C
uốn sách này lấy quá trình tư duy năm giai đoạn làm nền tảng. Năm giai đoạn này không dựa trên sự phân tích của quá trình tư duy thông thường. Sự phân tích sẽ hữu ích cho việc mô tả nhưng thường không có tác dụng đối với các quá trình vận hành. Thật sai lầm khi tin rằng việc phân tích quá trình tư duy có thể cung cấp các công cụ cần thiết để tư duy. Các công cụ phải mang tính thực tiễn và hữu ích. Tương tự, năm giai đoạn tư duy được sử dụng trong cuốn sách này cung cấp một nền tảng chính thức cho quá trình vận hành thực tế của tư duy. Các giai đoạn này được thiết kế theo hướng ứng dụng.
Đây là sơ đồ cơ bản mà các bạn đã thấy ở những trang trước. Bạn đi vào từ chiếc hộp trên cùng và đi ra ở chiếc hộp dưới cùng theo hướng các mũi tên. Mỗi chiếc hộp đều có một cái tên riêng, liên quan đến giai đoạn mà nó thể hiện. Vậy những cái tên đó có ý nghĩa gì?
Tên gọi của năm giai đoạn tư duy được liệt kê bên dưới và sẽ được xem xét cụ thể qua mỗi phần của cuốn sách này. Mỗi giai đoạn sẽ có một từ đại diện và một ký hiệu thể hiện bản chất của mỗi giai đoạn một cách trực quan.
TO thể hiện mục tiêu hoặc mục đích của quá trình tư duy. Chúng ta tư duy cái gì? Chúng ta muốn kết thúc quá trình tư duy với kết quả như thế nào?
LO thể hiện thông tin sẵn có và thông tin mà chúng ta cần. Tình huống là gì? Chúng ta biết gì? Nhận thức cũng xuất hiện trong giai đoạn này.
PO là giai đoạn của các khả năng. Ở đây chúng ta tạo ra các giải pháp và cách tiếp cận có khả năng xảy ra. Chúng ta làm điều đó bằng cách nào? Giải pháp là gì? Đây là giai đoạn sản sinh.
SO là giai đoạn thu hẹp, kiểm tra và chọn lựa các khả năng. Đây là giai đoạn kết luận, quyết định và chọn lựa. Đây là giai đoạn cho ra kết quả.
GO thể hiện “bước hành động”. Bạn dự định làm gì? Tiếp theo sẽ làm gì? Suy nghĩ của bạn dẫn tới điều gì?
Các biểu tượng đi theo mỗi giai đoạn sẽ được thể hiện trong những trang kế tiếp.
Biểu tượng TO
Đường đứt quãng cho thấy chúng ta biết nơi mình muốn đi đến. Từ mục tiêu đó, chúng ta kéo ngược về vị trí của mình trong hiện tại. Sau đó, đường liền mạch thể hiện quá trình chúng ta tìm đường hướng đến mục tiêu đã đề ra. Vì thế, biểu tượng này thể hiện việc hiểu rõ mục đích của tư duy và mong muốn đạt được mục đích đó.
Biểu tượng LO
Biểu tượng này thể hiện việc quan sát tất cả các hướng. Chúng ta đang tìm kiếm thông tin quanh mình. Các mũi tên cho thấy quá trình tìm kiếm từ mọi hướng. Chúng ta thấy được gì? Ở đó có thông tin gì?
Biểu tượng PO
Các mũi tên đứt quãng thể hiện khả năng. Đây là giai đoạn tạo ra nhiều khả năng khác nhau. Đó chưa phải là hành động mà là các khả năng bạn phải xử lý và triển khai, để nó không còn là đường đứt quãng mà sẽ trở thành một đường liền mạch rõ ràng và chắc chắn. Ba mũi tên mang ý nghĩa nhấn mạnh rằng chúng ta có nhiều hơn một khả năng.
Biểu tượng SO
Biểu tượng này thể hiện quá trình thu hẹp các khả năng để cho ra một kết quả. Nó minh họa sự hình thành một kết quả hữu dụng. Các khả năng khác nhau giờ đây sẽ được chọn lọc và cho ra một kết luận hoặc kết quả duy nhất.
Biểu tượng GO
Biểu tượng thể hiện quá trình tiến tới và tiến lên. Nó ám chỉ hành động tích cực và mang tính xây dựng.
Các biểu tượng này và các từ đại diện cho mỗi giai đoạn có thể được sử dụng thay thế cho nhau. Các biểu tượng minh họa trực quan cho quá trình cần thực hiện trong mỗi giai đoạn tư duy.
Khi đang tư duy bằng cách viết những suy nghĩ của mình ra giấy, bạn có thể sử dụng biểu đồ này để thể hiện các giai đoạn khác nhau trong quá trình tư duy của bạn.
Những phần sau của cuốn sách này sẽ đi vào chi tiết từng giai đoạn.
Các tình huống tư duy cũng rất khác nhau. Ở tình huống này, bạn sẽ cần dành nhiều thời gian hơn cho một giai đoạn nào đó, còn trong tình huống kia thì trọng tâm có thể sẽ nằm ở một giai đoạn khác.
Hiện tại bạn không cần học hay ghi nhớ các giai đoạn này. Khi đọc hết cuốn sách này, bạn sẽ nhận ra mình có thể dễ dàng ghi nhớ chúng: có một giai đoạn là đầu vào và một giai đoạn là đầu ra, ở giữa là một cột gồm ba giai đoạn tư duy.