Bất kỳ một nhà lãnh đạo kiệt xuất nào trên thế giới cũng từng phải đối mặt với những thách thức của thời gian, từng phải ra những nước cờ quyết định trước khi giành được chiến thắng cuối cùng. Lãnh đạo không nhất thiết phải là người học rộng, nhưng nhất thiết phải là người có năng lực. Họ phải biết lựa lời với cấp trên; phải nghiêm khắc mà độ lượng, ân cần niềm nở với cấp dưới; phải động viên tinh thần cộng sự; phải biết tùy cơ ứng biến, nhanh nhạy khôn khéo với đối phương; phải biết tranh thủ những người ủng hộ; đồng thời đặt mình vào vị trí của những người phản đối mình để tìm cách thu phục họ…
Có thể nói rằng, tất cả những điều đó đều là tố chất của những người lãnh đạo. Lãnh đạo là người đi đầu trong một tập thể. Vị trí đặc biệt đó quyết định nên tố chất tổng hợp mà họ cần phải có. Tố chất đó là sự tổng hòa của nhiều mặt như hành vi, trí tuệ, tình cảm, thái độ. Một nhà lãnh đạo giỏi không nhất thiết phải là một nhà diễn thuyết, bởi vì một nhà diễn thuyết đại tài chưa chắc đã có khả năng “điều binh khiển tướng”. Chúng ta thường thấy rằng, ngay khi đã xác định được phương hướng và mục tiêu, một nhà lãnh đạo kiệt xuất ngay lập tức sẽ hành động với quyết tâm cao nhất. Khi gặp khó khăn, họ bình tĩnh ứng phó; khi ra quyết sách, họ tỏ ra thông minh quyết đoán; khi thời cơ đến, họ biết nắm bắt kịp thời.
Bồi dưỡng tố chất lãnh đạo không phải là việc có thể làm trong một sớm một chiều, mà cần phải tích lũy qua thời gian. Người lãnh đạo phải không ngừng học tập để nâng cao năng lực và rèn luyện tố chất của mình. Việc cổ vũ, động viên, ra lệnh cho cấp dưới hàng ngày hay đàm phán thương thuyết với đối tác đều là cơ hội tốt để một người lãnh đạo rèn luyện bản thân. Trau dồi kỹ năng một cách đúng đắn là chúng ta đã thành công được một nửa. Một nửa còn lại chính là việc chúng ta áp dụng được vào thực tiễn những gì mình đã học.