Mỗi nghề nghiệp đều có những vật dụng liên quan, thí dụ người thợ mộc có bào, có đục; thợ may có cây kéo… thì người nghệ sĩ đờn có cây đờn.
6 tuổi tôi đã đánh đờn kìm, 8 tuổi tôi đánh đờn cò. Sau này, tôi đờn nhiều nhất là đờn tranh và đờn kìm. Tính đến nay, tôi đã gắn bó với những cây đờn 84 năm. Mỗi cây đờn trong cuộc đời tôi, tôi đều yêu thương như một người bạn đặc biệt, một tri kỷ, tri âm. Cũng vì yêu đờn tha thiết nên không còn gì đau đớn hơn khi không còn đờn được nữa.
Nỗi buồn khi xa tiếng đờn
Năm 2004, khi về Việt Nam, tuổi cao, tôi đờn khó hơn nhiều lắm. Mỗi lần đờn, tôi đều ghi âm, nghe lại mà nước mắt chảy dài. Nhìn hai bàn tay, tôi tự nhủ: "Thôi rồi, mình không còn là mình nữa".
Bàn tay không nghe theo tôi nữa, muốn tay đi mau cũng không đi mau được, muốn tay nhấn sâu cũng không nhấn sâu được, đưa tay bắt dây đờn cũng bắt trật, kẹt tay trên dây đờn… Tất cả chỉ vì tôi bị thấp khớp.
Tai tôi không còn nghe tốt, phải dùng đến máy trợ thính. Nhiều thanh âm nghe qua máy trợ thính tôi tưởng là đúng nhưng khi nghe lại thì không phải. Không làm chủ được lỗ tai và hai bàn tay, tôi quyết định không đờn nữa. Điều này làm tôi buồn suốt 6 tháng trời. Dứt buồn, tôi quyết định dầu không đờn được nữa thì cứ nghe đờn và tiếp tục dạy học trò.
Tính đến nay, đã 6 năm rồi tôi không đờn. Tất nhiên, tôi vẫn còn đờn được nhưng tôi không thích vì thấy mình kém chính mình trước đây. Thí dụ, trước đây, tôi đờn được 10 thì bây giờ chỉ đờn được 2, 3, tay bị đau và phần sáng tác đờn rao không những không có gì mới hơn, hay hơn mà càng ngày càng thụt lùi. Tôi không muốn để những người đã biết đến tiếng đờn của tôi thấy tôi xuống phong độ.
Một trong những thói quen của tôi là cứ sáng dậy, đờn khoảng 10 - 15 phút, uống trà xong, đờn một chút nữa, khi rảnh rỗi, tôi cũng đờn. Nhưng tôi không ghiền đờn. Bằng chứng là vắng đờn tôi cũng không sao. Có lần, tôi đi dự hội nghị 15 ngày, không mang theo đờn, thấy mọi việc vẫn bình thường. Tất nhiên, với những hội nghị mời tôi với tư cách nhạc sĩ, tôi có thể mang cây đờn đi theo thì tôi sung sướng lắm.
Cũng như nhiều điều trong cuộc đời, khi đã yêu thì tôi yêu hết sức nồng nàn nhưng không để cho say, cho ghiền. Hay như uống rượu, tôi cũng uống thiệt ngon, uống thiệt mạnh, thưởng thức nhiều loại rượu, nhưng tuyệt đối không bao giờ ghiền.
Với tôi, đờn cũng như một người bạn, mà còn là một người bạn đặc biệt hơn cả người tình. Tôi hết mực tôn trọng và không bao giờ có cử chỉ phũ phàng với đờn.
Khi lên dây đờn không ăn, tôi vuốt nhẹ đờn, tâm tình: "Chà, sao bữa nay không ngoan há. Dây như thế này làm sao mà đờn? Ngoan chút đi!". Khi đã lên dây ăn rồi, tôi lại vuốt ve nhẹ nhàng cây đờn: "Bây giờ ngoan rồi đó!". Và tôi bắt đầu đờn.
Ở tuổi 90, tôi vẫn nhớ đờn nên tôi vẫn thường ôm đờn, đờn một chút để riêng mình nghe. Chiều 30 tết, tôi thường nhẹ nhàng lau chùi dây đờn, lên dây sẵn và thủ thỉ trò chuyện với đờn. Ngày đầu năm, ai rờ đến cây đờn nào thì đờn lên dây đều đúng hết. Khoảng 8 giờ mùng 1 tết, tôi khai đờn trước khi khai bút. Tôi mang từng cây đờn xuống, đờn đôi câu, vuốt ve tâm tình rồi máng đờn lên.
Cây đờn gia bảo
Có những cây đờn đi theo thăng trầm của cuộc đời tôi. Khi tôi nghèo quá, đờn cùng tôi đi biểu diễn mưu sinh, kiếm tiền học hành. Xin kể các bạn nghe một vài chuyện đáng nhớ của tôi gắn với những cây đờn.
Năm 1949, khi tôi chuẩn bị đi tàu Champollion từ Việt Nam sang Pháp, anh Năm Châu - bạn thân của tôi - đãi tiệc tiễn tôi tại một khách sạn. Chủ khách sạn là bạn của anh Năm Châu, mới hỏi: "Anh Năm đãi anh Khê đi làm gì đó?". Anh Năm Châu trả lời: "Mai ảnh đi qua bên Tây". "Đi tàu nào?". Anh Năm Châu đáp: "Đi tàu Champollion". Chủ khách sạn nói: "Ấy, chút xíu nữa có ông quan ba tàu Champollion lại đây ăn cơm nè. Hồi trước tôi là lính của ổng, ổng thương tôi ghê lắm. Để tôi gửi gắm anh Khê cho ông quan ba tàu đó".
Tôi nghe khoái quá. Khi tôi gặp ông quan ba tàu, ổng hỏi: "Anh đi hạng nhứt hay hạng nhì?". Tôi nói đi hạng tư. Ổng nói: "Đi hạng tư cực lắm. Mà giường nằm thì nhỏ, làm sao mà anh để cây đờn tranh được. Lỡ khi tàu lắc, cây đờn ngã bể thì sao?".
Tôi càng nghĩ càng lo cho cây đờn tranh mà gia đình để lại. Nói cụ thể, đó là cây đờn có từ thế kỷ 19, là báu vật của gia đình, ông nội tôi để lại cho cô Ba, cô Ba để lại cho tôi.
Ông quan ba nói: "Thôi, để tôi cho anh hai giường kề nhau, trong đó có một giường gần cửa, khi nào nóng thì anh mở cửa cho mát, khi nào lạnh thì đóng cửa lại. Anh ngủ trên một giường, để cây đờn tranh nằm bên cạnh".
Lúc đó tôi nghèo, không có tiền đóng hộp đờn nên một tay ôm cây đờn tranh, một tay xách cái va li. Vậy là tôi ngủ với cây đờn suốt 27 ngày trên chuyến tàu đó. Tôi rất thương cây đờn nhỏ đó.
Cây đờn đó theo tôi suốt từ năm 1949 đến năm 1973 nơi đất khách quê người. Nhưng càng về sau, cây đờn nhỏ càng không diễn tả hết cái tình ngày càng rộng, càng mạnh, càng sâu trong tôi. Cây đờn đã qua thời "vàng son" và đến lúc tôi cho nó nghỉ ngơi.
Bây giờ, cây đờn nhỏ nhiều kỷ niệm ấy được tôi treo ở một góc trang trọng trong nhà của mình.
Cây đờn tì bà nặng tình bạn học cũ
Một cây đờn khác khắc ghi tình cảm bạn bè dành cho tôi là cây đờn tì bà. Năm 1964, các bạn tôi vốn là cựu học sinh trường Petrus Ký trong một buổi họp mặt đã nhớ lại lời tôi nói hôm nào: "Bên đây có đờn kìm, đờn tranh mà không có đờn tì bà". Vậy là các bạn góp tiền, mua và gởi một cây đờn tì bà sang Pháp tặng tôi. Hình dáng cây đờn rất đẹp nhưng không kêu to.
Mãi đến năm 1973, anh Vĩnh Bảo sang Pháp và ở nhà tôi, khi xem cây đờn tì bà này, anh nói: "Để tôi "giải phẫu" nó cho nó kêu to". Tôi đồng ý. Anh Vĩnh Bảo rờ rờ, gõ gõ các nơi và soi một lỗ phía sau lưng đờn thì tiếng đờn thiệt tốt. Tôi ngạc nhiên, sung sướng và ôm lấy anh Vĩnh Bảo để cám ơn. Sau đó, tôi dùng cây đờn tì bà này hòa với tiếng đờn tranh của Vĩnh Bảo và ghi âm làm kỷ niệm.
Cây đờn mang tên Trần Cithare
Năm 1972, tôi còn được anh Vĩnh Bảo tặng cho một cây đờn tranh làm từ cây ngô đồng. Cây đờn này nhẹ, đánh rất vừa tay, tiếng nào cũng êm, và nhứt là rất vừa với giọng ngâm thơ, tiếng ca của tôi. Nhờ đó mà tiếng đờn, tiếng hát của tôi phát triển nhanh chóng.
Năm 1988, khi bay từ Paris qua Honolulu dạy học, tôi đem cây đờn tranh đó theo. Đờn để trong một bao bằng da, nhưng vì kích thước lớn, không có tủ nào để vừa, hãng máy bay không nhận. Để được phép mang cây đờn theo, tôi phải mua thêm một giấy máy bay cho trẻ em. Khi nhân viên sân bay hỏi ghi tên người đi thế nào vào giấy máy bay này, tôi nói hãy ghi tên Trần Cithare (cithare trong tiếng Pháp tức là cây đờn cùng một họ với đờn tranh).
Khi qua cửa xét giấy, nhân viên hỏi em bé đâu, tôi chỉ cây đờn, nhân viên cười. Đến lúc cột dây bảo hiểm, tôi cột dây cho tôi, thì có nhân viên đến cột dây an toàn cho cây đờn. Tới giờ cơm thì cây đờn cũng có phần. Tôi ăn cả phần nó, bận về cũng vậy.
Bên Mỹ, đi máy bay từ tiểu bang này sang tiểu bang kia, nếu hành khách có mua giấy trẻ em cùng đi thì được lên máy bay trước, còn có chiêu đãi viên đến ẵm giùm em bé. Vì vậy, mỗi lần đi chung với cây đờn mang tên Trần Cithare thì tôi được lên máy bay trước, ngồi hàng đầu và có chiêu đãi viên đi theo "ẵm" dùm cây đờn. Nhiều người thắc mắc không biết tôi làm gì mà sang trọng quá, được đi trước, ngồi trước và còn có một chiêu đãi viên đi theo ôm đờn lên tận máy bay. Họ thắc mắc như vậy vì chưa biết những ưu đãi dành cho hành khách có trẻ em đi cùng. Tôi nghĩ, mang theo đờn cũng như mang theo con nhỏ, nhưng nhờ có nó mà tôi được "ăn trên, ngồi trước".
Cũng chính cây đờn ấy cùng tôi trải qua một tai nạn xe. Vào một buổi tối năm 1992, tại Paris, khi tôi đang lái xe về nhà sau buổi đờn tiễn các bạn Ấn Độ về nước thì xe tôi bị một chiếc xe khác đâm sầm vào. Đầu xe tôi bể nát, tôi kẹt trong xe không ra được. Khi thoát được ra ngoài, tôi thấy mình không bị thương gì. Nhưng cây đờn tranh (vốn là cây đờn do anh Vĩnh Bảo tặng) thì bị sốc và có hai con nhạn đâm thủng mặt đờn. Tôi lo lắm, nếu thay mặt đờn thì phải thay hết, nhưng mặt đờn ấy là do anh Vĩnh Bảo lấy từ mặt một cây đờn cũ làm bằng gỗ ngô đồng của Trung Quốc.
Lúc đó, tôi mới thầm nói: "Tôi thương cây đờn này vì đó là cả một kỷ niệm của bạn tôi". Sau đó, tôi lấy một miếng giấy có màu giống màu gỗ mặt đờn dán vào chỗ thủng. Vừa dán, tôi vừa thầm thì: "Đờn ơi, đờn bị thương rồi. Nếu mà giải phẫu cắt bỏ hết thì tôi đau lòng lắm. Để tôi băng lại vết thương cho đờn. Nếu thương tôi thì kêu y như xưa nhé!".
Và tôi để hai con nhạn hơi chệch ra khỏi chỗ thủng. Thật vui khi tiếng đờn vẫn vang như xưa.
Cây đờn tranh từ gỗ ngô đồng Nhựt Bổn
Năm 1976, nhạc sư Vĩnh Bảo còn muốn đóng thêm cho tôi một cây đờn lớn phù hợp với tiếng hát của tôi và cần phải có gỗ ngô đồng để làm mặt đờn. Tôi mới nhờ một người bạn của tôi là giáo sư Tsuge mua dùm gỗ ngô đồng bên Nhựt Bổn và gửi về Việt Nam.
Hành trình của mấy thanh gỗ đó gian lao lắm, qua đến Thái Lan thì kẹt lại hai tháng, sau đó mới đến Việt Nam. Con trai tôi - Trần Quang Minh - xếp hàng đợi cả ngày ở phi trường Tân Sơn Nhứt để nhận hàng. Thời điểm đó, đất nước mới thanh bình, ai đi nhận hàng từ nước ngoài gửi về cũng hớn hở khi nhận được bột ngọt, xà bông, thức ăn… Đến lượt Minh thì nhận được mấy thanh gỗ. Mọi người xung quanh ngạc nhiên lắm. Có người còn đùa: "Bộ ở đây thiếu củi chụm hay sao vậy?".
Anh Vĩnh Bảo xem qua thanh gỗ rồi cắt làm ba miếng, đóng thành ba cây đờn, một cây cho tôi, một cây cho con gái tôi, một cây cho anh. Ba cây đờn đều có tiếng vang rất hay. Riêng cây đờn của tôi có chữ ký bằng ngà của anh Vĩnh Bảo.
Tôi về nước, nhìn thấy cây đờn là yêu thích ngay. Khi mang cây đờn này sang Pháp biểu diễn, nhiều người ngạc nhiên vì nó lớn hơn những cây đờn tranh khác. Những tiếng trầm vang đúng tiếng trầm, người và đờn hài hòa đồng điệu, ăn ý, nó như bạn tri kỷ tri âm của tôi, diễn tả được những điều tôi muốn thể hiện. Cây đờn đó vô giá vì có tình cảm của giáo sư Tsuge, của anh Vĩnh Bảo trong đó. Đó cũng là cây đờn tôi thích nhứt.
Đời người - đời đờn
Khi tôi nghèo, tha hương, đờn theo tôi lòn lỏi vào hiệu ăn để mưu sinh. Tôi không tránh khỏi lúc tủi thân vì đờn không ai nghe, họ chỉ mải chuyện trò, ăn uống. Khi người ta đến hỏi thăm, cho tiền thưởng thì tôi ngại ngùng không muốn nhận. Chủ hiệu ăn phải để một cái dĩa để họ để tiền vào thưởng nhạc sĩ.
Đờn đồng cam cộng khổ nên tôi yêu thương đờn lắm. Mỗi đêm ngủ với cây đờn, tôi đều cảm thấy thân mật, ấm áp.
Tôi thường nhẹ nhàng vuốt ve đờn, lau chùi dây, để trong hộp đàng hoàng. Trước khi để đờn vào hộp, tôi luôn chùi cây đờn và nói nhỏ: "Thôi nằm yên đó nhé". Dù đờn là đồ vật nhưng vẫn phải có tình với nó. Tôi không những thương yêu mà còn kính trọng nó. Tôi không bao giờ bước ngang qua đờn, như vậy chẳng khác nào bước ngang đầu một con người, tôi chịu không nổi. Khi đờn xong, tôi luôn xếp đờn trở lại, để phía trước, cúi đầu chào nó một cái, như thể chào một người bạn.
Ngày nay, tôi thấy phần đông nghệ sĩ không thật sự có được thái độ trân trọng cần có với cây đờn, như chống cây đờn để đó rồi bỏ đi, xem nó như món vật để kiếm tiền. Tôi cũng dạy các học trò và các con thái độ trân trọng với đờn. Tôi ý thức việc này, biết nâng niu những cây đờn từ nhỏ.
Nhiều khi, tôi giải tỏa những tình cảm bằng tiếng đờn tranh. Mỗi lần buồn nhớ điều gì, tôi lấy đờn tranh ra, pha một bình trà, vặn dây đờn lên là thấy người nhẹ nhàng, lên dây mà ăn thì thấy người khoan khoái.
Nhiều khi tôi buồn quá, tôi lên dây không ăn, tôi nghĩ chắc đờn cũng đang chia sẻ với cái bối rối của mình. Khi đờn, tôi luôn chú ý để tay sạch, quần áo sạch sẽ, tâm tĩnh lặng.
Tôi chỉ có khoảng chục cây đờn, tôi chọn cây đờn tranh để đờn nhiều nhứt vì nó diễn tả hết tất cả những gì uyển chuyển trong tâm hồn tôi. Và mỗi lần đờn, nhất là đờn bản Nam xuân nhịp tư trên đờn tranh, tôi lại nhớ cô Ba da diết.
Tôi yêu những cây đờn của tôi như yêu những người bạn không bao giờ phản bội mình. Khi trân trọng những người bạn đồng hành trong việc thực hiện lý tưởng của mình - dẫu đó chỉ là đồ vật - chắc chắn bạn sẽ được đáp lại bằng những tình cảm đặc biệt.