Bạn đã bao giờ nhìn thấy một mẩu quảng cáo như thế này:
Một bí mật của tôi mà bạn nên biết
Lý do từ trước đến nay tôi luôn bán hàng với giá ưu đãi, rẻ hơn rất nhiều so với những người khác bán cùng sản phẩm, đó là vì tôi còn độc thân. Tôi không cần quá nhiều tiền để lo cho vợ con.
Nên bây giờ, tôi xin thông báo với mọi người là ưu đãi này sắp kết thúc trong nay mai. Tôi sắp cưới vợ.
Vì vậy, các bạn nên dành dụm và đến gặp tôi để mua càng nhiều món hàng càng tốt, bởi vì ưu đãi này chỉ còn vài ngày nữa.
O. Kayser
Yếu tố Tiền Bạc trong mẩu quảng cáo đã gây được sự chú ý và thu hút người đọc ngay lập tức! Mọi người nườm nượp kéo đến cửa hàng của anh Kayser để tranh thủ cơ hội “Mua hàng với giá ưu đãi” trước khi chủ nhân “lên xe hoa”.
Tử Huyệt Tiền Bạc có thể được tác động bằng nhiều cách khác, chẳng hạn như trong câu chuyện sau tại một thị trấn ở Texas, khi gắn kết được ngôn từ với Tử Huyệt Tiền Bạc của người tham gia giao thông, xe cộ trên đường phải giảm tốc độ và hạn chế được tai nạn giao thông xảy ra.
Nhiều người lái xe đến từ những vùng khác thường chạy qua thị trấn này với vận tốc vượt quy định, khiến cho cảnh sát địa phương không tài nào kiểm soát được. Họ điều tra nguyên nhân các tay lái không tuân theo quy định và vẫn vô tư chạy quá tốc độ.
Cuối cùng, họ khám phá ra vấn đề nằm ở nội dung biển báo:
Sau một hồi tranh luận, các cảnh sát quyết định thay đổi nội dung biển báo như sau:
Với tấm biển này, những tay lái lụa đều “hiểu” và tuân thủ quy định ngay-lập-tức!
Samuel Johnson3 từng viết rằng:
[3] Samuel Johnson (1709-1784): nhà văn, nhà phê bình văn học người Anh thế kỷ XVIII. Ông có nhiều đóng góp to lớn cho văn chương Anh thông qua các tác phẩm văn thơ và phê bình có giá trị. Ông còn nổi tiếng với công việc viết tiểu sử và biên soạn từ điển tiếng Anh.
“Tiền Bạc và Thời Gian là hai gánh nặng lớn nhất của con người. Những kẻ bất hạnh nhất thế gian là những người sở hữu hai thứ này nhiều đến mức vượt quá khả năng sử dụng của họ.”
Còn với chúng ta, Thời Gian hay Tiền Bạc chẳng bao giờ đủ. Chúng ta cố gắng tích lũy càng nhiều thời gian và tiền bạc càng tốt vì trong lòng luôn canh cánh nỗi lo mình chẳng giữ được gì!
Hơn nữa, với nhiều người, Thời Gian cũng là Tiền Bạc.
Một số người trong chúng ta “ăn gian” Tiền Bạc để có thêm Thời Gian (bỏ thêm tiền ra để mua được một món hàng gì đó thay vì chờ đợi), hoặc “ăn chặn” Thời Gian để có thêm Tiền Bạc (về sớm hơn để chạy đi làm một công việc khác). Một số người thì sẵn sàng “gian lận” cả hai. Những người còn lại thì ghê tởm với hành động gian lận!
Mỗi người trong chúng ta lại có suy nghĩ và cảm nhận về cuộc sống khác nhau, nên chúng ta cũng sẽ có những phản ứng cảm xúc khác nhau đối với vấn đề Tiền Bạc: hoặc bạn cảm thấy hài lòng, hoặc bạn cảm thấy có tội, hoặc bạn thấy cắn rứt lương tâm khi có nhiều tiền trong tay.
Bạn cảm thấy ngạc nhiên phải không? Nhưng đây lại là sự thật: Tiền Bạc đã khiến cho một phụ nữ ở Oregon cảm thấy day dứt!
Cô ấy làm việc trong chi nhánh của một hãng xe mô tô. Suốt một năm làm ở đó, cô nhận thấy mình đã kéo dài thời gian nghỉ giải lao quá nhiều thay vì tập trung làm việc hiệu quả. Vì quá cắn rứt lương tâm, cô quyết định chuyển 95 đô la trở lại tài khoản của sếp, xem như đó là tiền đền bù cho những khoảng thời gian mà cô đã phí phạm vì “ngồi chơi xơi nước” ở công ty.
Cách đây không lâu, các quý ông bị hói đầu trong Cơ quan Lập pháp Ohio từng đưa ra một đề xuất về quy định liên quan đến chi phí cắt tóc! Họ nghĩ ra một giải pháp như sau:
“Những người như chúng tôi nên được miễn giảm tiền cắt tóc. Đó là hợp lý về mặt luật pháp, công lý và cả công bằng nữa - chúng tôi luôn bị ‘nổi bật’ với một đặc điểm ‘không ai mong muốn’ đến cuối đời - bị hói đầu.”
Mặc dù Tiền Bạc là một Tử Huyệt có tác dụng kích thích lớn đối với con người, trong cuộc sống của chúng ta, thực chất Tử Huyệt Tiền Bạc lại chịu sự chi phối từ rất nhiều cảm xúc mãnh liệt khác, mà kể cả những nhà lập pháp khô khan cũng không ngoại lệ.
Bạn còn có thể cảm nhận được khao khát về hình ảnh bản thân (Tử Huyệt Danh Tiếng) trong câu nói của họ: “... những người như chúng tôi... bị ‘nổi bật’ với một đặc điểm ‘không ai mong muốn’ đến cuối đời…”. Tử Huyệt Danh Tiếng và Tử Huyệt Tiền Bạc tương tác với nhau trong tình huống này khi những nhà lập pháp cảm thấy hình ảnh ngoài xã hội của họ bị thiệt thòi vì tình trạng “hói đầu”. Vì vậy, họ yêu cầu một sự bù đắp đối với bản thân ở phương diện Tiền Bạc là miễn giảm khoản tiền dành cho cắt tóc.
Trong cuộc sống, bất kỳ thứ gì giúp cho con người kiếm ra Tiền hoặc tiết kiệm Tiền đều có sức Thôi Miên Cảm Xúc khó cưỡng.
Một tổ chức được thành lập ở Stuttgart với tên gọi Hội Chiều Cao Khủng. Các thành viên trong hội gồm những người đàn ông cao trên 1m88 và những người phụ nữ cao trên 1m80. Người trong hội thống kê được rằng, những người đàn ông cao lớn ăn nhiều hơn 15% so với những người đàn ông có chiều cao bình thường, còn tỷ lệ này ở phụ nữ là 10%.
Sau cuộc khảo sát, cả hội quyết định đệ đơn lên chính quyền yêu cầu được giảm thuế vì họ thuộc nhóm chiều cao vượt trội nên nhu cầu ăn nhiều hơn phần đông những người khác, trong khoản ăn uống họ đã phải tiêu tốn từ 10% đến 15% chi phí so với những người bình thường, nên họ cần thiết được bù đắp thông qua việc giảm thuế!
Bạn nghĩ thế nào nếu nguyện vọng nêu trên trở thành hiện thực? Có lẽ bạn sẽ xem lại sức ăn và kích cỡ bản thân để có thể yêu cầu một quyền lợi tương tự, đúng không?
Về mặt cảm xúc, bạn sẽ có xu hướng muốn làm như thế!
Mọi thứ liên quan đến Tiền Bạc luôn khiến cho kẻ thu thuế lẫn người nộp thuế phải đau đầu.
Nhân viên thuế vụ cũng là con người. Họ có cảm xúc, và họ phải đi thu tiền từ những con người cũng chịu sự chi phối bởi cảm xúc giống như họ!
Một người đàn ông đi làm thủ tục xin miễn thuế cho mẹ. Cơ quan thuế phát hiện ra mẹ của ông đã qua đời từ hơn mười năm trước.
Khi được hỏi vì sao ông lại đi xin miễn thuế cho mẹ, ông trả lời: “Bởi vì trong trái tim tôi, bà luôn sống mãi!”
Một người phụ nữ giấu tên ở Colorado đã gọi điện thoại cho cơ quan thuế để hỏi về số tiền thuế thu nhập cá nhân mà cô phải trả.
“Xin chào, tôi muốn hỏi mình sẽ phải trả bao nhiêu tiền thuế với mức thu nhập là 75.000 đô la?”
Nhân viên thuế dựa theo định mức và công thức để thực hiện phép tính và trả lời cô.
“Còn với thu nhập là 150.000 đô la thì sao?” - người phụ nữ hỏi tiếp.
Nhân viên thuế rất ngạc nhiên khi cô ta liên tục thay đổi số tiền thu nhập, nên hỏi lại.
“Thưa cô, sao tự nhiên cô lại hỏi những thông tin đó? Có lý do gì đặc biệt không?”
“Lý do đặc biệt à, có chứ… ” - cô ngập ngừng. “Tôi đang suy nghĩ là mình nên mua một hay hai tấm vé số cho giải độc đắc của Chương trình Xổ số kiến thiết. Anh biết đấy, nếu như tôi trúng một tờ vé số hay hai tờ vé số, thì số tiền tôi phải nộp sẽ khác nhau rất nhiều…”
Tiền Bạc là nhân tố gây chú ý và duy trì sự chú ý vô cùng mạnh mẽ, hơn cả những gì chúng ta mắt thấy tai nghe.
Bạn mong muốn đám đông ngoài kia phải chú ý đến mình? Hãy thử cầm trên tay một cọc tiền mệnh giá cao nhất, đung đưa trước mắt họ. Họ sẽ lập tức im bặt và chú ý từng cử động của bạn!
Bạn đã bao giờ bị hút mắt và khó lòng “làm lơ” khi nhìn thấy một chiếc ví, một cọc tiền, hoặc những đồng xu bị ai đó vô tình đánh rơi trên đường hay không? Bạn có nhớ cảm giác khi mình vô tình tìm thấy một tờ 20 đô la bị bỏ quên trong túi áo khoác mà suốt một năm trời ròng rã bạn lật tung cả ngôi nhà lên vẫn không thấy?
Bao nhiêu lần bạn bị thu hút bởi hai chữ “MIỄN PHÍ”? Bạn đã bao giờ dừng chân và quay đầu lại tìm kiếm mỗi khi nghe âm thanh “leng keng” của những đồng xu rơi trên đường?
Hàng nghìn phản ứng cảm xúc với Tiền Bạc vẫn diễn ra dù chúng ta có nhận thấy chúng hay không và bất kể Tiền Bạc có phải là Tử Huyệt chủ đạo của chúng ta hay không. Đôi khi, Tử Huyệt Tiền Bạc có thể dẫn dụ khiến đầu óc bạn “mụ mị” mà ngay cả bạn cũng không ngờ!
Một ông chủ khách sạn nổi tiếng tham tiền. Nhiều người trong thị trấn từng không ít lần phải “ngậm bồ hòn” vì tật xấu này của ông ta. Vì vậy họ họp lại với nhau và quyết định phải dạy cho ông ta một bài học.
Họ thuê một diễn viên ở vùng khác đóng giả làm một ông chủ tập đoàn kinh doanh thức ăn cho mèo. Vị “đại gia” bước vào khách sạn, ông ta gọi ông chủ khách sạn đến để đặt một bữa tiệc thật xa hoa và hoành tráng cho buổi tối thứ Bảy sắp tới.
“Thưa ông, số lượng khách mời là bao nhiêu?”
Ông chủ khách sạn vừa hỏi vừa ghi chép, trong bụng mừng thầm vì miếng bánh từ trên trời rơi xuống này. Khách hàng có vẻ là một tay chơi “sộp” và chịu chi “đậm”.
“Bao nhiêu người à?” - ông chủ tập đoàn cười khẩy. “Buổi tiệc của tôi không mời ai cả, nó dành cho những chú mèo!”
Người chủ khách sạn trợn tròn mắt kinh ngạc khi nghe về buổi tiệc có một không hai này. Để tăng thêm tính thuyết phục, vị “đại gia” hào phóng “dúi” cho ông chủ khách sạn 100 đô la.
“Đây là một phần chi phí. Phần còn lại thì tôi sẽ thanh toán sau khi bữa tiệc kết thúc.”
Khách hàng chủ động đưa tiền như thế này đúng là miếng bánh từ trên trời rơi xuống đối với tay chủ khách sạn, ông ta lập tức tin sái cổ vào “sở thích” kỳ lạ này. Ông lập tức liệt kê một thực đơn dài dằng dẵng gồm những thức ăn ngon nhất dành cho mèo với mức giá “khủng”, ngoài ra ông ta còn đề xuất sẽ mua và bày thức ăn do chính tập đoàn này sản xuất sau buổi tiệc.
Vị khách gật gù, khen ngợi ông là một người có tư duy kinh doanh sắc sảo.
Trước khi kết thúc buổi gặp mặt, người diễn viên lựa chọn và đặt một thực đơn đắt tiền toàn “sơn hào hải vị”, lại còn yêu cầu phải được in bằng mực màu đỏ và xanh. Anh ta nói vì đây là hai màu sắc ưa thích của sáu mươi chú mèo sẽ đến tham dự bữa tiệc!
Tay chủ khách sạn đồng ý ngay tắp lự và chèo kéo nhiều yêu cầu “oái oăm” hơn để sau bữa tiệc, con số mà khách hàng phải thanh toán cho ông ta đội lên gấp mấy chục lần số tiền ban đầu.
Buổi sáng thứ Sáu, trước ngày diễn ra bữa tiệc, vị “chủ tịch tập đoàn” nọ gọi điện đến khách sạn.
“Hôm trước tôi đã sơ ý quên một điều,” anh ta nói với tay chủ khách sạn. “Lẽ ra tôi phải đưa anh thêm 100 đô la nữa cho phần thực đơn đã thêm vào các món ăn mà anh đề xuất. Nhưng không sao, tôi sẽ thanh toán hết cho anh một lần sau bữa tiệc bằng tiền mặt nhé.”
Mải mê vẽ vời thêm nhiều hạng mục phát sinh tiền, đã không bị khách từ chối mà còn hào phóng cho thêm, tay chủ khách sạn đắm chìm trong giấc mơ về một núi tiền sắp về tay mình nên lập tức đồng ý.
Thứ Bảy, thời khắc bắt đầu bữa tiệc đặc biệt đến gần, mọi thứ đã sẵn sàng. Nhưng cả buổi tối, ông ta mòn mỏi đợi chờ. Nhân viên của ông ta và nhiều phóng viên đã có mặt - ông ta đã lén lút mời họ mà không hề hỏi ý kiến của vị khách để nhân dịp này “trục lợi” về truyền thông.
Trớ trêu thay, vị “đại gia kinh doanh thức ăn cho mèo” đã làm thủ tục rời khỏi khách sạn chỉ một giờ trước khi bữa tiệc bắt đầu!
Lòng tham đã khiến tay chủ khách sạn sa bẫy. Càng bày vẽ ra nhiều hạng mục để moi tiền từ túi khách, chưa kể còn dám rắp tâm lợi dụng sự kiện riêng của khách để quảng bá cho bản thân, càng khiến ông ta ê chề, xấu hổ khi vỡ lẽ ra mọi chuyện.
Đâu là động cơ cảm xúc chủ đạo của những người đứng đằng sau trò chơi khăm này?
Chính là Danh Tiếng!
Những người chơi xỏ tay chủ khách sạn có lẽ muốn trả đũa vì trước đây ông ta từng gian lận với họ (như những gì ông ta đã làm với vị “đại gia” kia) - một động cơ hoàn toàn mang tính cảm xúc.
Còn tay chủ khách sạn là một Người Vị Lợi chính hiệu. Trên thực tế, những Người Vị Lợi không phải lúc nào cũng là người xấu hay thiếu trung thực, và những loại người khác thuộc Bộ Tứ cũng tương tự. Nếu ông ta không lừa dối nhiều khách hàng, sẽ không có một nhóm người bày ra trò này để trả đũa. Nếu không tham lam, ông ta sẽ xác nhận kỹ càng với vị “đại gia” về kinh phí, mức tiền cọc tối thiểu cho hai bên chứ không phải là cố gắng gài khách hàng hết món này tới món khác để chèo kéo thêm tiền, hòng vét nhẵn túi tiền của khách, cũng như sẽ không lợi dụng sự kiện của khách để quảng bá cho bản thân và khách sạn.
Bạn nghĩ trò chơi khăm này sẽ khiến tay chủ khách sạn sáng mắt ra, hiểu được tác hại của lòng tham và không tái phạm nữa?
Rất tiếc là Không.
Người ta có câu: “Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời.” Tay chủ khách sạn là Người Vị Lợi và sẽ luôn như vậy. Nhưng cú “tát” này sẽ khiến ông ta thận trọng hơn trong giao dịch với những khách hàng khác, “ràng buộc” họ bằng các quy định khắt khe hơn.
Tiền bạc, bổng lộc và sự sở hữu
Tiền Bạc có thể xem là Tử Huyệt Cảm Xúc biểu hiện rõ nhất và dễ tác động nhất trong Bộ Tứ Quyền Lực. Hầu hết mọi người đều hiểu và phản ứng lại những tác động về Tiền Bạc.
Ngay cả lối sống và sinh hoạt hằng ngày của chúng ta cũng phản ánh rất cụ thể mức độ tác động của Tiền Bạc lên cảm xúc của chúng ta.
Một người đàn ông 50 tuổi bị kiện ra tòa vì tội gian lận cá độ. Cảnh sát đã lục soát và tìm thấy 16.800 đô la trong phòng ông ta – một khoản tiền rất lớn. Tuy nhiên, khi người đàn ông này giải trình về nguồn gốc số tiền, cả thẩm phán lẫn những người tham dự phiên tòa đều bị thuyết phục.
Ông ta đã thực hiện được một kỳ tích trong việc tiết kiệm. Chỉ với mức lương 56 đô la một tuần, ông ta dành dụm được tận 16.800 đô la!
Bằng cách nào ư?
Ông ta giải thích:
“Tôi không hẹn hò, không hút thuốc, không uống rượu bia, không mua quần áo mới mà chỉ mặc lại quần áo cũ. Nếu quần áo bị rách thì tôi có thể vá lại để mặc tiếp. Thật ra thì ngay quần lót tôi cũng làm vậy. Tôi đã mang chung giày với bố để đi làm và mặc duy nhất một bộ đồ trong suốt mười ba năm. Khi cần cạo râu, tôi sẽ mượn của người khác. Tôi từng cho bà ngoại mình vay 15 cent với lãi suất là 12%. Quan trọng nhất là tôi không bao giờ mua cho mình thứ gì có giá cao hơn 56 cent!”
Dù vẻ ngoài trông luộm thuộm và nhếch nhác nhưng ông ta vô cùng tự tin và tự hào về bí quyết bản thân đã đúc kết được sau chừng ấy năm tháng.
Tiền Bạc là một nhu cầu cảm xúc. Chúng ta ai cũng muốn kiếm thật nhiều tiền để đổi lấy những quyền lợi, phần thưởng, nhà cửa hay sở hữu tài sản. Người ta sẵn sàng kể cho bạn biết họ đã phải vất vả như thế nào để kiếm được đồng tiền.
Một nữ danh ca của nhà hát opera Metropolitan bị dư luận bàn tán vì thu nhập mỗi tháng cao hơn cả thu nhập của Tổng thống Mỹ trong một năm. Khi được hỏi về vấn đề này, cô đáp:
“Chúng ta đều phải lao động để có tiền. Là một ca sĩ, tôi luôn cố gắng cống hiến để đảm bảo chất lượng các ca khúc opera mà mình biểu diễn. Mọi người có thể đề xuất Tổng thống thử hát vở Norma4 trong buổi biểu diễn sắp tới. Những người từng tập luyện và biểu diễn vở hát luôn hiểu vì sao tôi được trả lương như vậy.”
[4] Norma (Vicenzo Bellini) là một trong những vở opera điển hình nhất của trường phái Opera Bel canto đầu thế kỷ XIX - trường phái opera tôn vinh giọng hát và những kỹ xảo tinh túy của nghệ thuật “hát đẹp” (bel canto). Không chỉ sở hữu những giai điệu tuyệt đẹp thường thấy của Bellini và những đoạn nhạc giúp nghệ sĩ phô diễn kỹ thuật hát hoa mỹ, điểm khác biệt ở Norma là nó còn có một cốt truyện cực kỳ kịch tính.
Mọi người đều khát khao kiếm được nhiều tiền cũng như những lợi ích có thể mua được bằng tiền. Chúng ta luôn cố gắng tìm cách kiếm nhiều tiền nhất với công sức bỏ ra ít nhất. Một số người trong chúng ta thích kiếm tiền để tiết kiệm, số khác lại thích tiêu tiền để thỏa mãn những nhu cầu và sở thích cá nhân.
Có được nhiều Tiền Bạc là ước muốn sâu thẳm và cháy bỏng trong mỗi chúng ta. Chúng ta luôn lo sợ mất tiền hoặc thiếu đi những sự đảm bảo về tài chính. Do vậy, chúng ta có xu hướng cởi mở và thân thiện với những ai chỉ cho chúng ta cách thức hoặc phương tiện giúp chúng ta có được nhiều tiền hơn.
Một buổi tối nọ, một nhà thầu đang kiểm tra việc tháo dỡ một đoạn đường ray ít được sử dụng trong hệ thống đường sắt New York. Những người thợ đang làm việc rất chăm chỉ với xà beng và đèn xì hàn trên tay, họ lần lượt tháo những thanh sắt ra. Bất ngờ, hai viên cảnh sát nhìn thấy liền dừng xe tuần tra và đến tìm hiểu.
Nhà thầu đó - vốn là một tay kinh doanh sắt vụn - giải thích với cảnh sát rằng họ làm việc này theo một hợp đồng đã được ký kết với đại diện công ty đường sắt. Bản hợp đồng của họ còn có con dấu chứng thực!
Kết quả điều tra cho thấy không có đại diện nào của công ty đường sắt liên quan đến bản hợp đồng. Đây thực chất là một vụ mua bán “chui”, tay kinh doanh sắt vụn đã trả tiền cho một người môi giới để mua tám tấn sắt từ những cung đường sắt ít-sử-dụng. Điều khoản mua bán là ông ta mua bao nhiêu tấn sắt đường ray thì sẽ trả bấy nhiêu tiền cho tên môi giới.
Khi đó, tay kinh doanh sắt vụn đã bán được mười tám tấn sắt đường ray và thu được một khoản lợi nhuận kha khá!
Tại sao tay kinh doanh sắt vụn dám ngang nhiên tháo dỡ những đoạn đường sắt mà không nghĩ đến những vấn đề liên quan tới luật pháp?
Ông ta là một nhà kinh doanh Thực Dụng. Ưu tiên số một của ông ta là Tiền, và toàn bộ tâm trí ông ta hướng về Tiền. Đối với ông ta, đường ray là một món hàng có thể đem đi cân ký và bán lấy tiền. Cho đến tận lúc bị cảnh sát bắt quả tang, ông ta vẫn rất tự tin, có những phát ngôn và hành động nhằm giải thích cho hành động của mình là hợp lý.
Khao khát của ông ta là Tiền. Còn nỗi sợ của ông ta là MẤT cơ hội kiếm tiền vì nếu ông ta không tranh thủ cơ hội “béo bở” này, người khác có thể sẽ đánh hơi ra và nẫng tay trên của ông ta!
Còn kẻ đồng phạm kiêm “đại diện công ty đường sắt”, vì sao cũng đồng thuận cho hành động “rút ruột” này? Vì họ có Tử Huyệt giống nhau - kiếm Tiền là quan trọng nhất!
Cả hai người đều đắm chìm trong khao khát kiếm tiền đến nỗi lập ra một đường dây mua bán bất hợp pháp để thỏa mãn ham muốn kiếm tiền của bản thân!
Con người không dễ gì chấp nhận thay đổi quan điểm cảm xúc của mình (hay cụ thể hơn, Tử Huyệt Cảm Xúc của mỗi người gần như là “bất biến”). Vì vậy, chúng ta luôn có cơ hội để tác động vào Tử Huyệt sẵn có của họ theo những cách thức mà chúng ta mong muốn: tung tin đồn có lợi khiến giá cổ phiếu tăng đến mức chóng mặt, chia sẻ những cách thức để hiện thực hóa các ý tưởng làm giàu nhanh mà dễ, v.v…
Chẳng lẽ ngay cả những người đàn ông và phụ nữ thông minh nhất cũng có thể bị đồng tiền làm mờ mắt?
Câu trả lời: Chính xác là thế!
Con người cần Tiền để chi trả cho những nhu cầu vật chất lẫn tinh thần.
Tiền Bạc được sử dụng trong mọi phương diện của đời sống, và dù bạn giàu có đến đâu thì bạn vẫn phải dùng Tiền để trang trải cho cuộc sống của bản thân và gia đình.
Như trường hợp của một người phụ nữ nọ, cô định bỏ một đồng xu vào chiếc nón của người ăn xin chống nạng bên đường.
“Thật tội cho ông khi bị tật thế này.” Người phụ nữ thở dài.
“Vâng, tồi tệ lắm thưa cô.” Người ăn xin gật gù.
“Tôi mong cuộc sống của ông sẽ khá hơn.” Cô mỉm cười chúc người ăn xin những điều tốt đẹp.
“Cảm ơn cô.”
Sau khi người phụ nữ xoay lưng đi và khuất bóng sau ngã rẽ, người ăn xin mới lẩm bẩm.
“Hồi tôi làm người mù, người ta toàn cho tôi ngoại tệ cơ!”
Tại sao những tay tội phạm khét tiếng không dùng kỹ năng hay tài nghệ của mình để làm những việc hợp pháp và có ích hơn? Họ hoàn toàn có thể, chỉ là việc sống lương thiện và hợp pháp đòi hỏi quá nhiều ràng buộc và quy định phải tuân theo. Điều này khiến hầu hết các tên tội phạm cảm thấy bị trói buộc và có khả năng phát sinh hành động chống đối xã hội5.
[5] Rối loạn nhân cách chống đối xã hội (tiếng Anh: Antisocial personality disorder - ASPD) là một trạng thái không bình thường của nhân cách biểu hiện chủ yếu bằng sự khó hoặc không thích ứng thường xuyên với các quy tắc đạo đức xã hội và pháp luật. Đây là một dạng trong nhóm bệnh rối loạn nhân cách.
Không quá ngạc nhiên khi các nghiên cứu chỉ ra rằng rối loạn nhân cách chống xã hội có tỷ lệ cao ở tù nhân (những người thường có hành vi bạo lực). Tương tự như vậy, người lạm dụng rượu và các chất gây nghiện cũng được ghi nhận là có nhiều khả năng mắc hơn so với cộng đồng.
Tử Huyệt Tiền Bạc - bao gồm cả những phần thưởng vật chất khác ngoài tiền - được định hình trong trẻ nhỏ; suy nghĩ này sẽ “bén rễ và ăn sâu” khi chúng lớn lên. Những người bán hàng xuất sắc, những công ty và tổ chức kinh doanh thu được lợi nhuận nhờ vận dụng Tử Huyệt này để thu hút sự chú ý, khơi dậy khao khát về sản phẩm trong các khách hàng tiềm năng và khiến họ quyết định mua hàng.
Ví dụ rõ nhất là các cuộc thi, nơi mà những phần thưởng vật chất trị giá càng cao thì sự ganh đua càng khốc liệt. Trung bình một năm, tổng số tiền thưởng mà các cuộc thi chính thống diễn ra trên toàn nước Mỹ đã chi cho những người chiến thắng hơn 40 triệu đô la!
Các giải thưởng này bao gồm những khoản tiền mặt khổng lồ, những tài khoản có khả năng sinh lời, sổ bảo hiểm, áo khoác da đắt tiền, xe cổ giá trị, vật nuôi thuần chủng, bất động sản, hiện vật hoặc các vé sử dụng dịch vụ miễn phí.
Những người tham gia thi có thể là bất kỳ ai trong cuộc sống đời thường!
Một công ty nước giải khát tổ chức cuộc thi với giải thưởng lớn nhất trị giá 50.000 đô la. Thí sinh sẽ được mang về nhà toàn bộ số tiền mà họ đào đất thắng được trong vòng năm phút. Ngoài ra, họ cũng có những giải thưởng phụ khác như: số tiền đào được trong ba phút và số tiền đào được trong một phút.
Trước khi cuộc thi diễn ra, tổng số tiền mà số người dự thi này đã tiêu tốn là 123.000 đô la khi họ gửi những tờ phiếu đăng ký dự thi qua bưu điện!
Để có thể định giá giải thưởng, nhà tài trợ cuộc thi đã thuê những người đào đất chuyên nghiệp nhất. Nhờ vậy họ xác định được trung bình một người có thể đào được 13.000 đô la trong vòng năm phút, 9.000 đô la trong vòng ba phút và 3.000 đô la trong vòng một phút. Tổng cộng, các thí sinh có thể thu về cho mình cao nhất là 25.000 đô la tiền thưởng.
Thực chất, ba người chiến thắng cuộc thi đã giành được đến 35.000 đô la.
Một trong ba thí sinh thắng giải đã miệt mài luyện tập đào đất trong hầm nhà cô ta suốt cả mùa đông để giành được giải cao!
Cuộc thi đào đất này mang đến lợi ích gì cho doanh số bán nước giải khát của nhà tài trợ?
Hiển nhiên là có! Doanh số của họ đã tăng 38% nhờ những hiệu ứng trực tiếp và gián tiếp của cuộc thi!
Nỗi sợ Mất Tiền
Về mặt cảm xúc, nỗi sợ mất mát Tiền Bạc hoặc tài sản của chúng ta mãnh liệt không kém gì khát khao kiếm Tiền.
Không phải ngẫu nhiên mà ngày nay, mọi công ty và doanh nghiệp đều rất cẩn trọng với các hoạt động thu chi tài chính của mình. Các báo cáo tài chính phải kê khai đầy đủ mọi thông tin, quyết định, các khoản vay hoặc cho vay, các giao dịch thành công và không thành công, thống kê và phân loại mọi hoạt động chuyển khoản được thực hiện.
Mọi ngân hàng và doanh nghiệp lớn nhỏ đều sợ mất tiền, và bạn cũng thế, phải không?
Bạn còn nhớ có những người, kể cả khi họ rất thân thiết, bạn cũng không dám cho họ vay tiền hay cho mượn tài sản vì “Một lần bất tín, vạn lần bất tin”?
Trong lịch sử nhân loại, luôn tồn tại những người như thế. Tuy nhiên, cuộc sống cũng không ít người “Chữ tín còn quý hơn vàng”.
Câu chuyện mà tôi chia sẻ dưới đây là về cố Tổng thống Abraham Lincoln khi ông còn sống ở Springfield, Illinois. Một ngày nọ, ông nhận được một lá thư từ một ngân hàng ở miền Đông. Ngân hàng nhờ Lincoln viết thư để xác nhận khả năng thế chấp cho một người mà ông quen, vì người này đang muốn vay họ một số tiền lớn. Lincoln đã trả lời như sau:
Thư đã nhận vào ngày 10.
Thứ nhất, anh ta có một người vợ và một con nhỏ; hai người đó đáng giá ít nhất 500.000 đô la với bất kỳ người đàn ông nào.
Thứ hai, anh ta có một văn phòng, trong đó có một cái bàn đáng giá 1,5 đô la và ba cái ghế có giá khoảng 3 đô la.
Cuối cùng, văn phòng này có một lỗ thủng khá lớn do lũ chuột gây ra, đủ để nhìn sang phía bên kia bức tường.
Trân trọng,
A. Lincoln
Thay vì dùng uy tín cá nhân để xác nhận là người đàn ông này đáng tin hay không, ông đã lựa chọn trần thuật lại những “tài sản” mà người này đang sở hữu, bao gồm cả tình trạng gia đình và bất động sản. Từ đó, ngân hàng có thể quyết định việc có nên cho anh ta vay hay không.
Vẻ ngoài giàu có hoặc phong thái quý tộc không nói lên điều gì về quan điểm cảm xúc bên trong một người về vấn đề Tiền Bạc. Mọi hành động gìn giữ Tiền Bạc hay tài sản của họ, dù với mục đích tốt hay xấu, đều mang những ý nghĩa nhất định về mặt cảm xúc.
Suốt nhiều năm, tôi đã đặt một câu hỏi thú vị với các học viên, khán giả, sinh viên, doanh nhân và trí thức để tìm hiểu câu trả lời theo phản xạ của họ sẽ như thế nào. Câu hỏi như sau:
“Nếu nhà bạn bị cháy và bạn chỉ có một mình, bạn sẽ làm gì đầu tiên?”
Kết quả, câu trả lời có số lượng áp đảo nhất trong các cuộc khảo sát là họ sẽ ngay lập tức cứu lấy tiền bạc hoặc những món đồ giá trị nhất trong nhà trước khi chạy ra ngoài!
Đó là những thứ gì?
“Tôi có một bộ sưu tập tem rất quý. Nó là kết quả của hơn hai mươi năm thu thập miệt mài của tôi.”
“Tôi sẽ cứu lấy cái áo lông thú vừa mới mua. Tôi không muốn nó bị cháy sém, dù chỉ là một chút!”
“Tôi sẽ lấy ngay 300 đô la trong phòng ngủ. Tôi muốn gửi tiết kiệm số tiền này từ lâu rồi mà chưa có thời gian.”
“Tất nhiên là cây đàn măng-đô-lin. Nó là người bạn thân thiết của tôi, đặc biệt là những khi tôi cảm thấy khó chịu hay bực dọc trong người. Sở thích chơi đàn đã giúp tôi hạ hỏa và yêu đời hơn.”
“Tôi sẽ cứu lấy hai bộ cánh mới tậu. Lúc nào người ta cũng khen tôi xinh đẹp từ khi tôi mặc chúng.”
“Mấy chiếc nhẫn hột xoàn của tôi. Cho dù nhà bị cháy thành tro, tôi cũng phải chờ rất lâu sau mới được nhận tiền bảo hiểm; nếu có nhẫn, tôi có thể bán chúng để sống qua ngày!”
“Tôi phải giữ được cái bóp tiền của mình! Tôi không thể đi đâu hay làm gì mà không có nó!”
“Chúng tôi có một cặp vé đi du lịch châu Âu. Hai vợ chồng tôi đã dành dụm cả đời để đủ tiền mua chúng. Kể cả khi nhà chúng tôi cháy rụi, chúng tôi vẫn sẽ đi!”
“Những cuốn sách ‘độc bản’ của tôi! Tôi mà mất chúng thì ngay cả tiền bảo hiểm cũng không đền nổi! Những cuốn sách trong bộ sưu tập đó là vô giá và không thể tìm mua cuốn thứ hai được đâu! Chúng sẽ cháy thành tro trong đám cháy mất!”
“Tôi sẽ chụp ngay chiếc kèn harmonica yêu quý. Nó là bùa may mắn của tôi và đã theo tôi suốt ba năm qua. Những khi tôi rời khỏi nhà mà không mang theo nó, tôi luôn gặp xui xẻo. Tôi phải trở lại nhà để lấy nó kể cả khi tôi bị trễ giờ làm. Nó đây!”
Và cũng câu hỏi này, tôi muốn hỏi bạn:
“Nếu nhà bạn bị cháy và bạn chỉ có một mình, bạn sẽ làm gì đầu tiên?”
Nghĩ kỹ xem!
Bạn sẽ cố gắng cứu lấy thứ gì trước khi thoát thân?
Đồ vật bạn mang theo có thể khác họ, nhưng phần lớn trường hợp chúng đều có giá trị đặc biệt về vật chất. Nói đúng hơn, chúng trị giá rất nhiều Tiền, hay thậm chí quý đến mức vô giá. Vì vậy, bất chấp nguy hiểm, bạn sẽ nghĩ về thứ đó trước tiên và mang chúng theo mình
Vì sao sự phung phí khiến bạn có cảm giác như “dằm trong tim”?
Một người đàn ông đến gara sửa ô tô để sửa chiếc xe của mình.
Ông nhìn thấy một thợ sửa xe mặc đồng phục nghiêm chỉnh đang lui cui chăm sóc một chiếc ô tô. Anh ta thay nhớt cho xe, thử ga, vệ sinh các ghế ngồi sau khi đã rửa tay sạch sẽ, kiểm tra cả bốn bánh xe lẫn lốp dự phòng, cọ sạch mọi vết bẩn trên viền trước và sau ô tô.
Ông khách đến chỗ người chủ gara - vốn là bạn của ông - và chỉ tay vào người thợ mẫn cán kia.
“Ê, Mike. Tôi quan sát anh thợ kia nãy giờ. Anh ta có vẻ chăm chỉ và gương mẫu nhỉ?”
“Anh chàng đó hả?” Người chủ gara phá lên cười. “Ừ đúng rồi, vì đó là xe của anh ta mà!”
Tử Huyệt Tiền Bạc có hai mặt. Một mặt, chúng ta luôn khao khát có thật nhiều tiền và tài sản, cũng như giữ cho chúng trong tình trạng tốt nhất có thể. Mặt khác, chúng ta lo sợ những khoản chi đột xuất, những biến cố gây mất tiền hoặc tổn hại đến tài sản.
Câu chuyện tiếp theo tôi chia sẻ với bạn là về người chủ một bãi đỗ xe ở thành phố lớn. Ông ta đã vận dụng kiến thức này để giành được lợi thế cạnh tranh trong kinh doanh.
Bãi đỗ xe của ông cách khu trung tâm hai tòa chung cư lớn so với những bãi xe khác. Phần lớn những người sử dụng phương tiện giao thông thích gửi ở những bãi xe càng gần trung tâm càng tốt. Họ không muốn tốn thời gian và công sức chạy xe xa hơn để đến bãi đỗ của ông ta. Vì vậy, bãi đỗ xe của ông thường bị trống hơn nửa chỗ.
Để thu hút thêm nhiều người đến gửi, người chủ quyết định giảm giá, đưa ra những chế độ ưu đãi đặc biệt, cải tạo bãi đỗ xe và gắn nhiều tấm biển với nội dung “NHÀ GIỮ XE” và “NƠI ĐÂY CÓ GIỮ XE”.
Những cố gắng của ông đều không mang đến kết quả khả quan. Đến khi ông chọn được bốn chữ đánh trúng Tử Huyệt Cảm Xúc của người đi đường.
Toàn bộ các tấm biển được đổi thành:
“Bãi đỗ xe CÓ BẢO VỆ RIÊNG.”
Từ hôm đó, nhiều vị khách sẵn sàng đỗ xe cách khu trung tâm hai tòa chung cư để được gửi xe ở một nơi “an toàn” và được “bảo vệ tối đa”. Thậm chí có những ngày bãi đỗ xe của ông đã không còn chỗ trống nào mà vẫn có người đến hỏi đỗ xe ở đó.
Nhân tố giúp bãi đỗ xe của ông khác biệt chính là cụm từ “có bảo vệ riêng”. Ai cũng muốn tài sản của mình được an toàn. Trong bối cảnh cùng mức chi phí, nhưng bãi đỗ xe của ông chủ nọ còn trang bị thêm “bảo vệ riêng”, chính sự “đầu tư” về mặt an ninh này của ông khiến khách hàng cảm thấy an tâm hơn rất nhiều khi gửi tài sản của họ ở đây.
Mặt tương phản của Tử Huyệt Tiền Bạc, tức nỗi sợ bị mất Tiền hoặc tài sản, cũng có khả năng đánh động tâm trí con người, khiến họ phải chú ý và duy trì sự quan tâm hiệu quả không kém gì khát khao hoặc sự ham muốn kiếm Tiền. Tuy vậy, khi bạn vận dụng mặt trái này, cần phải cực kỳ thận trọng, và bạn phải tiên liệu trước những kịch bản có thể xảy ra khi áp dụng nó.
Như trường hợp câu chuyện tôi sẽ kể sau đây:
Một hợp tác xã trồng cây ăn quả nổi tiếng ở vùng West Coast đang tìm kiếm một công ty quảng cáo mới cho các sản phẩm của họ. Sau khi tìm hiểu và xem xét hồ sơ của nhiều công ty khác nhau, họ chọn được hai tên tuổi nổi bật nhất.
Đại diện của cả hai công ty được mời đến thuyết trình về phương án của họ trước một hội đồng gồm các nông dân trồng cây ăn quả của hợp tác xã.
Một trong hai đại diện trình bày về nhược điểm nếu họ lựa chọn một công ty quảng cáo chuyên sử dụng lại những ý tưởng đã có trên thị trường. Để minh họa cho luận điểm của mình, anh ta lấy ra một bức tranh tĩnh vật rất đẹp bằng sơn dầu, miêu tả về một đĩa trái cây.
Sau đó, anh ta thảy bức tranh xuống đất, đồng thời nói lớn với hội đồng rằng:
“Bức tranh tuy đẹp, nhưng nó không mang đến lợi ích thực tế gì cho chúng ta. Hơn nữa, hình ảnh được vẽ trên đây đã được in nhan nhản khắp mọi nơi. Nếu mới nhìn thấy lần đầu, chúng ta sẽ bị choáng ngợp vì độ bắt mắt của nó. Nhưng mọi người thử tưởng tượng xem, nếu bạn có thể bắt gặp nó ở bất kỳ đâu, trên tập sách, khăn giấy, thậm chí là giấy dán tường, nó có còn ấn tượng nữa hay không? Chắc chắn là không!”
Anh ta dõng dạc giải thích tiếp:
“Làm quảng cáo về sản phẩm, công ty chúng tôi coi trọng ý tưởng độc đáo, đặc sắc và không-đụng-hàng. Đây là điều giúp cho sản phẩm của các bạn hoàn toàn khác biệt trên thị trường.”
Cách thể hiện của đại diện công ty quảng cáo ở trên đã gây ấn tượng rất mạnh với toàn thể hội đồng. Nhưng hành động phá hủy bức tranh ngay trước mắt khán giả đã gây ra cảm xúc tiêu cực. Cho dù bức tranh được anh ta đánh giá là không mang đến lợi ích thực tế, nhưng nó vẫn còn nguyên vẹn và đẹp đẽ. Anh ta chủ động phá hủy nó khiến họ liên tưởng đến sự phung phí. Hơn nữa, chủ đề bức tranh mà anh ta lựa chọn là trái cây, và công ty của họ trồng cây ăn quả! Họ liên tưởng đến hình ảnh trái cây của họ bị giẫm đạp không thương tiếc!
Do đó, tất cả thành viên trong hội đồng đều nhất trí chọn công ty quảng cáo còn lại.
Nhưng nếu nỗi sợ mất Tiền được định hướng đúng đắn, nó sẽ tạo ra những hiệu quả và ưu thế tích cực mà bạn không thể ngờ được, và nó hiệu nghiệm với cả một đám đông quần chúng.
Cecil B. DeMille6, một trong những nhà sản xuất phim thành công nhất Hollywood, là người đã vận dụng thành công hiệu ứng cảm xúc này trong sự nghiệp làm phim vang dội của mình.
[6] Cecil Blount DeMille (1881-1959): một trong những đạo diễn kiêm nhà sản xuất phim thành công nhất Hollywood vào thời kỳ chuyển tiếp từ phim câm sang phim có âm thanh. Ông từng đoạt giải Oscar dành cho Phim Hay Nhất với bộ phim Màn trình diễn hay nhất thế gian (1952). Những bộ phim nổi tiếng khác của ông: Nữ hoàng Cleopatra (1934), Samson và Delilah (1949) và Mười điều răn của Chúa (1956).
Tại thời điểm đó, ông bắt đầu một dự án phim mà ông tin rằng kết quả cuối cùng sẽ là một bộ phim có khả năng gây “cháy” mọi phòng vé. Ông rất hài lòng với kịch bản phim cũng như dàn diễn viên đã tuyển chọn, nhưng suốt một thời gian dài ông vẫn có cảm giác còn điều gì đó khiếm khuyết. Tác phẩm của ông vẫn chưa đủ yếu tố để lôi kéo công chúng đến rạp.
Để “kích thích” khán giả, ông đã chọn chi tiết gây sốc của phim là nỗi sợ Tiền Bạc, hay chính xác hơn là khán giả sẽ tiếc nuối vô cùng khi nhìn thấy một món đồ xa hoa trong mắt nhân vật của mình mà lại chẳng khác nào một thứ tầm-thường.
Nghĩ là làm, ông tốn thời gian để dạo ở các thương hiệu thời trang hàng đầu và chọn mua một chiếc áo ngủ hàng hiệu đắt tiền được làm từ lông của loài sóc sin-sin7 với giá là 1.500 đô la - một cái giá không dám mơ tới với mức sống của thời bấy giờ. Trong bộ phim của mình, ông đã thực hiện một cảnh quay mà nữ diễn viên chính nắm chặt chiếc áo lông thú và kéo lê nó trên nền đất để diễn tả “tâm trạng” của mình!
[7] Chinchilla hay còn gọi là sóc sin-sin, là một loài động vật gặm nhấm hoạt động về đêm (chỉ ra ngoài hoạt động từ lúc hoàng hôn đến bình minh). Chúng có kích thước lớn hơn sóc đất (ground squirrel), có nguồn gốc từ dãy núi Andes ở Nam Mỹ. Chinchilla nghĩa đen là chincha nhỏ, được đặt theo tên của tộc người Chincha ở Andes. Sóc Chinchilla có bộ lông dày và mềm mịn như nhung. Đến cuối thế kỷ XIX, số lượng sóc chinchilla trong tự nhiên khá hiếm bởi nạn săn bắn để lấy lông. Ngày nay, hầu hết nguồn lông sóc chinchilla phục vụ cho ngành công nghiệp thời trang là từ các trang trại nuôi sóc chinchilla.
Ngay cả những người trong đoàn làm phim cũng không nói nên lời khi cảnh quay ấy diễn ra. Và với khán giả - những người tới rạp phim - đã vô cùng thảng thốt khi chứng kiến cảnh phim được xem là đỉnh cao của sự đốt-tiền này!
Hàng loạt tờ báo danh tiếng và giới truyền thông đã giật tít về cảnh quay đốt-tiền trên các trang bìa. Nhiều cây bút bình luận thẳng thắn phê phán và cảnh quay “chiếc áo lông thú” của DeMille đã trở thành một biểu tượng kinh điển của sự hoang phí.
Công chúng không ngừng tò mò, bình phẩm, tranh cãi và kéo nhau rồng rắn đến rạp xem phim để được chứng kiến tận mắt.
Số liệu được thống kê từ các phòng vé cho thấy, chi tiết chiếc áo lông thú trị giá 1.500 đô la bị “hủy hoại” với khả năng Thôi Miên Cảm Xúc cực độ đã giúp bộ phim thu về 250.000 đô la chỉ sau một tuần công chiếu - một con số vô cùng ấn tượng thời bấy giờ!
Sự Hoang Phí nếu áp dụng đúng cách và đủ “liều lượng” thì sẽ gây ấn tượng không hề kém cạnh so với cảm xúc kiếm được Tiền hay cảm giác khi nhận bổng lộc. Như hai mặt Âm-Dương của Tiền Bạc, là một trong Bộ Tứ Quyền Lực thuộc Tử Huyệt Cảm Xúc của con người - mọi hành động, cảm nhận và những mối bận tâm của chúng ta đều sẽ xoay quanh chúng!
Thoát khỏi nỗi lo âu về tiền bạc
Ngay cả những người tự tin vào cuộc sống “ăn no, mặc ấm” của mình, họ vẫn có thể bị hấp dẫn bởi chủ đề về Tiền Bạc. Bởi vì Tiền Bạc đã “ăn sâu bén rễ” vào cuộc sống của chúng ta đến nỗi khi trưởng thành, chúng ta trằn trọc và trăn trở vì Tiền Bạc hơn mọi thứ khác trong cuộc sống.
“Ôi, Tiền, Tiền, Tiền,” Ogden Nash8 từng viết rằng, “Ta không ngờ chúng có thể vi diệu đến thế! - Chúng đi ra thì xối xả nhưng đi vào túi lại nhỏ giọt!”
[8] Frederic Ogden Nash (19/8/1902 - 19/5/1971): Ông là nhà thơ trào phúng Mỹ, tác giả của những tập thơ châm biếm chua cay mà nhẹ nhàng.
Tử Huyệt Tiền Bạc bao gồm mọi vấn đề liên quan đến Tiền như kiếm tiền, giữ tiền, mua bán, tưởng thưởng và đầu tư bằng tiền. Những mong muốn, nỗi sợ và khát khao liên quan đến Tiền đều gắn liền với quyền sở hữu tài sản, quyền lực kinh tế và những cảm nhận, mong đợi về “một tương lai được đảm bảo.”
Với nhiều người, Tiền Bạc là Tử Huyệt lớn nhất. Mỗi người có thể sở hữu một hoặc nhiều Tử Huyệt Cảm Xúc khác nhau, nhưng phản ứng về cảm xúc của mỗi người với Tử Huyệt của bản thân sẽ khác nhau.
Thái độ và niềm tin của từng người đối với Tiền Bạc sẽ biểu hiện qua từng lời ăn tiếng nói, hành động, cử chỉ trong các hoạt động hằng ngày như đi chợ mua vài quả trứng cho đến những tình huống phức tạp hơn trong cuộc sống.
Bạn muốn biết Tiền Bạc có phải Tử Huyệt chủ đạo của một người hay không? Hãy quan sát kỹ những hành động của một người. Tôi sẽ chia sẻ với bạn biểu hiện của tuýp người này thông qua ví dụ bên dưới.
Bà B. là một bà nội trợ, một người mẹ, và thuộc tuýp Người Vị Lợi.
Cha mẹ bà đã qua đời. Khi còn nhỏ, gia đình bà rất nghèo. Cha của bà là một diễn viên thường xuyên thất nghiệp và bất đắc chí; hầu hết những vai diễn “để đời” của ông được trình diễn trên một “sân khấu” tròn, màu hồng và cao chừng một thước - thực chất là chiếc bàn bếp của cả gia đình. “Người nhắc tuồng” của ông ấy là rượu, còn vợ và con ông ấy là những khán giả bất đắc dĩ. Vì có một người chồng không có tinh thần cầu tiến như vậy, mẹ của bà B. phải giữ vai trò vừa là vợ, vừa là trụ cột gia đình. Bà thường xuyên phải vắt kiệt sức lực với công việc làm thợ giặt ủi cực khổ với mức thu nhập vô cùng thấp, gần như bữa đói bữa no, không đủ trang trải cho nhu cầu vật chất và tinh thần của cô con gái đang tuổi ăn tuổi lớn.
Vì sinh trưởng trong hoàn cảnh như vậy nên bà B. phải bươn chải kiếm sống từ khi 12 tuổi và bà lập gia đình vào năm 19 tuổi. Dấu ấn về cuộc sống khổ cực khiến bà B. làm lụng vất vả với mong mỏi có thể mang lại cho gia đình những thứ mà bà không có được khi còn nhỏ.
Đám cưới, bà B. chỉ tổ chức một buổi tiệc giản dị và món ăn được bà chọn để đãi khách là món trứng bác9. Mẹ của bà đã rất ngạc nhiên khi con gái mình chọn món ăn này cho ngày trọng đại.
[9] Trứng bác là một món ăn được làm từ trứng (thường là trứng gà) khuấy hoặc đánh với nhau trong chảo khi chảo vừa nóng tới. Gia vị thường được sử dụng trong món ăn này là muối, bơ và đôi khi còn kèm với các gia vị khác.
“Hãy ăn bánh mì kèm với nước, như vậy bánh mì sẽ nở ra và chúng ta sẽ no nhanh hơn. Món trứng bác này vừa dễ ăn, dễ làm lại vô cùng tiết kiệm. Chúng ta không cần phải nấu những món cầu kỳ chỉ để được no bụng. Nhà càng đông người thì càng phải chú trọng việc làm sao để ăn no mà ít tốn tiền nhất!”
Cha mẹ và hai người chị của bà B. đều tự hào với hàng xóm láng giềng về người con gái “tiết kiệm thần sầu” của mình.
“Con bé biết may quần áo, tái chế và sửa sang quần áo cũ theo những cách mà ta không thể ngờ đâu! Con bé còn tằn tiện đến từng cục xà phòng. Không có thứ gì mà con bé để lãng phí! Con gái đảm đang như con bé thời nay chỉ có nước ‘đốt đuốc đi tìm’ còn không tìm được ấy chứ!”
Chính tài năng quán xuyến gia đình đến mức không một đồng xu nào lọt được qua kẽ ngón tay trở thành một ưu điểm đắt giá để gia đình của bà “hù” ông B.
“Cậu mà không tranh thủ thì người đàn ông khác sẽ nhanh tay đến trước. Lúc đó đừng có mà tiếc ngẩn tiếc ngơ vì mình có mối tốt mà không biết nắm bắt nhé!”
Thế là hai người họ cưới nhau.
Nỗi ám ảnh cực đoan về Tiền Bạc của bà B. bộc lộ ngay từ trước cả khi họ đi trăng mật. Bà tính toán, chi tiêu dè sẻn đến từng đồng, trả giá tất tần tật mọi thứ và tự mình làm mọi việc để đảm bảo không có chút phí phạm nào.
Mỗi khi một người bán hàng gợi ý bà nên mua thêm hoặc chuyển món hàng qua kích cỡ lớn hơn bằng câu nói:
“Chỉ thêm vài cent nữa nhưng bà sẽ nhận được giá trị tuyệt vời là...”
Bà B. sẽ ngắt lời họ ngay tức khắc.
Những chế độ ưu đãi như “Hoàn tiền trăm phần trăm” luôn hấp dẫn và khiến bà phải đắn đo suy nghĩ thiệt hơn rất lâu trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Những chương trình khuyến mãi với những lời chào hàng như “GIÁ ƯU ĐÃI CHỈ-MỘT-LẦN-TRONG-ĐỜI” khiến bà B. bồn chồn ngay lập tức!
Một trong những ngăn tủ quần áo của bà chất đầy những hộp băng vệ sinh mà bà mua từ những đợt giảm giá “rẻ không thể tin được!”
Cô con gái 12 tuổi của bà B. thường xuyên năn nỉ mẹ cho phép mình được sử dụng ngăn tủ đó để treo quần áo và đề nghị mẹ cho bớt những hộp băng vệ sinh không sử dụng tới nhằm có thêm không gian để đồ đạc.
Bà B. đáp lại không một chút thỏa hiệp:
“Đây không phải là việc của con! Chỉ có những dịp đặc biệt người ta mới bán chúng với giá rẻ như vậy!”
Thế là yêu cầu của cô con gái bị bác bỏ không thương tiếc.
Không những tằn tiện với chính mình, bà B. còn không ngừng dạy dỗ và áp đặt chính sách tằn tiện lên cô con gái và cậu con trai 9 tuổi; và hiển nhiên là chồng bà cũng không thoát được. Càng lúc bà càng trở nên cay nghiệt, căng thẳng và đáng sợ trong mắt các thành viên trong gia đình.
Với những người như bà B., lối sống tằn tiện không chỉ là một nhu cầu để đảm bảo cuộc sống cho gia đình, mà nó đã “thâm căn cố đế” vào người bà như một bản năng. Bà B. đã để cho thái độ cực đoan đối với Tiền Bạc chi phối mình theo hướng càng lúc càng tiêu cực.
Sự kẹt xỉ đến mức “vắt cổ chày ra nước” đã khiến bà B. nhìn đâu cũng thấy người ta hoang phí. Bà khước từ ngay cả đó là những nhu cầu hết sức cơ bản của người thân. Bà tự cô lập mình với người xung quanh vì sự kiêu căng rằng bà sinh ra và lớn lên từ trong cảnh nghèo khó, bà luôn biết làm điều gì là tốt nhất cho họ vì bà “ăn muối” còn nhiều hơn họ “ăn cơm”. Thói quen mua sắm sa đà vào những thứ rẻ bất chấp nguy cơ đã khiến sức khỏe của người thân bà hao mòn và chồng con không còn muốn giao tiếp với một người độc đoán như bà nữa.
Vì phải chịu đựng sự kiểm soát tiêu cực trên mọi phương diện của vợ mình trong suốt thời gian dài, ông B. - một người vốn dễ tính và ôn hòa - cũng dần trở thành người bực bội và cáu gắt.
Ông yêu hai đứa con, nhưng ghét cay ghét đắng tổ ấm của mình. Để trốn khỏi nhà, ông kiếm cớ đi ăn tối bên ngoài, ba buổi một tuần. Ăn tối xong, ông còn đi tiếp tăng hai, tăng ba cùng với bạn bè để không phải về nhà đối diện với những bài ca cẩm dài thườn thượt về sự vô dụng của bản thân và bà vợ đã phải khổ sở như thế nào để giữ cho cái gia đình này không bị đói. Ông là chủ của một cửa hàng bán lẻ ăn nên làm ra nên cuộc sống của họ cũng tương đối dư dả, nhưng hơn hai năm nay, ông và bà B. không mấy khi trò chuyện với nhau.
“Bà ấy mở miệng ra chỉ có tiền, tiền và tiền. Kể cả khi tắt đèn đi ngủ,” ông B. thở dài. “Bà ấy ngủ ngay bên cạnh tôi, nhưng tôi luôn có cảm giác hai người chúng tôi ở hai thế giới hoàn toàn khác nhau!”
Bà B. sống chỉ vì đó là cuộc sống. Với bà, cuộc sống là mỗi ngày hít vào thở ra. Những ngày Chủ nhật hay những ngày nghỉ không khác gì “những ngày khác trong tuần.”
Những người như bà B. không hiểu và cũng không nghĩ rằng sống là bao gồm cảm xúc vui vẻ. Cuộc sống trước kia của bà là một chuỗi ngày tính toán làm sao cho không “bữa đói bữa no”.
Không ai dạy cho bà B. biết rằng bên cạnh sự lo toan về “cơm, áo, gạo, tiền” thì cuộc sống còn là những phút giây sẻ chia giữa các thành viên trong gia đình, là sự khuyến khích nhau cùng tiến bộ hay thỉnh thoảng cùng nhau ăn một món ngon, mua một thứ gì đó quý giá để khích lệ các thành viên trong gia đình thay vì cứ “bo bo giữ rịt” đồng tiền trong túi mình.
Tiền Bạc, nếu như bạn không “chuyển hóa” chúng trở thành những giá trị tích cực cho cuộc sống thì nó cũng như một “vật chết” trong túi mà thôi!
Sau khi nghe ông B. tâm sự, tôi tưởng tượng rằng bà B. là một người phụ nữ có vẻ ngoài khắc khổ, gầy guộc, khuôn mặt dài và tóc búi sau đầu.
Nhưng khi được gặp bà ấy, tôi mới biết bà là người phụ nữ có nước da ngăm, trang phục gọn gàng, khuôn mặt trang điểm nhẹ với vài nét chấm phá làm điểm nhấn. Bà chừng 36 tuổi và có chiều cao trung bình. Môi bà ấy mím chặt vào nhau, tạo ra hai nếp nhăn rất rõ ở hai bên khóe môi.
Bà B. đang giận dữ.
Vì ông B. dám “vạch áo cho người xem lưng”, kể tôi nghe về mối quan hệ đang rạn nứt giữa họ. Phương Pháp Thôi Miên Cảm Xúc đã giúp cho bao nhiêu người thành công trong giao tiếp cũng như hàn gắn những mối quan hệ đổ vỡ hoặc trên bờ vực rạn nứt. Nên tôi nghĩ là chỉ cần hai vợ chồng học cách thấu hiểu và giao tiếp với nhau đúng cách.
Sau khi trách móc chồng dữ dội, bà B. bật khóc nức nở. Bà thừa nhận Tiền Bạc là nỗi ám ảnh lớn nhất của bà. Nó bén rễ và lớn dần lên theo năm tháng, cùng với tuổi thơ thiếu thốn và bà đã vô cùng cực khổ để kiếm được từng đồng tiền một.
Tuổi thơ của bà lớn lên khi chứng kiến gánh nặng kinh tế quá lớn đặt lên vai mẹ mình. Vì vậy khi kết hôn và làm mẹ, bà nghĩ rằng mình sẽ làm tốt hơn mẹ nếu vấn đề cốt lõi nằm ở cách chi tiêu trong gia đình. Bà B. sử dụng những kinh nghiệm quán xuyến tiền nong từ thời con gái để áp đặt cách sử dụng tiền trong nhà. Nếu như mọi người đều tằn tiện thì cuộc sống sẽ không bị tình trạng bữa đói bữa no như nhà bà lúc xưa. Bà không nghĩ rằng thái độ cực đoan đó đã khiến chồng và các con càng lúc càng e sợ, xa lánh và không còn muốn giao tiếp với mình nữa.
Bất kỳ người nào cũng rơi vào “cái bẫy” của cảm xúc tiêu cực từ nỗi ám ảnh Tiền Bạc. Những người khát khao kiếm tiền lẫn những người sợ mất tiền bởi vì Tiền Bạc là một trong Bộ Tứ Quyền Lực trong Tử Huyệt Cảm Xúc của con người - những điểm yếu chết người mang tính bản năng mà chúng ta không thể chống lại trong một sớm một chiều được!
Khi người trong cuộc ám ảnh Tiền Bạc đến mức cực đoan khiến những người xung quanh bị tổn thương bởi thái độ tiêu cực đó - trường hợp của bà B. cũng như hàng nghìn những trường hợp tương tự khác - tình trạng này chỉ chấm dứt khi và chỉ khi Tử Huyệt Cảm Xúc được xác định đúng và giải quyết từ gốc.
Phương Pháp Thôi Miên Cảm Xúc sẽ chia sẻ cho bạn hai cách thức giúp bạn Thoát khỏi Nỗi Lo Âu về Tiền Bạc:
1- Cách tốt nhất để bạn rèn luyện thói quen tiết kiệm chính là học cách tiêu tiền đúng đắn.
Bạn hẳn sẽ thấy vô cùng bất ngờ khi sử dụng đồng tiền một cách hiệu quả và khôn ngoan lại không được đặt nền móng đầu tiên thông qua việc Tiết Kiệm như những gì chúng ta thường nghĩ!
Bạn muốn rèn luyện thói quen tiết kiệm?
Hãy bắt đầu bằng việc tổng kết và kiểm kê lại xem mình đang có bao nhiêu tiền. Có món đồ nào bạn đặc biệt ao ước muốn được sở hữu hay không? Hãy lên kế hoạch chi tiêu cho bản thân với những món đồ hay sự kiện mà bạn đánh giá là sẽ mang đến cảm xúc tích cực cho bản thân nếu bạn sở hữu hay tham dự.
Trong cuộc sống, chúng ta thường chi những khoản tiền nhỏ để mua đồ dùng lặt vặt không quá cần thiết.
Ví dụ, bạn thường lười mang theo chai đựng nước và nghĩ rằng việc ghé vào cửa hàng tiện lợi mua một chai nước suối mỗi khi khát là một cách vừa tiết kiệm vừa tiện lợi. Bởi vì giá của một chai nước suối khá rẻ so với những loại nước khác.
Nhưng chính thói quen này sẽ khiến bạn lãng phí mà ngay cả bạn cũng không ngờ tới. Chúng ta thường không có nhiều sự gắn kết sâu đậm về mặt cảm xúc với những đồ dùng linh tinh, nên việc kìm chế bản thân hạn chế mua chúng không khiến bạn cảm thấy quá khó chịu hay bứt rứt.
Nhưng cứ mỗi lần bạn bỏ tiền ra mua một thứ nho nhỏ như vậy, bạn đã tiêu tốn một khoản tiền. Bạn hãy thử nhẩm tính khoản tiền đó nếu sau một tuần, một tháng, một năm sẽ là bao nhiêu?
Vì vậy, người ta có câu “Tích tiểu thành đại” - bạn tiết kiệm được nhiều khoản chi nhỏ, theo thời gian, bạn sẽ dành dụm được một khoản tiền kha khá mà dám cá là chính bạn cũng sẽ rất ngạc nhiên nếu đếm lại số tiền này.
Khi bạn cần mua một món đồ đắt tiền, hãy thu thập thông tin và tham vấn ý kiến từ những người xung quanh xem thứ đó có thực sự cần thiết và xứng đáng với số tiền mà bạn sẽ bỏ ra hay không. Những người mà bạn hỏi ý kiến có thể đồng ý hoặc không đồng ý với bạn, nhưng khi bạn hỏi và họ trả lời thì những ý kiến, quan điểm của họ sẽ được bạn ghi nhớ và sàng lọc để đưa ra quyết định cuối cùng.
Trong trường hợp bạn quyết định không mua, những ý kiến đó sẽ giúp bạn củng cố thêm niềm tin và không day dứt hay tiếc nuối. Chúng mang lại cho bạn cảm giác rằng bạn đã có một quyết định đúng đắn.
Nếu như bạn thực sự mua nó? Bạn sẽ hài lòng và biết quý trọng món hàng đó hơn - bạn có thêm tự tin và đảm bảo từ những ý kiến đồng tình của những người xung quanh.
Thông điệp bạn cần ghi nhớ là:
Bạn phải học cách Tiêu Tiền sao cho hợp lý và hữu ích với cuộc sống của mình, đây là cách tốt nhất để bạn rèn luyện tính tiết kiệm.
Trước khi tiêu tiền, hãy tham khảo ý kiến những người xung quanh để có góc nhìn đa chiều về ý định mua sắm của mình. Hãy tự đặt cho mình câu hỏi như: Nếu không mua món đồ này thì nó sẽ tác động đến cuộc sống mình như thế nào? Mình có thực sự cần sử dụng món đồ này hay cứ mua để đó, chờ một dịp phù hợp mang ra dùng? Khi một món đồ để trong thời gian quá dài có bị quá hạn sử dụng hay không?…
2- Sống tiết kiệm, nhưng không nên tằn tiện đến “cực đoan”, trừ khi bạn thực sự muốn
Bạn không nên sống tằn tiện đến mức cực đoan nếu như cách sống này không thể đáp ứng được những tiện nghi cơ bản trong cuộc sống của bạn và cả nhu cầu cảm xúc của bạn nữa.
Nếu bạn cố ép mình chọn lối sống “trùm sò” nhưng không cảm thấy vui vẻ hay hạnh phúc, bạn có thể tiết kiệm được vài đồng bạc lẻ nhưng chúng chẳng thấm vào đâu so với mất mát về mặt cảm xúc và tinh thần của bạn.
Những người sống tằn tiện như một “thú vui” thường do xuất phát từ nguyên nhân liên quan đến Tiền Bạc rất mạnh; đối với họ, dành dụm Tiền cho họ cảm giác thành công. Mỗi khi họ dành dụm được một đồng, tức là họ thêm một lần thành công theo đuổi lý tưởng sống. Vì vậy, lối sống tiết kiệm trong bối cảnh này như một tấm bằng khen hay huân chương, từ đó mang đến tự tin cho những người này về mặt Danh Tiếng - càng tiết kiệm được nhiều, họ càng tự tin, càng thấy mình thành công. Cảm xúc tích cực này đã hỗ trợ mạnh mẽ và thúc đẩy họ tiết kiệm, đồng thời xoa dịu và làm tiêu biến những cảm giác khó chịu khi họ không cho phép mình mua món đồ này, không ăn món ăn kia.
Chỉ khi bạn có thể chuyển hóa nỗi đau dè sẻn một cách cực đoan trở thành niềm vui thì đây mới là con đường lâu dài của bạn. Nó sẽ thực sự mang lại lợi ích cho bạn thay vì cảm giác đau khổ như với những người khác.
Vì sao đừng sống tằn tiện cực đoan nếu bạn không cảm thấy hạnh phúc?
Bạn đã bao giờ trải qua cảm giác nhịn ăn nhịn uống, kiêng khem đủ thứ chỉ để có một thân hình siêu mỏng trong mơ hay không? Rồi sau đó, bạn đau đớn phát hiện ra nếu không cẩn thận, bạn sẽ bất ngờ mua chiếc bánh hamburger yêu thích và ăn ngấu nghiến nó. Cho đến khi còn nửa cái, bạn sực tỉnh vì vốn dĩ bạn không được phép ăn!
Lặp đi lặp lại vòng luẩn quẩn này nhiều lần, tinh thần và cơ thể của bạn đều bị giày vò nghiêm trọng. Bạn sẽ mất đi sự tự tin (Tử Huyệt Danh Tiếng) và cũng vật lộn với việc trót mua rồi lại để dành, rồi lại trót mua… (Tử Huyệt Tiền Bạc). Vì vậy, các bác sĩ thường đưa ra những lời khuyên về sức khỏe, như chiều cao, cân nặng, chủng tộc, vóc dáng mỗi người đều khác nhau. Bạn không thể ép một người dáng thước kẻ “biến” thành đồng hồ cát khi khung xương cơ thể bẩm sinh không cho phép.
Nhiều năm qua, tôi đã chia sẻ hai bí kíp này với hàng nghìn người. Chúng đã giúp họ nhận ra, mỗi người chỉ có thể học được thái độ sử dụng Tiền Bạc đúng đắn khi và chỉ khi ho biết cách sử dụng đồng tiền đúng đắn và tâm trạng họ thoải mái với những lựa chọn của mình.
Dù bạn đang giao tiếp với ai, họ chắc chắn sở hữu Tử Huyệt Tiền Bạc, nhưng độ mạnh hay yếu về mặt cảm xúc có thể giống hay khác bạn. Đây lại là lý do vì sao chúng ta phải khám phá và nhận định đúng nhân tố nào sẽ gây chú ý chủ đạo đối với đối phương khi bạn đang giao tiếp với họ. Nếu không, bạn vừa không biết tại sao mình bị người khác “dắt mũi” cảm xúc, vừa không thể khiến đối phương lắng nghe mình. Điều này dễ dẫn đến những tình huống gây hiểu lầm hoặc bối rối không đáng có.
Thôi Miên Cảm Xúc là một kỹ thuật khoa học, được dựa trên nền tảng về Tâm Lý Học của con người trong xã hội. Nó sẽ giúp bạn xua tan mọi nỗi lo âu, sợ hãi và lợi ích này sẽ được tôi phân tích, triển khai sâu hơn trong Chương 8.
Do vậy, điều tốt nhất bạn nên làm lúc này là ghi chú lại hai chia sẻ tích cực về tiền bạc mà tôi đã diễn giải ở trên:
1. Cách tốt nhất để bạn rèn luyện thói quen tiết kiệm chính là học cách tiêu tiền đúng đắn.
2. Sống tiết kiệm, nhưng không nên tằn tiện đến “cực đoan”, trừ khi bạn thực sự muốn.