* Một người có khả năng nói chuyện cuốn hút sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến sức hấp dẫn của họ với người đối diện và liên quan đến chất lượng các mối quan hệ xã hội của anh ta.
* Thành công luôn là thành quả tất yếu từ sự đầu tư toàn tâm toàn ý và nỗ lực không ngừng nghỉ. Sức thu hút của nhà lãnh đạo cũng không ngoại lệ.
* Nếu bạn chỉ muốn có một năm thịnh vượng, bạn hãy trồng lúa, nếu bạn muốn có mười năm thịnh vượng, bạn hãy “trồng người”.
* Nếu bạn muốn người khác cư xử lịch thiệp với mình, thì chính bạn cũng phải cư xử như vậy với họ.
THỂ HIỆN PHONG CÁCH NÓI CHUYỆN CUỐN HÚT
Một người có khả năng nói chuyện cuốn hút hay không sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến sức hấp dẫn của họ với người đối diện và liên quan đến chất lượng các mối quan hệ xã hội của anh ta. Đồng thời nó còn ảnh hưởng đến dũng khí nói chuyện một cách tự nhiên, cũng như việc thể hiện sự tự tin trong quá trình giao tiếp. Vì vậy, trong quá trình rèn luyện kĩ năng giao tiếp, nhà lãnh đạo cần chú ý tăng cường sức lôi cuốn trong cách nói chuyện của mình.
Phong cách nói chuyện cuốn hút được tạo nên từ rất nhiều nhân tố. Nội dung trò chuyện, cách lựa chọn từ ngữ và các chất liệu để cấu tứ bố cục bài nói, kĩ xảo, ngữ khí, ngữ điệu, tư thế khi nói chuyện, động tác cơ thể, biểu cảm… là những nội dung phản ánh một người có cách nói chuyện cuốn hút hay không.
Trước tiên, chúng ta hãy bàn đến phong cách nói chuyện. Phong cách là sự kết hợp của phong thái, biểu cảm và cử chỉ đẹp. Phong cách nói chuyện phản ánh khí chất bên trong một con người thông qua ngôn ngữ và thể hiện sự tu dưỡng nội tâm của người đó. Nói chuyện có phong cách là yếu tố quan trọng để tăng cường sự lôi cuốn trong giao tiếp. Một phong cách nói chuyện hay luôn luôn có sức hấp dẫn rất lớn. Bất kể là khí chất cương nghị, điềm tĩnh trong cách nói chuyện của nam giới, hay dáng vẻ quyến rũ, đầy lôi cuốn khi trò chuyện của nữ giới; bất luận là phong thái ăn nói lịch sự nho nhã của nhà ngoại giao, hay lời lẽ chín chắn hào sảng của các chính khách, đều làm cho người ta không ngừng thán phục và vô cùng cảm mến. Đúng như nhà viết kịch người Đức Lessing đã nói: “Phong cách là hình thức tái biểu hiện của cái đẹp”.
Khổng Tử từng nói: “Phong cách nói chuyện nho nhã là của người quân tử”. Phong cách chính là sự kết hợp hài hòa giữa ngôn ngữ bên ngoài và khí chất bên trong của con người. Trước hết, phong cách là sự thể hiện nhân cách và giáo dục. Nếu một người không có tấm lòng đạo đức cao thượng, không có sự tu dưỡng nhất định về văn hóa, không có cá tính, sở thích tao nhã, thì người đó nói chuyện ắt sẽ thô lỗ quê mùa, lộn xộn. Thứ hai, phong cách là biểu hiện đặc trưng tính cách của con người. Ví dụ, người có tính cách ôn hòa nhã nhặn, hay trầm mặc suy tư thì chỉ cần vài lời nhỏ nhẹ là đã thể hiện sắc thái tình cảm mạnh mẽ; còn người tính tình hào sảng phóng khoáng, cương trực thẳng thắn thì cách nói chuyện thường đi thẳng vào vấn đề, có sao nói vậy. Thứ ba, phong cách còn thể hiện sự tu dưỡng bản thân. Điều này chủ yếu thể hiện ở việc không tự ti, không cao ngạo, rộng lượng trong cách xử lý các mối quan hệ xã hội. Cuối cùng, phong cách là biểu hiện tổng hòa từ cách lựa chọn từ ngữ, giọng nói, ngữ điệu, biểu cảm, cử chỉ của một người khi nói chuyện. Giống như thẩm phán tại tòa án khi phát ngôn, họ thường ngồi thẳng nghiêm trang, không nói cười tùy tiện, trau chuốt từng lời, logic chặt chẽ.
Phong cách nói chuyện vô cùng phong phú và đa dạng. Nói chuyện đĩnh đạc, lưu loát cũng là phong cách; đôi câu vài lời, lúc cần mới nói cũng là phong cách; nói cười vui vẻ sinh động, vẻ mặt phấn khởi hào hứng cũng là phong cách; nho nhã lịch sự, ôn tồn kín đáo cũng là phong cách; ứng đối lưu loát cũng là phong cách; nói năng chậm rãi, lịch sự nho nhã cũng là phong cách; khẳng khái mạnh dạn, hào sảng phóng khoáng cũng là phong cách. Khi rèn luyện phong cách nói chuyện, mỗi người nên căn cứ theo đặc điểm tính cách, sở thích, sở trường, năng lực tư duy, kết cấu tri thức… để có sự lựa chọn hợp lý. Ngoài ra, trong những tình huống, hoàn cảnh khác nhau thì phong cách nói chuyện của một người cũng nên có sự khác biệt. Nhà lãnh đạo khi bố trí công việc ở cơ quan và nói chuyện phiếm ở nhà với người thân là sự thể hiện hai phong cách hoàn toàn khác xa nhau.
Phong cách nói chuyện là dấu ấn mang tính cá nhân của mỗi người, nhưng phải thống nhất và phù hợp với thời đại. Chúng ta phản đối sự xa rời thời đại để chạy theo phong cách; chúng ta cũng phản đối việc quá chú trọng phong cách mà thoát ly khỏi cá tính hay thân phận của bản thân. Còn đối với những kiểu nói chuyện cố tình làm bộ hoặc bắt chước người khác không có cá tính của riêng mình thì đều không phải là phong cách.
Khi trò chuyện tại các buổi tọa đàm hay giao lưu trong đời sống thường nhật, chúng ta thường bắt gặp những tình huống sau: cùng là một lời nói nhưng khi người này nói ra thì chúng ta rất sẵn sàng tiếp nhận, nhưng nếu đổi thành người khác nói, chúng ta không những khó lòng tiếp nhận mà còn cảm thấy khó chịu. Vì sao lại có hai kiểu thái độ hoàn toàn trái ngược nhau như vậy? Vấn đề này có liên quan đến thái độ của người nói, mà thái độ khi nói chuyện chính là biểu hiện trực tiếp nhất của phong cách nói chuyện.
Như vậy, thái độ như thế nào mới được coi là tốt? Đó chính là phải có sự hiểu biết đúng đắn và đồng cảm thực sự với người khác. Hai điểm này là nhân tố cơ bản tạo nên một thái độ tốt. Tuy nhiên, làm thế nào để đối phương cảm nhận được sự hiểu biết và đồng cảm của chúng ta đối với họ? Nếu chúng ta không để tâm vào biểu hiện này, thì cho dù chúng ta có tấm lòng đồng cảm thì cũng không thể làm cho đối phương cảm nhận được, không chừng còn bị họ hiểu nhầm thành lạnh lùng, kiêu ngạo, ích kỉ. Điều này giống như khi ta yêu quý và quan tâm tới bạn của mình, mà bạn ta lại không hề hay biết, kết quả là chúng ta nhận lại sự hiểu lầm và trách móc. Đây là một hiện tượng xã hội rất phổ biến, hơn nữa còn làm chúng ta hết sức buồn lòng. Vì thế, chúng ta phải chú ý xem, rốt cuộc trong con mắt của bạn bè mình là người như thế nào, hơn nữa cần tìm hiểu xem trong lòng họ hi vọng chúng ta là người như thế nào, thích chúng ta hành xử ra sao.
Như vậy, trong đời sống hàng ngày, bạn bè hi vọng chúng ta có những biểu hiện cụ thể nào khi giao tiếp với họ?
Trước tiên, họ hi vọng thái độ của chúng ta là sự quan tâm, thông cảm với khó khăn, cũng như tha thứ cho lỗi lầm của họ, đưa ra những lời khuyên có ích và trở thành người bạn tốt, chân thành của nhau.
Sau đó, bạn bè hi vọng bạn tỏ ra hứng thú với con người họ, những việc họ làm, cũng như những câu chuyện họ kể. Ai cũng có những mong muốn này. Vì thế, tốt nhất chúng ta hãy hứng thú với mọi thứ. Hứng thú của chúng ta vốn cũng giống với rất nhiều người bình thường khác, thường hay bị thu hút bởi những nhân vật hấp dẫn, những cuộc trò chuyện hấp dẫn, mà quên đi những nhân vật không thực sự thu hút cho lắm. Nếu chúng ta là người có lòng đồng cảm mạnh mẽ với người khác thì hãy học cách bao quát xung quanh, để ý đến toàn cục và dành sự quan tâm đặc biệt tới những người không được mọi người chú ý đến; khi trò chuyện, chúng ta không nên bỏ qua bất kì gương mặt nào có mặt tại thời điểm đó. Hãy để đôi mắt dừng lại trên khuôn mặt từng người trong giây lát bất cứ lúc nào có thể; đối với những người không nói lời nào, hay có vẻ không được tự nhiên, thoải mái cho lắm, hãy đặc biệt chú ý và tìm một chủ đề nào đó để trò chuyện với họ, giải tỏa tâm lý căng thẳng và bất an ở họ.
Thái độ thân thiện trong giao tiếp là chìa khóa để nhà lãnh đạo thể hiện phong cách nói chuyện cuốn hút của mình.
TIN TƯỞNG VÀO KHẢ NĂNG CỦA BẢN THÂN
Người có niềm tin vào năng lực của bản thân sẽ có khả năng giành được thành công cao hơn người thiếu đi điều đó, cho dù tuýp người thứ hai này rất có thể có năng lực và cần cù hơn tuýp người thứ nhất. Điều quan trọng ở đây là phải tin chắc, bản thân nhất định sẽ giành được thành công.
Cho dù chưa đạt được mục tiêu, bạn cũng nên xuất hiện với phong thái của một người thành công. Nếu bạn cho rằng, đến một ngày kia khi đạt được thành công, bạn sẽ cho vợ mình đeo khuyên tai nạm kim cương hoặc mang vòng tay bằng vàng, trên tay nàng ôm một chiếc ví đắt tiền và xách một chiếc túi da tuyệt đẹp, vậy thì ngay từ giờ phút này, bạn cũng phải tìm cách “khoác” lên mình những thứ tượng trưng cho thành công như vậy. Chúng sẽ làm cho bạn cảm nhận được thành công ngay từ giây phút này, ngay tại chính nơi bạn đang đứng và sẽ làm bạn hiện lên như một người thành công trước mặt mọi người. Thực ra, đây là một phương thức để tăng cường sự tự tin cho bản thân.
Hãy tưởng tượng, nếu bạn bước lên được đỉnh cao của sự nghiệp, cuộc sống của bạn sẽ như thế nào. Đừng ngại ngần khi mơ một “giấc mơ giữa ban ngày”, tưởng tượng ra khung cảnh bạn ngồi trong văn phòng và trên chiếc ghế của tổng giám đốc, với những khoản thu nhập kếch xù và quyền lực hô mưa gọi gió mà bạn có trong tay. Sau đó, tua lại cuốn băng kí ức của bạn và nghĩ xem, trên con đường dẫn đến văn phòng tổng giám đốc, bạn đã phải trải qua những giai đoạn như thế nào, cùng với tất cả những mục tiêu tiền đề mà bạn đã đạt được và vượt qua. Trong “giấc mơ giữa ban ngày” này, khi tưởng tượng mình đạt được mục tiêu nào đó trong tương lai gần, bạn hãy tập tận hưởng niềm hân hoan của thành công trong sự suy tưởng đó. Tất cả những điều này sẽ giúp bạn giữ được tâm lý thoải mái, dễ chịu, tràn đầy niềm tin - một sự tự tin mạnh mẽ trong mỗi giai đoạn của cuộc đời.
Còn có một phương pháp khác cũng cho hiệu quả tương tự, có tên gọi là “dự tính hình tượng hóa”. Phương pháp này rất đơn giản vì mỗi ngày bạn chỉ cần bỏ ra 10 phút để thực hiện là đã có thể mang lại hiệu quả.
Bước thứ nhất, tưởng tượng mình là một người thành công. Ví dụ, tưởng tượng bản thân ngồi trong văn phòng hoặc phòng họp cực kì xa hoa, đang giáo huấn một loạt nhân viên cấp dưới của mình. Họ tỏ ra rất ngoan ngoãn, chú tâm nghe bạn.
Bước thứ hai, nhắm mắt lại, thư giãn toàn thân, cố gắng kết nối các chi tiết đang xây dựng ở bước thứ nhất, làm cho hình tượng thành công của bạn được cụ thể hóa hoặc “thị giác hóa” thêm một bước nữa. Mắt bạn phải nhắm chặt trong suốt quá trình này, cứ như vậy duy trì trong vòng 10 phút. Bạn có thể sẽ bị phân tâm, các hình ảnh có thể biến mất. Nhưng chỉ cần hình ảnh có thể tái hiện lại là được. Những chi tiết trong các hình ảnh đó có thể sẽ phát sinh thay đổi, cũng có nghĩa là bán cầu não phải, nơi điều hành trực giác của bạn đang sửa đổi các hình tượng thành công trong tưởng tượng để nó trở nên hiện thực hơn.
Trải qua một tuần luyện tập với phương pháp “dự tính hình tượng hóa” này, bạn sẽ phát hiện ra một vài thái độ hoặc hành vi của mình đã bắt đầu âm thầm thay đổi. Có thể bạn sẽ trở nên quyết đoán hơn, thư thái hơn hoặc nhiệt tình hơn. Dù thế nào đi chăng nữa, những thay đổi này cho thấy trực giác đang hướng bạn tiến đến gần hơn với thành công mà bạn đang khao khát.
HỌC TẬP - NHÂN TỐ TẠO NÊN SỨC HÚT CỦA NHÀ LÃNH ĐẠO
Xã hội của hiện tại và tương lai là xã hội của nền kinh tế tri thức. Doanh nghiệp của tương lai là doanh nghiệp theo mô hình học tập; lãnh đạo của tương lai là lãnh đạo theo mô hình học tập.
Sức lôi cuốn của nhà lãnh đạo không phải phẩm chất bẩm sinh, mà là do sự nỗ lực không ngừng mới có được. Bạn cần biết rằng, một ngày không bao giờ có thể dựng lên được thành Rome. Sức lôi cuốn của nhà lãnh đạo cũng như vậy nên đòi hỏi họ phải bỏ ra nhiều thời gian, công sức để học tập và rèn luyện khoa học quản lý. Thành công luôn luôn là thành quả tất yếu từ sự đầu tư toàn tâm toàn ý và nỗ lực không ngừng nghỉ.
Muốn giành được sự ủng hộ và yêu mến của cấp dưới thì nhà lãnh đạo buộc phải không ngừng học hỏi, vì chỉ có như vậy bạn mới đủ tư cách làm lãnh đạo, cấp dưới mới tâm phục khẩu phục. Ngược lại, nếu một người chỉ có tư chất tầm thường, năng lực yếu kém, lại lười nhác, không siêng năng học hỏi mà lên làm lãnh đạo thì hậu quả thế nào, có lẽ chúng ta đều có thể tưởng tượng được. Nhà lãnh đạo không chỉ học tập những người làm lãnh đạo khác, mà đồng thời cũng phải học tập ngay chính cấp dưới của mình, đúng như thành ngữ “bất sỉ hạ vấn” (không ngại học hỏi người kém hơn mình). Nhiều nhà lãnh đạo hay có thái độ khinh thường cấp dưới khi chỉ bảo hoặc đưa ra yêu cầu với họ. Tình trạng này sẽ làm cấp dưới dễ nảy sinh tâm lý phản kháng “mũ ni che tai”. Thực ra, đối với cấp trên, khi chỉ đạo cấp dưới mà tỏ ra phách lối, ra vẻ ta đây hơn người, sẽ không hiệu quả bằng việc đối xử với họ bằng thái độ khiêm tốn, chủ động học hỏi họ, như vậy, chẳng những hình ảnh của bạn trong mắt cấp dưới sẽ tốt đẹp hơn, mà còn xóa tan cảm giác bị người khác chỉ huy trong lòng họ và tự khắc họ sẽ lắng nghe bạn với tâm thái phục tùng.
Đương nhiên, nếu bạn làm được như vậy cũng sẽ khơi dậy lòng nhiệt tình trách nhiệm và học hỏi ở cấp dưới. Họ sẽ thầm nghĩ: “Cấp trên đã coi trọng mình như vậy, mình càng nên cố gắng làm việc cho tốt hơn!” Chức trách của cấp trên tuy là chỉ bảo công việc cho cấp dưới nhưng nếu như mọi việc đều nhất loạt theo công thức “một chiều”, chỉ có cấp trên chỉ bảo cấp dưới, cấp dưới chấp hành mệnh lệnh cấp trên, thì cả hai bên sẽ cùng cảm thấy “nghẹt thở”. Vì thế, có lúc cũng nên đảo ngược lại quy tắc, để cho cấp dưới hướng dẫn cấp trên, cách làm này cũng có tác dụng rất tốt trong việc nâng cao ý thức học hỏi của cấp dưới.
Có những nhân viên cấp dưới thực sự có mặt mạnh hơn người khác. Nếu biết được điều này, nhà lãnh đạo có thể hỏi han họ để làm họ cảm thấy vui vẻ. Ví dụ, với người tinh thông nghệ thuật làm vườn, hãy hỏi họ:
“Tại sao cây cỏ hổ niên trong vườn mỗi năm lá của nó lại ngày càng nhỏ đi?”, hoặc hỏi người biết nấu nướng: “Bà xã mình kho cá, kho thế nào cũng không thể ngon được, cậu có bí quyết gì không?” Cứ như vậy, đối phương sẽ vui vẻ trò chuyện với bạn, cho dù bản thân họ không hề có kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực này, nhưng cũng cố gắng hết sức để truyền thụ cho bạn điều bạn muốn biết.
Nếu cấp dưới không thể cho bạn câu trả lời xác đáng nhất thì người lãnh đạo cũng không cần quá để tâm. Bởi vì điều quan trọng nằm ở việc, bạn với thân phận là cấp trên vẫn không ngại học hỏi cấp dưới. Như thế bạn không chỉ cho mọi người thấy sự khiêm tốn, học hỏi mà còn thể hiện được khả năng chỉ đạo người khác.
Ngoài ra, cho dù không thể hoàn thành nhiệm vụ một cách hoàn hảo thì trong quá trình “chỉ bảo” cho cấp trên, cấp dưới cũng có thể hiểu được khó khăn khi có trải nghiệm đích thân mình chỉ bảo cho người khác. Từ đó khiến cho họ ý thức được tầm quan trọng của học tập, tiến tới hình thành thói quen tự chủ trong việc học hỏi, tạo nên cơ chế học tập lẫn nhau giữa lãnh đạo và cấp dưới để đôi bên cùng có lợi.
HIỂU CÁCH TẬN HƯỞNG CUỘC SỐNG
Ở thời nào cũng vậy, những người thành đạt trong xã hội luôn có thái độ xử thế và triết lý nhân sinh độc đáo không giống ai. Nói cách khác, chính thái độ sống xuất chúng này đã giúp họ dù phải “ngụp lặn” trong biển đời để mưu sinh nhưng vẫn có thể sống một cách ung dung, tự tại, vui vẻ, tự tin, một cuộc sống đầy hứng khởi mà ai cũng mong muốn có được.
1. Ai cũng có lòng tự tôn của riêng mình
Lòng tự tôn là sự ý thức sâu sắc về trách nhiệm đối với tư tưởng và hành vi của bản thân. Điều này có nghĩa là bạn cần phải đặt ra và duy trì một lập trường tư tưởng cùng hành vi của riêng mình. Đồng thời bạn cần đối xử với bản thân, gia đình và công việc bằng thái độ tự tin, tin tưởng vào điều bạn làm và nỗ lực nhiều hơn nữa. Đặt ra một bộ tiêu chuẩn đối với bản thân là điều cần thiết, nhưng đừng nên đem mình ra so sánh với người khác một cách khập khiễng. Bạn không nên suy nghĩ rằng, đến một ngày nào đó, mình nhất định phải mạnh hơn người khác. Tính tự tôn và cầu toàn luôn khiến chúng ta nảy sinh tham vọng này - làm cho bản thân trở nên tốt hơn cả hình mẫu mà chính bạn cho là thành công.
Churchill từng dùng chính trải nghiệm của ông để minh chứng cho lòng tự tôn và tính cầu toàn của con người khi bị người khác dè bỉu, phản đối. Vào những năm tháng cuối cùng khi đảm nhiệm chức vụ của mình, ông được mời đến dự một buổi lễ trang trọng của chính phủ. Tại buổi lễ, ngồi cách ông vài hàng ghế ở phía sau có hai vị quan chức đang thì thầm bàn tán: “Đó là Churchill”, “Mọi người đều nói ông ta đã già rồi”, “Mọi người còn nói ông ta nên nhường lại chiếc ghế, trao lại quyền lực cho người trẻ tuổi và có năng lực hơn ông ta”. Sau khi buổi lễ kết thúc, Churchill quay người lại nói với hai vị quan chức kia rằng: “Thưa các ngài, mọi người còn đang nói rằng, ông ta đã bị lãng tai nữa!”
Rất hiển nhiên, đây là lời mỉa mai khéo của Churchill đối với hai vị quan chức kia. Bởi vì nếu ông ấy thực sự điếc thì đương nhiên không thể nghe thấy những lời thì thầm, bàn tán sau lưng. Nó phản ánh bản tính tự tôn cùng sự tự tin rất mạnh mẽ của Churchill. Vị Thủ tướng Anh đang đương chức biết rằng, bí quyết để giữ được lòng tự tôn của ông là dựa trên tiêu chuẩn đúng hay sai để lựa chọn hành vi ứng xử, chứ không phải xuất phát từ động cơ mưu lợi cá nhân hoặc dễ dàng dao động khi vấp phải sự phản đối của người khác.
Trong đời người đâu chỉ có một hay hai cơ hội thành công, con đường thành công cũng có trăm ngàn nẻo, chỉ cần bạn có thể sống hết mình thì dù xuất phát điểm của bạn chỉ là từ một góc nhỏ, không được ai để ý tới trong xã hội rộng lớn này đi chăng nữa, cuối cùng bạn cũng tỏa ra ánh hào quang của chính mình.
2. Chia sẻ khó khăn với người khác
Dành cho mọi người sự tin tưởng và thời gian của bạn để giúp họ thực hiện những ước mơ, nguyện vọng tốt đẹp. Một nhà hiền triết từng nói: “Nếu chỉ muốn có một năm thịnh vượng, bạn hãy trồng cây; nếu muốn có mười năm thịnh vượng, bạn hãy ‘trồng người’.” Bằng cách rót “nguồn dinh dưỡng” là sự biết ơn và khích lệ tinh thần, đầu tư thời gian và công sức của bạn cho gia đình, bạn bè, đồng nghiệp cùng cấp dưới sẽ giúp bạn đạt được thành công trong cuộc sống. Một cái cây nếu chỉ được cung cấp nguồn dinh dưỡng ít ỏi thì nó chỉ đủ để duy trì sự sống. Nhưng nếu được cung cấp nguồn dinh dưỡng dồi dào, nó sẽ không chỉ sống mà còn không ngừng sinh trưởng, phát triển, ra hoa và kết đầy trái ngọt.
Tất cả thành công đều là thành quả nỗ lực của cá nhân mỗi người, không có cá nhân thì cũng không có thành công. Thế nhưng, thành công suy cho cùng vẫn thuộc về thành công của xã hội. Bản chất của thành công là sự thỏa mãn nhu cầu, mà nhu cầu ở đây tuyệt đối không phải là của cá nhân, mà là nhu cầu của xã hội. Nhu cầu của xã hội quyết định con đường dẫn đến thành công. Thành công xuất hiện khi sự nhạy bén của cá nhân đánh trúng vào nhu cầu của xã hội. Đây chính là điều kiện căn bản quyết định thành công của một người không thể tách rời khỏi xã hội, với nhân tố con người là trung tâm cấu thành nên thực tiễn cuộc sống, kèm theo những kiến thức kinh nghiệm mà nó cung cấp và mọi nhu cầu được nó sản sinh. Ngày nay, trong thời đại văn minh phát triển vượt bậc và phân công lao động chặt chẽ, cùng với nguồn tri thức vô cùng phong phú, đừng nên hi vọng rằng, bạn có thể đơn thương độc mã bước đến thành công, vì đó chỉ là một giấc mơ không tưởng.
Chia sẻ khó khăn với người khác, bạn sẽ được đền đáp khi chính bạn là người gặp khó khăn. Đây là mảnh đất ươm “mầm” thành công mà bạn tự tạo ra cho mình. “Hạt giống” thành công sẽ đâm chồi, “cây” thành công sẽ sinh sôi phát triển và cho bạn trái ngọt.
3. Biến thất vọng thành sức mạnh
Tất cả những người thành công trong cuộc sống đều phát hiện ra một điều: chính sự rèn luyện trong gian khó đã tạo nên khí phách và sự kiên nhẫn trong mỗi con người, đồng thời còn giúp họ trở nên nhạy bén với cuộc sống hơn, yêu đời hơn. Từ thực tiễn đó, họ hiểu rằng: những thành tựu khó quên trong đời người luôn nhuốm đỏ màu máu của quá trình phấn đấu và khắc sâu vết tích của thất vọng, hay nói cách khác, thành công vĩ đại không ngừng nảy nở từ quá trình đấu tranh đầy mâu thuẫn giữa thất vọng, chán nản và lòng kiên định theo đuổi tới cùng.
Mỗi trang lịch sử đều ghi lại dày đặc những câu chuyện về các anh hùng đã chiến thắng thất bại và nghịch cảnh, để từ đó vươn lên thể hiện tinh thần quyết thắng. Abraham Lincoln đã lớn lên trong hoàn cảnh nghèo khó cơ cực. Helen Keller1 là một người phụ nữ vừa mù vừa điếc.
1 Helen Keller (1880-1968): nữ nhà văn, nhà hoạt động xã hội, diễn giả người Mỹ.
Bạn có muốn thành công không? Vậy bạn phải học cách không sợ hãi trước thành công của người khác. Bạn tuyệt đối không được mặc cảm tự ti hay coi nhẹ bản thân. Bạn nên biết rằng, tất cả những người thành công ngày hôm nay, ngày hôm qua cũng chỉ là những hạt cát trên sa mạc như bạn mà thôi! Trong từ điển của những người thành công, hai chữ “khó khăn” được viết thành “thử thách”. Trong ý thức của họ, mọi khó khăn trong cuộc sống đều là thử thách cho bản thân, có thử thách sẽ có ứng phó. Khi thử thách không ngừng xuất hiện, bạn cũng phải không ngừng chiến thắng nó, đây chính là nấc thang dẫn đến thành công.
4. Hãy yêu chính bản thân cuộc sống
Sống trong xã hội có các vấn đề cần phải được giải quyết, cũng như các mục tiêu con người hướng đến luôn rất nhiều. Con người hi vọng có thể ngay tức khắc đạt được thành công, nhưng đối với người thành công, họ đều hiểu rằng, cuộc sống là hành trình trải nghiệm và phát hiện bản thân không bao giờ có điểm dừng, vì thế chúng ta buộc lòng phải sống trọn từng ngày, thưởng thức chiến thắng từng chút một. Điều này có nghĩa là, bạn sẽ phải bỏ ra nhiều thời gian hơn trong ngày để ôm đứa con bé bỏng của bạn, hôn người bạn đời của bạn, hay nhường đường cho người khác.
Con người là sản phẩm, cũng là đứa con cưng của tự nhiên. Nhu cầu đầu tiên của con người là cuộc sống, có cuộc sống mới có nhu cầu; có nhu cầu mới có sự theo đuổi, từ đó mới dẫn đến thành công. Cuộc sống sẽ đền đáp xứng đáng cho người thành công. Với một người không biết yêu cuộc sống, chỉ biết mưu cầu mình sẽ nhận được gì thì anh ta chỉ luôn đứng ngoài lề cuộc sống và mãi mãi cách xa cơ hội thành công. Chính sự giày vò, đè nén bởi tham vọng được nhận sự báo đáp khiến cho cảm nhận về cuộc sống của họ bị giảm sút nghiêm trọng. Họ không nắm bắt được các kênh thông tin phong phú của đời sống, vì thế họ sẽ chẳng thể nào nhận thức được nguồn cảm hứng bất tận vốn chỉ được sinh ra khi giao hòa với cuộc sống. Albert Einstein trong một lần nghiên cứu vấn đề mới đã thử nghiệm nhiều cách mà vẫn không tìm ra lời giải. Cả ngày ông giam mình trong phòng làm việc, không thiết ăn uống, toàn thân mệt mỏi rã rời. Sau đó, ông quyết định quẳng chúng sang một bên, tìm đến nhà người bạn để tán gẫu, kết quả là trong không khí trò chuyện thoải mái chẳng hề liên quan đến vấn đề đau đầu kia, một ý nghĩ chợt lóe lên cắt ngang cuộc nói chuyện. Ngay tại chiếc bàn uống nước ở nhà người bạn, Albert Einstein liền viết ra một mạch hàng loạt công thức tính toán. Vấn đề nan giải khiến ông đứng ngồi không yên khi ở văn phòng cuối cùng đã được giải quyết. Các phát minh khoa học trong đời sống thường được ra đời trong hoàn cảnh như vậy và dường như điều đó đã trở thành quy luật. Các nhà tâm lý học và nhà khoa học có sự lý giải riêng về hiện tượng này, nhưng cội nguồn vẫn là kết quả khi chúng ta thuận theo lẽ tự nhiên mà quay về với cuộc sống và thiên nhiên.
5. Hãy tập trung vào những việc quan trọng hơn chính bản thân bạn
Đừng tự coi bản thân mình quan trọng hơn tất thảy. Tôi không tin rằng, người chỉ biết sống vì bản thân có thể sống một cách hạnh phúc. Hãy chọn một việc mà đối với bạn không thực sự quan trọng để thực hiện. Khi việc này kết thúc, bạn sẽ phát hiện ra rất nhiều phương hướng nỗ lực mới, và làm cho công việc mà bạn vốn không ngần ngại này trở thành một công việc bạn yêu thích. Thước đo thành công không phải là việc bạn đã làm được gì, mà là bạn có thể làm được những gì.
Cuộc sống là một khối lập thể. Ở mỗi điểm giao cắt đều đính kèm cơ hội thành công. Đừng bó buộc bản thân vào sự nghiệp bạn đang theo đuổi. Chỉ khi nào bạn sẵn sàng làm tất cả mọi việc, lúc đó bạn mới chạm đến được nguồn linh cảm của thành công; nắm bắt lấy thời cơ, bạn mới có thể trở thành một nhà lãnh đạo thành công có phẩm chất xuất sắc, một người có niềm tin yêu cuộc sống.
TỎ RA YẾU THẾ ĐỂ TIẾN LÊN DỄ DÀNG HƠN
Người xưa có câu: “Người đứng dưới mái nhà, không thể không cúi đầu”. Khi quyền lực và cơ hội của bạn đều không bằng người khác, thì lùi một bước sẽ là một lựa chọn khôn ngoan. Người khôn ngoan thực sự phải là người biết lùi và tiến đúng lúc. Đương nhiên, “lùi” ở đây là “lùi để tiến”, mượn cơ hội này để tu thân dưỡng tính, thua keo này ta bày keo khác.
Năm 1076, vua Heinrich IV (1050 - 1106) của Đế quốc La Mã và Giáo hoàng St. Gregory VII (1021 - 1085) tranh giành quyền lực đến nước không đội trời chung. Giáo hoàng Gregory triệu tập các giáo chủ của các giáo khu trong toàn lãnh thổ nước Đức mở cuộc họp tôn giáo, tuyên bố khai trừ Heinrich ra khỏi giáo hội.
Lúc đó, thế lực thống trị của Heinrich IV trong nước chưa được ổn định, mà sức hiệu triệu của Giáo hoàng lại quá lớn. Chỉ trong thời gian ngắn, làn sóng phản đối Heinrich IV đã lan ra khắp trong và ngoài nước Đức. Đặc biệt các lãnh chúa lớn nhỏ trong lãnh thổ của Đức đều dấy binh tạo phản, de dọa nghiêm trọng đến vương quyền của Heinrich IV.
Trước nguy cơ này, Heinrich IV bị ép phải thỏa hiệp. Tháng 1 năm 1077, Heinrich IV mang theo vỏn vẹn hai người tùy tùng, ăn vận quần áo rách rưới, cưỡi lừa vượt ngàn dặm xa xôi đến hành cung Cournovsa xin tạ tội sám hối với Giáo hoàng. Giáo hoàng Gregory ra lệnh đóng chặt cổng thành, chặn Heinrich ở bên ngoài.
Vì muốn giữ vững ngôi báu của hoàng đế, Heinrich nhẫn nhục quỳ trước cổng thành xin tha tội. Trong thời tiết khắc nghiệt của mùa đông, tuyết rơi dày đặc, bầu trời, mặt đất cùng một màu trắng xóa, Heinrich thân là một vị vua quỳ suốt ba ngày ba đêm trên mặt tuyết trắng, Giáo hoàng mới chịu mở cửa cho vào và tha tội cho vua Heinrich. Đây chính là “cuộc hành trình Cournovsa” nổi tiếng trong lịch sử châu Âu.
Trên bề mặt, có vẻ Giáo hoàng Gregory đã giành thắng lợi. Nhưng trên thực tế, chính ông ta đã cứu vãn cho chính quyền đang lung lay, sắp sụp đổ của Heinrich IV. Giáo hoàng đã làm cho đông đảo tín đồ thất vọng, còn vua Heinrich đã được hồi phục vị trí trong giáo hội và giữ vững được ngai vàng. Heinrich sau khi quay trở về Đức liền tập trung tinh lực, chỉnh đốn lại nội bộ đất nước, sau đó đem quân đội đi dẹp yên các lãnh chúa, đồng thời cách chức và thu hồi lại đất đã phong. Các thế lực phản kháng từng đe dọa vương vị của Heinrich một thời chẳng bao lâu sau đã bị dập tắt.
Khi địa vị và quyền lực đã được củng cố vững chắc, vua Heinrich lập tức đem quân tấn công La Mã, trả mối thù năm xưa. Giáo hoàng Gregory một lần nữa lại giở chiêu bài khai trừ khỏi giáo hội, nhưng lần này đã hoàn toàn mất tác dụng. Những kẻ ủng hộ trước đây đều bị tiêu diệt, phe trung lập sau sự kiện “cuộc hành trình Cournovsa” đã không còn tín nhiệm Gregory nữa, mà lần lượt chạy sang nương nhờ thế lực Heinrich. Vua Heinrich IV cho quân đội hùng mạnh tiếp cận áp sát, đánh đâu thắng đấy, Giáo hoàng Gregory đành phải bỏ thành chạy trốn, sau này vùi xác ở nơi đất khách.
Là một nhà lãnh đạo, bạn nên hiểu rằng, trong giao tiếp xã hội có lúc tỏ ra yếu thế là cách để tiến lên dễ dàng hơn.
CỬ CHỈ VĂN MINH LÀ KHÔNG THỂ THIẾU
Khi những người đi cùng bạn đều đã ngồi vào bàn chuẩn bị dùng bữa, một mình bạn cầm đũa gõ bát đĩa hoặc cốc chén; chủ nhân chưa ra hiệu bắt đầu dùng bữa, bạn đã ngấu nghiến nhai thức ăn; không đợi món mình yêu thích được xoay đến trước mặt, bạn vươn dài cánh tay ra xa, thậm chí đứng lên để chọn gắp thức ăn; khi uống nước canh thì tạo ra tiếng “ừng ực”, khi nhai thức ăn thì “rột roạt” không ngừng phát ra tiếng động; bữa ăn chưa kết thúc thì bạn đã liên tục phát ra những tiếng ợ vì quá no… Những biểu hiện này cho thấy đây là một người thiếu ý tứ và có phần thô lỗ. Vậy ăn uống như thế nào mới được coi là đẹp mắt đây?
Khi vào chỗ ngồi, một mặt hãy làm tốt việc chuẩn bị cho bữa ăn, một mặt có thể nói vài câu chuyện phiếm với những người ngồi cùng bàn để tạo không khí thân mật, vui vẻ. Không nên ra vẻ phớt lờ như thể ở chốn không người, không nói năng gì, cũng không nên nhìn chăm chăm vào đồ ăn trên bàn, lộ ra vẻ sốt ruột, hoặc loay hoay bày biện bát đĩa một cách vô thức. Khi bắt đầu dùng bữa nên chú ý, chỉ khi nào chủ nhân ra hiệu bắt đầu thì khách mới được ăn; động tác khi dùng bữa phải nhã nhặn, khi gắp thức ăn đừng để va chạm với người ngồi bên cạnh, cũng nên tránh gạt thức ăn trên đĩa rớt ra bàn, càng không nên làm đổ bát đĩa. Dùng đũa trong đời sống thực tế cũng đặt ra một số điều kiêng kị trong lễ nghi: một là kiêng gõ đũa, tức là khi đặt đũa phải nhẹ nhàng, khi ở quá xa nên nhờ người đưa giúp, không được tùy tiện quăng đũa lên mặt bàn; hai là kiêng bắt chéo đũa, tức là đôi đũa không được để một chiếc ngang, một chiếc dọc hoặc hai chiếc đũa đầu để ngược nhau; ba là kiêng cắm đũa, tức là bất luận trong trường hợp nào đều không được chọc đũa vào đĩa thức ăn hoặc cắm vào bát cơm; bốn là kiêng vung vẩy đũa, tức là khi gắp thức ăn không được lấy đũa ngoáy, trộn loạn lên trong đĩa thức ăn, cũng không được để đũa của hai người đan chéo vào nhau trong cùng một bát; năm là kiêng múa đũa, nghĩa là khi nói chuyện không được dùng đũa làm đạo cụ múa may trong không trung hoặc dùng đũa chỉ vào người khác.
Những cử chỉ lễ nghi mà nhà lãnh đạo phải chú ý khi giao tiếp không chỉ dừng lại ở những điều vừa đề cập, dưới đây là một vài ví dụ cụ thể hơn.
1. Không được gãi ngứa ở nơi đông người
Mọi người đều biết hành động gãi ngứa không hề đẹp mắt. Nguyên nhân của việc gãi ngứa thường là do bề mặt da ngứa ngáy gây nên. Trong đó có một vài trường hợp là do nguyên nhân bệnh lý, ví dụ: thể chất quá mẫn cảm, da hay mọc mụn nước hoặc nổi mẩn, gây ra ngứa ngáy cực kì khó chịu; một vài trường hợp liên quan đến vấn đề sinh lý, như người già do bài tiết mỡ dưới da giảm đi, da dẻ trở nên khô ráp, cũng dễ gây ra ngứa. Khi xuất hiện tình trạng này, người trong cuộc phải tùy theo nơi mình đang ở mà xử lý linh hoạt. Ví dụ, khi đang ở nơi hết sức nghiêm trang thì nên nhẫn nại hơn một chút; nếu thực sự không thể chịu đựng được thì chỉ có một cách là rời khỏi đó, tìm một nơi kín đáo để gãi cho đỡ ngứa, sau đó quay lại ngay. Bởi vì, cho dù bạn có chú ý như thế nào đi nữa, thì động tác gãi ngứa cũng luôn thô tục, nên tránh để người khác trông thấy thì tốt hơn. Đặc biệt, có một vài người hay gãi ngứa là do xuất phát từ thói quen vô thức. Đây thực sự là một thói quen không tốt, nên cố gắng khắc phục.
2. Tránh phát ra những âm thanh từ cơ thể
Kinh nghiệm nói cho chúng ta biết rằng, bất kì ai cũng không hoan nghênh những âm thanh phát ra từ cơ thể người khác, thậm chí là rất ghét. Ví dụ như tiếng ho, tiếng hắt xì, ngáp, tiếng ợ, bụng kêu… Đương nhiên, những âm thanh này có thể là do bị mắc chứng bệnh nào đó hoặc cơ thể khó chịu mới có, ví dụ như hắt xì hơi thường xuất hiện khi chúng ta bị cảm cúm hoặc cảm lạnh. Khi tình trạng này xảy ra, cách làm đúng đắn là lấy tay che miệng và mũi để giảm bớt âm thanh phát ra, sau khi hắt hơi xong nên quay sang nói với người bên cạnh một tiếng “xin lỗi”. Nhưng có nhiều người lại do thói quen gây nên, vì bản thân người đó không quan tâm đến tâm lý của người khác. Ví dụ, có một số người ở giữa đám đông không ngừng ngáp vặt mà chẳng hề đỏ mặt hay tỏ ra ngại ngùng. Đó là thói quen rất không tốt, nên chú ý sửa.
3. Không vứt đầu lọc thuốc lá bừa bãi
Rất nhiều người phản đối việc hút thuốc lá mà nguyên nhân suy cho cùng không nằm ngoài việc nhiều người hút thuốc thiếu ý thức vệ sinh chung. Một số người hút thuốc thường không để tâm đến những điều khó chịu mà họ gây ra cho người khác. Họ không hiểu, những người không hút thuốc ngoài sợ ho do khói thuốc gây ra, còn cảm thấy khó chịu do tàn thuốc khi gặp gió sẽ phát tán khắp nơi, có lúc đầu thuốc lá cháy dở còn dễ gây ra hỏa hoạn. Điều này khiến những người không hút thuốc nảy sinh tâm lý bài trừ với người hút thuốc. Vì vậy, nếu người hút thuốc tùy tiện xử lý đầu tàn thuốc bằng cách ném xuống đất và di chân lên, hoặc tiện tay gí chúng lên tường hoặc bệ cửa sổ để dập lửa đều làm cho người khác rất phản cảm. Những cử chỉ như vậy cũng nên được sửa đổi.
4. Không khạc nhổ bừa bãi
Khạc nhổ bừa bãi cũng là một thói quen xấu, có một vài người còn thành bệnh kinh niên, khạc nhổ rất bừa bãi, tùy tiện. Thậm chí trên sàn xi măng và sàn lát gỗ cũng không ngoại lệ, đây thực sự là hành vi thiếu văn minh, làm người khác khó chịu. Bởi vì, hành vi khạc nhổ bừa bãi sẽ trực tiếp làm bẩn mặt đất, hơn nữa còn gián tiếp làm ô nhiễm môi trường, truyền nhiễm bệnh tật, gây tổn hại đến sức khỏe của những người xung quanh. Vì vậy, cách ứng xử văn minh là nên dùng ống nhổ, hoặc tìm một toa lét gần nhất, sau khi nhổ xong nên xối nước vệ sinh.
Trong đời sống xã hội thường nhật, hàm ý của cử chỉ, hành động không chỉ bó buộc trong những quy chuẩn đã đề cập phía trên. Đồng thời, một vài cử chỉ hành động còn là phương pháp vô cùng hiệu quả để thể hiện sự lịch sự, tăng cường tình cảm, mở rộng giao lưu, một vài cử chỉ còn mang ý nghĩa đặc thù. Biết cách sử dụng những cử chỉ hay động tác này cũng là cách thể hiện trình độ văn hóa của một người. Sau đây xin giới thiệu ý nghĩa của một vài cử chỉ thiết yếu mà bạn cần biết.
1. Bắt tay
Đa phần dùng trong lúc gặp mặt, chào hỏi thân mật hoặc xã giao, cũng là cách thường dùng khi gặp gỡ hoặc từ biệt bạn bè lâu ngày gặp lại. Bắt tay theo thói quen, thông thường vẫn là cách thể hiện sự cảm ơn hoặc động viên lẫn nhau. Ví dụ, sau khi trao quà tặng hoặc phát phần thưởng, đều có thể dùng cách bắt tay để biểu thị sự chúc mừng, cảm kích hoặc khích lệ tinh thần.
2. Gật đầu
Đây là cử chỉ lịch sự khi chào hỏi người khác, thường dùng trong các hoàn cảnh khi tiếp đón hoặc chia tay. Đặc biệt khi đối tượng là rất nhiều người, một cái gật đầu có thể cùng lúc bày tỏ ý chào hỏi đến tất cả, biểu thị sự vui mừng khi gặp gỡ hoặc niềm thương cảm lúc chia tay. Trong một số tình huống khác cũng có lúc dùng cử chỉ này.
3. Giơ tay
Đây cũng là cử chỉ lịch sự khi chào hỏi người khác. Thông thường, khi nhìn thấy đối phương từ khoảng cách xa hoặc đi lướt qua nhau một cách vội vã, cử chỉ này vô cùng hữu dụng. Giơ tay thể hiện mình đã nhận ra đối phương, nhưng vì sự hạn chế của điều kiện tiếp xúc mà không thể đứng lại để nói chuyện với họ. Cử chỉ lịch sự này có thể xóa đi sự hiểu lầm từ đối phương, và mức độ hài lòng đem lại gần tương đương với cử chỉ chào hỏi thông thường.
4. Đứng dậy
Đây là cử chỉ lịch sự, thể hiện lòng tôn kính của người địa vị thấp hơn/bề dưới đối với người có địa vị cao hơn/bề trên. Thông thường, cử chỉ này dùng trong trường hợp cả hội trường bày tỏ sự kính trọng với người phát biểu trên sân khấu hoặc chào đón khách quý đến dự. Khi người trẻ tuổi nhìn thấy những người lớn tuổi hơn bước vào phòng, hoặc lúc tiễn họ ra về, cũng có thể đứng dậy trong giây lát để thể hiện sự tôn trọng.
5. Cúi mình
Cúi mình hoặc gập lưng đều là cử chỉ lịch sự thể hiện sự khiêm nhường trước người khác, cũng tương đương với việc tỏ ý tôn trọng đối phương. Nó có sự khác biệt với khom lưng ở chỗ mức độ không giống nhau. Khi khom lưng thì đầu cúi thấp, còn cúi mình hoặc gập lưng chỉ là phần thân trên hơi nghiêng về phía trước, nhưng không nhất thiết phải cúi đầu, hai mắt vẫn có thể nhìn thẳng vào đối phương.
6. Vỗ tay
Đây là cử chỉ lịch sự thể hiện sự tán dương, khâm phục hoặc chúc mừng người khác. Thông thường, chúng ta hay dùng cử chỉ này khi nghe các bài phát biểu hoặc diễn thuyết dài, xem xong hoặc nghe xong tiết mục biểu diễn, trình tấu. Vỗ tay thường phải phát ra tiếng, nhưng cũng có thể không có tiếng hoặc làm ra hiệu vỗ tay, song nên làm cho đối phương trực tiếp nhìn thấy.
7. Chắp tay (một tay nắm lại, tay kia bao lấy nắm tay này, để trước ngực)
Đây là cử chỉ lịch sự, biểu thị sự tôn trọng hoặc thay lời chào hỏi giữa những người có thân phận ngang bằng hoặc xấp xỉ nhau. Cử chỉ này có nguồn gốc từ các văn nhân thời xưa. Vì rất đơn giản và dễ làm, nên hiện nay vẫn có nhiều người thích dùng cử chỉ này.
8. Chắp tay (hai bàn tay áp vào nhau để trước ngực)
Đây là cử chỉ lịch sự, bao hàm hai tầng ý nghĩa: bày tỏ sự tôn kính và biết ơn. Ban đầu chắp tay được những người xuất gia, tức đệ tử nơi cửa Phật sử dụng, sau này dần dần lưu truyền trong dân gian. Vì cử chỉ lịch sự này rất tao nhã nên nhiều người vẫn thích dùng.
9. Ôm
Đây là cử chỉ lịch sự biểu thị tình cảm thân mật. Thông thường cử chỉ này chỉ được dùng trong các trường hợp đặc biệt như ngoại giao hay đưa tiễn hoặc nghênh đón. Có lúc, khi hai bên có hiềm khích từ trước cần hóa giải hiểu lầm cũng thường dùng cái ôm để biểu đạt những tình cảm phức tạp khó nói bằng lời. Nhưng phương thức biểu đạt này ở một vài nước Á Đông lại cần thận trọng khi dùng giữa những người khác giới, vì vậy thông thường nó ít được sử dụng.
Trên đây chỉ đề cập đến những cử chỉ thông dụng nhất, ngoài ra còn có rất nhiều cử chỉ khác. Xét từ khía cạnh căn bản, những cử chỉ lễ nghi này bất kì ai trong chúng ta cũng đều có thể thực hiện được. Bằng những cử chỉ này, bạn đã truyền đi thông điệp về tư tưởng tình cảm của mình một cách rõ ràng, vừa thể hiện bạn là một nhà lãnh đạo hiểu biết lễ nghi lịch sự, vừa giúp bạn vận hành mọi thứ trơn tru hơn trong các mối quan hệ của mình.
HÃY HÀO PHÓNG ĐÚNG LÚC
Trong thời đại cạnh tranh gay gắt ngày nay, để nâng cao sức sản xuất, nhà lãnh đạo buộc phải giỏi trong việc khích lệ cấp dưới, buộc phải rộng rãi, hào hiệp và không nên để cấp dưới luôn cảm thấy bạn đang ra sức bóc lột họ. Đương nhiên, như thế nào mới là hào phóng thì cách nghĩ của mỗi nhân viên sẽ không giống nhau, cho nên chúng ta cũng khó lòng vạch ra ranh giới rõ ràng giữa hào phóng và bủn xỉn.
Đương nhiên, sự hào phóng này không phải chuyện mặc cả ngã giá. Khi bạn chấp nhận cho đi mà không đợi bất kì sự báo đáp nào thì bạn sẽ nhận được càng nhiều sự báo đáp hơn. Nếu bạn đối đãi hào phóng với cấp dưới thì họ còn biểu hiện hào phóng hơn cả bạn nữa. Đương nhiên, vẫn có số ít nhân viên có thể lợi dụng sự hào phóng này nhưng rất nhanh thôi, bạn sẽ phát hiện ra điều này, và việc còn lại là đưa ra cách xử trí thích đáng.
Do đó, là một nhà lãnh đạo, bạn không nên chần chừ do dự, khoản nào cần chi thì hãy mạnh dạn chi. Những chi phí này có lúc là do công ty bỏ ra, cũng có thể là chính bạn bỏ. Có một vài chi phí bạn buộc phải tự mình bỏ tiền túi, ví dụ như mua nước uống, tặng thiệp chúc mừng năm mới, quà thăm hỏi khi nhân viên ốm bệnh… Nếu bạn quá tính toán những khoản chi phí này và tìm cách đổ sang công ty, thì nhân viên của bạn sớm muộn cũng sẽ phát hiện ra, đến khi đó chắc chắn bạn sẽ không thể nào được yêu quý nữa.
Hào phóng cũng là một cách thể hiện giá trị của bạn, trong đó bao gồm việc bạn đánh giá cấp dưới của mình như thế nào. Trong cuộc sống không thiếu những người bủn xỉn, keo kiệt. Họ cố gắng hết sức để tránh phải bỏ tiền túi của mình ra. Khi tất cả nhân viên đã có mặt đông đủ, anh ta sẽ kiếm cớ để rời khỏi nhà hàng; khi hóa đơn được mang đến bàn, anh ta sẽ viện lý do nào đó để lánh đi chỗ khác; khi mọi người hô hào quyên góp tiền, bạn sẽ không bao giờ tìm thấy bóng dáng của anh ta đâu.
Đương nhiên, những kiểu người này rất nhanh chóng bị mọi người nhìn thấu tim gan. Khi đã làm lãnh đạo, bạn đương nhiên không thể trở thành một người như thế, như vậy tuy rằng sẽ đỡ được một vài khoản chi phí, nhưng hành vi trốn tránh còn đem đến nhiều rắc rối cho công việc của bạn hơn.
Hãy hào phóng rút tiền trong túi! Đây là một nguyên tắc dùng người quan trọng. Nó vừa là một cách khen thưởng, cũng là phương thức biến các mối quan hệ trở nên thân thiết hơn. Đối với người bình thường, khi chúng ta được nhận một thứ gì đó đều cảm thấy vui sướng, vì chúng ta quá coi trọng việc Nhận chứ không phải Cho. Khi bạn trở thành một nhà lãnh đạo, bạn sẽ có cơ hội làm điều ngược lại. Tuân theo quy tắc Cho đi, cũng có nghĩa bạn sẽ thu về thành công vô tận.
KHỐNG CHẾ CHI PHÍ GIAO TIẾP
Nhiều vị lãnh đạo khi đã có quyền trong tay thì cho rằng có quyền là có tất cả, không coi ai ra gì, muốn làm gì tùy ý, xem doanh nghiệp như nhà riêng của mình. Tiêu bừa đã đành, thậm chí nhiều người còn lợi dụng đặc quyền trong tay, chỉ nhăm nhăm để tiêu luôn cả khoản tiền công ích của công ty. Đối với những trường hợp như vậy, chúng ta thực sự cần phải nhìn nhận một cách nghiêm túc.
Để làm được một nhà lãnh đạo “công tư phân minh”, đối với việc lớn cần giữ vững lập trường, còn việc nhỏ cũng không thể hồ đồ! Các nhân viên cấp dưới thường dễ nảy sinh nghi ngờ với những khoản chi phí giao tiếp của lãnh đạo. Do đó, việc dùng tiền tiếp đãi khách hàng cũng nên có một mức độ nhất định, nếu không sẽ dẫn đến sự hoài nghi của những người kém hiểu biết.
Trước đây, phương thức dùng tiền để mua chuộc lòng người vốn rất thông dụng. Nhưng hiện nay, thay vì dùng tiền mà dùng thành ý và sự nỗ lực để giành được sự tín nhiệm của người khác sẽ trở thành cách làm hay hơn nhiều. Do đó, nếu một người giỏi giang, nhưng lại chi không tiếc tay cho các khoản tiếp khách, thì người đó không thích hợp để làm lãnh đạo. Đặc biệt trong xã hội đầy rẫy sự bất mãn và hoài nghi hiện nay, khi một nhà lãnh đạo chỉ cần có việc nào đó khuất tất không thể giãi bày với mọi người là đã thất bại trong việc lấy lòng cấp dưới.
Các nhân viên cấp dưới thường rất mẫn cảm với những câu chuyện đời thường của lãnh đạo. Một khi họ phát hiện ra lãnh đạo có chuyện không liêm khiết, mặc dù ngoài miệng không nói ra nhưng họ sẽ ghi nhớ trong lòng. Sau này, dù lãnh đạo có giảng cho họ rất nhiều đạo lý, thì trong thâm tâm họ cũng sẽ thầm phản bác hoặc cười thầm. Nói tóm lại, thời đại con người phải lạm dụng chi phí giao tiếp, hay bỏ ra thật nhiều tiền cho đối tượng giao dịch để hòng đạt được mục đích đã qua lâu rồi. Hơn nữa, số nhân viên khó chịu với cách làm này càng ngày càng nhiều. Nếu muốn nhận được sự tín nhiệm của nhân viên, bạn buộc phải tránh việc vung tay chi phí cho những buổi chiêu đãi, tiếp khách vì việc công. Bất kể là vì công việc hay vì khách hàng của công ty, chỉ cần bạn đưa họ ra vào khách sạn hay quán bar, thì các nhân viên cấp dưới của bạn đã có cớ để tập trung sự hoài nghi vào bạn rồi. Tất nhiên họ vẫn công nhận rằng, vị cấp trên này rất mẫn cán, nhưng suy cho cùng vẫn không thể quá tin tưởng người này được. Vì thế, kiểu người này tuy rất giỏi trong việc ngoại giao quan hệ, nhưng lại khó có thể làm một người lãnh đạo tốt.
Có những thời kì kinh tế ảm đạm khiến cho một số doanh nghiệp nhỏ bị phá sản. Nhưng có những doanh nghiệp cùng ngành với họ, từ chủ tịch hội đồng quản trị cho đến các nhân viên bình thường nhất luôn luôn giữ vững nguyên tắc công tư phân minh. Những công ty như thế tuyệt đối sẽ không phá sản, bởi vì họ lao động một cách chân chính. Cũng có thể nói rằng, nếu đội ngũ của công ty từ cấp cao nhất cho đến cấp cơ sở đều giữ được cái tâm “không thừa nước đục thả câu”, “trên dưới một lòng”, “đồng cam cộng khổ”, thì ngay đến một nhân viên bình thường nhất cũng không bao giờ đưa ra những đòi hỏi vô lý. Nếu như ngay đến nhân viên bình thường đều nhận thấy “lãnh đạo của chúng ta không có khoản chi nào không thể giải trình được” thì khi công ty gặp khó khăn, việc tập hợp sức người, sức của thành một khối thống nhất sẽ rất thuận lợi. Cho dù chính nhân viên bị cắt giảm lương hoặc tiền thưởng, thì họ cũng sẽ hiểu cho hoàn cảnh khó khăn của công ty mà không thể nảy sinh nghi ngờ về “điều mờ ám”, ngược lại còn nghĩ rằng “Đợt này tình hình kinh doanh không tốt, mọi người nên cố gắng hơn mới phải”. Có lãnh đạo khiến mọi người nghi ngờ kiểu như: liệu có phải ông ta ngấm ngầm ăn chiết khấu rồi không, có phải khai khống các khoản chi phí lên không? Tuy không có chứng cứ, nhưng hành động đáng ngờ này khi đã bị liệt vào vòng mờ ám thì cảm tình của mọi người dành cho nhà lãnh đạo sẽ giảm sút nghiêm trọng.
Ngoài ra, dùng công quỹ đi giao tế, uống rượu, cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng “nói một đằng, làm một nẻo”. Hay dùng điện thoại cơ quan để buôn chuyện riêng, hoặc viết thư cá nhân rồi dán tem cơ quan…, những việc làm nhỏ nhặt này dần dần sẽ làm xấu đi ấn tượng về bạn trong mắt mọi người. Trong những công việc chuyên môn của công ty về sau, cung cách “đục nước béo cò” này của bạn tuyệt đối không còn đường sống. Hiện nay, mọi người đều nhận thức được rằng, muốn làm lợi cho bản thân cũng phải lựa chọn cách thức hợp lý, tuyệt đối không cho phép người khác có cơ hội vớ bở. Hãy nhớ, đồng nghiệp và lãnh đạo trong công ty đều chú ý theo dõi, thậm chí nhìn chằm chằm vào từng hành động của bạn. Người thông minh là người tuyệt đối không dây dưa hay lợi dụng những món lợi không chính đáng từ công ty. Do đó, bạn nhất định phải khiến cấp trên, đồng nghiệp và cấp dưới trong công ty biết rằng, bạn tuyệt đối không phải là người mưu lợi cá nhân. Có thể có người sẽ nói: “Nước quá trong ắt không có cá” (ngụ ý người quá xét nét rất khó hòa đồng). Người bảo thủ quá mức thanh liêm thì những người xung quanh sẽ không muốn gần gũi. Nhưng trong thời đại ngày nay, do những người vụ lợi càng ngày càng nhiều, mà cách nghĩ “không lợi dụng là chịu thiệt” cũng khá phổ biến, do đó người giữ được mình thanh liêm mới được mọi người tín nhiệm. Ngày nay, người có thể xây dựng được tiếng thơm liêm khiết, khác biệt với số đông mới là quan trọng và cũng chỉ như vậy mới được cấp dưới tin tưởng hết lòng.
Để giành được sự tin cậy của người khác trong xã hội hiện đại ngày nay, rốt cuộc nên dựa vào điều gì? Dùng mánh khóe thủ đoạn? Dùng sự từng trải? Hay những bữa nhậu chén chú chén anh? Điều này thực sự khó nói rõ. Nhưng nếu bạn giữ được sự liêm khiết cho mình, bạn đã có trong tay sức mạnh mà chính bạn cũng không thể tưởng tượng được, nó sẽ trở thành nguồn động lực khiến cấp dưới tâm phục.
Công tư phân minh nên bắt đầu từ việc nhỏ nhất. Với những khoản tiền công quỹ, đừng nổi lòng tham hay động chạm gì đến nó.
GIỮ VỮNG PHONG ĐỘ CỦA MỘT NHÀ LÃNH ĐẠO
Nhà lãnh đạo cho dù làm bất cứ việc gì cũng nên tỏ ra chín chắn, kinh nghiệm, hiểu biết hơn cấp dưới, và nhất là trước sau phải giữ vững được phong độ và sự uy nghiêm hơn người.
Sự chín chắn và kinh nghiệm là chỉ năng lực của một người khi biết ăn nói hoàn hảo vào thời điểm thích hợp hoặc giải quyết công việc một cách ổn thỏa, tốt đẹp, không xúc phạm đến bất kì ai. Khi bạn tiếp xúc với người từng trải, hoặc phải giải quyết những việc hóc búa, lúc đó bạn cần đến sự linh hoạt và chín chắn. Khi gặp chuyện, bạn cần phân tích tình hình cụ thể kiên trì, nhạy bén và tỉnh táo.
Muốn trở nên chín chắn khi giải quyết công việc, bạn buộc phải thấu hiểu nhân tình thế thái trong mọi tình huống, phải đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để hiểu được cách suy nghĩ của họ. Trong từng giây, từng phút tiếp xúc với mọi người, sự thông minh, linh hoạt, chín chắn, cùng kinh nghiệm là vô cùng quan trọng.
Lịch thiệp cũng là một nhân tố tạo nên sự chín chắn khi xử thế. Bất luận bạn giao tiếp với cấp trên hay cấp dưới, bạn đều không thể có biểu hiện lỗ mãng, thiếu lịch sự. Cũng có thể nói rằng, với bất kể đối tượng nào, khi giao tiếp trò chuyện, bạn cũng phải cư xử lịch sự.
Nếu bạn muốn người khác cư xử lịch sự với mình, thì chính bạn hãy cư xử đúng như vậy. Nếu không, bạn sẽ khiến họ nhìn bạn như một con người ngạo mạn, không coi ai ra gì, thậm chí là thiếu giáo dục.
Dưới đây là năm bí quyết giúp bạn phát triển sự chín chắn, kinh nghiệm và lịch sự:
● Luôn giữ vẻ ngoài vui vẻ, lạc quan.
● Trong mọi việc hãy suy nghĩ cho người khác nhiều hơn.
● Học tập những người cư xử khéo léo, nghiên cứu cách xử thế của họ.
● Phát huy tinh thần hợp tác ngay trong cách nghĩ, tư tưởng cũng như hành động.
● Đối với người khác hãy khoan dung, nhẫn nại hơn. Nếu mình sống tốt thì hãy cho người khác được sống tốt.
Hãy nêu gương, xây dựng hình tượng tốt đẹp về con người bạn. Để không bị yếu tố cá nhân chi phối khi chê trách hay phê bình người khác, bạn cần giữ vững sự tôn nghiêm của bản thân. Rất nhiều người cho rằng, tôn nghiêm chỉ có ở những nhân vật tầm cỡ như thủ trưởng hay các doanh nhân. Họ luôn xuất hiện với khuôn mặt lạnh lùng, mặc bộ đồ vest đen, thắt cà vạt đen y như tham gia tang lễ, chẳng bao giờ cười nói một cách tùy tiện. Tôn nghiêm, trước hết biểu hiện từ thái độ cao thượng làm người khác phải kính trọng, có nghĩa là một người có năng lực điều khiển cảm xúc, tình cảm của mình trong bất kì tình huống nào. Ví dụ, một vị lãnh đạo ăn nói thô lỗ, dùng ngôn ngữ thô tục, hạ lưu, uống rượu quá độ, hoàn toàn mất khả năng khống chế tình cảm khi tức giận đều là biểu hiện đánh mất sự tôn nghiêm. Những người này là những tên ngốc hoàn hảo. Thông thường, họ sẽ nhanh chóng làm mất đi sự kính trọng của cấp dưới. Điều đó còn chứng tỏ họ không xứng làm một nhà lãnh đạo, một thủ trưởng hay cấp trên. Nếu họ còn tại vị thì cũng chẳng kéo dài được bao lâu. Một khi đánh mất sự kính trọng của cấp dưới, muốn khôi phục lại, e rằng đó là nhiệm vụ bất khả thi. Một nhà lãnh đạo chín chắn, kinh nghiệm, nho nhã, lịch thiệp, phong độ mới là cấp trên hoàn hảo, thậm chí là thần tượng trong mắt cấp dưới.
Do đó, hãy làm đầu tàu gương mẫu, nghiêm khắc với chính bản thân, tự mình nêu gương trước là thuật điều khiển người khác không thể thiếu ở nhà lãnh đạo; ngược lại, bỏ dở nửa chừng, phóng túng tùy tiện là điều tối kị sẽ không thể nào tạo dựng được sự uy nghiêm trước mặt cấp dưới. Một nhà lãnh đạo không có “uy” thì làm sao có thể chỉ huy được người khác?