Trong xã hội phát triển với một tốc độ nhanh chóng như hiện nay, quan hệ giữa con người với nhau ngày càng trở nên đan xen, phức tạp. Người ta dần dần nhận thức được rằng, khả năng ăn nói trở thành phương tiện quan trọng thứ ba sau phương tiện giao thông và phương tiện thông tin, liên lạc. Khả năng ăn nói là chiếc chìa khóa vàng giúp mở rộng cánh cửa hướng tới thành công, mặt khác cũng có thể là một bảo bối giúp giành chiến thắng trong những cuộc tranh đấu quyết liệt. Chính vì vậy, nhiều người coi máy tính, đôla và miệng lưỡi chính là “Ba loại vũ khí chiến lược” của thế kỷ XXI. Một người lãnh đạo không làm chủ được ngôn ngữ thì chắc chắn không thể lãnh đạo người khác tốt được.
Tài ăn nói đích thực, chính là việc bạn có thể ăn nói linh hoạt, đối đáp tự nhiên, thoải mái. Trên thương trường đầy sóng gió, vẫn có rất nhiều người như cá gặp nước, họ ăn nói hùng hồn, giọng nói sang sảng, dù có đối mặt với khó khăn cũng có thể biến nó thành việc tốt; họ chào đón đối thủ bằng những nụ cười, khéo léo hành động, chỉ trong một phút ngắn ngủi có thể quyết định thành bại được mất; họ luôn nổi bật giữa đám đông, nói năng mạnh mẽ, có khí phách, luôn có rất nhiều người ủng hộ, một khi đã phát ngôn thì trên dưới đều như một, từ đó tung hoành ngang dọc không gặp trở ngại gì. Nhưng cũng có nhiều người mất đi những cơ hội tốt chỉ vì khả năng diễn đạt không tốt, mọi nỗ lực phấn đấu đều không đi đến được kết quả cuối cùng, nếu không phải do không dám nói ra ý kiến của mình thì cũng giống như bị người khác dắt mũi vậy. Đối với những người bị người khác “dắt mũi” như trên, tôi muốn nói với bạn rằng: Tài ăn nói không phải do trời sinh, chỉ cần bạn nghe nhiều, nói nhiều, chăm chỉ luyện tập, dần dần chắc chắn sẽ có thể “nói đâu trúng đó”, giống như “Ngọc quý từ đá mà ra/Mai vàng chỉ nở khi qua đông lạnh”. Tài ăn nói của một người lãnh đạo là tiêu chuẩn cơ bản nhất, trực tiếp nhất mà người khác nghĩ đến khi đánh giá năng lực và tố chất của họ. Nó cũng thể hiện khả năng giao tiếp, phong thái khi nói chuyện của một người nào đó. Một người lãnh đạo không thể tách rời khả năng ăn nói; khi mới gặp một người bạn mới quen cần có tài ăn nói xã giao; khi giáp mặt với đối thủ rất cần tài hùng biện sắc sảo; khi hợp tác tất phải cần đến thương lượng đàm phán; khi khích lệ cấp dưới cần phải biết cách cổ vũ, động viên. Một người lãnh đạo khi chủ trì cuộc họp, một lời nói dứt khoát trong chốc lát có thể dẹp yên lòng người, tuy vậy khi ở nơi công cộng lại nhất mực khiêm tốn, không một câu to tiếng. Tài ăn nói có thể coi là loại “vũ khí” duy nhất bách chiến bách thắng, vì vậy, rèn luyện khả năng ăn nói là một việc vô cùng cần thiết đối với bất cứ người lãnh đạo nào.