiếp phổ biến hơn cả. Tuy nhiên, vẫn có nhiều trường hợp mà ngôn ngữ viết lại là công cụ phát huy hiệu quả trội hơn trong việc thâm nhập tâm trí con người, đánh động cảm xúc của họ và tạo ra một chuỗi hiệu ứng liên hoàn thú vị.
Vào khoảng 8 giờ sáng thứ Hai nọ, trong lúc tôi đang mòn mỏi chờ xe buýt, một học viên cũ của tôi đề nghị chở tôi đến ga tàu điện ngầm bằng ô tô riêng.
“Thật may là gặp được em ở đây,” tôi nói. “Xe buýt hôm nay trễ nải quá, khiến thầy cũng trễ giờ đi làm luôn.”
“Thầy đừng lo,” anh ta đáp. “Em bảo đảm sẽ đưa thầy đến ga tàu điện ngầm đúng giờ.”
“Trong tình trạng tắc đường như thế này sao?”
“Thầy cứ lên xe thì biết,” cậu ta trả lời với nụ cười đầy ẩn ý. “Chỉ cần tác động vào điểm Thôi Miên Cảm Xúc thích hợp là chuyện gì cũng xong - chính thầy vẫn luôn dạy tụi em như thế mà.”
Đường giao thông lúc bấy giờ dồn ứ xe tải và xe con. Thế là cậu học trò cũ của tôi đưa tay ra báo hiệu trước khi rời khỏi lề đường, khiến cho tất cả các xe khác đi chậm lại, thậm chí dừng hẳn để nhường lối cho chúng tôi đi! Khi chúng tôi tiến vào phần đường tắc nghẽn nghiêm trọng, cậu ấy lặp lại động tác ra hiệu ban nãy. Suốt một quãng đường đi dài hai mươi phút, các xe khác liên tiếp nhường đường cho chúng tôi đi một cách kỳ diệu. Cậu học trò vui tính của tôi bỗng chốc trở thành “Ông Hoàng Đường Phố”, không xe nào dám động đến!
Khi gần đến ga tàu điện ngầm, cậu ấy ra hiệu bằng tay trái, tất cả các xe đang chạy ngang hàng hoặc phía sau chúng tôi đều chậm lại hoặc dừng hẳn, để sau đó tôi có thể xuống xe an toàn! Không một chiếc xe tải nào dám hùng hổ vượt qua chúng tôi khi ấy.
Chỉ khi nhìn cậu ấy lái xe ra về, tôi mới khám phá ra lý do. Một tấm bảng ghi chữ đỏ nổi bật được dán ngay dưới cửa kính phía sau xe. Cậu học trò cũ của tôi - một tay lái lụa có bằng lái ô tô trên mười lăm năm - đã in lên đó ba chữ có sức Thôi Miên Cảm Xúc mạnh mẽ đến nỗi bất kỳ bác tài nào khác trên đường nhìn thấy cũng phải ái ngại.
Đó là ba chữ: XE-TẬP-LÁI!
Không cần biết các xe khác đang vội vàng hay hùng hổ cỡ nào, chỉ cần họ nhìn thấy ba chữ trên, nỗi lo sợ về tai nạn giao thông và sự an toàn Bản Thân kèm với nỗi sợ mất Tiền Bạc không nhỏ ngay lập tức trỗi dậy!
Còn bạn, bạn có e ngại không nếu nhìn thấy ba chữ đó khi đang lái xe trên đường?
Sự thực là, cậu học trò cũ của tôi gắn tấm bảng đó lên xe vì một lý do chính đáng. Chẳng là trước đó một năm, vợ cậu ta muốn học lái xe ô tô. Một người bạn nào đó đã tặng cô ấy một quyển cẩm nang lái xe mà trong đó có đoạn “Chân thắng là bạn, chân ga là thù...” Sau khi cậu học trò cũ của tôi xin được giấy phép tập lái cho vợ, cậu ta đảm nhiệm luôn việc huấn luyện lái xe và ngồi ngay bên cạnh cô ấy để hướng dẫn. Có lẽ do ảnh hưởng từ nội dung cuốn cẩm nang nên cô vợ cứ liên tục đạp thắng, khiến cho anh chồng nhiều phen khiếp vía vì việc thắng gấp có thể khiến cậu ta đập đầu vào kính phía trước bất kỳ lúc nào. Để đảm bảo an toàn cho cả hai và những người đi đường khác, cậu ta bèn ứng dụng Phương Pháp Thôi Miên Cảm Xúc để tìm ra giải pháp: dán tấm bảng XE-TẬP-LÁI phía sau xe.
Sau lần chở tôi đến ga tàu điện ngầm đúng giờ một cách ngoạn mục giữa tình hình kẹt xe, cậu học viên cũ của tôi quyết định tháo tấm bảng XE-TẬP-LÁI. Cậu ta thấy rằng việc lạm dụng nó sẽ khiến mọi người nghi ngờ về động cơ thực sự của cậu!
Kể cả khi trường hợp của bạn thuộc phạm trù Tình Yêu và bạn đang khao khát kết hôn, bạn vẫn cần phải đánh trúng được tử huyệt cảm xúc của đối phương nếu muốn thành công!
Phụ nữ thường không ngần ngại chia sẻ chuyện hẹn hò. Họ thường kể một cách bẽn lẽn rằng:
“Ờ thì anh ấy nhìn tôi say đắm, và tôi cũng nhìn anh ấy đắm đuối, và đó là một ‘Tình yêu sét đánh’!”
Đừng tin lời họ!
“Tình yêu sét đánh” hay “Tình yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên” là những cụm từ khiến cho mọi đôi nam nữ đang yêu đều thích thú, nhưng đó không phải là tình yêu thực sự trừ phi hai người có những giao tiếp và hành động cụ thể khơi gợi được sự quan tâm lẫn nhau. Tình yêu thực sự là một tình cảm sâu sắc và cần thời gian vun bồi, nó phụ thuộc đáng kể vào những lời nói và hành động mà hai người trao cho nhau để thuyết phục nhau đồng ý kết hôn. Quá trình tương tác này phải thành công trong việc kích thích phản ứng xúc cảm từ cả hai phía để dẫn đến kết quả như mong đợi!
Có một quý anh độc thân nọ mong muốn một cuộc sống tự lập.
Anh làm nghề bán hàng tạp hóa. Anh ước mơ được làm chủ một cửa hàng của riêng mình. Để hiện thực hóa ước mơ này, anh tích cóp đều đặn. Anh cho rằng một khi trở thành doanh nhân, anh sẽ đạt được uy danh và một vị trí xã hội đáng kể mà một người đàn ông như anh nên có. Anh rất nghiêm túc với tham vọng của mình. Tuy vậy, có một trở ngại nho nhỏ trên con đường chinh phục ước mơ của anh: anh có một sở thích khó bỏ từ hồi bé là sưu tập và tự tay gia công những chiếc đồng hồ cúc cu. Anh sống cùng cha mẹ và ba chị em gái; hầu hết những người thân và bạn bè của anh đều khẳng định rằng riết rồi tính tình của anh cũng sẽ gàn dở và “cúc cu” hệt như mấy chiếc đồng hồ yêu quý của anh.
Bất kể thời điểm nào, căn hộ năm phòng của cả gia đình anh cũng ngập ngụa những bộ sưu tập đồng hồ. Quý anh trong câu chuyện này của chúng ta chưa có ý định kết hôn. Anh đã từng hẹn hò nhiều cô nàng, từng tán tỉnh vài chị em và có một vài mối tình kha khá nhưng đều không có kết quả.
Vào một buổi tối nọ, khi đang ngồi chơi trong một câu lạc bộ khiêu vũ, anh gặp gỡ nhân vật nữ chính trong câu chuyện của chúng ta.
Cô nàng không quá xinh đẹp, đeo kính, mặc một chiếc đầm giản dị và có một thân hình thường thường bậc trung.
Theo lẽ thường, với một cô nàng không có gì nổi trội như thế, “tình yêu sét đánh” là điều khó xảy ra. Tuy nhiên, khi họ bắt đầu nói chuyện và tự giới thiệu về mình, cô nàng đã nói như sau:
“Em rất hân hạnh được biết anh. Cô bạn Madge xinh đẹp đã kể em nghe rất nhiều về sở thích kỳ lạ của anh.”
“Thế à?” Quý anh của chúng ta buột miệng, hồi hộp chờ xem cô ấy sẽ nói gì tiếp theo.
“Vâng,” cô nàng đáp lại, “và em nghĩ sưu tầm đồng hồ cúc cu là một trong những sở thích độc đáo nhất mà em từng biết!”
“Em nghĩ thế thật à? Tuyệt,” anh chàng bắt đầu ấp úng, “phần lớn bạn bè của tôi cho rằng thần kinh tôi không được bình thường. Còn mấy chị em gái của tôi thì...”
“Họ đều là những cô gái tử tế theo như em được biết. Em thì nghĩ bạn bè và các chị em của anh đang ghen tị với anh vì họ không được chín chắn như anh. Vậy bây giờ, anh có thể kể em nghe nhiều hơn về thú chơi đồng hồ cúc cu của anh không?”
“Em muốn nghe ư?” Quý anh của chúng ta chạm vào khuỷu tay cô nàng và dẫn cô đến chỗ ghế ngồi. “Này, em cứ gọi tôi là George nhé!”
“Em rất hân hạnh, anh George ạ. Còn anh cứ gọi em là Dorothy nhé. Giờ chúng ta nói về mấy cái đồng hồ cúc cu nào. Vì sao anh lại có sở thích đó vậy?”
Bạn có thể nhận ra một công thức ở đây: Cô nàng khởi đầu cuộc trò chuyện với một ít thông tin sẵn có về anh chàng, trong đó có khao khát được mọi người công nhận (thuộc phạm trù Danh Tiếng) của anh ta. Còn cô ấy thì khao khát Tình Yêu và hôn nhân. Thế là cô thâm nhập thành công vào tâm trí George bằng một chủ đề hấp dẫn liên quan đến mong muốn được công nhận của anh. Sự tương tác về mặt cảm xúc này ngay lập tức thiết lập nên sự chân thành và hấp dẫn lẫn nhau của hai phía. Nếu câu chuyện trên tiếp diễn, Dorothy sẽ dễ dàng khai thác được nhiều thông tin hơn về George như nghề nghiệp của anh ta, ước mơ được làm chủ một cửa hàng bách hóa và mong muốn nhà mình rộng hơn để có chỗ chứa những chiếc đồng hồ cúc cu mà không bị người khác phàn nàn.
Bạn thấy đấy, cô nàng không nói nhiều về những gì mình muốn, mà cô tập trung trò chuyện về những điều anh ấy muốn nghe.
Không lâu sau đó, chàng George quyết định rằng nàng Dorothy chính là người phụ nữ của đời mình. Cô hiểu anh, và anh thì cảm thấy không thể xa cô dù chỉ một chút. Cô ấy thật “khác biệt” so với những người con gái khác. Rồi họ sẽ có một căn hộ mới của riêng mình, “với hàng tá chỗ trống cho những chiếc đồng hồ cúc cu của tôi” - chàng George reo trong hạnh phúc ngập tràn.
Thế là họ kết hôn.
Bạn nghĩ đó là tình yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên ư? Nghĩ lại đi, phải gọi là “Tình yêu ngay từ câu nói đầu tiên” nhờ vào sự Thôi Miên Cảm Xúc.
Bây giờ là một câu chuyện khác. Giả sử Dorothy không phải là một cô gái trẻ trung đang tìm kiếm Tình Yêu, mà là một quý bà bốn mươi lăm tuổi, đang có một gia đình hạnh phúc với ba con. Bà Dorothy đến câu lạc bộ khiêu vũ để trông chừng cô cháu là con của chị gái mình. Cô cháu này cỡ tuổi chàng George nhưng đã đính hôn với người khác. Khi đến làm quen với George, quý bà Dorothy bắt đầu bằng một câu hệt như ví dụ trước:
“Tôi rất hân hạnh được biết anh. Bà bạn tôi có kể tôi nghe nhiều về sở thích kỳ lạ của anh.”
Bạn nghĩ rằng George sẽ đáp lại chứ?
Hiển nhiên là có, anh ta sẽ phản hồi, vì tử huyệt chủ đạo của anh chàng chính là khao khát được mọi người công nhận. Anh ta sẽ chú ý ngay lập tức đến câu nói của Dorothy. Trong trường hợp này, có thể bà Dorothy làm thế chỉ với mục đích gây ấn tượng tốt với anh ta, để ngày mai bà sẽ được phục vụ tốt hơn ở cửa hàng tạp hóa của George, vì bà rất hay mua đồ ở đó.
Hoặc, bà Dorothy là một nhân viên bán hàng đang đi tiếp thị sản phẩm là những cuốn sách về kỹ năng kinh doanh. Trong trường hợp này, bà ta không quan tâm gì đến những chiếc đồng hồ cúc cu, hôn nhân hay sự tử tế. Bà sử dụng câu nói “Tôi rất hân hạnh được biết anh. Bà bạn tôi có kể tôi nghe nhiều về sở thích kỳ lạ của anh” chỉ để khiến George phải chú ý, từ đó khởi đầu cho một cuộc trò chuyện thân mật mà trong đó, bà sẽ dễ dàng có cơ hội tiếp thị về những quyển sách mình muốn bán.
Chàng George là một con người đầy cảm xúc; tâm trí anh ấy liên tục bận rộn với mớ bòng bong những nhu cầu Bản Thân, Tiền Bạc, Tình Yêu và Danh Tiếng. Nhưng chỉ một trong Bộ Tứ là nhân tố gây chú ý và là động lực lớn nhất của anh chàng. Một khi xác định được nhân tố này, bạn sẽ dễ dàng thâm nhập vào tâm trí của George, khiến anh ta phải lắng nghe và làm những gì bạn muốn, từ việc kết hôn cho đến yêu cầu phục vụ mình tốt hơn ở cửa hàng.
Con người luôn chịu sự chi phối của những nguyên nhân cảm xúc. Do vậy, họ chỉ nhìn thấy những gì mình muốn thấy, chỉ nghe được những gì mình muốn nghe. Họ không phản hồi lại những thứ không thể Thôi Miên Cảm Xúc của họ! Động cơ giao tiếp của mọi con người trên Quả Đất này dù phức tạp thế nào cũng đều nằm đâu đó trong Bộ Tứ Quyền Lực trong Tử Huyệt Cảm Xúc - nội dung cốt lõi của Phương Pháp Thôi Miên Cảm Xúc.
Trong những phần kế tiếp, tôi sẽ chia sẻ và minh họa về Phương Pháp Thôi Miên Cảm Xúc thông qua hàng trăm ví dụ về quyền năng của Bộ Tứ Quyền Lực trong Tử Huyệt Cảm Xúc khi giao tiếp.
Khi đã biết ứng dụng Phương Pháp Thôi Miên Cảm Xúc trong cuộc sống, mỗi buổi sáng thức dậy, với bạn đều sẽ là khởi đầu cho một ngày thành công và hạnh phúc hơn. Câu chuyện sau đây về một người chủ nhà máy chịu tổn thất nặng nề chỉ vì một cái ống nước hỏng sẽ giúp bạn mường tượng rõ hơn về các Tử Huyệt cũng như hiệu ứng kỳ diệu của sự Thôi Miên Cảm Xúc. Ông chủ nhà máy đã gọi điện thoại cho rất nhiều nhóm thợ ống nước đến sửa chữa, nhưng không một ai trong số đó tìm ra được chỗ hư để sửa. Cuối cùng, ông gọi cho một người thợ làm việc độc lập. Anh ta mang theo một túi đồ nghề nom rất chuyên nghiệp. Người thợ này đi lên tầng ba của nhà máy, rồi lấy ra từ túi đồ nghề của mình một chiếc búa. Anh gõ một nhát búa lên ống nước. Chỉ có thế, ống nước hoạt động bình thường trở lại.
Sau ngày hôm đó, anh thợ ống nước gửi hóa đơn chi phí sửa chữa lên đến 100 đô la khiến cho ông chủ nhà máy rất tức giận. Ông ta gọi điện thoại cho anh thợ ống nước và phàn nàn:
“Anh ở đây có mười phút, chỉ làm mỗi một việc là gõ một nhát búa vào ống nước. Có vậy mà hét giá trên trời những 100 đô la! Nếu anh muốn tôi trả tiền, anh nên ghi rõ đơn giá từng việc một anh đã làm ở đây để tôi còn biết mình trả tiền nhiều như thế vì cái gì chứ!”
Người thợ sửa ống nước soạn lại hóa đơn và gửi cho ông chủ nhà máy. Trong đó ghi:
“Tiền công gõ búa - 1 đô. Tiền công biết đúng chỗ nào để gõ - 99 đô. Tổng cộng - 100 đô la.”
Ông chủ nhà máy vui vẻ trả tiền và trở thành khách hàng trung thành của anh thợ ống nước nọ từ đó.
Dù bạn đang trò chuyện, bán hàng hay quảng cáo, dù đối tượng của bạn là ai, bạn phải xác định được đúng chỗ để gõ, đúng nơi tử huyệt để khơi dậy những cảm xúc cần thiết cho cuộc giao tiếp.
Bạn sẽ nhận ra rằng Thôi Miên Cảm Xúc là một công cụ vừa có lợi nhưng cũng đồng thời thừa khả năng gây tai họa. Từ kẻ bất lương, sát thủ, người đĩnh đạc cho đến kẻ khoe khoang đều có thể dùng nó vì tư lợi. Đó là điều chắc chắn. Tuy nhiên, nó cũng là công cụ được dùng để mang ánh sáng văn minh đến cho nhân loại bởi những thầy tu, nhà truyền giáo, những người dạy học, các triết gia và những người tốt ở khắp mọi nơi.
Bạn được xem là “người tốt” khi và chỉ khi những lời ăn tiếng nói của bạn có khả năng truyền cảm hứng, giúp mọi người dám thể hiện quan điểm của mình!
Những niềm tin của chúng ta đều dựa trên một nền tảng là những nguyên nhân cảm xúc. Kể cả những người thi hành luật pháp cũng phải thừa nhận điều này.
FBI từng truy nã một tên cướp vừa đào tẩu. Ngoài những đặc điểm nhận dạng trên cơ thể, tên này còn nổi tiếng là một gã cao ngạo và tự đắc. Phạm vi truy nã được xác định là vùng phụ cận Cincinnati và lệnh truy nã kèm với hình ảnh được dán ở khắp nơi. Cuối cùng, các đặc vụ của FBI bắt được hắn ở ngay trước tòa nhà trụ sở cảnh sát trong lúc hắn đang đứng đó huênh hoang tự đắc về thành quả vượt ngục của mình!
Mỗi người đều có quan điểm và mô thức cảm xúc riêng biệt, mang tính cá nhân. Bằng cách quan sát và ghi chú một cách tinh tế những ngôn từ và hành động của mọi người, bạn sẽ dễ dàng thấu hiểu nhân tâm và trở thành bậc thầy về Phương Pháp Thôi Miên Cảm Xúc - một kỹ thuật giúp bạn khám phá và nhận diện những động lực chủ đạo bên trong mỗi con người nhằm mục đích cải thiện và nâng cao hiệu quả giao tiếp giữa người với người.
Theo thời gian, bạn sẽ nhận ra rằng chính cách mọi người phản ứng và lắng nghe chúng ta sẽ quyết định mức độ thành công, hạnh phúc và thịnh vượng của chúng ta trong cuộc sống. Với Phương Pháp Thôi Miên Cảm Xúc, không có sự khác biệt giữa bảnh bao và thô kệch, bình thường và khuyết tật, ngơ ngác hay mặt dày, nói lắp hay mũi to...
Việc thành thạo kỹ năng Thôi Miên Cảm Xúc trong giao tiếp cũng đồng thời giúp bạn cải thiện và nâng cao sức sáng tạo, trí tưởng tượng, động lực làm việc và phong thái của mình, cũng như hoàn thiện được Tính Cách và Kỹ Năng Thuyết Phục để thành công.
Nào, hãy cùng tôi khám phá quyền năng bất biến của Bộ Tứ Quyền Lực trong Tử Huyệt Cảm Xúc trong việc khiến cho mọi người phải lắng nghe và làm những gì bạn muốn nhé!