K
hi đặt bút viết cuốn sách này, tôi phải lựa chọn giữa việc viết một cuốn sách phức tạp và toàn diện về mọi khía cạnh của tư duy với việc viết một cuốn sách đơn giản và dễ hiểu hơn nhiều. Cuối cùng, tôi quyết định chọn cách viết đúng theo tựa đề của cuốn sách – Tự luyện cách tư duy. Đây sẽ là cuốn sách dành cho những ai muốn phát triển kỹ năng tư duy của mình. Rất ít độc giả có hứng thú chọn hoặc đọc hết một cuốn sách có nội dung phức tạp. Vì vậy, tôi đã quyết định cuốn sách này sẽ đơn giản và dễ áp dụng.
Từ kinh nghiệm của bản thân, tôi biết một số nhà phê bình sẽ rất không hài lòng với sự đơn giản. Những người như vậy cho rằng những điều đơn giản thì không thể nghiêm túc. Họ cũng sợ sự đơn giản vì nó làm mất tính phức tạp, mà công việc của họ là giảng giải những gì phức tạp. Nếu mọi việc đều trở nên đơn giản, hẳn họ sẽ thất nghiệp.
Tôi luôn yêu thích sự đơn giản. Tôi luôn tìm cách biến mọi thứ trở nên càng đơn giản càng tốt. Đó là lý do tại sao các “công cụ” tư duy mà tôi tạo ra đã được giảng dạy cho những đứa trẻ sáu tuổi tại các trường học vùng nông thôn, cho đến các nhân viên cấp cao của các tập đoàn lớn nhất thế giới.
Mô hình Sáu chiếc nón tư duy của tôi được sử dụng rộng rãi có nguyên tắc rất đơn giản, nhưng cũng mang tính ứng dụng rất mạnh mẽ. Mô hình tư duy này đã cung cấp một phương pháp thiết thực thay thế cho hệ thống lập luận truyền thống vốn đã được sử dụng suốt 2.500 năm qua. Đó là lý do mô hình Sáu chiếc nón tư duy hiện đang được áp dụng cả trong giáo dục, kinh doanh và hành chính.
L-Game ( tạm dịch: Bộ cờ chữ L) là một trò chơi tư duy mà tôi đã tạo ra khi nhà toán học nổi tiếng của Cambridge, Giáo sư Littlewood, thách đố tạo ra một trò chơi mà trong đó mỗi người chơi chỉ có duy nhất một quân cờ. Trò chơi này hiện nay đã được phân tích trên máy vi tính và là một “trò khó chơi” (người đi nước cờ đầu tiên không thể sử dụng bất kỳ chiến lược có lợi nào cả). Gần đây, tôi đã tạo ra một trò chơi còn đơn giản hơn –The Three-spot Game ( tạm dịch: Cờ 3 quân).
Trên hết, sự đơn giản lúc nào cũng dễ nắm bắt và dễ ứng dụng.
Độc giả của cuốn sách này là ai? Tôi đã viết rất nhiều sách về tư duy, và tôi vẫn không tài nào đoán nổi độc giả của mình sẽ là những đối tượng nào. Những lá thư mà tôi nhận được đã cho thấy đối tượng độc giả của tôi rất phong phú. Điểm chung của họ là sự quan tâm đến chủ đề động lực và tư duy. Tôi tin là giới truyền thông (phát thanh, truyền hình và báo chí) đã đánh giá quá thấp trí thông minh của công chúng và cho rằng công chúng chỉ muốn các trò tiêu khiển mua vui nhất thời. Kinh nghiệm của tôi lại cho thấy một điều hoàn toàn khác.
Có những người tự mãn về khả năng tư duy của bản thân. Họ tin là không cần phải học hỏi gì nữa. Họ thường giành phần thắng khi tranh luận và tin rằng chẳng còn gì để suy nghĩ thêm, mà chỉ cần đưa ra và bảo vệ quan điểm của mình.
Có những người cực kỳ thông minh và không hề mắc sai lầm trong tư duy. Họ tin rằng chỉ cần có trí thông minh là đủ và tư duy mà không mắc lỗi đã là tư duy tốt.
Có nhiều người lại từ bỏ việc tư duy. Họ không học quá xuất sắc ở trường và không giỏi “giải đố”. Vì thế, họ tin khả năng tư duy không phải là một điều mà họ có được. Họ thỏa mãn với việc sống qua ngày đoạn tháng trong khả năng tốt nhất của họ.
Sự tự mãn là kẻ thù của mọi sự tiến bộ. Sự cam chịu cũng vậy. Nếu tin mình là hoàn hảo, bạn sẽ không nỗ lực để trở nên tốt hơn. Nếu đã quyết định từ bỏ, bạn cũng sẽ không nỗ lực.
Cuốn sách này dành cho những ai cảm thấy tư duy là một vấn đề mơ hồ và lộn xộn, song lại là một việc thực tế mỗi ngày. Họ muốn nâng cao khả năng tư duy của mình để nó trở nên đơn giản và hiệu quả hơn. Họ muốn tư duy trở thành một kỹ năng mà họ có thể ứng dụng vào mọi vấn đề mà họ lựa chọn.