* Phải thấu hiểu bản thân mới có thể rèn luyện kĩ năng giao tiếp.
* Muốn giành được lòng tin từ những người có chí khí và mưu lược, người lãnh đạo phải biết kích thích bản tính hiếu thắng trong họ.
* Không kiềm chế được bản thân, vĩnh viễn không bao giờ khống chế được người khác.
* Tục ngữ có câu: “Đốt cây phải đốt gốc, dẫn người phải dẫn tâm”. Người lãnh đạo phải nắm rõ tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu của cấp dưới và đáp ứng thỏa đáng mới có thể khiến họ tin tưởng.
TRƯỚC HẾT HÃY THẤU HIỂU BẢN THÂN
Trên thế giới này, sự tồn tại của đàn ông và phụ nữ như một lẽ tất yếu của tạo hóa, bởi chỉ cần thiếu đi “một nửa thế giới” thì cuộc sống loài người sẽ chỉ còn là một màu xám. Đàn ông và phụ nữ tạo nên một xã hội tràn đầy sức sống và màu sắc. Có xã hội thì tất có nhu cầu giao tiếp. Trong hoạt động xã giao, các mối quan hệ với người cùng giới hay khác giới mang những đặc trưng tâm lý giống nhau nhưng cũng có nét khác nhau và được thể hiện bằng ngôn ngữ cử chỉ sâu xa, tế nhị. Chỉ có thấu hiểu được tâm lý giao tiếp của phái mạnh, bạn mới có thể giải thích chính xác ý nghĩa những cử chỉ, hành động của họ, để từ đó xây dựng nên mối quan hệ tốt đẹp giữa hai bên. Người lãnh đạo muốn rèn luyện năng lực giao tiếp của bản thân nên xuất phát từ việc thấu hiểu bản thân.
Tâm lý giao tiếp của phái mạnh không xuất phát nhiều từ tình cảm như nữ giới, mà thiên về lý tính và thực tế, vì thế các sắc thái tình cảm khá nhạt nhòa. Đàn ông kết bạn luôn có mục đích. Họ có thể ngồi hàng giờ trước máy thu hình để theo dõi một trận bóng đá, nhưng tuyệt đối không ngồi cùng với người xa lạ một cách vô nghĩa, dù chỉ năm phút. Khi gặp gỡ người khác, họ chào hỏi một tiếng rồi vội vàng lướt qua đối phương. Đàn ông không thích nhiều lời nhưng họ không có cách nào ngăn cấm phụ nữ làm như vậy, nên chỉ có thể áp dụng với bản thân mình, cho dù người thân của bạn bè qua đời, họ cũng chỉ an ủi đôi ba câu, nhưng hơn một nửa phụ nữ sẽ cảm thấy áy náy nếu làm như vậy.
Đàn ông luôn tự cho mình là kẻ mạnh, họ thường có cảm giác vượt trội hơn khi đứng trước phụ nữ. Cơ thể cường tráng, những cơ bắp tráng kiện của họ mang lại vẻ đẹp của sức mạnh, cộng với trái tim rộng mở và ý chí kiên định của mình, đàn ông luôn khiến cho phụ nữ khâm phục từ đáy lòng. Hơn nữa, xã hội mang lại cho phái mạnh những điều kiện và cơ hội để xác lập tâm lý kẻ mạnh. Một mặt, đàn ông phải gánh vác nghĩa vụ của kẻ mạnh, mặt khác phải thể hiện được sự ưu việt của phái mạnh.
Sự nghiệp là mục đích theo đuổi đầu tiên của đàn ông. Vì thế, họ luôn bằng lòng và dám kết giao với những loại người khác nhau. Trong giao tiếp xã hội của nam giới, có đến phân nửa là xoay quanh sự nghiệp. Trầm tĩnh là biểu hiện bên ngoài khi người đàn ông đắm chìm vào suy nghĩ, và cũng là “pháo đài” tinh thần họ xây dựng cho bản thân. Những người đàn ông trầm tính thường không dễ dàng bị lay chuyển. Nếu bạn muốn họ nói chuyện, trừ phi bạn phải có chút bản lĩnh thật sự nào đó.
Một mục đích quan trọng khác trong giao tiếp xã hội của nam giới là tìm kiếm và theo đuổi ý trung nhân. Khi họ phải lòng một cô gái nào đó, họ sẽ lập tức triển khai các kế hoạch chinh phục. Làm cách nào để chinh phục được phụ nữ? Những tuýp đàn ông khác nhau có kiểu tâm lý khác nhau, tất nhiên hiệu ứng mang lại cũng có sự khác biệt. Trong quá trình chinh phục, một số lời nói, cử chỉ của nam giới thường đủ để tiết lộ một số bí mật tâm lý nào đó của họ. Đây là một đề tài đáng nghiên cứu và thảo luận. Mỗi con người mang một nét tâm lý khác nhau, biểu hiện này vừa có tính quy luật, lại vừa không có căn cứ quy chuẩn rõ ràng, chỉ có thể hoàn toàn dựa vào sự thể nghiệm và quan sát tinh tế của bản thân mỗi người rồi đưa ra phán đoán.
Nhưng đàn ông cho dù có mạnh mẽ thế nào đi chăng nữa cũng có lúc gặp phải thất bại, đau buồn. Đàn ông không phải không khóc mà chỉ là họ không muốn khóc, cũng không dám khóc. Họ sợ bị người khác xem là yếu đuối và đem ra chế nhạo. Trong quá trình giao tiếp với nam giới, cần chú ý quan sát các biểu hiện bên ngoài để nắm bắt chuẩn xác các trạng thái tâm lý bên trong.
Nam giới ăn mặc tùy tiện, không chú ý đến tiểu tiết. Trước một tình huống, mỗi người lại có phản xạ tâm lý khác nhau, có người vì thế mà khiến người khác ghét bỏ, lại có người vì thế mà được người khác quý mến. Việc nhìn nhận sự tùy tiện và phóng khoáng ở nam giới không có quy chuẩn nhất định nào cả, chỉ cần thay đổi góc nhìn hoặc phương thức tiếp cận khác nhau là chúng ta đã có những cách nhìn mới mẻ.
Tóm lại, tâm lý giao tiếp của nam giới không nằm ngoài ngôn ngữ cử chỉ của họ, chỉ cần tăng thêm sự thấu hiểu, óc quan sát là có thể phát hiện ra mối liên hệ bên trong, để từ đó đặt nền móng cho việc thiết lập các mối quan hệ tốt đẹp sau này.
KÍCH THÍCH LÒNG HIẾU THẮNG CỦA NGƯỜI KHÁC
Công nhân trong xưởng luyện thép của Menschel không hoàn thành chỉ tiêu công việc.
“Nguyên nhân nằm ở đâu?” Menschel hỏi quản đốc, “Một vị quản đốc có năng lực như ông mà không hoàn thành nhiệm vụ của công xưởng, vậy nên làm thế nào đây?”
“Tôi cũng không biết, thưa ngài”, vị quản đốc đáp, “Tôi đã dùng những lời lẽ hết sức tốt đẹp để cổ vũ, động viên họ. Tôi cũng nghĩ hết cách để khuyên bảo họ. Tôi đã mắng họ, thậm chí lấy việc sa thải để uy hiếp họ, nhưng tất cả đều không có hiệu quả, họ vẫn không thể hoàn thành chỉ tiêu đề ra.”
Đây chính là lúc công nhân sắp tan ca ngày, chuẩn bị chuyển ca đêm. “Đưa cho tôi một viên phấn”, Menschel nói, sau đó quay sang hỏi một công nhân gần đó: “Các anh ca ngày hôm nay luyện được mấy mẻ?”
“Sáu mẻ.”
Menschel không nói lời nào, lẳng lặng cầm phấn viết lên bảng một số 6 to tướng, rồi bỏ đi.
Bấy giờ những công nhân của ca đêm vừa đến, thấy trên tấm bảng có một số “6” liền hỏi những công nhân ca ngày ý nghĩa của con số. “Hôm nay ông chủ có đến đây”, công nhân ca ngày nói. “Ông ấy hỏi chúng tôi hôm nay luyện được mấy mẻ, chúng tôi nói ‘6 mẻ’. Vì thế, ông ấy dùng phấn viết lên số ‘6’ này.”
Sáng sớm hôm sau, Menschel lại đến xưởng luyện thép. Công nhân của ca đêm đã xóa đi con số “6”, rồi viết lên đó con số “7”. Công nhân ca đêm chắc mẩm thành tích của họ đã tốt hơn ca ngày, điều này khiến công nhân ca ngày lại muốn vượt qua ca đêm, thế là họ hừng hực khí thế làm việc, đến khi giao ca, họ đã viết lên con số “10”, cứ thế ca này vượt ca kia. Chỉ trong một thời gian ngắn, xưởng luyện thép vốn sản xuất ì ạch này đã trở thành phân xưởng có sản lượng cao nhất trong toàn bộ hệ thống phân xưởng con của nhà máy.
Người quản lý đã sử dụng những biện pháp nào vậy?
Theo Menschel, đó chính là phương pháp cạnh tranh.
Họ không phải muốn tăng lương, mà là lòng hiếu thắng đã thôi thúc họ.
Lòng hiếu thắng! Thử thách! Thông qua ứng chiến để khiến kẻ khiêu chiến phải bại trận! Vì thế, việc khơi dậy nguồn sức mạnh tinh thần ở người khác không bao giờ là sai cả.
DÙNG TÌNH CẢM LAY ĐỘNG LÒNG NGƯỜI LUÔN ĐEM LẠI HIỆU QUẢ TỐT
Cổ nhân nói: Cảm hóa con người không gì bằng tình cảm.
Chất keo giúp gắn kết con người với con người chính là tình cảm. Người lãnh đạo khi giao tiếp, thuyết phục người khác, bao gồm thuyết phục kẻ tiểu nhân, thì vũ khí có sức mạnh nhất cũng chính là tình cảm. Ở một mức độ ý nghĩa nhất định, yêu ghét trong tình cảm có thể quyết định sự đúng sai của lý trí. Cho nên, khi thuyết phục người khác, bạn nên chinh phục họ bắt đầu từ tình cảm.
Ở Trung Quốc có câu chuyện rằng: Có một người tên là Mai Công, làm huyện lệnh ở Cố An. Huyện Cố An có rất nhiều hoạn quan thân cận với triều đình, được nhận bổng lộc không nhỏ, nên họ căn bản không coi huyện lệnh ra gì, hễ xảy ra chút xung đột, họ sẵn sàng đối đầu trực diện. Đối phó với những người này, huyện lệnh họ Mai luôn tỏ ra ôn hòa.
Một hôm, có vị quý tộc đem theo chân giò đến hỏi thăm Mai Công, mong ông giúp đòi nợ. Mai Công cho nấu món chân giò và chuẩn bị bàn rượu đãi khách, lại phái người triệu tập những người mắc nợ đến phủ chờ chất vấn.
Sau khi đến công đường, con nợ kia kể lể hoàn cảnh nghèo khổ của mình, hắn gần như không có khả năng trả được nợ. Mai Công quát: “Món nợ của quý nhân đây đâu có thể nói khất là khất được? Các người to gan dám mượn cớ nghèo khổ mà cự tuyệt trả nợ sao? Bất luận là ai, hôm nay đều phải trả hết nợ, ai dám khất lần thì hãy chịu chết dưới cây gậy hành hình của ta!” Con nợ chỉ biết bò ra đất mà khóc lóc, lạy van.
Nhìn thấy cảnh đó, vị quý tộc kia bỗng động lòng thương cảm. Mai Công lại cho gọi một người trong số họ đến gần, nhíu mày nói: “Ta đương nhiên biết rằng nhà ngươi rất nghèo, nhưng đã mắc nợ thì phải trả tiền, đây là nguyên tắc bất di bất dịch. Ngươi mau về bán vợ con đi, sau đó mang bạc tới đây gặp ta. Có điều, ta thân là quan phụ mẫu, cũng không nhẫn tâm để vợ chồng con cái nhà ngươi ly tán, vì thế gia hạn cho ngươi thêm một ngày vậy. Đêm nay, ngươi về nhà từ biệt vợ con, sau ngày mai, đời này kiếp này đừng mong gặp lại họ nữa!” Người mắc nợ nghe xong, lại càng thêm đau khổ, khóc lóc càng thảm thiết hơn. Vị quý tộc kia thấy vậy cũng xót xa rơi lệ, quay sang nói với huyện lệnh rằng: “Thôi, tôi không bắt họ trả nợ nữa!” và đốt bỏ khế ước vay nợ ngay tại chỗ. Từ đó về sau, những nhà quyền thế, quý tộc trong huyện khi đòi nợ đều biết khoan dung độ lượng hơn đối với những người mắc nợ.
HIỂU TÂM LÝ NGƯỜI ĐỐI THOẠI
Cơ thể con người có chứng gan kết sỏi, thận kết sỏi, còn tôi cho rằng có cả chứng “tâm kết sỏi”. Trong quá trình giao tiếp, người lãnh đạo nếu nhận thấy người khác có thành kiến với mình, mà người đó lại nằm trong tầm lưu ý của bạn, thì việc cần làm trước hết là nên nghĩ cách để tìm hiểu xem trong lòng đối phương rút cuộc đang nghĩ gì. Trốn tránh tuyệt đối không phải là cách hay, chỉ có mổ xẻ cho ra vấn đề, để cho đối phương có cơ hội suy nghĩ lại, nếu họ có thể nghĩ thông suốt, thì viên “sỏi kết” trong lòng họ cũng tự nhiên tan biến.
Khi Kennedy tranh cử tổng thống, mặc dù phần đông dân chúng đều mến mộ trí tuệ và tài năng của ông, nhưng trong lòng họ vẫn có những hoài nghi lo lắng. Trước tiên, ông còn quá trẻ, trong lịch sử Hoa Kì chưa có ai đắc cử tổng thống với tuổi đời trẻ như vậy. Kế tiếp là vấn đề tôn giáo, Kennedy là một con chiên của Thiên chúa giáo, trong khi đó, tín đồ Thiên chúa chỉ chiếm 1/10 dân số Hoa Kì. Kennedy hiểu rõ mọi người nghĩ gì, nhưng ông không trốn tránh những vấn đề này, mà ngược lại còn phân tích rõ vấn đề để xua tan sự hoài nghi, lo lắng trong dư luận. Đối thủ tranh cử từng công kích ông: “Muốn làm tổng thống, thì trên đầu hãy mọc vài sợi tóc bạc đã nhé!”
Kennedy không tránh né, ông đáp trả rằng: “Tóc có bạc hay không chẳng liên quan gì đến việc làm tổng thống cả, điều quan trọng nhất là phải xem dưới bộ tóc đó có thứ gì!” Ông còn đề cập đến vấn đề tôn giáo của mình như sau: “Chính vì tín đồ Thiên chúa là công dân thiểu số của Hoa Kì, nên nếu tôi trúng cử làm tổng thống, điều đó cũng có nghĩa quốc gia này tôn trọng công dân thiểu số. Sau này, công dân da đen, da vàng, hay theo các tôn giáo khác đều có thể ra làm tổng thống.” Cách giải thích của Kennedy không chỉ quét sạch sự hoài nghi, lo lắng trong lòng dân chúng, thậm chí nhờ điều này ông còn giành trọn số phiếu bầu của bộ phận công dân thiểu số.
KHƠI DẬY Ý CHÍ VƯƠN LÊN CỦA CẤP DƯỚI
Bạn muốn cấp dưới hoàn thành nhiệm vụ theo ý mình, vậy bạn có cách gì để thúc đẩy họ? Người lãnh đạo thành công cho rằng: “Phải khiến cấp dưới tự coi đó là ý muốn của bản thân họ, từ đó tự giác hoàn thành nhiệm vụ.” Quả thực, đây là mức độ cao nhất của mệnh lệnh. Bản thân cấp dưới dù muốn tiến về bên phải, nhưng khi lãnh đạo ra lệnh cho anh ta “tiến về bên trái”, thì anh ta cũng chỉ có thể phục tùng theo mà thôi. Nếu người lãnh đạo có khả năng không cần truyền đạt mệnh lệnh mà có thể khiến cấp dưới tự nhận thức được rằng “nên tiến về bên trái”, thì có thể nói đó là trạng thái lý tưởng nhất. Trong trường hợp này, cấp dưới của bạn đương nhiên sẽ có được tinh thần tích cực, nêu cao ý chí. Họ có thể phát huy năng lực gấp đôi bình thường và đáp ứng yêu cầu bạn đề ra. Cấp dưới bởi thế sẽ có được cảm giác hài lòng, mãn nguyện, cho dù công việc có gấp gáp đến mấy, họ cũng có thể ung dung hoàn thành.
Vậy làm thế nào để đạt được trình độ hoàn mỹ như vậy? Dưới đây là một vài biện pháp cơ bản.
1. Khiến cấp dưới có trách nhiệm
Nếu bạn nói với cấp dưới: “Công việc này nhờ cả vào cậu. Mong rằng cậu có thể hoàn thành một cách xuất sắc, mọi người đều mỏi mắt mong chờ đấy.”
Nghe được những lời này, cấp dưới sẽ cảm động sâu sắc, tinh thần phấn chấn, toàn tâm toàn sức dồn cho công việc.
2. Kích thích chí khí anh hùng của cấp dưới
Bạn trao đổi với cấp dưới: “Vấn đề này không biết nên giải quyết thế nào? Thật đau đầu quá. Cậu có cách nào không?” Lúc này, nếu cấp dưới tiếp lời nói: “Nếu làm như thế này, em nghĩ chắc là được!” Bạn liền thừa thế xông lên, và nói với anh ta: “Đúng là một cách hay, vậy việc này giao cho cậu nhé!”
3. Khơi gợi lòng tự trọng của cấp dưới
Giả sử bạn đề cập với cấp dưới: “Việc này xem ra rất nan giải, tôi thấy hay là thôi vậy!”, “Công việc này khéo phải nhờ đến anh chàng giỏi giang như X mới xong.” Sau đó, bạn hỏi ý kiến của anh ta, lúc này, nếu đối phương là người có lòng tự trọng cao, chắc chắn anh ta sẽ vỗ ngực bảo đảm: “Cái gì chứ? Công việc nào em cũng có thể đảm nhiệm mà sếp!” Nếu cấp dưới còn biểu hiện sự lo lắng, bạn không nên để anh ta phụ trách việc đó.
Những biện pháp trên đây đều là sách lược nhằm khơi dậy năng lực ý chí của cấp dưới, khiến họ nghe theo mệnh lệnh lãnh đạo. Bạn buộc phải đồng thuận với lập trường, cách nghĩ của đối phương và dành cho họ sự tin cậy và đánh giá cao. Về cơ bản, cách làm này cũng có tác dụng tương tự như biện pháp phía trên.
Những biện pháp trên đây tỏ ra khá tôn trọng nhân cách và năng lực của cấp dưới, nhưng nếu suy xét một cách kĩ càng, thì chính chúng ta cũng cảm thấy rằng, những cách này chẳng qua cũng chỉ là coi cấp dưới như công cụ giúp ích cho công việc của lãnh đạo mà thôi. Nếu nhờ những cách này mà đạt được mục tiêu, thì cũng nên thử. Có điều, tốt nhất chúng ta nên tránh sử dụng những thủ đoạn đê hèn.
KIỀM CHẾ CẢM XÚC CỦA BẢN THÂN
Nếu chúng ta không kiềm chế được chính bản thân mình thì không bao giờ lãnh đạo được người khác. Năng lực tự kiềm chế không những giúp người lãnh đạo xây dựng hình tượng tốt đẹp mà còn góp phần rèn luyện trí tuệ tốt hơn. Những người bỏ qua hay xem nhẹ đức tính này, trên thực tế đều đang đánh mất cơ hội.
Có một vị lãnh đạo phát sinh chút hiểu lầm với nhân viên quản lý tòa nhà văn phòng. Sự hiểu lầm này khiến hai người trở nên căm ghét nhau, sau cùng biến thành một trận đối đầu kịch liệt. Anh quản lý bày tỏ “thái độ” với vị lãnh đạo bằng cách, cứ mỗi lần anh ta biết cả tòa nhà chỉ còn lại một mình vị lãnh đạo này nán lại văn phòng làm việc, thì toàn bộ hệ thống điện của tòa nhà sẽ bị ngắt. Chuyện xảy ra liên tục mấy lần liền, sau cùng vị lãnh đạo cũng phát hiện ra, nhưng ông ta không thể nào kiềm chế được sự tức giận và quyết định trả thù.
Vào một ngày Chủ nhật, ông ta đến phòng đọc sách để chuẩn bị bài diễn thuyết cho cuộc họp vào buổi tối ngày hôm sau. Khi ông vừa ngồi xuống ghế thì đèn phòng tắt phụt. Ông ta lập tức nhảy dựng lên, lao như bay xuống tầng hầm của tòa nhà. Ông ta tìm thấy anh nhân viên quản lý kia, liền mắng té tát vào mặt anh ta. Người nhân viên quản lý đứng nghiêm chỉnh, quay đầu lại, để lộ nụ cười ranh mãnh, với một giọng nói hết sức điềm tĩnh và ôn hòa: “Sao sáng nay tâm trạng ông lại kích động thế?” Câu nói của người quản lý như một lưỡi dao sắc nhọn, trong phút chốc đâm thẳng vào vị lãnh đạo. Xưa nay, vị lãnh đạo này vẫn luôn tự xưng mình là học giả tâm lý uyên thâm, vậy mà hôm nay lại bị một nhân viên quản lý hỏi một câu khiến bản thân không trả lời được. Vị lãnh đạo quay người trở lại văn phòng bằng tốc độ nhanh nhất của mình. Sau khi xem xét lại toàn bộ sự việc từ đầu đến cuối, ông lập tức nhận ra sai lầm, ông đã không biết kiềm chế bản thân mình, nên cũng không thể kiềm chế được người khác. Ông ta quyết định xuống xin lỗi người nhân viên quản lý kia.
Vị lãnh đạo bước tới nắm lấy tay anh ta, bắt tay một lúc lâu, ông cảm thấy trong lòng nhẹ nhõm và vui vẻ trở lại, bởi vì cuối cùng ông cũng lấy được can đảm để hóa giải sai lầm của mình. Ông thấm thía rằng, con người khi đánh mất khả năng tự kiềm chế, thì cho dù là người quản lý hay bất kì ai khác cũng đều có thể dễ dàng đánh bại anh ta.
Nếu bạn xem nhẹ việc tự kiềm chế bản thân, bạn không chỉ làm tổn thương người khác mà chắc chắn cũng làm tổn thương chính mình.
THƯỜNG XUYÊN DUY TRÌ TÂM TRẠNG TỐT
Lãnh đạo cũng khó tránh khỏi có những thời điểm tâm trạng không được tốt. Những lúc như thế sẽ dễ nảy sinh nhiều hệ quả không hay. Vậy làm thế nào khống chế bản thân một cách hiệu quả, để sự bực tức không bùng phát? Ngoài việc tăng cường sức mạnh của ý chí, có một vài biện pháp cũng khá hiệu quả như sau.
1. Tạm thời coi tất cả những người xung quanh là đồ vật
Bực tức thường có nguyên nhân từ người khác. Vì thế, đừng ngại coi đối phương như đồ vật. Đối với bàn ghế, máy tính, bạn có gì để bực tức chứ? Làm như vậy có thể giúp bạn lấy lại chút bình tĩnh trong giây lát trước khi cơn tức giận nổ ra. Việc tiếp theo là bạn nên lấy tiêu chuẩn khách quan, công bằng một chút để nhìn nhận lại vấn đề.
2. Sử dụng phương pháp hít thở sâu để xoa dịu cơn nóng giận
Ra lệnh cho bản thân thả lỏng, hít sâu một hơi, rồi từ từ thở ra. Sau đó hãy tự nói với mình: “Tôi không bực tức.
Tôi rất bình tĩnh.” Lặp lại như vậy vài lần có thể khiến cơn bực tức được điều hòa, thậm chí hoàn toàn tiêu tan.
3. Phương pháp vận động
Bạn hãy cho bản thân được nghỉ ngơi trong vài tiếng.
Bạn có thể chạy bộ, đánh bóng hoặc bơi lội, hình thức vận động nào cũng được, nhưng bắt buộc phải tập cho đến khi toàn thân toát mồ hôi. Sau đó, hãy đi tắm rồi thay một bộ đồ dễ chịu nhất. Tốt nhất nên ra hiệu làm đầu sửa sang lại đầu tóc, kết quả là bạn nhất định sẽ không còn cảm thấy ức chế hay căng thẳng nữa.
Dành cho bản thân một khoảng thời gian hoàn toàn thư giãn. Cho dù chỉ là vài phút ngắn ngủi cũng giúp ích rất lớn cho bạn. Bây giờ xin mời bạn hãy:
(1) Đóng cửa văn phòng, không nghe điện thoại, ngồi thư giãn trên ghế, để đầu óc tạm thời trống rỗng, không làm bất cứ việc gì, cũng không cần để ý đến thời gian.
(2) Tuy những công việc chưa hoàn thành trên bàn còn chất chồng như núi, khiến bạn cảm thấy rất phiền phức, nhưng bạn hãy cho phép bản thân được “buông thả” một lúc, “vứt” công việc sang một bên, hai tay đặt lên bàn, gối đầu lên đó một cách thoải mái nhất và ngủ khoảng 15 phút.
(3) Khi đi trên đường, bạn hãy tưởng tượng mình giống như chú chim nhỏ đang bay lượn không trung, điều hòa nhịp thở và nhịp tim. Cho dù đang cực kì nóng ruột để đến kịp cuộc họp, bạn cũng nên nhắc nhở bản thân duy trì trạng thái cân bằng, vì sớm muộn gì bạn cũng sẽ đến nơi thôi.
(4) Nếu bình thường bạn không có thói quen nghe nhạc, thì khi tinh thần căng thẳng bạn nên thử bật nhạc lên và thưởng thức những giai điệu trữ tình, du dương, để cả cơ thể đắm chìm vào không gian âm nhạc. Giả dụ bạn muốn tự mình cất giọng hát một ca khúc nào đó thì hiệu quả giải tỏa căng thẳng sẽ càng tốt hơn.
(5) Gọi điện thoại cho bạn bè hoặc để tinh thần tập trung vào sở thích cá nhân, ngắm nghía những chú cá vàng đang bơi lượn trong bể cá.
QUẢN NGƯỜI PHẢI QUẢN TỪ TÂM
Một công ty hay đoàn thể đều là tập hợp của rất nhiều người đến từ khắp mọi nơi. Là người lãnh đạo, bạn đã bao giờ thử nghĩ: Những con người với tính cách, phẩm chất khác nhau tại sao lại quy tụ xung quanh bạn, nghe theo sự chỉ đạo của bạn, làm việc cho bạn chưa?
Tục ngữ có câu: “Đốt cây phải đốt gốc, quản người phải quản từ tâm”. Người lãnh đạo phải nắm rõ được tâm tư, nguyện vọng cùng nhu cầu của cấp dưới và giúp họ cảm thấy thỏa mãn thì mới có thể khiến họ tin tưởng.
Những nguyện vọng và nhu cầu đó là:
1. Làm cùng một việc, nhận cùng mức thù lao
Đa số nhân viên đều hi vọng công việc của họ có thể nhận được sự đền đáp xứng đáng, ví dụ: Công việc như nhau phải được nhận thù lao như nhau. Cấp dưới sẽ tỏ ra không bằng lòng khi thấy người khác làm công việc y như họ mà được trả nhiều tiền hơn. Họ mong muốn thu nhập của bản thân phù hợp với mức thang chung. Xa rời các nguyên tắc chuẩn mực này khiến nhân viên không khỏi nghĩ ngợi, có thể làm cho họ nảy sinh tâm lý bất mãn.
2. Được xem như một “người quan trọng”
Cấp dưới mong muốn bản thân được coi trọng trong mắt cấp trên và đồng nghiệp. Họ hi vọng thành tích làm việc xuất sắc của họ nhận được sự thừa nhận của tập thể. Cấp trên động viên vài câu, vỗ vai hoặc tăng lương cho họ, đều có thể đáp ứng nhu cầu này.
3. Từng bước tiến tới cơ hội thăng chức
Cấp dưới luôn mong muốn có cơ hội thăng chức trong công việc. Không ngừng phát triển là một nhu cầu tất yếu và vô cùng quan trọng. Những công việc không nhìn thấy tiền đồ dễ khiến cấp dưới bất mãn, sau cùng có thể dẫn đến việc họ từ chức.
4. Được làm công việc thú vị ở một nơi dễ chịu
Cấp dưới thường xếp điều này phía trên rất nhiều yếu tố khác. Họ hi vọng có được một môi trường làm việc an toàn, sạch sẽ, thoải mái. Nhưng nếu họ không có hứng thú với công việc, thì dù nơi làm việc thoải mái cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì. Đương nhiên, những công việc khác nhau đối với những người khác nhau có sức hấp dẫn khác nhau. Cùng một món ăn nhưng đối với người này là món ngon, còn đối với người khác lại dở tệ. Vì vậy, lãnh đạo nên suy nghĩ kĩ càng và nghiêm túc trong việc chọn lựa và sắp xếp công việc cho cấp dưới.
5. Được “đại gia đình” đón nhận
Cấp dưới rất mong có sự công nhận của cấp trên và đồng nghiệp. Nếu nhu cầu đó không được đáp ứng, họ có khả năng sa sút về mặt tinh thần, làm việc kém, hậu quả là một phần hoặc thậm chí toàn bộ quy trình công việc sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Cấp dưới không chỉ mong muốn bản thân gắn bó với tập thể công ty, là một thành viên trong đó, mà họ còn muốn có được cảm giác mình cũng đứng trong hàng ngũ lãnh đạo, là một người quản lý. Cấp dưới đều mong muốn cấp trên khen ngợi họ, cùng họ trao đổi công việc, cùng thảo luận những thay đổi có thể xảy ra hoặc đề ra phương pháp mới cho công việc, được trực tiếp nhận thông tin từ phía lãnh đạo, chứ không phải thông qua bất cứ kênh “hành lang” nào khác. Việc này sẽ tạo cho cấp dưới cảm thấy họ là một thành viên quan trọng của công ty, cảm nhận được sự tín nhiệm mà cấp trên dành cho họ.
6. Lãnh đạo đừng là “kẻ ăn hại”
Cấp dưới cần cấp trên tin tưởng. Họ bằng lòng làm việc cho người hiểu chức trách của họ, có khả năng đưa ra những quyết định đúng đắn và hành xử công bằng, vô tư, chứ không mong muốn gặp phải một “kẻ ăn hại” làm lãnh đạo của họ.
Mức độ coi trọng những nhu cầu và nguyện vọng này đối với mỗi cá nhân có sự khác nhau. Là người lãnh đạo, bạn nên nhận thức được những nhu cầu cá nhân này, cũng như mức độ coi trọng của cấp dưới về những nhu cầu đó. Đối với nhân viên này, cơ hội thăng tiến là quan trọng nhất, nhưng đối với nhân viên khác, điều kiện và môi trường làm việc là ưu tiên hàng đầu.
Phân biệt nhu cầu của người khác không phải là việc dễ dàng, vì thế người lãnh đạo nên tìm hiểu kĩ. Cấp dưới của bạn ngoài miệng nói muốn cái này nhưng trên thực tế điều họ muốn lại hoàn toàn khác. Ví dụ, họ có thể than thở rằng không hài lòng với tiền lương, nhưng nhu cầu thực sự của họ lại là muốn nhận được sự thừa nhận của các đồng nghiệp khác. Để giải quyết tốt mối quan hệ nơi công sở, bạn nên tìm hiểu những nhu cầu này và nỗ lực hết sức để tạo điều kiện cho cấp dưới. Những lãnh đạo biết nỗ lực vì điều này thường có mối quan hệ tốt đẹp với cấp dưới, trên dưới một lòng, giúp công việc được vận hành một cách trơn tru, hiệu quả.
KHƠI DẬY SỰ NHIỆT TÌNH CỦA BẢN THÂN
Thái độ thờ ơ là một trạng thái tâm lý, còn được gọi là sự lãnh đạm trong tâm hồn. Thông thường, vẫn có người khổ sở tâm sự với bác sỹ tâm lý: “Tôi không thể có được cảm xúc mãnh liệt”, hoặc “Tại sao ở những nơi hết sức náo nhiệt, sôi động nhưng tôi vẫn không thể nào có được tinh thần phấn chấn như những người khác?” Những biểu hiện trên đây cũng đủ cho thấy bạn bị mắc chứng lãnh đạm tâm lý. Đặc điểm của trạng thái tâm lý này là cách sống thiên về nội tâm, tình cảm mềm yếu, tâm trạng dễ xúc động, từ đó biểu hiện ra bên ngoài dưới nhiều dạng hành vi khác nhau.
Khi tiến hành khảo sát cụ thể ở những người mắc chứng lãnh đạm, nguyên nhân được cho là người mắc do luôn có tâm lý đề phòng và tự vệ bản thân trên mức độ cần thiết gây ra. Thực tế, nhiều người có biểu hiện bên ngoài rất lạnh lùng, nhưng không phải họ thiếu tình cảm. Chỉ là họ khá trầm, nội tâm của họ không dễ dàng bộc lộ ra ngoài. Khi gặp được tri kỉ, họ vẫn sẵn sàng nhiệt tình giúp đỡ.
Nhưng để mở được cánh cửa “tâm hồn” luôn khép chặt này thì quả thực không dễ chút nào. Những người có tính cách lãnh đạm thường có rất ít bạn. Vì thế, họ càng ít nhận được sự động viên hoặc khen ngợi từ bạn bè. Do đó, nếu bạn là một người sống hướng nội, tính tình lãnh đạm, hoặc có xu hướng này, bạn cần nghĩ cách để mở rộng cánh cửa “tâm hồn” mình ra với thế giới xung quanh.
Cách dễ nhất để công phá “lô cốt” là tấn công từ bên trong. Khi bản thân chúng ta thực sự có mong muốn mở lòng để đón nhận và giao lưu kết bạn, khi ấy chúng ta mới có được tình cảm của mọi người. Nếu không, bạn bè sẽ xa lánh chúng ta và chúng ta cũng không thể nhận được tình cảm từ họ.
Nói tóm lại, phải làm thế nào để thay đổi được tình trạng này? Chúng ta hãy bắt đầu từ những việc sau:
1. Bồi đắp lòng nhiệt tình
Lãnh đạm là chán ghét cuộc sống và với chính bản thân mình. Khi bạn cảm thấy trên thế giới này không còn điều gì thú vị nữa, bạn làm sao có thể khơi dậy được lòng nhiệt tình trong con người mình được? Thái độ lãnh đạm có hại cho chính bản thân người đó và còn ảnh hưởng đến những người xung quanh.
Cuộc sống là sự sáng tạo. Chúng ta phải học cách yêu mến cuộc sống và người sáng tạo ra cuộc sống. Một cuộc sống khắc khổ sẽ khiến bạn cảm thấy buồn bực, chán nản. Vì thế, bạn cần phải biết hưởng thụ cuộc sống, tự tạo ra những niềm vui. Khi tâm trạng phiền muộn, hãy cắt một kiểu tóc mới và bước ra ngoài, tâm trạng của bạn sẽ có chuyển biến tích cực. Khi tâm trạng u ám, bạn hãy thử đến quán trà thưởng thức những bản nhạc êm dịu, xem những cuốn tạp chí vui nhộn, nhâm nhi vị trà thơm ngát, từ đó niềm vui cũng tự nhiên sinh ra. Khi tâm trạng bị kìm nén, hãy “ném” tất cả những điều vụn vặt kia vào sọt rác, đạp xe đi dạo vài vòng, ngâm nga giai điệu bạn yêu thích và cảm nhận những cơn gió xuân đang lướt nhẹ trên khuôn mặt.
Tóm lại, chỉ cần con tim bạn biết cảm thụ thì cuộc sống nơi đâu cũng là cảnh đẹp.
2. Bồi đắp sự đồng cảm
Có những người bên ngoài tỏ ra lãnh đạm, nhưng bên trong lại rất nhiệt tình, họ cũng không hề thiếu sự đồng cảm. Họ hay đề phòng khiến bản thân không dễ dàng mở lòng với mọi người.
Cho nên, nếu ở trong hoàn cảnh đó, chỉ cần bạn bộc lộ sự đồng cảm với mọi người, để họ có cơ hội hiểu con người của bạn hơn. Như thế, mọi người sẽ quý mến bạn hơn.
3. Bồi đắp tinh thần hợp tác
Con người luôn sống trong môi trường tập thể, có nhiều mối quan hệ bạn bè, chỉ có nêu cao tinh thần đoàn kết đồng lòng mới có thể cùng tồn tại. Cũng chỉ có tôn trọng và giúp đỡ người khác mới được người khác tôn trọng và giúp đỡ.
Những thái độ xử thế một mình một bóng, không giao lưu kết bạn... vừa đi ngược lại các nguyên tắc trong một xã hội hội nhập, vừa đưa bản thân vào thế cô lập.
4. Bồi đắp đức tính biết chia sẻ lợi ích với người khác
Cổ nhân có câu: “Yêu người mới được người yêu lại.”
Có thể thấy, con người ai cũng có mong muốn gắn bó với nhau, dựa trên mối quan hệ bình đẳng cùng có lợi. Chỉ khi tham gia vào những mối quan hệ giữa người với người, mới có thể tạo ra tình cảm gắn bó không thể tách rời.
Xét từ góc độ tâm lý học, bồi dưỡng ý thức bình đẳng cùng có lợi dựa trên sự đòi hỏi cho đi tình cảm giữa đôi bên, là sự phát triển song song giữa “cho” và “nhận”. Chỉ khi nào hai yếu tố này được cân bằng, mới có thể tạo ra sự thỏa mãn cho cả hai, từ đó lòng yêu thương con người cũng được sinh ra. Cho nên, muốn nhận được sự khen ngợi từ bạn bè, nhất thiết phải khắc phục được tâm lý lãnh đạm.
MÊ HOẶC TÂM LÝ ĐỐI THỦ
Trên chiến trường, sở trường hay sở đoản trong việc dùng binh của người chỉ huy, hay trong thói quen sinh hoạt và tính cách của người đó, đều có thể trở thành điểm yếu chết người mà đối thủ có thể đem ra lợi dụng hoặc công kích. Nhưng mặt khác, điểm yếu và điểm mạnh của người chỉ huy, nếu biết sử dụng một cách khéo léo, lại có thể khiến đối thủ mắc sai lầm khi phán đoán và tư duy.
Trong Tam Quốc diễn nghĩa, hình ảnh Trương Phi luôn gắn liền với rượu. Trương Phi gặp rượu phải uống, mỗi lần uống ắt phải say, mỗi lần say thể nào cũng xảy ra chuyện. Có thể nói đây là một nhược điểm lớn của Trương Phi. Nhược điểm này đã rất nhiều lần bị đối thủ lợi dụng. Ví dụ, trong hồi thứ mười bốn, khi Trương Phi trấn thủ Từ Châu, Lưu Bị đã dặn dò Trương Phi không được uống rượu hoặc chỉ được uống ít. Nhưng Lưu Bị vừa đi khỏi, Trương Phi liền uống ừng ực và bị say, kết quả là để Lã Bố thừa cơ đánh vào thành khiến Từ Châu thất thủ. Tuy nhiên, sau này trải qua quá trình rèn luyện trong chiến trận, nhược điểm của Trương Phi lại biến thành một chiêu thức dẫn dụ làm tê liệt đối phương. Khi Trương Phi đánh Trương Cáp ở núi Đãng Cừ đã thể hiện rõ điểm này.
Tam quốc diễn nghĩa hồi thứ mười bảy viết, Trương Phi sau khi đánh Trương Cáp ở vùng Ba Tây, hô quân thừa thắng truy kích một mạch tới tận chân núi Đãng Cừ. Trương Cáp lợi dụng địa thế đóng quân có lợi nên kiên quyết không ra, cố thủ đến hơn 50 ngày. Trương Phi không có cách nào, liền hạ trại trước núi, ngày ngày uống rượu, hơn nữa còn uống đến say khướt, ngồi trước núi mà chửi bới Trương Cáp. Lưu Bị sau khi hay tin, vô cùng lo lắng, vội vã tìm Khổng Minh bàn bạc. Gia Cát Lượng không những không hoang mang, còn lập tức phái Ngụy Diên đem tặng ba xe rượu ngon, trên còn cắm cờ lớn mang dòng chữ “Rượu ngon uống trước trận tiền”. Sau khi Trương Phi nhận được rượu ngon, liền uống nhiều hơn trước, còn đem rượu bày trước doanh trại, “lệnh cho ba quân trống rong cờ mở mà uống”. Trương Cáp trên núi nhìn thấy cảnh tượng này, trong lòng không kìm được ý định tấn công, liền thừa lúc đêm tối, dẫn quân xuống núi, đột kích doanh trại quân Thục. Khi Trương Cáp xông vào doanh trại của Trương Phi, thấy trong lều một người cao lớn đang ngồi gục trên bàn liền giơ thương lên đâm. Đâu ngờ, đó lại là một Trương Phi giả - bù nhìn rơm. Kết quả, quân Ngụy rơi vào bẫy mai phục của Trương Phi, Trương Cáp bị đánh bại. Tất cả các trại Đãng Cừ, Mông Đầu, Đãng Thạch của quân Tào đều bị Trương Phi chiếm hết.
Câu chuyện trên giúp chúng ta hiểu rằng, mỗi người muốn sống dễ chịu, thoải mái trong xã hội cạnh tranh khốc liệt này nên biết cách thay đổi thói quen sinh hoạt và tính cách của mình, và phải biết cách khéo léo vận dụng nhược điểm của mình để lập mưu, đánh lừa đối thủ.
Thực tế đã chứng minh, đặc điểm và thói quen của một người rất dễ hình thành công thức tư duy để đối thủ dựa vào đó mà phán đoán tình hình. Những người thông minh, nếu hiểu rõ được ưu, nhược điểm của bản thân, thì hoàn toàn có thể áp dụng chiêu này khiến đối thủ mắc bẫy. Trương Phi vốn nổi tiếng vì uống rượu mà làm hỏng việc, nhưng trong trận đánh trên, Trương Phi lại lợi dụng việc này mà dụ Trương Cáp ra khỏi núi Đãng Cừ, thì nhược điểm ấy lại trở thành một tuyệt kĩ của việc dùng mưu.