Có mục tiêu đúng phải hành động ngay
✱ Nghĩ được mục tiêu tốt là rất thông minh, lên được kế hoạch tốt còn thông minh hơn, làm được tốt mới là thông minh tuyệt đỉnh.
✱ Những người không dám đương đầu với thử thách là những người không thể thành công. Đó là chân lý bất diệt.
✱ Khi mục tiêu đã được thiết lập, đường lui không còn, hành động là cách duy nhất. Vì vậy, người lãnh đạo phải hành động ngay lập tức và không ngừng nghỉ.
LÀM VIỆC KHÔNG NGỪNG NGHỈ
Khi mục tiêu đã được thiết lập, người lãnh đạo phải hành động ngay, thậm chí là làm việc không ngừng nghỉ.
Tokuda đã quyết định theo học ngành y trong một lần điều trị tại bệnh viện trực thuộc trường đại học Osaka. Anh là một người kiên định, một khi đã quyết định chuyện gì thì quyết tâm theo đuổi đến cùng. Anh đã học tập chăm chỉ và thi đỗ vào trường đại học Osaka. Sau khi tốt nghiệp, anh trở thành bác sĩ.
Trong thời gian làm việc ở bệnh viện, Tokuda rất bức xúc với những tệ nạn trong ngành y. Anh cho rằng, muốn cải thiện tình hình của ngành y ở Nhật thì phải xây dựng được một bệnh viện kiểu mới không bị ảnh hưởng bởi bè phái, như vậy vai trò của ngành y mới thực sự được phát huy.
Vì vậy, Tokuda quyết định thành lập bệnh viện của riêng mình. Nhưng lúc này, anh không có vốn, không có tài sản thế chấp cũng như người bảo đảm. Tokuda bắt đầu hoàn toàn từ con số không. Tuy vậy, anh không hề sợ hãi mà vẫn nỗ lực không ngừng. Tháng 1 năm 1971, anh bắt đầu có ý tưởng xây bệnh viện. Trong khoảng thời gian 3 tháng, Tokuda đã hoàn tất việc tìm hiểu, nghiên cứu về địa điểm xây dựng.
Qua khảo sát, Tokuda nắm rất rõ tình hình dân cư, phòng khám, tỉ lệ giường bệnh, tần suất hoạt động của xe cứu thương, vấn đề nhà ở cho gia đình bệnh nhân... Ngoài ra, anh còn lắng nghe ý kiến của người dân về tình hình khám chữa bệnh. Anh phát hiện ra rằng, thành phố Matsubara và thành phố Daito thuộc Osaka là nơi có mạng lưới khám chữa bệnh thưa thớt nhất.
Tokuda đã chọn địa điểm đầu tiên tại thành phố Matsubara - nơi giao thông tương đối thuận tiện. Anh tranh thủ những lúc nghỉ ngơi sau ca trực đêm và sau khi đi làm về để tìm kiếm địa điểm xây bệnh viện.
Tới tháng 5, Tokuda đã tìm được một mảnh đất rất thích hợp đối diện nhà ga. Đó là một mảnh đất đang trồng bắp cải. Khu đất nằm dọc tuyến đường sắt, rất gần ga tàu. Đứng ở ga là có thể nhìn thấy mảnh đất đó. Đây là nơi lý tưởng để xây bệnh viện, người chủ mảnh đất cũng là người hiểu biết và sẵn lòng bán lại nó để xây bệnh viện.
Nhưng Tokuda không có một xu dính túi, làm thế nào để gom tiền bây giờ?
Trong kế hoạch xây bệnh viện của anh, tổng chi phí cho đất đai, xây dựng, thiết bị, máy móc lên tới 1,6 tỉ yên. Nhưng anh không có tiền mặt, không có tài sản, cũng không có người bảo đảm.
Anh đến ngân hàng vay tiền nhưng họ từ chối. Lúc này anh mới hiểu ra, ngân hàng chỉ cho những người có tiền vay chứ không cho người không thế chấp vay. Làm thế nào bây giờ? Nếu không vay được tiền, cho dù người chủ mảnh đất có thông cảm với anh, mọi chuyện cũng sẽ tan thành mây khói.
“Tôi phải xây bệnh viện! Tôi phải xây bệnh viện!” Vừa nghĩ, Tokuda vừa chạy khắp nơi vay tiền. Nhưng chẳng ngân hàng nào cho anh vay cả. Anh quá mệt mỏi, nhưng chợt nghĩ rằng một ngân hàng nào đó có thể sẽ cho anh vay. Với một tia hy vọng, Tokuda dành cả một đêm để lên kế hoạch thu chi với số tiền 1,6 tỉ yên. Cũng có thể là tấm lòng của anh đã khiến ông trời cảm động. Vào một ngày tháng 8, khi đọc báo anh tình cờ để ý thấy một mẩu tin được in với nét chữ khá đậm. Nội dung mẩu tin liên quan đến vấn đề “Nixon tăng cường quân sự”.
Việc “Nixon tăng cường quân sự” sẽ khiến ngành tài chính bị ảnh hưởng rất lớn, nhu cầu về tiền mặt của người dân sẽ giảm xuống. Các doanh nghiệp lớn sẽ không tiếp tục vay vốn do đã quá dư thừa về thiết bị, các ngân hàng thì lại cho rằng các doanh nghiệp vừa và nhỏ vay lại không an toàn. Vậy là, đối tượng vay vốn sẽ ngày càng ít đi.
“Đây là cơ hội tuyệt vời!” Thế là, Tokuda lại tiếp tục đến các ngân hàng, kể cả những chi nhánh mới mở. Anh nghĩ biết đâu họ sẽ hứng thú với kế hoạch của anh.
Cuối cùng Tokuda cũng tìm được một tia hy vọng tại một chi nhánh ngân hàng mới mở. Anh trao kế hoạch thu chi cho họ. Anh ghi tỉ mỉ số giường bệnh mà khu dân cư cần phải có, trong đó có số giường hiện có, số giường thiếu, số người ở nơi khác nhập viện, giá cả chi phí cho bảo hiểm, thiết bị, bồi thường… Thậm chí, anh còn viết rõ về thực trạng cuộc sống của người dân địa phương.
“Ngay cả ngân hàng cũng không thể điều tra tỉ mỉ đến vậy.” Phía ngân hàng tỏ ra ngạc nhiên. Các số liệu mà ngân hàng cần đều có đầy đủ trong bản kế hoạch của Tokuda.
Ngân hàng rất hài lòng nên đã nhanh chóng cho anh vay tiền. Vậy là hy vọng, ý chí không lùi bước và kế hoạch đầy tâm huyết của Tokuda đã phát huy tác dụng. Cuối năm đó, Tokuda đã vay được 18 triệu yên dùng cho việc mua đất.
Nếu lúc đầu Tokuda nghĩ “Mình không có tiền, không có tài sản, ngân hàng sẽ không cho mình vay” hay “Trong tay phải có ít nhất 1/3 số tiền cần thiết mới có thể đến tìm ngân hàng, thôi mình cứ tính toán kế hoạch đến đây thôi” thì e rằng không có bệnh viện nào được xây lên. Do Tokuda hành động ngay nên anh đã đạt được mục tiêu chỉ trong vòng một năm. Sau khi có kế hoạch, anh bắt tay vào hành động, vừa hoạt động thực tiễn vừa tích lũy kiến thức có liên quan. Những kiến thức đó anh đã tích lũy được trong quá trình làm việc của mình, vì thế đã phát huy tác dụng trong quá trình xây bệnh viện.
Người ta thường nói, thất bại là mẹ thành công. Vì thất bại là những gì bản thân chúng ta được trải nghiệm. Sau khi bắt tay vào làm, nếu phát hiện ra có điều gì đó bất ổn, người ta sẽ nghĩ tới một cách làm khác.
Rõ ràng là, Tokuda là một người rất có năng lực trong hành động, chính năng lực đó đã giúp anh thành công trong sự nghiệp.
Khả năng hành động ngay cũng như khả năng giỏi sắp xếp kế hoạch hành động là điều rất quan trọng trong thành công của bất kỳ cá nhân nào. Nếu thiếu đi khả năng đó, cho dù mục tiêu của bạn có tốt đến đâu, bạn cũng rất khó có thể thực hiện được.
NGƯỜI LÃNH ĐẠO PHẢI CÓ TÍNH CHỦ ĐỘNG
Tính chủ động có nghĩa là phải lập tức hành động. Napoléon từng nói: “Dành chút thời gian để suy nghĩ thấu đáo, khi thời cơ đến thì không nghĩ ngợi gì nữa mà lập tức hành động.” Ralph Waldo Emerson1 cũng từng nói: “Nếu ý tưởng hay mà không được thể hiện ra, thì nó sẽ mãi mãi chỉ là ý tưởng.”
1 Ralph Waldo Emerson (1803-1882): Nhà viết tiểu luận, nhà thơ, triết gia người Mỹ.
Tính chủ động của Neji Takeda đã giúp Hitachi sáng lập ngành quang điện tử. Khi lần đầu tới phòng nghiên cứu của Hitachi vào năm 1970, Takeda đã không thuyết phục được ban lãnh đạo Hitachi yêu thích sản phẩm laser bán dẫn, vì laser bán dẫn rất khó sản xuất. Nhưng Takeda không nao núng. Ông lập danh mục về laser bán dẫn mà mình có thể sản xuất theo yêu cầu rồi gửi cho các công ty điện tử lớn như IBM, Dell, Xerox, Canon. Những công ty đó đều đã đặt mua hàng của ông. Với những đơn hàng đó, ông đã thuyết phục được chủ nhà máy chuyên sản xuất chip điện tử của Hitachi bắt tay vào sản xuất laser. Đến năm 1992, Hitachi đã chiếm tới 60% thị trường thế giới về thiết bị laser.
Ngược lại với tính chủ động là cứ ngồi suy nghĩ nên làm gì mà chẳng làm gì cả. Cho dù chúng ta có ý tưởng gì hay, nếu không hành động chúng ta cũng sẽ thua những người đang tích cực hành động cho mục tiêu của mình.
Sau khi George Bush1 đồng ý tăng thuế, trong một chuyên mục trên tờ U.S. News & World Report (Tin tức thế giới và tin vắn Mỹ) ra tháng 7 năm 1990, cố vấn chính trị David Gergen đã chỉ ra rằng, dân chúng sẽ không bao giờ quên được thái độ bất bình của Bush khi nói về những vấn đề còn tồn tại trong xã hội khi diễn thuyết tranh cử. Gergen cho rằng, nếu Bush dám hành động, người dân sẽ ủng hộ ông. Nếu Bush có những việc làm cần thiết để thực hiện lời hứa của mình và để giải quyết triệt để những vấn đề về dự toán ngân sách, ông ta đã không bị chỉ trích. Nhưng Bush đã không làm gì cả. Trái lại, ông chỉ trích Quốc hội lúc nào cũng chỉ biết kêu ca dự toán ngân sách khó khăn, chẳng đưa ra được bất cứ hành động cụ thể nào. Thế là trong cuộc bầu cử ngày 3 tháng 11 năm 1992, cử tri Mỹ đã không còn ủng hộ ông, kết quả là ông không được tái nhậm chức trong nhiệm kỳ tiếp theo.
1 George Herbert Walker Bush (1924-): Tổng thống thứ 41 của Hoa Kỳ.
Tính chủ động giúp nhà lãnh đạo nhìn thấy được những sự việc mà người khác không nhìn thấy, giúp họ có được những việc làm mang tính chiến thuật và giành được sự tín nhiệm của người khác. Tính chủ động là kết quả của ý tưởng, sự tập trung và khả năng phân biệt. Tính chủ động cũng lại thuộc về ý thức, giúp người lãnh đạo có những ý tưởng lãnh đạo mới. Tính chủ động sẽ giúp người lãnh đạo tập trung vào những sự việc có khả năng sẽ xảy ra trong tương lai và những cách giải quyết vấn đề. Nhưng tại sao nói thì dễ mà làm thì lại khó? Bởi vì chúng ta đã bỏ qua sự liên hệ giữa “biết” và “hành động”. Chúng ta không lựa chọn cách làm chủ động. Trước khi lựa chọn, chúng ta phải có khả năng tiên đoán, sau đó mới quyết định được việc cần làm. Lựa chọn có nghĩa là chúng ta phải chịu trách nhiệm về thái độ và hành vi của chính mình, không đổ lỗi cho người khác hoặc hoàn cảnh. Để làm được điều đó, chúng ta phải trải qua một quá trình tự xung đột, đối kháng. Phải có sự lựa chọn sáng suốt, nếu không hành động của chúng ta rất dễ bị phụ thuộc vào hoàn cảnh.
NGƯỜI LÃNH ĐẠO PHẢI CÓ TÍNH QUYẾT ĐOÁN
Ngoài khả năng quan sát nhạy bén, người lãnh đạo còn phải có tính quyết đoán mới có thể nắm bắt được thời cơ.
Getty1 nói: “Sớm hay muộn bạn cũng sẽ gặp được cơ hội để có thể thành công lớn. Nhưng điều quan trọng là, bạn phải biết nhìn ra cơ hội, phải có khả năng tưởng tượng, năng lực và phải nỗ lực làm việc để có thể tận dụng cơ hội đó.”
1 Jean Paul Getty (1892-1976): Nhà công nghiệp Mỹ gốc Anh, được Tổ chức Guinness xếp hạng là người giàu nhất thế giới năm 1966.
“Khi đã nhìn ra cơ hội thì lập tức hành động. Ngoài ra, bạn phải lựa chọn người cộng tác và đồng nghiệp. Bạn phải tin tưởng họ, phải biết khích lệ họ, để họ dốc sức hoàn thành nhiệm vụ.”
Getty đã sử dụng chiến thuật đó để giúp bản thân ở đỉnh cao sự nghiệp trong một thời gian rất dài.
Thành công của mỗi một con người đều không phải là chuyện ngẫu nhiên. Ngoài những yếu tố thuộc về bản thân, chúng ta còn cần phải giỏi nắm bắt cơ hội và đạt được thành công từ cơ hội đó.
HOÀN THIỆN BẢN THÂN TRONG LÚC HÀNH ĐỘNG
Chúng ta hãy hành động trước, sau đó sẽ dần hoàn thiện bản thân trong quá trình hành động.
Nhiều người có thói quen chỉ khi dự tính được mọi việc một cách chu đáo mới bắt đầu hành động. Thực ra, đó là do “lười”, lên kế hoạch chu đáo chẳng qua chỉ là mượn cớ để không phải hành động. Những mục tiêu trong cuộc sống và công việc đâu phải là những việc “sống còn”, cho dù có hành động mà không được chuẩn bị kỹ lưỡng thì cũng không đến nỗi gây ra hậu quả gì quá lớn. Hơn nữa, mục tiêu là dành cho tương lai, cho nên có những nhân tố chúng ta không dự tính trước được là điều đương nhiên, còn việc mục tiêu có khả thi không thì chỉ có thể được kiểm nghiệm trong hành động. Ngạn ngữ Anh có câu “Phải đi giày vào mới biết giày chật ở đâu.” Chúng ta hãy hành động, vì nếu không làm gì chúng ta không thể có thái độ tích cực, mục tiêu sẽ không thể rõ ràng.
“Hành động có tác dụng khích lệ chúng ta, đó là biện pháp có hiệu quả để đối phó với tính lười biếng.”
Napoléon Bonaparte đã từng nói một câu rất nổi tiếng: “Lúc nào tôi cũng chiến đấu trước, rồi mới lên kế hoạch chiến đấu sau.” Bạn không cần phải hoàn thiện mình hay thay đổi hoàn toàn thái độ sống của mình trước khi tìm kiếm cuộc sống mà mình đang hướng tới. Chỉ có hành động mới làm cho bạn “tốt hơn”. Cách làm thông minh nhất là tiến về phía trước, thực hiện mục tiêu mà mình hướng tới. Chúng ta muốn làm gì thì hãy làm việc đó, sau đó mới cần nghĩ đến việc hoàn thiện bản thân hay mục tiêu của mình. Chỉ khi hành động, cuộc sống mới đi vào đúng quỹ đạo để tạo nên kỳ tích, cho dù hiện tại cuộc sống của bạn không được như mong muốn.
Thủ tướng Anh Benjamin Disraeli đã từng nói: “Hành động không chắc sẽ mang lại niềm vui, nhưng không hành động chắc chắn sẽ chẳng có niềm vui.”
Ở Palestine có hai biển hồ rất khác nhau. Biển hồ thứ nhất là Galilee, nước biển trong xanh, mát rượi, có thể uống được. Không những cá rất thích bơi lội, mà con người cũng rất thích đến đây ngắm cảnh, du lịch. Xung quanh biển Galilee là những cánh đồng xanh mướt, con người xây nhà hoặc biệt thự gần đó để sinh sống.
Biển thứ hai là Biển Chết. Giống như cái tên của nó, ở đây không tồn tại sự sống. Nước biển ở đây không có màu và rất mặn, nếu uống phải con người sẽ mắc bệnh. Xung quanh biển không có loài cây nào, càng không có nhà cửa của con người.
Có một điều thú vị là nước ở hai biển này đều có chung một nguồn.
Vậy điều gì đã làm cho chúng khác biệt đến vậy? Câu trả lời rất đơn giản: Một nơi thì nước lưu thông; còn một nơi thì nước tù đọng.
Nước sông Jordan đổ vào biển Galilee sau đó lại chảy xuống hạ nguồn và đổ vào sông khác. Còn nước sông Jordan sau khi đổ vào Biển Chết thì không chảy đi đâu nữa và trở nên tù đọng. Đây là nguyên nhân nó được gọi là Biển Chết.
Vận động mới mang lại sự thay đổi, vận động mới mang lại sự phát triển. Cuộc sống là như vậy. “Nói nhiều không bằng làm ít.” Bất cứ kế hoạch nào của người lãnh đạo đều phải biến thành hành động. Napoléon Bonaparte cũng từng nói: “Nghĩ được tốt là thông minh, lên kế hoạch tốt còn thông minh hơn nữa, nhưng thông minh nhất vẫn là làm được tốt.” Đừng do dự, bạn hãy hành động ngay thôi.
DÁM LÀM THỬ, DÁM MẠO HIỂM
Người lãnh đạo ngoài việc ra một quyết sách đúng đắn cũng cần có một chút tinh thần “mạo hiểm”. Mạo hiểm có thể khơi gợi sức sáng tạo và ý chí đấu tranh, cổ vũ tinh thần của con người. Hơn nữa, đây là đặc điểm có tính lan truyền. Nếu tổng giám đốc dám mạo hiểm thì mới cổ vũ tinh thần, ý chí dám mạo hiểm cho các giám đốc dưới quyền và nhân viên.
Chúng ta có thể học được những kinh nghiệm dám mạo hiểm và thành công từ câu chuyện của Mary Kay1.
1 Mary Kay Ash (1918-): Một trong những doanh nhân lớn của Mỹ, người sáng lập ra công ty mỹ phẩm rất được ưa chuộng Mary Kay.
Ở công ty mỹ phẩm Mary Kay, có một câu cách ngôn được mọi người trong công ty truyền miệng: “Thất bại sẽ giúp bạn làm được việc lớn.” Mary cho rằng, để nhân viên của mình mạo hiểm và cho phép họ phạm sai lầm là điều rất quan trọng. Đây là con đường giúp người ta tiến bộ và khơi gợi tinh thần sáng tạo.
Lúc đầu, bà gặp thất bại tại hội chợ mỹ phẩm đầu tiên do mình tổ chức. Khi đó bà chỉ cố gắng giới thiệu mặt hàng mỹ phẩm của mình cho những vị khách ghé thăm gian hàng. Bà hy vọng mình sẽ thành công với hội chợ đó và thu được lợi nhuận cao. Nhưng tối hôm đó tổng kết lại bà chỉ bán được hai, ba sản phẩm. Sau khi rời hội chợ, bà lái xe rẽ sang một góc phố, gục đầu trên vô lăng và bật khóc. Bà tự hỏi: “Bọn họ sao thế nhỉ? Tại sao họ không mua những loại mỹ phẩm tuyệt vời này?” Bà cảm thấy sợ hãi. Bà hoài nghi về sự mạo hiểm của mình. Bà lo lắng bởi bà đã dốc hết tài sản tiết kiệm vào công ty. Bà tự hỏi: “Mary, mày sai ở đâu vậy?” Câu hỏi này đã làm bà bừng tỉnh. Bà chưa hề mời đặt hàng, bà đã quên mất việc quảng cáo sản phẩm trên các phương tiện thông tin và nhận đơn đặt hàng từ khách, bà chỉ giới thiệu hàng với những khách hàng tự tìm đến mua hàng. Chúng ta dễ dàng đoán ra rằng, bà sẽ không mắc phải sai lầm tương tự tại hội chợ lần thứ hai.
Mary đã thất bại, hơn nữa lần thất bại đó khiến bà lo lắng không yên. Nhưng sau khi phân tích nguyên nhân, kết quả, bà đã rút ra được bài học. Bà kể đi kể lại không biết bao nhiêu lần cho nhân viên công ty nghe câu chuyện này, vì bà muốn họ biết bà đã thất bại trong lần đầu tiên tổ chức hội chợ, nhưng bà không hề bỏ cuộc. Thất bại lần đó đã giúp bà thành công trong sự nghiệp. Bà tin rằng cuộc sống là một chuỗi những sự mạo hiểm và thất bại. Con người chỉ thỉnh thoảng đạt được thành công. Vấn đề quan trọng là chúng ta phải liên tục trải nghiệm và dám mạo hiểm.
Chúng ta rất thận trọng khi từ chối những đề nghị không hợp lý, bởi vì chúng ta biết rõ, những đề nghị đó đã được cân nhắc cẩn thận, và vì chúng ta biết từ chối là một vấn đề hết sức nhạy cảm. Nếu phê bình những đề nghị của nhân viên trong công ty, chúng ta sẽ làm tổn thương đến lòng tự trọng của họ, vì thế họ sẽ không bao giờ còn đưa ra ý kiến gì nữa. Nhận thức được điểm này, người lãnh đạo phải tỏ lòng biết ơn những người đã đề xuất ý kiến.
Nếu muốn phát động phong trào đổi mới trong công ty, chúng ta phải chấp nhận một sự thật là: không phải ý tưởng nào cũng sẽ được đón nhận. Trên thực tế, một kế hoạch mới giàu tính sáng tạo thường khiến mọi người phấn chấn, nhưng rất có thể sau khi đưa vào thực hiện lại khiến chúng ta thất vọng. Đã từng có người đề xuất ý kiến “buôn bán kiểu mẫu hộp” với công ty Mary Kay, đó là một hệ thống giúp những nhân viên bán hàng ghi nợ và sắp xếp thời gian làm việc. Ý kiến đã được đón nhận, hệ thống đi vào hoạt động, nhưng trong quá trình thực hiện công ty phát hiện ra rằng chi phí quá lớn, nhân viên bán hàng cho rằng nó quá phức tạp, bởi vậy họ đã từ chối sử dụng hệ thống đó. Cho dù không được triển khai tiếp, nhưng người đề xuất ý kiến lại không hề bị đối xử lạnh nhạt. Bởi nếu làm như vậy, sẽ làm tổn thương đến tính tính cực của những người đưa ra suy nghĩ giàu tinh thần sáng tạo đổi mới cho công ty.
Tuổi tác cũng liên quan tới tinh thần mạo hiểm. Kinh nghiệm càng phong phú thì con người càng thận trọng, tài sản càng nhiều thì con người càng muốn có cuộc sống ổn định. Đó là đặc điểm cơ bản trong tính cách của con người. Nếu trong cuộc sống chúng ta càng có được nhiều thành quả, thì chúng ta càng muốn được hưởng những thành quả đó. Tuy vẫn là con người đó, nhưng chúng ta đã trở nên không muốn mạo hiểm nữa, cũng không còn hiếu thắng nữa. Có thể chúng ta sẽ phát hiện ra rằng bản thân đã có khuynh hướng bảo thủ, thận trọng. Đó là điều rất nguy hiểm. Bởi vậy, nếu vẫn còn tinh thần mạo hiểm, thì chúng ta đừng giữ quy tắc cũ, đừng quá thận trọng. Đối với doanh nghiệp, đặc biệt là trong các ngành mà khoa học kỹ thuật hiện đại phát triển như vũ bão, việc tránh mạo hiểm thường sẽ mang lại hậu quả khôn lường. Những lãnh đạo có kinh nghiệm càng cần phải khuyến khích nhân viên sáng tạo và mạo hiểm. Đa số lãnh đạo cấp cao đều ý thức được tầm quan trọng của trách nhiệm đó. Nhưng họ không ý thức được rằng, bản thân mình đã không còn muốn mạo hiểm nữa. Để tránh tình trạng đó, khi chúng ta càng lên cao, chúng ta lại càng phải ý thức hơn nữa việc tăng thêm tinh thần mạo hiểm.
Người lãnh đạo lúc nào cũng tránh mạo hiểm, sợ thất bại là người luôn lừa dối mình và lừa dối người khác, làm mất đi cơ hội tốt của mình và sự phát triển của đơn vị. Không những tước đoạt cơ hội làm việc của nhân viên, mà họ còn khiến cho doanh nghiệp không thể hoạt động bình thường.
KHÔNG MẠO HIỂM THÌ KHÔNG THỂ THÀNH CÔNG
Trong các ngành nghề hiện nay, có lẽ ngành phải hứng chịu rủi ro lớn nhất là thương mại quốc tế vì hàng ngày luôn phải đối mặt với vấn đề được hay mất. Nhưng đó cũng là ngành nghề dành cho những người ưa mạo hiểm để thành công. Kurt Owen là người dám mạo hiểm. Ông lựa chọn xuất nhập khẩu nguyên liệu và thành phẩm từ sắt thép làm mục tiêu phấn đấu của mình.
Kurt sinh ra tại Mỹ, nhưng từ nhỏ ông theo cha mẹ đến sinh sống tại Đức. Khi học đại học ở Đức, ông theo học chuyên ngành về nghiên cứu sắt thép. Năm 26 tuổi, sau khi về New York, ông đã bắt đầu sự nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh sắt thép.
Nghĩ lại quãng thời gian khởi nghiệp, Kurt nói: “Việc kinh doanh trong lĩnh vực sắt thép cần một khoảng thời gian khá dài. Từ trước đến nay ngành này luôn nằm trong tay các doanh nghiệp nhà nước. Vì thế, một người ngoài như tôi khó mà có được thị trường. Nhưng tôi không thay đổi ý định ban đầu của mình, vì tôi tin rằng vẫn còn có cách để thành công và thực tế tôi đã thành công.”
Câu nói “Tôi tin rằng vẫn còn có cách để thành công” đã mang lại dũng khí và nghị lực cho Kurt. Ông đã thành lập công ty với lòng kiên định đó.
Nhưng bước đầu thành công không có nghĩa là con đường phía sau hoàn toàn bằng phẳng. Sau khi công ty được thành lập, khi mọi việc sắp đi vào đúng quỹ đạo thì chiến tranh nổ ra. Kurt phải nhập ngũ. Sự nghiệp của ông đành phải gác lại. Nhưng ngay sau khi chiến tranh kết thúc, ông lập tức bắt tay lại từ đầu, ông lại vật lộn trên thương trường. Lần này, Kurt mở rộng quy mô kinh doanh với rất nhiều sản phẩm từ sắt thép. Ông đã dành không dưới nửa năm để bôn ba, tìm kiếm khách hàng mới, mở rộng thị trường, thậm chí vượt ngàn dặm xa xôi để đến các quốc gia khác thương thảo với khách hàng. Nhiều năm nay, cuộc sống của ông gắn liền với sáu ngày làm việc một tuần, một ngày làm việc 12 tiếng đồng hồ. Sự vất vả đó vượt xa những người khác, thế nhưng ông vẫn luôn đầy lòng quyết tâm.
Hiện tại, công ty của Kurt có quy mô kinh doanh khoảng 10 triệu đôla một năm, với lợi nhuận khoảng trên 1 triệu đôla, trung bình mỗi năm ông kiếm được hơn 400 nghìn đôla.
Có thể nói, công ty của Kurt kinh doanh rất thành công. Nếu ông không có tinh thần mạo hiểm ban đầu thì không có được thành quả ngày hôm nay. Nhưng nếu chỉ có tinh thần mạo hiểm thôi là chưa đủ. Để tiếp tục phát triển sự nghiệp, ông phải tìm hiểu phương thức kinh doanh của các đối thủ, luôn chú ý đến tình hình thị trường, dự đoán sự thay đổi của giá cả, đồng thời chuẩn bị sẵn nguồn vốn để có thể sử dụng bất cứ lúc nào.
Kinh doanh giống như đánh bạc, tính rủi ro rất cao. Cơ hội thành công và thất bại là ngang nhau, đặc biệt là thị trường quốc tế luôn tiềm ẩn nguy cơ. Nếu thành công, chúng ta sẽ được rất nhiều, ngược lại, chúng ta sẽ không một xu dính túi.
Kurt luôn sẵn sàng chấp nhận thử thách, nên ông đã nắm bắt được mọi cơ hội và vận may để tiến bước mà không hề sợ hãi.
Để có lợi nhuận, trước tiên chúng ta phải đầu tư. Muốn có cơ hội, chúng ta phải hy sinh thời gian, thu nhập, cuộc sống ổn định, sự hưởng thụ… Chúng ta phải luôn trong tư thế chuẩn bị sẵn sàng để nắm bắt cơ hội bất cứ khi nào nó xuất hiện. Sau khi nắm bắt được cơ hội, nguy cơ vẫn luôn tiềm ẩn, vì thế chúng ta phải luôn cẩn thận, phải luôn sẵn sàng ứng phó với những tình huống có thể xảy ra và giành chiến thắng. Nếu rút ra những bài học kinh nghiệm để làm chủ bản thân, chúng ta có thể tránh được một số trở ngại. Khi đã quen với những trở ngại, khó khăn, dần dần chúng ta sẽ biết cách nắm bắt cơ hội để phán đoán chính xác hướng đi của mình. Những người sợ thất bại hoặc không dám làm lại sau thất bại sẽ không thể nhìn thấy cơ hội ẩn chứa đằng sau thất bại đó.
Những người không dám mạo hiểm là những người không thể có được thành công. Đó là chân lý bất diệt. Nếu cơ hội thành công và thất bại là ngang nhau, vậy chúng ta hoàn toàn có thể thử lại lần nữa sau khi thất bại.
ĐỐI PHÓ VỚI NGUY CƠ TỤT HẬU
Công nghệ phát triển càng nhanh, cạnh tranh càng khốc liệt. Xã hội càng phát triển thì những khó khăn và nguy cơ mà doanh nghiệp gặp phải càng nhiều.
Trước đây một cỗ máy mua về có thể sử dụng được mười năm, thì nay sử dụng hiệu quả cũng chỉ được một năm rưỡi. Tuy một số sản phẩm mới được thị trường đánh giá cao, nhưng cuối cùng cũng bị một sản phẩm mới khác đánh bại và trở thành đồ phế thải.
Điều đó buộc công ty phải ngừng sản xuất những sản phẩm cũ, loại bỏ máy móc lỗi thời, thay đổi thiết bị tân tiến hơn để sản xuất ra sản phẩm mới, duy trì hoạt động kinh doanh. Tất cả những sự thay đổi đó khiến công ty bị tổn hại rất lớn.
Trong hoàn cảnh chung như vậy, doanh nghiệp phải gánh trách nhiệm sáng tạo. Trách nhiệm đó rất nặng nề, và việc kinh doanh cũng ngày càng khó khăn. Những người đang thành công cũng không dám chắc ngày mai mình có còn được như vậy nữa hay không. Một nhà lãnh đạo thông minh phải luôn cảm thấy nguy cơ tiềm ẩn đang thường trực, phải tính đến những yếu tố bất lợi có thể xuất hiện trong tương lai và phải làm ngay những việc cần làm để ứng phó với những nguy cơ đó. Để chậm trễ một khoảnh khắc là chúng ta có thể chuốc lấy thất bại rất lớn.
NHANH HƠN NGƯỜI KHÁC MỘT BƯỚC
Tục ngữ có câu: “Rèn sắt khi còn nóng”, “Phơi cỏ khô khi trời nắng”. Người lãnh đạo ra tay nhanh thường sẽ nắm bắt được thời khắc quyết định sự thành bại. Chỉ trong vài phút ngắn ngủi, chúng ta đã có thể quyết định được thành công hay thất bại, kết quả sẽ khác xa nhau một trời một vực. Napoléon Bonaparte rất coi trọng “thời khắc vàng”. Ông biết mỗi trận đánh đều có “thời điểm quyết định”. Nếu nắm bắt được thời điểm đó ông sẽ giành thắng lợi, chỉ cần do dự một giây thôi thì sẽ chuốc lấy thất bại thảm hại. Ông nói, sở dĩ ông có thể đánh thắng quân áo là do quân áo không biết đến giá trị của 5 phút mang tính quyết định. Nhưng trong trận Waterloo, vào buổi sáng định mệnh đó, Napoléon đã thất bại nặng nề chỉ vì ông và thống chế Grouchy chậm mất 5 phút. Chính vài phút chậm trễ đó đã khiến cho Napoléon bị đày lên đảo St. Helena để hồi tưởng về cuộc đời thăng trầm của mình.
Nguyên tắc ra tay nhanh cũng phù hợp với thương trường. Chúng ta phải hành động trước để là người đầu tiên chiếm lĩnh thị trường.
Trong các triệu phú ở Trung Quốc, có một nhân vật nổi tiếng bước ra từ ngành xây dựng ở Hắc Long Giang. Đó là Lý Hiểu Hoa, chủ tịch hội đồng quản trị tập đoàn Hoa Đạt. Hiện trong tay ông có 1,8 tỉ Nhân dân tệ. Bí quyết làm giàu của ông chính là “đi tiên phong”.
Đầu thập kỷ 80 của thế kỷ 20, một số tiểu thương tìm đến vùng đất Quảng Châu. Khi tới phố Cao Địa, họ tìm mua áo phông, quần bò, rồi trở về quê nhà bán lại kiếm được khá nhiều tiền.
Lần đầu tiên đến phố Cao Địa, Lý Hiểu Hoa lại quan tâm tới một mặt hàng khác: máy làm thạch lạnh.
Chiếc máy có kiểu dáng mới mẻ, tính năng độc đáo. Khi ăn thạch được làm từ chiếc máy đó, khách hàng cảm thấy mát lạnh, rất dễ chịu. Chiếc máy lại chưa hề xuất hiện tại Bắc Kinh, thành phố có số dân hơn 1 triệu người.
Với tầm nhìn sắc bén, Lý Hiểu Hoa đã nhắm vào chiếc máy đó. Chiếc máy rất đắt, có giá 4.000 Nhân dân tệ. Đó dường như là toàn bộ số tiền mà Lý Hiểu Hoa có trong tay khi tới Quảng Châu, nhưng ông đã quyết định mua chiếc máy đó.
Khi xuất hiện tại Bắc Đới Hà, một khu du lịch nổi tiếng, chiếc máy đã cuốn theo một trào lưu mới. Những khách du lịch nhễ nhại mồ hôi xếp hàng dài để mua thạch. Lý Hiểu Hoa đã kiếm được hơn 100.000 Nhân dân tệ.
Chính vào lúc mùa hè nóng nực sắp kết thúc, ông lại quyết định bán nó đi.
Bạn bè ông đều ngạc nhiên: “Vẫn còn là mùa hè mà, tiền đang về như nước, nó như cái máy in tiền, sao lại bán nó đi chứ? Sao dại thế!”
Nhưng Lý Hiểu Hoa thấy rằng, chiếc máy giúp ông kiếm được nhiều tiền như vậy vì nó là chiếc máy đầu tiên. Những người có đầu óc nhạy bén sẽ nhanh chóng nhận ra cơ hội này. Mùa hè năm sau tại Bắc Đới Hà sẽ xuất hiện cả trăm chiếc máy như thế, lúc đó sức cạnh tranh quả là khốc liệt.
Đúng như ông dự đoán, mùa hè sau đó tại Bắc Đới Hà, đâu đâu cũng có máy làm thạch. Tuy người ta vẫn rất thích thạch, nhưng không còn cảnh xếp hàng dài nữa.
Lý Hiểu Hoa thật biết nhìn xa trông rộng khiến bạn bè rất khâm phục.
Ông đã dùng tiền kiếm được để mua một chiếc máy quay phim và một máy chiếu phim màn ảnh rộng. Khi lần đầu tiên xuất hiện tại Tần Hoàng Đảo, chiếc máy đã tạo nên một trào lưu chiếu phim, phòng chiếu phim luôn chật kín người, giá mỗi vé vào xem là 10 Nhân dân tệ.
Một lần nữa, tiền lại chảy vào túi Lý Hiểu Hoa, ông đã kiếm được hàng trăm nghìn Nhân dân tệ.
Từ câu chuyện của ông, chúng ta có thể thấy rằng, ra tay nhanh, đi tiên phong, chiếm lĩnh thị trường thì sẽ kiếm được số tiền rất lớn.
Để làm được như vậy, chúng ta phải không được hài lòng với hiện tại, phải có được tầm nhìn xa và khắc phục được nhược điểm do dự, không quyết đoán. Đối với những người luôn dùng dằng không quyết định, thì biện pháp duy nhất là đưa ra quyết định thật nhanh. Nếu không, nhược điểm đó sẽ trở thành rào cản của thắng lợi.
THÓI QUEN KÉO DÀI THỜI GIAN
Chúng ta thường có thói quen kéo dài thời gian khi làm một việc gì đó, và thường thích hưởng thụ trước khi bắt tay vào hành động. Nhưng sau khi nghỉ ngơi chúng ta lại tiếp tục muốn nghỉ ngơi nữa, cho tới tận khi đã kết thúc thời hạn mà chúng ta vẫn chưa bắt đầu hành động. Việc kéo dài thời gian như vậy sẽ dẫn đến thất bại. Để sửa thói xấu ngủ nướng, bạn lên kế hoạch thức dậy vào lúc 6h30. Ngày thứ hai, khi đồng hồ báo thức gọi bạn dậy đúng vào lúc 6h30, bạn lại tự nhủ: “Ngủ thêm mười phút nữa thôi.” Đợi đến khi bạn tỉnh dậy thì đã đến lúc đi làm. Kế hoạch của bạn tan thành mây khói chỉ vì có thói quen kéo dài thời gian.
Ai cũng biết việc kéo dài thời gian có ảnh hưởng không tốt, nhưng cứ đến lúc phải hành động thì chúng ta lại mắc phải tật xấu đó. Chúng ta thường tìm cớ để đổ lỗi cho những sai lầm của mình. Có ba loại lý do mà chúng ta hay tìm đến là:
1. Cho là “Chưa chuẩn bị đầy đủ”
Nếu như tất cả mọi việc đều giống như phóng tên lửa, trước khi phóng, mọi thiết bị, trình tự đều phải được chuẩn bị kỹ càng, thì lý do này là hợp lý.
Nhưng trong rất nhiều công việc nếu lúc nào chúng ta cũng phải chờ đến khi mọi thứ được chuẩn bị đầy đủ rồi mới hành động, thì rất có thể chúng ta sẽ mất cơ hội. Khi doanh nghiệp của bạn sắp sản xuất một lô hàng đang bị thiếu hụt trên thị trường, nhưng nguyên liệu không đủ mà phải nhập từ nơi khác về, là tổng giám đốc, bạn có đợi đến khi có đầy đủ nguyên liệu mới cho sản xuất không? Câu trả lời tất nhiên là không. Bạn sẽ tận dụng nguồn nguyên liệu đã có để cho sản xuất trước một số lượng nhất định, đồng thời trong thời gian đó cho nhập thêm nguyên liệu từ nơi khác về. Nếu đợi đến khi có đầy đủ nguyên liệu mới sản xuất thì rất có thể hàng hóa đang bị thiếu trên thị trường đã trở thành hàng tồn kho mất rồi.
Lấy lý do chưa chuẩn bị đầy đủ để không hành động sẽ chỉ làm kế hoạch của chúng ta bị chậm trễ và đánh mất cơ hội mà thôi. Trong hoàn cảnh đó, cách tốt nhất là tận dụng những điều kiện đã có để bắt đầu hành động, vừa hành động vừa tìm kiếm hoặc đợi chờ điều kiện chín muồi.
Có những người luôn nói rằng “điều kiện chưa đủ”, nhưng thực tế chưa hẳn đã như vậy. Họ hoặc là những người bảo thủ, cứng nhắc, hoặc là những người lười biếng. Kết quả cuối cùng của họ là bỏ lỡ mất thời cơ.
2. Cho là “Hành động sẽ không kịp”
Đây dường như là một lý do rất hợp lý. “Không phải là tôi không muốn hành động, mà là hành động cũng không có ích lợi gì, vậy thì còn hành động làm gì nữa?” Chính những cách nghĩ này đã khiến rất nhiều cơ hội bị bỏ lỡ.
Trên thực tế, hành động không lúc nào là muộn. Có thể trước đó chúng ta đã bỏ lỡ cơ hội, điều kiện tốt, hoặc những hành động sai lầm của chúng ta đã gây ra một vài hậu quả nào đó, nhưng trong tình huống đó, chúng ta chỉ có một con đường duy nhất là hành động. Nếu không chúng ta phải từ bỏ hoặc thất bại.
Mục đích của hành động là tìm lại những cơ hội và điều kiện đã mất để bù đắp thiệt hại và sai lầm, để công việc quay trở về trạng thái bình thường hoặc để tạo điều kiện cho hành động. Cho dù có đánh mất cơ hội, có mắc phải sai lầm, nhưng nếu không tìm cách cứu vãn thì chúng ta đã liên tiếp phạm sai lầm.
Có đúng là không kịp hành động không? Những người quá bi quan, luôn mất niềm tin vào bản thân mình mới nói như vậy. Những người viết chữ xấu sau một thời gian luyện tập đã than vãn rằng: “Thành thói quen rồi, không sửa được nữa.” Trên đời này không có việc gì là không thể làm được, cũng không có hành động nào không kịp làm, chỉ cần bạn bắt đầu hành động ngay và kiên trì đến cùng, bạn sẽ tạo ra những kỳ tích.
“Không kịp” là cách suy nghĩ tiêu cực. Chúng ta phải tin vào bản thân mình, tin rằng mình có khả năng lấy lại những gì đã mất. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có hy vọng thành công. Từ bỏ chính là thất bại.
3. Cho là “Việc đó tôi không thích làm”
Chúng ta rất khó có hứng thú đối với những việc bản thân không thích làm. Nhưng là người lãnh đạo, có những việc bạn không thích nhưng vẫn phải làm, thậm chí là không thể không làm.
Có một cách có thể giúp chúng ta đối phó với vấn đề này. Đó là hãy bắt tay vào làm trước khi nghĩ đến việc mình rất ghét công việc đó. Nếu không, bạn càng để lâu, bạn càng thấy ghét và càng khó để hoàn thành công việc đó.
Đừng tìm đường thoái lui cho mình. Đừng nói những câu kiểu như “Vẫn còn có lần sau”, “Vẫn còn thời gian”. Bạn nên biết rằng, sau khi đã lên kế hoạch thì bạn không còn đường rút lui, bạn chỉ có một lựa chọn duy nhất là hành động.
KHẮC PHỤC TÍNH LƯỜI BIẾNG
Trên con đường đi đến thành công, bạn phải có trách nhiệm với chính bạn và mục tiêu của bạn. Bạn phải khắc phục tính lười biếng để kiên quyết hành động. Mỗi tối trước khi đi ngủ, bạn nên đánh giá lại những việc mình đã làm trong ngày. Bạn hãy nói với bản thân rằng: “Việc này rất tốt, việc kia rất tuyệt. Việc đó dường như không tốt lắm…” Những lúc đó, bạn có thể phát hiện ra sai lầm của mình để kịp thời điều chỉnh, sửa chữa. Trong quá trình tự nhìn nhận lại mình, bạn sẽ cảm thấy vui vẻ và tự tin hơn, bởi vì bạn ngày càng đến gần mục tiêu của mình.
Lười biếng là kẻ thù của thành công. Ai muốn thành công đều phải đấu tranh với lười biếng. Cây đại thụ của nền văn học thế giới Lev Tolstoy khi còn trẻ là một người lười biếng. Để khắc phục nhược điểm đó, ông đã lựa chọn cách làm như sau: Tập thể dục hàng ngày và viết nhật ký vào mỗi tối trước khi đi ngủ. Cả hai việc đó ông đều duy trì đến tận những năm 80 tuổi, thậm chí bốn ngày trước khi qua đời ông vẫn viết nhật ký. Chính việc kiên trì khắc phục tính lười biếng đã giúp ông hình thành thói quen siêng năng, và thế giới mới có được một nhà văn lớn với những tác phẩm kiệt xuất như Phục sinh, Anna Karenina, Chiến tranh và hòa bình.
Để khắc phục tính lười biếng, ngoài việc tự nhìn nhận lại mình hàng ngày, chúng ta còn phải làm được bốn việc sau.
1. Luôn nghĩ tới mục tiêu của mình
Đây là cách tốt nhất để khắc phục tính lười biếng. Có rất nhiều người cả đời không làm được việc gì lớn bởi họ không có một mục tiêu để phấn đấu. Họ không cảm nhận được giá trị của cuộc sống nên tìm mọi thú vui để giết thời gian cho đến tận lúc sức đã tàn.
2. Loại bỏ mọi lý do
Một nguyên nhân quan trọng hình thành nên tính lười biếng là tìm mọi lý do cho bản thân. Có người nói: “Nếu cho tôi thời gian, tôi sẽ làm được một việc gì đó. Nhưng tiếc rằng tôi không có thời gian.” Người khác thì nói: “Nếu trình độ văn hóa của tôi cao hơn chút nữa, nhất định tôi sẽ làm tốt hơn anh, nhưng đáng tiếc trình độ văn hóa của tôi thấp quá.” Lại có người nói rằng: “Nếu tôi có thể trẻ hơn vài tuổi, tôi sẽ thành công.” Ai cũng đều có rất nhiều lý do. Vấn đề là ở chỗ chúng ta cam chịu bị những lý do đó chi phối hay chủ động để loại bỏ chúng.
Nhà sử học của Trung Quốc Ngô Hàm cũng đã từng viện ra rất nhiều lý do. Trong nhiều năm, ông đã quen với cuộc sống ban ngày đi làm, đi họp. Ông nói rằng mình chỉ có thể viết lách vào buổi tối. Thực ra, ban ngày ông cũng không quá bận đến thế, ông vẫn có những lúc rảnh rỗi. Nhưng vì lý do đó mà ông đã lãng phí rất nhiều thời gian. Sau này, ông đã hiểu ra vấn đề. Ông viết bất cứ khi nào có thể, cho dù đó là ban ngày hay ban đêm. Và ông đã viết được rất nhiều vào ban ngày. Kinh nghiệm đó cho thấy, tính lười biếng hoàn toàn có thể khắc phục được, chỉ cần chúng ta quyết tâm loại bỏ mọi lý do.
3. Bắt đầu từ những việc cụ thể
Muốn khắc phục tính lười biếng, chúng ta phải có quyết tâm và nghị lực, phải bắt đầu từ những việc cụ thể. Thời Đông Hán, có một người tên là Trần Phiên khi còn nhỏ rất lười biếng, đến nỗi chưa bao giờ quét nhà. Một hôm, một người bạn của cha ông đến chơi, chất vấn Ông: “Sao có khách đến mà con không quét dọn nhà cửa?” Trần Phiên trả lời: “Nam nhi đại trượng phu, thì phải lo việc thiên hạ, chứ sao lại chỉ quét nhà quét cửa?” Người bạn của cha nói: “Quét nhà là việc đơn giản mà cháu không làm được thì làm sao lo được việc lớn như việc thiên hạ?” Thực tế đã chứng minh điều đó. Không làm việc nhỏ thì không thể làm việc lớn.
4. Hình thành thói quen làm việc và nghỉ ngơi đúng giờ
Những người lười biếng đều không có thói quen tốt trong công việc và cuộc sống. Nếu chúng ta hình thành được thói quen làm việc và nghỉ ngơi đúng giờ, chúng ta sẽ khắc phục được tính lười biếng. Nhà triết học nổi tiếng người Đức Kant1 khi giảng dạy tại trường đại học Konigsberg hàng ngày đều thức dậy, viết bài, giảng bài đúng giờ. Ông đã kiên trì thói quen đó trong 30 năm. Ông có thói quen đi bộ, bất kể nắng hay mưa, cứ đúng 3h30 chiều là ông chống gậy đi dạo. Hàng xóm đều lấy thời gian ông đi dạo làm chuẩn để chỉnh lại đồng hồ. Có thể thấy rằng, hình thành thói quen làm việc và nghỉ ngơi đúng giờ là hết sức quan trọng đối với việc khắc phục tính lười biếng.
1 Immanuel Kant (1724-1804): Một trong những triết gia quan trọng nhất của nước Đức, hơn nữa là một trong những triết gia lớn nhất của thời kỳ cận đại.