Bạn trẻ thân mến, biết tùy cơ ứng biến trong cuộc sống, bạn sẽ có thể vượt qua những tình huống khó khăn, chuyển bại thành thắng, biến cái dở thành cái hay. Phải biết thích nghi với hoàn cảnh chứ không phải luôn mong muốn hoàn cảnh phù hợp với mình. Dưới đây là vài tình huống mà nhờ tùy cơ ứng biến, tôi đã đạt được kết quả tốt đẹp.
Khi đờn đứt dây…
Năm 1982, khi tôi đang biểu diễn đờn tranh tại một nhà hát của thị trấn Vitry-sur-Seine (Pháp) thì đứt dây liu - hò. Đó là dây cơ bản khó mượn chữ. Khi đứt dây đờn, tôi giựt mình giây lát và biết rằng không thể đờn tiếp nữa.
Tôi dừng lại và nói với khán giả: "Thưa quý vị, theo truyền thống Á Đông, khi đang đờn mà đứt dây đờn là có thể có người đang trộm nghe và nghe rất chăm chú. Như ngày xưa, Bá Nha đang đờn thì đứt dây, cho người tìm kiếm khắp nơi thì thấy một người đang núp trong bóng tối mà nghe đờn, vai đeo một chiếc rìu. Quân nhân tưởng người này có ác ý, bèn bắt đem ra trước Bá Nha. Người này nói: "Tôi là Tử Kỳ, mới đốn củi trên núi về, nghe tiếng đờn hay quá nên lén lắng nghe". Quý vị thấy đó, hôm nay, đờn đứt dây tức là có thính giả nào đó đang nghe rất chăm chú, quyết lòng nghe. Tôi xin cảm ơn thính giả nào đó và cũng xin lỗi quý vị vì đứt dây đờn".
Trong khi khán giả tập trung lắng nghe câu chuyện Bá Nha - Tử Kỳ thì tôi nhanh nhẹn vuốt, kéo dây đờn. Chuyện kể xong thì cũng là lúc dây đờn được thay xong. Tôi nói tiếp: "Bây giờ, xin mời quý vị nghe tiếp nhưng xin quý vị đừng lắng nghe quá chăm chú để dây đờn không bị đứt lần nữa". Khán giả cười và vỗ tay rần rần.
Nhờ miệng vừa thuật chuyện, gương mặt vẫn cười, tay thì nhanh nhẹn sửa dây đờn mà tôi hóa giải được tình huống đó. Ngoài ra, tôi còn làm khán giả thích thú vì nghe được chuyện hay và được người chơi đờn đánh giá là người biết nghe, chăm chỉ nghe đờn. Nếu như lúc đó tôi chỉ xin lỗi khán giả rồi lo sửa dây đờn thì chắc chắn sự hào hứng của khán giả sẽ giảm xuống.
Những ngẫu hứng với trích đoạn "Lữ Bố hí Điêu Thuyền"
Năm 1964, trong lúc tham gia vào ban tổ chức Hội nghị Quốc tế về nhạc kịch thế giới tại thành phố Hamburg (Đức) với tư cách một thành viên của ban chấp hành Hội đồng Quốc tế âm nhạc (thuộc UNESCO), tôi rất khổ tâm khi thấy gần 50 nước trên thế giới tham dự mà Việt Nam không góp mặt vì lúc ấy đang chìm trong khói lửa. Chánh quyền hai miền Nam Bắc không ai có thời gian suy nghĩ đến văn hóa, nhứt là giao lưu văn hóa với quốc tế.
Nhưng với cương vị là người Việt Nam, là thành viên ban chấp hành Hội đồng Quốc tế âm nhạc, tôi có quyền đề cử một đoàn tham dự để kịch nghệ Việt Nam góp mặt với các nước. Tôi đã ghi tên thuyết trình về những nét đặc thù của kịch nghệ Đông Á (Trung Quốc, Nhựt Bổn, Việt Nam) nhưng để minh họa cho kịch nghệ Việt Nam thì không có ai. Lúc ấy chưa có phim ảnh nào ghi hình và âm thanh một buổi hát chèo, một tuồng hát bội hay vở cải lương.
Trong thời gian đó, tôi đang làm cố vấn nghệ thuật cho chương trình ca vũ kịch Việt Nam tại nhà hàng La Table Du Mandarin do anh Phạm Văn Mười làm chủ. Năm 1964, Kim Cương sang Pháp tu nghiệp về kịch trường, cô Bảy Phùng Há cũng sang Pháp để lánh khỏi không khí chánh trị tại miền Nam. Không muốn nhờ vả ai nên cô Bảy Phùng Há phải tự kiếm cách sinh sống và ở Pháp để thăm viếng con gái và cháu ngoại. Cô Bảy và Kim Cương cùng dựng lại một trích đoạn ngắn của lớp "Lữ Bố hí Điêu Thuyền" để diễn trong chương trình nghệ thuật tại quán ăn của anh Phạm Văn Mười.
Sân khấu của La Table du Mandarin không quá sáu thước vuông, vậy mà hai nghệ sĩ lớn sắp đặt bước đi, các điệu múa gói gọn vào sân khấu nhỏ ấy, thu hút khán thính giả vốn đa số là người nước ngoài đến thưởng thức mỗi đêm. Dàn nhạc phụ họa do anh Nguyễn Văn Thông, anh Danh phụ trách. Phận sự chánh của tôi tại đây là giới thiệu kịch nghệ Việt Nam và tóm tắt vở tuồng bằng tiếng Pháp hoặc tiếng Anh cho thực khách quốc tế nghe.
Một hôm, sau khi chương trình nghệ thuật bế mạc, tôi ăn cháo khuya với cô Bảy và bày tỏ băn khoăn của mình khi kịch nghệ Việt Nam không góp mặt trong Hội nghị Quốc tế về nhạc kịch thế giới tại thành phố Hamburg. Cô Bảy cũng xót xa lắm vì điều này.
Tôi ngỏ ý đem tiết mục "Lữ Bố hí Điêu Thuyền" tham dự hội nghị, cô Bảy đưa hai tay lên trời nói: "Không được đâu anh Hai ơi! Người ta đem cả đoàn với mấy chục diễn viên, lại nghe nói Đài Loan gởi một cuộn phim ghi hình ghi âm vở Phụng Nghi Đình, Nhựt Bổn gởi một đoàn hát nô tiếng tăm, các đoàn nhạc kịch của Campuchia, Thái Lan và Indonesia thì giới thiệu những vũ khúc phỏng theo truyền thuyết Ramayana. Mặc dầu tôi cũng xốn xang như anh Hai, nhưng chỉ có Kim Cương và tôi, vừa không tranh cảnh lại không có dàn nhạc cho những lúc trống xổ, chấm câu, trụ bộ… Trời ơi, một con én làm sao đem lại mùa xuân hả anh Hai?".
Tôi thuyết phục: "Chúng ta tuy ít người nhưng giàu nghị lực, phong phú trong nghệ thuật, lại có con tim rung động mãnh liệt vì tình yêu đất nước và văn hóa Việt Nam. Nếu Cô Bảy chịu cùng tôi suy nghĩ, bàn bạc thêm thì tôi tin rằng với quyết tâm, chúng ta sẽ từ cái không làm ra có, cái khó làm ra dễ".
Cô Bảy xiêu lòng: "Anh Hai cứ đề xướng mọi việc, tôi góp ý về nghệ thuật diễn xuất và chúng ta sẽ cùng nhau giải quyết từng điểm khó".
Trong vòng 10 ngày, cô và tôi lựa lớp tuồng rồi tập với Kim Cương cho nhuần nhuyễn. Khi bàn đến phần âm nhạc phụ họa là trở lực lớn nhứt, thì tôi phải thán phục sáng kiến của cô Bảy. Nhạc công chỉ có anh Danh, một người lính thợ biết đờn kìm và ghi ta móc phím, cô Bảy đề nghị anh Danh và tôi xem buổi diễn rồi hòa đờn theo, tôi lãnh phần đờn tranh và đờn cò, đến lúc đánh trống thì tôi giữ tay trống, anh Danh đánh chập chõa. Bài bản không khó lắm vì chỉ rao cho "nói lối" và vô bản "Khốc Hoàng Thiên", nhưng khó nhứt là canh sao cho đúng lúc cô Bảy sắp "trụ bộ" để chúng tôi đánh "tắc xà" cho khớp. Biết tôi băn khoăn, cô Bảy nói ngay: "Anh Hai cứ việc xổ trống theo bước đi của tôi. Trước khi trụ bộ, tôi hét to một tiếng "hê" thì anh Hai nhịp "tắc xà" liền".
Chúng tôi tập thử "hê… tắc xà", "hê… tắc xà" rồi ghi vào cuộn băng, để lúc cô Bảy múa thật, khi nghe trong cuộn băng có tiếng "hê" là cô trụ bộ. Hai bên trống với chập chõa và điệu múa của Lữ Bố khớp với nhau y như có dàn nhạc thật phụ họa cho diễn viên. Sau khi tập đi tập lại nhiều lần thật nhuần nhuyễn, cô Bảy và tôi nắm tay nhau cười đắc chí và quyết định giới thiệu tiết mục đó tại nhạc hội.
Trong những ngày tập dợt, chúng tôi vẫn ưu tư chưa biết làm sao xoay xở tiền mua vé máy bay từ Paris sang Hamburg cho cô Bảy và Kim Cương. Thêm một nỗi lo âu nữa là chẳng biết chủ hiệu ăn có bằng lòng cho cô Bảy và Kim Cương vắng mặt đến bốn ngày để tham gia chương trình hay không.
Không ngờ, lúc mời anh Phạm Văn Mười đến xem cô Bảy và Kim Cương biểu diễn với lời giới thiệu của tôi và dàn nhạc phụ họa ghi trong băng, anh khen nức nở, chẳng những bằng lòng cho cô Bảy và Kim Cương đi dự hội nghị mà còn hào phóng tặng hai vé máy bay khứ hồi cộng thêm khoản tiền chi phí ăn ở tại một khách sạn lớn ở Hamburg. Phần tôi thì vé máy bay và khách sạn đều do Hội nghị Quốc tế đài thọ vì là người trong ban tổ chức.
Mọi việc êm xuôi, cô Bảy nhìn tôi cười nói: "Đúng như lời anh Hai, nếu quyết tâm thì từ không chúng ta làm có, từ khó biến thành dễ. Hai anh em mình đã lo xong phần nghệ thuật, lại có được một mạnh thường quân giải quyết phí tổn. Rõ ràng Trời Phật phù hộ chúng ta".
Gần đến ngày hội nghị khai mạc lại có chuyện bất ngờ xảy ra: tôi không thể đáp cùng chuyến máy bay với cô Bảy và Kim Cương mà phải lên đường trước bốn ngày để họp ban chấp hành và lo việc tổ chức. Cô Bảy than: "Đi ra nước ngoài, nhứt là sang Đức mà không có anh Hai, chắc hai má con tôi không dám đi, vì tiếng Đức không biết mà tiếng Anh cũng chẳng rành".
Tôi trấn an: "Cô Bảy đừng lo. Tôi sẽ viết một cẩm nang ghi sẵn những câu mà cảnh sát biên phòng và công an thường hỏi lúc làm thủ tục nhập cảnh như: bà từ đâu tới, tên gì, mục đích khi đến nước Đức, sẽ ở tại đâu, trong thời gian bao lâu".
Tôi cẩn thận viết ra, phần đầu là những câu tiếng Việt, phần sau là tiếng Đức và dặn cô Bảy chỉ cần đưa cẩm nang cho công an hay hải quan tại phi trường, hễ họ chỉ vào câu số 1, 2 hay 3 thì cô sẽ chỉ vào câu trả lời tương ứng. Chúng tôi tập thử, tôi đóng vai cảnh sát vừa hỏi bằng tiếng Đức vừa chỉ vào câu số 1, 2, 3…, cô Bảy đều chỉ đúng câu trả lời. Cô vui vẻ cười khen rằng: "Anh Hai có phép màu, biến một người dốt đặc tiếng Đức có thể "trả lời" những câu hỏi của công an tại phi trường Đức".
Rốt cuộc, cô Bảy và Kim Cương qua cửa khẩu Hamburg dễ dàng. Hôm ra phi trường đón cô Bảy và Kim Cương, tôi cũng phập phồng lo sợ, đến lúc thấy hai người xuất hiện tươi cười vẫy tay chào, tôi mới an lòng. Về đến nơi, tôi đề nghị khách sạn sắp xếp cho cô Bảy và Kim Cương ở cạnh phòng tôi.
Vừa đến nơi, cô Bảy yêu cầu tôi đưa đến sân khấu để diễn thử một lớp tuồng. Kim Cương nghe vậy bèn nói: "Một nghệ sĩ bậc thầy như má thì cần gì phải tập trước, với lại mình chỉ diễn một trích đoạn nhỏ thôi chớ đâu phải diễn cả một vở tuồng". Cô Bảy nói: "Không con à, mình ghi băng nhạc theo cách đi của má trong một sân khấu nhỏ tại Paris, hôm nay diễn ở một sân khấu lớn thì mình phải tập thử để bước đi không gượng gạo và ăn khớp với nhạc. Trên sân khấu bình thường thì nhạc phải đi theo tiết tấu của người diễn, trong hoàn cảnh của chúng ta thì ngược lại, người diễn phải thích nghi với tiết tấu của băng nhạc". Điều này làm tôi hết sức khâm phục tinh thần nghề nghiệp của cô Bảy.
Cô Bảy còn than thở trên máy bay người ta dọn khoai tây luộc, bắp cải chua theo phong cách của Đức nên cô nuốt không vô. Cô lo lắng: "Nếu không có thức ăn hạp khẩu vị mà ngày nào cũng phải ăn khoai tây luộc, chắc tôi không đủ sức để biểu diễn". Tôi khuyên cô đừng có thành kiến với khoai tây luộc mà hãy thử nhai thật chậm để nhấm nháp hương vị ngon ngọt của nó. Rốt cuộc, những ngày sau đó bữa ăn nào Cô Bảy cũng đề nghị dọn cho mình một dĩa khoai tây luộc.
Đến hôm diễn, tôi giới thiệu màn Lữ Bố (do Cô Bảy đóng vai) đi tìm Điêu Thuyền (do Kim Cương đóng vai), khi đến Phụng Nghi Đình, Điêu Thuyền ở bên kia cầu, Lữ Bố băng qua bế Điêu Thuyền trên tay rồi cả hai đồng ca bài "Khốc Hoàng Thiên".
Kim Cương đóng vai Điêu Thuyền nũng nịu và rơi nước mắt với diễn xuất thần tình, khán giả vỗ tay rất lâu khiến Kim Cương thích chí nũng nịu thêm một lần nữa. Cô Bảy hoảng kinh khi nghe đờn đã bắt đầu vô bản Khốc Hoàng Thiên mà Điêu Thuyền còn tiếp tục khóc, vậy là Lữ Bố không thể chậm rãi qua cầu theo nhịp hát nữa. Rất lanh trí, cô Bảy dậm chân trên mặt sàn rồi nhảy phốc một bước qua cầu, ôm Điêu Thuyền trên tay để ca cho kịp bài Khốc Hoàng Thiên. Toàn thể khán giả nhứt loạt vỗ tay khen ngợi màn biểu diễn xuất thần. Về sau, khi tường thuật về các tiết mục biểu diễn phục vụ Hội nghị, báo chí đều nhận định tiết mục của Việt Nam là cây đinh của chương trình.
Đêm đó, sau khi dự tiệc rượu, ra về thì trời đã khuya. Biết rằng không thể ngủ được vì vui, cô Bảy rủ tôi lang thang qua các đường phố dưới màn mưa lất phất rơi cho đến gần hai giờ sáng. Thỉnh thoảng, cô quay nhìn tôi với đôi mắt ướt lệ mà nói: "Sung sướng quá anh Hai ơi!".
Cô Bảy đã cố gắng dựng một chương trình biểu diễn cải lương khi chỉ có hai nghệ sĩ và một cuộn băng ghi âm. Trong đời cô Bảy chưa có bao giờ gặp một cảnh khó như thế. Lúc đầu, cô không nghĩ rằng có thể thực hiện được nhưng sau khi thấy cần có một tiết mục để cho nước Việt Nam góp mặt với bạn bè thế giới trong Hội nghị Quốc tế về nhạc kịch thế giới thì trong 10 ngày, cô cùng tôi tìm mọi cách giải quyết hết những khó khăn. Cô đã cố gắng phát huy óc sáng kiến để vượt qua những khó khăn về ngôn ngữ, thức ăn không quen miệng, tìm cách đi, đứng, nhảy múa sao cho tự nhiên trên một sân khấu mới…
Từ câu chuyện này, tôi muốn nêu ra một thí dụ cụ thể của một người nghệ sĩ lớn ngoài tài nghệ còn có những đức tánh mà bạn trẻ nên noi theo. Một là, khi gặp khó khăn, không bao giờ bó tay mà phải quyết tâm tùy cơ ứng biến để vượt qua. Hai là, phải biết thích nghi với hoàn cảnh. Ba là, nên có lương tâm nghề nghiệp không bao giờ tự mãn với kinh nghiệm của mình mà luôn luôn phải luyện tập nhiều và khi đến một sân khấu lạ cũng cố gắng diễn tập một lần để không bị bỡ ngỡ trước ngoại cảnh khác.
Bộ lễ phục Ấn Độ "chữa cháy"
Năm 1979, tôi đi biểu diễn tại hai địa điểm ở Bombay (Ấn Độ), nhưng trước khi đến Bombay, tôi phải dự một hội nghị tại Hyderabad ở miền Nam Ấn Độ. Muốn đi từ Paris đến Hyderabad, tôi phải đi máy bay đến New Delhi - thủ đô của Ấn Độ - để đổi máy bay bay đến Hyderabad. Nhưng khi đến Tehran thì máy bay cháy cánh và tôi phải ở lại sân bay Tehran. Khi lấy hành lý thì tôi không thấy va li của tôi đâu, tôi báo với nhân viên thì được trả lời: "Ông không phải người đi tới Tehran, việc mất hành lý thuộc trách nhiệm của Air France". Tôi phải ở lại một ngày một đêm trong phi trường, không có quần áo để thay.
Từ Tehran đến New Delhi không có máy bay của Air France mà chỉ có máy bay Pan American, tôi may mắn đi được chuyến bay đó. Khi đến sân bay New Delhi, tôi cũng yêu cầu nhân viên xác nhận việc tôi bị mất hành lý và tìm dùm tôi một khách sạn để nghỉ ngơi. 6 tháng sau tôi mới tìm lại được chiếc va li này.
Tại New Delhi, quần áo tôi đã dơ quá rồi, tôi chỉ mang theo kem đánh răng và bàn chải, ngay cả dao cạo cũng không có. Tôi đi mua những thứ cần dùng thì không may New Delhi sắp lụt, không ai buôn bán gì. Tối đó, tôi đành đi ngủ với bộ quần dơ. Nhân viên khách sạn còn nói: "Ông cứ ngủ, đến khi nào tôi báo động thì ông chạy xuống để đi tránh lụt".
Hôm sau, khi tôi đến được Hyderabad thì đã khoảng 4 giờ chiều, trễ hơn một ngày so với kế hoạch, tôi lại định đi mua những thứ cần dùng thì ban tổ chức bảo tôi phải phát biểu ngay trong hội nghị vì không còn thời gian nữa. Khi vào tôi nói: "Trên đường đi tôi mất va li nên hôm nay ăn mặc không đúng trang phục của người dự hội nghị, thành thật xin lỗi quý vị". Bài nói chuyện của tôi hôm đó cũng được mọi người hoan nghinh lắm.
Sau đó, tôi nói với ban tổ chức tôi cần đi mua quần áo thì họ nói bây giờ đang là tháng chay Ramadan, đến 17 giờ, cả thành phố ngưng các công việc và mọi người đọc kinh Koran nên tôi không mua được gì. Đêm đó, tôi đi ngủ mà vẫn mặc bộ đồ đã mặc mấy ngày nay.
Sáng hôm sau, tôi đi mua quần áo nhưng lại tiếp tục bất ngờ vì thành phố này không bán quần áo phương Tây, tôi chỉ mua được bốn chiếc áo Ấn Độ. Tôi tiếp tục lo lắng vì không thể mặc vậy mà đi dạy ở hàn lâm viện và xuất hiện trên Đài Phát thanh truyền hình Ấn Độ.
Chưa biết tính sao thì tiến sĩ Narayana Menon - giám đốc Đài Phát thanh truyền hình Ấn Độ - bạn thân của tôi - nói rằng: "Chiều nay giáo sư biểu diễn nhạc Việt Nam trên truyền hình mà bận quần tây thì không được, huống chi mặc quần tây và áo thường ngày của Ấn Độ. Để tôi mua cho giáo sư một chiếc lễ phục thượng hạng của nhạc sĩ Ấn Độ". Tôi nói: "Tôi biểu diễn đờn Việt Nam mà mặc áo Ấn Độ sao được!". Tiến sĩ Narayana Menon nói: "Không sao, tôi sẽ có cách giới thiệu giáo sư".
Khi chương trình bắt đầu, tiến sĩ Narayana Menon giới thiệu: "Thưa quý vị, GS.TS Trần Văn Khê là người Việt Nam nhưng đã giới thiệu nhạc Ấn Độ ở Pháp cho người Pháp nghe, thành ra nghệ sĩ Ấn Độ mang ơn GS.TS Trần Văn Khê. Biết GS.TS Trần Văn Khê đến đây, các nghệ sĩ Ấn Độ đã tặng GS.TS Trần Văn Khê một bộ lễ phục của nghệ sĩ Ấn Độ như một lời cảm ơn. Hôm nay, để tỏ tình thân thiện với người nghệ sĩ Ấn Độ, GS.TS Trần Văn Khê sẽ mặc lễ phục Ấn Độ biểu diễn nhạc truyền thống Việt Nam".
Khi tôi bước ra thì khán giả vỗ tay quá trời. Buổi diễn rất thành công.
Đó là một câu chuyện bắt đầu với những việc không hay nhưng sau đó lại rất hay, nhờ sự lanh trí của bạn tôi và sự bình tĩnh của tôi. "Ngộ biến tùng quyền", chuyển bại thành thắng là vậy.
Khi thính đường mất điện
Trong quá trình giảng dạy có thể có những trục trặc xảy ra, trong tình huống đó, người thầy phải tùy cơ ứng biến.
Năm 1961, khi tôi đang thuyết trình về âm nhạc tại một trường đại học bên Nhựt Bổn thì tự nhiên mất điện. Chuyên gia đến sửa và cho biết phải hơn nửa giờ mới xong. Tôi sắp rời Nhựt Bổn để trở về Pháp, nếu phải đợi có đủ điều kiện mới thuyết giảng e rằng không nói đủ nội dung bài giảng trước khi ra về.
Tôi liền mời sinh viên không ngồi rải rác trong giảng đường mà tụ họp lên phía trên. Tôi không ngồi ở bục giảng mà ngồi giữa các sinh viên. Tôi chỉ cần cố gắng nói to hơn là các em có thể nghe được đầy đủ. Nhờ vậy mà đến ngày ra về, tôi hoàn tất những bài giảng theo dự định và hoàn thành nhiệm vụ.
Linh hoạt với cây đờn kayagum
Trong đời, khó tránh khỏi những lúc xảy ra tình huống bất ngờ. Đó không phải là lúc chúng ta trách cứ hoàn cảnh mà phải linh hoạt giải quyết vấn đề.
Năm 1983, tại hội nghị quốc tế do Hội đồng Quốc tế âm nhạc thuộc UNESCO và Hội đồng Âm nhạc quốc gia của CHDCND Triều Tiên tổ chức, tôi có phận sự chánh là đại diện Hội đồng Quốc tế đọc diễn văn trong buổi khai mạc và bế mạc, chủ tọa ban tuyển lựa các tiết mục xuất sắc và hội thảo khoa học về Âm nhạc truyền thống châu Á.
Tôi không nghĩ rằng mình phải biểu diễn nên không đem đờn tranh theo. Khi ban tổ chức tại Bình Nhưỡng khẩn khoản mời tôi tham gia chương trình biểu diễn nghệ thuật, tôi đề nghị cách ngâm thơ của người Việt để vừa giới thiệu những câu thơ kiệt tác trong Truyện Kiều, vừa giới thiệu cách đờn phụ họa cho nghệ thuật ngâm thơ.
Nếu ngâm mà không minh họa thì cũng như bạn ăn bì bún mà không có nước mắm ngon. Tôi nghĩ ra cách mượn một cây đờn kayagum cổ (đờn tranh của người Triều Tiên), lên dây theo hơi sa mạc và tập luyện cách phụ họa thơ trên một nhạc khí gần với đờn tranh mà không phải là đờn tranh. Tôi nhờ một nghệ sĩ Triều Tiên chỉ tôi cách lên và chỉnh dây, vài thủ pháp đặc biệt để tôi có thể dùng cây đờn kayagum mà không ngượng nghịu và lỡ dây đàn sai trong lúc biểu diễn thì tôi biết cách tự điều chỉnh lại. Nhờ cố gắng thích nghi với hoàn cảnh mà buổi diễn đó của tôi rất thành công.
Nói thật mà không làm mất lòng
Sự tùy cơ ứng biến trong lời nói cũng giúp tôi giải quyết được nhiều tình huống.
Năm 1983, với tư cách thành viên thường trực Hội đồng Quốc tế âm nhạc của UNESCO, tôi tham dự một diễn đàn âm nhạc châu Á tại Bình Nhưỡng (CHDCND Triều Tiên). Tất cả chương trình quan trọng nào họ cũng mời tôi ra phát biểu. Đêm đó, chánh phủ giới thiệu loại opera mà họ gọi là opera mới, trong đó, có một ban hợp xướng nam nữ hát những bài ca giới thiệu những chuyển cảnh, thứ hai là trong dàn nhạc có để hai ba nhạc cụ dân tộc như đờn kayagum, ống piri, opera cũng không theo hình thức phương Tây, ráp bản ca này với bản ca khác, múa cũng không phải múa theo ba lê cho opera. Vì vậy, tuy hình thức là opera những nội dung thì không có gì giống opera phương Tây. Tôi thấy vở diễn không hay, không đúng hình thức opera. Tôi lắc đầu, bạn bè cũng trêu: "Xem thử ông nói làm sao, coi chừng ngày mai bị ăn muối đó!".
Khi lên phát biểu, tôi nói: "Thưa quý vị quan khách, tôi không có cảm giác như đang xem đại ca kịch, bởi không có những bài hát đặc biệt, những điệu múa đặc biệt của opera. Thành ra, đây không phải buổi biểu diễn của đại ca kịch mà là nhiều ban dân ca ráp lại, có thể thôi thúc sự hiếu kỳ của ai muốn tìm hiểu ban dân ca là thế nào. Nhưng tôi đã học được bài học chánh trị rất sâu sắc vì buổi biểu diễn cho ta thấy, khi cường hào ác bá hà hiếp nông dân thì nông dân sẽ đứng lên chống lại, khi đất nước bị xâm lược thì nhân dân sẽ đứng lên chống giặc, bảo vệ độc lập. Tôi nhận ra bài học chánh trị rất thâm thúy. Xin cảm ơn các nghệ sĩ vì không chỉ biểu diễn nghệ thuật cho chúng tôi xem mà biểu diễn để tôi hiểu thêm về một bài học chánh trị thì quý vị không chỉ là nghệ sĩ mà còn là chiến sĩ cách mạng. Về vở diễn, tôi thấy không giống như đại ca kịch mà tôi biết nên tôi xin phép không nhận xét ở đây".
Nhưng có một thành viên trong ban tổ chức nói: "Xin ông cho biết ý kiến về buổi diễn hôm nay, có những cái mới của chúng tôi như ban hợp xướng, chưa có dàn nhạc giao hưởng nào mà có hai nhạc cụ dân tộc chen vô".
Tôi nói: "Trên sân khấu mà có một ban hợp xướng để giới thiệu chuyển cảnh hay một nhân vật thì không phải là chuyện mới. Thứ nhứt là cổ Hy Lạp đã có rồi, thứ nhì là hát nô của Nhựt Bổn đã có 12 người đàn ông ngồi mang tên Jiuta, hát chèo Việt Nam có tiếng đế - đó là một nhóm nghệ sĩ hát lên để đối thoại với nhân vật, diễn tả tâm trạng nhân vật, nói lên tiếng nói lương tâm của dân chúng. Nhưng quý vị có cái mới là đàn ông và đàn bà cùng tham gia hợp xướng chứ không chỉ có đàn ông không thôi, không chỉ hát chuyển cảnh và còn diễn tả nhân vật, đó là sự phối hợp các nét của các nước khác".
Tôi nói tiếp: "Đem nhạc cụ dân tộc vào dàn giao hưởng thì chúng tôi thấy rằng một cây đờn kayagum và ống piri thì không đủ thể hiện bản sắc dân tộc Triều Tiên vì một con chim én không mang lại mùa xuân. Nhưng ý tốt của quý vị là dám để đờn dân tộc vào dàn nhạc giao hưởng vốn của nước ngoài, tức là có một chút của mình trong đó. Bây giờ quý vị thể nghiệm để rút kinh nghiệm nên chúng tôi chưa phê bình. Chừng nào quý vị nói đây là dàn nhạc hoàn hảo nhứt rồi thì chúng tôi sẽ phê bình". Vậy là những người đi cùng đoàn UNESCO ai cũng mừng, thở phào.
Vài hôm sau, tôi chủ tọa trong một buổi thảo luận về cải tiến nhạc cụ dân tộc, họ sửa cây đờn kayagum từ nhỏ thành ra lớn, từ 12 dây tăng lên 15, 16 dây, ống piri thì có những khóa thay đổi để có thể thổi cả nhạc Tây. Họ rất hãnh diện về việc đó.
Tôi là chủ tọa, chỉ điều hành buổi họp chớ không bắt buộc phải tham luận, nhưng những người làm việc đổi mới nhạc cụ bày tỏ mong muốn nghe ý kiến của tôi. Tôi nói: "Thưa quý vị, nếu muốn tôi tham luận, xin cho tôi dài dòng một chút. Thứ nhứt là cải tiến nhạc cụ là việc nên hay không nên. Thật ra, các nước khác đều làm việc này hết rồi. Tôi xin nêu hai thí dụ thành công, thí dụ đầu tiên là vào thế kỷ 12, ông Amir Kushru người gốc Ba Tư biết đờn setar, mà đờn setar trước kia có 3 dây, sau này là 4 dây. Ông Amir Kushru qua Ấn Độ thấy đờn nhạc Ấn Độ mà dùng cây đờn 3 dây thì không đủ, ông chuyển thành đờn 7 dây gọi là sitar. Ông đã đổi mới và nhiều người tiếp sau cũng góp sức đổi mới, nên cây đời sitar hiện nay rất tuyệt vời.
Hay như đàn ud của Ả Rập, ngày xưa có 4 dây, tượng trưng cho nước - lửa - đất - khí trời. Vào cuối thể kỷ 19, có ông Zyriab là học trò của Ishaq El Mawsili vốn rất nổi tiếng. Vua nước đó rất thích nghe đờn ud, mỗi lần nghe ai đờn hay sẽ thưởng cho người đó một nén vàng. Hôm đó, vua bảo Zyriab hãy lấy đờn của thầy Ishaq El Mawsili đờn cho vua nghe. Zyriab nói đại vương muốn nghe đờn thôi hay vừa đờn vừa hát. Nếu vừa đờn vừa hát thì cho tôi dùng cây đờn của tôi. Vua nói đờn của thầy ngươi đẹp nhất nước sao không dùng mà dùng đờn của ngươi. Zyriab nói đờn của thầy tôi thấp hơn giọng tôi hai bậc, mà nếu lên dây để đờn đúng giọng tôi thì đờn đứt dây. Dây đờn của tôi không làm gân trừu mà làm bằng gân con sư tử con. Đờn của tôi không phải 4 dây tượng trưng cho đất, nước, lửa, khí trời là 4 yếu tố của vũ trụ mà có 5 dây, tôi đã làm thêm dây thứ năm tượng trưng cho con người ở giữa bốn yếu tố của vũ trụ. Zyriab đờn ca rất hay, được vua thưởng một nén vàng. Tối đó, Zyriab gặp thầy và hỏi chiều nay con đờn hay không. Thầy nói, con đờn quá hay, nhưng thầy nhắc con một việc, tại Bagdad này không thể có hai Ishaq El Mawsili. Tối hôm đó, Zyriab rời Bagdad đến Bắc Phi, lập nên trường phái đờn khác, chi nhánh của trường phái Ả Rập. Sau đó, đờn ud phát triển lên đến 6 dây, đó là một sự đổi mới rất hay, được nhiều người khen tặng. Tôi rất hoan nghênh tinh thần muốn đổi mới nhạc cụ của quý vị. Nhưng chúng ta cũng phải cẩn thận xem xét đổi mới để làm gì. Các bạn năm này qua tháng kia làm việc đổi mới, còn tôi mới đến đây nghe thì làm sao dám phê bình. Nhưng tôi cũng xin nói ba nguyên tắc của tôi về đổi mới nhạc cụ. Thứ nhứt, hình dáng phải đẹp hơn. Thứ nhì, khả năng biểu diễn phải nhiều hơn. Thứ ba, phải nói được tiếng nói của dân tộc một cách trung thực chứ không phải để nói tiếng nước ngoài trong khi tiếng nước mình còn ngọng nghịu. Tôi thấy nếu ba nguyên tắc đó được áp dụng một cách triệt để thì việc đổi mới sẽ thành công".
Khán giả vỗ tay rất nhiều, vì nghe được câu chuyện đổi mới nhạc cụ truyền thống của hai nước Ấn Độ và Ả Rập.
Vậy là với khả năng tùy cơ ứng biến, tôi đã nói được những gì đúng với lòng mình nhưng cũng không làm mích lòng người khác và cứu vãn nhiều tình huống khó khăn, tưởng là thất bại lại trở nên thành công mỹ mãn.
Khi đứng trước những khó khăn trong cuộc sống, các bạn trẻ nên bền chí, bình tĩnh vận dụng mọi khả năng để thích nghi với hoàn cảnh như câu nói từ ngàn xưa "tận nhân lực, tri thiên mạng". Không phải bất cứ lúc nào cuộc sống cũng thuận lợi cho chúng ta. Cũng có lúc mọi việc
"xuôi chèo, mát mái" nhưng cũng có lúc xảy ra những bất ngờ không như mong đợi. Biết thích nghi với hoàn cảnh, chúng ta sẽ vượt qua những rào cản và đi đến thành công.