Giao tiếp phải tự nhiên
BẠN ĐÃ BIẾT BAO NHIÊU PHƯƠNG THỨC GIAO TIẾP?
Trong những phương thức giao tiếp dưới đây, bạn hãy tự đánh giá xem mình đã biết được bao nhiêu loại? Có một điều chắc chắn rằng, nếu như khi giao tiếp bạn càng biết sử dụng nhiều hình thức trong số này thì ắt hẳn chúng sẽ càng khiến bạn trở nên khéo léo, xuất chúng hơn.
1. Tâm sự
Đây là cách thức giao tiếp biểu lộ cảm xúc và tư tưởng rõ nét nhất. Cách thức này xuất phát từ cơ sở là sự tin tưởng tuyệt đối với người nghe, qua đó bày tỏ mọi vui buồn, giận dỗi, tiếc nuối, lạc quan, thậm chí cả những dự định, tính toán của người nói với đối phương và mong muốn nhận được ý kiến đánh giá từ phía đó. Làm tốt điều này, bạn sẽ có thể nhận được sự khích lệ, động viên hoặc có được những bài học bổ ích và thậm chí người nghe có thể nhiệt tình tham gia cùng với bạn.
2. Lắng nghe
Hình thức này đối lập với việc tâm sự. Người giao tiếp chỉ có thể có được sự chủ động từ trong thế bị động. Đặc biệt là khi chưa hiểu hết suy nghĩ của đối phương, phương thức này sẽ giúp bạn có thêm thời gian để hiểu hơn vấn đề đang được đề cập đến, sắp xếp mọi đầu mối một cách có trật tự. Khi lắng nghe, cần chú ý đến tinh thần của đối phương, để có thể thông qua những cử chỉ, điệu bộ như gật đầu, mỉm cười hay các động tác tay… để thể hiện rõ ràng ý tứ cổ vũ, động viên họ, hướng họ vào nội dung cần trao đổi.
3. Đưa ra đánh giá, nhận xét
Nắm bắt những “khoảng trống” trong câu chuyện của đối phương, khéo léo nói xen vào và đưa ra quan điểm của mình sẽ giúp bạn giành được thiện cảm, cũng như thể hiện được tư tưởng của mình trong giao tiếp. Có thể thẳng thắn, không giấu giếm, che đậy khi giao tiếp là một biểu hiện của tình bạn sâu sắc và quan tâm mật thiết đến nhau. Điều này có khả năng khiến người nghe luôn có cảm giác mãn nguyện và tâm lí thoải mái. Cần chú ý một điều là đánh giá đưa ra cần đúng lúc, đúng mức. Nếu như ngắt lời người nói một cách thô lỗ hoặc đưa ra bình luận một cách thiếu trách nhiệm thì bạn chỉ tự làm xấu đi hình ảnh của mình, tạo ra một trở ngại đối với việc giao tiếp của chính bạn.
4. Tạo cảm hứng
Con người cũng được chia thành nhiều kiểu. Có những người mạnh miệng, lớn tiếng, hay nói, song cũng có những người ít nói và trầm tĩnh. Cách giao tiếp với từng kiểu như vậy cũng có sự khác biệt. Đối với những người vụng về trong giao tiếp, bạn nên chủ động thu hút họ, nói nhiều chuyện ở nhiều mặt khác nhau để giúp họ thổ lộ được những tâm sự bên trong. Khi giao tiếp, nhất định phải chú ý đến những từ ngữ nhẹ nhàng, uyển chuyển để tạo câu, hoặc cách khơi chuyện, hoặc cả những lời nói bóng gió, cạnh khóe… Khi phải đối mặt với những lời nói bóng gió, nhất định không được phản ứng nóng vội, cần dũng cảm và biểu hiện cần thiết nên là sự im lặng.
5. Linh hoạt
Trong cuộc sống, những chủ đề chính để giao tiếp thường rất ít; những câu chuyện không có chủ đề, không mục đích, tập trung lại một cách tự nhiên lại rất nhiều. Do vậy, khi giao tiếp cần chú ý chuyển chủ đề một cách khéo léo, lựa chọn những chủ đề mà nhiều người cùng có cảm hứng để trò chuyện. Tuy nhiên, tuyệt đối không chỉ dựa vào suy nghĩ cá nhân mà cần chú ý đến mối quan tâm của người khác, nếu không bạn sẽ khiến cho mọi người đều không tập trung, không chú ý đến câu chuyện của mình.
6. Ngắt nghỉ
Giống như trong tiểu thuyết cần phân chương, phân đoạn, khi giao tiếp được một khoảng thời gian tương đối dài cần chú ý ngắt quãng, tạm nghỉ. Bởi lẽ khi thể chất mệt mỏi sẽ dẫn đến việc lười suy nghĩ, còn khi tinh thần thoải mái sẽ góp phần giúp cho cuộc đối thoại thành công. Trong lúc ngắt nghỉ, cần chú ý không để môi trường xung quanh quá tĩnh lặng. Bạn có thể đọc báo, nghe nhạc, đánh cờ… Những biện pháp này đều có khả năng duy trì bầu không khí hài hòa vốn có.
7. Suy nghĩ kĩ càng
Đây là hình thức bổ sung cho việc đưa ra nhận xét và đánh giá. Khi giao tiếp, có những lúc cả hai phía sẽ thể hiện những suy nghĩ có chút khác biệt. Nhiều người vì vậy mà nhìn nhận sai đối phương. Điều này thực tế là không nên. Biện pháp đúng đắn là nên chú ý kĩ những quan điểm mới của đối phương, đồng thời tự suy xét, đánh giá vấn đề theo cách tư duy mới đó. Thông qua hình thức này, bạn sẽ quen dần với quan điểm của đối phương, và cả hai phía sẽ hiểu nhau hơn.
TRÁNH NHẦM LẪN KHI SỬ DỤNG KÍNH NGỮ
Không nhất thiết chỉ khi ta có địa vị thấp hơn đối phương thì mới sử dụng kính ngữ. Người biết sử dụng kính ngữ một cách thích hợp, chuẩn xác sẽ thể hiện được rằng mình là người có trình độ văn hóa. Tuy nhiên cũng không nên tùy tiện sử dụng kính ngữ. Nếu sử dụng kính ngữ không hợp lí có thể khiến câu nói trở thành trò đùa, thậm chí là sự vô lễ đối với người khác.
Ví dụ bạn không nên nói “Thân mẫu tôi đã nhắc nhở như thế.” Khi đề cập đến bất kì điều gì liên quan trực tiếp đến bản thân thì không cần sử dụng kính ngữ. Trong trường hợp này, bạn chỉ cần nói như sau: “Mẹ tôi đã nói với tôi như vậy”. Cách nói như thế sẽ chuẩn xác hơn. Nếu như đó là mẹ của đối phương, người mà bạn đang nói chuyện thì nên nói như sau: “Bác gái đã nhắc nhở tôi như vậy”.
Ngoài ra, các cách nói “Em tôi như vậy…”, “Chị gái tôi là như vậy…”, “Các vị đều đã nói…”, “Giám đốc của công ty chúng tôi đang đi du lịch ở Mỹ”, “Ngài giám đốc của quý công ty bây giờ sẽ đến đâu kiểm tra ạ?” đều là cách sử dụng chính xác.
Một ví dụ khác, khi bạn giới thiệu nhân viên công ty mình với một người khác, về cơ bản thì không cần sử dụng kính ngữ. Tuy nhiên, khi nói chuyện với nhân viên công ty mình, nếu họ là quản lí, hay người giám sát thì phải dùng kính ngữ. Ví dụ, khi có người gọi điện đến công ty, xin gặp chủ tịch thì bạn nên trả lời: “Ngài chủ tịch đang có cuộc họp.” Nếu là nhân viên trong công ty hỏi bạn, bạn nên trả lời: “Chủ tịch mới về công ty rồi đấy.” Cách nói như vậy sẽ được đánh giá là một cách nói hợp lí.
Bên cạnh đó, bạn không nên nói “Ông Yoshida, có người gọi” mà nên nói “Thưa ngài Yoshida, có người muốn gặp ngài.”
Thêm một ví dụ khác, khi bạn nói chuyện với bất kì một ai khác, mà người thứ ba được nhắc đến có địa vị thấp hơn so với người đang giao tiếp thì không cần phải sử dụng kính ngữ. Ví dụ: “Thưa ngài chủ tịch, tổng giám đốc mới ghé thăm.” Cách nói như thế này là không chính xác. Bạn nên nói như sau: “Thưa ngài chủ tịch, tổng giám đốc mới đến.”
Cũng như vậy, nếu trong trường hợp nhân viên phục vụ của nhà hàng đến công ty dọn dẹp, bạn không nên nói: “Thưa chủ tịch, tiên sinh của nhà hàng đã ghé qua công ty ta để dọn dẹp” mà nên nói như sau: “Thưa chủ tịch, người của nhà hàng đến dọn bát đĩa.”
“Nghe nói chú chó của quý phủ đã qua đời, có phải vậy không? ” hoặc “Đêm qua, có phải có một vị kẻ trộm ghé thăm quý phủ?” Các cách nói như trên đều có vấn đề. Bởi lẽ, khi đối tượng được nhắc đến là một tên trộm hoặc chó, mèo… thì không cần nói giảm nói tránh, chỉ cần đề cập trực tiếp. Chỉ cần nói: “Con chó chết rồi” hay “Có kẻ trộm đột nhập rồi”.
Thêm một ví dụ nữa về những kính ngữ đã trở thành thông dụng, và chúng ta không cần phải đắn đo suy nghĩ để nói sao cho nho nhã hơn. Ví dụ: “Mời dùng cơm” hoặc “Mời ngài/ cô dùng cơm”. Các cách nói này đều dùng kính ngữ. Vốn dĩ, “dùng” là cách nói nho nhã của từ “ăn”. Do vậy, không nhất thiết phải thêm đại từ như “ngài/ cô/ bà…”
KHÔNG NÊN NÓI ĐỆM VỚI TẤT CẢ MỌI NGƯỜI
Trước khi trò chuyện, bạn cần xem xét tuổi tác và địa vị của người sẽ giao tiếp với mình. Việc thể hiện sự ngưỡng mộ đối với người khác là rất quan trọng, song cũng không nên lạm dụng nó. Ví dụ khi người cùng giao tiếp với bạn là quản lí, nhất định cần phải xem xét địa vị của họ. Nếu họ lớn tuổi hơn bạn, thì cần xét đến vai vế. Tuyệt đối không nên sử dụng thống nhất một cách biểu đạt, bởi như vậy chắc chắn mọi điều muốn nói sẽ không thể hiện được hết.
Dùng những từ “ừ”, “à” khi trả lời cấp trên hoặc người lớn tuổi hơn là không lễ phép, thiếu tôn trọng. Nếu muốn rút gọn thì câu trả lời là “Đúng vậy” hoặc “Vâng ạ” là tương đối thích hợp. Lời lẽ kính trọng là phép lịch sự cơ bản khi bạn giao tiếp với người bề trên.
Tuy nhiên, cũng không nên trả lời liên tiếp với một câu ngắn như thế. Khi đó, đối phương sẽ cho rằng họ đang bị chế nhạo hoặc cho là bạn quá khách sáo. Ngược lại, cũng không nên liên tiếp nói “Thật đáng kinh ngạc!” hay “Thật tuyệt!” Điều này sẽ khiến cho người nghe hiểu lầm, có cảm giác bạn đang xu nịnh. Do vậy cũng nên tránh cách nói này.
Với cách nói đệm, cần tùy thuộc vào thời gian, địa điểm để sử dụng thì mới không dẫn đến việc khó xử. Những người thực sự biết cách nói chuyện khéo léo, chắc chắn không bao giờ quên việc phải chú ý đến yếu tố thời gian, địa điểm và bối cảnh xung quanh…
Nhiều người khi nghe cấp trên của mình nói chuyện không có bất kì biểu hiện cảm xúc nào, chỉ nhất mực gật đầu. Cách thể hiện như vậy thực đáng phải xem xét.
Khi giao tiếp trực tiếp thì việc biểu hiện thái độ và có thêm những động tác phụ họa là rất quan trọng. Nếu người nghe không có phản ứng gì sẽ khiến người nói cảm thấy rất khó xử. Đương nhiên, cách xử sự như vậy cũng có lợi ích nhất định. Việc không thể hiện thái độ trở thành một thứ vũ khí, khiến người cùng giao tiếp sẽ không biết suy nghĩ của bạn là gì. Nhưng trong nhiều trường hợp, cách làm đó sẽ gây trở ngại cho cuộc giao tiếp nhiều hơn.
Xét ở một khía cạnh khác, khi nói chuyện với những người lớn tuổi hơn hoặc cấp trên của mình, thì không nên dễ dãi gật đầu, hay dùng các động tác tay để trả lời, mà vẫn phải dùng lời nói để diễn tả suy nghĩ và thái độ của mình.
Sử dụng các cách biểu cảm khác hay sử dụng ngôn từ thì đều cần chú ý đến tuổi tác, thân phận, địa vị của đối phương, từ đó mới có thể giành được cảm tình của họ.
NHỮNG ĐIỀU KIÊNG KỊ TRONG GIAO TIẾP
Trong giao tiếp, người lãnh đạo cần chú ý đến một vài điều kiêng kị.
Nếu đối tượng giao tiếp là đồng nghiệp, tuyệt đối không nên hỏi tình hình kinh doanh của họ rồi có tâm lý ganh tỵ. Đây là thói xấu thông thường của mọi người. Trước mặt một người mà đề cập đến sự nghiệp hay công việc của một người khác đối đầu với họ thì cũng không phải là một sự lựa chọn khôn ngoan.
Trong cuộc sống thường ngày bạn không nên hỏi người khác về giá tiền của đồ trang sức, không hỏi tỉ mỉ về số lượng tiêu thụ; không hỏi về tuổi tác của phụ nữ trừ khi là đó những bé gái và những người phụ nữ khoảng 60; không nên hỏi về hoàn cảnh gia đình của người khác; không hỏi về chuyện tiền nong hay những điều không dễ tiết lộ trong công việc của người khác.
Về những chuyện mà mọi người không biết hoặc không muốn người khác biết thì họ đều nói tránh. Mục đích của câu hỏi sẽ tạo cảm hứng cho cả hai bên, và không khiến cho bất kì ai mất hứng. Nếu có thể khiến người trả lời có cảm hứng thì cũng sẽ tạo cơ hội cho bạn nói nhiều hơn về những ý kiến của mình. Đây chính là nấc cao nhất của kĩ năng đặt câu hỏi.
Có người cho rằng: “Nếu không học được bất kì điều gì từ những người mà mình cùng trò chuyện thì chắc chắn rằng việc bạn sinh ra trên thế giới này là một thất bại lớn.” Đây hẳn là một lời nhắc nhở đối với tất cả mọi người. Do đó xin bạn hãy nhớ kĩ rằng, việc hỏi đáp không những có thể mở rộng hơn cuộc trò chuyện của bạn mà từ đó còn đem đến cho bạn nhiều kiến thức hữu ích.
Việc đặt câu hỏi là biểu hiện của sự khiêm tốn, đồng thời cũng thể hiện sự tôn trọng của bạn đối với đối phương. “Đem gửi bức thư này cho tôi nhé!” Một câu như vậy chắc hẳn sẽ không giành được thiện cảm bằng cách nói: “Gửi giúp tôi bức thư này nhé.” Đối với một việc bạn không biết rõ, nếu bạn không nhờ đến sự giúp đỡ, chỉ dẫn của người khác thì sẽ là một sự thiệt thòi lớn đối với chính bản thân mình.
Một người chân thành xin lời khuyên bảo của người khác chắc chắn sẽ được hướng dẫn tận tình. Tuy nhiên nên hỏi như thế nào cũng là vấn đề cần phải xem xét. Có nhiều cách hỏi khác nhau và hiệu quả của chúng cũng rất khác biệt. Cách hỏi thông minh sẽ khiến người khác thấy vui vẻ, dễ chịu, song những cách hỏi ngớ ngẩn nhiều khi chỉ khiến người khác thấy nực cười, thậm chí gây ra sự phản cảm. Nếu hỏi một cô gái: “Bạn có thích con trai không?” thì đây thực sự là một câu hỏi ngớ ngẩn. Bạn chắc chắn sẽ cho rằng người này không có đầu óc. Tuy nhiên, có lúc nào bạn trót nói những câu như vậy hay chưa?
NÓI SAI NHẬN SAI VÀ NHÌN NHẬN NÓ NHƯ MỘT CÂU CHUYỆN VUI TRONG GIAO TIẾP
Trong một tập thể, có những đồng nghiệp trùng tên với nhau thường rất hay nảy sinh những trường hợp hài hước kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia”.
Ông Vương Lập là một trường hợp như vậy. Trong công ty, tình cờ cũng có một vị lãnh đạo khác tên “Ngô Lập”, vì thế ông Vương Lập rất hay bị gọi nhầm thành cái tên đó.
Hôm nay, có một nữ nhân viên mới sơ suất gọi nhầm tên ông Vương lập thành “Ngô Lập”. Ông Vương Lập nghe vậy, cảm giác rất khó chịu, không nói câu nào và cũng không để ý đến người nhân viên đó. Điều này thực sự là không nên, bởi lẽ dù có thế nào thì chúng ta, đặc biệt là những người lãnh đạo cũng nên kiềm chế, không nên nhất thời tức giận như vậy.
Khi bị gọi nhầm tên, bất kể là ai cũng sẽ có cảm giác không thoải mái. Tuy nhiên, những cách phản ứng khác nhau trong hoàn cảnh nhất thời như vậy chắc chắn sẽ đem lại những kết quả khác nhau.
Với những người hay gặp mặt bạn mà lại không nhớ nổi họ tên của bạn thì chắc hẳn điều này sẽ khiến bạn thấy không vui. Song đó cũng không phải là điều gì quá mức khiến ta không thể chấp nhận được phải không? Nếu đối phương không nhớ rõ tên của bạn, bạn có thể chủ động nhắc lại một lần dứt khoát cả họ tên mình đầy đủ, như vậy là rất tốt rồi. Ví dụ như: “Tôi là Vương Lập. Cái tên này cũng… nhiều như muối vậy, thật khó mà nhớ được!”
Để có thể tạo ấn tượng mạnh hơn cho đối phương, bạn có thể vừa nhắc tên mình vừa thể hiện rõ cảm xúc bằng cách biểu hiện ra bên ngoài. Câu chuyện nhầm lẫn nhất thời của người nữ nhân viên mới kia có thể coi là chuyện thường gặp, không còn xa lạ với chúng ta. Trong rất nhiều trường hợp, mọi người cũng vì không nhớ tên hay không nhớ rõ mặt của ai đó mà nhầm lẫn người này với người khác. Cho dù thế nào thì đối với những trường hợp như vậy, nếu không nghĩ ra cách để yêu cầu người đó nhớ rõ tên mình thì nên để sau đó mới thể hiện cảm xúc không thoải mái của mình. Cách tốt nhất là nên đồng thời nhắc lại tên mình một cách rõ ràng và trực tiếp thể hiện ra bên ngoài thái độ của bạn.
NHỮNG CÁCH NÓI XIN LỖI
Nhân vô thập toàn, do vậy chúng ta ai cũng nên biết cách nói lời xin lỗi. Lời xin lỗi thật lòng không những có thể hàn gắn mối quan hệ bị sứt mẻ mà còn giúp bồi đắp thêm tình cảm giữa con người với nhau. Có rất nhiều cách nói xin lỗi, thường dùng nhất và cần chú ý nhất là những cách sau đây:
(1) Nếu bạn cảm thấy khó mở lời xin lỗi thì có thể dùng những hình thức khác để thay thế. Một bó hoa tươi có thể xóa bỏ những hiềm khích trước đó; đặt một món quà nhỏ trên bàn hoặc dưới gối sẽ thể hiện được sự hối lỗi, thể hiện được tình cảm không thay đổi; trong khi giao tiếp không lời, sự động chạm cũng có thể biểu đạt rõ ý nghĩa tình cảm. Đây được gọi là “vô thanh hóa hữu thanh”.
(2) Cần ghi nhớ rằng, lời xin lỗi không phải là sự sỉ nhục mà chính là biểu hiện của sự chân thành. Những nhân vật lớn, nổi tiếng nhiều khi cũng phải nói lời xin lỗi. Ấn tượng của Churchill về Truman ban đầu rất xấu, nhưng sau đó chính ông đã nói với Truman rằng, ngày trước ông đã đánh giá thấp Truman. Đây cũng có thể được coi là một lời khen ngợi, bày tỏ được ý xin lỗi của Churchill.
(3) Khi cần xin lỗi thì nên xin lỗi ngay, càng chậm trễ sẽ càng khó mở lời, thậm chí đôi khi bạn sẽ phải hối hận. Giả dụ, bạn cho rằng một ai đó đã xúc phạm đến bạn, nhưng người đó lại không nói xin lỗi. Những lúc như vậy bạn nên bình tĩnh, không nên tức giận, vì có thể đối phương đang nghĩ cách để xin lỗi bạn thế nào là tốt nhất.
(4) Nếu bạn không có lỗi thì cũng không nên vì tránh phiền phức mà nhận lỗi để cho qua. Biện pháp này đối với bất kì ai cũng đều không có lợi. Đồng thời, bạn cũng phải phân biệt rõ hai điều là cần thật lòng hối cải hay nhất thiết phải nói lời xin lỗi. Trong một vài trường hợp, bạn có thể thể hiện sự hối lỗi mà không cần xin lỗi.
(5) Đôi khi, nói một lời “xin lỗi” là không đủ, khi đó bạn cần thể hiện lời xin lỗi đó trên giấy. Viết trên giấy thường có trọng lượng hơn việc chỉ nói ra. Bạn có thể gửi cho đối phương một lá thư xin lỗi, biểu thị sự xin lỗi chân thành.
(6) Cho đối phương cơ hội để có thể trút hết mọi suy nghĩ, để nói hết ra mọi điều bực tức trong lòng cũng là một phương pháp tốt để lấy lại tình bạn. Bạn càng thổi phồng sai lầm của mình thì đối phương sẽ càng dễ mềm lòng và tha thứ cho bạn.
(7) Nên có những hành động cụ thể thể hiện thành ý xin lỗi như tặng quà, mời ăn cơm… Đây đều là những biện pháp tốt. Những hành động này càng cụ thể bao nhiêu thì sẽ càng thể hiện được rõ thành ý của bạn.
(8) Khen đối phương rộng lượng. Đa phần mọi người sau khi nhận được lời khen này đều sẽ tự ý thức làm theo lời khen.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ TỪ CHỐI NGƯỜI KHÁC?
Những người lãnh đạo khi nhận được yêu cầu hay lời nhờ vả từ người khác, thì việc nói “không” cũng sẽ phải đắn đo, suy nghĩ, và cũng cần phải có “kĩ năng từ chối” để không làm mất hòa khí.
1. Tránh động đến lòng tự trọng của người khác, để họ giữ thể diện của mình
Con người ai cũng có lòng tự trọng. Khi một người có yêu cầu đối với người khác thì ít nhiều họ cũng có tâm lí bất an. Nếu ngay lập tức nói “không được” thì sẽ chạm đến lòng tự trọng của họ, khiến cho họ càng lo lắng, mất bình tĩnh, tạo ra những cảm xúc trái chiều, từ đó gây ra những hậu quả không tốt. Do vậy, không nên ngay lập tức trả lời thẳng “không được” mà nên tôn trọng thành ý của đối phương. Trước hết bạn cần bày tỏ sự quan tâm, đồng cảm với người nói, sau đó nói rõ về hoàn cảnh thực tại của bạn, lí do bạn không thể nhận lời. Bởi đã nói trước như vậy nên người nghe có thể đồng cảm với bạn, họ sẽ tin lí do bạn đưa ra, tin việc bạn từ chối là bất khả kháng.
Khi từ chối một ai đó, không những bạn phải xem xét trạng thái phản ứng có thể xảy ra của họ mà còn cần chuẩn bị cách diễn đạt chính xác và hợp lí. Ví dụ khi bạn từ chối một ai đó mà lại kể ra tất cả những khuyết điểm của họ thì sẽ làm tổn thương rất lớn đến lòng tự trọng của họ. Trái lại, bạn có thể khen những ưu điểm của họ trước, sau đó mới chỉ ra các khuyết điểm, nói rõ lí do không thể không xử lí như vậy. Từ đó, họ sẽ dễ dàng lắng nghe bạn hơn, thậm chí còn rất cảm kích.
2. Giảm bớt kì vọng của đối phương với bạn
Đa số mọi người khi có việc muốn nhờ cậy thường tin tưởng rằng, bạn có thể giải quyết tốt vấn đề của họ và chính họ cũng luôn đặt kì vọng rất lớn vào điều này. Thông thường, khi kì vọng càng lớn thì càng khó để từ chối. Khi từ chối yêu cầu nào đó, nếu càng nói nhiều về thế mạnh của mình hoặc quá khoe mẽ về bản thân thì sẽ càng làm tăng kì vọng của đối phương và càng khó khăn hơn trong việc từ chối. Nếu như biết cách nói một cách khéo léo về những điểm hạn chế của mình thì bạn có thể giảm bớt được kì vọng của họ. Từ đó, bạn sẽ có cơ hội nói nhiều hơn đến những thế mạnh của người khác, và dần dần chuyển mục tiêu của họ sang đối tượng khác. Đây không chỉ là cách từ chối khéo léo mà còn giúp họ tìm được giải pháp tốt hơn, giúp họ thấy thoải mái và hài lòng vì đã có được thành công ngoài mong đợi, thay vì cảm thấy thất vọng và phiền não như ban đầu.
3. Từ chối bằng cách nói nhẹ nhàng
Khi bạn muốn từ chối một ai đó, có thể liên tiếp sử dụng kính ngữ để khiến người nghe có dự cảm “sẽ bị từ chối”, từ đó có sự chuẩn bị tâm lí trước.
Trong khi nói chuyện mà từ chối người khác, nhất định cần phải nghiên cứu kĩ. Việc từ chối một cách khéo léo sẽ khiến đối phương tâm phục khẩu phục; nếu từ chối một cách cứng nhắc vừa khiến họ không hài lòng, thậm chí còn có thái độ giận dỗi, ganh ghét đối với bạn. Do vậy, cần nhớ rõ rằng, khi từ chối một ai đó, nhất thiết không được làm tổn thương lòng tự trọng của họ. Cần thiết phải cho đối phương hiểu rõ rằng, việc bạn từ chối là bất đắc dĩ. Bạn cảm thấy rất đáng tiếc và áy náy trong lòng. Hãy cố gắng để lời từ chối của bạn thật nhẹ nhàng, hòa nhã.
4. Làm cho đối phương hiểu rõ hoàn cảnh của bạn
Thông thường, khi một người muốn nhờ người khác giúp đỡ, họ sẽ luôn hi vọng người đó có thể đáp ứng yêu cầu của họ mà không nghĩ đến những phiền phức và rủi ro có thể xảy ra. Nếu việc người đó cần bạn giúp gây bất lợi và có khả năng gây ra hậu quả xấu, thì hãy nói với họ, điều này sẽ khiến cho họ tự đặt mình vào hoàn cảnh để đánh giá, từ đó ngừng hi vọng và yêu cầu đối với bạn.
Trong giao tiếp, chỉ cần còn một tia hi vọng để đạt được mục đích không ai có thể dễ dàng để mình bị từ chối. Nguyên nhân là do tác động của tâm lí. Tục ngữ có câu: “Chưa thấy quan tài chưa nhỏ lệ”. Khi từ chối một ai đó, hãy đặt vấn đề thực tế nhất ra trước mắt họ, thì dù là người kiên trì đến đâu cũng phải từ bỏ ý định của mình.
5. Cần đặt mình ở thế chủ động, đứng về phía có lợi
Cho dù nói thế nào thì việc từ chối một ai đó luôn khiến bạn ở thế bị động. Bởi lẽ rất khó để biết được ai và khi nào họ sẽ nhờ đến bạn, mà một khi họ đã đề xuất yêu cầu, thì lại luôn muốn nhận được câu trả lời trực tiếp. Tuy nhiên trong một vài trường hợp, trực tiếp đến gặp đối phương để từ chối một cách lịch sự có thể khiến cho họ thấy biết ơn, và từ đó bạn sẽ giành được thế chủ động.
Có một lần bác sĩ Lý Minh đi trực về, một người bạn đã tặng cho anh một món quà. Chuyện là bố anh ta bị đau tim và muốn nhập viện điều trị, anh ta muốn nhờ bác sĩ Lý Minh giúp đỡ… Do vậy, bác sĩ Lý Minh buổi tối hôm đó phải đến nhà người bạn để nói rõ tình hình rằng, hiện nay bệnh viện không còn chỗ trống nữa. Người bạn nói:
“Đáng lẽ tôi phải đến gặp anh, bây giờ lại để anh phải đi xa đến đây, thật ngại quá! Chắc cũng không còn cách nào khác nữa, nếu không anh cũng chẳng phải trực tiếp đến đây từ chối như thế này.”
Trực tiếp đến gặp và từ chối một cách lịch sự có ba ưu thế: thứ nhất, có thể lấy lòng nhiệt tình để làm ấm lòng đối phương, để lời từ chối không khiến cho quan hệ giữa hai bên trở nên lạnh nhạt; thứ hai, biểu thị được sự hết mình vì đối phương khi đã không quản khó khăn để đến tận nơi, qua đó cũng giúp cho đối phương có thể hiểu mình hơn; thứ ba, chuyển được từ thế bị động sang thế chủ động, lấy cách cầu trợ mà khiến đối phương chấp nhận lời từ chối, vừa giữ được lòng tự trọng của mình, vừa không làm ảnh hưởng đến tình cảm của đối phương. Đặc biệt, đối với những yêu cầu của người bề trên, nếu không thể chấp nhận thì việc đến gặp mặt trực tiếp và xin lỗi là cách tốt nhất có thể.
6. Bản thân cần có thái độ chân thành
Từ chối là một việc không hề thoải mái. Từ chối một cách nhẹ nhàng là cách để giảm nhẹ căng thẳng giữa hai bên. Đặc biệt, khi lãnh đạo từ chối cấp dưới thì càng phải lấy thái độ thật lòng, giọng điệu quan tâm để đưa ra lí do từ chối, như vậy mới khiến người khác tâm phục khẩu phục. Khi kết thúc cuộc trò chuyện, cần phải bày tỏ rõ thiện ý bằng việc bắt tay, đưa tiễn… Một lần từ chối thành công cũng có thể gieo một hạt giống hi vọng vào việc bắt tay hợp tác lần nữa và làm sâu sắc hơn các mối quan hệ trong tương lai.
TÂM SỰ THÂN MẬT CHÍNH LÀ SỢI DÂY NỐI LIỀN TÌNH BẠN
Giữa bạn bè sẽ có những lúc ngồi tâm sự thân mật với nhau. Đây chính là cách để có thể làm sâu sắc hơn tình bạn giữa mọi người.
Thực tế, việc tâm sự thân mật giữa bạn bè là cách tốt nhất khiến mọi người có cảm giác ấm áp. Bởi lẽ, hình thức và nội dung của cách giao tiếp này có sự khác biệt so với các hình thức khác: từ ngữ không nhất thiết phải chọn lọc, chủ đề câu chuyện cũng không cố định mà thay đổi tùy ý, không gượng ép. Tuy nhiên, nếu cho rằng những cuộc trò chuyện giữa bạn bè không cần chú trọng đến ngôn ngữ thì điều đó sai hoàn toàn. Bởi lẽ khả năng ăn nói, tài hùng biện là yếu tố vô cùng quan trọng đối với việc làm tăng thêm sự thân thiết giữa bạn bè.
Tâm sự với bạn bè là biểu hiện của sự chân thành, hòa hợp. Nếu không đạt đến mức này thì tình cảm giữa bạn bè chỉ mang tính xã giao.
Trong chúng ta, ai cũng có không ít bạn bè. Có những người bạn nói chuyện với ta luôn quanh co, không thật lòng; có những người bạn khác thì luôn chân thành, không che đậy. Không cần bạn trả lời, tôi cũng đoán được, chắc hẳn bạn thích giao tiếp với những người bạn chân thành và thật tâm! Do vậy, bạn cũng cần thực sự chân thành đối với bạn bè mình. Thậm chí, nếu bạn không thể đáp ứng được yêu cầu của bạn bè thì cũng nên trực tiếp nói thẳng với người đó nguyên nhân vì sao. Nếu làm vậy, hai bên có thể hiểu nhau và đồng cảm với nhau hơn.
Tất nhiên, khi những lời nói của bạn bè khiến bạn không hài lòng, bạn cũng cần nói thẳng để hai bên hiểu nhau hơn… Nói tóm lại, biểu hiện của sự thẳng thắn, chân thành là không che giấu, không khách sáo, tin tưởng lẫn nhau. Chỉ có như vậy thì tình cảm bạn bè mới có thể ngày càng trở nên sâu đậm.
Đương nhiên, tâm sự chân thành không đồng nghĩa với việc cãi vã không ngần ngại, bộc lộ quá thẳng thắn. Giữa những người bạn chắc hẳn luôn tồn tại những điểm tương đồng, nếu không họ khó có thể trở thành bạn được. Tuy nhiên, với những vấn đề cụ thể cũng không thể tránh khỏi việc nảy sinh những bất đồng, thậm chí có thể dẫn đến việc xô xát, cãi cọ. Vậy trong những lúc như thế thì chúng ta cần cư xử ra sao?
Đầu tiên, cần chú ý ăn nói có chừng mực, không làm tổn thương đối phương, tránh gây ảnh hưởng đến tình cảm giữa hai phía; dựa trên những nguyên tắc, học thuyết để tranh luận là rất cần thiết nhưng nếu tranh luận gay gắt về một vấn đề nhỏ thì không nên. Tranh luận có thể trở thành lưỡi dao cắt đứt tình bạn, cũng có thể trở thành cây cầu kết nối. Điểm then chốt là trong tranh luận vừa phải có lí lẽ song cũng vừa phải biết nhẫn nhịn.
Cả hai bên khi tranh luận có thể đưa ra quan điểm riêng của mình nhưng tuyệt đối phải tôn trọng đối phương, không thể chỉ vì lợi ích hay ý chí cá nhân mà cãi vã không ngừng nghỉ. Giả dụ, giữa bạn bè thực sự có vấn đề lớn, không tránh khỏi việc tranh luận thì nên chú ý cư xử có chừng mực. Ví dụ:
Tất nhiên nếu bạn không trực tiếp phản đối ý kiến của bạn mình mà dùng các từ như: “Tôi nghĩ…” , “Nếu như…”, “Bạn thử nghĩ xem có phải là…” để thể hiện ý kiến của mình thì chắc chắn kết quả sẽ tốt hơn.
Nhìn chung, trong giao tiếp, khi bạn tâm sự chân thành với bạn bè mình thì họ mới coi bạn là một người bạn thực sự.
NẮM BẮT CƠ HỘI, THỜI ĐIỂM ĐỂ TRUYỀN TẢI Ý NGUYỆN
Trong một số trường hợp đặc biệt, việc nắm bắt thời điểm thích hợp để truyền tải suy nghĩ cũng có thể đạt được mục đích truyền đạt thông tin, bày tỏ cảm xúc. Đây cũng được coi là một hình thức biểu đạt trong những hoàn cảnh đặc biệt.
Nhà văn, nhà phê bình nổi tiếng người Nga Herzen khi còn trẻ có một lần đi tới nhà một người bạn giàu có để dự tiệc. Nhưng ông lại bị những thứ âm nhạc phù phiếm trong buổi tiệc làm cho khó chịu, chỉ còn cách dùng tay bịt tai lại. Chủ nhà nhìn thấy liền vội vàng nói: “Đây là ca khúc đang rất thịnh hành hiện nay.” Herzen hỏi lại: “Ca khúc đang thịnh hành thì nhất định là đẳng cấp ư? Những ca khúc kiểu như thế này hẳn khiến người nghe không chịu đựng nổi.” Chủ nhà nghe xong liền hỏi lại: “Không đẳng cấp sao có thể thịnh hành như vậy?” Herzen tiếp tục vặn lại: “Vậy cúm di truyền cũng là đẳng cấp hay sao?” Chủ nhà nghe vậy liền im bặt.
Biết cách nắm bắt cơ hội để khéo léo nói ra suy nghĩ của mình có những đặc điểm sau:
(1) Đó là tình huống xuất hiện trong trạng thái phức tạp của quan hệ giữa người với người. Do tính chất phức tạp của quan hệ giữa con người hoặc khi hoàn cảnh khách quan không cho phép việc nói thẳng, mà bạn lại muốn bộc lộ những suy nghĩ của mình, vừa để chính mình không bị rơi vào thế bất lợi, vừa để không dẫn đến việc bế tắc trong quan hệ giữa hai phía, thì việc nắm bắt thời điểm để nói chính là cách tốt nhất.
(2) Đó là cách nói vòng để thể hiện ý tứ của mình.
(3) Đó là cách biểu đạt thể hiện thái độ mạnh mẽ và mang tính linh hoạt.
Tổng tư lệnh quân đội Anh là Công tước xứ Wellington, sau khi đánh bại Napoléon tại Waterloo, đã quay trở về London tổ chức một buổi tiệc vô cùng long trọng để ăn mừng. Tham dự buổi tiệc đó có rất nhiều người nổi tiếng thuộc tầng lớp quý tộc và có cả những sĩ quan, binh lính tham gia chiến trận. Các món ăn trong bữa tiệc rất phong phú, đến cuối buổi tiệc, trước mặt mỗi người còn có thêm một bát nước. Một trong số những người lính tham dự hôm đó đã không ngại ngần nâng bát nước lên và uống liền một hơi. Nhìn thấy hành động đó, những vị khách quý tộc đều khúc khích cười thầm. Vốn dĩ, bát nước này được dùng để rửa tay trước khi ăn điểm tâm, nhưng người lính này lại không hiểu được quy cách đó của hoàng gia nên đã gây ra chuyện nực cười. Lúc đó, người lính xấu hổ vô cùng.
Khi đó, Công tước xứ Wellington đã nâng bát nước rửa tay lên và nói: “Thưa các quý ông, quý bà, hãy cạn li vì người” Một tràng pháo tay nhiệt liệt vang lên, mọi người đều làm theo Công tước. Vậy là, kể cả người lính kia cũng như bất kì ai tham dự buổi tiệc hôm đó cũng đều vô cùng cảm động trước nhân phẩm và hành động của Công tước xứ Wellington.
GIỮ TÂM LÍ BÌNH THƯỜNG KHI NÓI CHUYỆN VỚI NHỮNG NGƯỜI NỔI TIẾNG
Khi nói chuyện với những người nổi tiếng, không nên có tâm lý sợ hãi, nhút nhát, chỉ cần bạn thực lòng thể hiện suy nghĩ của mình thì có thể nói chuyện với bất kì ai. Một số người khi giao tiếp với người nổi tiếng thường tâng bốc, nịnh hót khiến người nghe không thể vui vẻ, hài lòng. Nếu bạn là một người thật thà, hãy chia sẻ những ấn tượng của bạn đối với nhân vật đó. Điều này sẽ làm cho những người nổi tiếng cảm thấy rất vui vẻ. Tuy nhiên, bạn cũng cần chú ý rằng ngôn từ và thái độ của bạn phải đúng mực. Bạn không nhất thiết phải coi người đó cao siêu hơn mình, chỉ cần đối xử với nhân vật này như một người bạn bình thường để cùng chia sẻ tình cảm, cảm xúc. Anh ta cũng giống như rất nhiều người khác, cũng có khi mệt mỏi, cũng có lúc bị tổn thương. Thậm chí anh ta có khi còn mềm yếu hơn bạn hoặc nhút nhát như bạn vậy. Đừng cho rằng nhân cách của anh ta tương xứng với sự nổi tiếng hiện có. Những ấn tượng về sự tự tin, khôn ngoan, hài hước hay gợi cảm mà anh ta thể hiện trước công chúng đôi khi chỉ là sự giả tạo.
Khi bạn cùng giao tiếp với hai nhân vật nổi tiếng, không nên chỉ thể hiện sự ngưỡng mộ đối với một người mà không để ý đến người còn lại vì điều này sẽ khiến cả hai người đó thấy khó xử. Bạn nên thể hiện rằng, có cơ hội gặp được cả hai nhân vật nổi tiếng khiến cho bạn rất vui. Nếu bạn muốn tiếp tục duy trì cuộc chuyện trò với họ thì nên đặt nội dung của cuộc nói chuyện xoay quanh những vấn đề mà cả hai người đều có thể tham gia. Nói cách khác, bạn nên để cả ba đều có thể trò chuyện. Nếu bạn không quen với một trong hai người họ, thậm chí sau khi đã giới thiệu bạn vẫn không nghĩ ra được câu chuyện gì thì bạn vẫn cần thể hiện thái độ với hai người họ như nhau, thể hiện cùng một sự nhiệt tình và thân thiện.
Những người nổi tiếng thường có nhiều cống hiến hơn những người bình thường, tuy nhiên họ cũng có những sở thích cá nhân. Ví dụ, có những người rất quan tâm đến giáo dục, họ có thể có những kế hoạch cải cách giáo dục rất lớn; có những người lại dành phần lớn thời gian rảnh rỗi của mình để tìm hiểu và nghiên cứu kĩ một nhân vật nào đó. Khi bạn dự định tìm hiểu hay trực tiếp đến gặp một người nổi tiếng, bạn nên chuẩn bị sẵn một vài nội dung để trò chuyện. Nếu đây là một người có địa vị thì bạn nên hỏi ý kiến của một vài người có liên quan. Ví dụ như, nhân vật này được mời phát biểu tại địa phương và bạn muốn làm quen với ông ta, vậy thì bạn có thể lấy thông tin về ông ta từ đơn vị hoặc cá nhân đã mời ông ta đến. Chắc chắn họ sẽ không từ chối thành ý của bạn.
Với những người nổi tiếng ít tham vọng, họ luôn có trạng thái tâm lí, cảm xúc không ổn định. Nỗi sợ hãi bên trong của họ khiến họ trở nên mềm yếu và nhạy cảm. Sự vô tình sơ ý của những người khác có thể khiến họ tức giận. Tuy nhiên, họ chắc chắn cần đến sự tôn trọng của bạn, tham vọng về danh tiếng của họ càng ít thì nhu cầu về sự thân thiết, tôn trọng càng lớn.
Đối với những nghệ sĩ đã giải nghệ, cách mở đầu khi nói chuyện của bạn nhất định cần phải tích cực. Có một số cách mở đầu cần phải tránh như sau: “Thời gian gần đây anh đã đi đâu vậy?” hoặc là “Rất lâu rồi chúng tôi không được nhìn thấy anh xuất hiện trước công chúng. Anh đã ở đâu vậy?” “Lâu rồi không xuất hiện trên sân khấu, anh có cảm thấy buồn tẻ, nhạt nhẽo hay không?” Những câu hỏi kiểu đó như gáo nước lạnh dội thẳng vào đầu anh ta vậy. Anh ta sẽ không thể thật lòng chia sẻ với bạn. Nếu cứ tiếp tục như vậy thì mọi câu chuyện sẽ chỉ trở nên vô nghĩa mà thôi.
Trong nhiều trường hợp, nói chuyện với những nhân vật nổi tiếng về vấn đề con cái cũng là một lựa chọn không tồi. Bạn có thể hỏi người đó có bao nhiêu người con, chúng bao nhiêu tuổi, hiện nay đang ở đâu, thành tích học tập so với bạn bè ra sao… Nếu bạn đã là một người cha hay người mẹ, bạn sẽ càng có tư cách hơn để nói về chuyện này. Bạn có thể kể với họ, con bạn đã trưởng thành hay cũng bằng tuổi với con họ, có thể chia sẻ những cảm xúc của bạn về sự trưởng thành của con cái, hoặc con bạn thích nuôi động vật như thế nào… Chỉ cần bạn lưu ý rằng, chủ đề của câu chuyện không nên đi quá xa, hay quá sâu vào những vấn đề bí mật, riêng tư.
Khi chúng ta tiếp cận với những nhân vật lớn, đừng quên rằng họ cũng là một người bình thường. Cách ứng xử, đối đãi với họ cũng nên giống như việc bạn đối xử với một người bình thường. Họ cũng có những cảm xúc giống như mọi người, có niềm vui, có nỗi buồn, những khuyết điểm, hận thù, những nỗi kinh sợ… chứ không phải là một con rối. Họ cũng giống như bạn, đây chính là nền tảng để duy trì sự tiếp xúc của bạn với họ.
THAY ĐỔI CHỦ ĐỀ ĐỂ TRÁNH NHỮNG TRƯỜNG HỢP KHÓ XỬ
Có một cô gái từng thất bại trong tình yêu, cảm xúc đầu tiên của cô khi nhớ về chuyện này bao giờ cũng là nỗi buồn. Cô vốn là một người hướng nội, ít nói, cũng không hay chia sẻ nhiều xúc cảm nội tâm với những người xung quanh. Trong công ty có một đồng nghiệp đối xử với cô rất tốt, thường để ý thấy cô hay buồn mà không thể hiện. Một hôm, trước mặt tất cả mọi người, anh ta đến an ủi cô gái: “Người đàn ông đó có gì tốt, người như cô chẳng lẽ không tìm được người khác tốt hơn hay sao?” Không đợi anh ta nói tiếp, cô gái đã chạy vội ra khỏi văn phòng. Khi đó anh ta mới thấy rằng, những lời an ủi của mình không đúng lúc, cô gái kia sẽ khó lòng đón nhận. Những lời an ủi đó đã vô tình trở thành lí do khiến cô gái ấy vô cùng xấu hổ trước mặt mọi người. Từ đó có thể thấy rằng, dù là lời nói an ủi cũng cần tôn trọng người nghe, và đặc biệt cần xem xét đến tính cách cũng như thói quen của họ. Đối với những người sống nội tâm, thường rất khó để có thể trực tiếp an ủi họ trước mặt nhiều người; đối với những người không thích người khác an ủi thì cũng không nên tùy tiện an ủi. Đặc biệt là những điều có liên quan đến vấn đề riêng tư của người khác, thì khi nói lời an ủi, cần tùy theo đối tượng mà có cách xử lý khác nhau.
Trong giao tiếp, chúng ta thường hay gặp phải những câu hỏi khó, gây lúng túng ví dụ như các câu hỏi liên quan đến bí mật quốc gia, tổ chức; liên quan đến thu nhập, cuộc sống riêng tư hay quan hệ với mọi người… Trong những trường hợp này, nếu chúng ta trả lời bằng một câu đại loại như: “Tôi không thể nói được…” thì sẽ tự khiến mình trở thành một người thô lỗ; nếu dùng cách nói xã giao “không bình luận” để trả lời thì lại khiến người hỏi thấy thất vọng, không vui. Nhìn chung, khi xử lí những trường hợp như thế này mà chúng ta trả lời không thỏa đáng thì sẽ khiến cho chính mình rơi vào tình trạng lúng túng, thậm chí còn rất mất thể diện. Muốn giữ thể diện cho mình mà không làm mất lòng người cùng trò chuyện thì việc chuyển chủ đề là cách vô cùng tự nhiên, là vũ khí vô cùng lợi hại.
Chuyển chủ đề cuộc trò chuyện nghĩa là cố ý lái sang một chủ đề khác nhằm tránh những vấn đề không tiện nói ra, và ngay lập tức thay thế cho chủ đề vốn có.
Đôi khi, có những người trong giao tiếp thường quá thẳng thắn và dễ làm mất lòng người khác. Họ thường đưa ra ý kiến chủ quan, thiếu sự nhìn nhận kĩ càng.
Họ thường là những người sống rất chân thành, thật lòng với người khác. Sự sai lầm thường chỉ là do cảm giác chủ quan của bản thân. Họ cho rằng chỉ cần có lời muốn nói thì nên nói, không cần phải để ý nhiều đến xung quanh. Kết quả là họ vô tình xúc phạm đến người khác, còn chính họ thì lại không biết rằng mình đã sai ở đâu.
BỐN YẾU TỐ CẦN BIẾT KHI AN ỦI NGƯỜI KHÁC
Khi an ủi người khác bạn cần nắm được bốn yếu tố sau:
1. Hãy cảm thông, không nên thể hiện tâm lí tiếc nuối
Khi một ai đó gặp phải điều trở ngại hoặc không may trong cuộc sống, chắc chắn rằng họ luôn cần tìm đến những người có thể đồng cảm với họ. Sự đồng cảm thực sự không chỉ khiến cho người đó có thể trút bỏ được những buồn khổ, chán nản, hay bất kì cảm xúc tiêu cực nào, mà còn khiến họ bớt được cảm giác cô đơn, giúp họ có thêm niềm tin để vượt qua những gian nan trước mắt.
Ví như khi con bạn thi trượt đại học, với vai trò là cha mẹ, bạn sẽ có thái độ ra sao? Có những người chỉ biết trách mắng con cái: “Đồ đầu đất, không được việc gì hết! Bây giờ đến đại học cũng không đỗ được thì chỉ còn nước đi quét rác thôi!” Nhưng cũng có những người lại nhẹ nhàng an ủi con cái, hướng đến những suy nghĩ tích cực: “Lần này đề thi không hợp lí phải không con? Không vấn đề gì cả. Hồi trẻ khi đi thi, bố cũng từng thất bại. Đường đời vốn không mấy bằng phẳng, đôi chút gập ghềnh sẽ giúp con người có thể rèn luyện bản thân tốt hơn. Qua thất bại này ta nên rút ra kinh nghiệm cho bản thân, sang năm có thể thi lại. Nếu không thì có thể vừa học vừa làm, tự học cũng có thể thành tài được mà.” Rõ ràng thái độ của cha mẹ được nhắc đến trước sẽ chỉ khiến con cái càng thêm buồn tủi, đau khổ hơn, cách cư xử như người cha được nhắc đến sau là rất hợp lí.
2. Hãy chỉ bảo một cách chân thành, không nên làm ra vẻ dạy đời
Khi một người đang có nhiều lo lắng, phiền muộn, họ rất cần có người bên cạnh ân cần, chân thành hướng dẫn, an ủi. Sự ân cần, chân thành ở đây là những lời thật lòng, sâu sắc, những cảm xúc thành thật.
Có một thanh niên chỉ cao 1m60, bị cận thị bẩm sinh nặng, diện mạo lại xấu xí. Bởi thế mà anh ta luôn tự ti về bản thân mình, luôn tự hỏi bản thân: “Thử nhìn mình mà xem! Xấu xí như thế này thì cả đời này liệu có tiền đồ gì đây!” Có vị tiền bối đã khuyên anh ta rằng: “Này anh bạn, hãy trả lời tôi một câu hỏi nhé: Trên trường đua, có phải những người đẹp hơn sẽ chạy nhanh hơn những người xấu xí không? Chắc chắn là không phải vậy. Bởi lẽ, diện mạo và tốc độ cũng như sức bền của con người chẳng hề có mối liên hệ nào. Thực tế thì cuộc đời này cũng như một cuộc chạy đua vậy. Có tiền đồ hay không là phải dựa vào tinh thần, năng lực chứ không phải là diện mạo xấu hay đẹp. Nhà văn người Nga Tolstoy nghe nói cũng rất xấu. Nếu như ông ta chỉ suy luận là diện mạo không bằng người khác sẽ không có tiền đồ, thì e rằng ngày nay chúng ta sẽ không biết đến những kiệt tác của ông. Anh bạn à, thử nghĩ xem có phải vậy không? Diện mạo là trời cho, con người không thể chọn lựa trước được; còn tiền đồ, tương lai của chính mình thì có thể dựa vào sự nỗ lực để có được, ai cũng đều có cơ hội cả. Anh bạn trẻ này, hoàn toàn không nên tự ti về mình như vậy. Diện mạo không bằng người ta không có nghĩa là thể chất, trí tuệ cũng như vậy, càng không có nghĩa là nhân phẩm, đạo đức không bằng người. Nỗ lực hướng về phía trước để phấn đấu, thành công sẽ nằm ngay dưới chân bạn đấy!’” Cách khuyên bảo của vị tiền bối này thực sự rất chân thành, khiến chàng trai có thêm ý chí và niềm tin trong cuộc đời.
3. Hãy cổ vũ một cách tích cực, không nên phàn nàn tiêu cực
Những người gặp khó khăn và điều không may mắn trong cuộc sống nhất thời sẽ không thoát khỏi sự trói buộc của cảm xúc. Họ thường bi quan, đau buồn và khó có thể tự giải thoát cho chính mình ra khỏi trạng thái cảm xúc tiêu cực đó và ít nhìn thấy được tương lai hạnh phúc và xán lạn phía trước. Lúc này, điều cần thiết là tích cực cổ vũ và tiếp thêm cho họ nghị lực, niềm tin, giúp họ có thể thấy tương lai tươi sáng ngay từ trong những khó khăn hiện tại.
Một người cha lái xe chở con đi xem phim, trên đường không may xảy ra tai nạn. Mặc dù người cha đã cố gắng bảo vệ đứa con nhưng cuối cùng đứa con ấy cũng ra đi. Khi đó, người cha vô cùng đau khổ, nếu như mọi người chỉ than phiền và chê trách thì sẽ càng khiến cho anh ta thấy day dứt, tội lỗi hơn, thậm chí tinh thần càng bấn loạn. Nhưng ngược lại, nếu những người xung quanh tích cực động viên: “Người đã mất rồi không thể sống lại được. Vì bảo vệ con, anh cũng đã cố hết sức rồi. Nếu như vì đau buồn quá mức mà ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân thì con trai anh cũng không thể yên lòng được.” Người cha nghe vậy cảm thấy sự đau buồn hiện tại thực là vô ích, và cuối cùng cũng nghe theo lời khuyên của mọi người.
4. Hãy lựa chọn đúng thời điểm, không nên để chuyện qua lâu rồi mới an ủi
Với những chuyện sinh lão bệnh tử, bạn nên kịp thời an ủi, động viên. Khi chuyện qua rồi thì sự động viên này không chỉ giảm bớt ý nghĩa mà còn một lần nữa khiến cho người bạn phải nhớ lại chuyện đã qua, cảm xúc và những kỉ niệm đau buồn sẽ lại trỗi dậy. Điều này thực sự không nên.
Những lời an ủi, động viên dành cho những người gặp thất bại hay khó khăn cần được nói khi họ đang trong tâm lí nhạy cảm, đau buồn và dễ bị tổn thương nhất.
Một vận động viên từng đạt nhiều giải thưởng lớn trong một lần thi đấu tại giải đấu quốc tế đã thất bại và phải rời khỏi vòng thi đấu. Khi nhìn người chiến thắng vui mừng đón nhận những bó hoa tươi và các câu hỏi từ phía phóng viên, cô có cảm giác như mọi thứ xung quanh đều sụp đổ. Lúc đó, một người phục vụ ở sân bay đã chạy tới và tặng cô một bó hoa tươi. Cô ngạc nhiên: “Tôi… tôi không phải… tôi chỉ là người thua cuộc!” Người phục vụ nói: “Không, cô cũng đã cố gắng hết sức rồi. Không có người thua cuộc thì cũng không thể có người thắng cuộc được. Cô nên ngẩng cao đầu, bỏ lại sự thất bại ở phía sau để có thể hướng đến chiến thắng trong tương lai.” Trong khoảnh khắc đó, ánh mắt của cô gái ánh lên niềm vui, cô xúc động nắm lấy tay người phục vụ: “Cảm ơn! Cảm ơn!” Lời an ủi của người phục vụ không chỉ rất xúc động, thấu tình đạt lí mà còn được nói ra đúng lúc khi nữ vận động viên này đang bị tổn thương, rất cần đến sự chia sẻ như vậy. Có thể nói lời động viên này có lẽ đã đạt được giá trị cao nhất, đem lại một động lực tuyệt vời.