T
ôi khuyên bạn nên bỏ qua phần này. Nội dung này phức tạp hơn những phần sau và có thể khiến bạn có ấn tượng sai về toàn bộ nội dung cuốn sách này. Tuy nhiên, tôi cần đưa phần này vào để chỉ ra cho một số độc giả thấy tại sao thói quen tư duy truyền thống của chúng ta tuy xuất sắc nhưng lại chưa đủ. Giống như hai bánh xe sau của chiếc ô-tô là những sản phẩm rất xuất sắc nhưng chưa đủ để vận hành chiếc xe. Chúng ta đã phát triển một khía cạnh của tư duy, và chúng ta tự hào cũng như hạnh phúc với điều đó. Giờ là lúc ta nhận ra khía cạnh này thật xuất sắc nhưng chưa đủ hiệu quả.
Phần giới thiệu này cũng cần thiết để “định hình” toàn bộ nội dung còn lại của cuốn sách.
Hãy tưởng tượng một gian bếp có chiếc bàn chất đầy thực phẩm ở ngay giữa phòng. Người đầu bếp sẽ tiến hành nấu nướng hoặc “xử lý” thực phẩm. Người đầu bếp ấy rất lành nghề và hoàn thành tốt công việc của mình. Không có gì sai sót trong quá trình nấu ăn.
Rồi chúng ta đặt câu hỏi. Những thực phẩm này được chọn lựa ra sao, được tạo ra và đóng gói như thế nào và được vận chuyển đến nhà bếp bằng cách nào? Nói cách khác, chúng ta chuyển sự chú ý từ quá trình nấu ăn sang nguyên liệu nấu ăn.
Chúng ta cũng làm điều tương tự đối với tư duy. Chúng ta rất chú ý đến phần “xử lý” của tư duy. Chúng ta đã phát triển các ngành toán học, thống kê, máy vi tính và mọi hình thức lập luận khác nhau một cách xuất sắc. Bạn cho các nguyên liệu vào, quá trình xử lý diễn ra và mang lại kết quả. Nhưng chúng ta rất ít khi chú ý đến việc các nguyên liệu ấy đến từ đâu. Chúng được chọn lựa và đóng gói như thế nào?
Các nguyên liệu của tư duy là do nhận thức mang lại. Nhận thức là cách chúng ta nhìn nhận thế giới. Nhận thức là cách chúng ta chia thế giới thành nhiều phần nhỏ mà ta có thể xử lý được. Nhận thức là sự lựa chọn những vấn đề để xem xét vào một thời điểm nhất định. Nhận thức sẽ quyết định chúng ta nhìn nhận một ly nước là “nửa đầy” hay “nửa vơi”.
Đa số những suy nghĩ hàng ngày của chúng ta diễn ra ở giai đoạn nhận thức trong quá trình tư duy. Chỉ khi phải giải quyết các vấn đề mang tính kỹ thuật thì chúng ta mới áp dụng các quá trình khác, như toán học chẳng hạn.
Trong tương lai, máy vi tính sẽ đảm nhiệm toàn bộ quá trình xử lý của tư duy, và do đó con người sẽ còn lại phương diện cực kỳ quan trọng – đó là nhận thức. Quá trình xử lý xuất sắc của máy vi tính sẽ không bù đắp được sự yếu kém trong quá trình nhận thức. Vì thế, trong tương lai, phần nhận thức của tư duy sẽ càng có vai trò quan trọng hơn nữa.
Đa số những sai sót của tư duy đều không phải là sai sót về logic mà là về nhận thức – ngoại trừ trong giải đố. Chúng ta chỉ nhìn thấy một phần của tình huống. Hoặc là chúng ta chỉ nhìn nhận tình huống theo một cách nhất định nào đó. Ấy vậy mà chúng ta lại khư khư tin logic là phần quan trọng nhất của tư duy và gần như bỏ lơ nhận thức. Có nhiều nguyên nhân gây ra việc này.
Khi các thói quen tư duy của phương Tây đang hình thành vào cuối thời kỳ Tăm tối – hay còn được biết đến như Đêm trường Trung cổ – và đầu thời kỳ Phục hưng, phần lớn quá trình tư duy này được thực hiện bởi các giáo dân, vì họ là nhóm người duy nhất vẫn quan tâm đến tư duy và học thuật trong suốt giai đoạn Đêm trường Trung cổ. Ngoài ra, lúc bấy giờ nhà thờ giữ vị trí độc tôn trong xã hội và điều hành trường đại học, trường trung học... Vì vậy, “lối tư duy mới” xuất hiện trong Thời Phục hưng chủ yếu được áp dụng vào thần học và được dùng để xử lý vấn đề dị giáo. Trong những lĩnh vực đó có các khái niệm rất chặt chẽ về “Chúa Trời”, “công lý”... Thế là người ta chỉ việc xử lý “một cách logic” các vấn đề xoay quanh những khái niệm bất di bất dịch đó. Vì thế, nhận thức không phải là một phần quan trọng trong loại hình tư duy này. Nhận thức cũng vô cùng chủ quan trong các vấn đề thần học thế này. Người ta phải đưa ra những thỏa thuận cơ bản về các định nghĩa và thuật ngữ.
Người ta cũng tin bản thân logic có khả năng xử lý nhận thức. Điều này thật vô lý, bởi lẽ logic là một hệ thống khép kín và chỉ có thể xử lý những gì hiện có, còn nhận thức là một hệ thống có khả năng phát triển và mở rộng đến những cái không có sẵn. Quan niệm sai lầm về sức mạnh của logic là một trong những sai lầm chính của lối tư duy truyền thống. Quan niệm này nảy sinh từ việc không phân biệt được việc “nhìn ra vấn đề trước khi sự việc xảy ra” – còn gọi là “nhận thức trước” – với việc “nhìn ra vấn đề sau khi sự việc đã xảy ra” – còn gọi là “nhận thức sau”. Đúng là logic có thể chỉ ra những thiếu sót trong nhận thức sau khi sự việc đã diễn ra, nhưng điều đó rất khác với việc chỉ ra được những thiếu sót đó ngay từ đầu.
Mọi ý tưởng sáng tạo có giá trị sẽ luôn hợp lý khi ta nhìn nhận chúng theo “nhận thức sau”. Chúng ta có thể cộng các số từ 1 đến 100 trong khoảng năm giây bằng cách sử dụng một ý tưởng hoàn toàn logic trong quá trình nhận thức sau – nhưng để có được ý tưởng đó thì cần phải có sự sáng tạo.
Xác suất một con kiến trên thân cây sẽ bò đến một chiếc lá cụ thể nào đó là bao nhiêu? Cứ đến mỗi chạc cây thì xác suất đó sẽ giảm đi vì con kiến có thể rẽ sang một nhánh cây khác. Nếu tính toán trên một cái cây bình thường, xác suất này là 1/8.000. Bây giờ hãy tưởng tượng con kiến đang ở trên chiếc lá đó rồi. Vậy xác suất con kiến bò từ chiếc lá qua thân cây là bao nhiêu? Xác suất đó là 1/1, tức là 100%. Nếu con kiến chỉ bò tới trước và không bao giờ quay ngược lại thì sẽ chẳng có cành cây nào. Đây chính là những gì sẽ xảy ra trong quá trình nhận thức sau. Những điều mà ta có thể nhận thức rõ sau khi sự việc xảy ra có thể hoàn toàn vô hình trước khi sự việc xảy ra. Chính việc không nhận ra sự thật này sẽ dẫn đến rất nhiều quan niệm sai lầm về tư duy.
Có lẽ nguyên nhân chính khiến chúng ta chưa chú ý nhiều đến nhận thức là vì mãi đến cách đây hai mươi năm ta mới bắt đầu hiểu về cách thức hoạt động của nhận thức. Chúng ta đã từng tin tưởng, một cách rất sai lầm, rằng quá trình nhận thức và quá trình xử lý đều hoạt động trong các hệ thống thông tin thụ động . Trong những hệ thống đó, thông tin và bề mặt ghi nhận thông tin đều mang tính thụ động và không tự vận hành được. Do đó, cần có một bộ xử lý bên ngoài để tổ chức, sắp xếp, di chuyển thông tin và rút ra ý nghĩa từ những thông tin đó.
Ngày nay, chúng ta tin rằng quá trình nhận thức diễn ra trong một hệ thống thông tin có khả năng tự tổ chức hoạt động và được vận hành bởi các mạng lưới thần kinh trong não bộ. Nghĩa là thông tin cùng với bề mặt chứa thông tin sẽ tự vận hành, và thông tin tự sắp xếp thành các nhóm, các chuỗi và các khuôn mẫu. Quá trình này giống với quá trình mưa rơi xuống đất và tự tạo thành kênh rạch, sông suối. Những ai quan tâm đến các quá trình này có thể tìm đọc những cuốn sách sau đây của tôi: The mechanism of Mind ( tạm dịch: Cơ chế của tâm trí) và I am Right – You are Wrong ( tạm dịch: Tôi đúng – Bạn sai).
Bộ ba triết gia
Sau sự sụp đổ của đế chế La Mã vào năm 400 sau Công nguyên là giai đoạn Đêm trường Trung cổ ở châu Âu. Kiến thức, tư duy và sự uyên bác của đế chế La Mã gần như bị xóa sổ. Chẳng hạn, Charlemagne, nhân vật một thời là người cai trị quyền lực nhất châu Âu, không hề biết đọc và viết. Thời kỳ đen tối kết thúc, và thời kỳ Phục hưng được mở ra nhờ sự tái xuất của tư duy La Mã và Hy Lạp cổ (một phần thông qua những văn tự tiếng Ả Rập du nhập vào châu Âu qua đường Tây Ban Nha).
Hình thức tư duy “mới” này mang đến một làn gió mới mẻ. Con người được đặt ở vị trí trung tâm hơn trong vũ trụ. Con người có thể sử dụng logic và lý trí để giải quyết vấn đề, thay vì chấp nhận mọi sự như một phần của đức tin tôn giáo. Không có gì ngạc nhiên khi hình thức tư duy mới này nhanh chóng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của những người theo chủ nghĩa nhân văn, hay còn gọi là những nhà tư tưởng phi tôn giáo. Nhưng điều đáng ngạc nhiên hơn là tư duy mới này cũng được các giáo dân đón nhận. Vì thế kiểu tư duy cũ-mà-mới này đã trở thành hệ thống tư duy thống lĩnh nền văn hóa châu Âu và duy trì cho đến ngày nay.
Vậy bản chất của hình thức tư duy cũ-mà-mới này là gì? Để biết được điều đó, chúng ta cần trở lại với bộ ba triết gia, những người đã tạo nên hình thức tư duy này. Họ sống ở Athens, Hy Lạp khoảng năm 400-300 trước Công nguyên. Bộ ba triết gia này là Socrates, Plato và Aristotle.
SOCRATES
Socrates chưa bao giờ có ý định trở thành một nhà tư tưởng có tính xây dựng. Mục đích của ông là công kích và phá bỏ “những thứ rác rưởi”. Hầu hết những cuộc tranh luận ông tham gia (do Plato sau này kể lại) đều mang đến kết quả không mấy tích cực. Socrates chỉ ra rằng tất cả những ý kiến đưa ra đều sai, nhưng rồi ông lại không đưa ra ý tưởng nào tốt hơn. Về cơ bản, ông tin vào sự tranh luận (hay phép biện chứng). Ông tin là nếu công kích để phá bỏ những cái sai, thì cuối cùng ta sẽ còn lại sự thật. Điều này để lại cho chúng ta sự ám ảnh với chủ nghĩa phê phán. Chúng ta tin việc chỉ ra cái sai thì quan trọng hơn nhiều so với việc xây dựng những điều hữu ích.
PLATO
Plato là một quý tộc Athens trẻ tuổi biết đến Socrates khi còn trẻ. Socrates chưa bao giờ viết bất cứ điều gì, nhưng Plato đã viết về Socrates như một nhân vật trong các cuộc đối thoại. Plato không mấy tin tưởng vào nền dân chủ của Athens, vì ông tin rằng dân Athens chỉ là một đám người quá dễ bị thao túng bởi những lý lẽ của chủ nghĩa dân túy. Plato có vẻ là người hâm mộ chủ nghĩa phát-xít Sparta. Plato chịu ảnh hưởng của Pythagoras, người đã chứng minh những chân lý tối hậu trong toán học, và Plato tin chân lý tối hậu hiện diện ở mọi nơi, chỉ cần chúng ta nỗ lực tìm kiếm.
Plato cũng chống lại “thuyết tương đối” của một số người theo chủ nghĩa ngụy biện, những người tin rằng bản chất sự vật, sự việc không có tốt hay xấu, mà nó chỉ tốt hay xấu trong mối tương quan với một hệ thống nào đó. Plato nhận ra là xã hội không bao giờ có thể vận hành được trên một nền tảng phức tạp như vậy. Plato là một người theo chủ nghĩa phát-xít.
Plato đã khiến chúng ta ám ảnh với “chân lý” và niềm tin rằng ta có thể xây dựng các “chân lý” một cách logic. Niềm tin này đã trở thành động lực mạnh mẽ cho tất cả các kiểu tư duy sau này.
ARISTOTLE
Aristotle là học trò của Plato và là thầy của Alexander Đại đế. Aristotle gắn kết mọi thứ với nhau, tạo thành hệ thống logic đầy quyền năng dựa trên quy tắc “những chiếc hộp”. Đó là các định nghĩa hay cách phân loại dựa trên trải nghiệm trong quá khứ. Vì thế, bất cứ khi nào gặp vấn đề, chúng ta phải “đánh giá” xem vấn đề đó phù hợp với chiếc hộp nào. Nếu cần thiết, chúng ta phân tách tình huống thành những phần nhỏ hơn để xem nó có thể phù hợp với những chiếc hộp tiêu chuẩn hay không. Mọi sự đều nằm trong chiếc hộp hoặc nằm ngoài chiếc hộp. Phải là một trong hai trường hợp đó, chứ không thể là gì khác. Từ đó đã hình thành nên một hệ thống logic đầy quyền lực dựa trên quan điểm “là” hoặc “không là”, cùng với xu hướng né tránh mâu thuẫn.
Tóm lại, bộ ba triết gia này đã hình thành nên một hệ thống tư duy dựa trên:
Chúng ta cứ lòng vòng với việc đẽo gọt những kinh nghiệm mới cho vừa với những cái hộp (hay nguyên tắc) bắt nguồn từ quá khứ. Điều này hoàn toàn phù hợp với một thế giới ổn định, nơi tương lai cũng giống như quá khứ, nhưng hoàn toàn không thích hợp với một thế giới biến động, nơi những chiếc hộp cũ không còn sử dụng được cho hiện tại. Thay vì phán xét, chúng ta cần thiết kế một con đường tiến lên phía trước.
Mặc dù quá trình phân tích thật sự giải quyết được rất nhiều vấn đề, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề khác mà chúng ta không thể tìm ra nguyên nhân, và nếu có tìm ra thì cũng không thể xóa bỏ nguyên nhân đó. Những vấn đề như vậy sẽ không thể được giải quyết dù ta có phân tích nhiều thế nào đi nữa. Chúng ta cần sự hoạch định. Chúng ta cần thiết kế một con đường tiến lên phía trước, để nguyên nhân ở lại vị trí của nó. Hầu hết những vấn đề lớn trên thế giới không thể được giải quyết dù có phân tích nhiều đến đâu đi nữa. Chúng ta cần những kế hoạch sáng tạo.
Hệ thống tư duy truyền thống đang rất thiếu năng lượng thiết kế, sáng tạo và xây dựng. Mô tả và phân tích là chưa đủ.
Nhưng nếu hệ thống truyền thống này thật sự hạn chế, thì vì sao nền văn hóa châu Âu lại có thể tạo nên những tiến bộ to lớn về khoa học và kỹ thuật như vậy?
Hành trình đi tìm chân lý của Plato đã trở thành nhân tố thúc đẩy chính. Sự phân loại của Aristotle cũng hỗ trợ nhiều. Sự chất vấn và công kích của Socrates cũng đóng vai trò quan trọng. Nhưng nhân tố quan trọng nhất chính là hệ thống các khả năng mà một sự kiện, hiện tượng có thể xảy ra. Đây là một phần cực kỳ quan trọng của tư duy. Hệ thống này mang đến những giả thuyết trong lĩnh vực khoa học và các viễn tượng trong lĩnh vực kỹ thuật. Điều đó tạo nên thành tựu của châu Âu. Nền văn hóa Trung Hoa từng vượt xa nền văn hóa kỹ thuật phương Tây cách đây 2.000 năm, nhưng sau đó đã chững lại vì họ chuyển sang mô tả và không bao giờ phát triển hệ thống khả năng.
Thậm chí các trường trung học và đại học ngày nay vẫn rất ít chú ý đến hệ thống khả năng, một cơ chế quan trọng của tư duy. Nguyên nhân nằm ở niềm tin cho rằng tư duy chỉ hướng đến “sự thật”, mà “khả năng” thì không phải là sự thật.
Ở phần sau của cuốn sách này, tôi sẽ nhắc nhiều hơn đến hệ thống khả năng, vì đây là một yếu tố rất quan trọng.
Tranh luận là một cách không hiệu quả để khám phá một vấn đề, vì mỗi bên sẽ sớm trở nên hứng thú với việc giành chiến thắng trong cuộc tranh luận hơn là khám phá vấn đề. Trường hợp tốt nhất là chúng ta có thể có một sự tổng hợp giữa chính đề (một bên) với phản đề (bên còn lại) để đưa ra một “chân lý” tổng hợp, nhưng đây cũng chỉ là một trong số nhiều khả năng mà chúng ta có thể tạo nên nếu chọn hướng giải quyết khác. Thay vì tranh luận, chúng ta có thể tiến hành lối tư duy song song, trong đó tất cả các bên cùng nhau khám phá vấn đề.
Do đó, chúng ta đang có một hệ thống tư duy truyền thống tuy rất xuất sắc nhưng chưa đầy đủ, vì những lý do sau:
1. Hệ thống tư duy truyền thống không thể giải quyết “nhận thức”, phần quan trọng nhất của tư duy trong các vấn đề hàng ngày.
2. Tranh luận là một phương thức kém hiệu quả để khám phá một vấn đề, và nó tạo nên những luận điểm đối lập không cần thiết.
3. “Những chiếc hộp” bắt nguồn từ quá khứ có thể không đủ để giải quyết các vấn đề trong một thế giới biến động, vốn rất khác với thế giới trong quá khứ.
4. Phân tích không đủ hiệu quả để giải quyết tất cả các vấn đề. Chúng ta cần bổ sung sự kiến tạo.
5. Quan điểm cho rằng chỉ cần phê phán là đủ, sau đó những tiến bộ hữu ích sẽ ra đời bằng cách này hay cách khác, là vô lý.
6. Chúng ta chưa có sự quan tâm đúng mức đến các khía cạnh sáng tạo, xây dựng, hiệu quả và khả năng sản sinh của tư duy.
7. Vai trò to lớn của hệ thống khả năng gần như bị chúng ta lờ đi.
Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh là hệ thống tư duy truyền thống có những giá trị, điểm ưu việt và vị thế thích đáng của nó. Sự nguy hiểm nằm ở chỗ chúng ta mặc định hệ thống này đã đủ hiệu quả và để cho nó thống trị mọi hoạt động trí tuệ của chúng ta. Tôi tin nền văn minh của chúng ta lẽ ra sẽ tiến bộ hơn hiện tại ít nhất 300 hay thậm chí 400 năm, nếu chúng ta không bị vướng vào hệ thống tư duy không có tính xây dựng này. Bạn không cần phải đồng ý với tôi về quan điểm này.
Hãy nghĩ đến một chữ “S” ngược
Hãy nghĩ đến một con rắn đang há to miệng để nuốt vào thứ gì đó ở một đầu và cho ra thứ gì đó ở đầu còn lại.
Hãy nghĩ đến một dụng cụ lọc cà phê đặc biệt. Bạn đổ nước vào ở đầu trên và cà phê đã lọc sẽ chảy ra ở đầu dưới.
Nối tiếp những khái niệm ở trang trước, bạn hãy nhìn vào hình này. Hãy nghĩ đến năm chiếc hộp đang tạo thành một đường ống xử lý. Bạn bắt đầu từ chiếc hộp trên cùng, với ý định tư duy về điều gì đó. Chiếc hộp ở dưới cùng sẽ cho ra những kết quả mà bạn tư duy được. Đây là mô hình cơ bản mà chúng ta sẽ sử dụng xuyên suốt cuốn sách này. Hãy ghi nhớ nó.
Bạn cũng có thể xem hai chiếc hộp ở trên cùng (TO và LO) là “đầu vào”. Hai chiếc hộp ở dưới cùng (SO và GO) là “đầu ra”. Cầu nối hay mối liên kết giữa đầu vào và đầu ra là chiếc hộp PO .