* Dùng kẻ tiểu nhân để trị kẻ xấu hoặc lợi dụng kẻ xấu để trị kẻ tiểu nhân, phương pháp lấy độc trị độc như vậy rất hiệu quả.
* “Gậy ông đập lưng ông” là cách người thông minh đối phó với những kẻ thích soi mói.
* Người lãnh đạo luôn gặp phải một số kẻ tiểu nhân khó đối phó, nếu không xử lý tốt sẽ gây thù chuốc oán với họ. Nhưng chỉ cần người lãnh đạo khéo léo biết cách giao thiệp, vấn đề sẽ được giải quyết dễ dàng.
LUÔN LUÔN ĐỀ CAO CẢNH GIÁC
Sự phát triển không ngừng của xã hội kéo theo sự thay đổi của một loạt các hệ giá trị cốt lõi. Ở thế kỷ XXI, cùng với xã hội ngày càng phát triển thì trình độ văn minh của nhân loại cũng ngày càng cao. Trao đổi thông tin nhanh chóng trong xã hội hiện đại khiến cho việc kết nối giữa con người ngày càng thuận tiện hơn. Khi đối diện với những cuộc khủng hoảng chung trên toàn thế giới, con người cũng ít nhiều đã nâng cao nhận thức “cùng hội cùng thuyền”. Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, nhịp sống ngày càng hối hả cùng với sự ảnh hưởng của đồng tiền đối với tình cảm con người đã làm giảm đi cơ hội tiếp xúc trực tiếp và trò chuyện chân thành giữa con người với nhau. Nhiều người sống trong những thành phố náo nhiệt, tiệc tùng vui vẻ thâu đêm nhưng lại không cảm nhận được sự ấm áp của tình người. Ngược lại, họ luôn cảm thấy cô đơn, buồn chán, chỉ biết làm bạn với thú nuôi, vì dường như chúng còn tốt hơn nhiều người thân và đồng nghiệp, bởi chúng không bao giờ phản bội bạn. Đây chẳng phải là bi kịch hay sao?
Trong xã hội cạnh tranh ngày càng gay gắt như hiện nay, nhiều người vì lợi ích của bản thân để gạt sang một bên tất cả những đức tính tốt đẹp nên có như sự khiêm tốn, chính trực, giúp đỡ mọi người, cống hiến vô tư... mà bất chấp liêm sỉ, đạo đức xã hội, chuẩn mực hành vi, trong đầu chỉ luôn nghĩ mưu tính kế, đấu đá tranh giành. Những người giỏi chuyên môn, tài năng xuất chúng trở thành mục tiêu tấn công của họ, bởi như thế mới khiến tham vọng của họ được thỏa mãn. Họ hả hê khi khiến người khác khổ sở điêu đứng. Sống trong xã hội phức tạp này, nếu không muốn bị người khác ngầm chơi xấu, muốn thoát khỏi những kẻ tiểu nhân trên con đường thăng tiến, bạn phải hiểu được các mánh khóe, thủ đoạn, quỷ kế của họ mà biết cách đề phòng.
Mặt khác, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, điểm yếu về nhân cách dưới rất nhiều lớp vỏ bọc đã trở thành “dòng chảy ngầm” ở nơi sâu thẳm nhất trong tâm hồn mỗi con người. Chỉ cần “dòng chảy ngầm” này tồn tại thì tất sẽ có con đường để nó lộ diện, mà tùy vào sự tu dưỡng của mỗi người, con đường đó sẽ thể hiện ra theo nhiều phương thức khác nhau. Đặc biệt, những kẻ tiểu nhân có phẩm chất xấu xa, đê tiện, khi gặp phải rào cản và thất bại thì sẽ chuyển hóa thành lòng đố kị. Họ luôn tìm cách hãm hại người chiến thắng: Loan tin đồn, nói xấu với cấp trên, bày ra mọi chướng ngại để ngăn cản con đường thành công của bạn.
Lòng đố kị luôn dẫn đến những âm mưu, khiến người bị đố kị gặp nhiều trở ngại. Đố kị không chỉ dẫn tới những cảm xúc như phẫn nộ, oán hận… mà còn được biểu hiện thành hành vi phá hoại ở nhiều mức độ khác nhau như vu khống, hãm hại, đặt điều nói xấu…
Phân tích trên đây đã cho chúng ta thấy, khi bản thân có thành tích thì không nên kiêu ngạo, tự mãn mà phải tiếp tục cố gắng, đồng thời phải luôn đề phòng những kẻ tiểu nhân vì ghen ghét, đố kị mà hãm hại sau lưng. Vì thế, bạn cần phải nhìn xa trông rộng, khống chế được cục diện, nhận biết kẻ xấu người tốt, đề phòng bị hãm hại, như vậy mới đạt được những thành công lớn hơn.
ĐỪNG CHO NHỮNG KẺ NỊNH HÓT CÓ CƠ HỘI
Có một câu chuyện cười dân gian được lưu truyền khá rộng rãi. Chuyện kể rằng, có một người nói với một viên quan rằng, trước khi anh ta đi, sư huynh đã dạy anh ta một chiêu nịnh hót, gọi là “99 chiếc mũ”, dùng để lấy lòng người khác và xưa nay anh ta chưa từng thất bại.
Viên quan nghe xong, nghiêm mặt nói: “Ta không bao giờ thích những kẻ bợ đỡ hay nịnh hót.”
Anh này vội vàng đáp: “Đúng, đại nhân không giống họ, đại nhân là trường hợp ngoại lệ, người ghét kẻ nịnh hót như đại nhân trên thế gian này liệu có mấy người.”
Vẻ mặt của viên quan nọ bỗng tươi tỉnh hẳn lên. Khi ra khỏi phủ quan, anh này liền nói: “‘99 chiếc mũ’ đã tặng đi được một chiếc rồi.”
Điều đó cho thấy mọi người đều biết bợ đỡ người khác là không tốt, nhưng khi gặp kẻ nịnh bợ thực sự, bạn lại không nhận ra.
Vì sao không thể chấp nhận sự bợ đỡ? Bởi vì lời của kẻ nịnh hót đều là giả dối.
Có người sở dĩ nói những lời trái với lương tâm bởi vì họ đang mưu cầu một điều gì đó. Điều đó tuyệt đối không nên được đáp ứng.
Vì thế, chấp nhận nịnh hót có nghĩa là chấp nhận những lời nói dối và phải trả giá bằng sự hi sinh lợi ích của ai đó. Cái giá này rõ ràng không hề rẻ.
Vậy làm thế nào để không rơi vào bẫy nịnh hót? Trước tiên, bạn phải phân biệt được thế nào là nịnh hót. Giống như viên quan trong câu chuyện cười trên, bản thân cho rằng mình không thích nịnh hót nhưng cuối cùng vẫn phổng mũi vì được nịnh. Vấn đề nằm ở chỗ, ông ta không phân biệt được thế nào là nịnh hót.
Người kia đã dùng cách nịnh “ứng phó”, tức là nói theo mạch suy nghĩ của đối phương, không tâng bốc quá, nên cũng không lộ liễu quá, dễ được người nghe chấp nhận nhất.
Thứ hai là cách nịnh hót “hùa theo”, là kiểu nịnh hót thông thường, hay còn gọi là “nói lời hay, khen điều tốt”. Nhưng cách này không quá lộ liễu và khó chịu, dễ được người khác chấp nhận.
Ngoài ra, còn một cách nịnh hót theo kiểu “phản chứng”, tức là nói xấu và chỉ trích người khác để gián tiếp đề cao, khen ngợi và tâng bốc bạn. Họ thường quan sát sắc mặt của bạn để nói. Bạn ghét những kẻ gièm pha, nói xấu người khác nhưng lại ngại nói xấu về những kẻ đó, họ liền nói thay bạn.
Để không bị nịnh hót, bạn phải nghe nhiều ý kiến trái chiều. Hãy nói ngược lại tư duy của mình, bảo là chuyện này bạn đã nghĩ đến, làm cho lời nói của kẻ nịnh hót mất giá trị.
Để không bị người khác nịnh hót, bạn nên loại bỏ thói quen thích được khen ngợi. Khi nghe thấy lời khen ngợi, bạn có thể chọn cách để ngoài tai. Đối với một người lãnh đạo thông minh, nếu có người nói những câu khen tặng, thì hãy nghĩ rằng họ đang nói về một vị lãnh đạo lý tưởng của mọi người mà mình vẫn chưa đạt được như thế nên cần phải nỗ lực nhiều hơn.
Bạn phải đặc biệt cảnh giác với những kẻ nói xấu người khác trước mặt bạn. Hôm nay trước mặt bạn họ khen người kia có chí cầu tiến, nhưng sau lưng lại nói xấu họ hoặc sau lưng nói xấu họ nhưng trước mặt lại khen ngợi hết lời. Đó là kiểu người nịnh hót điển hình.
ĐỀ PHÒNG TIỂU NHÂN HÃM HẠI
Năm bí quyết dưới đây có thể giúp bạn giữ vững vị trí, thay đổi hoàn cảnh bất lợi hiện tại và đề phòng kẻ tiểu nhân hãm hại.
1. Thu thập chứng cứ
Nếu một người nào đó ngầm chọc phá khiến bạn thất bại, bạn hãy vạch trần chân tướng sự việc. Hãy nói với cấp trên rằng, người nào đó đã cố ý “làm mất” thông báo hoặc tài liệu mà đáng ra bạn nhận được, hoặc người nào đó đã cố ý không cung cấp cho bạn thông tin cần thiết. Bạn nên có một cuốn sổ ghi chép thật chi tiết công việc, bao gồm nhiệm vụ công việc được giao, thời gian nhận được bản ghi nhớ, những thông tin hoặc biện pháp thực hiện chưa được truyền đi… Sau đó, báo cáo lại tình hình với cấp trên. Nếu chứng cứ của bạn rõ ràng, xác đáng, cấp trên tất sẽ biết ai mới là người thực sự nên bị phê bình và khiển trách.
2. Đối diện với kẻ gây phiền phức cho bạn
Nếu có người cố tình lấy đi giấy tờ quan trọng trên bàn làm việc của bạn, khiến cho công việc của bạn chậm trễ, mất hiệu quả, hãy trực tiếp nói với anh ta rằng: “Đương nhiên, anh sẽ không nhận là mình đã làm chuyện này, nhưng anh biết chuyện gì đã xảy ra”. Anh ta có thể sẽ phủ nhận và đổ lỗi cho người khác làm hoặc im lặng không nói gì. Nếu anh ta tiếp tục giữ im lặng, bạn có thể nói tiếp: “Tôi nghĩ những giấy tờ này sẽ không bị mất một lần nữa, chuyện này sẽ không tái diễn, phải không?”
Nói như vậy để cho anh ta biết rằng, bạn biết rõ về hành vi không tốt của anh ta và hi vọng sau này anh ta sẽ thay đổi. Nếu bạn giả vờ như không biết, họ sẽ cho rằng bạn hồ đồ mà tiếp tục lặp lại lần thứ hai, lần thứ ba…
3. Nắm rõ việc mình làm
Khi ai đó muốn hạ thấp hoặc phủ định thành tích mà bạn đạt được thì bạn phải có sự ghi chép tỉ mỉ những việc mình làm trước khi làm bất cứ việc gì. Đó là cách tự bảo vệ bản thân hiệu quả nhất. Ví dụ, nếu bạn khiến cho doanh thu tăng lên 15%, để cấp trên biết đến thành tích của mình, bạn hãy nói: “Năm ngoái, tôi đã đem về cho công ty... lợi nhuận.” Sự thật vẫn là sự thật, khi bạn đạt được thành tích, không ai có thể phủ nhận hoặc hạ thấp nó.
4. Công khai mục tiêu của mình
Có người muốn lấy lòng bạn để được bạn ưu ái và quan tâm đặc biệt hơn. Để đối phó với kiểu người này, bạn hãy ghi chép lại cẩn thận kế hoạch và quá trình quản lý của mình vào một cuốn sổ, như vậy ai có công, ai có tội đều thể hiện rất rõ ràng.
Một vị giám đốc có thể khiến cấp dưới thể hiện hết khả năng xuất sắc của mình và nhận được sự khen ngợi của lãnh đạo cấp trên, đó là điều vô cùng vinh dự và rất đáng tự hào. Nhưng bạn cũng cần đề phòng có kẻ cướp công, giành toàn bộ thành tích về phía họ. Chỉ cần bạn ghi rõ mục tiêu công việc và các biện pháp thực hiện cụ thể của mình trước khi tiến hành, dù sau này có người muốn giành vinh quang của bạn, bạn cũng không phải lo lắng vì trước đó bạn đã xác định được vị trí và ảnh hưởng của mình trong công việc.
Nếu có người bất chấp sự thật, cố nói thành tích mà bạn đạt được là công lao của họ thì bạn hãy nói với người đó rằng: “Tôi biết anh đã làm được những gì, cũng biết anh là người thế nào”. Khi nói những lời này, bạn không cần tỏ ra đao to búa lớn nhưng phải thể hiện được rằng bạn biết rõ những mánh khóe của anh ta.
5. Phân biệt được ai là người đáng tin cậy
Không được tùy tiện để lộ kế hoạch hoặc ý tưởng của mình để tránh bị kẻ khác ăn cắp ý tưởng. Luôn cố gắng thể hiện sự hòa đồng và tinh thần hợp tác với mọi người, nhưng không được kể về những kế hoạch hoặc ý tưởng quan trọng trong công việc của bạn. Bởi vì trong mọi cơ quan đều có những kẻ không muốn mất công suy nghĩ, tìm tòi mà chỉ chờ ăn cắp ý tưởng của người khác để biến thành ý tưởng của mình.
Do đó, đối với đồng nghiệp xung quanh, bạn nên tìm hiểu kĩ càng. Cách đánh giá người khác phải được xây dựng trên nền tảng nhân cách và tác phong làm việc của họ. Đối với một số người, bạn hoàn toàn có thể nhận ra họ không đáng tin cậy thông qua những biểu hiện hàng ngày của họ trong công việc và giao tiếp với mọi người. Khi buộc phải trao đổi với những người này trong công việc, bạn nên tránh nói quá nhiều. Nhưng may mắn là đa phần mọi người đều thành thật và thẳng thắn, họ sẽ không đánh mất nhân cách của chính mình và hãm hại người khác. Những kẻ tiểu nhân thực sự ở nơi làm việc thường không nhiều.
DÙNG TÀI TRÍ ĐỂ LOẠI BỎ CÁI GAI TRONG MẮT
Kẻ tiểu nhân có trăm nghìn kiểu phá hoại, hãm hại, khiến cho người cầm quyền ăn không ngon, ngủ không yên, phải hao tâm tổn sức để ổn định môi trường làm việc. Nếu dùng chính kẻ tiểu nhân để trị người xấu hoặc dùng người xấu để trị kẻ tiểu nhân thì đó sẽ là cách lấy độc trị độc vô cùng hiệu quả.
Thời Bắc Chu, Hàn Bao nhậm chức huyện lệnh ở Bắc Ung Châu. Khi đó, bọn trộm cắp đang hoành hành ở vùng núi phía bắc của châu, gây hại cho dân lành. Hàn Bao sau khi bí mật điều tra, biết được bọn trộm cắp này đều là cường hào địa phương, trong đầu liền nghĩ ra một cách.
Ông giả vờ như không hề biết chuyện, cho triệu tập cường hào trong vùng, ra vẻ khiêm tốn cầu giúp đỡ: “Ta vốn là một thư sinh, không biết truy bắt trộm cắp thế nào, mong các vị có thể cùng ta san sẻ nỗi lo âu này.”
Sau đó, ông bí mật cho triệu tập những tên cứng đầu, không chịu phục tùng, chuyên làm hại dân lành để cắt cử họ làm thủ lĩnh bắt cướp, còn phân chia trách nhiệm theo từng địa bàn, từng khu vực. Nếu có vụ trộm cắp nào xảy ra mà không bắt được về quy án, thì sẽ quy thành tội cố ý dung túng bao che.
Những kẻ này nghe xong, vô cùng sợ hãi, liền tranh nhau vạch trần vụ trộm cắp nào là do ai làm. Danh tính của bọn trộm cắp lần lượt được đưa ra ánh sáng.
Hàn Bao giữ kín danh sách những tên trộm cắp này, sau đó phái người dán cáo thị trên cổng thành của Bắc Ung Châu: “Phàm những ai từng trộm cắp thì nhanh chóng tới quan phủ đầu thú, sẽ được miễn tội. Nếu trong vòng một tháng không tự ra đầu thú, một khi quan phủ bắt được sẽ công khai xét xử, vợ của người đó sẽ đem thưởng cho những người sớm đến đầu thú.”
Bản cáo thị vừa dán lên, trong vòng mười ngày sau, bọn trộm cắp lũ lượt kéo đến tự thú. Cầm danh sách ra đối chiếu thì không sót một tên nào.
Hàn Bao thực hiện đúng lời hứa, đặc xá cho tất cả để họ có cơ hội làm lại từ đầu. Từ đó về sau, vùng này không còn một vụ trộm cắp nào nữa.
ĐỪNG COI THƯỜNG NHỮNG LỜI ĐỒN THỔI
Từ xưa đến nay, thời nào cũng có những kẻ hay gây chuyện thị phi, thích đưa chuyện, tung tin đồn nhảm. Trong lịch sử, nhiều lời đơm đặt đã gây ra những phiền hà, rắc rối và tổn hại nghiêm trọng đối với bộ mặt quốc gia, xã hội, dân tộc, cho đến gia đình và cá nhân.
Có nhiều người rất giỏi dựng chuyện thị phi. Họ luôn nghe ngóng mọi thông tin, cho dù là thông tin thất thiệt, rồi bóp méo xuyên tạc, khiến nó trở thành bằng chứng để hãm hại người khác.
Do đó, trong công việc và cuộc sống, bạn hãy chú ý cẩn trọng khi giao tiếp và làm việc với những người này.
DÙNG GẬY ÔNG ĐẬP LƯNG ÔNG
Trong cuộc sống khó tránh khỏi gặp phải một số người nói năng thiếu suy nghĩ, làm người khác giận, thích soi mói và vô vị.
Gặp phải loại người này, bạn nên làm thế nào? Hành động lỗ mãng chỉ cho thấy bạn cũng chẳng khác gì bọn họ, chỉ biết dùng tay chân chứ không biết động não.
Nhà văn nổi tiếng thế giới Andersen vốn xuất thân nghèo khó nên sau này dù đã rất nổi tiếng, ông vẫn giữ thói quen sống giản dị, tiết kiệm, không xa hoa lãng phí.
Một hôm, ông đội một chiếc mũ rách ra phố. Một người đứng bên đường nhìn thấy, liền cười nhạo ông: “Chết cười. Trên đầu ông đội thứ gì vậy? Cái này mà gọi là mũ à?”
Andersen thản nhiên đáp: “Thế cái gì đang ở dưới mũ của ông vậy? Nó cũng được gọi là não ư?”
Người không biết lịch sự tất sẽ không được người khác tôn trọng. Do đó, từng lời nói, cử chỉ của bạn trong cuộc sống đều phải hết sức chú ý, muốn được người khác tôn trọng và yêu mến thì phải xem lại mình đã đối xử tốt với người khác hay chưa. Chỉ có thái độ chân thành và khoan dung độ lượng, biết nghĩ cho người khác mới mở được cánh cửa kết nối với mọi người, khiến đối phương chấp nhận mình. Rất nhiều áp lực trong giao tiếp đều do bản thân tự tạo ra, vì thế, cách tốt nhất là hãy đặt ra yêu cầu trước đối với bản thân rồi mới đòi hỏi ở người khác.
Có một nhà thơ người Đức từng làm biên tập viên cho một tờ tạp chí ở Berlin. Một hôm, ông nhận được một bức thư kèm theo mấy bài thơ của một người trẻ tuổi. Nội dung bức thư rất kiêu ngạo, không có chút lễ độ, khiêm tốn nào.
Trong thư viết: “Mấy bài thơ này đều không có dấu câu, bởi vì từ trước tới giờ tôi không chú trọng dấu câu. Nếu thích, ngài có thể tự điền vào.”
Nhà thơ đọc xong, liền gửi trả lại bản thảo, không quên kèm theo một lá thư:
“Từ trước tới giờ tôi không chú trọng đến thơ ca, lần sau ngài chỉ cần gửi dấu câu tới đây, tôi sẽ tự điền vào là được.”
Hầu hết mọi người đều xem trọng vẻ bề ngoài, đều cho rằng người giàu cần ăn mặc bảnh bao, áo quần tinh tươm, vẻ ngoài phải phù hợp với thân phận của họ.
Nếu một ngày nào đó, người nghèo bỗng nhiên ăn mặc đẹp thì hàng xóm xung quanh thế nào cũng chỉ trỏ bàn tán. Thực tế, quần áo hay son phấn chỉ là chiếc mặt nạ hoặc lớp vỏ bọc bên ngoài cơ thể chúng ta mà thôi, nó không phải là một bộ phận của cơ thể và càng không liên quan gì tới tâm hồn của chúng ta. Cho nên, một người thực sự giàu có về tinh thần và trí óc, thì không thể đánh giá qua vẻ ngoài của họ được. Những người chỉ quan tâm tới vẻ bề ngoài của mình là đang tự chuốc lấy sầu não và tự tạo áp lực cho chính mình.
Một cậu thiếu niên khi nhìn thấy nhà văn nổi tiếng của Nga xách hành lý đi du lịch đã tò mò hỏi ông rằng: “Ngài là nhà văn nổi tiếng, sao lại mang theo chiếc va-li lôi thôi này ra ngoài thế?”
Nhà văn trả lời: “Chuyện này thì có gì lạ đâu? Nếu va-li da của ta nổi tiếng thế giới, còn ta thì lôi thôi lếch thếch, cậu sẽ nghĩ như thế nào?”
“Gậy ông đập lưng ông” là cách người thông minh đối phó với kẻ soi mói. Cách này rất đơn giản, chỉ cần dùng chính lời nói của họ để vặn lại họ cũng chính là: “Nghĩ ngược lại, nói ngược lại, làm ngược lại.” Hoặc tìm ra sơ hở trong logic của đối phương để công kích lại họ.
KIÊN QUYẾT NHỔ BỎ “CHIẾC ĐINH CỨNG ĐẦU”
Làm lãnh đạo sẽ gặp phải một số người rất khó đối phó, nếu xử lý không tốt sẽ gây thù chuốc oán với họ, khiến bản thân bớt bạn thêm thù. Nhưng nếu bạn không khoan nhượng, bài toán sẽ rất dễ giải quyết.
Con người đa phần đều không muốn chấp nhận sự thật, trong rất nhiều tình huống, chủ nợ lại biến thành con nợ.
Vì sao lại nói như vậy?
Trước đây, hễ nói tới “chiếc đinh cứng đầu” là nói tới những kẻ lưu manh, nhưng bây giờ thì khác, những “chiếc đinh” ngày nay đều là “đinh mềm”. Nhưng dù có mềm đến mấy thì vẫn là đinh, không cẩn thận sẽ bị nó đâm vào tay, làm rách quần áo của bạn.
“Đinh mềm” là cách nói hình tượng và khái quát về những kẻ tiểu nhân.
Loại người này có thể xảo quyệt hơn nên chúng ta sẽ phải “lấy nhu trị cương” để đối phó.
Loại người này rất giỏi dùng các biện pháp đeo bám, lôi kéo người khác. Bất luận bạn sốt ruột đến thế nào, họ cũng vẫn bình chân như vại, nhưng cũng không trở mặt, càng không cãi cọ với bạn. Ngược lại, họ ung dung tự đắc.
Do đó, để đối phó với những chiếc “đinh mềm” này, bạn phải nghiên cứu sách lược và phương pháp rõ ràng. Hãy học tập những vị giám đốc thành công trên quan trường và thương trường. Họ có một phương pháp rất hiệu quả đó là thẳng tay trừng trị.
TÌM RA SƠ HỞ CỦA ĐỐI PHƯƠNG
Trong đấu tranh, đừng lo lắng nếu ban đầu bạn có vẻ yếu thế hơn, hãy kiên nhẫn “án binh bất động” trước khi đối phương ra tay, đồng thời nhân cơ hội này mà dò đoán tính cách, tìm ra điểm yếu của họ, thậm chí giả vờ để lộ sơ hở của mình để “dụ rắn ra khỏi hang”, cho đến khi bạn tóm được thóp và khống chế được cục diện.
Hãy xem ví dụ sau.
Một hôm, nhà của Lưu Viên Viên, một sinh viên đại học năm ba, có khách đến chơi. Bố của Viên Viên sai cậu ra cửa hàng đại lý gần nhà mua một chai rượu Mao Đài. Khi đem rượu về mới phát hiện ra là rượu giả, bố của Viên Viên liền giấu chai rượu giả vào trong túi và tới tìm chủ cửa hàng. Ông giả bộ là khách hàng tới hỏi mua rượu Mao Đài, chủ cửa hàng liền mang ngay ra một chai.
Ông xem kĩ chai rượu hồi lâu, rồi tự nói với mình: “Năm nay rượu Mao Đài giả rất nhiều.” Chủ quán vội vàng cướp lời: “Ông yên tâm, cửa hàng tôi tuyệt đối không có hàng giả.”
Bố của Viên Viên than rằng: “Ôi! Lần trước tôi mua một chai ở cửa hàng trong trung tâm thành phố, chủ cửa hàng còn cho xem cả giấy tờ bảo đảm hàng thật 100T. Nhưng khi mở ra mới biết chỉ là rượu Cao Lương thông thường.” Chủ cửa hàng nói: “Sao ông không tới tìm họ?”
Bố của Viên Viên buồn bã nói: “Đã mua mấy hôm rồi mới mở chai ra xem, ông ta còn nhận nữa không?” Chủ cửa hàng nói: “Nếu ông mở ra ngay lúc đó có phải sẽ tốt hơn không, cửa hàng đó sao dám không nhận?”
Bố của Viên Viên ra vẻ thật thà nói: “Nếu khi đó phát hiện ra ngay mà ông ta vẫn không chịu nhận thì làm thế nào?” Chủ cửa hàng ra giọng chỉ bảo: “Thì tới Cục Thương nghiệp! Tang chứng vật chứng đủ cả, xem họ còn dám chối không?”
Thấy thời cơ đã tới, bố của Viên Viên vẫy tay cho cậu con trai đang đứng ngay bên ngoài vào, rút ra chai rượu giả: “Vậy thì tốt! Mời ông xem thế nào.” Chủ cửa hàng hết nhìn chai rượu rồi nhìn cậu sinh viên vừa tới mua rượu ban nãy, há hốc mồm kinh ngạc: “Á… Xin… Xin lỗi.
Tôi sẽ trả lại tiền.”
LOẠI BỎ KẺ ÁC CŨNG LÀ LÀM ĐIỀU THIỆN
“Người cũng chia làm năm bảy loại”, trong số các đồng nghiệp của bạn sẽ có cả chính nhân quân tử và kẻ tiểu nhân. Đối với người quân tử, bạn hãy làm việc thoải mái một chút, không nên quá khắt khe. Đối với kẻ tiểu nhân thì ngược lại, không được khoan nhượng, phải kiên quyết thẳng tay trừng trị. Bạn cần biết rằng, “loại bỏ kẻ ác cũng như làm điều thiện”.
Khi đối phó với kẻ tiểu nhân, bạn không nên quá khách khí, bởi vì dù bạn có tốt với họ đến mấy thì họ cũng không bao giờ cảm ơn bạn cả. Trong đầu họ luôn nghĩ làm thế nào để vơ về càng nhiều lợi ích càng tốt, không bao giờ nghĩ tới lợi ích của người khác. Khi họ cần bạn, họ sẽ trở nên tốt với bạn, xưng anh xưng em, nói chuyện thân tình. Một khi họ đạt được mục đích của mình rồi, và cho rằng bạn không còn giá trị lợi dụng nữa thì họ sẽ trở mặt, thậm chí còn bán đứng bạn. Kẻ tiểu nhân bề ngoài có thể rất lương thiện, nhưng đó chỉ là cái vỏ, nội tâm bên trong anh ta mới thâm độc đáng sợ. Kẻ tiểu nhân có lòng dạ hẹp hòi, chỉ chăm chăm suy nghĩ cho bản thân, trong lòng hoàn toàn không có khái niệm đạo đức, nhân phẩm. Trong mắt họ, ngoài bản thân ra thì người khác chỉ là thứ yếu, là công cụ để lợi dụng. Một khi “công cụ” đã dùng xong rồi tất sẽ bị quẳng sang một bên và họ xem chuyện đó hoàn toàn là lẽ tự nhiên. Do vậy, loại bỏ kẻ tiểu nhân không chỉ giúp bản thân nắm thế chủ động trong cạnh tranh, mà đôi khi còn giúp quét sạch trở ngại cho người khác, đặc biệt là những người chính trực ngay thẳng.
Ngoài ra, loại bỏ kẻ tiểu nhân còn có lợi cho tập thể. Những kẻ tiểu nhân thường dựa vào chức quyền để mưu lợi riêng, ăn hối lộ, làm điều phạm pháp, mua quan bán tước.
Loại bỏ kẻ tiểu nhân, đặc biệt là những kẻ đang nắm trong tay quyền lực nhất định, bạn phải hết sức thận trọng, bởi những kẻ này không có chuyện gì là không dám làm. Để giảm bớt sự nguy hại mà họ có thể gây ra cho bản thân, bạn có thể ẩn mình, không lộ thân phận mà bí mật hành động.
Ví dụ, bạn có thể gửi thư hoặc tài liệu tố giác, lật tẩy hành vi phi pháp của chúng. Bạn cũng có thể sử dụng quyền lực của mình khiến họ có những hạn chế nhất định, có thể sử dụng lực lượng quần chúng để tạo nên sức uy hiếp nhất định… Dùng những phương pháp này, vừa đạt được mục đích, vừa bảo đảm an toàn cho bản thân, đúng là “nhất cử lưỡng tiện”.