Từ thế hệ này sang thế hệ khác, năm nào người Do Thái cũng tụ tập khi đến lễ Vượt qua để đọc câu chuyện về cuộc Xuất hành, hành trình của dân Israel từ cảnh nô lệ đến Đất Hứa. Câu chuyện Xuất hành không bao giờ thay đổi, nhưng chúng ta thì có, sau mỗi năm. Những câu chuyện tôn giáo lớn là lời nhắc nhở về những điều không thay đổi, để chúng ta có thể điều hướng khôn ngoan hơn những thứ thay đổi.
Do Thái giáo vừa tinh vi về trí tuệ vừa sâu sắc về cảm xúc, và cũng giống Hồi giáo, thần học của tôn giáo này gắn bó sâu sắc với lịch sử của một dân tộc. Cũng giống các tôn giáo khác, nó hướng dẫn không chỉ cách để sống trên thế giới này, mà còn cả cách để sống sót sau những tàn phá. Người Do Thái không lạ gì đau khổ, sự ghét bỏ, định kiến hay áp bức. Trải nghiệm đau khổ của họ ở một góc khác với mối quan hệ của họ với Chúa Trời. Không thể hiểu được câu chuyện của người Do Thái nếu đặt ngoài câu chuyện của một lịch sử bị chối bỏ, nhưng cũng không thể hiểu được nếu đặt nó ngoài lời hứa cứu nguy và giải thoát đời đời của Chúa Trời. Người Do Thái phải chịu khổ – một điều đã rõ ràng. Nhưng Chúa Trời luôn thực hiện lời hứa của mình và với Người, người Do Thái đã phát triển một mối quan hệ với Chúa không chỉ đưa họ mà còn đưa cả thế giới đến một không gian nơi bản ngã có thể chỉ tạm thời phá vỡ. Chiến thắng vĩ đại nhất của người Do Thái là họ đã sống sót. Khi làm như vậy, họ thiết lập một mô hình sinh tồn tâm linh – và chiến thắng – một món quà cho toàn thế giới.
Hằng năm tại lễ Vượt qua, người Do Thái kể lại câu chuyện dân Israel được dẫn dắt thoát khỏi cảnh nô lệ ở Ai Cập, lang thang trong sa mạc 40 năm và cuối cùng được giải thoát đến Đất Hứa. Cuộc Xuất hành được dẫn dắt bởi Moses, một trong những nhân vật vĩ đại nhất trong các tài liệu tôn giáo (dù việc ngài có thực sự tồn tại trong lịch sử hay không vẫn là một tranh cãi thú vị nhưng thật ra cũng không quan trọng). Tất cả các tôn giáo lớn khởi nguồn từ Tổ phụ Abraham – Do Thái giáo, Hồi giáo, và Cơ Đốc giáo – đều coi Moses như một sứ giả toàn cầu và có tính lịch sử cho mọi thời đại.
Vào thời điểm Moses ra đời, người Do Thái còn chịu cảnh nô lệ ở Ai Cập. Theo câu chuyện kể lại, các nhà chiêm tinh Ai Cập nói với Pharaoh rằng vào một ngày cụ thể, người giải phóng dân Israel sẽ được sinh ra, tuy nhiên không thể xác định đó là người Do Thái hay Ai Cập. Để loại trừ mọi khả năng một nhà giải phóng xuất hiện, Pharaoh ra lệnh rằng tất cả trẻ trai sinh ra vào ngày hôm đó sẽ bị dìm chết dưới sông Nile.
Rồi vào đúng ngày ấy, Moses ra đời. Khi ngài đến với thế giới, ngôi nhà nơi ngài sinh ra sáng bừng lên. Ánh sáng từ ấy là một chủ đề xuyên suốt cuộc đời Moses – từ ánh sáng tràn ngập ngôi nhà nơi sinh ra, đến bụi cây bốc cháy nơi Chúa Trời thông báo sứ mệnh vĩ đại mà ngài nhận lãnh, tới ánh sáng chiếu rọi trên khuôn mặt ngài trở về sau khi nhận bản Giao ước, hay Mười Điều Răn, từ núi Sinai. Ánh sáng – biểu tượng của hiểu biết tâm linh – là ánh sáng lấp đầy bất kỳ tâm trí, hoặc bất kỳ môi trường nào mà suy nghĩ của Chúa Trời hiện diện. Moses, giống như tất cả chúng ta, được ánh sáng dạy dỗ và bảo vệ. Chỉ ánh sáng mới có sức mạnh loại bỏ bóng tối của tâm trí bản ngã. Chỉ hiểu biết tâm linh mới có thể cứu con người khỏi tất cả sự điên loạn đang hoành hành trong mỗi chúng ta và giữa chúng ta với nhau.
Mẹ của Moses, Jochebed, nhận ra rằng không thể giấu Moses khỏi tai mắt của lính Ai Cập. Tuy đau lòng nhưng trong lúc tuyệt vọng muốn cứu con, bà đã làm một cái giỏ không thấm nước, đặt Moses vào, rồi thả giữa đám sậy mọc trên bờ sông Nile.
Không có nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau của một người mẹ bị tách khỏi con của mình, tất cả chúng ta đều có thể cảm thấy khía cạnh nào đó của sự dữ dội khi bị chia cắt với những gì mình đã tạo ra. Ai trong chúng ta lại không cảm thấy đau khi bị tách khỏi sự ngây thơ, hạnh phúc, tiềm năng, khỏi điều mình hằng trông đợi? Và ai mà không dũng cảm làm tất cả những gì có thể để bảo vệ những thứ ấy, để giấu chúng đi, để cất chúng vào một nơi an toàn?
Moses có một số mệnh lớn lao hơn các thế lực sẽ đấu lại ngài, tất cả chúng ta cũng vậy. Và mọi việc đã diễn ra theo cách giúp ngài sống sót. Con gái của Pharaoh, một người nổi loạn chống lại thánh chỉ tàn ác giết trẻ sơ sinh, đã tìm thấy bé Moses và đưa về nuôi nấng trong cung điện như con ruột. Quan trọng nhất, chính tình yêu của người mẹ, sự can đảm và sẵn lòng làm bất cứ điều gì cần làm để cứu sống con trai, đã mở đường cho Moses được an toàn. Đó cũng là thông điệp cho tất cả chúng ta. Chúng ta có thể đau lòng, nhưng vũ trụ đã được lập trình để bất cứ khi nào bản ngã làm tổn thương chúng ta hoặc lấy đi từ chúng ta bất cứ điều gì, thì câu chuyện vẫn chưa kết thúc, mà chỉ mới bắt đầu. Hãy làm theo tình yêu, và tình yêu sẽ tìm ra cách.
Bản ngã luôn tìm cách phá hủy, nhưng tinh thần luôn tìm cách cứu rỗi. Vũ trụ tìm kiếm những người và những tình huống mở ra để tiếp nhận và tiếp tục tạo thành tình yêu. Con gái của Pharaoh tìm thấy bé Moses trong đám lau sậy bên bờ sông Nile rồi đem về nuôi nấng, sau đó, không ai hay biết, Jochebed trở thành người hầu gái vào giúp nuôi dạy đứa trẻ. Tình yêu không bao giờ chết, nó chỉ biến thành hình thái khác.
Hãy lưu ý rằng sự hung ác trong câu chuyện được khắc họa qua nhân vật quyền lực nhất là Pharaoh. Nhưng sức mạnh của thế giới khác, thứ vượt qua sự tàn ác của ông ta, lại được truyền qua nhân vật ít quyền lực nhất. Mẹ Moses chẳng có chút sức mạnh nào trước lệnh của Pharaoh, nhưng tình yêu của bà đã tạo ra một con đường ngầm làm suy yếu đi sự tàn ác của ông ta. Tình yêu đã khiến bà làm điều gì đó, để rồi một người có đủ quyền hành trong hệ thống trần tục này có thể tiếp tục.
Đã bao nhiêu lần chúng ta không biết phải làm gì, không biết phải gọi ai, tìm kiếm sự giúp đỡ ở đâu hoặc làm thế nào để tìm giải pháp khi các thế lực lớn hơn ngăn cản chúng ta. Tuy nhiên, khi giữ cho tim mình cởi mở – khi kiên định với niềm tin và không chịu khuất phục sự tuyệt vọng – chúng ta sẽ làm được điều mà rồi sẽ dẫn ta đến với ai đó có thể chìa tay giúp đỡ. Nếu Jochebed từ bỏ, Moses đã không thể sống sót. Thông điệp của bà dành cho những người đau khổ rất rõ ràng: Hãy làm những gì bạn có thể. Khi thực sự hiểu được rằng Chúa luôn có câu trả lời cho mọi vấn đề, rằng vũ trụ có cơ cấu cho sự giải thoát chúng ta, ta có thể tin rằng miễn mình còn kiên trì thì một lối thoát khỏi bóng tối sẽ xuất hiện.
BỤI CÂY BỐC CHÁY
Moses lớn lên trong cung điện của Pharaoh, với cơ hội thoát khỏi số phận tàn khốc dành cho những nô lệ Do Thái. Nhưng ngài vẫn có sự kết nối cảm xúc với người dân của mình. Mặc dù không được nuôi dưỡng lớn lên trong cộng đồng Do Thái nhưng nỗi đau của họ khiến ngài động lòng, đến nỗi ngài đã giết một tay quản nô Ai Cập khi bắt gặp người này đánh đập một nô lệ Do Thái. Phải chạy trốn khỏi sự trừng phạt dành cho hành động của mình, ngài đến vùng đất Midian, bắt đầu một cuộc sống mới bằng cách làm người chăn cừu, kết hôn và có con. Chính ở đó, một ngày nọ khi đang chăn thả cừu, ngài bắt gặp bụi cây bốc cháy.
Chẳng phải rất thú vị sao, khi Moses là một kẻ sát nhân? Dù có thể nói rằng việc giết tay quản nô kia là hợp lý – nếu không người nô lệ có thể chết và Moses cảm thấy mình không được lựa chọn – nhưng hãy nhớ rằng đứa trẻ của số phận, hay tất cả chúng ta, đều có mặt tối. Rất nhiều lần chúng ta phiền muộn không phải vì những gì người khác đã làm với ta, mà vì những việc mà chính ta đã làm. Và bản ngã, thứ ngay từ đầu khiến chúng ta phạm sai lầm, nói với chúng ta rằng bởi đã sai lầm như thế nên ta là thứ hàng phế phẩm, thất bại, xấu xí, đáng ghét ngay cả với Chúa Trời. Tuy nhiên, sau khi Moses phạm tội giết người, Chúa Trời lại đã xuất hiện trước ngài, trong bụi cây đang cháy.
Nói cách khác là không gì – tuyệt đối không điều gì – có thể khiến Chúa Trời bớt yêu thương ta, bớt lựa chọn ta, hoặc bớt dành cho ta một số phận cao quý. Việc ta tiếp xúc với bóng tối của thế giới, cả trong chính ta và trong những người khác, có chăng, sẽ chỉ càng tăng thêm chiều sâu hiểu biết của mình, từ đó làm tăng giá trị của ta khi truyền dẫn sức mạnh của Người. Bản ngã che mờ đi thứ gì, Chúa Trời soi sáng lại thứ ấy.
Sự ngây thơ của những người chưa thấy được thế giới đủ để biết bất cứ điều gì ngoài ánh sáng đã đẹp. Sự ngây thơ của những người đã nhìn thấy quá nhiều điều ở thế giới, đã thấy cả bóng tối, nhưng vẫn chọn ánh sáng, thậm chí còn đẹp đẽ hơn. Ngay cả khi chúng ta cảm thấy đã quay lưng lại với Chúa Trời, thì điều quan trọng cần nhớ là Người vẫn không quay lưng lại với chúng ta. Người không thể làm thế, vì tình yêu không có khả năng quay lưng lại với những tạo vật của nó. Quan trọng là hôm nay ta chọn tình yêu, ngay cả khi hôm qua ta không chọn. Chúa Trời đã không nhìn Moses và nói: “Cái gì?! Con mong đợi ta sẽ sử dụng con sau những lỗi lầm mà con đã gây ra sao?”. Thay vào đó, không lâu sau khi Moses phạm phải sai lầm lớn, Chúa Trời giao cho ngài một sứ mệnh lớn lao.
Khi đang chăn thả bầy gia súc của cha vợ mình, Moses thấy thiên thần xuất hiện trong một bụi cây đang cháy nhưng lại không hề bị lửa thiêu rụi. Thiên thần, như được định nghĩa trong A Course in Miracles, là “những suy nghĩ của Chúa Trời”. Thế nên Moses theo cách không khác gì bất kỳ ai khác đang đi dạo ngoài trời, hoặc “chăm sóc đàn chiên” bằng cách giúp đỡ người khác trong khả năng này hay khác, được Đức Chúa hiển linh. Một sự thức tỉnh. Một sự giác ngộ. Một cảm giác hiểu biết. Đây không phải là kiểu hiểu biết bên trong khác gì với những gì bạn hoặc tôi hoặc bất kỳ ai khác cũng có thể có. Chúa Trời nói chuyện với Moses không khác gì cách Người nói với bất kỳ ai trong chúng ta, đó là một biểu tượng cho cách mà Người nói chuyện với tất cả chúng ta.
Và Moses nghe được gì từ Chúa Trời? Đầu tiên, ngài được bảo phải cởi dép ra. Đôi dép là biểu tượng cho những gì chạm vào đất. Chúng ta được bảo phải cởi dép để đến gần Chúa Trời, vì không gian nơi Chúa ngự là đất thánh. Chúng ta bỏ lại những mối bận tâm trần tục của mình để đến nơi Người với không gì khác ngoài trái tim rộng mở.
Chúng ta đang liên tục bị phân tâm bởi những điều thật ra vô nghĩa, trói buộc. Một chu kỳ tin tức 24 giờ, những sự kiện chính trị và thế giới thái quá, những tin đồn lố bịch - tất cả đều làm rối tung ý thức của chúng ta và trói chúng ta vào thế giới khổ đau. Để đến gần Chúa Trời, ta phải cởi dép ra. Ta phải “dọn dẹp đầu óc của mình”.
Trong Giáo hội Chính thống Nga, sự kiện Moses gặp bụi cây cháy được mô tả là khả năng nhìn thấy “những năng lượng tự có” hay “hào quang”. Điều thú vị là bụi cây không bị lửa đốt mà vẫn cháy liên tục. Việc Chúa Trời nói với Moses từ bụi cây cháy không biểu thị cho một sự kiện nào, thay vào đó là một vùng ý thức mà Moses đã đến thăm. Đó là một luồng lửa thiêng liêng bất diệt đang cháy trong mọi trái tim, mọi lúc.
Sinh ra trong ánh sáng (một tạo vật của Chúa Trời) trong một dân tộc bị Pharaoh (bản ngã) đàn áp, với số mệnh, sau thử thách lớn lao, là trở thành một nhà lãnh đạo (câu chuyện Xuất hành), Moses phản ánh hành trình tâm linh của mọi linh hồn. Mỗi chúng ta được sinh ra từ Chúa Trời, sau lạc lối thành nô lệ của ý thức bản ngã, và cuối cùng được tiếng nói của Người hướng dẫn để đi đến miền Đất Hứa và đưa anh chị em của mình theo cùng.
TA LÀ ĐẤNG HIỆN HỮU
Khi bắt gặp bụi cây cháy, Moses nghe thấy tiếng của Chúa Trời. Nếu ngày nay nghe ai đó nói: “Chúa nói với tôi thế này” hay “Chúa nói với tôi thế kia”, chúng ta có lý do để tự hỏi họ có tỉnh táo hay không. Nhưng mặt khác, nếu người đó thiền định và cầu nguyện thường xuyên, nhất định họ đã bắt đầu nghe thấy những gì mà A Course in Miracles gọi là “Tiếng nói của Chúa”. Thực hành tâm linh nghiêm túc khiến bạn trở thành một công cụ trực giác hòa hợp. Ngay khi nghe thấy giọng nói của bản ngã liên tục khiến mình tức giận bằng những thông điệp tiêu cực, chúng ta vẫn có thể làm dịu tâm trí để nghe thấy một giọng nói nhỏ nhẹ bên trong, là tiếng nói của Chúa. Không phải là sẽ có một âm thanh như của Tony Bennett đối chọi với âm thanh khác như của Lady Gaga, mà cả hai thứ âm thanh đều là của bạn. Một nghe như khi bạn cuồng loạn, giận dữ và ích kỷ, và một nghe như khi bạn thanh thản, bình tĩnh và yêu thương. Tất cả chúng ta đều vẫn luôn nghe thấy tiếng nói của bản ngã hoặc tinh thần trong đầu, nhưng chỉ một trong số đó thực sự là ta.
Moses biết mình đang nghe thấy giọng nói của Chúa Trời, nhưng không biết phải nói điều đó với người khác như thế nào. “Nói với họ”, Chúa Trời nói, “rằng TA LÀ ĐẤNG HIỆN HỮU”*. Đoạn này, cũng như tất cả các câu chuyện tôn giáo khác, đã được dịch và diễn giải lại theo vô số cách. Trong đó có một cách nói rằng Chúa không tự mô tả “TA LÀ ĐẤNG HIỆN HỮU”, mà Người nói: “TA LÀ ĐẤNG SẼ HIỆN HỮU”. Từ góc độ tinh thần, cả hai đều chính xác – vì thực chất chúng ta tồn tại vượt thời gian. Điều quan trọng nhất là khám phá được rằng Chúa Trời trong chúng ta là con người thực chất của ta; thực chất của Chúa Trời là thực chất của mỗi chúng ta, và bản chất của mỗi chúng ta là bản chất của Chúa Trời. Khi chúng ta nói từ chính mình, hoặc từ tình yêu, chúng ta đang bày tỏ những gì Tiếng nói của Chúa Trời đã nói với mình. Thông qua cầu nguyện và thiền định, chúng ta bắt đầu nghe thấy Tiếng nói của Chúa Trời, tuy nhỏ nhưng vẫn luôn ở đó. Mục đích của chúng ta trên trái đất là để phản ánh lại, bằng lời nói và cả bằng hành động, những gì mình nghe được.
* Kinh Cựu ước, sách Xuất hành, 3:13 - 15.
Tiếng nói của Chúa Trời hướng dẫn Moses quay trở lại với dân của mình, để nói với họ rằng Chúa Trời đã chọn ngài đưa họ thoát khỏi cảnh nô lệ để đến Đất Hứa.
Hãy hình dung xem: Bạn đang đi dạo thì được hiển linh, có được cảm giác về sự hiện diện thiêng liêng. Và nó không chỉ trong chốc lát, mà từ cao xanh kéo đến dài lâu. Và nó không chỉ thú vị, mà còn là một chỉ thị. Bạn có một cảm giác, một cảm giác về nhiệm vụ, một lời hiệu triệu – bạn có ý thức rất mạnh mẽ rằng Chúa có việc cho bạn làm. Bạn tồn tại để giúp dẫn dắt người của mình thoát khỏi đau khổ, đến với bình an.
Cái gì?!
Moses cũng có phản ứng tương tự như bất kỳ ai trong chúng ta: “Không đời nào!”.
“Con là ai chứ”, Moses hỏi Chúa Trời, “con là ai mà dám tới chỗ của Pharaoh, là ai mà dám đưa con cái Israel thoát khỏi Ai Cập?”**. Và Chúa Trời đã trả lời với ba điểm: trước tiên, Người quở trách Moses vì đã dám nghi ngờ lựa chọn của Chúa Trời; thứ hai, Người nói với Moses rằng ngài sẽ được trợ giúp bởi sức mạnh kỳ diệu của cây trượng, hay cây gậy; và thứ ba, Người cho biết sẽ cử anh trai Aaron làm người phát ngôn cho Moses.
** Kinh Cựu ước, sách Xuất hành, 3:9 - 12.
Nói cách khác, bất kể chúng ta đưa ra bất kỳ cớ gì để thoái thác: “Chúa ơi, con không thể làm điều đó”, thì phản ứng của Người cũng là: “Thật ra con có thể”.
Linh hồn được lập trình cho sự cao quý của nhiệm vụ. Khi chúng ta bị tách khỏi tia sáng đó, chúng ta rơi vào bóng tối. Rất nhiều điều bất hạnh trên thế giới này xảy ra do thực tế mọi người không thực hiện được nhiệm vụ cao quý của mình, và họ biết điều đó. Mỗi người chúng ta đều có một sứ mệnh như vậy, vì đều là con của Chúa Trời. Tuy nhiên, bởi không hỏi Người sứ mệnh đó là gì, và không sẵn sàng cho Người hướng dẫn, nên chúng ta rơi vào kiểu mẫu thần kinh của một linh hồn không nhận ra chính mình hoặc không nhớ tại sao nó lại ở đây.
Trong cuốn sách A Return to Love (Về với tình yêu) của tôi có một đoạn bắt đầu rằng: “Chúng ta sợ nhất không phải là mình không xứng. Mà chúng ta sợ nhất mình mạnh đến mức không thể đo nổi”. Đoạn đó, rất hay bị nhầm thành lời của Nelson Mandela, đã trở nên rất nổi tiếng. Và vì sao? Bởi vì nó chỉ ra sự kháng cự của bản ngã – cũng như nhiệm vụ Linh hồn – trong việc khẳng định hoàn toàn sự tuyệt vời của việc chúng ta là con Chúa Trời.
Sức mạnh từ cây trượng của Moses có ý nghĩa rất lớn, vì nó ngụ ý sức mạnh của ý thức thiêng liêng. Giống như cây đũa phép Merlin, cây trượng là một biểu tượng cho suy nghĩ tập trung, tràn đầy ánh sáng và kỷ luật. Nó truyền sức mạnh của ý nghĩ thẳng xuống từ thánh thần, khiến tâm trí con người trở thành một ống dẫn không chỉ để suy nghĩ của Chúa Trời được thực hiện trên mặt đất, mà còn để ý chí của Người được thực thi trên mặt đất.
Để chứng minh sức mạnh, Chúa Trời bảo Moses ném cây trượng xuống đất, và nó biến thành một con rắn. Moses sợ hãi chạy trốn, nhưng Chúa Trời bảo ngài nhặt con rắn lên đằng đuôi của nó – và nó biến trở lại thành một cây trượng.
Sự biến đổi của cây trượng từ con rắn đáng sợ sang nguồn tạo ra phép màu ám chỉ mối quan hệ mà mỗi chúng ta có với sức mạnh của chính tâm trí mình. Bản ngã co rút lại trước duy linh bởi vì nó co rút lại trước sự cao quý của chúng ta. Nó ám chỉ rằng phó thác cho Chúa Trời là một việc làm nguy hiểm, rằng nếu đến đó, chúng ta sẽ bị mất kiểm soát. Tuy nhiên, một khi chúng ta nhặt con rắn lên và chịu trách nhiệm về tâm trí của mình, năng lượng của con rắn xảo trá sẽ biến thành sự hỗ trợ lớn nhất cho chúng ta thực hiện các nhiệm vụ mà Chúa Trời giao cho.
Ai cũng đều có một cây trượng – sức mạnh không giới hạn của tư tưởng – và giống như Moses, chúng ta cần sử dụng nó để thực hiện phép màu của Chúa Trời. Khi suy nghĩ của chúng ta cao cả và yêu thương sẽ dẫn đến kết quả yêu thương; khi suy nghĩ của chúng ta thấp kém và dựa trên sự sợ hãi, thì kết quả cũng là như vậy. Khi Moses giơ cao chiếc trượng, dân Israel thắng thế; khi ngài hạ xuống, kẻ thù của Israel thắng thế. Với Moses, cũng như với chúng ta, việc cầm chiếc trượng của Chúa Trời không phải lúc nào cũng dễ dàng. Đến một lúc, tay của Moses mỏi mệt, ngài cảm thấy không thể giơ cao thêm nữa. Aaron và Hur đã giúp đỡ để “đôi tay ngài vững vàng cho đến khi mặt trời lặn”. Ta thường cảm thấy chiếc trượng trong tay nặng nề thêm khi càng vươn đến con người cao quý hơn của mình, bởi nỗ lực như vậy đi ngược lại với bản năng của bản ngã. Đôi khi chúng ta không thể chọn lấy con đường đi đến hạnh phúc nếu không có sự hỗ trợ của bạn bè và những người thân yêu. Và giống như sự hỗ trợ đã đến với Moses, nó cũng sẽ đến để chống đỡ giúp chúng ta.
SỨ MỆNH VĨ ĐẠI CỦA MOSES
Câu chuyện về Moses không chỉ liên quan đến việc Chúa Trời cho ngài đảm nhận một sứ mệnh vĩ đại, mà còn về việc Chúa Trời đã giúp ngài thực hiện. A Course in Miracles đặt câu hỏi liệu có hợp lý không khi cho rằng Chúa Trời sẽ giao nhiệm vụ cho chúng ta mà lại không cung cấp cho chúng ta phương tiện để hoàn thành nó.
Chúa Trời cho Moses biết phải làm gì và làm như thế nào để giải phóng dân Israel khỏi cảnh nô lệ và dẫn họ đến Đất Hứa, hay “miền đất của sữa (bổ dưỡng) và mật (ngọt ngào)”. Việc đầu tiên là thuyết phục Pharaoh giải phóng nô lệ. Không phải bổ dưỡng và ngọt ngào là những yếu tố chính của hạnh phúc hay sao? Tất nhiên, ban đầu Pharaoh từ chối điều Moses yêu cầu: “Hãy để người của tôi đi”.
Do đó, Chúa đáp lại bằng Mười Tai Họa giáng xuống Ai Cập – nước sông Nile biến thành máu, đất và người bị phủ đầy ếch, người và động vật đều bị chấy rận lây lan, cùng bảy tai ương khác, thậm chí bao gồm cả cái chết của tất cả những đứa trẻ là con đầu lòng của người Ai Cập – để cuối cùng thuyết phục Pharaoh nên làm như đã được yêu cầu. Mười Tai Họa là những biểu tượng mạnh mẽ cho cuộc sống nô lệ trong tay bản ngã. Đầu tiên bạn đánh mất lòng tự trọng. Sau đó, bạn mất bạn bè. Sau đó, bạn mất tiền. Rồi mất người yêu. Rồi đến một lúc, bạn sẽ hiểu ra.
Tai họa thứ mười – cái chết của tất cả những đứa con đầu lòng của Ai Cập – đặc biệt khủng khiếp. Moses nói với dân Israel hãy bôi máu cừu non lên cột cửa trước nhà để thiên thần của Thiên Chúa sẽ “vượt qua” ngôi nhà đó và tha cho đứa con đầu lòng của họ (vậy nên người Do Thái mới có lễ Vượt qua). Máu cừu non tượng trưng cho năng lượng cái trinh nguyên, vô tội, là thứ mà ta sẽ dâng hiến nơi trú ngụ của mình, hoặc tâm hồn mình. Về mặt siêu hình mà nói, câu chuyện này không phải là về việc những đứa trẻ Ai Cập bị giết bởi bản án của Chúa Trời; đúng hơn, nó đề cập đến việc những ý nghĩ độc ác sẽ thành vô dụng, còn những ý nghĩ vô tội sẽ được bảo vệ và ban phước. A Course in Miracles nói rằng có một giới hạn mà trong đó chúng ta không thể tạo ra sai lầm.
Cứ ngỡ rằng với tất cả những gì Moses đã làm, dân Israel được cổ vũ bởi sự xuất hiện của ông. Nhưng, họ bị mâu thuẫn về cuộc hành trình rời Ai Cập, họ vừa hoài nghi và phẫn nộ đồng thời lại cũng biết ơn và ngợi ca. Họ đã quen với chế độ nô lệ, đã cam chịu với mức độ đau khổ nhất định. Chúng ta cũng thế, cũng thường xuyên như thế khi đối mặt với nhiệm vụ mở đường đến tự do, thích việc bị nô dịch bởi bản ngã đã quen thuộc hơn sự không chắc chắn của thay đổi. Sự rối loạn của chúng ta có thể tạo thành một kiểu an nhàn sai trái.
Chúng ta thường coi giọng nói lôi kéo mình khỏi cảnh nô lệ (tên của Moses có nghĩa là “kéo ra”), ít nhất là vào lúc đầu tiên, như một lời nhắc nhở về nỗi đau hơn là sự giải thoát khỏi đó. Là nô lệ, dân Israel biết họ còn được cho ăn và ở; còn nếu chạy trốn, làm sao họ chắc chắn rằng có thể sống sót được trên hành trình đến Đất Hứa? Chúng ta cũng thường thích những khổ cực và phiền phức của bản ngã hơn là khổ cực và phiền phức của việc tự thể hiện bản thân. Chúng ta thích đối phó với chế độ nô lệ trong chính mình hơn là một sự xáo trộn để tìm tự do. Chúng ta chấp nhận những an nhàn giả tạo của việc làm nạn nhân hơn là nhận lấy trách nhiệm chiến thắng. Tuy nhiên, Moses đại diện cho tiếng nói bên trong tất cả chúng ta, kéo chúng ta ra, kéo chúng ta lên, kéo chúng ta về trước, về phía sự thật rằng mình là ai và sự cao cả trong mục đích tồn tại của mình.
NGAY CẢ NẾU CẦN MỘT PHÉP MÀU
Cuối cùng Pharaoh cũng thả nô lệ. Vào tối hôm đó, trong cơn vội vã “mau mau lên trước khi ông ta đổi ý”, người Israel bỏ đi ngay. Nhưng khi đến mũi phía bắc của Biển Đỏ, họ nhìn lại và kinh hoàng thấy binh lính Ai Cập đang lao về phía mình. Pharaoh đã quyết định muốn có lại nô lệ. Bản ngã không bao giờ rút lui; nó không bao giờ nói: “Được rồi, đi đi” mà thực sự có ý muốn thế. Bất cứ khi nào nó nói, “Bây giờ ngươi có thể đi”, thì thực tế lại có nghĩa là, “Đi đi… cho đến khi ta tìm ra cách kéo người trở lại”. Phải có một phép màu, một sự thức tỉnh tâm linh, để giải thoát bản thân khỏi nanh vuốt của bản ngã.
Đã bao nhiêu lần chúng ta tuyệt vọng giống như những gì người Israel cảm thấy khi nhìn thấy đội quân của Pharaoh. Họ có thể chạy về phía biển và chết đuối, hay ở yên đó và bị quân đội xông tới giết chết, hoặc bị bắt trở lại làm nô lệ. Đã bao nhiêu lần chúng ta cũng cảm thấy như thể đã mở đường tìm tự do, rồi lại bị kéo trở lại vào sự trói buộc bản ngã. Để tự cứu mình, ta không chỉ cần đến ý chí cứng rắn, chúng ta cần một phép màu. Dân cầu cứu Moses, và ngài đã làm vậy.
Vào lúc đó, một trong những phép màu vĩ đại nhất của lịch sử đã xảy ra, một trong những biểu hiện mạnh mẽ nhất cho hành động của Chúa Trời thay mặt con dân của Người. Trong khoảnh khắc đó, Chúa Trời ra lệnh cho Moses giơ quyền trượng và dang tay ra: “Ông Moses giơ tay trên mặt biển, Đức Chúa cho một cơn gió đông thổi mạnh suốt đêm, dồn biển lại, khiến biển hóa thành đất khô cạn. Nước rẽ ra, và con cái Israel đi vào giữa lòng biển khô cạn, nước sừng sững như tường thành hai bên tả hữu”***. Tất nhiên binh lính Ai Cập theo sau, và tất cả chúng ta đều biết chuyện gì đã xảy ra sau đó.
*** Kinh Cựu ước, sách Xuất hành, 14:21 - 22.
Việc rẽ đôi Biển Đỏ là một trong những minh chứng tuyệt vời trong Kinh thánh cho thấy Chúa Trời sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết, bao gồm cả vượt thời gian và không gian, để mở đường cho sự giải thoát con cái Người. Vũ trụ được lập trình để giải cứu chúng ta khỏi đội quân của bản ngã, cho dù đội quân đó là chính những suy nghĩ ám ảnh của chúng ta hay là hoàn cảnh của thế giới bên ngoài. Chúng ta an toàn ngụp xuống vùng nước của tinh thần, ngay cả khi sợ rằng sẽ chết đuối ở đó, vì Chúa Trời sẽ chuẩn bị cho chúng ta một lối vượt qua an toàn và bản ngã sẽ phải im tiếng.
Biết rằng Chúa có thể và sẽ làm bất cứ điều gì để cứu con cái Người – và tất cả chúng ta là con cái của Người – là một trong những con đê chắn cho cuộc sống giác ngộ. Ý nghĩ kiểu “Chuyện đó không thể xảy ra” được thay bằng, “Tôi không cần biết nó sẽ xảy ra như thế nào, tôi chỉ cần biết rằng nó sẽ xảy ra”. Theo A Course in Miracles, “Không có gì khó khăn với những phép màu”.
Sau khi người Israel vượt qua Biển Đỏ, họ hát một bài hát mừng. Nhà tiên tri Miriam, một nữ ngôn sứ của Chúa Trời, đã hát: “Hãy hát mừng Đức Chúa, Đấng cao cả uy hùng; kỵ binh cùng chiến mã, Người xô xuống đại dương”****. Ấy là tiếng hát của linh hồn chúng ta sau khi chúng ta được giải thoát khỏi đau khổ. “Hãy hát mừng Chúa” ngụ ý việc cuối cùng cũng có thể thoải mái thể hiện bản thân một cách trọn vẹn, không sợ hãi – tìm thấy tiếng nói, sức sống của chính mình, tự do cảm xúc của chính mình sau khi bị cầm tù trong những yêu cầu của bản ngã. Nhiều người trong chúng ta đã “hát mừng Chúa” theo những cách mà ta chưa từng bao giờ làm, xuất hiện từ những giai đoạn đau thương trong cuộc sống với những tài năng và khả năng mà chúng ta không biết rằng mình đã có trước khi “đi vào sa mạc”, khoảng thời gian tuyệt vọng.
**** Kinh Cựu ước, sách Xuất hành, 15:1.
MƯỜI ĐIỀU RĂN
Việc vượt Biển Đỏ diễn ra vào khoảng đầu cuộc Xuất hành kéo dài thêm 40 năm. Ba tháng sau khi rời Ai Cập, người Israel đến sa mạc Sinai. Ở đó, Chúa gọi Moses lên núi, một sự kiện kèm theo khói, động đất và tiếng kèn vang trời. Trong 40 ngày đêm, ngài không ăn không uống khi nhận bản Giao Ước, hay còn được gọi là Mười Điều Răn, được viết bằng ngón tay của Chúa Trời trên hai phiến đá trao cho dân tộc Israel. Sống theo những giáo lý này, người Do Thái tuân thủ luật lệ của Chúa Trời và trở thành những người truyền lại luật lệ của Người. Chúa Trời bảo Moses nói với người Israel: “Các ngươi thấy Ta đã xử với Ai Cập thế nào, và đã mang các ngươi như trên cánh chim bằng, mà đem đến với Ta. Vậy giờ đây, nếu các ngươi thực sự nghe tiếng Ta và giữ giao ước của Ta, thì giữa hết mọi dân, các ngươi sẽ là sở hữu riêng của Ta. Vì toàn cõi đất đều là của Ta. Ta sẽ coi các ngươi là một vương quốc tư tế, một dân thánh”*****.
***** Kinh Cựu ước, sách Xuất hành, 19:4 - 6.
Giống như Moses được bế ra từ đám lau sậy bên sông Nile và dân Israel được kéo khỏi Ai Cập, Mười Điều Răn đã rút ra từ Tâm trí của Chúa Trời những quy định, luật lệ để sống đúng như những người tự do. Không còn là nô lệ nữa, người Israel được tự do sống theo cách mà họ chọn. Nhưng khi đó, ngay cả khi đang sống trong tự do, ta vẫn cần tuân thủ luật lệ nội tâm để được giữ đi đúng trên con đường ngay thẳng, con đường thiêng liêng và con đường tình yêu.
Các Giao Ước thể hiện các nguyên tắc kết nối chúng ta với con người cao hơn của mình bằng cách kết nối với Chúa Trời. “Ngươi chớ nên” trong Mười Điều Răn là một mô tả về cách chúng ta sẽ cư xử khi được kết nối với con người chân thực của mình. Rốt cuộc thì “theo luật lệ của Chúa” và “thực sự là chính mình” là một. Từ trên núi xuống sau khi nhận Mười Điều Răn, khuôn mặt Moses sáng lên, vì ngài đã nhìn thấy Chúa Trời.
Mặc dù đã được lưu truyền từ hàng ngàn năm trước nhưng cho đến ngày nay, Mười Điều Răn vẫn có tầm quan trọng không hề suy suyển, vì những điều răn ấy nói về thực tế sâu sắc hơn, thực tế vượt thời gian, về những gì chân thật trong tất cả chúng ta. Tiếng nói của Chúa Trời là cổ xưa, và cũng là hiện tại.
1. Thờ phượng một Chúa Trời và kính mến người trên mọi sự.
Bất cứ khi nào nghĩ rằng tiền tài, hoặc công việc mới, hoặc uy tín, hoặc một mối quan hệ nào đó sẽ cứu bạn, hãy nhớ rằng chính Chúa đã mang mọi thứ tốt đẹp vào cuộc sống của bạn – “đấng đã đưa ngươi rời khỏi đất Ai Cập, khỏi ngôi nhà nô lệ” – chứ không phải tiền tài, công việc, danh tiếng hay tình dục. Những thứ đó không thể sắp xếp lại vũ trụ cho bạn khi bạn quỳ gối và thậm chí không thể cử động; Chúa đã làm việc đó.
2. Không thờ phượng thần tượng.
Tất cả những điều trần tục mà bạn cho rằng sẽ cứu bạn, khiến bạn cúi đầu, khiến bạn nghĩ cần phải cố gắng để có được cuộc sống như mong muốn? Bạn có thể cần suy nghĩ lại đấy. Nó được gọi là sùng bái thần tượng, và sẽ không được việc gì cả đâu. Thần tượng sẽ gục ngã. Tại sao? Bởi vì chúng không phải Chúa Trời, chỉ là bạn đôi khi nhầm lẫn và nghĩ vậy thôi.
3. Chớ kêu tên Chúa Trời vô cớ.
Bạn có thể nghĩ ngôn ngữ không quan trọng, nhưng thật ra nó rất quan trọng. Từ ngữ có sức mạnh. Cẩn trọng với lời nói có tính sáng tạo ra sao thì bất cẩn với lời nói cũng có sức tàn phá mạnh như vậy. Thế giới này không phải là một trò đùa, và sự thiêng liêng trong bạn cũng vậy. Nói về Chúa Trời theo cách không ra gì cũng là nói về chính bạn theo cách không ra gì. Bạn đừng mong đợi bất cứ điều gì tốt đẹp đến được từ đó.
4. Giữ ngày Sabbath.
Khả năng tiếp nhận của hệ thần kinh chỉ có giới hạn. Bạn không phải một người làm, bạn là một người sống. Tất cả sự vội vội vã vã, công công việc việc, liên tục phải di chuyển sẽ phá hủy tuyến thượng thận của bạn, khiến bạn kiệt lực và đưa ra quyết định ngu ngốc ảnh hưởng đến cuộc sống của chính bạn và của người khác. Một ngày mỗi tuần. Chỉ một ngày thôi. Hãy dành ngày Sabbath cho những điều quan trọng, những điều sâu sắc, những điều yêu thương. Hợp lại, hướng vào trong và hiệu chuẩn lại năng lượng để phù hợp với Chúa Trời. Sáu ngày khác, mỗi ngày một chút thời gian là được. Nhưng vào ngày Sabbath, hãy dành hoàn toàn cho Chúa. Bạn sẽ sống lâu hơn, khỏe mạnh hơn và hạnh phúc hơn nếu làm thế.
5. Hiếu kính cha mẹ.
Có lẽ bạn không cần đến Mười Điều Răn để biết rằng sẽ không thể hạnh phúc nếu không hiểu được những vấn đề gặp phải trong tuổi thơ của mình, và hiểu rõ, làm rõ với cha mẹ mình. Nếu họ tốt, có lẽ họ xứng đáng với lòng tốt và sự tôn trọng nhiều hơn những gì bạn đang dành cho họ. Và nếu họ không quá tốt như vậy, bạn vẫn sẽ phải tha thứ cho họ, nếu không thì các mối quan hệ của bạn sẽ bị rối tung lên suốt cuộc đời.
6. Chớ giết người.
Khó mà tin nổi bạn vẫn cần nghe điều này, nhưng thực tế là bạn vẫn đang giết, tiêu tốn lượng tài nguyên vật chất khổng lồ để chế tạo thêm máy giết người, và về cơ bản là bỏ qua điều răn này. Bản ngã có thể quả quyết cần “phòng thủ mạnh mẽ” và Luật sửa đổi thứ hai. Nhưng, bản ngã là một kẻ giết người...
7. Chớ làm sự dâm dục.
Đã đến lúc phải thừa nhận rằng tình dục bừa bãi sẽ gây hại cho bản thân và cho người khác. Tình dục là một trong những điều có tác động mạnh nhất trong vũ trụ, thứ vừa có thể chữa lành vừa có thể gây hại. Khi bạn làm bừa bằng nguồn năng lượng đó, sẽ có ai đó, ở nơi nào đó chắc chắn bị tổn thương. Và người đó hoàn toàn có thể là bạn. Nếu tình dục không xuất phát từ một cam kết thiêng liêng, thì nó không xuất phát từ Chúa Trời. Cho dù cam kết là của bạn hay của người khác thì bạn cũng phải tôn trọng.
8. Chớ lấy của người.
Một lần nữa, thật lạ khi đến điều này vẫn cần được nhắc nhở. Nhưng các tập đoàn vẫn đang ăn cắp hạt giống, các quốc gia và các tập đoàn vẫn đang đánh cắp lãnh thổ, và người giàu vẫn đang ăn cắp của người nghèo. Và chúng ta vẫn đang chịu như vậy!
9. Chớ làm chứng dối.
Một lần nữa, lời nói có sức mạnh. Những tin đồn tiêu cực, vu khống, những lời ghen ghét có thể phá hủy sự nghiệp của người ta, thậm chí là cả cuộc sống của họ. Không quan trọng việc ai đó có ở trong phòng khi bạn đưa ra những lời nhận xét không hay hoặc không công bằng hay không, hãy nghĩ rằng vũ trụ có tai. Từ ngữ là năng lượng, và năng lượng thành hình. Bất cứ điều gì bạn nói sẽ quay trở lại với bạn.
10. Chớ tham của người.
Chúa Trời tạo ra một vũ trụ vô hạn. Việc hàng xóm có thứ gì đó tuyệt vời không làm giảm khả năng có nó của bạn. Nếu bạn không chúc phúc cho thành công của họ, điều đó sẽ chỉ giới hạn khả năng bạn thu hút được điều tương tự cho mình. Bạn chỉ có được trong cuộc sống những gì sẵn sàng cầu mong cho cuộc sống của người khác.
ĐÁP LỜI YÊU CẦU CỦA CHÚA TRỜI
Khi lang thang qua sa mạc, hành trình của người Israel tiếp tục gặp khó khăn và tiếp tục xuất hiện những phép màu. Chúa Trời từ thiên đường trút bánh manna xuống, và chim cút bay ngợp trại cho những kẻ đói ăn. Chúa Trời ban cho Moses sức mạnh trong tay để đẩy lùi một đội quân đang cố gắng đánh bại họ. Mối liên kết giữa Chúa Trời và dân Israel càng sâu sắc hơn trong khoảng thời gian khổ sở. Có lúc, khi dân Israel cần nước để uống, Chúa Trời ra lệnh cho Moses đập cây trượng của mình vào một tảng đá. Không thấy nước chảy ra ngay lập tức, Moses đã đập vào tảng đá lần thứ hai. Bởi điều này, Chúa Trời đã trừng phạt Moses bằng cách không cho ngài vào Đất Hứa. Điều này có nghĩa là, về mặt siêu hình, sự thiếu niềm tin làm giảm sức mạnh của chúng ta và từ chối chúng ta sự bình an nội tâm. Vấn đề đối với nhiều người trong chúng ta, trong phần lớn thời gian, không phải là chúng ta không nghe thấy những gì Chúa nói mà chúng ta không tin những gì Chúa nói, hoặc không thích những gì Chúa nói. Sau đó, biến sự vô tín của mình thành hành động, chúng ta làm hoặc nói điều gì đó thực sự làm gián đoạn kế hoạch của Người và làm chệch hướng phép màu đến với chúng ta. Nhưng cuộc sống sẽ tiếp tục “kéo” chúng ta về số mệnh có mối quan hệ sâu sắc hơn với Chúa Trời và thể hiện mạnh mẽ hơn những nhiệm vụ mà Người giao cho.
Tất cả chúng ta đều có một cuộc Xuất hành trong đời, tất cả được đưa từ cảnh nô lệ đến Đất Hứa bởi một bàn tay bí ẩn. Xuất hành là cuộc hành trình của chúng ta qua đau khổ, khi chúng ta chịu đựng sự trói buộc dưới bàn tay của bản ngã để đến với tự do trong tay Chúa Trời.
Moses nhắc nhở chúng ta rằng Chúa Trời là Chúa Trời, Người đã dẫn dắt dân Israel thoát cảnh nô lệ và vượt qua đau khổ, và Người sẽ làm điều tương tự cho chúng ta. Đôi khi trong những năm nô lệ, đôi khi trong những năm sa mạc và đôi khi trong những năm Đất Hứa, chúng ta chịu đựng được bởi những lời: “Hỡi Israel, hãy nghe đây, Chúa là Thiên Chúa chúng ta, là Chúa độc nhất. Amen”******.
****** Kinh Cựu ước, sách Đệ nhị luật, 6:4.
Các câu chuyện truyền miệng của các tôn giáo lớn kể về những con người giác ngộ để truyền cảm hứng cho chúng ta tiếp tục cuộc hành trình anh hùng của riêng mình, biết rằng mặc dù chúng ta cũng sẽ phải chiến đấu với ảo tưởng, cũng lang thang, và cũng đau khổ, nhưng cũng sẽ có vinh quang mà cuộc hành trình cuối cùng chắc chắn dẫn đến.
Sự khổ sở của người Do Thái dưới tay Pharaoh là một thần thoại nền tảng trong lịch sử loài người, in sâu vào ý thức của chúng ta mối quan hệ giữa con cái của Chúa Trời và bản ngã chế nhạo. Bản ngã thực sự là một kẻ quản nô tinh thần. Chính phần vô thức của chúng ta khiến chúng ta hết lần này đến lần khác tự hủy hoại chính mình – hủy hoại các mối quan hệ mình có, kháng lại sự phục hồi, đưa ra những quyết định ngu ngốc… Một phần trong chúng ta đã diễn giải mọi thứ xảy ra theo cách tiêu cực nhất có thể. Một phần trong chúng ta đã khẳng định rằng không có hy vọng. Và nó cũng đại diện cho bất kỳ lực lượng bên ngoài nào trì kéo chúng ta.
Bản ngã chỉ có một mục tiêu: sự đau khổ của ta; trong khi Chúa Trời lại có một mục tiêu khác: sự giải thoát cho ta. Cho dù đó là nỗi khổ do tuổi tác, bệnh tật và cái chết như Đức Phật đã chứng kiến; hoặc sự khổ sở của người Do Thái khi phải làm nô lệ, khi lang thang trong sa mạc; hoặc sự khổ sở của Chúa Jesus trên thập giá – cả ba câu chuyện đều làm chứng cho sự tàn ác của tâm trí bản ngã.
Dù có bao nhiêu điều xấu xa xuất hiện trên thế giới, thì rồi chúng cũng sẽ được thay thế bằng sự tái xuất của tình yêu. Người tạo thành vũ trụ giành chiến thắng trước thế lực cản trở kế hoạch của Người. Dù có chậm nhưng vòng cung di chuyển của vũ trụ vẫn di chuyển, theo hướng tốt.
Một trong những điều tuyệt vời nhất trong những câu chuyện tôn giáo vĩ đại là ở sự sắc sảo về mặt tâm lý. Phụng sự Chúa – hay sự nối dài mở rộng tình yêu – không chỉ là việc mà chúng ta “nên” làm. Đó là cách duy nhất để hạnh phúc. Nhưng để đến được đó, thực sự cháy xuyên qua hết bóng tối trong chính mình để ánh sáng của con người thực có thể tỏa sáng, là một hành trình. Đó là một quá trình, chứ không phải là một sự kiện. Và quá trình đó có thể khó khăn.
Bốn mươi năm trời dân Israel chịu khổ nhọc trên đường đến Đất Hứa không hề dễ dàng. Để thực sự tự nhận thức được mình, đốt cháy qua các lớp vỏ sai lạc của bản thân, là việc có thể vô cùng đau đớn. Văn hóa hiện tại của chúng ta đáp lại nỗi đau này bằng những lời hứa khuây khỏa ngắn hạn. Nhưng thời gian dành ở sa mạc hóa ra lại là nền tảng cho việc tươi xanh trở lại. Ở đó, trên sa mạc, nhiều người trong chúng ta thấy được phép màu đầu tiên của mình.
Những câu chuyện tôn giáo vĩ đại không chỉ đơn giản là câu chuyện mà là những thông điệp được mã hóa mà Chúa Trời gửi cho tất cả chúng ta. Chúa Trời ngự trong trường lượng tử phi không gian, phi thời gian, và truyền đạt cho mỗi người điều mà Người đang truyền đạt cho tất cả. Người sẽ dẫn chúng ta khỏi cảnh nô lệ, và sẽ dẫn chúng ta đến cửa giác ngộ. Còn phúc lành nào lớn hơn được Chúa Trời nói rằng sẽ đưa chúng ta đến với Người?
Được đưa đến với Chúa Trời là được đưa từ ảo tưởng về việc chúng ta là ai đến với thực tế chúng ta thực sự là ai. Chúng ta đi từ cơn nghiện đến sự tỉnh táo, từ phụ thuộc trở thành độc lập, từ sợ hãi trở thành dũng cảm. Chúng ta để chết đi những phần trong ta cần phải chết để sinh ra những gì đang cố gắng sinh ra. Chúng ta thiêu đốt rất nhiều bản ngã trên đường đến cuộc sống nằm ngoài nó, đối mặt với bất cứ điều gì cần phải đối mặt trước khi có thể đối mặt với Chúa Trời. Việc này đau đớn, thậm chí có thể như tra tấn. Việc này có thể nhục nhã. Có thể kinh hoàng. Nhưng hành trình xuyên qua vùng hoang vu tâm linh không hề là sự lãng phí, vì cuối cùng nó sẽ dẫn đến Đất Hứa.
CÁI CHẾT CỦA MOSES
Khi Moses 120 tuổi, ngài leo lên núi Nebo và được Chúa Trời chỉ cho vùng đất kéo đến tận Địa Trung Hải: “Đó là xứ mà Ta đã thề ban cho Abraham, Isaac và Jacob khi nói: ‘Ta sẽ ban xứ ấy cho dòng giống ngươi’. Ta cho ngươi tận mắt xem xứ ấy, nhưng ngươi không vào đó được”*******. Moses không được phép vào Đất Hứa.
******* Kinh Cựu ước, sách Phục truyền luật lệ ký, 34:4.
Moses giống như Susan B. Anthony, người đã hiến dâng cả cuộc đời cho quyền bầu cử của phụ nữ nhưng bản thân lại không sống được để nhìn thấy Tu Chính án Thứ Mười chín cho phụ nữ quyền bầu cử được thông qua; hay Martin Luther King Jr., người nói rằng đã thấy Đất Hứa nhưng thêm vào: “Tôi có thể không đến đó với anh em”. Thế hệ vẫn còn giữ ký ức về chế độ nô lệ không phải lúc nào cũng là những người được giải thoát hoàn toàn khỏi đó. Câu chuyện của người Do Thái là câu chuyện về một dân tộc, câu chuyện về các thế hệ đến và đi, về những nỗ lực được thực hiện bởi một thế hệ rồi được tiếp nối bởi những nỗ lực của thế hệ tiếp theo.
Joshua, người được sinh ra trên sa mạc, sẽ vào Đất Hứa với tư cách là thủ lĩnh của người Israel. Chúa Trời bảo anh: “Hãy mạnh mẽ và can đảm, chớ run sợ cũng chớ ngã lòng. Vì Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu của ngươi vẫn ở với ngươi bất cứ nơi nào ngươi đi”********.
******** Kinh Cựu ước, sách Joshua, 1:9.
Đau khổ cùng cực đã ghi dấu vào lịch sử của người Do Thái cả trong thời cổ đại lẫn hiện đại. Một chuỗi liên tục những hoạt động của chủ nghĩa bài Do Thái và những tai ác theo cùng nó kéo dài nhiều thế kỷ, từ những cuộc tàn sát ở châu Âu và Nga cho đến các sự kiện bài Do Thái đang gia tăng ở nhiều nơi ngay cả hiện nay. Trong cuộc diệt chủng người Do Thái – vụ giết người hàng loạt tồi tệ cướp đi 6 triệu mạng sống Do Thái mà Đức Quốc xã gây ra vào khoảng năm 1941 đến năm 1945 – một số người khi bước vào phòng khí độc được cho là đã thốt lên những lời Chúa Trời đã nói với Joshua: “Chớ run sợ cũng chớ ngã lòng. Vì Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu của ngươi vẫn ở với ngươi bất cứ nơi nào ngươi đi”.
Miền Đất Hứa trên hết là một trạng thái ý thức. Ta không thể nhìn thấy nó trên phương diện địa lý, chưa bao giờ và cũng sẽ không bao giờ. Đó là một trạng thái của tâm trí, một sự bình an nội tâm mà tự nó thôi cũng bảo đảm sự bình yên bên ngoài cho con cái chúng ta, và con cái của con cái chúng ta. Giao ước không chỉ là một lời hứa của Chúa Trời mà còn là các điều khoản cho mối quan hệ giữa chúng ta với Người. Đó là ánh sáng của sự hiểu biết về cả chúng ta là ai trong Đức Chúa và Người muốn chúng ta là ai trên thế giới. Là người đã phải chịu khổ, chắc chắn chúng ta được kêu gọi nhạy cảm sâu sắc hơn trước nỗi khổ của người khác; là người đã bị áp bức, chắc chắn chúng ta được kêu gọi chống cự mạnh mẽ nhất trước mọi cám dỗ đè nén người khác. Việc trở thành một quốc gia mộ đạo theo lời Chúa Trời, giống như việc trở thành một con người mộ đạo theo lời Chúa, không phải không mang những nỗi đau. Như cha tôi từng nói: “Những bài học mà Chúa dạy cho người Do Thái chưa bao giờ dễ dàng”. Cuộc hành trình của người Do Thái bắt đầu từ hàng ngàn năm trước và vẫn tiếp tục cho đến ngày nay – vẫn đầy những căng thẳng, kịch tính, và vẫn thật mạnh mẽ như vậy. Chúa vẫn ở với chúng ta, và sẽ ở bên chúng ta bất cứ nơi nào chúng ta đi.