Luôn ghi nhận và biểu dương cấp dưới
MỌI NGƯỜI ĐỀU THÍCH ĐƯỢC KHEN NGỢI
Là cấp dưới, ai cũng hi vọng kết quả công việc của họ được lãnh đạo đánh giá cao. Vì vậy, họ nỗ lực rất lớn để có thể giành được sự tin tưởng từ phía lãnh đạo. Tuy nhiên, những lời khen ngợi chân thành họ có thể nghe được thường không nhiều, đôi khi là lại không phải là những lời khen thật tâm từ lãnh đạo.
Nhân viên giao hàng của công ty là Tiểu Trương đã làm việc cùng với Lão Vương, giám đốc kinh doanh, được hai năm. Sự nhiệt tình của Tiểu Trương càng ngày càng đi xuống vì theo anh nói: “Lão Vương dường như lúc nào cũng chỉ chú ý đến mỗi sai lầm mà không bao giờ chú ý đến thành tích của tôi. Ngay cả khi tôi bán được một mặt hàng đặc biệt khó bán nào đó, ông ta cũng rất kiệm lời với tôi. Bây giờ tôi chẳng muốn dốc sức chăm chỉ làm việc nữa.”
Biểu dương có thể mang đến những kỳ tích, có thể biến con người từ yếu ớt trở nên mạnh mẽ, từ nóng nảy trở nên trầm tĩnh, chuyển bại thành thắng. Đứa trẻ có thể vì một bài văn được thầy giáo khen ngợi mà trở nên hứng thú với văn chương, cuối cùng trở thành nhà văn, nhưng nếu như phê bình một cách lạnh lùng thì sẽ làm cho niềm thích thú của học sinh biến mất.
Tại một trường dạy nghề ở Mỹ, khi dạy cho các học sinh kiến thức về tâm lý học, các giáo sư thường sử dụng “máy đo sức lực” để đo độ mệt mỏi. Khi một đứa trẻ kiệt sức nhận được sự tuyên dương và cổ vũ, lực kế chỉ rõ năng lượng của đứa trẻ đó được tăng lên nhanh chóng; nhưng khi nó bị phê bình và trách móc, thể lực của nó trở nên giảm mạnh.
Do đó có thể thấy: lời ngợi khen có thể kích thích nguồn năng lượng trong mỗi con người. Tuy nhiên, một trong những đức tính tốt được đánh giá cao như vậy lại thường bị bỏ qua trong cuộc sống hàng ngày. Khi con cái đạt được thành tích tốt, các bậc cha mẹ đã quên không ca ngợi; bạn bè vì bạn mà giúp đỡ, nhưng bạn lại quên cảm ơn họ, do đó đã tạo ra khá nhiều sự việc đáng tiếc.
Ca ngợi người khác nên thật lòng, công khai, đừng lo lắng rằng việc khen ngợi sẽ làm giảm giá trị của chính mình. Việc kiệm lời khen ngợi càng dễ làm bạn bộc lộ tính hẹp hòi. Lời khen ngợi có thể giúp họ hiểu được những cảm nhận của bạn, và bạn cũng đừng bao giờ cho rằng, người khác sẽ tự nhiên hiểu được sự cảm kích của bạn. Con người không ai là hoàn hảo, mỗi người đều nên học tập những điểm mạnh và lợi thế của người khác. Là một nhà lãnh đạo, hãy biết nhìn nhận những thế mạnh của cấp dưới để khen ngợi và biểu dương. Như vậy bạn có thể thấy rằng, cấp dưới không những biết tự cải thiện bản thân theo chiều hướng tích cực, mà ấn tượng của họ đối với bạn càng ngày càng trở nên tốt hơn. Bạn với lời biểu dương và lòng biết ơn sẽ đem đến cho họ niềm hạnh phúc, họ cũng sẽ gửi tới bạn ngày càng nhiều những tấm chân tình. Trong cuộc sống thường ngày, bạn nên dùng những lời khen ngợi thường xuyên vì điều đó sẽ để lại dấu ấn đặc biệt. Có thể những người xung quanh sẽ ghi nhớ lời nói của bạn trong tâm trí họ, suốt đời không quên.
KHEN NGỢI TẠO NÊN NGUỒN ĐỘNG LỰC
Mark Twain từng nói: “Tôi nhận lời khen ngợi vui vẻ của mọi người, đủ để cho tôi có một cuộc sống vui vẻ trong hai tháng.” Thật vậy, lời khen ngợi thật sự có khả năng đem lại niềm vui sướng đến mức không gì có thể so sánh được.
Lời khen ngợi giống như ánh nắng mặt trời chiếu sáng những bông hoa trong tâm hồn chúng ta; phải có ánh nắng mặt trời tỏa sáng, nếu không sẽ không thể trồng được những bông hoa đẹp.
Khi bạn khen ngợi hành vi hay những đóng góp của một ai đó, lời khen ngợi của bạn phải thật đặc biệt và chân thành, hơn nữa, nếu mọi người biết rằng anh ta thực sự xứng đáng với lời khen đó, thì lời khen ngợi sẽ tạo ra được hiệu quả tốt nhất. Việc khen ngợi hành vi so với việc khen ngợi bản thân họ có thể giúp tránh được chủ nghĩa thực dụng hoặc thành kiến, cũng có thể tránh được những nhầm lẫn nhất định.
Nếu bạn bước tới trước mặt mọi người và nói: “Bạn đúng là một người đàn ông tuyện vời” thì đa số mọi người sẽ cảm thấy không tự nhiên, hoặc chí ít họ cũng hiểu rằng, bạn đang lôi anh ta ra làm trò cười.
Nhưng nếu như bạn khen ngợi một số điều đặc biệt mà anh ta làm được, anh ta sẽ cảm thấy rất hãnh diện. Khen ngợi công việc của một ai đó sẽ làm cho anh ta chăm chỉ hơn. Khen ngợi hành vi của anh ta thì hành vi của anh ta sẽ ngày càng được cải thiện. Nhưng nếu chỉ ca ngợi bản thân anh ta, điều đó chỉ làm tăng thêm trong họ sự tự đại và kiêu ngạo. Do đó, lời khen ngợi hành vi và đóng góp của một ai đó sẽ làm gia tăng lòng tự tôn, và giúp anh ta rời xa sự ngạo mạn và tự đại.
ĐEM TỚI CHO CẤP DƯỚI “NIỀM VUI CHƯA TỪNG CÓ”
Mọi người cùng làm việc để tồn tại và phát triển tốt hơn, điều này có liên quan đến tiền bạc và tham vọng nghề nghiệp. Nhưng quan trọng hơn, nó còn là sự theo đuổi danh dự cá nhân. Lãnh đạo ca ngợi công trạng của nhân viên chính là cho anh ta sự vinh dự. Khi cấp dưới có công trạng thì lãnh đạo nên cần phải biểu dương cấp dưới.
Lãnh đạo khen ngợi cấp dưới có thể bằng lương bổng, nhà ở, tiền thưởng, giấy chứng nhận, cờ, huân chương, giải thưởng, hoặc mỗi người sẽ nhận được thư công nhận của lãnh đạo gửi tới các phân xưởng, đơn vị, gia đình và mở đại hội ăn mừng… Cấp dưới vất vả, lao lực để sau đó được biểu dương, đó có thể được coi là niềm vui chưa từng có. Một nhà lãnh đạo tốt thì cần phải mang đến “niềm vui chưa từng có” cho nhân viên.
KHÉO LÉO SỬ DỤNG THUẬT KHÍCH TƯỚNG
Trong một số điều kiện, hoàn cảnh nhất định, có một số người khi lòng tự trọng bị xúc phạm sẽ trở nên thiếu tự tin. Trong những trường hợp này, người lãnh đạo có thể khéo léo sử dụng thuật khích tướng để tác động tới lòng tự trọng của anh ta.
Người xưa thường nói: “Mời tướng không bằng khích tướng”. Trong sử dụng nhân tài, nếu khéo léo sử dụng phương pháp khích tướng thì sẽ nhận được những hiệu quả bất ngờ.
Khi sử dụng ngôn từ, cần chú ý đến sự khác biệt giữa các đối tượng, dựa theo đặc điểm tính cách ở mỗi người để sử dụng ngôn ngữ cho phù hợp. Khi vận dụng phương pháp khích tướng, ngôn ngữ mà hời hợt thì chỉ như gãi ngứa; nhưng ngôn ngữ mà quá gay gắt, cũng rất dễ làm cho người khác thấy phản cảm. Vì vậy, ngôn ngữ cần được vận dụng một cách linh hoạt. Xin giới thiệu một số cách sử dụng dưới đây.
1. Cách kích động trực tiếp
Đó là cách trực tiếp nói khích đối phương, để làm dấy lên lòng tự tôn của anh ta.
Lúc nhà máy thực hiện cải tổ bộ máy nhân sự, đối với cán bộ tầm trung thì thực hiện chế độ tự đề cử. Tuy nhiên, không hiểu vì sao Tiểu Trương lại do dự, quyết định khá khó khăn. Theo gợi ý của lãnh đạo nhà máy, một công nhân có tuổi đã đến tìm anh ta với lời nói khẳng khái: “Cậu Trương, cậu không phải đã từng là một sinh viên tài năng ở trường đại học sao? Mọi người đều đặt rất nhiều hi vọng ở cậu, không ngờ cậu lại không có chí tiến thủ, thậm chí đến vị trí giám đốc phân xưởng cậu cũng không dám nhận Cậu thực sự là một kẻ yếu đuối.”
“Tôi là một kẻ yếu đuối?” Tiểu Trương đứng phắt dậy và nói: “Việc học đại học của tôi trở nên vô ích rồi, thậm chí chỉ là chức giám đốc phân xưởng cũng không đảm đương nổi sao?” Nói xong, Tiểu Trương đi thẳng đến phòng lãnh đạo xin nhậm chức.
2. Cách kích động gián tiếp
Thời Tam Quốc, Gia Cát Lượng phải sang Đông Ngô bàn cách chống quân Tào. Ông biết rằng Tôn Quyền không chịu dưới người khác, tính cách không dễ bị khuất phục. Gia Cát Lượng biết quân của Tào có 150 vạn, nhưng khi nói với Tôn Quyền chỉ nói rằng Tào có 100 vạn binh, còn nói thêm quân của Tào binh nhiều thế lớn, đánh đâu thắng đó. Tôn Quyền cảm thấy số lượng quân của Tào có vẻ đáng nghi. Gia Cát Lượng nói: “Ta chỉ nói có 100 vạn, mà e rằng ngài đã khiếp sợ rồi.” Tôn Quyền nghĩ một lúc rồi vội vàng hỏi: “Thế tôi nên đánh hay không đánh?” Gia Cát Lượng nắm lấy cơ hội và nói: “Nếu như Đông Ngô có sức người, sức của có thể đối đầu với Tào Tháo thì hãy đánh; nếu cảm thấy không địch được thì nên đầu hàng!”
Tôn Quyền không phục, hỏi lại: “Theo ý kiến của ông, cớ sao Lưu Dự Châu lại không hàng?”
Gia Cát Lượng đã dự tính được trước lời nói của Tôn Quyền, vì vậy tiếp tục nói kích: “Điền Hoành là một tráng sĩ nước Tề vẫn có thể giữ vững khí tiết, huống hồ Lưu Dự Châu là tôn thân nhà Hán, tài đức hơn người, là chỗ quy tụ lòng người như trăm sông đổ về biển lớn, làm sao có thể quỳ gối đầu hàng, khuất phục dưới lá cờ của nước khác?”
Tôn Quyền nghe vậy hầm hầm tức giận, tuyên bố sẽ chiến đấu đến cùng với quân Tào.
3. Cách dẫn dắt kích động
Trong một số trường hợp, cần phải sử dụng phương pháp “kích động có sự dẫn dắt”, lời nói rõ ràng để dạy dỗ, hướng dẫn, làm kích động lòng nhiệt tình từ phía đối phương.
Ví dụ: Ở một trường học có một học sinh đánh bạn học rồi tự xưng là anh hùng. Giáo viên biết chuyện liền phê bình: “Đánh nhau có gì mà anh hùng, học giỏi hơn họ đó mới là anh hùng chân chính”. Cậu học sinh từ đó bắt đầu chăm chỉ học tập, về sau đã đạt được những thành tích đáng khen ngợi trong bài thi cuối khóa.
Làm lãnh đạo của một công ty, trong các cuộc trò chuyện, phải làm cho cấp dưới cảm thấy tâm phục khẩu phục, phải có khả năng đạt tới sự hài hòa trong công việc hàng ngày, mới tạo ra hiệu quả tốt nhất.
Lời nói cần dựa vào sự thông minh tài trí và kinh nghiệm sống hàng ngày tích lũy được. Phương pháp dẫn dắt sự kích động có hai dạng chủ yếu:
Dạng thứ nhất, nhấn mạnh tới trách nhiệm: Nếu nhấn mạnh tới năng lực, cần làm họ cảm thấy thỏa mãn với sự tôn trọng của người khác, thì mới có khả năng dễ dàng “bắt thóp” anh ta, bởi vì bất cứ ai cũng đều hi vọng nhận được sự tin tưởng và tôn trọng của người khác.
Một vị lãnh đạo muốn gửi một trong những cấp dưới của mình đến vùng sâu vùng xa để làm việc. Ông đã nói như thế này: “Công việc ở đó rối như một mớ bòng bong, làm cho toàn xí nghiệp bị ảnh hưởng, nếu chúng ta không kịp thời chỉnh đốn, chắc chắn cuối cùng sẽ thất bại. Vì vậy, tôi xem xét tới cậu trước, tin tưởng rằng chỉ có cậu mới có thể đảo ngược tình thế, khiến công việc ở đó sẽ ngày một đi lên.”
Người nhân viên nọ bị đẩy tới vùng sâu vùng xa, ban đầu không hài lòng, nhưng nghe nói lãnh đạo tin tưởng mình, giao phó cho mình trọng trách như vậy, đột nhiên trong lòng dâng trào nhiệt huyết, không có lý do gì không dốc hết sức ra làm việc.
Dạng thứ hai, nhấn mạnh đến việc lấy được cảm tình: Khi đề cập đến một vài vấn đề hoặc điều kiện không có lợi cho đối phương, nếu đã đoán được đối phương sẽ cảm thấy khó chịu khi nghe, thì chúng ta phải lấy lòng họ. Khi bắt đầu nói chuyện, hãy cố gắng nắm bắt được không gian cảm xúc của đối phương trước. Ví dụ bạn có thể nói “Đương nhiên, tôi hiểu bạn sẽ hài lòng”, hoặc “Có thể bạn sẽ nghe thấy những điều không vui”...
Chỉ cần những lời nói như trên, đối phương sẽ xóa bỏ được hầu hết những điều không vừa ý, còn đối với bạn, những lời oán thán cũng tan theo mây khói.
KHEN NGỢI LÀ CÁCH KHUYẾN KHÍCH TỐT NHẤT
Lời khen ngợi và biểu dương của lãnh đạo có giá trị hơn tiền bạc. Ca ngợi có thể đem tới cho cấp dưới niềm vui không thể ngờ đến. Doanh nhân nổi tiếng người Mỹ Mary Kay1 cho biết: “Tôi nghĩ rằng, cách tốt nhất để cổ vũ tinh thần cho mọi người là biểu dương họ.” Biểu dương cũng là cách khơi dậy lòng nhiệt tình của toàn thể nhân viên. Đặc biệt là những người có công việc chưa thích hợp, thậm chí là liên tục gặp thất bại, thì áp lực trong suy nghĩ đặc biệt lớn, mất đi sự tự tin để làm tốt công việc. Do đó khi tự thấy nghi ngờ năng lực của mình, họ cần nhất là lời khen ngợi và biểu dương. Đôi khi, một câu khen ngợi và biểu dương đơn giản cũng có thể nâng cao sự tự tin và dũng cảm của người khác, làm cho họ phấn chấn và nhiệt tình với công việc.
1 Mary Kay: Doanh nhân người Mỹ, người sáng lập ra hãng mĩ phẩm nổi tiếng thế giới Mary Kay.
Một công ty đồ trang điểm của Mỹ có một nhân viên mới làm công việc chào hàng mỹ phẩm. Trong hội chợ đồ trang điểm lần thứ ba, anh ta chỉ bán được 35 đôla, doanh số này thật không lý tưởng chút nào. Nhưng anh ta đã nhận được lời khen của ông chủ. Ông chủ này rất nhiệt tình và ngạc nhiên nói: “Đêm hôm qua cậu bán được 35 đôla? Thật không? Thật quá sức tưởng tượng!” Lúc này, có một người từ nơi khác đi ngang qua, ông chủ liền kéo họ lại nói: “Xin hãy để tôi giới thiệu một người đồng nghiệp mới của tôi. Tối qua, doanh số của anh ấy đã đạt được đến ngưỡng 35 đôla!” Nói đến đây, vị sếp dừng lại một lúc, rồi hạ giọng nói: “Hai ngày trước anh ấy không bán được cái gì, nhưng doanh thu của ngày hôm nay đã đạt đến 35 đôla! Đây không phải là một thành tích đáng kinh ngạc sao!” Rõ ràng, vị sếp này đã khuyến khích cấp dưới của mình. Một vài năm sau đó, người cấp dưới ấy đã thực sự trở thành một nhân viên bán hàng tốt. Thử nghĩ xem, nếu cấp trên không kịp thời cổ vũ anh ta, nhân viên bán hàng đó rất có thể sẽ mất đi sự tự tin, cũng có thể vĩnh viễn không biết đến hội chợ đồ trang điểm lần thứ tư. Mary Kay nhận định: “Việc biểu dương thực sự rất kỳ diệu trong việc nâng cao lòng tự tin ở mỗi người, bởi vì mỗi thành tích nhỏ được biểu dương sẽ là động lực để nhân viên thực hiện được những thành tích lớn hơn”.
Trong nghệ thuật lãnh đạo, có một nguyên lý cơ bản được gọi là nguyên lý khuyến khích. Người lãnh đạo nên khuyến khích chính là ý định của người lãnh đạo trong việc khuyến khích cấp dưới về cả vật chất và tinh thần, từ đó huy động lòng tích cực, hăng hái ở cấp độ lớn hơn của họ trong công việc. Đặc biệt những chính trị gia nên vận dụng nguyên lý khuyến khích, để từ đó có thể vận động tối đa sự nhiệt tình, hăng hái của người dân.
Con người được coi là loài động vật bậc cao, không chỉ có nhu cầu vật chất, mà còn có nhu cầu về tinh thần và tâm lý. Mỗi người trong sự nghiệp của mình đều đạt được những thành tựu, và họ đều hi vọng những giá trị đó được người khác công nhận. Họ dựa vào năng lực của cá nhân để có thể nhận được lời khen ngợi của lãnh đạo và đồng nghiệp. Khi được ca ngợi, họ sẽ cảm thấy sự nỗ lực của mình được mọi người công nhận, từ đó sẽ có xu hướng nâng cao trình độ, để thỏa mãn nhu cầu cá nhân. Vinh dự và thành tích chính là mong muốn của họ, vì vậy nhận được sự cổ vũ, họ sẽ càng hăng hái phát huy năng lực bản thân. Khi cấp dưới đạt được thành tích, lãnh đạo cần phải công nhận và biểu dương kịp thời, điều đó có lợi cho việc tăng cường sự tự tin ở cấp dưới, huy động tối đa lòng nhiệt tình từ họ.
Napoléon Bonaparte1 nổi tiếng trong việc khích lệ lòng người. Chủ trương của ông đối với quân đội là “không cần dùng roi da mà dùng vinh dự để tiến hành quản lý”. Để có thể truyền cảm hứng và bồi dưỡng cảm giác thấy vinh dự, theo thông lệ, Napoléon sẽ thăng chức cho những binh lính lập chiến công. Lúc trao cho họ huân chương sẽ thông báo cho toàn thể quân đội, từ đó đã kích thích toàn bộ binh sĩ vì vinh dự mà dũng cảm chiến đấu.
1 Napoléon Bonaparte (1769-1821): Nhà quân sự, nhà chính trị kiệt xuất. Ông là Hoàng đế của người Pháp từ năm 1804 đến năm 1815.
Một nhân viên đã nghỉ hưu từng nói: “Tôi làm việc cho một công ty gia đình. Đối với thành tích công việc của tôi, ông chủ biểu dương không nhiều, nhưng qua nhiều năm sau, tôi vẫn nhớ về việc mình đã từng viết sáng kiến kinh nghiệm về cách làm thế nào để có thể xây dựng mối quan hệ tốt đẹp. Vì sao trong bao nhiêu văn bản tôi từng viết, mà tôi chỉ nhớ điều này, nguyên nhân là vì lời nhận xét của ông chủ: Rất tốt! Chính hai chữ đơn giản ấy đã để lại cho tôi một ấn tượng sâu sắc mà đến tận bây giờ tôi vẫn không thể nào quên.”
Gửi tới người khác một lời khen ngợi chân thành, sẽ thể hiện sự tôn trọng, kỳ vọng và tin tưởng đối với họ, giúp tăng cường hiểu biết và tình hữu nghị. Đây là phương pháp tốt nhất để có hiệu quả trong việc huy động sự nhiệt tình, hăng hái. Bất cứ ai cũng có thể được khen ngợi, chẳng qua ưu điểm và thành tích có khác nhau một chút mà thôi, nhưng dù là tiềm ẩn hay rõ ràng, chỉ cần quan sát cẩn thận, thì đều có thể tìm thấy những ưu điểm đáng được khen ngợi. Dù một người có nhiều nhược điểm hoặc ở trong trạng thái tiêu cực trong một khoảng thời gian dài, nhưng chỉ cần họ có ý thức sửa đổi khuyết điểm, thì bạn nên công nhận và khen ngợi kịp thời.
CÓ ÁP LỰC THÌ MỚI CÓ ĐỘNG LỰC
Là một nhà lãnh đạo, bạn nên: Có áp lực thì mới có động lực. Đối với một doanh nghiệp hiện đại, động lực chính là ngọn nguồn của sự cạnh tranh khốc liệt với các doanh nghiệp khác trong ngành công nghiệp. Như vậy, khi các doanh nghiệp đang gặp khó khăn, lúc công nhân không còn phấn chấn và nhụt chí, lãnh đạo doanh nghiệp phải có khả năng gây áp lực cần thiết cho người lao động, đặt đối thủ cạnh tranh lớn nhất của doanh nghiệp mình lên vị trí nổi bật nhất, nhấn mạnh họ là đối thủ có ảnh hưởng lớn nhất đến sự phát triển của công ty. Như vậy, toàn thể nhân viên có thể lĩnh hội được sâu sắc mối quan hệ giữa các đối thủ cạnh tranh, biết được sự cổ vũ của lãnh đạo mà dốc toàn lực vì sự sống còn của mỗi người, vì sự phát triển của doanh nghiệp.
Một huyện nhỏ của tỉnh Tứ Xuyên có một nhà máy rượu. Vào những năm 80 của thế kỷ XX nhà máy này sản xuất khá hiệu quả, nhưng về sau rượu vang từ nước ngoài nhập vào thị trường trong nước càng nhiều, khiến các sản phẩm của nhà máy không ai quan tâm, gây nên tổn thất nặng nề. Công ty đã đi đến tình cảnh cùng đường bí lối, tâm trạng của công nhân suy sụp mạnh. Giám đốc nhà máy đã triệu tập toàn bộ cán bộ nhà máy, kỹ thuật viên, công nhân để mở cuộc họp, ông nói: “Công ty chúng ta gặp khó khăn đã hai năm nay. Mọi người chắc cũng biết, hiện nay, khắp nơi đều là rượu ngoại nhập. Nếu như mọi người có chí khí, nếu như mọi người muốn qua những ngày này, thì hãy tìm đủ mọi cách, đưa thương hiệu của công ty chúng ta tới Nghi Tân, Lô Châu...” Câu nói của giám đốc nhà máy đã khiến mọi người có ý thức cạnh tranh mạnh mẽ, công nhân toàn nhà máy đồng tâm hiệp lực, vượt qua khó khăn, giành được thương hiệu cho sản phẩm, cuối cùng ở “Lễ hội thực phẩm Ba Thục tổ chức vào năm 1992, nhà máy này có ba sản phẩm giành được Huy chương vàng. Các sản phẩm không chỉ được bán tại Nghi Tân, Lô Châu mà còn được đưa tới khắp các tỉnh thành ở Trung Quốc.
Lúc nhà máy đối mặt với thất bại, lúc tinh thần của nhân viên đã mất hết, giám đốc nhà máy đã liên kết lợi ích của mỗi người với áp lực từ những xí nghiệp khác, chỉ rõ chính những xí nghiệp này là mối nguy hiểm hàng đầu đối với nguy cơ thất nghiệp của họ. Từ đó, kích động mọi người đặt những sản phẩm của những xí nghiệp đó làm mục tiêu nỗ lực phấn đấu, tạo hứng khởi trong toàn nhà máy.
TRONG LÚC HỢP TÁC, CẦN TRANH THỦ SỰ CỐ GẮNG CỦA CẤP DƯỚI
Là một người lãnh đạo, bất luận chức vụ lớn hay bé, nếu hòa hợp được với cấp dưới thì sẽ là điều tốt nhất. Nếu mối quan hệ này được hòa hợp sẽ cổ vũ cấp dưới làm việc tốt hơn.
Dưới đây là bảy phương pháp giúp bạn có thể giao tiếp được với cấp dưới:
1. Cư xử lịch sự, biểu dương đúng lúc
Lãnh đạo luôn cư xử với người ngoài một cách lịch sự, nhưng rất ít khi đối xử với cấp dưới như thế. Buổi sáng đi làm, nếu nhận được một lời hỏi thăm của lãnh đạo thì điều đó sẽ là sự khởi đầu của một ngày làm việc hiệu quả. Lãnh đạo nhất định không nên bỏ qua điểm này. Cấp dưới nhận được sự tôn trọng thì mới toàn tâm toàn ý làm việc, mới bảo đảm được một ngày làm việc hiệu quả.
Người lãnh đạo nhất định phải thấy được sở trường của cấp dưới, hãy luôn nghĩ tới những ưu điểm của họ. Nếu cấp dưới hoàn thành công việc một cách xuất sắc, thì hãy nhắc lại thật nhiều lần điều đó trước mặt những người khác, và hãy nhớ điều đó thật kĩ, vì chúng ta ai cũng mong muốn nhận được sự tán dương của người khác. Con người không ngừng nhận được sự cổ vũ mới có thể hoàn thành công việc một cách tốt nhất.
2. Đối xử công bằng, có sai phải sửa
Người lãnh đạo cần đối xử công bằng với cấp dưới. Ví dụ, nếu bạn quá coi trọng thân tín của mình, người khác sẽ cho rằng bạn là người không công tâm, họ sẽ cảm thấy mất niềm tin vào bạn. Là một người lãnh đạo, nhất thiết không được vì những chuyện nhỏ nhặt mà làm ảnh hưởng đến tinh thần của mọi người, gây trở ngại cho công việc của bản thân.
Trong quá trình làm việc, cấp dưới chắc chắn sẽ xảy ra sai sót. Khi gặp phải tình huống như vậy, lãnh đạo nên lập tức nhắc nhở, không nên đợi cho đến khi những sai sót của cấp dưới quá nhiều mới phê bình. Vì làm như vậy có thể khiến cấp dưới nghĩ rằng bạn không tin tưởng họ, lúc đó họ khó có thể làm việc nỗ lực. Người lãnh đạo nên hạn chế công khai hình phạt mà chỉ nên phê bình chung tất cả.
3. Nên giữ lời hứa, không nên yêu cầu quá hoàn mĩ
Nếu muốn giữ được sự tôn nghiêm khi đứng trước cấp dưới, thì trước tiên lãnh đạo phải là người giữ chữ tín. Lãnh đạo nên suy nghĩ cặn kẽ về tình hình thực tế, một khi đã đưa ra lời hứa thì phải nỗ lực thực hiện bằng được. Dù là vì những lý do khách quan không thực hiện được cũng nên kịp thời giải thích, nếu không cấp dưới sẽ không ủng hộ bạn dài lâu.
Trong cuộc sống, không có ai là hoàn hảo, ai cũng sẽ có lúc mắc phải sai lầm. Vì vậy, không nên lúc nào cũng thể hiện thái độ “trước sau như một, không chịu nhận sai”, như thế chỉ làm cho người khác không tâm phục khẩu phục mà thôi.
4. Tham khảo ý kiến của cấp dưới, lấy mình làm gương
Thường xuyên tham khảo ý kiến của cấp dưới, để họ có cơ hội nói lên ý kiến của mình. Đặc biệt, khi đề cập đến những chính sách có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của cấp dưới thì càng cần phải lắng nghe đề nghị của họ. Nếu đề nghị của họ được đưa ra thảo luận hoặc tiếp thu, họ sẽ chấp nhận quyết định của bạn một cách vui vẻ. Là một nhà lãnh đạo, nhất định phải làm việc chăm chỉ, đồng thời phải gương mẫu chấp hành mọi quy định của công ty. Chỉ có như vậy mới nhận được sự kính trọng của cấp dưới, được họ xem như người nhà.
5. Quan tâm đến cấp dưới, tránh gây ra cãi cọ
Lãnh đạo cần quan tâm đến cấp dưới, chú ý quản lý, bồi dưỡng họ, khuyến khích để họ làm nhiều việc hơn. Khi công việc thuận lợi, cũng cần đưa ra những yêu cầu cao hơn; khi công việc không thuận lợi, đừng chỉ trích quá đáng. Bên cạnh đó cũng cần giúp họ giải quyết những khó khăn trong đời sống hàng ngày.
Khi tranh luận với cấp dưới, phải làm cho họ tâm phục khẩu phục. Lãnh đạo không được tùy ý đánh giá người khác với tư cách cá nhân, càng không được tỏ ra bản thân cao hơn người khác mà, tùy tiện quở trách. Như vậy sẽ gây ra mâu thuẫn, làm hạ uy tín của bản thân.
6. Xử lý công việc một cách chính xác, công tư phân minh
Nếu trong công việc phát sinh vấn đề, cần tìm hiểu kỹ nguyên nhân, rồi từ đó tìm ra cách giải quyết. Khi sự việc chưa được điều tra rõ ràng, thì không được lan truyền khắp nơi, vì như vậy sẽ ảnh hưởng đến tinh thần cũng như tiền đồ của người có liên quan. Oán trách có thể là một loại bản năng của con người, với tư cách một người lãnh đạo, bạn không nên nhớ trong đầu, mà nên thông qua những “oán trách” đó để tìm hiểu về khó khăn của cấp dưới.
7. Phân bổ kinh tế, tinh thần cho cả tập thể
Kinh tế là một vấn đề rất nhạy cảm. Với vai trò một người lãnh đạo, trong khi nghĩ đến quyền lợi của mình bạn cũng cần suy nghĩ đến cấp dưới. Không nên chỉ biết đến bản thân mình, càng không nên tùy tiện phân bổ theo kiểu “cơm tập thể”.
Nên thường xuyên tổ chức những buổi liên hoan, gặp mặt, công khai chia sẻ những khó khăn trong công việc, để cấp dưới tin tưởng và yêu quý mình.
KHEN THƯỞNG CẢ TINH THẦN LẪN VẬT CHẤT
Một số người lãnh đạo rất chú trọng đến việc khen thưởng bằng cách tặng quà cho nhân viên, nhưng như vậy vẫn chưa đủ. Khen thưởng phải coi trọng cả vật chất và tinh thần, như vậy mới có thể đạt được hiệu quả tốt.
1. Nói có lí lẽ
Một lãnh đạo thông minh là người biết cách dẫn dắt nhân viên, khiến cho nhân viên đều cảm thấy công việc của họ rất quan trọng, không chỉ liên quan đến lãnh đạo, mà còn ảnh hưởng đến lợi ích của cá nhân họ. Họ không phải làm việc vì lãnh đạo mà làm việc vì bản thân mình và cống hiến cho xã hội. Nếu có thể khơi gợi được tư tưởng học hỏi lẫn nhau ở nhân viên thì hiệu quả đạt được sẽ càng cao.
2. Hành động theo tình cảm
Lãnh đạo cần nỗ lực để nhân viên có ý thức coi công ty là nhà. Một ngôi nhà cần có không khí hòa hợp, một công ty cũng cần có tinh thần đoàn kết tập thể. Lãnh đạo dù là trao đổi với một nhân viên hay phát biểu trước tập thể đều cần bộc lộ tình cảm chân thành, khiến nhân viên đồng cảm. Dùng lời lẽ ấm áp kết hợp với sự quan tâm chân thành, hướng đến nhân viên, khơi gợi tình cảm giữa lãnh đạo và nhân viên, giữa nhân viên với nhau; xây dựng tinh thần giúp đỡ, quan tâm, từ đó hình thành nên động lực tinh thần to lớn.
3. Lợi ích của việc báo đáp
Khi cổ vũ tinh thần cho nhân viên, phải tùy thuộc vào tình hình công việc của họ, để không quên khen thưởng bằng vật chất, không ngừng cải thiện điều kiện sống của nhân viên. Thứ nhất có thể động viên tinh thần tích cực làm việc của nhân viên, thứ hai là làm nổi bật sự liên quan mật thiết giữa lợi nhuận của công ty và quyền lợi của nhân viên. Cách làm cụ thể thì rất nhiều, ví dụ đưa ra một số phần thưởng, tăng lương đối với những nhân viên có đóng góp quan trọng cho công ty.
Một công xưởng sản xuất đồ chơi nhận được một đơn đặt hàng với số lượng lớn, thời gian gấp. Nếu chỉ làm việc với năng suất bình thường thì không thể hoàn thành kịp đơn hành trong thời gian quy định, nhưng nếu công xưởng này không hoàn thành đúng tiến độ thì không tránh khỏi việc phải bồi thường cho bên đối tác một số tiền cọc lớn, và còn ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của công xưởng. Lãnh đạo vì việc này mà mở cuộc họp với quy mô toàn công xưởng, tràn đầy nhiệt huyết nói: “Các bạn công nhân thân mến, hôm nay, có một việc rất quan trọng chúng tôi cần trao đổi với các bạn. Việc này có liên quan đến việc sống còn của công xưởng chúng ta. Mọi người đều biết, hai năm gần đây, thị trường cạnh tranh khốc liệt, lợi nhuận của công xưởng chúng ta càng ngày càng đi xuống, đến thời điểm này thì đã ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của các bạn. Với vai trò giám đốc, tôi không có đủ năng lực để giúp các bạn tăng thêm thu nhập, tôi chân thành xin lỗi các bạn. Nhưng bây giờ cơ hội đang đến, chúng ta đang có một đơn đặt hàng trị giá đến gần 100.000 đôla. Tôi biết trong thời gian một tháng ngắn ngủi, hoàn thành việc này là rất khó, nhưng các bạn công nhân thân mến, chúng ta có được hợp đồng này không dễ, không làm chúng ta sẽ không có cơm ăn.”
Lãnh đạo dừng phát biểu một lát, nhìn xuống đột nhiên hỏi một câu: “Các bạn công nhân, chúng ta có làm hay không?”
“Làm chứ!” Cả công xưởng vang lên tiếng đồng thanh.
“Được, có được lời này của các bạn tôi yên tâm rồi. Bây giờ giải tán, mời các bạn trở về, chuẩn bị tiếp nhận nhiệm vụ. Tôi cam đoan khi công việc hoàn thành, mỗi người sẽ được thưởng một phong bao dày”.
Với sự nhiệt tình cổ vũ của lãnh đạo, mọi người đều đồng tâm hiệp lực, nỗ lực làm việc, tăng ca sản xuất, cam kết hoàn thành nhiệm vụ ba ngày trước thời hạn được giao.
Vị lãnh đạo này rất biết cách cổ vũ tinh thần công nhân, khích lệ được lòng nhiệt tình của họ, khiến họ nhận ra rằng, nhiệm vụ lần này có hoàn thành được hay không sẽ liên quan trực tiếp đến lợi ích thiết thân của họ, “không làm thì sẽ không có cơm ăn”. Cuối cùng, người lãnh đạo còn biết liên kết lợi ích kinh tế của mỗi công nhân lại với nhau, trực tiếp đề xuất việc sau khi hoàn thành nhiệm vụ sẽ có phần thưởng cho mỗi người.
“TÁM ĐIỀU” NÂNG CAO TÂM LỰC CHO NHÂN VIÊN
Một vị lãnh đạo thông minh muốn để nhân viên của mình có được tinh thần lao động tập thể, có thể áp dụng tám cách dưới đây để nâng cao sức mạnh nội bộ.
1. Cách dành cho toàn thể nhân viên sự công nhận thống nhất
Bất luận trong trường hợp ở hội nghị hoặc thời điểm ra mệnh lệnh, cần phải nói một cách cường điệu: “chúng ta”, “bộ môn của chúng ta” hoặc “đoàn thể của chúng ta”, như vậy mới có thể khiến cho nhân viên cảm thấy lãnh đạo với họ ở trên cùng một “chiến tuyến”. Nếu bạn cứ một mực nói: “bạn làm sao...” hoặc “tôi thế nào...”, thì nhân viên sẽ cảm thấy công việc của đoàn thể không quá quan trọng.
2. Hình thành nên truyền thống của đoàn thể
Trong hoàn cảnh thích hợp có thể kể lại một chút quá khứ vui vẻ hoặc sự kiện đặc biệt; mặt khác, khi đến dịp sinh nhật hoặc những sự kiện đáng chúc mừng khác của nhân viên, lãnh đạo nên tổ chức một buổi chúc mừng. Sau một thời gian dài, thông lệ đoàn thể dần được hình thành; có thông lệ rồi, công việc của đoàn thể sẽ tự nhiên có sức hấp dẫn với nhân viên.
3. Nhấn mạnh tầm quan trọng của tập thể
Lãnh đạo nên đưa ra quan niệm: “Chỉ cần chúng ta cố gắng làm cho được, ai được ghi công không thành vấn đề.” Nói cách khác, người lãnh đạo chỉ nên lo lắng về công việc chung không cần phải lo lắng tới vấn đề ai sẽ là người lập công, như vậy, mọi người đều dốc hết sức lực làm việc.
4. Khen thưởng những hành động tốt của nhân viên
Lãnh đạo nên quan sát cẩn thận, dự đoán tâm lý của nhân viên, để tùy từng thời điểm mà đưa ra sự trợ giúp, công nhận, khuyến khích và khen ngợi. Nếu có nhân viên nào có biểu hiện tán dương đồng nghiệp, thì cũng nên khen ngợi hành vi xây dựng tập thể của nhân viên đó. Dần dần, bầu không khí làm việc ở đoàn thể sẽ hiện rõ sự hài hòa và cân đối.
5. Xây dựng cho tập thể một mục tiêu rõ ràng và dễ phấn đấu
Đối với bản kế hoạch của một công ty xây dựng, nên tóm tắt và thuật lại ý chính cho nhân viên, nhưng cần phải tham khảo khung cấu tạo bên trong của từng hạng mục trong kế hoạch dài hạn; đồng thời lập ra kế hoạch rõ ràng, đúng đắn đối với mục tiêu ngắn hạn. Những mục tiêu ngắn hạn phải thực hiện nhanh chóng, hơn nữa còn phải cụ thể và khả thi trong tầm tay. Nếu mục tiêu quá chung chung, mơ hồ hoặc không thể với tới thì ý chí chiến đấu của nhân viên rất dễ bị mất đi.
6. Tiến hành biện pháp động viên tập thể
Ngoài cách thưởng bằng tiền mặt, nên xây dựng những phần thưởng phù hợp với chính sách khuyến khích đoàn thể; ngoài ra, nếu như công ty nhận được phần thưởng đặc biệt, cũng nên chia đều thành quả này cho tất cả các nhân viên.
7. Tăng cường mối quan hệ gần gũi với cấp dưới
Cần dùng thái độ quan sát, để hiểu được cảm xúc và ý tưởng của nhân viên, đồng thời cũng phải giữ khoảng cách, nếu không sẽ can dự quá sâu, đem đến sự quá quen thuộc, mà quen thuộc thường dẫn đến sự coi thường của nhân viên.
8. Đối xử với nhân viên như người nhà
Như vậy việc lãnh đạo cùng nhân viên ăn cơm trưa là điều tốt nhưng quan trọng lãnh đạo đối xử với cấp dưới như người nhà sẽ giúp hai bên thông cảm, hiểu biết lẫn nhau. Hơn nữa, cấp dưới cảm nhận được cách đối xử ấy, sẽ càng có ý thức gắn bó với tập thể bằng lúc công nhân tăng ca ban đêm, bạn cùng vào làm với họ. Như vậy chắc chắn có thể tăng thêm ý thức đồng cam cộng khổ lúc khó khăn hoạn nạn.
Ví dụ, có một ngày vì công việc yêu cầu, hai nhân viên của doanh nghiệp nọ đi đến một doanh nghiệp khác để giải quyết vấn đề bồi thường, thì đúng lúc đó họ thấy giám đốc ở lại công ty làm tăng ca.
Khi xong việc, hai nhân viên gọi điện thoại về công ty báo cáo sự việc đã được xử lí đúng cách. Trong điện thoại, giám đốc đã ngay lập tức tuyên dương và khích lệ họ.
Ngày hôm sau, các nhân viên đã bàn tán về sự việc như sau: “Giám đốc lo lắng chúng ta không thể giải quyết sự việc nên đã ở lại công ty đợi tin tức.”
Giám đốc vô tình nghe được câu nói đó, mặc dù cảm thấy hơi xấu hổ, nhưng chuyện ngẫu nhiên này cũng tạo được hiệu quả làm cho ý thức làm việc của nhân viên trong công ty đều tăng lên mạnh mẽ.
Trong một doanh nghiệp, nếu các nhân viên có thể đoàn kết cao độ, thì khoảng cách giữa họ sẽ biến mất, công việc đạt hiệu quả cao. Đồng thời, mọi người sẽ cùng chung ý thức coi trọng thương hiệu của tổ chức mình, phấn đấu đạt được mọi mục tiêu, vun đắp để tổ chức mình không ngừng phát triển.