Tôi được sanh ra trên đất nước Việt Nam, vì hoàn cảnh, tôi phải xa đất nước một thời gian dài, nhưng hình ảnh đất nước luôn trong trái tim tôi, không ngừng thôi thúc tôi nghiên cứu, giới thiệu âm nhạc Việt Nam đến các nước.
Khi đi nhiều nơi, tiếp xúc với không biết bao nhiêu nền văn hóa khác nhau, nhìn thấy cái đẹp của nhiều nước, tôi cũng không quên rằng Việt Nam của tôi cũng có rất nhiều cái đẹp. Nhiều điều trong văn hóa của các nước làm tôi thích lắm, nhưng tôi luôn nhớ rằng đó là văn hóa của người, là điều mình có thể thưởng thức chớ không bao giờ có thể lấy đó thay thế văn hóa của mình.
Hình ảnh Việt Nam trong trái tim tôi đó chính là ngôn ngữ, âm nhạc, con người, phong cảnh, văn hóa… Việt Nam.
Nâng niu tiếng nước mình
Một trong những niềm tự hào của mỗi con người chính là tiếng cha sanh mẹ đẻ. Tiếng nói Việt Nam rất thú vị và vô cùng quan trọng đối với tôi. Vì vậy mà ở nơi đất khách quê người, tôi vẫn luôn tìm đọc sách Việt Nam, nói bằng tiếng Việt Nam, viết báo bằng tiếng Việt Nam, viết thư cho bạn bè cũng bằng tiếng Việt Nam. Nhờ vậy mà dầu ở nước ngoài 55 năm, tôi vẫn không bao giờ quên tiếng Việt Nam.
Tôi nói rất thông thạo tiếng Anh, tiếng Pháp, tôi không hãnh diện về việc đó mà chỉ xem đó là phương tiện để tôi có thể dạy âm nhạc Việt Nam ở các nước, để giới thiệu văn hóa Việt Nam đến quốc tế. Mỗi khi đứng dạy âm nhạc, văn hóa Việt Nam bằng những ngôn ngữ khác tiếng Việt, tôi luôn mơ ước có một ngày, tôi có cơ hội dạy những điều này trên đất nước Việt Nam, dạy bằng tiếng Việt Nam, cho sinh viên Việt Nam.
Và khi tôi về nước, điều mơ ước ấy đã thành hiện thực, tôi rất hạnh phúc. Trong 5 năm giảng dạy tại Việt Nam, tôi giảng y như người Việt Nam, không xen tiếng nước ngoài, không ấp úng, lúng túng khi sử dụng tiếng Việt.
Tôi đã đọc thi ca của Ba Tư, Pháp, Anh… và cảm nhận được rất nhiều điều hay, thú vị, nhưng tôi vẫn thấy xúc động hơn khi đọc một câu Kiều, một bài thơ của Bà Huyện Thanh Quan… Bởi thơ ca được diễn đạt bằng tiếng nước mình, mình sẽ dễ cảm nhận được sự sâu sắc, thâm thúy của từng chữ.
Hiện nay, tôi thấy một số bạn trẻ Việt Nam khi nói chuyện thường xen tiếng nước ngoài vào. Thật ra, thời của tôi, mọi người khi nói cũng chen tiếng Tây. Thí dụ như: "Tôi sắp đi France(2)" chứ không nói "Tôi sắp đi Pháp". Hay có học trò của tôi đi sang Anh mới hai năm mà nói với tôi lẫn lộn Anh - Việt thế này: "Thưa thầy, gặp thầy em mừng quá. Chiều nay, thầy cho phép record(3) khi thầy đờn và nói chuyện. Nhưng bây giờ, em không có cái tape(4) nào sạch. Thầy đợi em wipe(5) cái tape rồi em record thầy nói chuyện".
Lúc đó tôi nhắc: "Tại em nói tiếng Anh tiếng Việt lẫn lộn riết nên nó thành thói quen của em. Em chỉ cần nói rằng, bây giờ em không có cuốn băng nào sạch, để em xóa băng cũ rồi xin phép thầy cho em thu âm thầy đờn và nói chuyện".
Hay có học trò nhắn tin vào điện thoại của tôi, tin nhắn có phần viết thế này: "em and(6) thầy". Tôi chỉnh ngay: "Viết em và thầy dễ hơn, sao em lại phải viết em and thầy?".
Tôi thường nhắc nhở các học trò nói năng cho thuần Việt mỗi khi các em có cách nói như thế.
Hay một hiện tượng khác là một số người Việt Nam chọn cho mình một cái tên nước ngoài với lý do là để làm việc với người nước ngoài thuận tiện hơn. Tôi thấy nếu vì lý do này thì thật không cần thiết phải làm vậy. Bôn ba bốn biển năm châu, tôi đều dùng tên Trần Văn Khê do cha mẹ đặt cho và ai cũng hoan nghênh và ai cũng biết tôi là Trần Văn Khê. Thế giới chấp nhận tên tôi, mọi người xem tôi như một đại diện trung thực, chính xác của Việt Nam, không bị ngoại lai từ âm nhạc cho đến ngôn ngữ. Nếu tôi tự đặt cho mình một tên tây, có thể một số nước sẽ cho tôi vọng ngoại.
Nhiều người nước ngoài không biết tiếng Việt, gọi tên tôi không đúng nhưng tôi cũng không thấy phiền, vì chính chúng ta cũng thường phát âm không chính xác hoàn toàn tên của người nước khác.
"Đờn reo đất nước thấy thêm gần"
Ai xa đất nước cũng nhớ về đất nước. Để vơi nỗi nhớ, có người về thăm đất nước, có người tìm mua những món ăn truyền thống của dân tộc, còn với tôi thì tôi khảy mấy cung đờn. Khi nghe tiếng đờn, tôi thấy lòng bình yên, thấy mình thêm gần đất nước hơn. Vậy nên tôi mới viết:
Đờn reo đất nước thấy thêm gần
Càng xa đất nước, hình ảnh đất nước càng đậm sâu trong trái tim tôi, nỗi nhớ thương đất nước cũng thêm nhiều. Một trong những nỗi nhớ ấy là về cái tết cổ truyền của dân tộc.
Nơi xứ người, những dịp như năm mới, Noel, nhìn mọi người vui chơi, tôi cũng vui nhưng trong lòng không thể nào vui bằng cái tết của mình, cái tết Việt Nam với tôi là hơn hết. Tôi cũng tự nhủ, không phải vui với cái tết người ta mà quên tết mình.
Trong những cái tết xa quê hương, tôi nhớ da diết cái tết nơi quê nhà, nhớ nhiều nhứt là mùng 2 tết, cả nhà quây quần ở nhà người cậu thứ tư, cùng hòa đờn. Tôi nhớ cả tiếng pháo giao thừa, nhớ buổi sáng đầu năm thức dậy hoa lá khoe sắc. Trong khi đó, những cái tết xa quê hương chỉ có giá tuyết lạnh.
Về sau, cái tết nơi xứ người có thêm cành đào từ quê nhà gửi sang. Hoa đến tay người thì hoa cũng không còn tươi thắm là bao. Hay khi không có hoa thiệt thì tôi vui tết bằng hoa giả. Mà hoa giả làm sao làm lòng mình xúc động bằng ngắm hoa thiệt? Những nỗi nhớ tiềm tàng trong tâm hồn về một ngọn gió xuân quê hương, một khung cảnh thân thương… đành gởi gắm vào cung đờn.
Sống xa đất nước lâu nên lúc nào tôi cũng thèm về Việt Nam. Tôi nghĩ về Việt Nam như là lý tưởng sống của tôi trong hoàng hôn của cuộc đời. Năm 2004, khi ngày hồi hương gần kề, tôi thấy nôn nao trong người và gởi nỗi lòng ấy vào thơ:
Quê nhà về ở không do dự
Đất khách rứt đi hết buộc ràng Sự nghiệp tinh thần trao đất nước Nâng đàn vui khảy tính tình tang.
Giới thiệu hình ảnh Việt Nam qua cung đờn
Tôi thương nước Việt Nam nên đã chọn con đường nghiên cứu, giảng dạy, thuyết giảng về âm nhạc để giúp bạn bè quốc tế hiểu hơn về Việt Nam. Tôi nghĩ đó là một phận sự.
Từ lúc bắt đầu đi nói chuyện về âm nhạc truyền thống Việt Nam ở nhiều nơi đến giờ, tôi chưa từng nghe ai chê âm nhạc truyền thống Việt Nam là dở. Nhiều người đến hỏi tôi về âm nhạc truyền thống Việt Nam, khi nghe tôi giải thích thì nhiều người giựt mình. Sự phong phú, giàu có, độc đáo của âm nhạc Việt Nam là niềm hạnh phúc, niềm tự hào lớn của mỗi con người Việt Nam.
Vừa giới thiệu về âm nhạc truyền thống Việt Nam, tôi vừa rút kinh nghiệm để lần sau làm tốt hơn. Có một số trường hợp, tôi thấy người giới thiệu đờn chỉ thuần đờn cho mọi người nghe chớ không giảng giải, người nghe chỉ nghe thôi chứ không hiểu gì về cây đờn đó. Hay người giới thiệu nói quá nhiều thì người nghe cũng mệt. Vậy là không nói thì thiếu, nói nhiều quá thì không hay.
Có người gọi công việc tôi đã và đang làm có tánh cách tiếp thị âm nhạc Việt Nam đến bạn bè thế giới. Thật ra, thời điểm tôi bắt đầu công việc giới thiệu văn hóa, âm nhạc truyền thống Việt Nam, tôi không nghĩ đến hai chữ "tiếp thị" mà chỉ đơn giản muốn mọi người biết về những nét đẹp đó của đất nước mình. Và đó là một niềm hạnh phúc lớn lao.
Khi giới thiệu âm nhạc dân tộc Việt Nam, mục đích của tôi là giúp mọi người hiểu âm nhạc, nhưng nhiều khi cũng có ảnh hưởng tốt về mặt chính trị mà tôi không ngờ.
Trong một chương trình truyền hình ở Honolulu (Mỹ) mà tôi từng tham gia, vào thời điểm ấy, rất nhiều người nghe đến Việt Nam là nghĩ về chiến tranh. Người dẫn chương trình đã giới thiệu: "Thưa quý vị khán giả, nói đến Việt Nam là chúng ta nghĩ đến chiến tranh. Thế nhưng hôm nay, chúng tôi may mắn gặp được một người Việt Nam mang theo một thông điệp văn hóa, thi ca, âm nhạc của đất nước này. Xin quý vị đừng bỏ lỡ chương trình". Và sau đó là hình ảnh cánh đồng lúa vàng, một con cò trắng bay và tiếng tôi ngâm sa mạc.
Chương trình đó có rất nhiều người đón xem. Tôi nói rằng: "Dân tộc Việt Nam của tôi là dân tộc có tiếng hát đi theo mọi động tác sinh hoạt trong cuộc sống. Từ lúc mới sinh ra, lúc làm việc ngoài đồng, lúc gặp gỡ lứa đôi, lúc trở về cát bụi".
Rồi tôi dẫn chứng: "Đứa bé mới sinh ra thì được nghe tiếng hát ru của mẹ, mỗi lời ru ấy dạy ta biết bao điều. Thí dụ như Con mèo, con chuột có lông, ống tre có mắt nồi đồng có gai. Tiếng hát ru chính là bài học âm nhạc đầu tiên mẹ dạy cho con. Những điều tưởng giản dị ấy đã giúp đứa bé có những cảm nhận đầu tiên về cuộc sống xung quanh. Khi đứa bé vui chơi thì có đồng dao. Người lớn khi lao động thì có câu hò, khi uống trà nghỉ ngơi thì có điệu lý. Những đêm trăng gái trai gặp gỡ, trao đá đổi vàng thì có đối ca. Khi đau ốm thì cũng có một loại nhạc giúp tâm hồn yên tĩnh lại. Khi đi về nơi vĩnh cữu thì cũng có tiếng "hò đưa linh". Người Việt Nam không chỉ thích hát mà còn thích nghe người khác hát, không chỉ thích nghe hát mà còn thích xem biểu diễn kịch nghệ. Chúng ta có hát chèo ở miền Bắc, hát bội miền Trung, hát cải lương miền Nam".
Sau khi chương trình chấm dứt, nhiều thính giả gọi điện cảm ơn đài truyền hình đã xóa tan hình ảnh chiến tranh trong tâm hồn họ khi nghe nói đến Việt Nam.
Nếu người nào đó nói với bạn rằng họ chưa biết nhiều về Việt Nam thì đừng ngần ngại giúp họ hiểu hơn về đất nước mình.
Bênh vực những giá trị đẹp đẽ của đất nước
Vì Việt Nam luôn trong trái tim tôi nên khi ai khen Việt Nam thì tôi thích, vui mừng, tự hào, ai chê Việt Nam mà đúng thì tôi lắng nghe đặng tìm cách trau dồi bản thân, nhắn nhủ đến mọi người.
Nhưng khi có ai chê Việt Nam không đúng cách, làm tổn thương cái đẹp của Việt Nam thì tôi không thể chịu được, không thể bỏ qua được. Xin kể các bạn nghe một câu chuyện thí dụ.
Năm 1964, tôi được mời tham dự buổi sinh hoạt thường lệ của Hội Truyền bá tanka Nhựt Bổn tổ chức tại Palais d'Orsay ở Paris. Hầu hết những người tham dự là người Nhựt Bổn và người Pháp, tôi là người Việt Nam duy nhứt tham dự buổi hôm đó nhưng không ai biết vì mọi người tưởng tôi là người Nhựt Bổn.
Tanka, viết theo Hán tự là "đoản ca", một thể thơ rất độc đáo của thi ca Nhựt Bổn. Nội dung diễn tả những cảm xúc vui - buồn - thương - giận của đời thường, lấy mọi chủ đề trong cuộc sống từ cảnh đẹp thiên nhiên đến muôn mặt tình cảm con người. Về hình thức, một bài thơ tanka chỉ có 31 âm với cấu trúc 5-7-5-7-7, nhịp điệu phù hợp với đặc thù của tiếng Nhựt.
Diễn giả đăng đàn hôm đó là một cựu đề đốc thủy sư người Pháp, thuyết trình về những nét đặc thù của thi ca Nhựt Bổn nói chung và tanka nói riêng. Ông mở đầu bài diễn thuyết bằng so sánh: "Thưa quý vị, tôi là thủy sư đề đốc, đã sống ở Việt Nam hai chục năm mà không thấy một áng văn nào đáng kể. Nhưng khi sang nước Nhựt Bổn chỉ trong vòng một, hai năm, tôi đã thấy cả một rừng văn học, và trong rừng văn học đó, tanka là một đóa hoa tuyệt đẹp".
Sau đó, ông tiếp tục có nhiều lời khen ngợi thơ tanka. Ông nhấn mạnh: "Trong thơ tanka, chỉ cần nói một ngọn núi, một con sông mà tả được bao nhiêu tình cảm. Chỉ cần 31 âm mà nói bao nhiều chuyện sâu sắc, đậm đà. Nội hai điều đó mà tôi thấy không dễ gì nước khác có được".
Phát biểu đó làm tôi bức xúc nhiều. Sau phần giao lưu, hỏi đáp giữa diễn giả và thính giả, trước khi bế mạc, ban chủ tọa hỏi trong số khán thính giả còn câu hỏi hay thắc mắc nào khác cần bày tỏ hay không. Tôi đứng dậy, xin phép được nói lên một số suy nghĩ.
Tôi rào trước đón sau để không bị ai bắt bẻ, nói bằng một thái độ lễ phép nhứt: "Bây giờ tôi xin phép không đặt câu hỏi liên quan đến đề tài chánh mà tôi đi lạc đề một chút. Tôi không phải là người chuyên môn văn học. Tôi là giáo sư nghiên cứu âm nhạc và thành viên của Hội đồng Quốc tế âm nhạc của UNESCO".
Nhờ những uy tín đó và khả năng nói tiếng Pháp rất tốt, phong cách nói nhẹ nhàng, nên tôi được nhiều người lắng nghe. Tôi nói tiếp: "Trong lời mở đầu phần nói chuyện, ông thủy sư đề đốc có nói rằng ông đã sống ở nước Việt hai chục năm mà không thấy một áng văn nào đáng kể. Tôi là người Việt, khi nghe câu đó tôi rất ngạc nhiên. Thưa ngài, chẳng biết khi ngài qua nước Việt, ngài chơi với ai mà ngài không biết một áng văn nào của Việt Nam? Tôi biết người Pháp có câu, những người có sở thích giống nhau thường chơi với nhau. Có lẽ ngài chỉ đi chơi với những người chỉ quan tâm chuyện ăn uống, chơi bời, hút xách thì làm sao biết đến văn chương. Phải chi ngài chơi với ông giáo sư Emile Gaspardone, thì ngài sẽ được biết đến một thư mục mà giáo sư đã ghi lại gồm trên 1.500 sách báo về văn chương Việt Nam, in trên tạp chí Trường Viễn Đông Bác Cổ của Pháp, số 1 năm 1934. Hay nếu ngài gặp ông Maurice Durand, thì hẳn ngài sẽ có dịp đọc qua hàng ngàn câu ca dao Việt Nam ông Durand đã cất công sưu tập. Ông Durand cũng hiểu biết về nghệ thuật chầu văn và đã cho xuất bản một cuốn sách ghi lại những hiểu biết của ông về sinh hoạt mọi mặt của người Việt Nam. Ông Maurice Durand cũng đã cộng tác với giáo sư bác sĩ Pierre Huard người Pháp, viết một thiên nghiên cứu về Việt Nam trong lĩnh vực dân tộc học, văn học và âm nhạc học, có tựa đề là "Connaissances du Vietnam" (Tìm hiểu nước Việt Nam). Nếu ngài làm bạn với những người như vậy ngài sẽ biết rằng nước tôi không chỉ có một mà có hàng ngàn áng văn kiệt tác. Tôi không biết ngài đối với người Việt Nam thế nào nhưng người Việt Nam thường rất hiếu khách, sẵn sàng nói cái hay trong văn hóa của mình cho người nước khác nghe, nhưng mà người Việt Nam chúng tôi cũng chọn mặt gửi vàng, đối với những người nào muốn tìm hiểu thật sự về Việt Nam thì chúng tôi sẽ cho biết, còn đối với những người nào phách lối thì có khi chúng tôi không nói chuyện. Việc ông không thấy bất cứ áng văn nào của Việt Nam cho thấy ông đang giao thiệp với những người Pháp như thế nào, ông đối xử với người Việt Nam ra sao. Tôi rất tiếc vì điều đó. Vậy mà ông còn dùng đại ngôn trong lời mở đầu".
Tôi nói tiếp: "Ông nói rằng trong thơ tanka chỉ cần nói một ngọn núi, một con sông mà tả được bao nhiêu tình cảm. Tôi là một người nghiên cứu về âm nhạc nên tôi chỉ biết sâu về âm nhạc, nhưng với những kiến thức văn chương tôi học được ở trung học cũng đủ để trả lời ông. Việt Nam có câu: "Núi cao chi lắm núi ơi/ Núi che mặt trời không thấy người yêu". Tức là cũng dùng ngọn núi để diễn tả nỗi nhớ thương. Hay như khi trai gái thương yêu nhau thì mượn hoa lá để bày tỏ tình cảm: "Đêm qua mận mới hỏi đào/Vườn hồng đã có ai vào hay chưa". Còn về số âm tiết, tôi nhớ rằng đại sứ Việt Nam là Mạc Đĩnh Chi dưới thời nhà Trần đi sứ sang nhà Nguyên, thì bà hậu phi của nhà Nguyên vừa từ trần. Triều đình nhà Nguyên muốn thử tài đại sứ nên mời đại sứ đọc bài điếu văn. Khi đưa bài điếu văn ra chỉ có 4 chữ nhứt. Đại sứ Mạc Đĩnh Chi không hốt hoảng mà ứng tác liền:
Thanh thiên nhứt đóa vân
Hồng lô nhứt điểm tuyết
Thượng uyển nhứt chi hoa
Dao trì nhất phiến nguyệt
Y! Vân tán, tuyết tiêu, hoa tàn, nguyệt khuyết!
Tạm dịch:
Một đám mây giữa trời xanh
Một bông tuyết trong lò lửa
Một bông hoa giữa vườn thượng uyển
Một vầng trăng trên mặt nước ao
Than ôi! Mây tản, tuyết tan, hoa tàn, trăng khuyết!
Tất cả là 29 âm chứ không phải 31 âm, đủ để nói người quá vãng đẹp và quý như trên trời xanh có một đám mây, lò hồng có một nụ tuyết, vườn thượng uyển có một bông hoa, dưới ao có một bóng trăng. Người đó không còn trên đời được thể hiện bằng hình ảnh mây tản, tuyết tan, hoa tàn, trăng lặn".
Khi tôi dịch những câu thơ Việt Nam và giải nghĩa thì khán giả vỗ tay nhiệt liệt.
Tôi kết thúc lời phát biểu của mình: "Đó chỉ là những hiểu biết của tôi khi tôi học ở trường trung học tại Việt Nam để nói rõ với ông thủy sư đề đốc về văn chương phong phú của đất nước tôi. Cũng xin nhắc với đề đốc khi nào ông muốn nói về văn chương thi ca, ông đừng dùng sự tương phản để câu mở đầu của ông hay hơn mà lại hạ thấp giá trị tinh thần của một dân tộc khác, như vậy là ông làm tổn thương dân tộc đó".
Ông đề đốc thủy sư đỏ mặt, đứng dậy và nói: "Thực ra tôi chưa biết về người đang đối thoại với tôi, chỉ biết ông là một giáo sư. Khi ông nói và đưa thí dụ, tôi thấy rằng tôi đã quá sai. Trong lúc mở đầu câu chuyện, tôi đã vô tình làm tổn thương giá trị văn chương của một dân tộc khác, tôi xin lỗi cả dân tộc Việt Nam. Và tôi xin hứa là không để chuyện này lặp lại".
Tôi trả lời: "Dân tộc Việt Nam chúng tôi rất khoan hồng và tôi tin chắc rằng dân tộc Việt Nam sẽ tha lỗi cho ông. Người Pháp có câu: những lỗi được người làm lỗi nhìn nhận và xin lỗi tức là đã được tha thứ một phân nửa. Sau khi ông xin lỗi chánh thức trước mặt mọi người, tôi cũng tha lỗi cho ông".
Trong giờ giải lao, ông thủy sư đề đốc đến nói với tôi: "Khi nghe ông đưa các thí dụ, tôi thấy xấu hổ lắm và tôi mong vợ chồng tôi có thể mời ông đến dùng cơm với chúng tôi để chúng tôi có dịp nghe ông nói chuyện và hiểu thêm về Việt Nam".
Tôi đáp: "Cảm ơn ông nhưng người Việt Nam chúng tôi không phải ai mời ăn cơm cũng ăn, bởi chúng tôi chỉ ăn với những người mình thương yêu, tâm đầu ý hiệp. Tôi và ông mới gặp nhau lần đầu và cũng không gặp nhau trong hòa khí, thì xin ông cho một thời gian sau, khi có dịp hiểu biết nhau hơn thì có thể dùng cơm với nhau".
Ông lại nói: "Như vậy là giáo sư chưa tha lỗi cho tôi". Tôi đáp: "Có một câu ví von mà tôi không thể nói bằng tiếng Việt hay bằng tiếng Pháp mà phải nói bằng tiếng Anh, đó là I forgive but I can’t yet forget" (tạm dịch: Tôi tha thứ nhưng tôi chưa thể quên). Từ đó về sau tôi và ông thủy sư đề đốc không bao giờ gặp nhau nữa.
Có ích cho đất nước trong mỗi phút giây
Tôi luôn mong cống hiến trọn đời cho đất nước, bằng cách làm sao cho nhiều người Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ hiểu thêm và quay trở về với âm nhạc truyền thống Việt Nam.
Tôi là người của công việc và luôn mong mỗi một giây phút sống của mình phải có ích cho đất nước. Nếu chỉ sống mà chỉ để ăn, uống, tồn tại như cây cỏ - thì chắc tôi không sống nổi. Bao giờ mà tôi thấy mình không có ích cho ai nữa thì chắc không cần đợi có bịnh, tôi cũng sợ e không còn sức sống nữa.
Ở tuổi 90, tôi vẫn tiếp tục những công việc phù hợp với sức khỏe của mình: nói chuyện trên truyền hình, nói chuyện ở các trường, viết bài tham luận, dạy học trò, giúp học trò làm luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ, tổ chức các buổi nói chuyện âm nhạc chuyên đề định kỳ tại nhà… Tôi luôn tâm niệm, sống là cống hiến và không bao giờ tự nghĩ rằng cống hiến thế là đủ.
Trong mỗi buổi nói chuyện định kỳ về âm nhạc, ngoài việc mời những người trong lãnh vực nghệ thuật, các doanh nhân, tôi luôn để 50 chỗ cho thanh niên. Căn phòng họp trong nhà tôi chỉ chứa được 100 người, như vậy cũng đủ để buổi nói chuyện không bị loãng, hạn chế những người đến xem chỉ vì hiếu kỳ, hay đi ra đi vào làm ảnh hưởng đến người khác. Tôi xem đó là một "thánh đường" của văn hóa, âm nhạc của riêng tôi. Các cơ quan truyền thông cũng hỗ trợ tôi rất nhiều để chia sẻ thông tin, mở rộng tác dụng của chương trình này. Con trai của tôi ở nước ngoài cũng đưa thông tin về chương trình này lên mạng bằng tiếng Anh, tiếng Pháp để thêm nhiều người biết đến những điều tôi nói về âm nhạc, văn hóa Việt Nam.
Mong muốn của tôi khi tổ chức chương trình này là tạo cơ hội cho những người muốn tìm hiểu âm nhạc dân tộc Việt Nam có dịp tiếp cận với nó. Quan trọng nhứt là thanh niên, tôi muốn thanh niên hiểu về những giá trị quý báu ấy của dân tộc. Và để hấp dẫn người tham dự, tôi không chỉ cắt nghĩa, giải thích mà còn mời người biểu diễn để minh họa. Tôi tin rằng bạn trẻ Việt Nam cũng yêu thích âm nhạc dân tộc, vấn đề là cần có người giảng giải cho các bạn một cách sinh động, hấp dẫn. Tôi rất mong muốn có những người như vậy tiếp tục thực hiện ước vọng này của tôi.
Có những bạn trẻ khi tham gia chương trình đã xúc động đến rơi nước mắt khi hiểu về cái hay, cái đẹp của âm nhạc dân tộc, dẫu trước đó, bạn không ưa âm nhạc dân tộc.
Trong khi tôi làm ra tiền, tôi giúp cho con, cháu học trò nghèo, tiền tôi không để xài cho riêng tôi, tôi ăn mặc rất đơn giản. Thậm chí, khi tôi không có đủ tiền cho học trò thì tôi đi xin các mạnh thường quân trong và ngoài nước. Có một em học sinh làm tôi hết sức cảm động khi nói: "Thầy ơi, con thương thầy quá! Thầy tuổi già rồi mà thầy phải đi ăn xin để nuôi tụi con, tụi con không bao giờ dám quên. Phải cố gắng học để không phụ lòng thầy thương mấy con".
Tôi từng suy nghĩ rằng tuổi cao là lúc mình được nghỉ ngơi. Nhưng trong khi vui chơi, tôi lại nghĩ: "Quỹ thời gian còn lại trên đời không được bao nhiêu, vậy mà dùng để vui chơi vậy thì đã bỏ bao nhiêu cơ hội đem hiểu biết của mình giúp ích cho đời. Mình vui chơi tức là cho rằng công chuyện mình làm đã đầy đủ nhưng thật ra công chuyện mình làm thì biết lúc nào là đầy đủ".
Đời người vốn ngắn ngủi nhưng cứ "tận nhân lực, tri thiên mạng", mặc dầu tuổi lớn, khi còn làm được thì tôi vẫn làm, vẫn còn dành trọn tâm huyết cho một chữ tình với âm nhạc, với người, với cuộc đời. Tất cả cũng vì hình ảnh Việt Nam luôn trong trái tim tôi. Tôi có gởi gắm điều này trong mấy câu thơ:
Cả một đời xây một chữ tình
Chẳng vì duyên lợi chẳng vì danh
Tình quê, tình nước, tình nhân loại
Tình nhạc, tình thơ, tình với tình
Thiên phú trời cho đâu đã chắc
Trau dồi luyện tập mới nên tinh
80 ngoài tuổi ngồi ghi lại
Chút lửa tình trao kẻ hậu sinh.