Có mục tiêu mới có phương hướng và động lực
✱ Muốn trở thành một nhà lãnh đạo thành công thì nhất định phải xác định rõ mục tiêu của cá nhân mình.
✱ Đối với một nhà lãnh đạo, mục tiêu lý tưởng phải là động lực bên trong mà người đó luôn muốn giành được.
✱ Không có sự thành công nào là không có sự chuẩn bị. Giống như người xưa đã dạy: “Sự chuẩn bị sẽ tạo ra vận may.”
✱ Muốn thành công, cách đơn giản nhất là tiến thẳng tới mục tiêu mà không hề do dự.
VAI TRÒ CỦA MỤC TIÊU
Ngoài việc xác định kết quả cuối cùng cần phải đạt được, mục tiêu còn có tác dụng trong suốt cuộc đời của một nhà lãnh đạo. Mục tiêu là cột mốc trên con đường dẫn đến thành công.
1. Mục tiêu giúp chúng ta thấy rõ sứ mệnh
Hàng ngày, chúng ta đều bắt gặp những người không hài lòng với cuộc sống của bản thân và thế giới xung quanh. Thực ra, có tới 98% trong số họ không thể miêu tả rõ ràng về một thế giới khiến họ cảm thấy hài lòng. Họ không có mục tiêu cụ thể để thay đổi cuộc sống, không có mục đích sống rõ ràng để thúc giục bản thân. Kết quả là họ vẫn tiếp tục sống trong một thế giới mà bản thân không hài lòng nhưng cũng không có ý định thay đổi.
Có một bác sĩ đã phát biểu trong một hội thảo về kết quả nghiên cứu đặc điểm chung của những người già thọ trên 100 tuổi. Ông hỏi những người có mặt trong buổi hội thảo đó xem liệu họ có biết đặc điểm chung của những người này là gì không. Phần lớn mọi người cho rằng đó là ăn uống hợp lý, tích cực vận động, hạn chế bia rượu và các yếu tố gây hại khác… Nhưng thật bất ngờ, vị bác sĩ đó cho biết, điểm chung của những người sống thọ chính là thái độ của họ đối với tương lai, họ đều là những người có mục tiêu trong cuộc sống.
Lập ra mục tiêu không có nghĩa là bạn sẽ sống đến trăm tuổi, nhưng mục tiêu sẽ tăng thêm cơ hội để bạn trở thành một nhà lãnh đạo thành công. Nếu bạn sống mà không có mục tiêu, thì rất có thể cả cuộc đời bạn sẽ gặp toàn thất bại. Giống như J. C. Penney1 đã từng nói: “Một nhân viên bình thường có mục tiêu sẽ trở thành người tạo ra lịch sử, một người không có mục tiêu sẽ mãi mãi chỉ là một nhân viên bình thường.”
1 J. C. Penney (1875-1971): Doanh nhân người Mỹ, người sáng lập chuỗi cửa 14 hàng J. C. Penney.
2. Mục tiêu khiến công việc của chúng ta trở nên có giá trị hơn
Cách nhìn nhận mục tiêu quyết định cách làm việc của chúng ta. Khi thấy mục tiêu không quan trọng, bạn sẽ không nỗ lực làm việc. Ngược lại, nếu coi mục tiêu đó là quan trọng, bạn sẽ nỗ lực tới cùng để đạt được nó. Khi lý tưởng được tạo dựng từ những mục tiêu mà bạn trân trọng, bạn sẽ thấy nỗ lực của mình bỏ ra là xứng đáng.
3. Mục tiêu khiến chúng ta trở nên tích cực
Mục tiêu giúp bạn biết cái đích phải đến và thúc giục bạn tiến lên. Khi nỗ lực thực hiện mục tiêu, bạn sẽ thấy tự hào về bản thân mình. Đối với nhiều người, việc đề ra và thực hiện mục tiêu cũng giống như việc tham gia vào một cuộc thi đấu. Cùng với thời gian, khi bạn lần lượt thực hiện được các mục tiêu, tư tưởng và phương thức làm việc của bạn cũng sẽ thay đổi.
Mục tiêu của bạn phải thật cụ thể và có khả năng thực hiện. Đây là điều rất quan trọng. Bởi nếu một kế hoạch được đưa ra không cụ thể, không xác định được có khả thi hay không thì sự tích cực của bạn sẽ bị giảm đi đáng kể vì bạn không biết mình còn cách mục tiêu bao xa.
4. Mục tiêu giúp chúng ta sắp xếp công việc theo thứ tự ưu tiên
Ưu điểm lớn nhất của việc xác lập mục tiêu là giúp chúng ta sắp xếp công việc theo thứ tự ưu tiên. Nếu không có mục tiêu, chúng ta rất dễ bị cuốn theo những việc chẳng liên quan gì đến lý tưởng của mình. Khi quên mất công việc quan trọng nhất mà bản thân cần phải làm, chúng ta sẽ chỉ xoay quanh những công việc vụn vặt. Có người đã từng nói: “Trí tuệ là nghệ thuật biết bỏ qua thứ gì không cần thiết”. Đó chính là chân lý.
5. Mục tiêu giúp chúng ta quan tâm tới kết quả hơn là tập trung vào bản thân công việc
Những người thất bại thường lẫn lộn giữa bản thân công việc với hiệu quả công việc. Họ cho rằng, công to việc lớn và đặc biệt là công việc gian khổ nhất định sẽ mang lại thành công. Nhưng bản thân công việc không thể đảm bảo cho sự thành công. Một hoạt động có ích phải là một hoạt động hướng tới mục tiêu rõ ràng. Cũng tức là, thước đo thành công không phải là bạn làm được bao nhiêu việc, mà là bạn có được bao nhiêu thành quả.
Mục tiêu giúp chúng ta tránh được tình trạng làm việc cật lực một cách mù quáng. Khi đã xác lập được mục tiêu, bạn sẽ thường xuyên kiểm tra tiến độ công việc, vô hình trung, bạn đã chuyển hướng tập trung từ bản thân công việc sang hiệu quả công việc. Chúng ta không thể làm việc theo kiểu lấp đầy khoảng thời gian trong ngày bằng số lượng công việc. Phải làm ra thành quả để từng bước thực hiện mục tiêu mới là phương pháp đánh giá chính xác thành tích của bạn. Cùng với việc thực hiện từng mục tiêu nhỏ, bạn sẽ xác định công sức để thực hiện được mục tiêu cuối cùng. Không những thế, bạn cũng sẽ biết cách tạo ra nhiều giá trị hơn với lượng thời gian ít hơn. Khi đó dần dần bạn sẽ đề ra những mục tiêu cao hơn, thực hiện những lý tưởng vĩ đại hơn. Cùng với việc nâng cao hiệu suất công việc, bạn cũng sẽ có cách đánh giá chính xác hơn đối với bản thân và người khác.
6. Mục tiêu giúp chúng ta có khả năng nắm bắt hiện tại
Hilaire Belloc1 từng nói: “Khi chúng ta mơ về tương lai và hối hận vì quá khứ, chúng ta đã đánh mất hiện tại, trong khi hiện tại là thứ duy nhất mà chúng ta có trong tay.” Người lãnh đạo thành công là người nắm chắc thực tại, chỉ có nắm chắc thực tại, người ta mới có thể thực hiện mục tiêu của mình. Bởi vì khi đó chúng ta sẽ chia nhỏ mục tiêu và tập trung tinh thần, sức lực vào công việc hiện tại, mục tiêu hiện tại, từ đó từng bước đạt được những mục tiêu lớn trong tương lai.
1 Hilaire Belloc (1870-1953): Nhà văn, nhà thơ, nhà sử học, nhà hoạt động chính trị, mang hai quốc tịch Anh và Pháp.
XÂY DỰNG MỤC TIÊU LÝ TƯỞNG CAO CẢ
Từ khi biết nhận thức, chúng ta đã có lý tưởng và luôn cố gắng để đạt được nó. Lý tưởng mang lại động lực cho chúng ta. Con người không có lý tưởng sẽ bị mất phương hướng. Tolstoy2 ví lý tưởng như ngọn hải đăng. Đối với một nhà lãnh đạo, mục tiêu lý tưởng phải là động lực bên trong mà người đó luôn muốn giành được.
2 Lev Nikolayevich Tolstoy (1828-1910): Tiểu thuyết gia, nhà triết học, nhà cải cách giáo dục người Nga. Ông là tác giả của những cuốn sách nổi tiếng như Chiến tranh và hòa bình, Anna Karenina…
Người lãnh đạo phải đề ra lý tưởng lớn, phải có tinh thần “vượt núi cao”. Nhưng hành động phải xuất phát từ lý tính, phải lấy hiện thực làm cơ sở và phải chú ý đến hướng đi. Con đường đó phải là sự kết hợp giữa lý tưởng và hiện thực, giữa chủ quan và khách quan, tức là phát huy tính chủ động và phù hợp với điều kiện khách quan.
Cho dù gặp khó khăn đến đâu, người lãnh đạo cũng phải kiên trì với lý tưởng của mình. Mục tiêu lý tưởng thuộc về tương lai, còn hiện thực thuộc về hiện tại. Lý tưởng càng lớn thì con đường thực hiện lý tưởng càng dài và gập ghềnh. Người lãnh đạo muốn những cộng sự thực hiện thành công lý tưởng của mình, thì chính họ phải phát huy được tính bền bỉ và ý chí mạnh mẽ, chịu đựng được mọi áp lực, vượt qua mọi khó khăn và trở ngại.
Lý tưởng là đích đến trong tương lai. Vì thế trong quá trình thực hiện, chúng ta cần kiên trì, nghiêm túc, bền bỉ làm việc, đồng thời phải biết bình tĩnh đón nhận thất bại. Cho dù là nhà lãnh đạo xuất chúng thì cũng không tránh khỏi những lúc thất bại, bởi người tài giỏi đến đâu cũng có lúc tính toán sai lầm. Vấn đề là họ chưa bao giờ đầu hàng, họ có một khí phách mà không khó khăn nào có thể quật ngã. Họ dám nhận trách nhiệm. Chính bởi vậy, họ thường biết nắm bắt thời cơ để chuyển bại thành thắng. Họ luôn giữ được tinh thần tích cực. Iacocca1 là một doanh nhân đã từng trải qua nhiều sóng gió cuộc đời, nếm trải từ đỉnh cao thành công đến lúc bần cùng. Ông đã từng có công rất lớn với Tập đoàn xe hơi Ford nhưng do bất đồng với lãnh đạo nên đã bị sa thải. Theo Iacocca, ông đã bị đá từ trên đỉnh Everest xuống. Nhưng ông không chịu thua, ông được công ty Chrysler, lúc này đang trên bờ vực phá sản, chiêu mộ. Chính ý chí kiên định và tinh thần kiên cường đã giúp ông thành công. Chrysler “tái sinh” và Iacocca thì được suy tôn là anh hùng.
1 Lee Iacocca (1924-): Doanh nhân người Mỹ, được biết đến với vai trò là chủ tịch Tập đoàn xe hơi Ford từ năm 40 tuổi, nhưng sau 34 năm cống hiến cho Ford, ông bị sa thải năm 1978. Ở tuổi 54, ông đến Chrysler và vực dậy tập đoàn xe hơi đang trong tình trạng sắp phá sản này.
Điều nguy hiểm nhất là người lãnh đạo có lý tưởng sáo rỗng và không cụ thể. Một tập thể cần phải có lý tưởng cụ thể, khả thi. Như vậy mới khiến mọi người thấy yên tâm để thực hiện lý tưởng đó. Bởi nếu là một lý tưởng mơ hồ thì đừng nói là những người trong tập thể mà ngay cả người lãnh đạo cũng không biết phải bắt đầu từ đâu. Mỗi tập thể đều có đặc điểm riêng, doanh nghiệp hướng tới hiệu quả kinh tế, còn các đơn vị hành chính sự nghiệp thì hướng tới hiệu quả xã hội. Nếu không tiến hành phân loại, không tìm hiểu tính chất của tập thể mà đề ra lý tưởng, mục tiêu thì lý tưởng đó là sáo rỗng và không thể mang lại hiệu quả.
CHIA NHỎ MỤC TIÊU
Các mục tiêu không đứng độc lập với nhau. Con người có rất nhiều mục tiêu. Nếu giữa các mục tiêu không có sự liên hệ với nhau thì kết quả cuối cùng chỉ là phép cộng đơn giản của những mục tiêu mà thôi. Người xưa có câu: “Nếu không biết suy nghĩ vấn đề lớn thì không thể suy nghĩ về một vấn đề nhỏ, nếu không thể lên kế hoạch lâu dài thì sẽ không thể có một kế hoạch trước mắt.” Bởi vậy, mục tiêu phải là một hệ thống, bao gồm những mục tiêu trước mắt, mục tiêu lâu dài, những mục tiêu vừa và nhỏ trong mục tiêu lớn. Giữa các mục tiêu phải có tính logic và tính tương hỗ. Mỗi mục tiêu nhỏ đều là cơ sở và là hình ảnh thu nhỏ của mục tiêu lớn, khi có một mục tiêu nào đó thay đổi, cả hệ thống sẽ có sự thay đổi theo.
Khi có những mục tiêu trong cuộc sống, chúng ta sẽ thấy công việc nào cũng đều có ý nghĩa. Cuộc sống của chúng ta vì thế cũng trở nên vui vẻ và tràn đầy sức sống. Đơn giản vì chúng ta đang hướng đến mục tiêu.
Nhiều lúc chúng ta thất bại không phải do những khó khăn trên đường đời, mà do chúng ta không có niềm tin vào mục tiêu của mình. Một mục tiêu có khả năng thành công là động lực giúp chúng ta tiến bước.
Năm 1984, tại giải Marathon quốc tế được tổ chức tại Tokyo, vận động viên người Nhật Bản Keizo Yamada, một người mà trước đó chưa từng được biết đến, đã bất ngờ đánh bại các tên tuổi lớn, giành được huy chương vàng. Khi được hỏi lý do gì đã khiến anh giành được thành tích tuyệt vời đến vậy, anh trả lời: “Tôi chiến thắng bằng trí tuệ.” Các phóng viên đều cho rằng anh đang cố làm ra vẻ huyền bí. Cuộc thi Marathon là một hoạt động cần đến thể lực và sự bền bỉ. Có sức khỏe tốt và bền bỉ dẻo dai sẽ giành được chiến thắng, sự bứt phá và tốc độ đều chỉ là thứ yếu. Vì thế, anh ta nói rằng chiến thắng bằng trí tuệ quả thực chưa thuyết phục.
Hai năm sau, cuộc thi Marathon quốc tế được tổ chức tại thành phố Milan của nước Ý. Yamada lại được đại diện cho Nhật Bản tham gia thi đấu. Và lần này, anh cũng giành vị trí quán quân. Khi được phỏng vấn, anh vẫn lặp lại câu nói hai năm trước: “Tôi chiến thắng bằng trí tuệ.” Lần này báo chí không còn tỏ ra nghi ngờ nữa, nhưng họ vẫn không hiểu ý nghĩa của câu nói đó.
Mãi đến 10 năm sau, điều bí mật mới được làm sáng tỏ. Trong cuốn tự truyện của mình, Yamada viết: “Trước mỗi lần thi đấu, tôi đều đi xem trước tuyến đường mình sẽ chạy, vẽ lại những địa điểm nổi bật, ví dụ như địa điểm đầu tiên là ngân hàng, tiếp đến là một cái cây to, rồi đến một ngôi nhà màu đỏ… Tất cả được vẽ lại trong một tờ bản đồ với chú thích độ dài chính xác từng mét. Sau đó, tôi căn cứ vào tốc độ chạy, phương án phân phối sức lực khi chạy trên toàn bộ con đường để tính ra thời gian cần thiết phải chạy trên từng quãng đường đã được đánh dấu. Vì thế, khi vào cuộc thi chính thức, tuyến đường hơn 40km đã được tôi chia nhỏ ra và hoàn thành hết sức nhẹ nhàng. Thực ra lúc đầu tôi không biết cách làm đó. Tôi chỉ nhắm đến lá cờ cắm ở vạch đích và kết quả là sau khi chạy được hơn 10km, tôi đã kiệt sức. Tôi rất hoảng sợ trước mục tiêu xa vời phía trước.”
Trong cuộc sống, có những lúc chúng ta bỏ dở một công việc giữa chừng không phải vì việc đó quá khó, mà vì chúng ta thấy thành công còn ở quá xa. Nói một cách chính xác thì chúng ta bỏ cuộc không phải vì thất bại mà vì kiệt sức. Vì thế, ngay từ bây giờ, chúng ta hãy đề ra mục tiêu cho mỗi giai đoạn trong cuộc đời, sao cho kế hoạch đó vừa phù hợp với thực tế, vừa không quá dễ để tránh tư tưởng an phận do mọi cái đều dễ dàng đạt được.
HÃY TƯỞNG TƯỢNG NHIỀU VỀ MỤC TIÊU
Rất nhiều nhà lãnh đạo vĩ đại khi hồi tưởng về cuộc đời mình đều tin rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến thành công là họ luôn “tưởng tượng nhiều về mục tiêu”. Họ tin rằng bản thân là “người mang sứ mệnh” để hoàn thành mọi công việc nên khi gặp bất cứ khó khăn nào, họ cũng nỗ lực hết sức để vượt qua và tạo ra thành quả vĩ đại.
Nếu có thể tưởng tượng về sứ mệnh của mình, chúng ta sẽ khơi nguồn động lực cho sự sống. Tưởng tượng còn biến khát vọng thành những việc cụ thể mà chúng ta có thể hướng tới. Là một khái niệm mơ hồ, nhưng khi được biến thành mục tiêu cụ thể, khát vọng sẽ trở nên rõ ràng. Khi đó, chúng ta sẽ dốc sức để hoàn thành nó.
Khi tưởng tượng về mục tiêu, bạn phải tưởng tượng thật cụ thể, ví dụ như: Bạn sẽ sống cùng ai? Bạn sẽ sống ở đâu? Bạn sẽ qua lại với ai? Quan hệ với những người khác như thế nào? Bạn sẽ tham gia hoạt động gì? Bạn muốn có tài sản gì?...
Trí tưởng tượng càng sinh động, bạn càng dễ thiết lập và hoàn thành mục tiêu đó.
Câu chuyện của Jim Stovall sẽ giúp bạn hiểu hơn về tầm quan trọng của tưởng tượng:
Từ một cầu thủ bóng đá chuyển sang bộ môn cử tạ, tôi đã phải dốc hết sức lực của bản thân. Tôi quyết tâm trở thành quán quân cử tạ, vì thế tôi ra sức luyện tập. Trong khoảng thời gian đó, tôi kết bạn với một chàng trai người Nhật và học được một bài học quan trọng từ người bạn này.
Trong khoảng thời gian từ khi bước vào sân thi đấu cho đến khi chính thức thi đấu phải trải qua một quá trình như sau: Đầu tiên bạn phải bước đến trước thanh tạ đã được điều chỉnh trọng lượng. Từ khi vận động viên trước hoàn thành bài thi cho đến khi bạn bước ra nhấc tạ lên chỉ có vẻn vẹn ba phút. Nếu trong vòng ba phút đó bạn không nâng được tạ lên thì bạn sẽ bị hủy tư cách thi đấu. Đây là quy định giúp cho cuộc thi được diễn ra liên tục. Không vận động viên nào được thoải mái thời gian để chuẩn bị tốt trước khi nâng tạ. Vì thế trước khi bước tới thanh tạ, bạn đã phải chuẩn bị tốt cả về thể lực và tinh thần.
Có một lần, tôi để ý thấy cậu bạn tôi chỉ nâng tạ khi thời gian còn lại vài giây. Vì thế, cũng có lúc anh ta bị hủy tư cách thi đấu do không kịp nâng tạ.
Một lần, gặp anh ta trong phòng tập, tôi hỏi: “Cậu sao thế? Không phải lần nào tớ cũng thành công, nhưng ít nhất là lần nào tớ cũng thử sức mình.”
Cậu ta trả lời: “Tớ chỉ nâng tạ khi bản thân mình đã nhìn thấy trước thành công. Người phương Đông chúng ta có một triết lý như thế này: Khi tâm hồn có khả năng giải thoát thể xác và tinh thần, thì chúng ta sẽ không thấy sự khác biệt giữa những gì chúng ta tưởng tượng và cuộc sống thực tại. Tớ biết là khi tớ có thể tưởng tượng ra việc mình sẽ thành công, thì tớ sẽ hoàn thành bài thi. Nhưng nếu tớ không thể làm thế, thì tớ sẽ bỏ qua. Tại sao tớ phải lãng phí thời gian để thử một việc mình sẽ thất bại chứ?”
Câu trả lời của cậu khiến tôi suy nghĩ rất nhiều. Tôi đã hiểu ra điều đó trong khi tập luyện và trong khi quan sát những vận động viên khác thi đấu. Một đội bóng bất ngờ thi đấu xuất sắc và ghi bàn trước khi kết thúc trận đấu. Vậy nguyên nhân là gì? Thường là do một câu nói của huấn luyện viên, hay tiếng gào thét của cổ động viên, hoặc cũng có thể là một tin nào đó đã khiến các cầu thủ dồn hết sức để thi đấu. Họ đã nỗ lực đúng lúc để giành chiến thắng. Khi họ tin vào chiến thắng trước mắt, họ sẽ nỗ lực gấp đôi. Cho dù chưa giành được thắng lợi, nhưng cầu thủ và cả đội bóng đều đã bắt đầu có niềm tin vào chiến thắng, họ sẽ tỏ rõ ý chí mạnh mẽ của kẻ chiến thắng, họ quyết tâm không để mình thua cuộc.
Bạn thân mến, bạn hãy phát huy trí tưởng tượng của mình, khơi dậy ý chí chiến đấu, bạn sẽ nhìn thấy hy vọng.
Nhắm mắt lại và tưởng tượng, tưởng tượng rằng mình đã đạt được mục tiêu.
Nhìn thấy vai trò mà mình sắp phải nỗ lực hoàn thành.
Cảm nhận mọi việc khi điều đó xảy ra.
Sau đó, bạn sẽ thấy hy vọng đang ở bên, khát vọng làm việc đang dâng trào trong lòng bạn. Bạn hãy bắt tay làm đi nhé!
THIẾT LẬP MỤC TIÊU MANG TÍNH THỬ THÁCH
Có rất nhiều câu chuyện và nhiều thành quả nghiên cứu chứng minh rằng: Trong mỗi con người đều đang ẩn chứa tiềm năng to lớn chưa được khai thác.
Học giả Mỹ William James1 đã nghiên cứu và phát hiện ra rằng: “Người bình thường mới chỉ phát huy được 1/10 khả năng của mình. Chúng ta mới chỉ sử dụng một phần rất nhỏ tiềm năng của mình…”
1 William James (1842-1910): Nhà tâm lí học và triết học tiên phong người Mỹ.
Vậy tại sao trong cuộc sống lại có sự khác biệt lớn đến vậy giữa mọi người?
Bên cạnh thái độ, mức độ nỗ lực những yếu tố liên quan tới giáo dục và môi trường sống thì mục tiêu cũng là một trong những yếu tố tạo nên sự khác biệt đó.
Độ khó của mục tiêu được quyết định bởi yêu cầu của con người đối với bản thân và kỹ năng hoàn thành mục tiêu. Nếu dám thách thức năng lực trình độ vốn có, khi gặp phải khó khăn, chúng ta sẽ biết cách áp dụng cách làm mới để giải quyết vấn đề. Sau quá trình học tập, năng lực của chúng ta sẽ được nâng cao, khi đó chúng ta đã vượt qua được bản thân.
Chỉ khi có ý thức tự giác tích cực, chúng ta mới hiểu về mình. Khi đó, chúng ta sẽ phát huy được khả năng to lớn của mình để hoàn thành những công việc phi thường.
Roosevelt1 từng nói: “Người kiệt xuất không phải là những người được ban cho tài năng thiên bẩm, mà là người biết cách phát huy khả năng của mình ở mức độ cao nhất.”
1 Franklin Delano Roosevelt (1882-1945): Tổng thống thứ 32 của Hoa Kỳ.
Khi còn đi học, Napoléon2 luôn bị coi là dốt nát. Tiếng Pháp và ngoại ngữ ông đều viết sai, kết quả học tập của ông rất thấp. Hơn nữa, thời niên thiếu ông còn là một cậu bé ngỗ ngược.
2 Napoléon Bonaparte (1769-1821): Nhà quân sự, nhà chính trị kiệt xuất người Pháp. Với đế hiệu Napoléon I, ông là hoàng đế nước Pháp từ năm 1804 đến năm 1815.
Trong cuốn tự truyện của mình, Napoléon viết: “Tôi là một đứa trẻ bướng bỉnh, lỗ mãng, không chịu thua bao giờ và không nghe lời bất cứ ai. Tôi làm cho mọi người trong gia đình hoảng sợ. Nhất là anh trai tôi, tôi đánh anh ấy, mắng anh ấy. Khi anh chưa kịp định thần, tôi phi thẳng vào anh như một con sói.”
Không chỉ vậy, Napoléon còn đánh những cậu bé lớn tuổi hơn mình và thường khiến đối thủ run lẩy bẩy, trong khi ông chỉ là một cậu bé ốm nhom ốm nhách, mặt mũi xanh xao. Người nhà đều gọi ông là “tiểu nghịch tử”.
Thế nhưng, có một niềm tin trong cậu bé này đang ngày một lớn lên. Ông mơ hồ nhận ra rằng mình rất khác người. Ông từng có cách nghĩ ngông cuồng: Những gì mà mình thích đều phải là của mình.
Càng ngày ông càng quan tâm đến bản thân hơn. Ông thường chìm đắm trong suy tư, ông thích những toan tính phức tạp, ông đã học được cách kiềm chế với thái độ bình tĩnh và một cái đầu lý trí.
Lần đầu tiên ông kinh ngạc nhận thấy mình có khả năng suy nghĩ xuất sắc. Ông trở nên quyết đoán và nhạy bén, trong ông tràn đầy tinh thần chiến đấu. Một khát vọng mới đã thắp sáng lòng nhiệt tình của ông. Cho đến một ngày, ông tự nói với bản thân: “Ta có tố chất của một nhà quân sự xuất chúng. Quyền lực là thứ mà ta muốn có.” Khi ý thức về bản thân được hình thành, nó sẽ có tác dụng thúc đẩy rất lớn. Napoléon liên tiếp giành chiến thắng trong các trận đấu. Ông lên ngôi hoàng đế Pháp khi mới 35 tuổi.
TIẾN THẲNG ĐẾN MỤC TIÊU, QUYẾT KHÔNG DO DỰ
Thành công là gì? Thành công chính là thiết lập mục tiêu rõ ràng và thực hiện mục tiêu đó bằng nỗ lực của bản thân. Nhưng có không ít người trong quá trình thực hiện mục tiêu lại bị những việc khác thu hút sự chú ý, để rồi liên tục thay đổi mục tiêu, cuối cùng họ đã đánh mất mục tiêu ban đầu của mình. Bởi vậy, biện pháp đơn giản nhất để đi đến thành công là tiến thẳng đến mục tiêu mà không hề do dự.
Indira Gandhi1 từng nói: “Tôi là người có tham vọng nhưng năng lực có hạn. Muốn làm một việc nào đó, chúng ta phải đấu tranh cho dù là việc nhỏ nhất. Nhưng tôi là một người lười nhác, vì thế tôi chia công việc thành ba loại: loại quan trọng nhất, loại quan trọng vừa và loại không quan trọng lắm. Tôi chỉ nỗ lực cho loại công việc thứ nhất. Nếu sức khỏe của tôi tốt, tôi có tiềm lực, thì tôi sẽ phấn đấu cho loại công việc thứ hai.” Câu nói này đã thể hiện đặc điểm tính cách và tác phong làm việc nhanh nhẹn, dứt khoát của một chính trị gia.
1 Indira Gandhi (1917-1984): Thủ tướng thứ 5 và thứ 8 của Ấn Độ; đồng thời là con gái của Thủ tướng Ấn Độ đầu tiên và mẹ của Thủ tướng Ấn Độ thứ 6.
Vào một ngày hè nắng chói chang, một nhóm công nhân đường sắt đang làm việc trên đường ray thì một đoàn tàu đi tới. Các công nhân bỏ đồ làm việc xuống đợi tàu đi qua. Tàu dừng lại, cửa toa cuối cùng trông rất sang trọng bật mở. Một giọng nói thân thiện vọng ra: “David, là anh phải không?” Đội trưởng nhóm công nhân David Anderson trả lời: “Đúng là tôi, anh James Morfel. Thật vui được gặp anh.” Sau vài câu hàn huyên, David được mời lên tàu. Thì ra đó là chủ tịch hội đồng quản trị của công ty đường sắt. Sau hơn một giờ đồng hồ hàn huyên, họ chia tay nhau, đoàn tàu chuyển bánh.
Nhóm công nhân vây lấy David. Họ rất ngạc nhiên khi biết David là bạn của chủ tịch hội đồng quản trị. David cho biết, hơn 20 năm trước, ông và James Morfel đã vào làm việc trong ngành đường sắt cùng một ngày.
Có người đã nửa đùa nửa thật hỏi ông, tại sao đến giờ ông vẫn phải phơi lưng dưới ánh mặt trời, trong khi James Morfel đã trở thành chủ tịch hội đồng quản trị.
David đã có một câu trả lời rất sâu sắc: “20 năm trước tôi làm việc vì 175 đôla mỗi giờ, còn James Morfel làm việc vì sự nghiệp của ngành đường sắt.”
Sau 20 năm, cuộc sống của James Morfel và David đã khác xa nhau. Đó là do họ đã lựa chọn những mục tiêu khác nhau. James Morfel thành công hơn David rất nhiều vì mục tiêu ban đầu của ông lớn hơn và có tính thử thách hơn của David. Sau khi mục tiêu được thiết lập, người ta sẽ phải nỗ lực phi thường để kiên trì theo đuổi mục tiêu ấy. Và vì thế nên kết quả sau 20 năm tất nhiên là rất khác biệt. Chúng ta có thể thấy rằng, mục tiêu trong cuộc đời có liên quan chặt chẽ với những kết quả mà chúng ta sẽ giành được. Muốn thành công, chúng ta phải có mục tiêu lớn.
Có một câu chuyện như thế này. Có ba người công nhân đang xây tường. Một người qua đường hỏi họ: “Anh đang làm gì?” Người thứ nhất trả lời: “Xây tường.” Người thứ hai trả lời: “Tôi đang kiếm tiền.” Người thứ ba trả lời: “Tôi đang tạo nên một ngôi nhà độc đáo nhất trên thế giới.” Từ những câu trả lời ngắn gọn, chúng ta có thể thấy được thái độ làm việc của những công nhân đó. Người thứ nhất làm việc chỉ vì công việc. Người thứ hai làm việc vì tiền, còn người thứ ba làm việc vì mục tiêu. Được biết đây là câu chuyện có thật, sau đó anh công nhân thứ nhất và thứ hai vẫn chỉ là những công nhân xây tường bình thường, trong khi anh công nhân thứ ba đã trở thành một kiến trúc sư nổi tiếng.
Mục tiêu đề ra ban đầu quyết định kết quả cuối cùng mà chúng ta đạt được.
Trong cuộc sống có rất nhiều người luôn vướng bận vào những công việc lặt vặt, kết quả là họ kiệt sức mà chẳng làm nên chuyện gì. Nhưng những người lãnh đạo có chí lớn sẽ tập trung thời gian và sức lực vào những việc quan trọng.
SỰ CHUẨN BỊ TỐT SẼ TẠO NÊN VẬN MAY
Người xưa thường nói “chưa động binh, quân lương đã phải đầy đủ”. Bất cứ công việc gì cũng đều cần đến một quá trình chuẩn bị. Muốn làm việc lớn, nhưng không có sự chuẩn bị mà bắt tay vào làm thì chúng ta sẽ thất bại. Vậy thì chúng ta nên học các nhà lãnh đạo thành công đi trước, bình tĩnh lại và đề ra “kế hoạch tương lai”. Các nhà lãnh đạo thành công đều phải chuẩn bị rất nhiều.
Những người có vận may liên tiếp chính là những người đã có sự chuẩn bị chu đáo.
Chúng ta hãy cùng xem câu chuyện của Hill1.
1 Napoleon Hill (1883-1970): Tác gia người Mỹ, ông được mệnh danh là người sáng lập ra khoa học thành công. Ông là tác giả của hơn 30 cuốn sách, trong đó cuốn Think and Grow Rich - 13 nguyên tắc nghĩ giàu làm giàu là một trong những cuốn sách bán chạy nhất mọi thời đại.
Đầu tiên, Hill quyết định đặt ra mục tiêu đầy thử thách, đó là phải làm cho các nhà xuất bản nổi tiếng xuất bản sách của ông.
Ở vào độ tuổi của ông, cộng thêm kinh nghiệm trong nghề còn ít thì đó là một mục tiêu rất xa vời.
Tuy nhiên, trình độ, niềm đam mê và những thành quả ông đã gặt hái được đã giúp ông có đủ tự tin để theo đuổi mục tiêu này.
Hill biết rằng, ông cần lên một kế hoạch, nếu không, với tình hình trước mắt, nhà xuất bản khó mà chấp nhận đề nghị của ông.
Ông đã áp dụng chiến thuật để biến giấc mơ thành hiện thực. Nhà xuất bản mong muốn xuất bản những cuốn sách bán chạy, vì thế nếu ông thuyết phục được họ rằng sách của ông sẽ có một thị trường tiêu thụ rộng lớn thì chắc chắn họ sẽ đồng ý xuất bản.
Chỉ dựa vào lời nói thôi thì chưa đủ, họ dựa vào đâu mà tin lời ông? Cho dù họ đồng ý sẽ thêm đầu sách thuộc một lĩnh vực nào đó vào danh mục những đầu sách bán chạy, thì chưa chắc người ta đã chọn ông. Ông phải thuyết phục được người ta tin rằng ông là sự lựa chọn duy nhất.
Sau nhiều ngày suy nghĩ, đột nhiên ông nghĩ đến những giáo sư có tiếng là đối tượng của cuốn sách. Nếu có thể thuyết phục được họ, thì họ sẽ giúp ông thuyết phục được nhà xuất bản.
Mục tiêu đầu tiên của Hill là giới thiệu ý tưởng của ông với những giáo sư đó. Ông đã đề ra một kế hoạch vĩ đại để giới thiệu về ý tưởng của mình. Ông lập tức thực hiện kế hoạch, ông viết thư cho các học giả, chuyên gia và đã nhận được sự phản hồi tích cực. Tiếp đó, ông gửi ý tưởng của mình kèm theo những lá thư ủng hộ của các giáo sư tới nhà xuất bản. Và chỉ vài tuần sau, ông đã nhận được thư mời hợp tác từ phía nhà xuất bản.
Do có sự chuẩn bị chu đáo cả về cuộc đời và sự nghiệp, cùng với một kế hoạch vĩ đại mà Hill đã trở nên nổi tiếng.
Việc chuẩn bị mất rất nhiều công sức, nhưng giống như câu ngạn ngữ Đan Mạch: “Muốn nhảy cao, quãng đường chạy phải dài.” Công việc viết sách đã giúp Hill tiếp cận với mục tiêu cuộc sống để trở thành một học giả thành công trên thế giới.
Muốn tham gia cuộc thi Marathon, các vận động viên phải có một thời gian chuẩn bị từ hàng tuần cho tới hàng năm.
Đầu tiên phải chuẩn bị một đôi giày phù hợp để làm các bài tập co dãn, phải hình thành thói quen ăn uống khoa học. Sau đó, mỗi ngày tập chạy vài dặm, rồi tăng dần quãng đường. Ngoài ra, phải đọc sách, phải học hỏi từ những người thành công. Trước khi thi đấu phải kiểm tra quãng đường. Có như vậy, vận động viên mới có thể đương đầu với những thử thách khốc liệt cả về sinh lý và tâm lý.
Những vận động viên lần đầu tham gia thi đấu nếu được chuẩn bị kỹ lưỡng sẽ có cơ hội giành chiến thắng. Cũng tương tự như vậy, sự chuẩn bị kỹ lưỡng chính là nền tảng quan trọng đối với sự nghiệp của một nhà lãnh đạo.
Mỗi việc chúng ta làm xét ở một khía cạnh nào đó cũng đều có thể được coi là một sự chuẩn bị, và sẽ có ảnh hưởng tới những việc về sau. Những việc tốt và những sai lầm của chúng ta đều rất có thể có ích đối với những kết quả trong tương lai.
Cần đặc biệt nhấn mạnh, công việc chuẩn bị được sắp xếp cẩn thận, rõ ràng, sáng tạo sẽ vô cùng quan trọng đối với thành công về sau. Bao nhiêu năm nay, các huấn luyện viên bóng đá đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuẩn bị trước trận đấu. Sau khi tuyên bố tranh cử, những nhà chính trị xuất sắc đều phải dốc sức vào công việc chuẩn bị. Trước khi phiên tòa bắt đầu, người luật sư phải chuẩn bị thật kỹ lưỡng. Trước khi chinh phục đỉnh cao, các vận động viên leo núi phải lên kế hoạch tỉ mỉ. Trước khi lên lớp, giáo viên phải chuẩn bị tốt giáo án.
Không có thành công nào không cần đến sự chuẩn bị. Sự chuẩn bị tốt sẽ tạo ra vận may.
ĐỀ RA KẾ HOẠCH THÀNH CÔNG
Một kế hoạch thành công phải là một kế hoạch bỏ ra chi phí thấp nhất để đạt được hiệu quả cao nhất. Thất bại hay thành công thường là do con người có biết cách làm việc hay không, có làm theo đúng quy luật và các bước đã đề ra hay không. Dưới đây là các bước để có một bản kế hoạch thành công.
1. Đánh giá cơ hội
Bất cứ hành động nào cũng là để đạt được thành công. Không ai muốn lãng phí thời gian, sức lực, tiền bạc cho những kế hoạch mà mình biết rõ là vô vọng hoặc không có ý nghĩa gì. Nhất là trong công việc.
Nói một cách chính xác thì, đánh giá cơ hội không phải một phần quan trọng của cả kế hoạch, nhưng lại là điểm khởi đầu của kế hoạch.
2. Thiết lập mục tiêu
Việc thiết lập mục tiêu có ý nghĩa quan trọng đối với việc thành công của cả một kế hoạch. Đó là kim chỉ nam, là điểm xuất phát và đồng thời là đích đến cho mọi kế hoạch và hành động. Có rất nhiều người bận rộn suốt ngày nhưng chẳng vì một mục đích cụ thể nào, họ phát hiện ra rằng mình đã mất phương hướng. Mục tiêu là trọng điểm trong kế hoạch của mỗi cá nhân.
3. Tạo ra điều kiện tiên quyết
Việc lên kế hoạch và thực hiện kế hoạch phải gắn liền với điều kiện tiên quyết. Không có điều kiện tiên quyết thì kế hoạch sẽ không thể thực hiện được. Điều kiện tiên quyết là những tình huống có thể xảy ra trong quá trình thực hiện kế hoạch. Chúng ta dự đoán về những tình huống đó càng đầy đủ thì việc thực hiện kế hoạch càng thuận lợi.
Giả dụ bạn là một người làm trong lĩnh vực bất động sản. Khi chuẩn bị cho một kế hoạch đầu tư xây dựng, bạn sẽ phải dự đoán về tình hình thị trường sau khi khu nhà nào đó được xây xong. Ví dụ như nhu cầu của thị trường, túi tiền của người tiêu dùng, chính sách nhà đất của nhà nước, chính sách thuế… Nếu không dự đoán trước chúng ta sẽ gặp vô vàn khó khăn khi thực hiện kế hoạch.
Điều kiện tiên quyết gồm bản thân và môi trường. Mấu chốt của việc dự đoán môi trường bên ngoài là phải thoát ly khỏi môi trường hiện tại, không được coi môi trường hiện tại là môi trường trong tương lai. Cuộc sống luôn biến đổi, bạn phải nắm được xu thế phát triển của môi trường bên ngoài. Khi muốn đầu tư vào lĩnh vực thời trang, nếu bạn muốn nhập một số mẫu mã quần áo đang thịnh hành, bạn phải cân nhắc xem liệu chúng có còn phù hợp trong một khoảng thời gian sắp tới nữa hay không. Hãy đưa kế hoạch vào môi trường tương lai chứ đừng đặt nó trong môi trường hiện tại.
4. Định ra phương án khả thi
Phương án có rất nhiều, nhiều đến mức có lúc chúng ta không biết phải lựa chọn như thế nào. Khi có quá nhiều phương án, chúng ta trở nên lúng túng, phân tán sự tập trung. Việc cần làm là chúng ta phải chọn ra được một số phương án có tính khả thi.
Chúng ta phải so sánh và đánh giá những phương án đã được chọn. Có phương án mang lại lợi ích rất lớn nhưng tỷ lệ rủi ro không nhỏ. Có phương án mang lại lợi ích nhỏ nhưng đồng thời rủi ro cũng ít. Trong quá trình so sánh và đánh giá, chúng ta nên lấy mục tiêu lâu dài làm thước đo.
5. Ra quyết sách
Đây là bước quan trọng nhất trong kế hoạch. Quyết sách là căn cứ cuối cùng để bạn hành động. Quyết sách là hạt nhân của kế hoạch. Không có quyết sách, kế hoạch sẽ trở nên vô nghĩa.
Điều cấm kỵ khi ra quyết sách là thiếu tính quyết đoán và võ đoán. Có những việc không khó thực hiện mà khó đưa ra quyết sách. Những người thiếu tính quyết đoán luôn sợ sự lựa chọn của mình không chính xác, hoặc sẽ gặp rắc rối, hoặc có sự lựa chọn được rất nhiều lợi ích nên không nỡ từ bỏ. Cuối cùng họ cứ dùng dằng không dứt khoát, để rồi tuột mất cơ hội. Những người võ đoán lại thường không suy nghĩ vấn đề hoặc suy nghĩ không chu đáo. Cả hai cách làm việc này đều khiến kế hoạch bị thất bại.
KẾ HOẠCH GIÚP HOÀN THÀNH MỤC TIÊU
Trong một xã hội phồn vinh và cạnh tranh khốc liệt như ngày nay, các công ty đều không ngừng lớn mạnh, không ngừng mở rộng thị trường. Muốn hoàn thành mục tiêu, họ luôn phải có kế hoạch chu toàn. Bất kỳ ai cũng phải hoàn thành chỉ tiêu trong mục tiêu chung, kể cả những người lãnh đạo.
1. Phác thảo kế hoạch
Để đạt được mục tiêu có rất nhiều cách làm khác nhau. Sau khi có chỉ tiêu, việc đầu tiên mà lãnh đạo công ty phải làm là phác thảo kế hoạch.
Là một lãnh đạo doanh nghiệp, bạn phải đưa ra một kế hoạch có tầm nhìn. Ví dụ mục tiêu của một công ty là tuyển thêm 40 nhân viên trong năm tài chính mới. Đầu tiên, lãnh đạo công ty phải biết rõ số lượng cần tuyển cho từng ngành; trình độ năng lực chuyên môn và kinh nghiệm công tác, đồng thời phải hiểu rõ hiệu quả tương ứng khi tuyển thêm người để giúp cho sự phát triển của công ty trong tương lai. Trên thực tế, việc tuyển dụng những người ở vị trí quan trọng cần phải do những nhà lãnh đạo cấp cao trong công ty đảm nhận. Nếu không, những người được tuyển sẽ chỉ có thể đáp ứng được yêu cầu trước mắt, còn về lâu dài đến khi công việc nhiều hơn, họ khó có thể đáp ứng được. Lúc đó sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của cả công ty.
2. Xem xét yếu tố môi trường
Khi những người quản lý dự kiến được hiệu quả của kế hoạch, bước tiếp theo là họ phải quan tâm tới việc đánh giá môi trường bên trong và bên ngoài, thậm chí là môi trường trong tương lai. Yếu tố môi trường luôn có ảnh hưởng rất lớn đến sự thành công. Lấy ví dụ từ ngành giầy da. Một vài năm trước ngành này rất phát triển, rất nhiều người tham gia kinh doanh. Rất nhiều người nuôi cáo, chồn, để lấy nguyên liệu phục vụ đóng giầy. Nhưng sau đó, khi cung vượt quá cầu, giá da ngày càng xuống thấp. Có thể thấy rằng, để đạt được mục tiêu dự kiến một cách thuận lợi, ngoài việc tìm hiểu yếu tố nội tại, chúng ta còn cần xem xét đến môi trường bên ngoài. Đó chính là “biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”.
3. Xác định mục tiêu
Sau khi đã nắm được thực lực của bản thân và những trở ngại từ môi trường bên ngoài, bước tiếp theo là xác định mục tiêu. Đó phải là mục tiêu khả thi. Nếu không, chúng ta sẽ mất phương hướng, giống như con thuyền không có mái chèo giữa đại dương mênh mông - không biết sẽ bị sóng dạt trôi về đâu.
Có rất nhiều người không đủ tự tin vào năng lực của bản thân nên thường tìm mọi lý do để biện hộ. Chúng ta thường nghe thấy câu: “Ôi dào! Do số trời thôi!” “Ông trời bắt tôi phải thất bại.” Họ đã đổ vấy trách nhiệm cho “ông trời”. Trên thực tế, có nhiều lúc nguyên nhân thất bại của một người là do người đó không có những hành động thiết thực để thực hiện lý tưởng của mình. Chúng ta thường chỉ có ý tưởng, nhưng lại không biến ý tưởng đó thành mục tiêu. Hơn nữa, ý tưởng đó lại chưa được định hình, nên mục tiêu cũng vì thế mà không rõ ràng. Kết quả là khi hành động người ta mất phương hướng, thậm chí không biết mình còn cách mục tiêu bao xa.
Những mục tiêu như thế thường sẽ dẫn tới sự thất bại. Và khi thất bại, chúng ta thường oán trách ông trời không công bằng, oán trách bản thân không bằng người khác. Lòng tự trọng của chúng ta bị tổn thương. Thậm chí nghiêm trọng đến mức chúng ta không dám thử làm lại, chúng ta trở nên bị động, trở thành người để người khác sai khiến.
Muốn trở thành một người lãnh đạo thành công tự tin và kiêu hãnh, chúng ta phải xác định thật rõ mục tiêu của mình. Ví dụ như nếu muốn tranh thủ thời gian rỗi để đi học thêm bằng đại học, thì mỗi tuần chúng ta phải dành ra một lượng thời gian để ôn tập. Hay muốn sử dụng thành thạo máy tính, mỗi ngày chúng ta đến phòng làm việc sớm hơn 30 phút, tranh thủ học lúc đồng nghiệp chưa tới. Hay nếu muốn học ngoại ngữ, hãy đặt ra mục tiêu trong vòng một năm chúng ta phải biết giao tiếp cơ bản. Khi mục tiêu đã rõ ràng, thì việc phải làm như thế nào không còn là vấn đề và thành công là chuyện đương nhiên.
LÊN KẾ HOẠCH CHO PHẦN CÒN LẠI CỦA CUỘC ĐỜI
Hiển nhiên thời gian cuộc đời một người sẽ dài hơn quãng thời gian người đó làm việc ở công ty. Vậy quãng đời còn lại sau khi nghỉ hưu chúng ta sẽ làm gì?
Chúng ta không thể hy vọng rằng đến năm 60 tuổi chúng ta vẫn được làm việc ở công ty. Lúc đó hầu hết chúng ta đã già, thiếu minh mẫn và tụt hậu so với đồng nghiệp.
Tất nhiên, với những nhân vật kiệt xuất thì chưa hẳn đã như vậy. Monet1 vẫn làm việc 12 tiếng một ngày khi mắt đã mờ. Ông vẫn tạo nên nhiều kiệt tác khi ở tuổi 80. Picasso2 đã tạo ra một phong cách độc đáo ở tuổi 70. Ông vẫn sáng tác cho đến tận lúc hơn 90 tuổi trước khi qua đời. Nhưng đó là số ít.
1 Claude Monet (1840-1926): Họa sĩ nổi tiếng người Pháp, một trong những người sáng lập trường phái Ấn tượng.
2 Pablo Ruiz Picasso (1881-1973): Họa sĩ nổi tiếng người Tây Ban Nha, một trong hai người sáng lập trường phái Lập thể trong hội họa và điêu khắc.
Trong giới lãnh đạo doanh nghiệp lại thường xuất hiện khủng hoảng tuổi trung niên. Nguyên nhân phần lớn là do sự nhàm chán. Nhiều lãnh đạo khi đến tuổi 45 đều đã ở đỉnh cao sự nghiệp. Họ có thừa kinh nghiệm và sự cọ xát trong công việc, nhưng lại không thể làm việc đó đến già. Ai đến tuổi cũng phải nghỉ hưu. Vì vậy, những người vẫn thích theo đuổi sự nghiệp lãnh đạo sẽ thường mở ra hướng phát triển một sự nghiệp mới.
Đối với những người làm công việc lao động chân tay, họ không cần phải lo lắng cho phần đời còn lại của mình mà chỉ cần tiếp tục làm việc. Sau 40 năm làm việc vất vả ở một nhà máy hay công trường, khi đến tuổi nghỉ ngơi mà họ vẫn chưa “mỏi gối chùn chân” thì họ hoàn toàn có thể có một cuộc sống tự do tự tại trong quãng đời tiếp theo. Nhưng, ngày nay người lao động thuộc giới trí thức lại chiếm đa số. Sau 40 năm làm việc, họ không “mỏi gối chùn chân” nhưng lại cảm thấy chán ghét công việc thiếu tính thử thách và lặp đi lặp lại. Bởi vậy, họ cần phải có sự chuẩn bị tốt cho tương lai.
Ở đây giới thiệu ba phương pháp giúp bạn sống tốt trong quãng đời tiếp theo.
Phương pháp đầu tiên là tìm kiếm công việc mới. Đây là cách làm đơn giản nhất. Chẳng hạn, bạn đang là kế toán trưởng trong một công ty lớn, giờ bạn có thể đảm nhiệm chức kế toán trưởng tại một bệnh viện tầm trung.
Phương pháp thứ hai là phát triển song song một công việc tương tự. Có rất nhiều người thành công trong sự nghiệp, khi rời cương vị tiếp tục ở lại ngành nghề đó làm chức cố vấn, đồng thời còn kiêm nhiệm một công việc tương tự. Thông thường, mỗi tuần họ lại bỏ ra một số thời gian nhất định để làm một công việc khác, thường là công việc trong một tổ chức phi lợi nhuận.
Phương pháp thứ ba là tạo ra sự nghiệp mới. Những người này rất thành công trong sự nghiệp, họ cũng rất yêu quý công việc hiện nay của mình. Nhưng công việc đã không còn mang tính thử thách, vì vậy tuy họ vẫn tiếp tục làm việc nhưng họ dành thời gian ngày càng ít đi. Họ tạo ra sự nghiệp mới đa phần là không mang tính chất kinh doanh. Như việc một giám đốc đã làm việc được hơn 20 năm giờ bỏ sự nghiệp để đi học ngành luật và trở thành luật sư của một thị trấn nhỏ.
Có lẽ những người biết nắm bắt quãng đời phía sau của mình như vậy vẫn còn là số ít. Phần lớn chúng ta lựa chọn con đường nghỉ hưu để hưởng một cuộc sống an nhàn. Nhưng con số ít ỏi đó lại chính là những người biết cách biến kế sinh nhai của mình trở thành cơ hội để thay đổi cuộc đời mình và cả xã hội. Họ sẽ là gương điển hình cho “câu chuyện thành công”.
Muốn quản lý tốt quãng đời phía sau, chúng ta cần phải biết đến một điều kiện tiên quyết. Đó là phải chuẩn bị từ rất sớm. Bạn phải làm rất nhiều việc trước khi chính thức bắt đầu. Có rất nhiều nhà sáng lập đã bắt tay vào chuẩn bị cho sự nghiệp thứ hai ngay cả khi họ chưa ở đỉnh cao sự nghiệp thứ nhất. Còn có một lý do khác mà bạn phải bắt đầu từ rất sớm là, cuộc đời không phải lúc nào cũng được như ý muốn, chúng ta sẽ gặp phải nhiều gian truân trắc trở trên đường đời.
Một xã hội tri thức là một xã hội đề cao thành công và cao thượng. Tuy nhiên, nếu ai cũng muốn thành công thì lại là điều không tưởng. Đối với đại đa số chúng ta, việc tránh được thất bại trong cuộc đời đã là điều không dễ. Có người thành công thì đương nhiên phải có kẻ thất bại. Chính vì vậy, điều quan trọng là chúng ta phải tự tìm cho mình một con đường phát triển để được cống hiến, để phát huy năng lực của mình. Chỉ như thế chúng ta mới cảm thấy cuộc đời có ý nghĩa, mới thấy bản thân có giá trị. Hay nói một cách khác, bất kể là tìm kiếm công việc thứ hai, làm hai việc cùng một lúc hay tạo ra một sự nghiệp mới, chúng ta cũng sẽ đều có cơ hội trở thành nhà lãnh đạo được mọi người tôn trọng và trở thành người thành công.