Cuộc đời Chúa Jesus là một sự thật lịch sử, đúng vậy, nhưng cũng là một sự huyền bí. Ngài là kênh dẫn vượt thời gian của nguồn sức mạnh thiêng liêng – khi không chỉ là một người sống cách đây hơn 2.000 năm mà còn là một thực tại siêu linh mà tất cả chúng ta vẫn đã và đang trải qua. Sự giáng sinh của ngài đại diện cho sự tái sinh của chính chúng ta, sứ vụ của ngài đại diện cho con đường mà chúng ta sẽ đi theo, cái chết và sự phục sinh của ngài cũng đại diện cho khả năng vượt qua nỗi đau, nỗi buồn và cái chết của chính chúng ta.
Vì thấy cảnh khổ đau nên Đức Phật tìm kiếm sự giác ngộ, vì lòng trắc ẩn trước nỗi đau dân tộc mình phải gánh chịu mà Moses nghe được tiếng của Chúa Trời hướng dẫn ngài đưa họ khỏi cảnh nô lệ, còn sự khổ sở của Chúa Jesus trên thập giá cô đọng lại những muộn phiền, nước mắt và nỗi đau của nhân loại. Và quan trọng nhất, sự phục sinh của ngài cho thấy câu trả lời của Chúa Trời trước nỗi khổ của chúng ta: rằng trong Người, mọi khổ đau đều chấm dứt.
Đau đớn mà Jesus phải chịu trên cây thập giá là hiện thân cho toàn bộ bản chất xấu xa của bản ngã. Việc đóng đinh Jesus là biểu tượng sau cùng cho việc bản ngã đạt được ước muốn của nó, khiến chúng ta khổ sở đến chết. Bản ngã là niềm tin rằng chúng ta chính là cơ thể của mình, và do đó cái chết của cơ thể dường như là chiến thắng cuối cùng của bản ngã. Sự phục sinh là câu trả lời của Chúa Trời dành cho việc đóng đinh, sự tái xuất của sự thật theo sau ảo ảnh. Đó là sự tái xuất tối thượng của ánh sáng theo sau bóng tối. Đó là thực tế rằng cái chết không tồn tại, vì những gì Chúa Trời tạo ra không thể chết. Đó là sự thể hiện ý chí của Chúa Trời, điều chưa bao giờ không được thực hiện, không chỉ trong cuộc đời của Chúa Jesus, mà còn trong cuộc đời của chúng ta. Bất kể điều gì xảy ra, bất kể tai họa nào có thể xảy ra đi nữa, Chúa Trời vẫn luôn và sẽ luôn là người có tiếng nói cuối cùng; khi đến lúc, tất cả rồi sẽ ổn. Đúng hơn là sẽ được vinh quang.
Bởi thực tại tinh thần áp dụng cho một trạng thái nhận thức vượt ngoài thời gian và không gian nên việc chấp nhận sự phục sinh đưa chúng ta vượt ra ngoài hy vọng đơn thuần. Chúng ta không chỉ hy vọng rằng mọi thứ sẽ ổn. Chúng ta biết rằng vào đúng thời điểm, mọi thứ rồi sẽ ổn, vì nó đã như vậy trong Chủ tâm của Chúa Trời. Trong Chủ tâm của Chúa Trời – trường lượng tử của tình yêu vô hạn – mọi thứ đều đã hoàn hảo. Do đó chúng ta có thể khẳng định sự phục sinh của mình khi vẫn còn đang bị đóng đinh, như đã nói trong A Course in Miracles: “phép màu đổ xuống thời gian”. Chúng ta không đợi chờ hoàn cảnh thay đổi thì mới biết mọi thứ hoàn hảo. Chúng ta chấp nhận mọi thứ là hoàn hảo, và niềm tin của chúng ta khiến hoàn cảnh thay đổi. Sức mạnh luôn luôn nằm trong suy nghĩ của chúng ta khi chúng ta khẳng định Chúa Trời là sức mạnh.
LỄ GIÁNG SINH
Lễ Giáng sinh và Phục sinh là hai nút chặn hiện sinh làm nền tảng cho mọi tình huống. Giáng sinh đại diện cho một sự lựa chọn, luôn có sẵn cho chúng ta, để sinh ra cái tôi tốt đẹp hơn. Phục sinh đại diện cho thực tế rằng bất kể bản ngã có thể dùng đến thủ đoạn nào, Tinh thần của Chúa Trời cũng sẽ trả cuộc sống của chúng ta về sự hoàn hảo thiêng liêng.
Câu chuyện về Jesus bắt đầu, tất nhiên, với câu chuyện về mẹ của ngài, người đã “được đánh thức” – được đánh thức khỏi sự sững sờ của tâm trí bản ngã – và được nói cho hay, như tất cả chúng ta được nói cho hay, rằng chúng ta không chỉ như chúng ta vẫn nghĩ. Chúa Trời đã chọn chúng ta để nuôi dưỡng hạt giống của Người – Linh hồn của Người thâm nhập vào ý thức của chúng ta – khi chúng ta giữ nó trong mình và cho phép nó phát triển, nó sẽ tạo ra sự sống mới trong mỗi chúng ta. Có mẹ là nhân tính và cha là Linh hồn của Chúa, Christ được sinh ra trên Trái đất.
Ý chí tự do sẽ quyết định liệu Mary bên trong chúng ta có nói: “Vâng, thưa Chúa, xin hãy sử dụng con; cho phép tâm trí con, cơ thể con, bản thân con được chứa đựng Linh hồn người và để qua đó người hiện thân” hay không? Mary đại diện cho ý thức tính nữ mà qua đó, chúng ta nên chọn, chúng ta sẵn sàng để được Chúa Trời sử dụng. Và Christ là cái tên của đấng xuất hiện sau khi chúng ta làm điều đó.
Ngoài thân xác, ngoài vật chất, về mặt tinh thần chúng ta không tách rời. Vì Chúa Trời đã tạo ra tất cả chúng ta là một. Đây là ý nghĩa siêu hình của tuyên bố: “Sinh hạ một Con Trai”*. Jesus là cái tên cho sự đồng nhất mà tất cả chúng ta cùng chia sẻ. Nhập vào cấp độ của Christ là đơn giản nhận ra rằng chúng ta đã là một.
* Kinh Tân ước, sách Luke, 1:31.
Tâm trí Christ là thứ tâm trí mà tất cả chúng ta cùng chia sẻ, vượt ngoài thân thể. Chúng ta giống như những chiếc nan hoa của bánh xe. Nếu bạn xác định nan hoa theo vị trí của chúng trên vành, thì nan hoa có rất nhiều và tách biệt. Nhưng nếu xác định theo điểm bắt đầu, bạn sẽ thấy rằng tất cả chúng đều xuất phát từ cùng một điểm. Điểm duy nhất đó, điểm nguồn chung đó, được gọi bằng nhiều tên – và một trong số đó là Christ.
Michelangelo cảm nhận rằng chính Chúa Trời đã tạo ra một bức tượng vĩ đại như Pietà hay David, và công việc của người điêu khắc chỉ đơn giản là loại bỏ những phần đá cẩm thạch dư thừa xung quanh. Tất cả chúng ta đều có trong mình cái tôi vĩnh cửu, cái tôi hoàn hảo, cái tôi không thể thay đổi, đó là sự tạo thành của Chúa Trời. Khai sáng có nghĩa là làm tan biến đi những suy nghĩ sợ hãi đang vây quanh và che khuất nó.
Một cái tên cho cái tôi chung mà mọi người cùng chia sẻ này là Jesus. Ngài chính là người mà ở đó, mọi suy nghĩ dựa trên nỗi sợ đều bị làm cho tan biến; do đó, ngài đã trở thành một với Christ. Khi nhớ đến ngài, chúng ta nhớ được mình thực sự là ai.
SỰ ĐÓNG ĐINH
Chúng ta đến với thế giới này như những sinh vật ngây thơ, khao khát yêu thương và được yêu thương, nhưng bản ngã đã tác động đến tất cả. Nó tìm cách đóng đinh sự ngây thơ của chúng ta, khiến tình yêu của chúng ta không còn hiệu lực, khiến cho chúng ta đau khổ và rồi giết luôn chúng ta nếu có thể. Đó là khía cạnh thoái thác Chúa Trời của tâm trí.
Sự đau khổ của Jesus trên thập giá tượng trưng cho tất cả những đau khổ mà bản ngã đã hoặc sẽ gây ra. Một con người – chịu đựng những cực hình tồi tệ nhất, mà vẫn trọn vẹn yêu thương những kẻ đã hành hạ mình – đã bẻ gãy thanh kiếm của bản ngã làm đôi. Bởi vì tất cả tâm trí đã nhập lại nên khi bất cứ ai đạt được bất cứ điều gì, thành tựu của họ cũng có giá trị cho tất cả mọi người. Jesus đã phá vỡ lời nguyền của bản ngã bằng cách phó thác hoàn toàn tâm trí mình cho Chúa Trời, khiến cho lời nguyền áp lên mọi người khác cũng bị phá vỡ theo.
Thân thể ở cấp độ của sự đóng đinh, tinh thần ở cấp độ của sự hồi sinh. Và Jesus chứng minh rằng sức mạnh của tình yêu vượt qua sự đóng đinh. Bài học tinh thần trong mọi tình huống không nằm ở những gì đã xảy đến với chúng ta, mà ở cách chúng ta diễn giải những gì đã xảy đến với mình. Chúng ta trải nghiệm bản thân theo bất kỳ vũ trụ nào ta chọn để đồng nhất. Nếu tôi chỉ đồng nhất với vũ trụ ba chiều thì bản ngã sẽ tìm đến với tôi; nhưng nếu tôi đồng nhất với vũ trụ tinh thần, bản ngã không thể ảnh hưởng đến tôi.
Mỗi chúng ta chịu trách nhiệm cho những gì chúng ta chọn suy nghĩ. Nếu chỉ nhận biết mình bằng cơ thể, tôi cũng sẽ nhận biết mình theo những điểm yếu, và sẽ hiểu thế giới theo cách càng củng cố thêm ý thức về những điểm yếu ấy; nhưng nếu tôi đồng nhất với Christ, thì tôi đang đồng nhất với sức mạnh của mình và sẽ diễn giải thế giới theo cách củng cố ý thức về sức mạnh của mình. Không quan trọng tôi bị đóng đinh trong lĩnh vực sức khỏe, các mối quan hệ, tiền bạc, sự nghiệp, hoặc bất kỳ điều gì khác. Sự đóng đinh diễn ra theo nhiều hình thức khác nhau nhưng sự phục sinh thì không mang hình thù rõ rệt. Chỉ có một vấn đề thực sự và một câu trả lời thực sự. Câu trả lời của Chúa Trời luôn giống nhau bất kể vấn đề là gì. Trong mọi tình huống, khi tôi xóa bỏ rào cản yêu thương, tôi cầu khẩn sức mạnh kỳ diệu của Chúa Trời để biến đổi nó. Sự đóng đinh là mô hình năng lượng mà bản ngã dùng để tìm cách hủy hoại cuộc sống của chúng ta. Phục sinh là sự trở lại với tình yêu và do đó, vượt lên trên bản ngã.
Đó là lý do tại sao tình yêu luôn là câu trả lời. Không nhất thiết trong tình huống nào ta cũng cảm thấy câu hỏi “Tôi cần tha thứ cho ai?” liên quan đến việc thực thi quyền lực của bản thân và sáng suốt sâu sắc trở lại. Nhưng nó là vậy. Chỉ khi ở trong trạng thái của tình yêu thuần khiết, tôi mới có sức mạnh của mình, chỉ vì đó là sức mạnh của Chúa Trời. Và từ đó, tất cả các phép màu theo sau.
PHỤC SINH
Sự phục sinh không chỉ là một vấn đề đức tin mà là một thực tế hiện sinh. Nó đơn giản là một mô tả về cách vũ trụ vận hành – cuộc sống luôn tự khẳng định lại mình ngay cả khi các thế lực của cái chết và bóng tối tạm thời chiếm ưu thế. Đó là một sự kiện thuộc thế giới bên kia tái tạo thế giới. Giống như một bông hoa nhỏ mọc lên từ vết nứt của nền xi măng, sự bình an cuối cùng cũng xuất hiện sau những khoảng thời gian đau buồn đã tàn phá trái tim. Hết lần này đến lần khác, tình yêu lại xuất hiện sau cả những sự kiện tan nát cõi lòng nhất. Và dù cơ thể chúng ta cuối cùng cũng buông tay nhưng thực tế là không có thời gian, và trong Chúa Trời không có cái chết.
Chúa Jesus nói: “Hãy cứ vững lòng, bởi ta đã thắng thế gian rồi”**. Ngài không nói: “Đừng lo lắng, ta đã sửa chữa mọi thứ”. Sửa chữa và chiến thắng là hai việc hoàn toàn khác nhau. Sửa chữa là thay đổi các thứ trên bình diện trần gian, chiến thắng là phát triển vượt ra ngoài ý thức của thế giới này hoàn toàn.
** Kinh Tân ước, sách John, 16:33.
Đối với một số người, Chúa Jesus là một người thầy, đối với một số người khác, ngài là người truyền dẫn. Ngài có thể là một trong hai, hoặc cả hai, tùy vào chọn lựa của chúng ta. Trải nghiệm tinh thần đích thực là trải nghiệm mà trong đó chúng ta vượt ra ngoài hiểu biết đơn thuần để thay đổi bên trong chính mình.
Một số người hỏi: “Nhưng chị không tin rằng sự phục sinh thực sự xảy ra với thân thể mình, đúng không? Đó chỉ là một phép ẩn dụ thôi, đúng không?”. Thật ra lý luận rất đơn giản thôi. Sự phục sinh là một thực tại tinh thần siêu linh, dù nó có xảy ra với thể chất hay không. Đó còn hơn một biểu tượng. Đó là một dấu ấn tinh thần của khả năng vô hạn, được một người thực hiện và bây giờ có giá trị với tất cả mọi người.
Niềm tin vào sự hồi sinh đơn giản là sự thừa nhận cách thức vũ trụ vận hành. Bởi phép màu, bản thể của Chúa Trời, là tự nhiên. Vũ trụ bên trong có những quy luật khách quan, rõ ràng, cũng giống như vũ trụ bên ngoài có những quy luật khách quan, rõ ràng. Giống như trọng lực vật lý kéo trì mọi thứ xuống, tình yêu là một lực phản trọng lực tinh thần đảm bảo rằng bất cứ thứ gì trì xuống cuối cùng sẽ được nâng lên trở lại. Bản ngã kéo tất cả mọi thứ xuống, và rồi – ở bất cứ nơi nào tình yêu hiện diện – chúng lại được nâng lên. Nhưng chúng ta phải sóng hàng tâm trí theo với tình yêu để nguyên tắc này có hiệu lực trong cuộc sống của mình.
Nếu chúng ta chọn tin rằng sự thật này không thể là thật thì nó vẫn cứ đúng thôi, có điều chúng ta không thể thấy. Phép màu luôn có đó, nhưng nếu đôi mắt bên trong đã đóng lại thì ta sẽ không thể thấy. Cơ hội xuất hiện mà chúng ta không nhận ra, sự giúp đỡ đến nhưng chúng ta không đánh giá cao nó, vì vậy không tận dụng được phép màu mà nó mang lại, tình yêu đứng trước mặt chúng ta nhưng chúng ta lại để tuột đi. A Course in Miracles nói rằng chúng ta giống như những người đang ở trong một căn phòng rất sáng nhưng lại giơ tay che mắt mình và phàn nàn sao mà tối thế.
Jesus hoàn toàn phó thác mình trước Chúa Trời – hay chỉnh sửa lại nhận thức – biến mình thành một với Sự Chuộc Tội. Theo A Course in Miracles, ngài đã được Chúa Trời ủy thác để trở thành Anh Cả cho những người cầu xin giúp đỡ trên con đường khai sáng. Khi nhớ đến ngài, chúng ta nhớ về Chúa Trời. Khi nhớ đến sức mạnh của ngài, chúng ta nhớ về sức mạnh của chính chúng ta. Tâm trí của ngài, khi nhập cùng tâm trí của chúng ta, làm lu mờ bản ngã. Bất kỳ tình cảnh đóng đinh nào trong cuộc sống của chúng ta khi đó đều được biến đổi một cách kỳ diệu.
Nhưng tất nhiên, phải mất ba ngày.
Và điều ấy có nghĩa là gì? Điều ấy có nghĩa là khi thay đổi suy nghĩ trong khoảng thời gian tăm tối nhất, chúng ta bắt đầu quá trình để ánh sáng tự khẳng định lại. Cần phải mất thời gian tuyến tính – giai đoạn này tượng trưng bởi 40 năm mà người Israel đã ở trong sa mạc, và ba ngày kể từ khi bị đóng đinh đến lúc phục sinh – để tình cảnh thế gian bắt kịp thay đổi trong ý thức của chúng ta. Tinh thần điều chỉnh lại suy nghĩ ở nguyên nhân, và kết quả sau đó sẽ tự động thay đổi. Khi sống trong thế giới, chúng ta có những suy nghĩ không phải của thế giới này, cho phép chúng ta làm chủ trong đó.
Khi chúng ta vẫn mở cửa trái tim ngay cả khi nó đang tan vỡ, khi chúng ta tìm cách yêu người khác ngay cả khi họ đã từ chối yêu ta, là ta đang suy nghĩ như Chúa Jesus và chia sẻ sự phục sinh của ngài. Nếu chúng ta yêu cầu, Chúa Jesus sẽ cho chúng ta mượn sức mạnh của ngài, sẽ nhập cùng với tâm trí của chúng ta để làm lu mờ bản ngã, ngài đứng vào vết nứt giữa bản ngã và tinh thần của chúng ta, và cứu chúng ta khỏi sự điên rồ của tâm trí bản ngã. Đó là ý nghĩa của việc nói Chúa Jesus xua đuổi ma quỷ: Khi phó thác tâm trí vào sự chăm nom của ngài, chúng ta được nâng vượt lên khỏi các chứng loạn thần kinh, các bệnh lý và nỗi sợ hãi.
Ngài chữa lành người bệnh và cứu sống người chết như thế nào? Khi người phong cùi đứng trước Chúa Jesus là đứng trước một người mà tâm trí đã được chữa lành ảo ảnh trần gian. Chúa Jesus không chỉ nhìn bằng con mắt trần tục mà còn bằng con mắt bên trong, con mắt tâm linh, bằng tầm nhìn của Chúa Thánh Thần. Khi nhìn người phong cùi, ngài nhìn qua ảo ảnh một cơ thể ốm yếu để thấy một bản thể hoàn hảo, đấng Christ, bên trong người này. Giống như Moses, sự liên kết của Chúa Jesus với Chủ tâm của Chúa Trời đã ban cho ngài sức mạnh để nâng mọi thứ lên trật tự thiêng liêng. A Course in Miracles nói rằng phép màu sinh ra từ niềm tin. Chúa Jesus đơn giản là không tin vào bệnh phong cùi, vì ngài biết rằng chỉ có tình yêu là thật. Tâm trí của ngài có khả năng thuyết phục đến nỗi, khi ngài hiện diện, người phong cùi cũng không thể tin vào căn bệnh đó, và vì thế được chữa lành.
Trở thành một người tạo ra phép màu là thế: trong dáng vẻ của Sự Thay thế, một người mà tâm trí đã được chữa lành khỏi những ảo ảnh trần gian đến nỗi trong sự hiện diện của chúng ta, những ảo ảnh tan biến. Chúng ta tìm đến những bậc thầy tâm linh vĩ đại của thế giới đã hoàn thành việc này, như Chúa Jesus, với tư cách là anh chị em, là thầy, là người dẫn đường cho những gì có thể.
A Course in Miracles nói rằng Jesus không có bất cứ thứ gì chúng ta không có, ngài chẳng có gì khác hơn. Ngài đã ở trong một trạng thái có trong tất cả chúng ta. Khi chúng ta yêu cầu ngài đi vào tâm trí của mình, ngài sẽ hướng dẫn chúng ta cũng đến được trạng thái đó. Bị đóng đinh là một sự kiện cá nhân, một câu chuyện của con người; nhưng phục sinh là một sự thật thiêng liêng, một miền khả năng vô hạn mà tất cả chúng ta cùng chung nhau. Chúng ta có thể về mặt tinh thần nhảy vượt qua các vùng đau khổ và trải nghiệm vinh quang của việc đau khổ chấm dứt.
Cả sự đóng đinh và hồi sinh đều là có sức mạnh phi thường trong cuộc sống của chúng ta, cũng giống như trong cuộc đời Chúa Jesus. Chúng là những thực tại tinh thần, sự hiểu biết làm tăng thêm chiều sâu cho hiểu biết về cuộc sống của chính chúng ta. Với hiểu biết này, chúng ta có được khả năng điều hướng khôn ngoan hơn những trải nghiệm của mình về thế giới. Không cảm thấy đau khổ là phủ nhận việc đóng đinh, nhưng không buông bỏ nó là chối bỏ sự phục sinh. Dù đã ngã, chúng ta vẫn sẽ đứng dậy được mà.
LỄ PHỤC SINH
Lễ Phục sinh là biểu tượng của sự hồi sinh, là thành tựu lên ngôi của tâm tha thứ. Nó đại diện cho sự chiến thắng của tình yêu và khả năng chữa lành trong từng khoảnh khắc. Nó đại diện cho lý do để hy vọng khi tất cả hy vọng dường như đã mất, khả năng ánh sáng tồn tại trong bóng tối sâu thẳm nhất và khả năng cho những khởi đầu mới tưởng như không thể khi mọi thứ đã chệch đường.
Bởi là một nguyên tắc, sự phục sinh tồn tại không cần đến sự công nhận của chúng ta. Nhưng bởi là một thực tại thực tế, nó cần đến thiện ý của chúng ta để biểu thị. Chúng ta phải cởi mở trước khả năng vô hạn – sẵn sàng xem xét rằng có thể còn một cách khác, rằng phép màu có thể xảy ra – thì phép màu mới có thể xảy đến với chúng ta. Trong ta hàm chứa đầy những khả năng khi ta cho phép ý nghĩ về khả năng vô hạn xâm nhập vào ý thức của mình.
Nơi mà các phần trong chúng ta đã chết – để hy vọng, để phát triển, để sáng tạo – Chúa Trời cho con người bị đóng đinh của chúng ta một cuộc sống mới, khôi phục trật tự vũ trụ cho cả các tình huống từng bị chế ngự bởi sự hỗn loạn kinh hoàng nhất.
Sự đau khổ của con người là không thể tránh khỏi trong một thế giới thấm đẫm ảo ảnh và sợ hãi, nhưng nhờ sức mạnh của sự tha thứ mà chúng ta có thể biến đổi nó. Với mọi lời cầu nguyện, mọi khoảnh khắc của đức tin, mọi hành động của lòng thương, mọi khoảnh khắc ăn năn, mọi nỗ lực tha thứ, dần dà chúng ta vượt lên trên sự đau khổ của mình. Con người trước đây của chúng ta chết đi để rồi được tái sinh thành con người như đã định, được nâng lên khỏi sự tối tăm, sự thiếu hiểu biết và cái chết.
Ai cũng đều trải qua việc này – tất cả chúng ta đều bị đóng đinh theo cách riêng, có những trận chiến, thử thách và khổ nạn của riêng mình. Nhưng mỗi người cũng đều có trong mình khả năng hồi sinh, vì một Chúa Trời ở bên trong đã kéo chúng ta khỏi bóng tối và đưa chúng ta ra ánh sáng. Hồi sinh, cứu độ và giác ngộ là như nhau.
Ba ngày sau khi Jesus bị đóng đinh, những người phụ nữ gần gũi nhất với ngài đã đến ngôi mộ để nhận xác, nhưng không tìm thấy. Đột nhiên, hai thiên thần xuất hiện và nói với họ: “Tại sao các bà tìm người sống nơi những kẻ chết? Người không còn ở đây. Người đã sống lại”***.
*** Kinh Tân ước, sách Luke, 24:5 - 6.
Điều này có nghĩa là gì đây, theo cách siêu hình? Điều này có nghĩa là một khi chúng ta đã sống sót qua một cơn khủng hoảng cá nhân và được đưa đến mức độ hiểu biết cao hơn, một phần tính cách của chúng ta, phần đã bị đóng đinh bởi sự kiện này không còn tồn tại nữa. Chúa Trời vô hiệu hóa những tác động làm chúng ta kêu khóc. Chúng ta không chỉ “giải quyết” các vấn đề của mình, chúng ta đã “được cứu” khỏi đó.
Các thiên thần thông báo rằng thi thể của Christ không tồn tại, rằng Christ bị đóng đinh đã sống lại, nghĩa là khía cạnh tự phá hoại, hoặc khía cạnh là nạn nhân bị ai đó phá hoại của bạn, không cần tồn tại trong tính cách của bạn nữa. Khuôn mẫu thần kinh của bạn, sự cay đắng và vô vọng của bạn – những khía cạnh như vậy khi được Chúa chữa lành, được biến thành con người bạn bây giờ. Bạn không còn bị mắc kẹt trong nỗi sợ hãi, không còn mù quáng bởi bản ngã và không còn bị đóng đinh vào cây thập tự của chính mình. “Hallelujah!”****, chỉ một từ mà ý nghĩa quá lớn lao.
**** Từ trong tiếng Do Thái, nghĩa là “Ngợi ca Thiên Chúa!”.
Hiểu biết mới, con người mới. Chúng ta không phải chỉ được cải thiện; chúng ta được thay đổi. Quá trình này vừa là sự thức tỉnh vừa là một hành trình, chúng ta nổi lên từ sự dằn vặt khi đối mặt với yêu ma của chính mình, ra trước ánh sáng nhờ đối mặt với chúng.
Những lợi ích của hành trình được tích lũy. Chúng ta trở nên khác biệt nhờ những gì đã trải qua. Chúng ta trở nên khôn ngoan hơn, cao quý hơn, khiêm tốn hơn và có ý thức hơn. Chúng ta trở nên bình yên hơn và cởi mở hơn trước những điều kỳ diệu của cuộc sống. Công việc linh thiêng nhất là tìm thấy sự trọn vẹn này bên trong, nơi tất cả những mảnh vỡ của bản thân ta đã hội tụ trong sự tha thứ và tình yêu. Đó là phép lạ của sự cứu chuộc: biến đổi và tái sinh.
JESUS – ĐẤNG CỨU ĐỘ
Sau khi được “cứu” khỏi ý thức bản ngã, Jesus giờ đóng vai trò cứu thoát những người vẫn còn lạc trong đó. Ngài đã vượt lên trên những ảo tưởng trong tâm trí của mình, và được Chúa Trời ủy quyền để giúp bất cứ ai cầu đến ngài bởi cũng muốn làm điều tương tự. Cách diễn dịch riêng dựa trên nỗi sợ hãi của bản ngã về câu chuyện Chúa Jesus là một trong những điều trớ trêu bi thảm lớn lao của thế giới. Như đã nói trong A Course in Miracles: “người ta đã tạo ra từ ngài những thần tượng đầy cay đắng, trong khi ngài chỉ đến làm một người anh em với thế giới này”. Chúng ta làm chứng cho quyền năng của Chúa Jesus trong cuộc sống của mình bằng cách biểu lộ tình yêu của ngài, và làm chứng sự phục sinh của ngài bằng cuộc sống.
Theo Chúa Jesus có nghĩa là yêu như ngài đã yêu, vì tình yêu vô điều kiện là sự cứu rỗi duy nhất. Dạy là chứng minh cho thấy. Chúa Jesus không yêu cầu chúng ta vì ngài mà thành những kẻ tử đạo, mà thay vào đó, thành những người thầy – những người chứng minh sự chữa lành xảy ra khi tâm trí được tạo nên trọn vẹn trong Chúa Trời. Khi ngài nói với các môn đệ: “Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”*****, ý ngài không phải là: “Hãy ra đời và dùng sách của chúng ta mà đập vào đầu người khác”. Ngài muốn nói: “Hãy ra đời và yêu thương”. Điều đó cũng có nghĩa ngài buộc chúng ta ra đời và tạo ra phép màu, vì khi chúng ta suy nghĩ bằng tình yêu, phép màu tự nhiên sẽ đến. Bất cứ ai yêu thế giới cũng đều là cứu tinh của thế giới.
***** Kinh Tân ước, sách Mark, 16:15.
Tất cả mọi con đường tâm linh chân chính đều là con đường cứu rỗi tinh thần chữa lành tâm trí. Sự cứu rỗi là khi chúng ta học cách nghĩ như Chúa Trời nghĩ. Bởi đã hiện thực hóa được ý thức về sự thiêng liêng vốn có trong tất cả chúng ta, Chúa Jesus có sức mạnh giúp chúng ta thăng lên tần số rung của ý thức đó, khi chúng ta nhờ đến. Khi tâm trí tràn ngập ánh sáng, sẽ không còn bóng tối. Khi tâm trí là một với Christ, bản ngã không tồn tại.
“Chỉ cần thay đổi suy nghĩ của bạn thôi!”. Nói thì rất dễ, nhưng thay đổi đó không phải lúc nào cũng dễ, chắc chắn là không dễ khi chúng ta đang ngã lòng. Chúng ta không thể phân tích sự phiền muộn của mình và hy vọng nó sẽ tan biến. Có những lúc chúng ta cần đến phép màu để được giúp vượt khỏi những giọt nước mắt của mình. Chúng ta cần được giúp để đi từ những gì đã biết một cách trừu tượng đến những gì mình thực sự cảm thấy. Chúa Jesus là một trong những quyền năng có thể giải thoát chúng ta khỏi sự kìm kẹp của nỗi sợ hãi để sà vào vòng tay yêu thương.
TÂM TRÍ THÁNH THẦN
Tâm trí của Đức Phật đã thức tỉnh dưới gốc cây bồ đề. Tâm trí của Moses đã truyền dẫn quyền năng của Chúa Trời để rẽ đôi Biển Đỏ. Và cũng chính tâm trí của Jesus đã dẫn truyền quyền năng của Chúa Trời. Tâm trí khi không liên kết với Chúa Trời là nguyên nhân của mọi đau khổ, tâm trí khi liên kết được với Chúa Trời là nguyên nhân chấm dứt khổ đau.
Có hai người khác bị đóng đinh cùng Jesus, một bên trái và một bên phải. Nhưng chẳng có câu chuyện nào về sự phục sinh của họ. Tại sao? Bởi vì tâm trí của họ, về mặt lý thuyết, không được soi sáng. Jesus không nói lời ghét bỏ những người buộc tội mình hay đổ lỗi cho những người xung quanh. Ngài yêu cả những người ghét mình. Tâm trí của ngài hợp hoàn toàn với Linh hồn yêu thương vô điều kiện của Chúa Trời, nên tất cả quyền năng của Chúa Trời đã được ban cho ngài. Ngài là “ánh sáng của thế giới”, vì là ánh sáng trong tâm trí chúng ta.
Jesus là một cánh cổng, như tất cả các hệ thống tâm linh vĩ đại. Họ là những cánh cổng mở ra một trường tình yêu và sức mạnh không thể diễn tả. Nhưng cánh cổng sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu chúng ta không đi qua nó. Khát vọng của chúng ta, những người tìm kiếm tâm linh, là nâng ý thức của mình lên gần với Chúa Trời, để có thể trở thành những chủ nhân chứ không phải là nô lệ của thế giới phàm trần – giống như một nhà sư bình tĩnh thách thức viên tướng, như Moses rẽ đôi Biển Đỏ, và như Chúa Jesus sống dậy từ cái chết.
Đối với người đau khổ, đây không phải là vấn đề thần học hay siêu hình học, đây là vấn đề sống sót vượt qua được một trải nghiệm. Bất kể cánh cửa mà chúng ta bước qua trên đường đến với Chúa Trời có tên là gì chăng nữa, thì mở cánh cửa ấy ra chính là hành động tạo nên tất cả sự khác biệt. Không có lời lẽ nào mạnh hơn là: “Chúa ơi, con chọn đến với Người. Xin hãy đến với con. Amen”.
Điều kỳ diệu là Chúa Trời sẽ đến, vì Ngài đã ở đó rồi. Khi thấy được điều đó, chúng ta sửng sốt bởi ánh sáng trong Ngài và trong chính mình. Sự sửng sốt của chúng ta sau đó biến thành niềm vui, nước mắt của chúng ta biến thành hân hoan và cuối cùng sự yên bình trở lại.
Cuộc đời tôi đã phải chịu nhiều đau đớn. Tôi đã thấy và đã trải qua sự đau lòng. Tuy vậy, trong cuộc sống của những người khác, cũng như của chính mình, tôi đã thấy bóng tối sâu thẳm biến thành ánh sáng. Tôi đã thấy hy vọng một lần nữa trong mắt những người trước đấy tưởng đã mất hẳn hy vọng. Tôi đã thoáng thấy vũ trụ vận hành như thế nào. Tôi đã thấy hào quang của Chúa Trời. Tôi là một nhân chứng của sự hồi sinh. Tôi biết, từ sâu trong tim mình, rằng đó là sự thật.