Đức Phật nói ngài chỉ dạy về khổ đau, nguồn gốc của khổ đau và sự chấm dứt khổ đau. “Đó là tất cả những gì ta dạy”. Ngài dạy rằng cuộc sống là đau khổ và thuốc giải duy nhất cho sự đau khổ đó là lòng từ bi vô hạn, hay giác ngộ. Cách duy nhất để ta thoát khổ là đồng cảm với nỗi khổ của người khác, ý nghĩa duy nhất của nỗi khổ là nó giúp ta mở rộng trái tim để có thể đồng cảm.
Khi chào đời, Đức Phật là Hoàng tử Siddhartha. Lúc hoàng tử ra đời, đức vua được một nhà tiên tri nổi tiếng cho hay rằng đứa trẻ sẽ lớn lên trở thành một vị vua chinh phạt vĩ đại hoặc một vị thánh vĩ đại. Bởi kiên quyết mong Siddhartha theo bước chân hoàng gia, đức vua luôn tìm cách giữ con trai được “bảo vệ” khỏi các giáo lý tôn giáo. Ông bao kín cung điện trong những bức tường dày, chỉ cho phép những thứ lạc thú tồn tại bên trong với hy vọng lối sống xa hoa sẽ khiến Siddhartha không bao giờ thấy được sự khổ sở. Từ những cơ hội giáo dục đến những thú khoái lạc, trong nhiều năm trời, Siddhartha tiếp xúc với tất cả mọi thứ mà vua cha tin rằng sẽ khiến ngài hạnh phúc và gắn chặt mãi mãi với hoàng gia. Mãi đến năm 29 tuổi, ngài rất hiếm khi hoặc thậm chí không tiếp xúc với cuộc sống bên ngoài môi trường sang cả này.
Bất chấp vô khối những thú vui trần tục đã trải qua, trái tim Siddhartha ngày một bồn chồn. Ngài cảm thấy thiếu một cái gì đó mặc dù không biết đó là gì. Ngài biết sự tồn tại của con người không chỉ gói trong sự huy hoàng vật chất đang bao bọc lấy mình… Có điều gì đó ngài chưa từng được thấy, nhưng cần phải thấy. Một ngày nọ, ngài khởi sự ra đi khắp các vùng quê, tìm cách khám phá thế giới nằm bên ngoài những bức tường cung điện của vua cha.
Trên lưng ngựa, Siddhartha thấy một người già, một người bệnh và một xác chết. Lần đầu tiên trong đời, ngài trông thấy thực tế về sự già nua, bệnh tật và cái chết, và điều đó khiến ngài thay đổi sâu sắc. Trở về cung điện, ngài nhìn mọi thứ ở đó bằng một ánh sáng khác. Ngài nhận ra rằng ngay cả các nhạc sĩ và vũ công, tất cả các đối tượng xa xỉ được sử dụng để tránh đau khổ, theo thời gian cũng xấu đi và biến thành cát bụi. Nghĩ khác đi chỉ là ảo giác mà thôi. Ngay cả người con trai được sinh ra khi ngài vắng mặt cũng không mang lại niềm vui cho ngài; thật ra, chính cái tên của đứa bé, Rahula, đã có nghĩa là “câu thúc”. Siddhartha bắt đầu tìm kiếm thứ gì đó vượt ra ngoài những gì mà cuộc sống trước đây đã mang lại.
Trong những chuyến đi, Siddhartha trông thấy một người khổ hạnh lang thang – một người đã rũ bỏ thế giới và tìm cách thoát khỏi nỗi sợ chết và đau khổ – và chọn đây làm con đường cho mình. Ngài trốn khỏi cung điện, cạo trọc đầu và khoác lên mình một chiếc áo ăn mày. Ngài bắt đầu lên đường tìm kiếm sự giác ngộ.
Con đường của Siddhartha, giống như con đường của tất cả chúng ta, không dễ dàng gì. Việc lột bỏ ảo tưởng đã đưa ngài qua nhiều hình thức đau khổ khác nhau, khi ngài buộc phải đối mặt với những con quỷ của cái tôi ảo tưởng. Các thần thánh giả tạo của tâm trí bản ngã – hiện thân trong Phật giáo là ác quỷ Mara, có nghĩa là “sự hủy diệt” – tìm cách lừa dối, phản bội và đánh bẫy ngài. Như chúng làm với tất cả chúng ta.
Tuy nhiên, Siddhartha trung thành với điều mà ngài đã nhận ra, về sự vĩnh cửu nằm ngoài cái tạm bợ, sự rõ ràng vượt ngoài đam mê và sự thật vượt ngoài ảo ảnh. Người người sùng kính cuộc chiến tinh thần vĩ đại giữa các thế lực của sự thật và sự giả dối bùng lên trong ngài khi ngài tiến đến sự giác ngộ dưới gốc cây bồ đề. Mặc dù bị Mara hành hạ về mặt tinh thần, nhưng chính mặt đất đã hứa sẽ làm chứng cho ngài, và cuối cùng yêu ma đã bị đánh bại. Đôi mắt của Siddhartha được mở ra thấy rõ bản chất đích thực của thực tại, và ngài trở thành Phật, hay Đấng Giác ngộ.
Đức Phật đã thấy, đã trải, và vượt qua nỗi khổ. Ngài thấy sự chấp trước với thế giới là nguồn gốc của khổ đau và lòng từ bi vô hạn là chìa khóa để vượt qua nó. Những lời dạy từ nhận thức này là con đường mà hàng tỷ linh hồn đã theo để vượt xuyên qua bức màn ảo ảnh khiến chúng ta mù quáng trước thực tại tối hậu; nhờ nhớ lại hành trình của ngài, chúng ta được thức tỉnh về hành trình của chính mình. Sự giác ngộ của Đức Phật là cánh cửa mà qua đó chúng ta có thể vượt qua sự đau khổ của chính mình như ngài đã vượt qua. Thế giới trở thành nơi đẹp hơn vô cùng nhờ ánh sáng ngài mang cho thế giới.
TỨ DIỆU ĐẾ VÀ BÁT CHÁNH ĐẠO
Hành trình tâm linh là một sự diễn giải hòa nhã về thế giới, thay thế hệ điều hành nội bộ ngày càng lỗi thời bằng kiểu tư duy khai sáng tinh vi hơn nhiều. Mọi đau khổ bắt nguồn từ hoạt động của tâm trí khi bám vào những ảo ảnh của thế giới, chỉ có lòng từ bi vô hạn mới giải thoát chúng ta khỏi những chấp trước và đưa chúng ta đến với sự bình an nội tâm.
Phật giáo, cũng giống như A Course in Miracles, dạy rằng thế giới ba chiều là một ảo ảnh khổng lồ. Thế giới trần tục chỉ là một bức màn chắn trước sự thật chân thật, tấm màn không được vén lên khi chúng ta rời mắt khỏi nó mà chỉ khi chúng ta nhìn xuyên qua nó bằng đôi mắt khác.
Tứ Diệu đế và Bát Chánh đạo của Phật giáo là những chỉ dẫn giải thoát chúng ta khỏi đau khổ, khi chúng ta đi về hướng giác ngộ, hay chánh niệm. “Đi theo hướng giác ngộ” và “cầu một phép màu” về cơ bản là giống nhau.
Tôi vẫn còn nhớ như in hai lần nọ, khi đang rất phiền muộn, tôi đã cầu một phép màu. Cả hai lần, theo nghĩa đen chỉ trong vài phút sau khi tôi cầu nguyện, đã có việc xảy ra làm thay đổi tâm trạng của tôi. Cả hai lần tôi được yêu cầu, trong khi đang đau đớn, làm điều gì đó cho người khác. Lúc đầu, tôi nghĩ: “Chúa ơi, con không thể”, nhưng rồi nhận ra yêu cầu trên thực tế là hồi đáp cho lời cầu nguyện của tôi! Cơ hội làm điều gì đó cho người khác là cơ hội để tôi vượt qua chính mình. Và nó hiệu quả. Bất kỳ suy nghĩ nào đặt nhu cầu của ta quan trọng hơn người khác đều là suy nghĩ chia ly, và sẽ không dẫn đến hạnh phúc. Con đường tâm linh nghiêm túc là một thực hành giải thoát cảm xúc nhất quán cho tình yêu thay thế nỗi sợ, không chỉ đơn thuần đáp ứng cho tình huống cụ thể nào mà như một thái độ sống. Thực hành như vậy khiến ta chịu đựng được và biến đổi được niềm đau, khi nó xuất hiện. Tách mình khỏi những ảo ảnh của thế giới – thứ mà Đức Phật gọi là maya – chúng ta mới có thể vượt qua những suy nghĩ và cảm xúc luôn khiến cho trải nghiệm làm người trở nên khó chịu.
Tứ Diệu đế của Đức Phật là hiểu rõ rằng (1) vạn vật của thế giới này nhiều nhất cũng chỉ có thể mang lại hạnh phúc tạm thời; (2) đau khổ là do chấp trước của chúng ta với vạn vật của thế giới này gây ra; (3) chúng ta có thể thoát khỏi những chấp trước của mình và nhờ đó thoát khỏi khổ đau; và (4) thông qua Bát Chánh đạo, hay Trung đạo – không xa hoa thái quá, cũng không tự chối bỏ thái quá – chúng ta có thể thoát khỏi khổ đau. Bát Chánh đạo bao gồm Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định. Đây không chỉ là lý thuyết, mà chính là chìa khóa để có được một trí óc bình yên.
Chánh kiến
Phật giáo tuyên bố rằng chỉ thực tại tối hậu là có thật, và chính chấp trước của chúng ta vào cái không thật đã khiến chúng ta đau khổ. Cuộc sống chỉ đơn giản xảy ra như nó phải xảy ra. Đó không phải là những sự kiện khiến chúng ta khổ, ta khổ phần nhiều do chính cách nhìn nhận những sự kiện đó.
Ai đó có thể đối xử không tốt với ta, và vì thế mà ta khổ – hay là ta nghĩ như vậy. Nhưng nếu chỉ tình yêu là có thật, thì sự không tử tế kia chẳng tồn tại ở đâu khác ngoài cõi ảo tưởng. Chánh kiến nghĩa là thấy rằng bởi con người trần tục là một phần của ảo ảnh, nên ta không phải giới hạn nhận thức trong con người đã khiến mình đau đớn. Thông qua Chánh kiến, ta có thể mở rộng nhận thức vượt ra ngoài những gì mà các giác quan vật lý cảm nhận được, đến với thực tế chân thực hơn nằm bên ngoài.
Chẳng hạn, tôi có thể chọn cách đóng cửa trái tim mình để đáp lại việc bị bạn làm tổn thương, nhưng nỗi đau của tôi khi đó không phải là kết quả của việc bạn đóng cửa trái tim mình với tôi, mà bởi tôi đã đóng cửa trái tim tôi với bạn. Tôi không thể thấy tổn thương bởi thứ mà mình không bị bó buộc vào. Tôi không thể bị ảnh hưởng bởi thứ mà tôi từ chối cho là thực.
Ta cần kỷ luật để tập trung vào những gì cơ bản là đúng bất kể nó thể hiện bên ngoài ra sao. Chánh kiến nghĩa là từ chối làm theo một thực tế không thực sự tồn tại, mặc dù các giác quan khẳng định rằng có. Đôi mắt của thân xác này khăng khăng khẳng định một chiếc máy bay càng bay xa thì chúng ta càng nhỏ lại, nhưng rõ ràng không phải vậy. Các giác quan vật lý là chỉ báo của một thực tại ba chiều thực ra là ảo giác chết người. Hành trình tâm linh là việc chuyển từ mắt ngoài sang mắt trong, khi chúng ta mở rộng nhận thức của mình vượt khỏi bức màn ảo giác để đến với một sự thật chân thật nằm ngoài nó.
Giải phóng vũ trụ khỏi tâm trí bấu chặt cho phép chúng ta nhìn mọi sự như nó vốn là. Trong Phật giáo, trạng thái giải phóng tinh thần và cảm xúc đó được gọi là Niết bàn. Nó là trạng thái nhận thức giác ngộ mà trong đó trật tự thiên thể được phục hồi, nghiệp chướng được hoàn tác và sự bình an nội tâm trở nên khả dĩ.
Có lần, khi một tạp chí cho đăng một bài viết về tôi chứa đầy những lời nói dối và bịa đặt đáng xấu hổ, tôi đã bị công kích nặng nề. Vào đêm đó, tôi gặp một ngôi sao nhạc pop nổi tiếng trong một bữa tối, và những lời đầu tiên anh ấy nói với tôi là: “Marianne, hãy giả vờ bạn đang ở Nhật Bản đi. Bạn thậm chí còn chưa đọc gì cả”. Anh ấy đã nói những lời đó một cách đầy quả quyết, đầy sức mạnh, khiến trong khoảnh khắc đó tôi thực sự nhận ra rằng mình được lựa chọn. Kể từ đó, tôi thường nghĩ đến lời khuyên này. Cho đến hôm nay, thỉnh thoảng tôi vẫn tự nhủ: “Marianne, hãy giả vờ là đang ở Nhật Bản đi” khi bị cám dỗ hiểu nhầm một tình huống nào đó và để nó đánh bại mình.
Chánh tư duy
Sức mạnh của chủ đích đã được công nhận rộng rãi, nhưng đó là một sức mạnh có thể được sử dụng cho mục đích của cả tinh thần và bản ngã. Khi được tinh thần sử dụng, chủ đích là công cụ trong việc đồng tạo ra một thế giới yêu thương hơn. Còn khi bị bản ngã sử dụng, nó là thứ công cụ chỉ để cố gắng có được bất cứ thứ gì chúng ta nghĩ rằng mình muốn. Sử dụng sức mạnh của tâm trí để khiến điều gì đó xảy ra thì rõ là sự bướng bỉnh. Thứ gì không phục vụ tình yêu cũng sẽ chẳng phục vụ cho sự biểu lộ tâm linh của vũ trụ, bởi sự biểu lộ tâm linh của vũ trụ là tình yêu và chỉ tình yêu mà thôi.
Những chủ đích của tâm trí bản ngã là chúng ta có được cái này cái kia, hoặc làm cho cái này cái kia xảy ra. Chánh tư duy là một sự rung động cao hơn hoàn toàn. Nó là chủ đích sao cho tình yêu lan tỏa đến mọi sinh linh.
Đức Phật nói về cả Chủ đích đúng và Chủ đích sai. Chủ đích đúng trở thành một công cụ chữa lành, chủ đích sai lại là một công cụ gây hại. Và không tồn tại chủ đích trung lập. Tất cả suy nghĩ tạo ra hiệu ứng trên những cấp độ khác nhau. Nếu chúng ta không có chủ đích yêu thương, thì nó sẽ thuộc về chủ đích gây sợ hãi.
Ta có thể tự nhủ mình đã có chủ đích tốt nhất cho một tình huống nào đó chỉ đơn giản vì không có ý định làm tổn thương ai. Thông thường, khi ai đó làm tổn thương ta, họ nói: “Tôi không có ý làm tổn thương bạn”, như thể đó là một lời xin lỗi. Nhưng theo Đức Phật, không có chủ đích xấu là chưa đủ, ta phải có chủ đích tốt lành.
Thậm chí chỉ cần hơi nhận ra mức độ mà mọi suy nghĩ mình có đều ảnh hưởng đến trường rung động xung quanh, thì chúng ta cũng sẽ nhận ra rằng ngay cả khi thế giới không nhìn thấy hay nghe thấy những suy nghĩ này, vũ trụ vẫn ghi nhận chúng. Có một bộ phim tài liệu tên là The True Cost (Cái giá thật sự) tiết lộ những bất công khủng khiếp mà người lao động phải chịu tại các nhà xưởng bóc lột nhằm cung ứng cho ngành công nghiệp “thời trang ăn liền”*. Bộ phim là lời đáp hoàn hảo cho câu hỏi hóc búa về chủ ý. Khi mua một chiếc quần jeans 12 đô tại một cửa hàng giảm giá hợp mốt, tôi chắc chắn không có ý định làm tổn thương bất cứ ai mà chỉ đơn giản muốn tìm một chiếc quần jeans đẹp với giá tốt. Nhưng sau khi xem bộ phim kia, tôi chấp nhận một chủ đích cao hơn; trong trường hợp này, Chánh tư duy nghĩa là không còn mua sắm tại các chuỗi cửa hàng khổng lồ bán các mặt hàng giá rẻ được làm ra từ mồ hôi nước mắt của những người làm việc trong công xưởng bóc lột, bị đối xử không khác gì nô lệ ở phía bên kia địa cầu.
* “Fast fashion” là từ dùng để chỉ kiểu thời trang có mẫu mã đa dạng, nắm bắt xu hướng nhưng giá thành rẻ, tuy nhiên để có được mức giá này, các nhà sản xuất cũng cắt giảm chi phí sản xuất hết mức có thể – bao gồm cả việc không đảm bảo quyền lợi cho người lao động – ND.
Từ cách đối xử và trả lương cho công nhân nhà máy ở nhiều quốc gia, đến việc đối xử tàn nhẫn với động vật, thậm chí lái xe một mình khi có thể đi chung xe, giáo huấn Chánh tư duy của Phật kêu gọi chúng ta đến một mức độ ý thức cao hơn mà hầu hết đều chưa đạt được – chắc chắn trong số đó có tôi. Tuy thế, chúng ta có thể cố gắng cải thiện. Việc sống trong xã hội hiện đại cũng đặt ra những thách thức không ngừng đối với Chánh tư duy. Tác hại mà chúng ta gây ra cho người khác và chấp nhận gây ra cho người khác đã khiến cho nghiệp chướng mà chúng ta phải cùng nhau gánh lấy ngày càng thêm nặng.
Chánh tư duy rất quan trọng để hiểu được cách chữa lành đau khổ, bởi nó khuyến khích chúng ta suy nghĩ lại về nguyên nhân nỗi đau của mình, cũng như cách phản ứng thích hợp. Khi phân biệt được giữa chủ đích đúng và sai, chúng ta cũng thay đổi được cách đương đầu với đau khổ của chính mình và cách nhìn nhận đau khổ trên toàn thế giới. Chúng ta có thể trở thành công cụ cho điều lành, ngay cả khi ta hầu như không cảm thấy mình muốn làm như vậy.
“Ý chị là bây giờ, khi vẫn đang đương đầu với nỗi đau của chính mình, tôi phải suy nghĩ về việc tôi sẽ ảnh hưởng đến người khác như thế nào hay sao?”. Vâng, nếu bạn muốn chữa lành, thì câu trả lời là đúng vậy.
Chánh ngữ
Chánh ngữ là một khía cạnh quan trọng của chánh niệm. Những lời chúng ta nói ra ảnh hưởng tinh vi lẫn không quá tinh vi lên cả chính ta lẫn những người xung quanh. Việc sử dụng đúng từ ngữ là một công cụ quan trọng trên con đường biến đổi sự khổ đau.
Đức Phật xác định bốn chìa khóa cho Chánh ngữ là: lời nói đi cùng với tình cảm, với sự trung thực, vì lợi ích của người khác và với ý định làm điều tốt.
Chánh ngữ áp dụng với ngay cả cách chúng ta nói về bản thân. Chúng ta cần thẳng thắn, tất nhiên, đó là điều quan trọng; có điều khi làm như vậy, đôi khi ta có thể vô tình vượt qua ranh giới giữa vô hại và có hại, nói ra những lời tự chê bai như: “Mình ngu ngốc quá! Mình đúng là một kẻ thất bại!”. Nhưng tấn công vào chính mình là việc hồ đồ chẳng kém gì tấn công người khác. Dù việc xử lý những thất vọng trong cuộc sống là cần thiết, nhưng tốt nhất nên làm điều đó với các nhà tư vấn chuyên nghiệp, các nhóm hỗ trợ ẩn danh hoặc các mối quan hệ bạn bè đáng tin cậy nhất. Hãy tìm cách đối xử tốt với bản thân và người khác, ngay cả khi cần trung thực. Với mỗi lời nói ra, chúng ta đều hình thành suy nghĩ và mọi suy nghĩ đều thành hình ở một mức độ nào đó.
Tất nhiên ai cũng có suy nghĩ tiêu cực, nhưng vấn đề là phải làm chủ chúng, thừa nhận chúng, và rồi buông bỏ. Kế hoạch của bản ngã để thoát khỏi khổ đau là hướng nguồn đau khổ lên người khác, nhưng điều này thực chất lại cản trở sự chữa lành của chính chúng ta. Câu hỏi không phải là liệu chúng ta “được quyền” có những cảm xúc tiêu cực hay không, bởi tất nhiên là được. Vấn đề là chúng ta chọn quản lý quyền lực cá nhân của mình thế nào. Lời nói vừa có sức mạnh chữa lành vừa gây hại.
Nghĩ rằng tôi nói gì cũng không quan trọng bởi vì “Tôi không thật có ý đó” hay “Anh ta sẽ không bao giờ biết rằng tôi đã nói điều đó” là không đúng. Vũ trụ có tai đấy. Mỗi lời chúng ta nói đều mang dấu ấn sức mạnh, bất kể người lắng nghe chúng là ai. Tôi nhớ khi còn nhỏ, chúng tôi hay nói rằng: “Rút lại lời đó đi!” mỗi khi ai đó nói điều mà chúng tôi không thích. Bản năng chúng ta rõ ràng biết rằng lời nói có sức mạnh. Ngay cả ngày nay, chẳng phải chúng ta vẫn nói: “Phỉ phui! Phỉ phui cái mồm!” khi nghe ai đó nói điều tiêu cực đó sao?
Chánh ngữ không chỉ liên quan đến những gì chúng ta nói ra; mà còn liên quan đến cách ta nói. Tôi đã bị chỉ trích vì nói theo cách khiến người khác bị tổn thương tình cảm, trong khi thật tâm không hề có mảy may ý định làm tổn thương ai. Tôi chỉ đơn thuần nghĩ mình đang nói sự thật. Nhưng ranh giới giữa việc “chia sẻ” và “công kích” cần phải được theo dõi chặt chẽ, điều mà ta cảm thấy bình thường thôi khi nói ra lại có thể khiến người nghe cảm thấy gay gắt. Nếu lời nói của chúng ta mang theo năng lượng tấn công, thì dù cho đó là sự thật đi nữa cũng không còn quan trọng. Tấn công người khác là chúng ta sai, ngay cả khi ta đúng. Trung thực mà không có lòng trắc ẩn thì cũng là tàn bạo, đó là sự thật.
Trong giao tiếp có bao hàm sự cảm thông, nếu chúng ta không cảm thông thì đó không thực sự là giao tiếp. Bởi cảm thấy bị tấn công nên người mà ta đang trò chuyện cùng sẽ không còn thấy ta chỉ đơn giản là chia sẻ sự thật. Thật dễ hiểu khi họ đóng cửa trái tim lại với ta vì cảm thấy ta đã đóng cửa trái tim với họ, và như thế tất nhiên họ cũng không còn lắng nghe nữa. Chúng ta không được lắng nghe, và trở nên bực tức. Đó là một cái vòng lẩn quẩn.
Hãy học cách trung thực và đáng tin nhất có thể, nhưng cũng hãy chịu trách nhiệm về không gian trái tim dành cho bản thân và người khác, bởi đó là điều cần thiết để giác ngộ.
Chánh ngữ cũng bao gồm nhận ra sức mạnh của việc không nói gì. Mahatma Gandhi đã nói: “Chỉ nên nói nếu nói tốt hơn là im lặng”. Một trong những quả ngọt của thiền định là cho phép tâm trí tĩnh lặng, một điều không hề đơn giản trong một thế giới có quá nhiều người dường như đang thiếu khả năng kiểm soát ham muốn. Bản ngã muốn nói, và muốn nói ngay. Gửi văn bản đó đi! Gửi email đó đi! Gọi điện thoại đi! Hãy nói ra những gì bạn nghĩ đi! Nhưng việc bạn có một suy nghĩ, bất kể nó có thể đúng như thế nào, không nhất thiết có nghĩa là nó nên được chia sẻ hoặc chia sẻ ngay.
Khi và nếu có điều cần nói, những điều phản ánh sự tốt lành cao cả nhất, ta sẽ được hướng dẫn không chỉ nên nói gì, mà còn nói lúc nào và nói thế nào. Đó chính là điều tạo nên sự khác biệt.
Tin đồn tiêu cực là một vấn đề khác liên quan đến Chánh ngữ; cơ bản là nếu người mà chúng ta đề cập đến không vui vẻ gì khi nghe những điều ta nói về họ, thì có lẽ ta không nên nói. Tôi nhớ mẹ tôi thường trích dẫn lời của thỏ Thumper trong phim Bambi: “Nếu bạn không có điều gì hay để nói, thì đừng nói gì cả”. Vì tất cả tâm trí đều hiệp thông với nhau nên trong tiềm thức, mọi người đều sẽ biết. Bất kể ta nói gì về bất kỳ ai ở một mức độ nào, thì họ cũng sẽ biết. Từng lời được nói ra – về chính bản thân, về người khác, về bất cứ điều gì – đều mang theo sức mạnh của ý nghĩ đằng sau nó. Bạn từng nghe câu “Gậy và đá có thể làm gãy xương, nhưng lời nói không bao giờ có thể gây tổn thương” chưa? Không đúng đâu! Bạo lực bằng lời nói vẫn là bạo lực, và lời nói có thể gây tổn thương rất nhiều.
Chánh nghiệp
Chánh nghiệp là hướng dẫn chỉ hành động theo những cách hài hòa với vũ trụ. Nó tự động bắt nguồn từ thực tại tối thượng của việc chúng ta là ai, tức là lòng trắc ẩn vô hạn.
Trong thế giới ngày nay, chúng ta luôn luôn nghĩ về những việc làm và sẽ làm theo hướng xem chúng có mang lại những gì mình muốn hay không. Nhưng Chánh nghiệp kêu gọi một động cơ cao hơn cho hành động. Có những điều ta nên làm không vì lý do nào khác ngoài chuyện đó là điều đúng đắn – không phải vì ta sẽ nhận được gì từ nó, cũng không phải vì những người khác sẽ biết về nó và hoan hô ta. Chúng ta nên làm không vì lý do nào khác ngoài việc nó phù hợp với sự chính trực, trung thực, lòng hào hiệp và tình yêu.
Điều này có nghĩa là, rõ ràng, chúng ta không giết, ăn cắp hoặc có quan hệ bất chính với những người đã ràng buộc về mặt cảm xúc hoặc đạo đức với người khác. Chúng ta tìm cách trung thực, hành động hoàn hảo, tôn trọng các thỏa thuận của mình. Gieo nhân nào thì gặt quả nấy. Bất cứ điều gì chúng ta làm sẽ trở ngược lại với chúng ta, và những gì chúng ta từ chối làm cho người khác cũng sẽ bị kìm giữ lại với ta. Không có lời kêu gọi Chánh nghiệp nào hơn quy tắc vàng sau đây: Hãy làm cho người khác những gì bạn muốn họ làm cho bạn. Bởi vì họ, hoặc ai đó, sẽ làm như vậy.
Khi đau đớn, hoặc khi cảm thấy cần phải khiến điều gì đó xảy ra, ta rất dễ bị cám dỗ thỏa hiệp với nguyên tắc Chánh nghiệp. Tuy nhiên, một khi thực sự hiểu rằng mọi hành động đều tạo ra phản ứng – cho dù hành động đó có được ai thấy biết hay không – thì chúng ta cũng hiểu rằng không có thỏa hiệp nào với sự công bằng chính đáng mà cuối cùng lại không thỏa hiệp với lợi ích của chính ta.
Thỉnh thoảng chúng ta có thể được yêu cầu làm gì đó và thấy mình nghĩ rằng: “Trời ơi, mình không có thời gian! Mình không có sức lực! Mình không có điều kiện!”. Ngày nay, ta cũng rất dễ gặp những người bảo ta xem lại xem liệu có phải mình đang “cho quá nhiều” hay không. Tuy nhiên, phản ứng của chúng ta phải luôn được xác định bởi những gì ta thực sự cảm thấy từ trái tim. Và vũ trụ sẽ hỗ trợ cho ta. Khi trái tim bạn mở rộng, cuộc sống của bạn mở rộng; khi trái tim bạn co siết, cuộc sống của bạn cũng co siết lại.
Bản ngã, hay Mara, thường lập luận rằng lợi ích của chúng ta nằm ở việc tránh trách nhiệm, đốt cháy giai đoạn, vô đạo đức. Nhưng chỉ có cái thiện mới truyền bá cho cái thiện. Khi chán nản không phải là lúc để ta lơ là việc cảnh giác tâm linh. Bằng cách thực hành các nguyên tắc tâm linh, đặc biệt trong thời gian vô cùng buồn đau, chúng ta hợp lực với vũ trụ để đưa cuộc sống của mình trở lại đúng hướng.
Đôi khi Chánh nghiệp có nghĩa là ta phải xin lỗi người mà ta không hề muốn xin lỗi. Hoặc đến nơi mà ta không hề muốn đến. Nhưng nếu trong lòng ta cảm thấy điều đó là đúng, là nên làm, thì ta sẽ được ban phúc bởi đã làm. Có một rối loạn rất phổ biến trong xã hội là quan niệm cho rằng chỉ nên làm điều gì đó nếu cảm thấy tốt, hoặc nghĩ rằng nó sẽ mang lại thứ gì đó có giá trị. Quan niệm như vậy nảy sinh từ sự thiếu hiểu biết tâm linh và hoàn toàn không phải là sự thật.
Cho phép bản thân làm bất cứ điều gì mình muốn không phải là tự do, mà là cấp phép. Nó không giải phóng, mà giam cầm ta. Chánh nghiệp – cố gắng làm điều đúng đắn – là con đường giác ngộ duy nhất, bởi vì nó trôi theo sự hướng dẫn của trái tim.
Chánh mạng
Chánh mạng là nguyên tắc đưa ra lựa chọn nghề nghiệp có đạo đức, nghĩa là không kiếm sống theo cách gây hại cho người hoặc động vật bởi vì làm như vậy sẽ cản trở sự giác ngộ. Thấy được công việc của mình là một kênh dẫn mở rộng tình yêu vào thế giới, ta sẽ tìm cách kiếm sống phù hợp với thôi thúc cống hiến cao hơn.
Trong công việc ngày nay, rất nhiều người đang phải đối mặt với những thách thức liên quan đến nguyên tắc Chánh mạng. Ta có thể tự hỏi liệu có nên lên tiếng về một hoạt động phi đạo đức ở công ty mình làm hay không, nhưng lại sợ có thể bị mất việc nếu làm như vậy, và nghĩ rằng “dù sao đó cũng không phải là vấn đề lớn”. Hoặc ta có thể bán một sản phẩm đắt hơn nhiều giá trị thực của nó, vì thực sự cần thêm tiền trong tháng này. Hoặc gián tiếp thúc đẩy bạo lực bằng cách tham gia sản xuất một quảng cáo, một chương trình truyền hình hoặc một bộ phim bạo lực vô duyên cớ. Hoặc bán một mặt hàng mà ta biết rõ là sẽ không cung cấp được những gì nó hứa hẹn.
Bởi những thiếu sót về đạo đức trí mạng trong nền kinh tế toàn cầu ngày nay – các tập đoàn lớn đặt lợi ích kinh tế ngắn hạn của riêng họ lên trên sức khỏe và sự thịnh vượng của đại đa số dân cư thế giới, cũng như trên cả chính hành tinh này – nên vấn đề Chánh mạng cũng có ý nghĩa tập thể. Nếu mỗi cá nhân chúng ta làm tất cả những gì có thể để có đạo đức trong công việc chuyên môn của riêng mình, thì đã đủ chưa? Chúng ta có cần phải xem xét bức tranh lớn hơn về một hệ thống kinh tế đang ngày càng được khẳng định dựa trên lợi nhuận tăng lên cho một số ít người nhờ giẫm đạp lên rất nhiều người khác không?
Rất dễ nghĩ rằng nếu không trực tiếp làm tổn thương ai thông qua phương kế kiếm sống của mình thì chắc chắn chúng ta không phải nhận hậu quả tiêu cực. Nhưng nếu chúng ta gián tiếp hỗ trợ một doanh nghiệp phi đạo đức, chẳng hạn bằng cách cung cấp dịch vụ hỗ trợ chuyên nghiệp cho họ, thì thực sự chúng ta đã vi phạm nguyên tắc Chánh mạng rồi. Không có nguyên tắc nào trong Bát Chánh đạo của nhà Phật liên quan đến tương lai của nhân loại hơn nguyên tắc khuyến khích các quốc gia tiên tiến trên thế giới xem nghiệp tiêu cực tích lũy khi kinh doanh phục vụ cho lòng tham là trái ngược với tình yêu.
Rất nhiều đau khổ không cần thiết trên thế giới ngày nay – từ các cá nhân bị nền kinh tế toàn cầu gạt ra bên lề cho đến các cuộc khủng hoảng kinh tế do các hoạt động ngân hàng phi đạo đức – xảy ra bởi sự thiếu Chánh mạng, không nhất thiết từ phía chúng ta, mà từ phía các hệ thống chúng ta tham dự vào. Chúng ta không thể chỉ bo bo vì lợi ích của riêng mình, dù là tiền bạc hay gì khác. Tôi từng thấy một người biểu tình “Chiếm lấy Phố Wall” cầm tấm bảng ghi rằng, “Phố Wall nên thực hành Chánh mạng”. Thật vậy!
Chỉ cần biết rằng Chánh mạng là một phần của Bát Chánh đạo thôi là đủ để đặt vấn đề ra rành rành trước mắt chúng ta. Đó là món quà của Phật giáo, như bất kỳ giáo lý tâm linh nào. Nó không đặt linh hồn chúng ta “ở đó”, một góc xa xôi nào tách biệt khỏi cuộc sống hằng ngày. Nếu tất cả chúng ta cố gắng hơn một chút thôi, áp dụng nguyên tắc này một cách nhất quán hơn, thì những thay đổi cả lớn lẫn nhỏ sẽ bắt đầu xảy ra. Việc vi phạm nguyên tắc này là cốt lõi của rất nhiều nghiệp tiêu cực trong cuộc sống của chúng ta, cả với tư cách cá nhân và xã hội. Và việc bắt đầu tôn vinh tầm quan trọng của Chánh mạng sẽ mang lại tác động tích cực triệt để đến tất cả mọi người.
Chánh tinh tấn
Chánh tinh tấn là sự chủ động tu dưỡng hướng đến giác ngộ như liều thuốc giải duy nhất cho những ám ảnh thần kinh của tâm trí bản ngã. Lý do chúng ta muốn thực hành nó là vì tâm trí cực kỳ mạnh mẽ, dù theo bất kỳ hướng nào. Một tâm trí không có ý thức và không chủ động hòa hợp với nỗ lực tư duy đúng đắn là đang tiếp tay cho tư duy sai lầm. Mara luôn tìm cách chiến thắng tình yêu và sử dụng bất kỳ cơ hội nào để tận dụng sự thiếu cảnh giác của chúng ta.
Khi chúng ta chán nản, Mara chuyên về những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực như biến mình thành nạn nhân, tuyệt vọng, hoài nghi, tức giận, trả thù, tấn công và đổ lỗi. Cần nỗ lực vượt qua những suy nghĩ như vậy, để nhận ra chúng là các lực lượng của bản ngã, và cố gắng suy nghĩ khác đi. Trong thời gian buồn bã, lời cam kết Chánh tinh tấn lại càng quan trọng hơn bao giờ hết, bởi vì một trong những đặc tính của nỗi buồn là nó làm chúng ta cạn kiệt năng lượng. Mara sống nhờ vào sự lười biếng, chần chừ, sự hợp lý hóa và tự nuông chiều bản thân.
Đôi khi Chánh tinh tấn là xin lỗi ai đó; đôi khi là bắt đầu một kế hoạch để thanh toán hóa đơn; đôi khi là xua tan hiểu lầm trong một mối quan hệ; đôi khi là bắt đầu tập thể dục nhiều hơn, hoặc thiền nhiều hơn, hoặc đọc nhiều hơn; đôi khi là giúp đỡ người khác; đôi khi là viết một lời cảm ơn; đôi khi là làm một việc gì đó tử tế mà bạn chưa từng nghĩ mình có thời gian để làm; đôi khi là thực hiện trách nhiệm của một công dân; đôi khi quyên góp cho một mục đích tốt đẹp; đôi khi là dọn dẹp nhà cửa; đôi khi là gọi điện cho một người bạn hoặc người thân trong gia đình… Trong thâm tâm, ta thường đã biết phải làm gì, Chánh tinh tấn đơn giản có nghĩa là chúng ta chọn làm điều đó.
Đôi khi, khi nỗi khổ khiến chúng ta oằn mình đau đớn, Chánh tinh tấn chỉ đơn thuần là thức dậy mỗi sáng và tuần tự bước một chân lên trước chân kia, gom góp đủ niềm tin vào những khả năng để vượt qua thêm một ngày nữa. Chỉ thế thôi đã là một điều tốt. Bất cứ nỗ lực đúng đắn nào chúng ta có thể thực hiện vì lòng từ bi dành cho bản thân và người khác, vũ trụ đều sẽ ghi nhận và đáp lại đúng như vậy. Khi chúng ta nỗ lực tuân theo các nguyên tắc giác ngộ, các sức mạnh của giác ngộ sẽ trao quyền cho chúng ta.
Chánh niệm
Chánh niệm là một ý tưởng đang thịnh hành, sự phổ biến của nó đã tạo ra những chuyên luận về mọi thứ, từ việc nuôi dạy con chánh niệm đến làm việc chánh niệm, cho đến ly hôn chánh niệm. Chánh niệm chắc chắn là đỉnh cao của hành trình tâm linh, vì nó là sự liên kết tinh thần từ nơi xuất phát lòng từ bi.
Chánh niệm có nghĩa là “nhận thức đúng” hay “chú ý đúng”. Nghĩa là rèn cho tâm trí ghi nhớ những gì là vĩnh cửu bên ngoài cái tạm thời, nắm lấy thực tại tối thượng vượt ngoài những ảo tưởng của thế giới. Chánh niệm là đạt được một trạng thái ý thức vượt ra ngoài tất cả các khái niệm, biểu tượng, ảo tưởng và các liên kết sai lạc của tâm trí phàm trần. Đó là nơi giao thoa giữa con người và thiêng liêng, sự liên kết hoàn hảo của tâm trí phàm trần với Tâm trí của Chúa Trời. Ở đó, chính tại nơi đó, không có sự thôi thúc nghĩ sai hay làm sai, không bị điệu nhảy tử thần của Mara tấn công, không có tiếng nói cuồng loạn gào thét trong đầu. Tâm trí chánh niệm là một tâm trí bình an, tâm trí trong sạch.
Cách đây không lâu, tôi đến thăm New Delhi. Tôi cần gặp và ăn trưa với một người ở sảnh của một khách sạn nhưng lại không biết anh ta trông như thế nào vì chúng tôi chỉ liên lạc qua email. Sảnh khá đông và tôi thì đến trễ. Nhìn xung quanh, tôi bắt đầu cảm thấy khá lo lắng. Một phụ nữ trẻ đáng yêu là nhân viên của khách sạn đã đến và hỏi có thể giúp gì không. Tôi nói với cô ấy rằng hoàn cảnh đang khiến tôi khá căng thẳng và không biết nên làm gì. Cô ấy đề nghị tôi vào một góc của sảnh, ngồi xuống và lấy lại bình tĩnh, sau đó chắc chắn tôi sẽ biết nên làm tiếp theo. Tôi đã tự cười thầm và nghĩ bụng: “Phải rồi. Mình phải biết điều này chứ”.
Có thể mất nhiều năm thiền định và thực hành thì mới đạt được Chánh niệm ở một nền tảng chắc chắn. Đôi khi chúng ta chỉ đơn giản được đưa đến một trạng thái như vậy, giống như một ơn huệ vào thời điểm nào đó mà ta ít mong đợi nhất. Cho dù chúng ta đang hướng tới mục tiêu Chánh niệm, hay ghi nhớ những khoảnh khắc biết mình ở đó, nó vẫn tỏa sáng như một ngọn đèn hiệu về triển vọng thiêng liêng cho tất cả chúng ta. Đức Phật đã đạt được nó, và khi bước theo con đường của ngài, chúng ta cũng đang đi theo ngọn đèn hiệu để đến với sự giác ngộ của chính mình.
Chánh định
Chánh định là khi tâm trí tập trung đúng đắn. Bằng cách tập trung tâm trí vào những gì là sự thật, chúng ta không chỉ vượt lên trên đau khổ mà còn biến đổi nó. Việc này đòi hỏi nuôi dưỡng một tâm trí yên tĩnh để trấn an các lực lượng hỗn loạn bên trong.
Thiền trong Phật giáo, như A Course in Miracles và tất cả các thực hành tâm linh nghiêm túc khác, là một công cụ để tâm trí đau khổ vượt qua nỗi đau đớn. Những thực hành như vậy rèn chúng ta tập trung vào hiện tại khi tâm trí bị ám ảnh bởi quá khứ và tương lai, tập trung vào lòng từ bi khi bản ngã bị ám ảnh bởi lỗi lầm của người khác để tập trung vào thực tế sâu sắc hơn của cuộc sống ngoài những ảo tưởng của thế giới.
A Course in Miracles nói rằng chúng ta đạt được rất ít do tâm trí ta vô kỷ luật. Chúng ta đã quá khoan dung với bản ngã khi nó lang thang sâu vào cám dỗ của những suy nghĩ tiêu cực, phê phán. Những người theo đạo Phật sử dụng thiền định để tập trung tâm trí vào những gì thực sự có thật, như một cách để xóa tan những gì không thật.
Nhà Phật có câu chuyện về một viên tướng đã cử tay sai đến một ngôi chùa để thông báo rằng ông ta sẽ tiếp quản nó làm tài sản cá nhân, và tất cả các nhà sư ở đó phải rời đi. Tuy nhiên, có một nhà sư từ chối ra đi. Khi được bẩm báo lại việc này, viên tướng hỏi: “Các ngươi có nói rằng hắn sẽ bị giết nếu không làm như ta nói chưa?”. Thuộc hạ nói chắc chắn đã thông báo điều đó, nhưng nhà sư vẫn không hề suy suyển.
Viên tướng quyết định tự vào chùa để nói chuyện với nhà sư nọ.
Ông ta giơ kiếm ấn nhẹ vào cổ họng của nhà sư và gầm lên: “Ngươi có biết rằng thanh kiếm này có thể chẻ đôi ngươi từ trên xuống dưới?”.
Nhà sư nhìn viên tướng và rất bình thản trả lời: “Ông có biết rằng ta có thể cho phép ông làm vậy?”.
Nghe xong những lời đó, viên tướng buông kiếm và quỳ sụp xuống. Nhận ra mình đang đứng trước một bậc thầy tâm linh, ông ta từ bỏ cuộc sống bạo lực và bắt đầu hành trình đến sự giác ngộ.
Thông qua Chánh định, nhà sư đã đạt được một trạng thái tâm trí mà nỗi sợ hãi không thể len vào. Việc thực hành tâm linh đã đưa ông đến một nơi vượt ra ngoài ảo ảnh cùng sức mạnh của nó. Vì không sợ chết, ông sống trong tâm thế không sợ sệt, và điều ấy đã cho ông quyền lực vượt trên các thế lực trần tục. Trạng thái giác ngộ không khiến ông yếu đuối mà làm cho ông thêm mạnh mẽ.
Câu chuyện này là một ví dụ về lợi ích của thực hành tâm linh đối với tâm trí phiền muộn, nó thay đổi mạch não liên quan đến thứ khiến chúng ta đau khổ. Nó giúp thế giới phàm trần hòa hợp với một sự thật lớn hơn khi chúng ta nhìn tình huống không qua các bộ lọc tinh thần thường thấy, mà nhìn vào bản chất thực của chúng. Nhà sư, hóa ra, mạnh hơn cả viên tướng. Điều này có nghĩa là mỗi chúng ta, khi suy nghĩ đúng đắn, sẽ mạnh hơn bản ngã – và vì thế mạnh hơn nỗi buồn và nỗi sợ.
Chánh định nhắc nhở chúng ta rằng chỉ suy nghĩ tích cực vẫn chưa đủ để đè lên nỗi thống khổ về tinh thần, mà ta còn cần hành thiền nghiêm túc để bồi đắp cho cơ bắp thái độ. Niềm tin duy linh mơ hồ và mập mờ không làm được việc này, nhưng thực hành nghiêm túc việc nuôi dưỡng một hệ thống suy nghĩ dựa trên tình yêu và lòng trắc ẩn thì không thể thất bại. Dù cho ta thực hành thiền theo Phật giáo, theo Thiền siêu việt, theo sách A Course in Miracles hay bất kỳ gì khác, không có công cụ nào mạnh mẽ hơn là tập trung tâm trí vào những gì có thật.
. . . . .
Phật giáo là món quà độc đáo và quý giá đối với hành tinh này, được một tỷ người đón nhận trong hàng ngàn năm nay. Những lời dạy của Đức Phật thâm sâu như đại dương và rộng mở trái tim đến mức tối đa. Sự giác ngộ của Đức Phật đã thúc đẩy sự tiến hóa tinh thần của loài người, những lời dạy của Ngài làm tăng thêm hiểu biết của chúng ta – cũng như sự thực hành của chúng ta – về bất kỳ hệ thống chân lý tâm linh nào. Tứ Diệu đế và Bát Chánh đạo là những chỉ thị mạnh mẽ cho cách vượt qua tâm phiền muộn. Đức Phật là ánh sáng đã chiếu sáng, và vẫn đang tiếp tục chiếu sáng, một tỷ đêm đen.