T
ôi sẽ nói sơ lược về hai mô hình mà tôi nhắc đến nhiều lần ở phần sau của cuốn sách này. Bạn không cần phải biết về những mô hình này và có thể bỏ qua khi đọc đến những phần có đề cập đến chúng. Cuốn sách này sẽ vẫn phát huy tác dụng mà không cần chúng.
Tuy nhiên, tôi cần nhắc đến hai mô hình này trong sách vì những người đã đọc các tác phẩm khác về tư duy của tôi sẽ thắc mắc những mô hình mà họ biết có thể được liên hệ như thế nào trong cuốn sách này. Nhưng sự liên hệ này có thể khiến người đọc bối rối nếu họ không biết về các phương pháp khác. Họ sẽ cảm thấy khó chịu và khó hiểu khi phải đọc những thứ không có ý nghĩa gì với mình. Vì thế, tôi nói sơ lược về những mô hình này để người đọc có đủ cơ sở tham khảo. Nhưng độc giả có thể bỏ qua các mô hình này nếu muốn.
Cũng có khả năng sau đó độc giả sẽ muốn tìm hiểu các thông tin tham khảo này và tự tìm đọc các tài liệu khác.
Bây giờ bạn có thể bỏ qua phần nội dung còn lại của mục này và bỏ qua tất cả các thông tin tham khảo về sau mà bạn không hiểu. Điều đó sẽ không ảnh hưởng đến khả năng ứng dụng của cuốn sách này.
Sáu chiếc nón tư duy
Mô hình vô cùng đơn giản và hiệu quả này hiện đang được sử dụng ở các trường học cũng như các doanh nghiệp trên toàn thế giới. Có nhiều lý do khiến mô hình này được sử dụng rộng rãi như vậy.
1. Nó cung cấp phương án thay thế cách tranh luận đối đầu truyền thống của phương Tây.
2. Nó có thể được sử dụng rộng rãi ở rất nhiều nền văn hóa không chấp nhận cách tranh luận của phương Tây.
3. Nó có tính sáng tạo và tính xây dựng hơn cách tranh luận truyền thống.
4. Nó nhanh chóng mang lại hiệu quả hơn các phương pháp khác (một phòng thí nghiệm IBM đã giảm được 75% thời gian họp hành khi áp dụng mô hình này).
5. Nó giúp người ta phát huy tối đa năng lực bản thân.
6. Nó giúp các nhà tư duy làm một việc một lần và làm thật trọn vẹn – thay vì cố gắng xem xét mọi khía cạnh của tư duy.
7. Nó loại bỏ cái tôi và những mưu mô khỏi quá trình tư duy.
8. Nó cung cấp cách tư duy “song hành” cần có để thiết kế con đường tiến lên phía trước khi “những chiếc hộp” truyền thống không còn đủ hiệu quả nữa.
9. Nó dễ học và dễ sử dụng.
10. Nó mang tính thực tiễn.
Hiện nay trên thế giới có rất nhiều nhà đào tạo chuyên nghiệp về phương pháp Sáu chiếc nón tư duy . Peter và Linda Low tại Singapore đã đào tạo cho hơn 3.000 người trong thời gian rất ngắn. Cũng có những khóa học đặc biệt về phương pháp này dành cho các trường học.
Có sáu chiếc nón tư duy tưởng tượng. Mỗi lần bạn chỉ được sử dụng một chiếc nón. Khi bạn sử dụng chiếc nón nào, mọi người trong nhóm cũng sẽ đội chiếc nón giống như vậy. Điều này có nghĩa là giờ đây mọi người đang tư duy song song theo cùng một hướng. Mọi người đang tư duy về vấn đề đó, chứ không phải về những gì người khác vừa nói.
Chiếc nón màu trắng
Hãy nghĩ về tờ giấy trắng và tờ giấy có thông tin in trên đó. Chiếc nón màu trắng biểu thị sự tập trung đặc biệt đến thông tin. Những thông tin nào sẵn có? Những thông tin nào là cần thiết? Những thông tin nào còn thiếu? Làm thế nào để có được thông tin mình cần?
Mọi thông tin đều ngang hàng với nhau, ngay cả khi chúng không giống nhau. Chất lượng thông tin có thể rất đa dạng, từ những thông tin chuẩn xác có thể được kiểm chứng, cho đến các tin đồn hoặc những quan điểm đã tồn tại.
Chiếc nón màu đỏ
Hãy nghĩ đến lửa và sự ấm áp. Chiếc nón màu đỏ cho phép bạn tự do bày tỏ cảm giác, trực giác, linh cảm và cảm xúc mà không cần xin lỗi hay giải thích. Chiếc nón màu đỏ yêu cầu bạn bày tỏ cảm xúc của mình về một vấn đề ngay tại thời điểm nó đang diễn ra (vì sau này cảm xúc có thể thay đổi). Bạn không được biện hộ hay giải thích tại sao mình lại có cảm xúc như thế. Cảm xúc tồn tại và nên được đưa vào cuộc thảo luận như cảm xúc, chứ không nên ngụy trang là logic. Trực giác có thể xuất hiện dựa vào bề dày nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực đang được thảo luận và có thể rất có giá trị.
Chiếc nón màu đen
Hãy nghĩ đến chiếc áo thụng của thẩm phán, một trang phục thường có màu đen. Chiếc nón màu đen là lời cảnh báo và ngăn chúng ta làm những việc nguy hiểm, gây hại hoặc bất khả thi. Chiếc nón màu đen được sử dụng để đánh giá rủi ro. Chiếc nón màu đen còn được dùng cho tư duy phản biện: tại sao một thứ gì đó lại không phù hợp với nguồn lực, chiến lược và chính sách của chúng ta.
Chiếc nón màu đen là chiếc nón hữu dụng nhất, nhưng thật không may, nó lại rất dễ bị lạm dụng. Con người cần thức ăn, nhưng việc ăn quá nhiều thì lại gây hại cho sức khỏe chúng ta. Lỗi không phải do thức ăn mà do chúng ta đã lạm dụng thức ăn. Tương tự, chiếc nón màu đen rất hữu ích, lỗi là do chúng ta đã lạm dụng. Khuynh hướng lạm dụng chiếc nón màu đen bắt nguồn trực tiếp từ bộ ba triết gia, vì Socrates cho rằng chỉ cần chỉ trích là có thể tìm ra sự thật. Thế là có những người cảm thấy chỉ cần chỉ trích là đủ.
Chiếc nón màu vàng
Hãy nghĩ về ánh nắng và sự lạc quan. Chiếc nón màu vàng là chiếc nón tích cực trong logic . Khi “đội” chiếc nón màu vàng, các nhà tư tưởng tìm kiếm các giá trị và lợi ích. Các nhà tư tưởng tìm cách để xem ý tưởng có thể được thực hiện và ứng dụng như thế nào.
Tư duy theo chiếc nón màu vàng khó hơn và đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn tư duy theo chiếc nón màu đen. Xu hướng tự nhiên của bộ não là chỉ ra những điều sai và những điều lệch lạc. Để tránh nguy hiểm và tránh phạm sai lầm, chúng ta tự nhiên sẽ thận trọng. Chiếc nón màu vàng đòi hỏi sự cố gắng. Thông thường thì sự cố gắng này sẽ được tưởng thưởng xứng đáng. Đột nhiên chúng ta nhìn thấy các giá trị và lợi ích mà mình không hề chú ý trước đó. Nếu không có chiếc nón màu vàng thì sự sáng tạo gần như là bất khả thi, bởi vì chúng ta sẽ không bao giờ nhìn thấy những lợi ích mà một ý tưởng mới mang đến.
Chiếc nón màu xanh lá cây
Hãy nghĩ về thực vật, sự phát triển, năng lượng, cành cây, chồi non,… Chiếc nón màu xanh lá là chiếc nón sáng tạo. Dưới chiếc nón màu xanh lá, chúng ta đưa ra những phương án thay thế. Chúng ta tìm kiếm những ý tưởng mới. Chúng ta điều chỉnh và thay đổi những ý tưởng đã được đề xuất. Chúng ta tạo ra các khả năng. Chúng ta sử dụng sự kích động và sự chuyển dịch để tạo ra các ý tưởng mới.
Chiếc nón màu xanh lá là chiếc nón hành động. Nó mở ra các khả năng. Nó là chiếc nón sản xuất và sinh sôi. Ở giai đoạn chiếc nón màu xanh lá, mọi thứ chỉ là “những khả năng”; chúng phải được phát triển và thực hiện sau đó.
Chiếc nón màu xanh da trời
Hãy nghĩ về bầu trời và sự khái quát. Chiếc nón màu xanh da trời là chiếc nón kiểm soát. Nó liên quan đến sự tổ chức quá trình tư duy. Nhạc trưởng chỉ huy dàn nhạc và phát huy tối đa khả năng của các nhạc công. Người chỉ đạo biểu diễn trong rạp xiếc đảm bảo rằng không có sự lộn xộn và mọi thứ theo đúng trình tự đã được sắp xếp. Vì thế chiếc nón màu xanh da trời chú trọng vào chính quá trình tư duy.
Chiếc nón màu xanh da trời liên quan đến việc xác định vấn đề và những gì đang được nghĩ đến. Nó cũng liên quan đến kết quả, kết luận, tóm tắt và những gì diễn ra tiếp theo. Chiếc nón màu xanh da trời sẽ sắp xếp trình tự sử dụng những chiếc nón khác và đảm bảo cho việc tuân thủ các nguyên tắc của mô hình Sáu chiếc nón tư duy . Chiếc nón màu xanh da trời đóng vai trò tổ chức quá trình tư duy.
CÁCH SỬ DỤNG SÁU CHIẾC NÓN TƯ DUY
Có hai phương pháp khái quát để sử dụng sáu chiếc nón tư duy.
Chúng ta có thể sử dụng một chiếc nón tư duy nào đó trong một cuộc họp hay cuộc thảo luận để yêu cầu người tham gia thực hiện một kiểu tư duy cụ thể trong một khoảng thời gian nhất định. Chẳng hạn, ở một thời điểm nào đó chúng ta cần có thêm những giải pháp thay thế. Vậy là người điều hành cuộc họp yêu cầu “dành ba phút để tư duy theo chiếc nón màu xanh lá cây”. Điều này sẽ định hình kiểu tư duy của các thành viên trong nhóm, để trong vòng ba phút, mỗi người trong số họ đều tìm kiếm phương án thay thế. Sau khi hết ba phút, họ sẽ quay lại với cuộc thảo luận. Sau đó, khi có nhu cầu xem xét một bản đề xuất kế hoạch hành động, người điều hành cuộc họp sẽ yêu cầu “dành ba phút để tư duy theo chiếc nón màu đen”. Trong ba phút đó, mỗi người sẽ tập trung vào những nguy hiểm và khó khăn tiềm ẩn của bản đề xuất kế hoạch hành động kia.
Khi được sử dụng trong những “dịp đặc biệt”, sáu chiếc nón tư duy trở thành biểu tượng của một kiểu tư duy song song nhất định nào đó mà chúng ta đề xuất mọi người cùng thực hiện. Lúc này, mọi người sẽ có hướng tư duy song song thay vì đối đầu với nhau.
Khi được sử dụng theo chuỗi, chiếc nón này sẽ được sử dụng sau chiếc nón kia theo một trình tự nào đó. Chuỗi trình tự này có thể được thiết lập sẵn ngay từ đầu hoặc có thể nảy sinh trong quá trình thảo luận. Trong chuỗi trình tự nảy sinh, chiếc nón đầu tiên được chọn và khi nó hoàn thành nhiệm vụ, chiếc nón tiếp theo mới được chọn. Đối với các nhóm chưa có nhiều kinh nghiệm thì tốt hơn hết là nên sử dụng trình tự được thiết lập sẵn để tránh những cuộc tranh luận dai dẳng về việc chiếc nón nào được sử dụng tiếp theo.
Không có trình tự cố định nào cho việc sử dụng các chiếc nón tư duy. Trình tự sử dụng sẽ khác nhau tùy theo tình huống cũng như phụ thuộc vào những người tham gia tư duy. Nhìn chung, bạn có thể bắt đầu với chiếc nón tư duy màu xanh da trời và kết thúc với chiếc nón tư duy màu xanh da trời và chọn bất kỳ trình tự sử dụng phù hợp nào ở giữa.
Chương trình tư duy CoRT
Chương trình này được thiết kế chuyên biệt cho quá trình giảng dạy môn tư duy ở trường học. Chúng tôi đã có hơn hai mươi năm kinh nghiệm với chương trình này, và ngày nay nó đã được sử dụng theo nhiều hình thức khác nhau tại nhiều nơi trên thế giới (Canada, Mỹ, Mexico, Venezuela, Anh, Ireland, Ý, Nam Phi, Malaysia, Singapore, Úc và New Zealand). Mức độ sử dụng cũng rất khác nhau, từ bắt buộc trong hệ thống trường học trên cả nước như tại Venezuela, đến chỉ sử dụng tại một số trường nhất định hay các học khu. Tại Malaysia, các trường khoa học bậc cao MARA đã sử dụng chương trình này hơn mười năm qua.
Cốt lõi của Chương trình tư duy CoRT là ở phần công cụ . Đây là một phương pháp rất trực tiếp dành cho việc giảng dạy tư duy. Học viên sẽ ứng dụng các công cụ này cho nhiều hạng mục tư duy ngắn khác nhau. Họ trau dồi kỹ năng sử dụng công cụ để sau này có thể áp dụng vào bất kỳ tình huống nào khác. Các học viên cũng thường ứng dụng các công cụ này ở nhà để giúp cha mẹ đưa ra quyết định và lập kế hoạch. Khả năng chuyển đổi công cụ chính là điểm quan trọng nhất của chương trình tư duy này.
Công trình nghiên cứu tiêu biểu nhất về việc sử dụng chương trình CoRT là nghiên cứu của Giáo sư John Edwards tại trường Đại học James Cook, Queensland, Úc.
Chương trình CoRT được thiết kế đơn giản và thực tiễn. Giáo viên có thể nhanh chóng học cách truyền thụ công cụ tư duy này, và học viên thì rất hào hứng với nó. Bất cứ khi nào hệ thống tư duy CoRT xuất hiện trong chương trình học, sinh viên luôn chọn nó là môn học ưa thích nhất. Có lẽ lý do là vì rất hiếm môn học nào khác trong chương trình cho phép lối tư duy tự do như vậy.
Chương trình CoRT được chia làm sáu phần, mỗi phần gồm mười bài học và giải quyết một khía cạnh tư duy.
CoRT 1 – Độ rộng
CoRT 2 – Tổ chức
CoRT 3 – Tương tác
CoRT 4 – Sáng tạo
CoRT 5 – Thông tin và cảm giác
CoRT 6 – Hành động
CoRT 1 bao gồm những công cụ cơ bản về giác quan nhằm “định hướng sự chú ý”. Những công cụ này hiện đang được sử dụng rất rộng rãi. Mỗi công cụ được gán cho một cái tên để người dùng có thể học và vận dụng nó một cách có chủ đích. Những cái tên này đều mang một ý nghĩa nhất định về mặt giác quan và được đặt theo những chữ cái đầu của quá trình mà người dùng phải sử dụng. Dưới đây là những công cụ cơ bản:
PMI (Plus, Minus & Interesting) – Điểm cộng, điểm trừ và điểm thú vị
Điều hướng sự chú ý của bạn đến những điểm cộng, rồi đến điểm trừ và cuối cùng là những điểm thú vị của vấn đề. Kết quả thu được là một bản đánh giá nhanh.
CAF (Consider All Factors) – Xem xét mọi yếu tố
Chúng ta cần xem xét điều gì khi suy nghĩ về một vấn đề nào đó? Những yếu tố nào có liên quan đến vấn đề đang được suy xét?
C&S (Consequences & Sequels) – Hệ quả và diễn tiến
Công cụ này hướng sự chú ý đến hệ quả và những diễn tiến của hành động. Nó yêu cầu chúng ta dự đoán những gì sẽ xảy ra sau đó. Chúng ta cũng có thể được yêu cầu dự đoán sự việc ở những khung thời gian khác nhau.
AGO (Aims, Goals & Objectives) – Mục tiêu, mục đích và ý định
Mục tiêu, mục đích và ý định của chúng ta là gì? Chúng ta đang cố gắng làm gì? Chúng ta đang cố gắng đạt được điều gì? Chúng ta sẽ đi đến đâu?
FIP (First Important Priorities) – Những ưu tiên quan trọng hàng đầu
Hướng sự chú ý đến những điều thật sự quan trọng. Không phải mọi thứ đều quan trọng như nhau. Những mối ưu tiên ở đây là gì?
APC (Alternatives, Possibilities & Choices) – Phương án thay thế, khả năng và các lựa chọn
Có cần tạo ra những phương án thay thế mới không? Các khả năng ở đây là gì? Chúng ta có những lựa chọn nào?
OPV (Other People’s Views) – Quan điểm của người khác
Hướng sự chú ý tới quan điểm của người khác. Những người nào có liên quan? Họ có quan điểm như thế nào?
Những công cụ này được dùng một cách cụ thể và rõ ràng. Chúng là phương thức điều hướng sự chú ý theo một hướng xác định.
“Hãy tiến hành PMI.”
“Hãy bắt đầu bằng CAF.”
“AGO ở đây là gì?”
“Đã đến lúc xem xét APC.”
Tất cả các công cụ trên nghe có vẻ máy móc, song lại rất hiệu quả. Quá trình tư duy đôi khi cần phải được thực hiện một cách máy móc và có chủ ý, nếu không chúng ta sẽ coi nó là đương nhiên và nghĩ là chúng ta đang làm nên việc, trong khi thực tế là chúng ta không làm gì cả. Đa số mọi người sẽ khẳng định là họ có xem xét hệ quả của một hành động, song các thí nghiệm thực tế lại cho thấy việc cố ý yêu cầu xem xét các hệ quả bằng công cụ C&S sẽ giúp mọi người đánh giá tình huống chuẩn xác hơn nhiều. Sự chú ý quả thật cần được điều hướng một cách có chủ đích. Có quá nhiều người tưởng mình là người biết tư duy hiệu quả, trong khi thực tế thì không phải như vậy.