* “Hiểu lễ thì đi khắp thiên hạ, vô lễ một bước cũng khó khăn”. Câu châm ngôn này ý nói, những người thiếu “lễ” thì đi đâu cũng gặp khó khăn.
* Trao và nhận danh thiếp tuy chỉ là tiểu tiết, nhưng nó phản ánh một cách rõ nét trình tự văn hóa của mỗi người.
* Hàn huyên là chất xúc tác trong giao tiếp, cũng là một phương pháp giao lưu hết sức tự nhiên, giúp bắc nhịp cầu hữu nghị giữa những người trong cuộc với nhau.
* “Lễ” mà chúng ta vẫn nói đến hàng ngày phải thực chất, nếu giả tạo chỉ khiến người khác khinh ghét.
LÀM NGƯỜI LỊCH SỰ
Người phương Đông từ xưa đến nay vẫn được coi là luôn coi trọng chữ “lễ”; có thể thấy rằng, những nhà lãnh đạo sống trong môi trường đó tuyệt đối không thể không biết “lễ”. Giữa bạn bè, hôm nay anh tặng tôi quả lê, ngày mai tôi nên tặng lại anh quả táo, hay nói cách khác “Có qua mà không có lại là vô lễ” chính là đạo lý này.
Tuy nhiên, những người không coi trọng chữ “lễ” quanh ta ngày càng nhiều. Trong ngày đầu tiên đến nhập học, một cậu tân sinh viên phải lên phòng hành chính để điền thông tin cá nhân. Do hành lý mang theo nhiều mà không biết gửi ở đâu nên anh chàng vô cùng sốt ruột. Lúc này, cậu bỗng nhìn thấy một ông lão đang đi bộ về phía mình, thế là chẳng chào hỏi gì, cậu liền nói: “Nhờ ông trông giúp hành lý”. Ông lão cứ thế ngồi trông đống đồ cho đến khi chàng trai quay lại, nhưng cậu ta lại ung dung xách hành lý đi mà ngay đến một câu “Cảm ơn” cũng không có. Điều mà cậu ta không ngờ tới chính là, trong lễ khai giảng ngày hôm sau, cậu lại nhìn thấy ông già này. Ông đứng trên sân khấu nhìn xuống đông đảo sinh viên ngồi phía dưới và vẫy tay chào. Người dẫn chương trình giới thiệu, ông chính là nhà giáo ưu tú của trường.
Có một câu chuyện khác tương tự. Một sinh viên đạp xe đi loanh quanh trong khuôn viên trường, do không cẩn thận đâm sầm vào một ông lão. Cậu ta lập tức buông một câu: “Ông không có mắt à?” Câu nói này làm ông lão choáng váng vì một người dạy học cả đời như ông cũng không dám tin rằng sinh viên của trường lại có những lời nói như vậy. Tất nhiên, những câu chuyện này do được lưu truyền rộng rãi, nên tình tiết cụ thể có thể sai lệch đi chút ít là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, hai ví dụ trên có thể chứng minh rằng, ngay cả trong môi trường giáo dục con người còn có hành vi như vậy thì nói gì những nơi khác.
Nếu là một ai đó khác, vô “lễ” thì có thể tha thứ được. Nhưng khi đã ở trên cương vị lãnh đạo, nếu bạn còn giữ thói quen làm những việc khiến người khác phản cảm thấy thì không thể chấp nhận được. Chúng ta cần biết rằng, “lễ” cũng là một cách thể hiện trí tuệ của mỗi người, thể hiện sự tôn trọng đối với người khác mà không làm họ cảm thấy phản cảm. Nó cũng là cách tự nhiên giúp người lãnh đạo mở rộng không gian cho mình, là nguyên tắc con người sống trong xã hội hiện đại bắt buộc phải tuân thủ. “Hiểu lễ đi khắp thiên hạ, vô lễ một bước cũng khó khăn”, theo ý nghĩa của câu châm ngôn này, những người không hiểu “lễ” thì đi đâu cũng gặp khó khăn.
Nhưng điều cần đặc biệt chú ý là, “lễ” mà chúng ta vẫn nói hàng ngày cần phải thực chất. Những điệu bộ giả dối, không chân thành hay những lời khách sáo, nịnh hót sẽ khiến người khác nghi ngờ. Vậy nên, đối phương cũng trả lời bạn bằng những lời khách sáo, như thế vô hình trung chúng ta đã làm rất nhiều việc vô nghĩa.
Chào hỏi là một khâu quan trọng không thể thiếu khi gặp nhau. Khi chúng ta viết thư, gọi điện thoại, trước tiên cần hỏi thăm người khác; khi gặp người quen cũng phải chào hỏi, đây là những hình thức chào hỏi xã giao mà chúng ta vẫn hay nhắc đến.
Trong những tình huống giao tiếp với người nước ngoài, người ta thường dùng những câu thăm hỏi phổ biến và phù hợp như: “Chào anh/chị”, “ Rất vui được gặp anh/chị”. Hơn nữa, khi chào hỏi cần phải hòa nhã, thân thiện, nét mặt vui tươi. Nếu không, người khác sẽ cảm thấy nghi ngờ về sự chân thành của bạn.
Những lời thăm hỏi mà chúng ta thường dùng là: “Anh ăn cơm chưa?”, “Chị mới về đấy à?”. Khi viết thư hoặc gọi điện thoại, người ta thích dùng những câu chào hỏi như: “Bạn có khỏe không?”, “Dạo này anh đang bận việc gì?”. Những câu thăm hỏi này dùng để thể hiện sự quan tâm đối với đối phương, khiến người nghe cảm thấy thân thiết. Tuy nhiên, với người nước ngoài lại hoàn toàn khác. Có một ông lão rất nhiệt tình, cho dù gặp người quen hay người lạ đều thích chào hỏi, bắt chuyện. Một lần, ông lão đứng đợi xe ở bến xe buýt, đúng lúc đó, một du khách nước ngoài quay sang mỉm cười với ông. Ông lão liền nhiệt tình chào hỏi: “Anh đi đâu vậy?” Sau khi hiểu ra câu hỏi, vị khách du lịch ngoại quốc mặt mày biến sắc. Người nước ngoài đề cao tự do cá nhân, họ không thích bị người khác can thiệp vào đời tư cá nhân của mình. Họ rất khó tiếp nhận những lời chào hỏi như vậy. Vì đối với họ, những lời chào hỏi kiểu này là cố ý dò xét chuyện riêng tư hay can thiệp vào cuộc sống tự do của người khác.
Khi giao tiếp với người nước ngoài, có thể sử dụng câu chào có tính chất chung chung như: “Xin chào”. Ngoài ra, còn có một cách chào hỏi khác, đó là ra hiệu. Do kiểu chào hỏi này là những lời hỏi thăm không lời (mỉm cười, gật đầu, giơ tay, khom người và cởi mũ), nên, khi ra hiệu chào hỏi không nên cách đối phương quá xa, cũng không được đứng bên cạnh hay sau lưng, phải làm sao để họ có thể nhìn thấy được. Lúc chào hỏi nên chú ý biểu lộ nét mặt thân thiện, hòa nhã.
Chào hỏi cũng có quy tắc nhất định. Nam giới nên chào hỏi nữ giới trước, người ít tuổi nên chào hỏi người nhiều tuổi trước, học sinh nên chào hỏi thầy cô giáo trước, cấp dưới nên chào hỏi cấp trên trước. Còn với những phụ nữ trẻ tuổi, khi gặp nam giới nhiều tuổi hơn mình nên chủ động chào hỏi trước, chứ không nên đợi đối phương đến chào hỏi mình, làm như vậy mới là biểu hiện của phép lịch sự.
Chào hỏi cũng có rất nhiều cách. Mỉm cười tức là biểu lộ nét mặt vui vẻ, không cần phát ra âm thanh, không hiện rõ nụ cười. Cách này có thể dùng cho bạn bè, đồng nghiệp gặp mặt nhau nhiều lần ở cùng một nơi, cũng có thể dùng trong trường hợp giao tiếp xã giao với những người không quen biết. Gặp bạn bè cũng có thể gật đầu chào, đầu nên hơi hướng xuống dưới, nhưng biên độ không cần quá lớn, cũng không cần gật đầu lia lịa. Khi hỏi thăm những người quen mà ở khoảng cách xa, thông thường chỉ cần vẫy tay để ra hiệu chào hỏi đối phương mà không cần thiết phải cất lời. Chỉ cần giơ thẳng cánh tay phải, lòng bàn tay hướng về phía đối phương rồi vẫy tay là được. Cúi chào là một cách ra hiệu chào hỏi thường thấy, biểu thị sự kính trọng đối với người khác, phạm vi sử dụng cũng khá rộng: Ngả mũ chào cũng là cử chỉ khá thông dụng. Nếu gặp bạn bè ngoài đường thì có thể quay người lại chào một câu, một tay khẽ nhấc mũ tỏ ý chào, không nhất thiết phải ngả mũ.
Cách chào hỏi với phụ nữ khá đơn giản, chỉ cần gật đầu hoặc mỉm cười là được, không cần đắn đo trong trường hợp nào hoặc có đội mũ hay không.
Trong những trường hợp khi gặp gỡ người quen có địa vị cao đang nói chuyện với ai đó ở nơi đông người, lập tức chạy đến chào hỏi là hành động không lịch sự. Nên đợi sau khi họ nói chuyện xong rồi hãy đến chào hỏi.
Khi bạn bè chào hỏi, cho dù tâm trạng của bạn lúc đó thế nào, thì ngay sau đó bạn cũng nên đáp lại họ bằng cách mà họ vừa chào hỏi bạn.
TẶNG QUÀ CŨNG CẦN CÓ TRI THỨC
Trong các tình huống giao tiếp xã hội, tặng quà hoặc vật lưu niệm là điều thường gặp. Đây là một cách để thể hiện tình cảm.
Quà tặng có thể chia ra làm hai loại, quà lưu niệm và quà thăm hỏi.
1. Quà lưu niệm
(1) Quà cưới: Tặng vợ chồng mới cưới quà lưu niệm là một cách thức để chúc mừng hạnh phúc. Trước khi tặng quà nên tìm hiểu tình hình kinh tế và hoàn cảnh của đối phương, sau đó mới quyết định xem tặng quà gì. Quà tặng nhất thiết phải được đưa trước hôn lễ, không nên quá xa xỉ.
(2) Quà mừng khai trương: Khi tặng quà mừng công ty hoặc trung tâm thương mại khai trương hay chuyển đến địa điểm mới, khai mạc triển lãm... thông thường quà tặng được chọn là bức trướng, bức tranh... Hiện nay, ở nhiều nơi, quà tặng phổ biến nhất là lẵng hoa, vì vừa có không khí, hơn nữa chi phí cũng không quá cao nên được mọi người ưa chuộng.
(3) Quà sinh nhật: Thông thường có thể tặng sách, album ảnh, hoa tươi, bánh gato...
(4) Quà động viên: Lên lớp, tốt nghiệp, điều chuyển công tác, đoạt giải... thông thường tặng những vật dụng vừa có giá trị sử dụng, vừa có ý nghĩa kỉ niệm như album ảnh, vợt cầu lông, sách vở bút...
2. Quà thăm hỏi
(1) Thăm hỏi người bệnh: Khi bạn thân, người nhà, bạn học, đồng nghiệp, lãnh đạo ốm, đến bệnh viện thăm nom họ là cách thể hiện tình cảm thường tình của con người, cũng là một phần quan trọng trong cách thức giao tiếp xã hội. Như thế, đôi bên có thể hiểu nhau hơn, tăng thêm tình cảm, khiến bệnh nhân và người nhà bệnh nhân được động viên, an ủi về mặt tinh thần.
Những người bệnh phải nhập viện điều trị ngoài những đau đớn về thể xác, họ còn gặp những trở ngại tâm lý như cảm giác cô đơn, lẻ loi, buồn rầu. Do đó, trước khi đến thăm bệnh nhân, cần tìm hiểu về bệnh tình và tâm lý người bệnh để tiện cho việc quan tâm, an ủi họ. Không nên tỏ thái độ kinh ngạc khi nhìn thấy những thiết bị điều trị xung quanh giường bệnh hay sắc mặt người bệnh. Nên ngồi xuống bên mép giường, không nên đứng trước giường bệnh khoa chân múa tay, mặt mày ủ rũ, gây cho bệnh nhân cảm giác không thoải mái.
Khi thăm bệnh, không nên hỏi thăm trực tiếp bệnh tình, chẳng hạn như: “Anh làm sao thế?” mà nên hỏi một cách khéo léo như: “Hôm nay anh đã cảm thấy đỡ hơn nhiều rồi chứ?” Trong cuộc trò chuyện, nên khuyến khích người bệnh nói nhiều hơn, cần động viên người bệnh theo hướng lạc quan, không đề cập đến những vấn đề dễ làm họ không vui hoặc làm tổn thương đến lòng tin của họ.
Khi đến thăm, ngoài những đồ có thể mang theo như hoa quả, thức uống và thực phẩm bổ dưỡng, cũng có thể đem cho họ những cuốn sách hay truyện tranh có tính chất giải trí... Thời gian vào thăm không nên quá lâu, thường từ mười lăm phút đến nửa tiếng là thích hợp nhất.
(2) Lễ nghi phúng viếng: Phúng viếng là nghi lễ thể hiện sự quan tâm, an ủi đối với chuyện bất hạnh của bạn thân, đồng nghiệp, là tình cảm cao cả giữa người với người, vì vậy nên cư xử nghiêm túc. Nếu không thể tự mình đến phúng viếng do khoảng cách địa lý quá xa, thì nên viết thư hoặc gọi điện chia buồn. Khi tham gia lễ truy điệu có thể phúng vòng hoa, trướng, thể hiện sự chia buồn, thương tiếc đối với người đã khuất. Khi tới viếng, nét mặt phải nghiêm túc, ăn mặc giản dị, lịch sự, trang nhã, không nên mang đồ trang sức.
Sau khi viếng, tùy theo quan hệ thân sơ mà nên có đôi lời an ủi người thân của người đã mất, khuyên họ bớt đau thương, giữ gìn sức khỏe. Nếu là bạn thân nên giúp đỡ giải quyết một số công việc cụ thể, các dịp lễ tết nên đến thăm nom gia đình của người quá cố.
(3) Thăm hỏi người dân bị thiên tai: Thông thường, nên tặng những vật dụng có giá trị sử dụng như: chăn đệm, quần áo, lương thực...
(4) Các ngày lễ tết như Trung thu, Nguyên tiêu, Đoan ngọ... nên tặng bánh trái hay hoa quả theo mùa. Nguyên tắc của biếu tặng quà là “của ít lòng nhiều”, tùy tâm, tùy theo khả năng mà lựa chọn cho thích hợp.
LỄ NGHI KHI MỜI KHÁCH
Khi triệu tập họp hành hay tổ chức hội nghị, người lãnh đạo luôn phải quan tâm tới vấn đề khách mời. Vậy mời khách cần chú trọng những điều gì đây?
1. Nên gửi thư mời như thế nào?
Khi quyết định gửi thư mời nên cho in sẵn hay tự mình viết tay? Gọi điện thoại hay gặp mặt trực tiếp mời khách?
Nếu số lượng khách được mời khá đông (trên 15 người), cách xử lý tốt nhất là mời bằng thư.
Ví dụ, nếu công ty bạn tổ chức một bữa tiệc để cảm ơn nhân viên đã hoàn thành một nhiệm vụ quan trọng, trong đó có mời thêm một số đối tác thì nên dùng phương thức gửi thư mời qua đường bưu điện. Nhưng nếu bạn chỉ mời một vài đồng nghiệp đi nhà hàng dùng cơm trưa thì gọi điện thoại mời là thích hợp.
Khi quyết định mời bất kì ai, bạn cũng nên cân nhắc kĩ càng những vấn đề sau: Bữa tiệc chính thức hay phi chính thức? Có khó khăn khi liên hệ bằng điện thoại không?
2. Dùng email có biểu lộ được tình cảm?
Dùng email gửi thư mời có thể là một phương thức rất tiện lợi, đặc biệt khi bạn quen dùng hòm thư điện tử, tin nhắn thoại hoặc fax để liên lạc với người khác. Dùng email tuy tiết kiệm được thời gian, tiền bạc, nhưng phương thức này hoàn toàn không phù hợp vì bản thân việc mời khách phải có sự nhiệt tình và sắc thái tình cảm, điều mà bức thư điện tử lạnh lẽo kia khó có thể thay thế được.
Cho dù viết tay hay in ấn, chất liệu giấy của thư mời đều phải được chọn lựa cẩn thận. Ví dụ, giấy có màu sắc và hoa văn đều không phù hợp với thư mời chính thống. Những tờ giấy có in hoa hoặc chữ hoa điểm xuyết có thể nhìn rất đáng yêu, nhưng lại không phù hợp xuất hiện trên thư mời những cổ đông quan trọng. Vì vậy, nhất thiết phải kiểm tra mẫu giấy để chọn ra loại phù hợp nhất. Khi bạn đứng từ góc độ người nhận để suy nghĩ về ấn tượng mà thư mời tạo ra đối với họ, nhất định bạn sẽ có được sự lựa chọn đúng đắn.
Khi tìm người in thư mời, bạn cũng không nên quá lệ thuộc vào những câu chữ rỗng tuếch trong các bản in mẫu. Đã bao nhiêu lần bạn nhận được những bức thư mời mà bạn cảm thấy cách diễn đạt câu cú chẳng ăn nhập gì với phong cách của người gửi không?
Cho dù bạn gửi thư mời dưới danh nghĩa của công ty, hiệp hội chuyên ngành hay cá nhân thì cách biểu đạt và ngữ khí phải phù hợp với người đứng ra mời.
3. Thư mời nên được gửi khi nào?
Bạn thường khó có nhiều thời gian để có thể gửi thư mời trước từ tám đến mười tuần khi hội nghị diễn ra. Tuy nhiên, khi bạn gửi thư mời đi sớm nhất có thể, người được mời sẽ có đủ khả năng để sắp xếp thời gian ổn thỏa, hoặc sẽ kịp thời điều chỉnh lại lịch công việc của họ để tham dự hội nghị.
Nếu muốn tổ chức một buổi tiệc lớn, bạn bắt buộc phải thông báo số lượng khách mời cho nhà hàng, do đó, bạn cần nắm trước được số người sẽ tới tham dự, để nơi tổ chức có thể cung cấp những dịch vụ tốt nhất. Trong tình huống này, thư mời gửi đi trước hai tuần là thích hợp. Những buổi hội họp nhỏ hơn thì chỉ cần gửi đi trước khoảng một tuần là đủ. Trừ khi bạn đã quen với những cuộc tụ tập ngẫu hứng kiểu gia đình hoặc bạn bè thân thiết, không thì nên chú ý tuân theo những nguyên tắc này.
4. Yêu cầu thời gian phúc đáp phù hợp
Đa số mọi người đều phải kiểm tra lại lịch làm việc của mình, sau đó mới có thể phúc đáp thư mời, nên việc mong đợi người khác lập tức phúc đáp là yêu cầu không hợp lý. Còn có một số người phải di chuyển từ xa tới mới có thể đến được nơi tập hợp. Do đó họ cần thời gian tìm hiểu thêm thông tin về chuyến đi.
Ví dụ nếu bạn muốn tổ chức tiệc vào ngày 3 tháng 9, để hoàn thành những công tác chuẩn bị sau cùng, đừng ngần ngại yêu cầu khách mời phúc đáp trước ngày 28 tháng 8. Như vậy, bạn sẽ có thời gian chốt danh sách khách mời và kịp thời liên hệ với những vị khách phúc đáp muộn hoặc chưa phúc đáp. Có nhiều nguyên nhân khiến thư mời không được gửi đến nơi, do đó, sau khi gửi đi bạn phải gọi điện thoại xác nhận lại. Nếu như khách đã nhận được thư mời, qua điện thoại cũng nên đề cập đến việc phúc đáp trước ngày đã định.
VĂN HÓA UỐNG RƯỢU
Uống rượu là một phần không thể thiếu trong các bữa tiệc, hơn nữa nó cũng trở thành một thói quen tất yếu trong cuộc sống thường nhật của người lãnh đạo. Cho dù ở những quốc gia hay khu vực khác nhau, những loại rượu được yêu thích cũng khác nhau, nhưng uống rượu cũng có những quy tắc chung cần tuân thủ.
1. Chọn rượu và rót rượu
Thông thường có hai cách chọn rượu. Thứ nhất là trong buổi tiệc có đồ ăn và rượu đã được đặt sẵn. Đây thường là tiệc được chuẩn bị từ trước với quy mô lớn, rượu sau khi được pha chế do nhân viên phục vụ bưng lên bàn tiệc. Trong các buổi tiệc xã giao ở các nước phương Tây, thông thường để cho thuận tiện, người ta thường bày sẵn rượu trắng và sâm panh. Thứ hai là trong buổi tiệc, đồ ăn và rượu chưa định sẵn và chỉ được gọi ngay trước khi diễn ra bữa tiệc. Là chủ nhân của những buổi tiệc như thế này, bạn cần gọi người phục vụ đem đến danh sách các loại rượu hoặc gọi nhân viên chuyên phục vụ rượu. Nếu bạn là lãnh đạo nữ chủ trì bữa tiệc, mà trong số khách mời có cả nam giới, thì nên mời một vị khách nam chọn rượu cho mình. Người được mời chọn rượu nên vui vẻ nhận trách nhiệm này. Nếu không hiểu biết về rượu hoặc biết rất ít thì nên nhờ nhân viên phục vụ giúp đỡ.
Trên bàn tiệc, rượu phải phù hợp với đồ ăn được chọn. Quy tắc kết hợp giữa rượu và đồ ăn là: khi dùng món khai vị, có thể phối hợp với cocktail đỏ hoặc trắng. Rượu có hai loại đỏ và trắng. Khi ăn súp dùng rượu vang trắng; khi ăn cá dùng rượu whisky nhưng kị pha với nước soda; khi ăn các loại thịt dùng rượu vang đỏ; khi dùng đồ tráng miệng thì uống sâm panh hoặc rượu nho; sau khi dùng bữa xong, có thể dùng thêm loại rượu nhẹ cho thơm miệng.
Trong những buổi tiệc chính thức, sau khi chọn được rượu sẽ có nhân viên phục vụ đến rót rượu. Thông thường sau khi bật nắp chai, nhân viên phục vụ sẽ rót một chút rượu vào ly, mời chủ nhân bữa tiệc nếm thử. Chủ nhân bữa tiệc nên uống một ngụm nhỏ rồi đưa ra nhận xét, khi cảm thấy rượu đã phù hợp với yêu cầu mới nói với người phục vụ bắt đầu rót rượu cho các vị khách. Trình tự của việc rót rượu là: nên bắt đầu từ vị khách ngồi ở vị trí bên phải người chủ trì bữa tiệc rồi lần lượt đến các vị trí bên trái. Nhân viên đứng phía bên trái của khách để rót rượu, mặt nhãn chai nên hướng về phía khách, mỗi ly rượu được rót xong, cổ chai rượu sẽ được đưa lên cao và xoay nhẹ nhàng về bên phải, tránh trường hợp rượu rớt xuống bàn hoặc vào khách. Nhân viên phục vụ mang cả rượu mạnh và rượu nhẹ. Thông thường họ sẽ rót rượu mạnh trước, nhưng nếu khách không muốn rượu mạnh, thì đổi sang rót rượu nhẹ. Rượu không nên rót quá đầy, khoảng tám phần ly là được.
2. Chúc rượu và cạn ly
Trong các buổi tiệc chiêu đãi, chủ nhân đều có thói quen chúc rượu khách mời, các vị khách cũng thường chúc rượu nhau. Khi chúc rượu, thân người phải thẳng, hai tay nâng ly rượu và khẽ gật đầu tỏ ý mời khách, khách uống trước rồi chủ nhân mới uống. Thái độ khi chúc rượu cần tự nhiên, nhiệt tình, vui vẻ. Trong những buổi tiệc lớn, chủ nhân sẽ lần lượt đến từng bàn để chúc rượu và mỗi bàn nên cử đại diện chúc rượu lại.
Một buổi tiệc vui không chỉ nhờ sự kích thích của men rượu mà còn nhờ không khí của buổi tiệc nên văn hóa uống rượu càng trở nên quan trọng.
Chúc rượu người khác là thể hiện sự chúc mừng, chúc phúc nên khi chúc rượu nên chú ý những điểm sau: Trước tiên, cần tìm hiểu thói quen uống rượu của đối phương, biết rõ mình sẽ chúc rượu ai, khi nào, để có sự chuẩn bị cần thiết.
Thông thường, theo quy tắc xã giao, việc đề nghị mọi người cạn ly hay chúc rượu khách nên do chủ nhà là nam giới đảm nhiệm.
Trong buổi tiệc đặc biệt được tổ chức để đón tiếp một vị khách quý, sau khi chủ nhân nam giới chúc rượu xong, người khách đó cũng có thể chúc rượu lại.
Khi chạm ly, chủ nhân và khách chính chạm ly trước, những vị khách khác có thể nâng ly lên ra hiệu, không nhất thiết phải trực tiếp chạm ly.
Khi chạm ly, chú ý không được vòng qua người khác. Khi chủ nhân hoặc khách chính phát biểu và chúc rượu, khách mời tham dự nên tạm dừng dùng cơm, ngừng nói chuyện, chú ý lắng nghe.
Sau khi chủ nhân và khách chính phát biểu xong rồi chạm ly với những vị khách có mặt, trong tình huống này mọi người nên đứng dậy nâng ly.
Khi chạm ly, cần nhìn thẳng vào đối phương bày tỏ thành ý.
Theo thông lệ, khi chúc rượu thường dùng sâm panh, không dùng các loại rượu hay bia thông thường.
Khi tham gia các buổi tiệc cần tránh uống quá nhiều dẫn đến lỡ lời, mất kiểm soát hành vi.
Khi cần cạn ly, nên dựa theo trình tự chủ khách, để chủ nhân và khách chính cạn ly trước. Khi cạn ly, thái độ phải lịch sự, từ tốn, có thể nói một vài câu ngắn gọn thể hiện tình hữu hảo. Sau khi cạn ly nên gật đầu bày tỏ thành ý. Nếu khách đông thì có thể nâng ly chúc rượu cùng một lúc, không nhất thiết phải chạm ly từng người một.
Trong các bữa tiệc chính thức ở các nước phương Tây, thông thường chủ nhân sẽ nâng ly trước, và mời các vị khách cùng nâng ly. Nếu nâng ly chúc sức khỏe của phụ nữ trong bữa tiệc thì không được bỏ qua bất kì người phụ nữ nào có mặt ở đó. Các vị khách, người bề dưới hay phụ nữ thông thường không nên chủ động đề nghị cạn ly chúc sức khỏe trước với chủ nhà, người bề trên hay nam giới. Khi được người khác chúc rượu, vị khách là nữ giới không nhất thiết phải nâng ly, mà có thể mỉm cười tỏ ý cảm ơn là được, nếu như tửu lượng khá, có thể uống được một chút rượu thì càng tốt. Khi cạn ly chúc sức khỏe nhân vật quan trọng thì tốt nhất nên uống cạn.
Nếu tửu lượng không được tốt cho lắm thì trước đó chỉ nên rót một chút rượu. Có những quốc gia rất chú trọng việc cầm ly, nên cầm bằng cả bàn tay, nếu là ly cao chân thì nên dùng ngón tay nắm chặt ở chân ly. Một số quốc gia uống rượu không chạm ly, nhưng có thể chúc sức khỏe lẫn nhau.
Trong cuộc sống thường ngày, dùng tay chỉ thẳng vào người khác là hành vi thiếu lịch sự, bị cho là có ý khiêu khích, gây phản cảm cho người khác.
Có người đã từng làm một thí nghiệm như sau: Trong buổi học, giáo viên yêu cầu học sinh: “Hãy đặt cây bút đang cầm trên tay xuống mặt bàn.” Kết quả, hầu như tất cả học sinh đều không để ngòi bút hướng về phía mình. Đây không phải do sự rèn luyện đặc biệt nào đó hay làm như vậy thuận tiện cho việc lấy bút hơn, mà nguyên nhân chính là do ngòi bút dễ làm bẩn quần áo hoặc gây tổn thương bản thân, cho nên thực tế này cũng phản ánh một ý thức phòng vệ, hay cũng có thể nói, nó là tiềm thức của con người đối với những việc không vui, sợ hãi do những vật sắc nhọn đem lại.
Vì vậy, khi đưa danh thiếp, nếu bạn chĩa góc nhọn về phía người nhận, cũng giống như chỉ ngón tay vào người khác, đương nhiên sẽ khiến người ta phản cảm. Để sử dụng danh thiếp hiệu quả, bạn cần nắm vững ba cách đưa danh thiếp sau đây:
(1) Ngón tay khép lại, đặt danh thiếp trong lòng bàn tay, dùng ngón cái giữ góc trái của tấm danh thiếp, lịch sự đưa đến tầm ngang ngực đối phương. Tên riêng trên danh thiếp nên hướng về phía đối phương, để đối phương khi nhận danh thiếp có thể đọc theo chiều thuận, mà không cần xoay ngược lại.
(2) Ngón trỏ gập lại cùng ngón cái giữ danh thiếp khi đưa.
(3) Ngón trỏ và ngón cái của hai tay lần lượt giữ góc trái và góc phải của danh thiếp khi đưa ra.
Ba cách đưa danh thiếp trên đây đều tránh điều cấm kị dùng vật nhọn hướng vào người khác, trong đó cách thứ ba biểu thị sự kính trọng nhất.
Có thể bạn cho rằng, đây là những tiểu tiết không quan trọng, không đáng đề cập đến. Nhưng đừng quên rằng, ngay việc đưa danh thiếp không đúng cách có thể khiến công việc của bạn gặp trở ngại lớn. Vì thế, những nhà lãnh đạo muốn thành công thì nhất thiết không được bỏ qua “tiểu tiết” này.
Có một số người khi đặt may sơ mi đã đặt thêu cả tên mình lên áo, hoặc khảm tên viết tắt lên dây chuyền. Đó không phải vì không sợ mất đồ hay lẫn đồ với người khác, mà đây là cách để thể hiện sự quan trọng của cái tên. Rất nhiều người cả đời phấn đấu để thành công và để lại tên tuổi cho đời. Cái tên là sinh mệnh thứ hai, bôi nhọ tên của một người cũng chính là bôi nhọ chính bản thân họ.
Danh thiếp là tượng trưng cụ thể cho tên tuổi, đại diện cho thân phận của người đó. Trong công việc thường ngày, bạn có thể nhận danh thiếp thường xuyên, nhưng cách nhận danh thiếp có thể ảnh hưởng đến ấn tượng đầu tiên mà bạn để lại cho đối phương, do đó, nhất thiết phải hiểu được phép lịch sự khi nhận danh thiếp. Dưới đây là một vài cách tiếp nhận danh thiếp để bạn tham khảo:
(1) Khi tay bạn không cầm gì, nên nhận danh thiếp bằng cả hai tay. Nếu người khác dùng cách này để tiếp nhận danh thiếp của bạn, nhất định bạn sẽ rất vui vẻ.
(2) Sau khi nhận, nhất định bạn phải xem ngay, không nên chỉ nhìn lướt qua hoặc tỏ ra thờ ơ.
(3) Khi gặp tên riêng khó đọc, bạn nên hỏi ngay: “Xin lỗi, xin hỏi quý danh của ngài đọc như thế nào?” Hỏi cách đọc tên họ của người khác, không làm giảm thân phận của bạn đi chút nào, càng không thể làm tổn thương người đưa danh thiếp, mà chỉ có thể khiến họ cảm thấy bạn rất coi trọng họ.
(4) Cùng lúc tiếp nhận vài tấm danh thiếp và đều là lần đầu gặp gỡ, nhất thiết bạn phải ghi nhớ danh thiếp nào là của ai. Nếu trên bàn hội nghị, đừng ngại để chúng trên bàn và sắp xếp theo đúng thứ tự vị trí ngồi của đối phương. Hành động này không hề thất lễ, mà chỉ có thể khiến đối phương cảm thấy họ được bạn tôn trọng.
(5) Nhiều người đặt danh thiếp của đối phương lên bàn, sau đó trong lúc trò chuyện vui vẻ liền tiện tay lấy đồ vật khác đè lên. Đó là hành động rất khiếm nhã, nên bạn phải chú ý.
(6) Bạn rất muốn có được danh thiếp của đối phương, nhưng họ lại không đưa cho bạn, đó là tình huống khá phổ biến. Nếu cứ rụt rè, e ngại không dám xin danh thiếp, thì đây không phải là biểu hiện nên có của người lãnh đạo. Bạn nên chủ động hỏi: “Thật mạo muội, có thể cho tôi một tấm danh thiếp của ông được không?”. Làm như vậy chỉ có thể là đề cao đối phương, không có gì là thất lễ cả.
THĂM HỎI LÀ CHẤT XÚC TÁC TRONG GIAO TIẾP
Thăm hỏi là chất xúc tác trong một cuộc trò chuyện, cũng là phương pháp giao tiếp hết sức tự nhiên, giúp bắc nhịp cầu hữu nghị nối liền mọi người với nhau. Hàn huyên tâm sự có thể giúp mọi người hiểu nhau hơn, gần gũi với nhau hơn. Do đó, thăm hỏi là một khâu không thể thiếu trong việc giao tiếp của người làm lãnh đạo.
Hình thức thăm hỏi bao gồm hai loại sau:
(1) Thăm hỏi ngoài đường: Đi đường gặp người quen hay ở nơi công cộng thì chào hỏi nhau vài câu.
Với người quen thường xuyên gặp mặt, có thể bắt tay, hỏi thăm vài câu: “Chào anh” hoặc “Anh đi làm đấy à?”. Nếu gặp họ khi đang đi xe, có thể gật đầu, mỉm cười, vẫy tay chào mà không cần phải xuống xe.
Với người quen lâu ngày không gặp, bạn phải dừng lại và nói chuyện lâu hơn một chút. Nếu có việc gấp cần giải quyết, phải nói rõ cho đối phương biết, sau đó mới có thể đi.
(2) Thăm hỏi trước một cuộc gặp mặt: Kiểu hàn huyên này thường là do trước đó đã có hẹn trước, hoặc sau khi khách đến, hai bên ngồi nói chuyện phiếm trước khi bàn về vấn đề chính.
Trong đó, hình thức thứ nhất là thăm hỏi xã giao thường thấy, ví dụ như “chào ông”, “mời vào”, “mời ngồi”...
Hình thức thứ hai là phương thức thăm hỏi trong những tình huống đặc biệt, như thăm hỏi người bệnh, người già, bạn thân, người mới ốm dậy, người mới đi xa về, người gặp chuyện không may... Khi thăm hỏi phải đặc biệt ân cần chu đáo để họ cảm thấy ấm lòng.
Dựa vào nội dung, thăm hỏi có thể chia làm bốn phương thức sau:
(1) Thăm hỏi thể hiện sự quan tâm: Đây là phương thức thường gặp, giúp tăng cường tình cảm thân thiết giữa đôi bên, thông qua sự thăm hỏi chân thành sâu sắc.
(2) Thăm hỏi để khích lệ: Dùng một vài câu hàn huyên tâm sự để mang lại cho người nghe nguồn động viên và năng lượng, tiếp tục cố gắng. Dù chỉ là vài lời động viên cũng có thể mang đến sự khích lệ to lớn.
(3) Thăm hỏi kiểu vui vẻ. Trong khi chuyện trò thêm vào một vài câu nói hài hước sẽ giúp cho bầu không khí của cuộc nói chuyện thêm thân mật, đồng thời góp phần tăng cường sự hiểu biết và thân thiết giữa đôi bên.
(4) Thăm hỏi để khen ngợi: Có người kể rằng nếu buổi sáng vừa thức dậy đã được nghe những câu khen ngợi như “Ông dậy thật sớm”, “Sức khỏe của ông ngày càng tốt hơn đấy”, thì cả ngày hôm đó tâm trạng của họ sẽ hết sức vui sướng và sảng khoái. Kiểu khen ngợi này cần hết sức khéo léo, như vậy điều bạn nói ra mới có tác dụng với người nghe.
Trong khi thăm hỏi nên chú ý ba điểm sau đây:
(1) Đối tượng: Việc thăm hỏi đối với mỗi người cần có cách khác nhau, đừng áp dụng theo cùng một cách.
(2) Hoàn cảnh: Trong những hoàn cảnh khác nhau cần dùng ngôn từ khác nhau.
(3) Mức độ: Khi thăm hỏi không nên dùng quá nhiều lời khen ngợi vì có thể mang lại cảm giác khách sáo, giả tạo.
Nói tóm lại, thông qua thăm hỏi, chúng ta có thể mang lại niềm an ủi cho người gặp chuyện không vui, sự quan tâm cho người lâu ngày gặp mặt, những điều vui vẻ cho bạn bè hàng xóm, tăng thêm sợi dây tình cảm, thắt chặt tình hữu nghị, giúp kĩ năng giao tiếp của người làm lãnh đạo trở nên tuyệt vời hơn.
LUÔN NHỚ ƯU TIÊN PHỤ NỮ
Tinh thần cốt lõi của nguyên tắc này là đòi hỏi mọi người đàn ông vào bất kì lúc nào, trong bất kì tình huống nào đều phải tôn trọng, chăm sóc, giúp đỡ và bảo vệ phụ nữ trên mọi phương diện. Không chỉ đối với những cô gái trẻ trung xinh đẹp, mà ngay cả đối với những phụ nữ không quen biết cũng nên làm như vậy. Nếu hiểu nguyên tắc trên theo cách khiên cưỡng rằng, ưu tiên phụ nữ tức là phụ nữ đi đầu, thì e rằng cách lý giải như vậy có phần quá hạn hẹp. Xã hội ngày nay dường như đã công nhận phụ nữ có đặc quyền được “ưu tiên” này, nếu ai không tôn trọng nguyên tắc bất thành văn này thì sẽ bị coi là thất lễ.
1. Khi diễn thuyết
Dù là nam hay nữ khi diễn thuyết, lúc bắt đầu nên nói “thưa các quý bà” trước, sau đó mới nói “thưa các quý ông”. Bởi vì người đầu tiên được nhắc đến luôn là người được tôn trọng hơn.
2. Khi dự tiệc
Khi ngồi dự tiệc với phụ nữ, nam giới nên giúp đỡ người phụ nữ ngồi bên cạnh vào chỗ ngồi, bằng cách kéo ghế ra khỏi bàn ăn, đợi đến khi họ đã đứng vào vị trí thích hợp và chuẩn bị ngồi xuống, thì hãy đẩy ghế vào. Trong buổi tiệc, nhân viên phục vụ luôn mang đồ ăn cho phụ nữ trước, sau đó mới đến nam giới.
3. Khi đi bộ
Trước đây, khi đi cùng trên phố, nam giới nhất thiết phải đi giáp vào bên phía đường có xe ngựa qua lại, đề phòng những chú ngựa mất kiểm soát, giật mình đâm vào người phụ nữ đi cùng. Ngày nay, sự bảo vệ của nam giới đối với phái yếu chủ yếu là đề phòng những chiếc xe tạt qua, bắn bùn đất làm bẩn trang phục của họ. Nam giới khi cùng đi với phụ nữ mà dùng cách này sẽ khiến người phụ nữ cảm thấy bản thân nữ tính hơn và được tôn trọng. Khi qua đường, nam giới chỉ cần duy trì ở vị trí bên trái nữ giới là được. Nói tóm lại, nam giới nên luôn đi bên trái phụ nữ bởi vì mọi người đều cho rằng, vị trí bên phải tôn quý hơn nhiều so với vị trí bên trái.
Khi đi trên đường hai người có thể sánh vai bước đi, nhưng khi xuống cầu thang thì hoàn toàn ngược lại, nam giới nên đi trước, để đề phòng nếu xảy ra những sự cố ngoài ý muốn, thì họ có thể tìm cách bảo vệ người phụ nữ đi sau mình, đồng thời nếu chẳng may bản thân bị trượt ngã thì cũng không xô vào chị em đi phía sau.
Khi đi cùng phụ nữ, nam giới nên chủ động giúp họ xách ba lô và các vật dụng khác như áo khoác ngoài, ô dù... tuyệt đối không nên để đôi tay nhàn rỗi trong khi chị em phải mang vác quá nhiều đồ, nhưng cũng không nhất thiết phải giúp đỡ họ cầm túi xách tay, bởi vì trong đó thường để những “bí mật nho nhỏ” của chị em. Ngoài ra, khi nam giới tỏ lòng muốn giúp đỡ mà nhận được sự từ chối thì cũng không nên quá miễn cưỡng.
Nam giới khi gặp những người phụ nữ quen biết trên đường nên chủ động chào hỏi, còn khi bắt tay thì hãy đợi phụ nữ đưa tay ra trước.
4. Khi ra vào
Nếu cửa phòng mở, nam giới nên nhường cho phụ nữ đi vào trước; nếu cửa đóng, nam giới nên đi trước đẩy cửa, sau đó dùng tay giữ cửa để phụ nữ bước vào.
Khi qua cửa quay tự động, nên nhường phụ nữ vào trước, nếu cửa không quay thì nam giới nên bước vào trước, để phụ nữ vào sau.
Bất kì người đàn ông lịch sự nào đều luôn mở cửa cho những phụ nữ đi sau và để họ vào trước. Nếu như có người đi sau vừa tới mà đóng sập cửa ngay trước mặt họ thì rất thiếu lịch sự.
Khi vào rạp chiếu phim, nam giới nên chủ động mua vé, người phụ nữ đi cùng có thể đứng đợi bên ngoài hoặc xếp hàng cùng. Khi vào rạp, nên để chị em đi trước, nếu không có nhân viên sắp xếp chỗ ngồi thì nam giới nên tìm vị trí ghế ngồi cho chị em.
5. Khi trên xe
Trước đây, nữ giới luôn được coi là những đóa hoa mỏng manh yếu ớt. Ngày nay yêu cầu đối với phụ nữ trong mọi lĩnh vực cũng bình đẳng như nam giới, vì thế họ không đòi hỏi nam giới đối xử giống như trước đây. Trên xe buýt, một người đàn ông và người phụ nữ đều đã rất mệt mỏi sau một ngày làm việc. Nếu anh ta may mắn tìm được một chỗ ngồi, trong khi người phụ nữ đứng trước mặt tuổi không cao, sức khỏe tốt, không mang thai, không ôm con nhỏ hay mang vật nặng thì anh ta không nhất thiết phải nhường chỗ. Đương nhiên, nếu có ý nhường thì anh ta vẫn có thể tỏ ra hào hiệp. Trong trường hợp này, người phụ nữ có thể tiếp nhận lòng tốt, cũng có thể từ chối và cảm ơn.
Khi cùng lên xe, nam giới nên đi trước để mở cửa xe cho phụ nữ, khi xuống xe, nam giới cũng nên làm điều tương tự, sau đó đưa tay ra đỡ chị em bước xuống xe. Mặc dù quan niệm về bảo vệ phái yếu đối với những người phụ nữ năng động ngày nay được xem là không còn phù hợp, thậm chí còn khiến họ thấy khó chịu, nhưng tư tưởng sẵn sàng giúp đỡ phụ nữ vẫn là đức tính tốt.
6. Trong thang máy
Trong thang máy, cho dù có mặt phụ nữ hay không, thì nam giới cũng không cần bỏ mũ. Bởi vì cầm mũ trên tay chiếm nhiều diện tích hơn so với đội chúng trên đầu.
Khi nam giới đứng gần cửa thang máy mà bản thân cũng cần ra khỏi thang máy, thì không nhất thiết phải tránh sang một bên nhường cho phụ nữ ra trước. Nếu người phụ nữ đi cùng đứng tận phía trong cùng của thang máy, thì nên ra trước và đứng đợi bên ngoài.
Ở những nơi không quá đông đúc như chung cư hoặc nhà riêng, khi phụ nữ bước vào thang máy, nam giới nên cởi mũ chào hỏi, khi ra khỏi thang máy nên nhường phụ nữ đi trước.
7. Khi che ô
Trong trường hợp dùng chung ô, thông thường nam giới nên cầm ô. Nếu chiều cao của hai người chênh lệch khá nhiều, tốt nhất phụ nữ nên mang theo ô cho riêng mình, bởi vì ô cách người quá cao sẽ không che được mưa. Cho dù ai cầm ô cũng phải đặc biệt cẩn thận, tránh để những cạnh nhọn của ô chọc vào người kia.
Hiện nay, ở nhiều quốc gia vẫn còn tình trạng “trọng nam khinh nữ”. Người ta có thể nhìn thấy hình ảnh người phụ nữ đi sau người đàn ông, hoặc ở nhà để chăm sóc chồng. Nhưng cho dù ở chính những quốc gia này thì nguyên tắc “ưu tiên phụ nữ” trong những hoạt động giao lưu quốc tế cũng ngày càng trở nên phổ biến hơn.
LỄ NGHI TRONG NHỮNG TRƯỜNG HỢP QUAN TRỌNG
Trên thương trường, bị người khác ghẻ lạnh là bi kịch lớn nhất!
Ngồi chuyên cơ của công ty, nghỉ cuối tuần tại biệt thự ở quê nhà của ông chủ, tham gia dạ tiệc trên du thuyền sang trọng của khách hàng, hoặc phải có mặt thường xuyên ở những nơi danh giá... dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, nếu không biết các quy tắc lễ nghi ở những nơi như vậy, bạn có thể phải gánh chịu những chuyện hết sức nghiêm trọng.
Bà Jansen là hiệu trưởng Học viện lễ tân Washington, thành phố McKellen, bang Virginia, là một nhân vật nổi tiếng trong lĩnh vực lễ nghi doanh nghiệp và quốc tế. Bà kể rằng: “Trên chuyến bay của một hãng hàng không tư nhân từng xảy ra một trường hợp rất khó xử: Cô tiếp viên hàng không của hãng buộc phải yêu cầu một quản lý trẻ tuổi trả chỗ vì anh ta đang ngồi đúng vị trí dành cho CEO và khách quý của hãng.”
Một vài người từng tham gia lớp học đào tạo nữ tiếp viên hàng không của bà Jansen đều có dẫn chứng xác thực. Họ cho biết, có nhiều người hễ nhìn thấy ghế trống thường ngồi luôn vào mà không cần đắn đo. Thậm chí khi tiếp viên hàng không yêu cầu trả chỗ, họ liền to tiếng phản đối.
Bà hiệu trưởng này nhiều lần khuyên những người tham gia lớp học rằng, bất kể việc gì cũng nên nhờ sự giúp đỡ của tiếp viên hàng không.
Tiếp viên hàng không có thể hỏi: “Ngài muốn dùng nước sô đa hay rượu nho?”, cũng có nghĩa là cô ấy ngầm thông báo cho bạn biết trên máy bay không phục vụ rượu mạnh.
Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn có một số quản lý trẻ tuổi trả lời: “Cho tôi một ly Whisky nhiều đá.” Trên chuyên cơ có lúc ngay cả rượu nho cũng không được phép phục vụ. Nếu tiếp viên hỏi bạn: “Ngài muốn dùng một chút đồ uống gì không, nước khoáng hay sô đa?” Có nghĩa là cô ấy đang thông báo trên máy bay không phục vụ bất cứ đồ uống có cồn nào cả.
Hơn nữa, chuyên cơ tư nhân thường cấm hút thuốc, nhưng có một số nhà quản lý dường như không hề lưu tâm đến quy định này.”
Theo quan điểm của bà hiệu trưởng, cho dù bạn hỏi: “Tôi có thể hút thuốc không?” thì bạn cũng đang làm cho người trả lời bối rối. Xin nhớ kỹ một điểm: Nếu bạn bước vào phòng làm việc của người khác, mà không nhìn thấy cái gạt tàn nào, thì thông tin không lời chính là “không hút thuốc”. Nếu phòng họp hội đồng quản trị có đặt gạt tàn thuốc lá, và CEO của công ty lại nghiện thuốc, vậy rõ ràng là mọi người có thể thoải mái hút. Nhưng nếu trường hợp ngược lại thì không nên hỏi nữa.
Bà hiệu trưởng đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không nên đề cập đến những vấn đề khiến người khác khó xử. Đứng ở lập trường của đối phương, họ biết bạn đang kì vọng một đáp án khẳng định, nhưng từ chối bạn là điều buộc phải làm.
Cuối cùng, xin nhắc các nhà quản lý trẻ là, khi máy bay hạ cánh, đừng quên mang theo những vật dụng cá nhân của mình, bao gồm tài liệu, áo khoác ngoài, thậm chí cả giày nữa.
Một tiếp viên hàng không kể rằng, có vị khách đã bỏ quên đôi giày da của mình trên máy bay, và cô hi vọng rằng ông ta không xuống mặt đất với đôi chân trần.
Nếu bạn cảm thấy những điều “cấm kị” này là quá nhiều khiến bạn nghẹt thở, thì bạn sẽ không có cách nào để thư giãn và phát huy khả năng cao nhất.
Thực ra, những “điều cấm kị” này lại giúp bạn duy trì được sự điềm tĩnh, bởi vì nó cho bạn biết có thể làm gì và không nên làm gì. Cho dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, bạn cũng có thể thích nghi và thể hiện khả năng giao tiếp tuyệt vời của mình.
Khi bạn nhận lời mời đi du lịch bằng chuyên cơ tư nhân, hãy nhớ những điều sau:
● Hãy hỏi tiếp viên xem bạn nên ngồi chỗ nào.
● Đừng yêu cầu người khác đưa ra những thứ nằm ngoài phạm vi được cung cấp. Quan sát và lắng nghe tỉ mỉ những hướng dẫn của tiếp viên.
● Nếu tiếp viên giải thích không rõ ràng hoặc hỏi những câu hỏi mở, như: “Ông muốn uống gì?”, bạn nên hỏi ngược lại cô ấy: “Cô có thể gợi ý cho tôi được không.”
● Là quản lý trong các công ty, cho dù tuổi tác như thế nào, đều phải chú ý lắng nghe, quan sát và suy nghĩ.
● Không hút thuốc. Chỉ hút khi chủ nhà hút và mời bạn.
● Không vứt rác bừa bãi hoặc để vật dụng cá nhân trên máy bay.
LỄ NGHI KHI ĂN UỐNG
Khi ăn uống, một số người luôn thể hiện những cử chỉ khiếm nhã. Trên bàn ăn, đôi khi những người vợ phải đưa mắt nhìn chồng, nhằm nhắc chồng chú ý tới lễ tiết. Có thể thấy, làm thế nào để giữ được phong độ cũng như phong cách khi ăn uống là vấn đề mà các nhà lãnh đạo cần lưu ý.
1. Chọn vị trí thích hợp
Khi vào phòng ăn, nên để khách đi trước, nếu trong đó có phụ nữ thì ưu tiên phụ nữ đi trước. Trong phòng ăn, chiếc ghế đầu tiên được nhân viên phục vụ kéo ra là vị trí trang trọng nhất. Những người ngồi trước tiên là những người bề trên, người bề dưới không được ngồi vào vị trí chính giữa hoặc ngồi trước. Khách không cần phân biệt tuổi tác, nhưng phụ nữ nên ngồi trước. Khi đã ngồi xuống ghế, việc đổi chỗ ngồi là điều không lịch sự. Khi ngồi, lưng phải thẳng, thân trên sát mép bàn, hai chân khép bằng. Vắt chân vừa không lịch sự, mà cũng không có lợi cho hệ tiêu hóa. Không chống khuỷu tay lên mặt bàn.
2. Ăn canh chứ không phải húp
Khi chủ nhà hoặc nhân viên phục vụ tiếp đồ ăn, nên nghiêng người sang một bên. Phát ra âm thanh khi uống canh có thể bị mọi người cười chê. Cần ghi nhớ rằng, canh là để ăn chứ không phải để uống. Bởi húp canh dễ phát ra âm thanh, do vậy nên chú ý ăn từ từ.
Bên cạnh đó, thổi canh cũng không lịch sự. Cho dù canh quá nóng cũng không nên thổi, thay vào đó hãy nhẹ nhàng đưa thìa qua lại bát canh một hai lần. Khi cầm thìa canh cũng phải chú ý, không nên cầm quá ngắn, vì như thế không đẹp mắt.
3. Cà phê không nên khuấy quá nhiều
Sau khi cho đường vào cà phê hay trà, nên đợi một lát, dùng thìa (muỗng) khuấy hai đến ba lần là được, không nên khuấy quá nhiều. Giọt nước đọng lại trên thìa cà phê không được vẩy vào trong ly, nên nhẹ nhàng gạt chúng vào thành cốc.
4. Nói chuyện nên nhẹ nhàng
Trên bàn ăn nên có sự trò chuyện để tạo không khí thoải mái gần gũi, nhưng cần ghi nhớ không được nói to.
5. Không nổi nóng trên bàn ăn
Khi ăn ở nhà hàng, nếu nhân viên phục vụ không may làm dính thức ăn, canh lên quần áo của bạn, bạn cũng không được nổi nóng: “Này, cô không có mắt hả!” Nếu dùng khẩu khí như vậy đối với nhân viên phục vụ, những người ngồi bên cạnh có thể nghe thấy, hơn nữa cũng khiến đối phương khó xử.
Trong trường hợp này, bạn nên gọi người phục vụ lại, nhẹ nhàng bảo họ tìm khăn hoặc giấy lau cho bạn hoặc để bạn tự lau.
6. Khi đồ ăn đã đưa vào miệng, không nên nhả ra
Khi đưa thức ăn vào miệng, nếu cảm thấy đồ ăn đã hỏng, nuốt vào bụng sẽ gây khó chịu thì có thể nhả ra ngoài. Nhưng khi nhả ra nên dùng khăn tay hoặc giấy ăn che lại phần thức ăn đó, không được để người khác nhìn thấy.
7. Trong bữa ăn không được bỏ về giữa chừng
Trong bữa ăn, để không làm người khác mất hứng, bạn không nên bỏ về giữa chừng. Nếu có việc gấp cần giải quyết, bạn có thể nói rõ với chủ nhà trước, sau đó lịch sự rời khỏi bàn ăn. Không được ra về mà không nói lời nào. Nếu khách mời tại buổi tiệc khá đông thì sau khi cáo biệt với chủ nhà, bạn có thể ra về không nhất thiết phải chào tạm biệt tất cả mọi người.
NGHI THỨC KHI KÍ KẾT HỢP ĐỒNG
Hợp đồng là sản phẩm của nền kinh tế hàng hóa, là hình thức văn bản pháp luật nhằm điều chỉnh quan hệ kinh tế xã hội. Khi kí kết hợp đồng, nhà lãnh đạo cũng cần nắm vững những nghi thức cần thiết.
1. Những nguyên tắc cần chú ý khi kí kết hợp đồng
(1) Bình đẳng cùng có lợi: Bình đẳng là chỉ sự bình đẳng về địa vị pháp luật của hai bên đương sự trong hợp đồng kinh tế; cùng có lợi là chỉ những lợi ích đạt được của hai bên trong các hoạt động kinh tế chung. Khi kí kết hợp đồng kinh tế, bất kì bên nào cũng không được ỷ vào những điều kiện có ưu thế hơn như có thực lực kinh tế hùng hậu, trang thiết bị kĩ thuật tiên tiến, sản phẩm bán chạy... mà chèn ép nhau, đưa ra “điều ước bất bình đẳng” hoặc áp đặt ý kiến riêng của mình lên đối phương.
(2) Bàn bạc thống nhất: Nếu hai bên không bàn bạc thống nhất thì không thể lập được hợp đồng. Đây là đặc trưng pháp luật cơ bản nhất của hợp đồng kinh tế. Vi phạm nguyên tắc bàn bạc thống nhất, kí kết hợp đồng một cách miễn cưỡng, sau này sẽ có thể phát sinh tranh chấp. Việc kí kết hợp đồng kinh tế ngoài hai bên đương sự ra, bất kì tổ chức hay cá nhân nào cũng không được can thiệp, xâm phạm lợi ích hợp pháp của đương sự.
(3) Trịnh trọng nghiêm túc: Khi kí kết hợp đồng, thông thường cần tiến hành lễ kí kết, quy mô lớn hay nhỏ cần căn cứ vào tình hình cụ thể. Sau khi kí kết hợp đồng, người phụ trách hai bên nên bắt tay thể hiện thành ý, và bày tỏ những lời chúc tốt đẹp cho sự hợp tác giữa hai bên trong tương lai.
2. Những yêu cầu về nghi thức khi kí kết hợp đồng
Nghi thức kí kết hợp đồng là một nghi thức quan trọng trong hoạt động thương mại. Ngoài việc cần tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật, nguyên tắc bình đẳng cùng có lợi, nguyên tắc bàn bạc thống nhất và nguyên tắc bồi thường ngang giá, cần chú ý những điểm sau đây.
(1) Trang phục chỉnh tề: Trang phục giản dị, nghiêm túc không chỉ thể hiện diện mạo tinh thần của một doanh nhân, mà cũng là sự tôn trọng và phép lịch sự đối với khách hàng hoặc cấp trên. Khi kí kết hợp đồng, dù mặc bất kì trang phục nào cũng cần chú ý gọn gàng, trang nhã, quần áo nên được là phẳng, sạch sẽ...
(2) Đảm bảo đúng thời gian: Nhất thiết phải biết chính xác thời gian để đến kí hợp đồng đúng giờ, tránh việc đến muộn. Lễ kí chưa kết thúc thì không nên tự ý bỏ về trước. Nếu có việc gấp, nên nói rõ với bên kia và bày tỏ ý xin lỗi.
(3) Ngồi đúng vị trí: Khi kí kết hợp đồng thường sử dụng bàn hình chữ nhật. Hai bên ngồi đối diện với nhau, chủ ngồi quay lưng về phía cửa, khách ngồi đối diện với cửa chính. Người phát ngôn chính ở giữa, các nhân viên khác sắp xếp theo nghi thức đón tiếp khách. Nếu là bàn kê dọc theo hướng cửa thì lấy hướng vào cửa làm chuẩn, bên phải là khách, bên trái là chủ.
(4) Hiểu cách nói chuyện: Trong lễ kí kết hợp đồng, cần chú ý dành cơ hội phát biểu cho đối phương. Khi người khác nêu ý kiến, cũng nên phát biểu chính kiến cá nhân vào thời điểm thích hợp. Nên chú ý lắng nghe lời nói của đối phương, không nên ngắt lời. Trong khi nói chuyện, nên nhìn vào mắt đối phương, thể hiện sự chuyên tâm...
(5) Bắt tay tạm biệt: Sau khi hoàn tất lễ kí hợp đồng, người phụ trách hai bên nên đứng dậy bắt tay để bày tỏ thành ý và chúc mừng. Các nhân viên đứng xung quanh vỗ tay hưởng ứng.
Do bất kì nguyên nhân nào mà hợp đồng không thể tiếp tục tiến hành, cần thông báo cho đối tác sớm nhất có thể, nói rõ tình hình, cùng thời gian chấm dứt hợp đồng. Đồng thời cần gửi lời xin lỗi đến đối tác, và thể hiện nguyện vọng chân thành về cơ hội tái hợp tác, làm như vậy cũng là cách thể hiện sự tôn trọng. Sau khi chấm dứt hợp đồng, hai bên cần tôn trọng, cố gắng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho đối tác trong công việc. Không thể vì việc chấm dứt hợp đồng mà hai bên làm khó, gây trở ngại cho nhau, như thế sẽ không có lợi cho hai bên, cũng có thể đánh mất khả năng tiếp tục hợp tác trong tương lai.
THAM DỰ HÔN LỄ
Điều đầu tiên nhà lãnh đạo nên làm khi được mời tham dự lễ thành hôn là gửi thông báo cho đối phương đã nhận được thông tin, nếu không tham dự được cũng nên thông báo cho đối phương biết lý do. Nếu là bạn bè thân thiết, nên thêm chúc mừng như “Chúc mừng hạnh phúc hai bạn”. Trong trường hợp vắng mặt, cần có đôi lời chúc phúc và nêu rõ nguyên nhân vắng mặt.
Tiếp theo là chọn quà tặng. Tiền mừng cưới phải đưa ngay trong hôn lễ, nếu tặng tiền mà vẫn cảm thấy chưa đủ ý nghĩa, thì trước đó bạn có thể hỏi nguyện vọng của cô dâu chú rể để mua quà tặng. Nếu quan hệ thân thiết thì đôi uyên ương hoàn toàn có thể đưa ra yêu cầu cụ thể của mình, liệt kê thành mục lục những thứ yêu thích, ví dụ đồ dùng nhà bếp, khăn trải giường, đồ trang trí trong phòng... ghi rõ cả màu sắc, kiểu dáng… cũng như hình ảnh minh họa nếu có.
Nếu người lãnh đạo được ủy thác phát biểu lời chúc mừng thì nhất định phải chuẩn bị chu đáo. Cho dù bạn không giỏi phát biểu trước đám đông, nhưng khi đã được ủy thác, bạn nên gắng làm tốt. Khi phát biểu, tốt nhất không nên nói những răn dạy về đạo lý cuộc đời. Để đẩy không khí buổi tiệc lên đến cao trào, tốt nhất trong lời chúc hãy lồng vào một vài câu chuyện thú vị về tình yêu của cô dâu chú rể. Lời phát biểu của người chủ hôn cũng như người nhà đều phải luyện tập trôi chảy, chuẩn bị chu đáo. Nếu là đám cưới của bạn thân, bạn nên chủ động giúp đỡ những công việc chuẩn bị cần thiết cho buổi lễ, hay giải quyết các thủ tục du lịch sau lễ cưới cho đôi uyên ương... Ngoài ra, khi đôi bạn trẻ khởi hành đi hưởng tuần trăng mật hãy đi tiễn, và dặn dò một số điều cần chú ý, thể hiện sự quan tâm nhiệt tình.
Bạn cần chú ý là trang phục không nên nổi bật hơn so với cô dâu chú rể. Bạn cũng nên trang điểm nhã nhặn, chọn những trang phục trang nhã phù hợp với tiệc cưới.