C
húng ta nên tìm hiểu sơ lược về các quá trình cơ bản nhất trong tư duy trước khi đi vào chi tiết từng giai đoạn. Các quá trình này xuất hiện ở tất cả các giai đoạn tư duy, nên sẽ rất hữu ích khi bạn có cái nhìn tổng quát về chúng.
Sau đây là các quá trình cơ bản mà chúng ta sẽ xem xét:
1. Khái quát/cụ thể
2. Phóng chiếu
3. Định hướng sự chú ý
4. Nhận dạng
5. Chuyển dịch
Tôi biết những vấn đề này có thể được xem xét theo nhiều cách khác nhau. Mỗi vấn đề khái quát này có thể được chia nhỏ thành nhiều vấn đề khác nhau, và mỗi vấn đề nhỏ có thể được xem là một quá trình cơ bản. Để đảm bảo tiêu chí đơn giản, tôi đã lựa chọn nói về những vấn đề trên.
Khái quát/đặc trưng, tổng quát/cụ thể
Hãy hình dung một người cận thị lần đầu tiên nhìn thấy một con mèo. Một hình ảnh mờ mờ xuất hiện và người đó thấy “một con vật nào đó”. Khi con mèo đến gần hơn, những chi tiết dần hiện rõ, và bây giờ người cận thị đó có thể nhìn thấy được hình ảnh thật sự của con mèo.
Hãy hình dung hai con diều hâu. Một con có thị lực tốt và một con bị cận thị. Cả hai con đều sống bằng nguồn thức ăn là ếch, chuột và thằn lằn. Từ trên cao, con diều hâu có thị lực tốt có thể nhìn thấy và nhận ra một con ếch. Nó lao xuống và ăn con ếch đó. Vì con diều hâu này có thị lực tốt nên nó có thể sống nhờ vào nguồn thức ăn là ếch và nhanh chóng quên đi nguồn thức ăn khác là chuột và thằn lằn.
Con diều hâu bị cận thị không thể làm điều tương tự. Con diều hâu này phải tạo ra một khái niệm tổng quát về “những vật nhỏ chuyển động”. Bất kể khi nào nhìn thấy một vật nhỏ chuyển động, con diều hâu này sẽ lao xuống. Đôi khi nó bắt được một con ếch, có khi là con chuột, khi khác là con thằn lằn, và thỉnh thoảng cũng có thể là một món đồ chơi của trẻ con.
Đa số mọi người sẽ ngay lập tức xem con diều hâu có thị lực tốt là con diều hâu mạnh hơn. Nhưng trong một số trường hợp, nhận định đó của họ có thể sai. Con diều hâu cận thị vẫn sẽ sống được mà không gặp phải khó khăn gì lớn. Đó là vì con diều hâu cận thị có sự linh hoạt. Sự linh hoạt này nảy sinh từ việc sáng tạo ra khái niệm tổng quát, khái quát và không rõ nét về “những vật nhỏ chuyển động”.
Một số sinh viên ngành điện được giao nhiệm vụ hoàn thành một mạch điện đơn giản. 97% sinh viên than phiền rằng họ không có đủ dây điện để hoàn thành mạch điện. Chỉ 3% sinh viên còn lại hoàn thành được mạch điện. Nhóm 97% muốn có “dây điện”, và vì không có dây điện nên họ không thể hoàn thành nhiệm vụ. Nhóm 3% thì có một khái niệm khái quát, chung chung và không rõ nét về “vật kết nối”. Vì không có dây điện nên họ đã nhìn xung quanh mình để tìm một vật kết nối khác. Họ đã sử dụng chiếc tua vít để nối mạch điện hoàn chỉnh.
Hầu hết những lợi thế của bộ não con người trong vai trò bộ máy tư duy đều bắt nguồn từ những nhược điểm của nó trong vai trò là bộ máy thông tin. Bởi vì bộ não không lập tức hình thành những hình ảnh chi tiết và chính xác, nên chúng ta có một kho lưu trữ những hình ảnh mờ ảo, khái quát và chung chung, những hình ảnh mà sau này sẽ trở thành các khái niệm. Những hình ảnh mờ ảo, khái quát và chung chung này hết sức hữu dụng trong tư duy.
Hãy xem xét sự khác nhau giữa hai yêu cầu sau:
Yêu cầu đầu tiên rất cụ thể. Nếu không có keo dán thì nhiệm vụ này không thể hoàn thành. Nhưng có khi keo không phải là cách tốt nhất để ghép hai miếng gỗ lại với nhau trong trường hợp này.
Yêu cầu thứ hai gợi ra nhiều cách khác để ghép hai miếng gỗ lại với nhau: keo, đinh, vít, kẹp, dây thừng, khớp nối… Yêu cầu này vừa cho phép ta linh hoạt sử dụng công cụ khác nếu không có keo, vừa giúp ta có thể cân nhắc những phương án khác.
Người tư duy tốt là người rất giỏi đi từ chi tiết đến tổng thể, từ đặc trưng đến khái quát – rồi đi ngược lại.
Khi tìm cách giải quyết một vấn đề nào đó, đầu tiên chúng ta thường phải xem xét chúng một cách khái quát.
“Chúng ta cần một cách nào đó để gắn cái này lên tường.”
Sau đó chúng ta tiến hành thu hẹp cái khái quát thành cái cụ thể.
Cuối cùng, chúng ta chỉ có thể “thực hiện” những việc cụ thể. Nhưng các khái niệm khái quát và không rõ ràng sẽ mang đến cho chúng ta phạm vi tìm kiếm rộng hơn, suy nghĩ linh hoạt hơn và có cơ hội đánh giá nhiều phương án lựa chọn khác nhau.
Khả năng đi từ chi tiết đến tổng quát thường được gọi là sự trừu tượng hóa – một thuật ngữ gây ra sự bối rối hơn là hữu dụng.
Khi tìm hiểu về năm giai đoạn tư duy, bạn sẽ nhìn thấy những thay đổi thường xuyên từ khái quát đến chi tiết rồi lại quay về khái quát.
Trong tư duy, chúng ta luôn mong muốn có được sự chính xác. Nhưng tư duy là lĩnh vực mà chúng ta được khuyến khích hướng đến cái khái quát và mơ hồ. Dĩ nhiên, bạn phải “mơ hồ” theo đúng hướng. Nếu bạn đang tìm “cách nào đó để gắn cái này lên tường” thì việc bạn nghĩ đến “cách nào đó để chiên trứng” sẽ không mang lại hiệu quả gì.
Phóng chiếu
Hãy tưởng tượng bạn có một cái máy chiếu video trong trí óc. Bạn nhấn nút và bạn sẽ nhìn thấy một cảnh tượng cụ thể hiện ra trong tâm trí mình.
Chúng ta có thể nhìn thấy những sự vật, sự việc quanh mình. Sự phóng chiếu có nghĩa là nhìn vào bên trong tâm trí của chúng ta và thấy mọi thứ ở đó.
Một chiếc xe hơi được sơn một bên màu trắng và bên kia màu đen. Hãy tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra khi chiếc xe dính vào một vụ tai nạn. Trong con mắt của tâm trí, chúng ta có thể nhìn thấy các nhân chứng sẽ mâu thuẫn với nhau trên tòa án: một người cam đoan chiếc xe có màu đen, một người khác lại khăng khăng là chiếc xe có màu trắng. Sự hài hước thường có liên quan đến sự phóng chiếu. Chúng ta cần phải hình dung ra cảnh tượng đó thì mới thấy được sự hài hước trong đó.
Sự phóng chiếu là một phần rất cơ bản của tư duy, vì chúng ta không thể xem xét mọi thứ trong thế giới thực. Do đó, chúng ta phải “thấy những gì sẽ xảy ra” và xem xét các sự vật, sự việc trong tâm trí của mình. Chúng ta có thể sai và có thể không có được một hình ảnh rõ ràng, nhưng ít ra chúng ta có thể có được một vài dấu chỉ.
Điều gì sẽ xảy ra nếu mọi phương tiện giao thông công cộng đều miễn phí?
Ai đó sẽ hình dung những lợi ích dành cho người nghèo. Ai đó khác lại mường tượng ra sự đông đúc. Một số người sẽ tưởng tượng đến lợi ích đối với các cửa hàng trong khu trung tâm. Một số người thậm chí còn hình dung đến việc chi phí này sẽ được tính vào các loại thuế mà mọi người phải đóng.
Điều gì sẽ xảy ra nếu một viên nước đá tan ra trong một chiếc ly có nước? Mực nước trong ly sẽ dâng lên, hạ xuống hay vẫn giữ mức ban đầu?
Bạn sẽ cần một chút kiến thức về vật lý để trả lời câu hỏi này. Trí tưởng tượng của chúng ta bị giới hạn bởi kiến thức và kinh nghiệm của bản thân, nhưng chúng ta phải sử dụng nó tốt nhất có thể.
Sẽ như thế nào nếu chúng ta thay thế hình tròn này bằng hình tam giác?
Một nhà thiết kế luôn phải phóng chiếu và hình dung điều sẽ xảy ra nếu một việc nào đó được thực hiện.
Các thí nghiệm tư duy nổi tiếng của Einstein phụ thuộc vào quá trình phóng chiếu. Trong một thí nghiệm tư duy, bạn thực hiện thí nghiệm trong tâm trí mình và xem chuyện gì sẽ xảy ra. Có thể đến một lúc nào đó bạn sẽ phải tự nhủ rằng bạn không biết điều gì sẽ xảy ra. Đây là lúc bạn cần tư duy thêm hoặc thực hiện thí nghiệm đó.
Trong một số trường hợp, quá trình tư duy thật sự được tiến hành với các con số và biểu tượng toán học trên giấy. Thậm chí chúng ta có thể tư duy bằng những con chữ. Nhưng hầu hết các quá trình tư duy sẽ diễn ra trong tâm trí chúng ta, thông qua việc sử dụng khả năng “phóng chiếu”.
Những gì chúng ta phóng chiếu trong tâm trí mình không phải lúc nào cũng đúng. Bạn có thể bỏ sót một chi tiết vô cùng quan trọng nào đó. Bạn có thể thiếu kiến thức hay kinh nghiệm về chủ đề đó. Bạn không bao giờ nên ngạo mạn hay võ đoán về “những phóng chiếu” của bản thân. Hãy sẵn sàng chấp nhận rằng những gì mình phóng chiếu có thể sai hoặc còn hạn chế.
Định hướng sự chú ý
“Mấy giờ rồi?”
“Bạn bao nhiêu tuổi?”
“Bạn có thích món súp không?”
“Bạn có muốn thêm cà phê không?”
“Tỷ giá hiện tại giữa đồng đô-la Mỹ và đồng yên Nhật là bao nhiêu?”
“Miếng nhựa này tan chảy ở nhiệt độ nào?”
Các câu hỏi đều là công cụ định hướng sự chú ý. Chúng ta có thể dễ dàng bỏ qua “các câu hỏi” và thay vào đó là yêu cầu mọi người hướng sự chú ý đến các vấn đề cụ thể.
“Hãy hướng sự chú ý đến thời gian.”
“Hãy nói cho tôi nghe về thời gian.”
“Hãy hướng sự chú ý đến tuổi của bạn và cho tôi biết bạn nhận thấy điều gì.”
“Hãy hướng sự chú ý đến điểm tan chảy của miếng nhựa này và cho tôi biết bạn biết điều gì.”
Một nhà thám hiểm trở về sau chuyến thám hiểm một hòn đảo mới được phát hiện. Ông nói về một ngọn núi lửa đang phun khói và một loài chim không thể bay. Nhưng trên hòn đảo đó còn có gì khác nữa không? Nhà thám hiểm giải thích đó chính là hai thứ thu hút sự chú ý của ông. Nhưng thế thì chưa đủ. Vì vậy, nhà thám hiểm được cử đến hòn đảo đó một lần nữa và được hướng dẫn cụ thể để sử dụng một mô hình định hướng sự chú ý rất đơn giản. “Hãy nhìn về hướng Bắc và ghi lại những gì ông thấy. Sau đó hãy nhìn sang hướng Đông và ghi lại những gì ông nhìn thấy. Tiếp theo, hãy nhìn về hướng Nam và ghi lại những gì ông nhìn thấy. Tiếp nữa, hãy nhìn về hướng Tây và ghi lại những gì ông nhìn thấy. Giờ thì hãy quay về đây và đưa cho chúng tôi cuốn sổ ghi chú của ông.”
Những chỉ dẫn theo mô hình Đông – Tây – Nam – Bắc là phương pháp rất đơn giản để định hướng sự chú ý. Sự chú ý của chúng ta thường tập trung vào ba hướng:
1. Những gì thu hút sự quan tâm hoặc có liên quan đến cảm xúc của chúng ta ở thời điểm hiện tại.
2. Những thói quen chú ý được tạo nên thông qua kinh nghiệm và rèn luyện.
3. Một sự thu hút ít nhiều mang tính ngẫu nhiên khiến chúng ta chuyển sự chú ý từ điểm này sang điểm khác.
Rất nhiều quá trình tư duy có chủ ý liên quan đến việc định hướng sự chú ý một cách cụ thể. Phương pháp chất vấn của Socrates chỉ đơn giản là một sự định hướng chú ý như vậy. Chẳng có gì màu nhiệm trong đó cả.
Chương trình tư duy CoRT cho các trường học (sẽ được trình bày kỹ hơn ở phần sau) bao gồm nhiều công cụ định hướng chú ý. Chẳng hạn như công cụ OPV yêu cầu người tư duy hướng sự chú ý của họ đến quan điểm của những người có liên quan . Một số người có thể tự động thực hiện điều này. Nhưng hầu hết những người khác thì không thể làm được. Vì thế chúng ta cần có một công cụ định hướng sự chú ý.
Quá trình phân tích vô cùng quan trọng trong tư duy chính là một chỉ dẫn để chúng ta định hướng sự chú ý của mình.
“Hãy hướng sự chú ý đến các yếu tố tạo nên tình huống này.”
“Hãy hướng sự chú ý đến nhiều yếu tố khác nhau đang tác động lên giá dầu.”
“Hãy hướng sự chú ý đến các yếu tố khác nhau có liên quan đến tính hiệu quả của một hoạt động của cảnh sát.”
“Hãy hướng sự chú ý đến các bộ phận tạo nên chiếc ván trượt.”
“Hãy hướng sự chú ý đến các thành tố trong chiến lược hiện thời của chúng ta.”
So sánh là một phương pháp cơ bản khác để định hướng sự chú ý.
“Hãy hướng sự chú ý đến các điểm tương đồng giữa hai đề xuất này.”
“Hãy hướng sự chú ý đến các điểm tương đồng và các điểm khác nhau giữa hai loại bao bì này.”
“Hãy hướng sự chú ý đến những điểm thuận lợi và bất lợi của hai lộ trình này.”
“Hãy so sánh hai chiếc lò vi sóng này. Hãy hướng sự chú ý của bạn vào sự tương quan của chúng về giá cả, công năng, uy tín nhà sản xuất, dịch vụ...”
Để định hướng sự chú ý, chúng ta có thể sử dụng mô hình ngoại lai có chủ ý (như các công cụ CoRT), hoặc chúng ta có thể sử dụng những mô hình chỉ dẫn nội tại đơn giản hơn như quá trình đánh giá và quá trình so sánh .
Một hình thức khác của việc định hướng sự chú ý là yêu cầu tập trung vào một số khía cạnh của tình huống.
“Tôi muốn bạn tập trung vào ảnh hưởng chính trị của việc tăng thuế xăng dầu.”
“Tôi muốn bạn tập trung vào kế hoạch an ninh cho buổi tiệc này.”
“Tôi muốn bạn tập trung vào việc ai sẽ chơi với chú chó mà bạn muốn nhận nuôi này.”
“Tôi muốn bạn tập trung vào những lợi ích khi học ở một trường cao đẳng kỹ thuật.”
“Tôi muốn bạn tập trung vào những bất lợi khi ký bản hợp đồng vay thế chấp lãi suất cố định này.”
Trong mô hình Sáu chiếc nón tư duy (sẽ được trình bày sau), sự tập trung này có được nhờ những tác động bên ngoài. Ví dụ, sử dụng “chiếc nón màu vàng” tức là chỉ tập trung vào các giá trị và lợi ích trong tình huống đang được thảo luận. Sử dụng “chiếc nón màu đen” tức là tập trung hoàn toàn vào những nguy hiểm, khó khăn, hạn chế và các điểm cần thận trọng.
Mặc dù đa số mọi người đều khẳng định rằng họ sử dụng những chỉ dẫn nội tại để định hướng sự chú ý của mình, nhưng thực tế thì không phải như vậy. Ví dụ, trong một nhóm các chuyên gia có trình độ cao, một nửa trong số họ được yêu cầu đánh giá một đề xuất một cách khách quan, và nửa còn lại được yêu cầu sử dụng phương pháp chiếc nón màu vàng và màu đen để đánh giá các đề xuất đó. Những người thuộc nhóm sử dụng phương pháp chiếc nón đã đưa ra số lượng đánh giá nhiều gấp ba lần số lượng đánh giá của những người thuộc nhóm còn lại – những người khẳng định rằng luôn xem xét cả mặt lợi lẫn mặt hại của mọi tình huống.
Đó là lý do tại sao đôi khi chúng ta cần có các công cụ chính thức từ bên ngoài để chủ động định hướng sự chú ý của mình. Những công cụ đó có thể có vẻ đơn giản và quen thuộc, nhưng chúng cũng rất hiệu quả.
Nhận dạng và ăn khớp
Hãy nghĩ đến một món đồ chơi phổ biến dành cho trẻ em: một chiếc hộp hoặc tấm gỗ có khoét nhiều cái lỗ hình dạng khác nhau. Đứa trẻ được yêu cầu nhét những khối gỗ hoặc mảnh gỗ có hình dạng khác nhau vào những cái lỗ có sẵn. Một số khối gỗ sẽ khớp với lỗ và một số khác thì không.
Một người đang từ xa tiến về phía bạn. Bạn không trông đợi một người cụ thể nào cả. Khi người đó tiến đến gần hơn, bạn bắt đầu nghĩ bạn có thể nhận ra đó là ai. Người đó đến thật gần bạn, và đột nhiên bạn chắc chắn: nhận dạng đã đúng, các “khớp” đều trúng.
Một chuyên gia rượu vang nếm rượu trong một cái chai đã được che nhãn. Sau một lúc, cô tuyên bố đó là chai rượu từ vùng Casablanca ở Chile. Cô đã thực hiện quá trình nhận dạng và xác định.
Bộ não hình thành các khuôn mẫu từ kinh nghiệm. Thật ra kinh nghiệm tự tổ chức bản thân chúng thành các khuôn mẫu trong não bộ. Đó là lý do chúng ta có thể ăn mặc chỉnh tề vào mỗi sáng. Nếu không, chúng ta có thể tạo ra 39.816.800 cách phối đồ khác nhau chỉ với mười một món quần áo. Nếu không có các khuôn mẫu đó, chúng ta không thể băng qua đường, lái xe, đọc, viết hoặc làm bất kỳ điều gì có ích trong công việc. Bộ não là một hệ thống tạo ra khuôn mẫu và sử dụng khuôn mẫu tuyệt vời (đó là lý do tại sao bộ não không giỏi về khoản sáng tạo).
Chúng ta tìm cách đặt mọi thứ vào những khuôn mẫu phù hợp . Chúng ta tìm cách sử dụng những chiếc hộp và các định nghĩa có được từ kinh nghiệm – đúng như những gì Aristotle muốn chúng ta làm. Chúng ta thường gọi đó là sự nhận dạng, xác định hoặc đánh giá. Trong đa số trường hợp thì điều đó cực kỳ hữu dụng. Đôi khi nó lại nguy hiểm, như khi chúng ta đặt thứ gì đó vào sai hộp hoặc sử dụng những chiếc hộp đã lỗi thời trong bối cảnh thế giới đã thay đổi.
Chúng ta đặt ra mục tiêu tìm kiếm điều gì đó. Chúng ta rất hạnh phúc khi tìm thấy thứ “trùng khớp” với thứ mình đang tìm. Thế là chúng ta không tìm kiếm thêm nữa.
Có một sự “ăn khớp” về sự nhận dạng. Điều này thật sự có nghĩa là chúng ta đã chuyển sang một hình mẫu có sẵn và không còn “đi lang thang” nữa.
Tôi thích dùng từ “ăn khớp” hơn là “đánh giá” vì đánh giá mang nghĩa rộng hơn. Đánh giá có thể là sự ước tính và nhận định giá trị, mà đây chính là những quá trình định hướng sự chú ý đặc trưng. Từ “ăn khớp” có ý nghĩa gần với “nhận dạng” hơn.
Ở khía cạnh nào đó, mục đích của tư duy là để hủy bỏ tư duy. Một số người đã thực hiện thành công điều này. Mục đích của tư duy là thiết lập các khuôn mẫu thường lệ để chúng ta có thể luôn nhìn nhận thế giới thông qua các khuôn mẫu thường lệ này, sau đó chúng sẽ cho ta biết phải làm gì. Khi đó, tư duy không còn cần thiết nữa. Một số người thành công trong việc này vì họ tin các khuôn mẫu họ thiết lập là đã đủ dùng cho cả đời. Họ sẽ không có triển vọng thay đổi hay tiến bộ gì. Nhưng họ có thể được hài lòng và thỏa mãn.
Trong tư duy chúng ta cố gắng hướng đến việc nhận dạng những khuôn mẫu. Chúng ta ghi nhớ khi chúng ta nhận dạng được một thứ. Chúng ta cũng cần ghi nhớ giá trị – hay rủi ro – của sự nhận dạng đó. Sử dụng những hình mẫu có sẵn về con người hoặc chủng tộc là một hình thức nhận dạng, nhưng là một hình thức mang tính nguy hại hơn là hữu dụng.
Sự chuyển dịch và các phương án thay thế
Các quá trình tư duy cơ bản được đề cập ở trên sẽ quen thuộc với hầu hết các nhà tư duy truyền thống, nhưng sự chuyển dịch thì không.
“Sự chuyển dịch” đơn giản có nghĩa là “Từ vị trí này, bạn tiến lên phía trước như thế nào?”.
Trong hình thái cực đoan nhất, sự chuyển dịch được sử dụng cùng với sự kích động để tạo thành một trong những kỹ thuật cơ bản của tư duy ngoại biên (sáng tạo).
Trong cơn kích động, chúng ta có thể dựng lên thứ gì đó hoàn toàn ngoài tầm kinh nghiệm hay thậm chí đối lập với kinh nghiệm của bản thân. Khi bị kích động, chúng ta có thể nói: “Xe ô-tô nên có bánh xe hình vuông”. Sự đánh giá sẽ cho chúng ta biết điều trên là vô lý: nó không phù hợp với kết cấu xe; nó sẽ tiêu tốn nhiều nhiên liệu hơn; nó sẽ làm rung lắc các bộ phận; tốc độ sẽ rất hạn chế; sẽ cần có công suất cực lớn; nó sẽ gây ra sự khó chịu cho người lái, vân vân và vân vân. Rõ ràng, sự đánh giá sẽ không giúp chúng ta sử dụng sự kích động đó, bởi vì sự đánh giá có liên quan đến kinh nghiệm trong quá khứ, còn sáng tạo thì lại liên quan đến khả năng trong tương lai. Vì thế chúng ta cần một hoạt động trí tuệ khác gọi là “sự chuyển dịch”. Vậy từ sự kích động đó, chúng ta tiến lên phía trước như thế nào?
Chúng ta có thể có được sự dịch chuyển bằng cách tưởng tượng cảnh bánh xe hình vuông đang lăn (quá trình phóng chiếu). Khi chiều cao của bánh xe tăng lên do góc vuông của bánh xe tiếp đất, bộ giảm xóc của xe có thể điều chỉnh và thu ngắn lại để giữ nguyên khoảng cách giữa sàn xe với mặt đất. Từ đó, chúng ta có khái niệm về một bộ giảm xóc có thể phản ứng linh hoạt theo tình huống. Điều này dẫn ta đến với ý tưởng về một “bộ giảm xóc chủ động” hoặc “bộ giảm xóc thông minh”, một ý tưởng mà giờ đây ta có thể tìm hiểu như một khả năng thật sự.
Sự chuyển dịch bao gồm mọi cách thức di chuyển từ một phát biểu, vị trí hay ý tưởng. Sự chuyển dịch có thể bao gồm sự liên kết . Chúng ta chuyển từ một ý tưởng đến một sự liên kết.
Sự chuyển dịch có thể bao gồm quá trình suy nghĩ từ việc này sang việc khác hoặc suy nghĩ thơ thẩn, quá trình mà trong đó các ý tưởng cứ nối tiếp nhau xuất hiện.
Sự chuyển dịch cũng bao gồm việc tạo nên những phương án thay thế. Nếu chúng ta có được một phương thức làm việc đáng thỏa mãn, tại sao chúng ta phải tìm kiếm phương án thay thế? Chẳng có lý do hợp lý nào cả, do đó chúng ta cần phải chủ động nỗ lực tạo ra những phương án thay thế tương đương. Điều này có liên quan đến sự chuyển dịch: “Còn cách nào khác để làm việc này không?”.
Giá trị của việc tìm kiếm thêm nhiều phương án thay thế là rất rõ ràng. Cách đầu tiên chưa hẳn là cách tốt nhất. Việc có thêm một loạt phương án thay thế sẽ cho phép chúng ta so sánh, đánh giá các phương án đó và chọn ra cách tốt nhất.
“Sự chuyển dịch” có thể được định hướng bằng cách sử dụng một chỉ dẫn hoặc yêu cầu định hướng sự chú ý. Chúng ta có thể tự chỉ dẫn bản thân hướng sự chú ý đến “các thành viên khác trong cùng một tầng lớp”. Vì thế chúng ta chuyển đến những thành viên khác đó.
Sự chuyển dịch là một quá trình có phạm vi rất rộng và chồng chéo lên các quá trình khác.
Sự chuyển dịch cũng là nền tảng của “logic nước”, một khái niệm được mô tả trong cuốn sách Water Logic (tạm dịch: Logic nước ) của tôi. Trong logic nước, chúng ta quan sát dòng chảy tự nhiên từ ý tưởng này sang ý tưởng khác. Trong quá trình chuyển dịch có chủ ý hơn, chúng ta tìm cách thực hiện sự dịch chuyển từ ý tưởng này sang ý tưởng khác.
“Từ nơi đây chúng ta sẽ đi đến đâu?”
“Có những phương án thay thế nào?”
“Chúng ta chuyển dịch như thế nào từ sự kích động này?”
“Điều gì sẽ xảy đến tiếp theo?”
“Chúng ta nảy ra ý tưởng gì trong đầu?”
Có thể nói toàn bộ quá trình tư duy là một nỗ lực để “chuyển dịch” theo một hướng có ích. Chúng ta sử dụng nhiều phương pháp cho mục đích này.