Khi trưởng thành và vào đời, chúng ta phải làm việc và tiếp xúc với nhiều người thuộc nhiều thành phần.
Luyện tập sự tự chủ, chế ngự được những tình cảm "hỉ, nộ, ái, ố" để kiểm soát lời nói, hành vi của bản thân không chỉ là yếu tố cơ bản dẫn đến thành công mà còn để "thành nhân".
Tôi sẽ kể cho các bạn nghe những câu chuyện về cách "tu thân" của tôi.
"Hỉ"
Trong đời, tôi chưa bao giờ vì một chuyện vui mà bỏ dở công việc đang làm, hay lao vào những cuộc rượu chè với bạn bè mà quên cả sức khỏe.
Trong thời gian ở Việt Nam, tôi có một nhận xét, là mỗi lần đội bóng của Việt Nam thắng đội bóng nước ngoài thì nhiều thanh niên đua xe bán sống bán chết, gây ra những tai nạn giao thông đáng tiếc, làm tổn hại đến bản thân và người khác. Vui quá đến mức gây ra những hậu quả khó lường là điều các bạn trẻ cần tránh.
Ngay cả khi tôi đón nhận những niềm vui như đậu tiến sĩ tại Pháp năm 1958, tôi cũng không vui quá vì nghĩ rằng mình đã học hết sức, đã đi đến chặng này thì phải được như thế. Còn nếu không được như vậy thì mình phải xem xét tại sao lại không được. Vui là vui vậy thôi! Tôi cũng chỉ đãi một tiệc nhỏ trong nhà, mời các thầy đến dự như một cách cảm ơn thầy.
Hay khi tôi được Trường đại học Canada trao tặng tiến sĩ danh dự năm 1975, được trao tặng giải thưởng UNESCO năm 1981, tôi cũng vui mừng nhưng không vui quá đà.
Năm 1991, tôi được Bộ Văn hóa của chánh phủ Pháp tặng Chương mỹ bội tinh. Tôi không làm hồ sơ để xin giải thưởng này mà có người khác đề cử tôi. Lẽ thường, người được nhận giải thưởng sẽ tổ chức tiệc, mời bạn bè đến dự, rồi xin một người trong chánh phủ Pháp đến gắn Chương mỹ bội tinh cho mình, chụp hình lưu niệm… Nhưng tôi xét lại hoàn cảnh của mình. Lúc đó, tôi vừa về hưu trí, tất cả quyền lợi trong trường không còn nên nếu muốn có một nơi tổ chức tiệc và đón nhận huân chương thì phải thuê, bạn bè lại đông, không thể mời người này mà không mời người kia… Tôi tính sơ sơ tốn khoảng mấy chục ngàn francs nếu muốn làm như vậy. Tôi nghĩ, mình đang không có tiền mà còn bỏ một khoản không nhỏ để cho người ta thấy mình vừa có đạt được vinh dự này thì vô lý quá!
Tôi suy nghĩ suốt 15 ngày có nên làm hay không nên làm buổi đón nhận phần thưởng cao quý ấy. Cuối cùng tôi quyết định viết thư cho Bộ Văn hóa của chánh phủ Pháp với nội dung: "Tôi rất mừng, rất hân hạnh được nhận Chương mỹ bội tinh. Thế nhưng, hiện nay, tôi đã hưu trí, không đủ tiền và không có cơ quan nào giúp tôi tổ chức lễ tiếp nhận. Tôi xin Bộ Văn hóa thông cảm, gởi theo bưu điện huân chương và bản quyết định truy tặng huân chương của Bộ Văn hóa".
Tôi cũng nghĩ rằng số tiền ấy tôi dành cho học bổng học trò thì có ích hơn là tổ chức một buổi lễ như vậy. Chương mỹ bội tinh được gởi đến tôi, rồi tôi gởi thư cảm ơn. Vậy là khỏi làm rộn phía Bộ Văn hóa và bạn bè.
Khi vui, tôi xác định không vui quá sức, còn khi buồn thì cũng không quá bi lụy. Nỗi buồn lớn nhất trong đời tôi chính là tôi sớm mất cha mẹ. Những nỗi buồn, niềm đau khác trong đời đều không so sánh được với điều ấy.
Tôi cũng hiểu rằng khi tôi buồn nhiều, cơ thể sẽ sa sút, suy yếu, dễ bị bệnh tật tấn công. Như khi người cậu của tôi qua đời thì ít tháng sau tôi bịnh nặng phải vào nhà thương. Hay khi em trai tôi qua đời, mấy tháng sau tôi đau nặng. Vì vậy, khi gặp chuyện buồn, tôi cố gắng giải quyết trong vòng 5 phút, không để chuyện buồn làm ảnh hưởng đến thân thể, công việc.
Để không vui quá đà, không buồn quá sức, tôi nghĩ, yếu tố thứ nhứt là phải biết chọn bạn mà chơi. Từ nhỏ, tôi không muốn chơi với con nhà giàu vì không muốn tủi thân. Bởi vì con nhà giàu mặc sang, xài sang, có thể mình sẽ tủi thân vì sao mình không được như vậy. Mà tôi lại không muốn có cái tủi thân đó.
Tôi may mắn có được những người bạn tốt trong đời. Những người bạn thân của tôi hầu hết là những người có hoàn cảnh khổ giống tôi, tánh cách hòa hoãn, không gây sự, không lỗ mãng và có điều gì đó để tôi học hỏi. Có như vậy thì bạn bè mới nương tựa, hỗ trợ nhau, giúp nhau tiến bộ.
Cũng có khi có người hỏi tôi, khi chơi với vài người mang tiếng không tốt, tôi không sợ bị lây tánh xấu hay sao. Tôi trả lời rằng tôi không bao giờ bị nhiễm tánh xấu mà ngược lại, còn có thể cảm hóa được người bạn đó, để họ thay đổi cách sống, quan điểm.
Nhiều doanh nhân rất thích thú khi chơi với tôi. Lâu lâu, họ lại mời tôi ăn cơm để được nghe tôi đọc thơ, nói về âm nhạc Việt Nam. Họ lắng nghe say mê lắm. Sau đó, họ nói với tôi rằng cuộc sống của họ thường gắn với những con số khô khan, vì vậy họ thấy rất thú vị khi được nghe tôi nói về âm nhạc. Có người chỉ muốn làm giàu để tạo cho mình một đời sống vật chất phong phú, tôi gợi ý cho họ về việc cấp học bổng cho học sinh nghèo. Sau này, có người đã đem cả gia tài làm việc thiện.
Yếu tố thứ nhì để không vui quá đà, không buồn quá sức là phải có bản ngã trong đời. Tôi luôn xem xét mọi việc cẩn thận và không bao giờ bị bạn bè lôi kéo. 100 người tính thế này, tôi sẽ vẫn cứ tính thế khác khi tôi biết tôi đúng. Còn nếu thấy mình sai thì tôi sẽ hết sức phục thiện. Tôi không chỉ phục thiện với người lớn mà cả với người nhỏ.
Tôi cũng học ở Đức Khổng Tử rất nhiều. Khổng Tử có nói về "trung dung", tức không có gì quá sức hết thảy. Tôi nhớ câu: "Ai nhi bất thương/ Lạc nhi bất dâm", tức là buồn nhưng không để bi lụy, vui không để mất cả lễ độ. Những điều đó lần lần ảnh hưởng đến tánh cách của tôi.
Nền tảng giáo dục hết sức nghiêm mà cô Ba xây đắp cho tôi cũng góp phần định hình tánh cách bình tĩnh trước mọi việc của tôi. Cô Ba dạy rằng có việc gì cũng cần xem xét cẩn trọng, đừng để có những phản ứng ra ngoài sự kiểm soát của lý trí.
"Nộ"
Tôi sanh ra bản tánh rất nóng nhưng không bao giờ muốn đánh người khác mà chỉ thường đập đồ, đá vào cửa nhà, cửa tủ… để thỏa cơn giận.
Một hôm, tại Bảo tàng viện ở Pháp, nơi tôi làm việc, tôi nhờ một học trò (cũng chính là con trai Trần Quang Hải của tôi) ghi âm giúp tôi phần nói chuyện cả một buổi sáng về trống chèo của các nghệ sĩ chèo từ Việt Nam sang.
Khi tôi làm xong công việc riêng, đến nghe lại cuộn băng thì khám phá ra rằng, con tôi lúc cho băng vào đầu máy ghi âm đã để băng lệch nên tuy băng chạy mà không ghi được gì cả.
Tôi tức giận khôn cùng vì mất cả một buổi sáng mà việc chép băng như công dã tràng. Tôi thường nhắc các cộng sự trong công việc phải để ý từng chi tiết và luôn luôn kiểm tra kết quả. Vậy mà hôm nay, con tôi sơ sót trong lúc làm việc.
Cơn giận xung thiên làm tôi quên tất cả. Tôi đưa tay đập mạnh cửa tủ đựng băng, cánh cửa bể tan làm tôi thức tỉnh lại. Bảo tàng viện cho phép tôi làm việc tại phòng thu băng này mà chính tôi không gìn giữ tủ bàn, máy móc… liệu sau này tôi có còn được phép sử dụng phòng ghi âm để làm công việc soạn luận án nữa chăng? Trong buổi chiều, tôi tìm gấp một người thợ mộc đến sửa cửa tủ. Con tôi cũng vừa buồn vừa hối hận. Tôi tuy trút được cơn giận nhưng lại gây buồn lo cho bản thân và cho con, khi ăn năn thì sự đã rồi.
Hay một chuyện xảy ra vào năm 1963, sau khi tôi đi Israel về, chỗ mổ cũ của tôi bị sưng to. Tôi phải uống một loại thuốc đặc trị suốt 6 tháng và phải ký giấy cam kết với bịnh viện vì loại thuốc này dễ làm người uống phát điên.
Tôi uống thuốc đến tháng thứ hai thì thấy trong người bắt đầu khó chịu. Một hôm, tôi gọi y tá đến, nhưng cô ấy đến hơi trễ nên bỗng dưng tôi giận vô cùng. Tay tôi run run, sắp vung lên, cũng may là tôi chưa bạt tai cô ấy. Sau đó, tôi giựt mình nghĩ lại, mình đâu phải người như vậy. Tôi quyết tâm phải chế ngự những cơn giận do tác dụng phụ của thuốc gây nên.
Mỗi lần sắp lên cơn giận, tôi uống hai, ba ly nước lạnh, hít thở sâu, đi chầm chậm đôi ba bước thì cơn giận xuống liền. Tôi cũng hiểu rằng, khi đang giận thì không nên hành động, chuyện gì cũng phải dừng lại. Nếu đang cãi nhau thì không cãi nữa mà về nhà suy nghĩ xem mình đúng, sai chỗ nào. Nếu thật sự mình có lỗi thì tôi sẵn sàng xin lỗi và không tái phạm nữa. Trước khi trách người, tôi luôn tự xét mình.
Sau một năm luyện tập, tôi mất hẳn chứng "nổi trận lôi đình". Trong mọi việc, tôi cố tìm hiểu và khoan dung với những thiếu sót của các cộng sự. Từ đó đến nay, tôi không còn lâm vào cảnh quá nóng giận để rồi phải ăn năn.
Tánh nóng, dầu là bẩm sinh, không phải không sửa đổi được nếu bạn quyết tâm, bền chí. Trong mọi trường hợp, ta nên để lý trí kiểm soát bản năng.
"Ái"
Chưa bao giờ tôi si và mê trong tình ái. Tôi cũng chưa bao giờ chọc một người con gái hay chủ động đi tìm tình cảm. Phần nhiều chuyện tình cảm tự tới, tôi mở lòng đón nhận nếu có thể.
Tôi cũng không bao giờ ghen. Vì cơn ghen là do mình không tin tưởng người bạn đời của mình và không tin ở chính mình. Ghen tức là nghĩ bạn đời của mình bỏ mình đi lấy người khác. Như vậy là không tin vào tấm lòng của người bạn đời. Ghen rồi thì thường tìm cách níu kéo họ trở lại. Lúc đó, tình cảm không còn như xưa và còn có thể gây ra nhiều tác hại khó lường.
Nếu người bạn đời bỏ mình cũng tức là mình không đủ điều kiện để họ thương yêu, gắn bó. Thà rằng chủ động chia tay trong êm thấm, để họ ra đi là tốt nhứt.
Chưa bao giờ tình yêu của tôi vượt ra ngoài lý trí. Tôi lập gia đình cũng vì lý trí vâng nghe đề nghị của cô tôi để có con trai nối dõi họ Trần. Lúc đi học Hà Nội, tôi trốn tránh cuộc tình chớm nở cũng vì đã có lời hứa với cô tôi. Trong suốt cuộc đời dạy học, dầu có nhiều nữ môn sinh xuất sắc trong học tập, dịu dàng âu yếm trong giao tiếp hằng ngày mà chưa có lần nào tôi làm sai bổn phận "thầy - trò" vì lý trí luôn thắng tình cảm.
Nhưng cũng có đôi lần trong đời, tôi đứng trước "thử thách" giữa tình yêu và sự nghiệp, gia đình. Tôi phải chọn cho mình cách ứng xử thế nào để trọn vẹn cả lý và tình.
Vào những mùa đông ở bên Pháp, nhiều người lên núi trượt tuyết hay hít thở không khí trong lành. Mùa đông năm 1960, tôi có khoảng thời gian nhàn rỗi nên lên núi thư giãn. Tình cờ, tôi gặp một người bạn gái rất thân tại đây. Ở một nơi xa xôi, không có gia đình và công việc buộc ràng, chúng tôi cùng ngắm tuyết rơi, uống trà và chia sẻ với nhau những cảm giác êm đẹp của cuộc sống.
Sau một tuần lễ gặp gỡ, tình cảm giữa tôi và cô ấy phát triển đến mức tưởng rằng sống mãi bên nhau như thế này thì thật hạnh phúc. Nếu chỉ nghe tiếng gọi của trái tim thì chúng tôi đã có thể bỏ tất cả gia đình, công việc để chung sống với nhau. Nhưng mỗi người chúng tôi đều có lý trí rất mạnh. Cô ấy thấy rằng công việc của tôi đòi hỏi sự tự do chớ không phải bị buộc ràng trong một gia đình nhỏ bé. Tôi thấy rằng dầu sống một mình tại Pháp nhưng tôi còn bốn con và mẹ của chúng tại quê nhà, công việc nghiên cứu của tôi vừa bắt đầu tốt đẹp có thể bị ngưng trệ vì việc này.
Gia đình của cô là một gia đình quý tộc, anh chị em của cô rất đỗi thương mến tôi. Nếu chúng tôi chỉ nghĩ đến hạnh phúc riêng của mình, có thể chúng tôi sẽ làm tổn thương nhiều người khác. Khi lý trí chiến thắng tình cảm, tôi và cô ấy đều nhận thấy tình yêu chỉ đem lại cho mỗi người chút ấm êm nhưng không thể đánh đổi sự ấm êm ấy với bao nhiêu khó khăn sẽ gặp, bao nhiêu mất mát sẽ chịu đựng.
Từ nhận thức đó, chúng tôi có một khoảng thời gian để cùng nhau quyết tâm chuyển tình cảm yêu thương nồng thắm thành tình bạn thân thiết. Cô bạn tôi lúc bấy giờ đang có ba, bốn chàng trai "rắp ranh bắn sẻ". Cô bảo tôi lựa cho cô một người bạn trăm năm trong số họ. Chúng tôi cùng nhìn những người đó một cách vô cùng khách quan và đi đến kết luận cô nên nhận lời cầu hôn của người nào. Cô đã nghe lời tôi.
Đến nay, hơn ba chục năm trôi qua, cặp vợ chồng đó sống trong hạnh phúc, lập nên sự nghiệp, con cháu nên danh phận. Mỗi lần gặp lại nhau, tôi mừng cho cô ấy lắm. Có lần, cô lắc đầu mỉm cười mà nói: "Ai sống ở đời cũng phải thích nghi với hoàn cảnh của mình nhưng không bao giờ có một hạnh phúc trọn vẹn".
Các bạn thấy chăng, nếu chúng tôi không đủ sáng suốt để nhìn thấy những điều không hay có thể xảy đến, không đủ nghị lực đi qua một mối tình êm ấm nhứt thời thì công việc nghiên cứu âm nhạc của tôi sẽ không đi đến kết quả đẹp đẽ và cô bạn ngày ấy cũng chưa chắc có được một mái gia đình êm ấm và tình thương trọn vẹn của chồng con như ngày nay.
Hay trong chuyện tình một đêm với nàng kỹ nữ Paris mà tôi kể ra sau đây, các bạn cũng sẽ thấy yếu tố lý trí trong chuyện tình ái.
Khoảng năm 1951, tôi lấy tên Sơn Ca, đi hát ở tiệm Bồng Lai để kiếm tiền ăn học. Trong tiệm còn có một cô gái Pháp rất đẹp làm nghề múa thoát y. Tuy làm cùng chỗ nhưng không phải lúc nào tôi và cô cũng gặp nhau mỗi đêm và cô cũng không nghĩ rằng tôi đi hát để kiếm tiền đi học.
Một hôm, sau khi biểu diễn xong, vẫn để ngực trần, cô chạy vào cánh gà, bất ngờ vấp ngã, đụng phải người hầu bàn đang bưng hai tô phở đi ra. Phở đổ hết lên người cô ấy. Cô la lên đau đớn. Có người bảo lấy nước mắm cho lên chỗ bị phỏng, cô bảo nước mắm hôi nên không chịu cách ấy. Có người bảo dùng thuốc, nhưng lúc đó kiếm đâu ra thuốc ngay. Tôi nhớ lại có người dạy tôi rằng khi bị phỏng thì dùng cồn 90 độ đổ vào miếng bông băng rồi đắp lên vết phỏng. Cồn sẽ hút cái nóng và vết phỏng sẽ không để lại thẹo. Mà cồn 90 độ thì có sẵn ở đó.
Tôi và cô ấy vào một phòng riêng, cô khẽ nhắm mắt, nằm yên cho tôi đắp cồn. Quả thật, ngực cô rất đẹp. Tôi đắp cồn lên ngực cho cô xong thì cô nắm tay tôi, ánh mắt đầy vẻ cảm ơn và nói:
- Hôm nào đó tôi muốn ăn cơm với anh!
Tôi đồng ý nhưng thật ra sau đó, tôi và cô ấy vẫn chưa có dịp ăn cơm với nhau vì tôi bận rộn chuyện học, chuyện làm.
Đến một bữa kia, tôi đang đi bộ đến trường Chánh trị Paris để ghi tên tham gia buổi khiêu vũ cuối năm do trường tổ chức, khi đi ngang qua một quán cà phê, tôi nghe ai đó gọi:
- Sơn Ca! Sơn Ca!
Tôi quay lại thì thấy cô kỹ nữ Paris đang ngồi uống cà phê một mình. Cô nói:
- Anh hẹn ăn cơm với tôi mà chưa bao giờ thực hiện. Thôi bây giờ anh uống cà phê với tôi. Mà anh đang đi đâu vậy?
Tôi đáp:
- Tôi đang đi đến trường Chánh trị Paris để ghi tên tham gia lễ tất niên của trường.
Cổ ngạc nhiên dữ lắm:
- Ủa, chớ không phải anh chỉ đi hát ở tiệm Bồng Lai sao?
Tôi đáp:
- Tôi hát để kiếm tiền đi học ở trường Chánh trị Paris. Cổ nói:
- Tôi mê trường đó lắm. Nghe nói trường đó sang trọng lắm và khó vào. Sinh viên nào chưa đóng tiền hay ăn mặc không đàng hoàng đều không được vô trường. Nhiều người làm chức cao học từ đó mà ra. Tôi thèm vô trường đó một lần cho biết lắm. Anh dẫn tôi đi được không?
Ngày thường thì phải có lý do chánh đáng mới được vô trường. Nhưng hôm nay, tôi có thể dẫn cổ vô trường và nói cổ là người sẽ khiêu vũ với tôi trong lễ tất niên. Khi tôi nói điều đó với cổ, cổ mừng rỡ:
- Sướng quá, cho tôi đi theo với!
Cổ định đi xe buýt nhưng tôi bảo trường chỉ cách quán cà phê 300 thước, đi bộ vui hơn. Cổ đồng ý. Chúng tôi vui vẻ nắm tay nhau đi bộ đến trường.
Tôi nắm tay cổ đưa vô trường, chìa cái thẻ sinh viên với nhân viên trường và giới thiệu:
- Đây là người sẽ khiêu vũ với tôi trong đêm giao lưu. Cổ cười và nói với tôi:
- Hồi nãy anh phải nói vậy để tôi được vô trường, nhưng nếu thiệt bữa đó, anh cho phép tôi đi khiêu vũ với anh, tôi sẽ hết sức sung sướng.
Tôi đồng ý và nhắc cổ khi đi khiêu vũ phải ăn mặc đàng hoàng, không thể ăn mặc như khi đi làm ở tiệm Bồng Lai. Cổ cười nói:
- Tại vì vô tiệm nên tôi bận thường, chớ vô chỗ dạ hội tôi bận khác. Anh làm như tôi không có áo dạ hội vậy.
Tôi cười:
- Bỗng dưng tôi có một người đàn bà đẹp đi khiêu vũ với tôi. Tôi không bao giờ nghĩ tôi có tiền đi chơi với người như vậy.
Cổ cũng cười:
- Tôi cũng không nghĩ rằng ngày nào đó tôi sẽ đi nhảy đầm với một người sinh viên, không trả tiền cho tôi mà tôi phải nghe lời người đó thế này thế nọ.
Rồi cổ nghiêm mặt lại:
- Điều đó giúp tôi trở lại cuộc sống của một người con gái bình thường chớ không phải là gái điếm như thường ngày.
Trước khi tôi đi đăng ký khiêu vũ, trong trường có ba cô bạn gái đều thích nhảy với tôi. Cô nào cũng nói: "Hôm đó nhảy với tôi nhé!". Tôi bảo: "Ba cô tôi đều thương bằng nhau. Ai đến ghi tên trước thì tôi nhảy với người đó". Nhưng bây giờ, tôi đã quyết định nhảy với cô gái Pháp này. Cổ vừa ghi tên trong sổ xong thì một trong ba cô bạn thích khiêu vũ với tôi đi đến. Cô bạn nói:
- Tôi là người thứ nhứt hay thứ nhì đây?
- Tiếc quá cô là người thứ nhì, người thứ nhứt là đây
- Tôi nói và hướng về phía cô kỹ nữ.
Cô bạn ngạc nhiên khi thấy đó không phải là người trong trường. Lát sau, cô bạn hỏi tôi:
- Ai vậy?
Tôi giới thiệu:
- Đây là cô bạn làm việc chung với tôi trong nhà hàng. Cổ khiêu vũ khỏa thân còn tôi giới thiệu âm nhạc.
Cô bạn hỏi lại:
- Anh đang là sinh viên mà nghề nghiệp gì? Tôi nói:
- Tôi đi làm để có tiền đi học, vì tôi phải tự lo cho cuộc sống của mình.
Cô bạn giựt mình. Khi hai cô bạn kia đến thì cô bạn đến đầu tiên đùa:
- Thôi thôi, anh ta có người nhảy cùng rồi. Chúng ta vô ghi những bản còn lại, anh đừng cho ai ghi nữa nhé.
Vậy là cô kỹ nữ và ba cô bạn ghi kín sổ khiêu vũ của tôi. Cô kỹ nữ hỏi tôi:
- Hôm khiêu vũ, anh mặc cái áo màu gì? Anh muốn tôi mặc áo màu gì?
Tôi đáp:
- Tôi mặc áo đen thắt nơ trắng, da cô trắng, nếu cô mặc áo màu hồng thì sẽ đẹp lắm!
Cổ bảo:
- Tôi sẽ mặc áo hồng. Bữa đó để tôi đi taxi sang trọng đến đón anh nhé!
Tôi bảo:
- Thôi, đi taxi thường là được rồi!
- Chương trình này một năm chỉ có một lần, tôi mời anh nên cứ nghe tôi. Vả lại, khi đi xe bình thường, người ta sẽ xem thường tôi, tôi sẽ mất giá.
Vì không có quần áo sang trọng nên tôi phải đi thuê một bộ áo đuôi tôm, thắt nơ trắng. Đến ngày khiêu vũ, chủ khách sạn hết hồn vì có một cô gái rất đẹp đi xe taxi thiệt sang đến đón tôi. Tôi cũng mặc quần áo thiệt sang đi xuống. Chủ khách sạn ngạc nhiên thêm lần nữa, hỏi:
- Hôm nay đi đâu mà sang quá vậy? Tôi đáp:
- Tôi đi dự buổi khiêu vũ tất niên tại trường.
- Vậy chúc hai người đi vui nhé!
Khi xe chở tôi và cổ đậu ở trường, tôi mở cửa, dắt tay cổ xuống, ai cũng ngẩn ngơ vì cổ quá đẹp. Tôi và cổ cùng nhảy những bản có tiết tấu chậm mà cổ yêu thích. Cổ nói:
- Từ trước giờ, ai muốn nhảy với tôi thì cứ để tiền trước mặt tôi. Trong những cuộc khiêu vũ đó, tôi chỉ như con vật chịu sự sai khiến của người khác. Còn hôm nay, tôi mới đích thực được khiêu vũ theo sở thích, khiêu vũ với người mình cảm tình. Một bước nhảy đều thật tuyệt vời, mỗi cử chỉ đều thật tình cảm. Tôi bỗng thấy mình giống như những cô gái bình thường khác. Ai muốn nhảy với tôi thì phải hỏi ý kiến anh. Anh đồng ý và tôi đồng ý nữa thì tôi mới nhảy với người đó. Cảm ơn anh đã cho tôi một đêm tuyệt vời. Ôi tôi vui quá!
Chúng tôi nhảy đến 2 giờ sáng, sắp sửa tạm biệt nhau thì cổ nói:
- Bây giờ nếu anh về nhà anh, tôi về nhà tôi thì cũng ngủ đến sáng. Anh vẫn sống cuộc đời bình thường nhưng tôi muốn được làm một cô gái bình thường thêm vài tiếng nữa.
Câu nói dễ thương ấy đã thuyết phục tôi. Tôi đi với cổ về nhà. Cổ mở dĩa hát nhạc cổ điển bản Sonate dưới ánh trăng của Beethoven rồi mang đến một chai sâm banh. Tôi thấy rất vui khi bỗng dưng có một cuộc đi chơi, nghe nhạc hay, ngắm trăng trong một căn nhà sang trọng.
Cổ hỏi:
- Bây giờ anh mở sâm banh hay tôi mở?
Tôi vốn mở sâm banh rất chuyên nghiệp. Tôi hỏi:
- Bây giờ cô muốn mở cho nút bắn lên trên không, nổ một tiếng thật to, hay nổ thật nhỏ mà nút nằm trong tay hay mở mà không có tiếng gì hết?
Cổ ngạc nhiên lắm:
- Trời đất ơi, tôi tưởng anh học chánh trị, biết đờn thôi vậy mà còn biết mở rượu, chắc anh ăn chơi cũng sành điệu lắm! Tôi muốn anh mở rượu sao cho tiếng nổ thiệt lớn, nắp bắn vào góc tường kia và đừng để rớt một giọt.
Tôi nghiêng chai rượu 45 độ, khui một cái, nổ một tiếng "bốc" thật to. Tôi rót rượu ra ly. Cổ nói:
- Tiếng nổ của sâm banh lúc nãy giống như tiếng hôn nồng cháy. Vậy tôi phải hôn anh…
Rồi cô hôn tôi, nụ hôn dứt bằng một tiếng "bốc". Uống say rồi, cổ mới nói:
- Đêm nay là đêm tôi mời anh ở lại để chia sẻ cùng tôi một đêm dài. Tôi cảm tình với anh từ lúc anh chữa vết phỏng cho tôi. Khi đó, anh nhìn tôi bằng ánh mắt của người thầy thuốc chứ không phải ánh mắt thèm muốn của nhiều người đàn ông mà tôi từng gặp. Điều đó làm tôi xúc động. Trong đêm đi chơi này, anh cũng luôn tôn trọng tôi và làm người khác cũng tôn trọng tôi. Tôi muốn anh ở lại với tôi đêm nay. Tôi biết anh biết rằng tôi là gái điếm nên tôi xin đưa anh xem sổ khám bệnh của tôi.
Cuốn sổ ấy ghi rõ cổ không có bệnh. Như muốn tôi yên tâm hơn, cổ nói tiếp:
- Nếu anh còn lo lắng, tôi có những thứ anh có thể dùng để bảo vệ bản thân, miễn là đêm nay là đêm tình ta có với nhau thật trọn vẹn.
Tôi bảo:
- Nhưng tôi không đem theo đồ ngủ.
- Không sao anh à!
Rồi cô cởi đồ cho tôi, lấy chiếc áo ngủ thiệt đẹp của cổ bận cho tôi, dẫn tôi vào phòng tắm và bảo:
- Anh tắm đi rồi chúng ta nói chuyện tiếp…
Sau đó, tôi và cổ trải qua một đêm tình tuyệt vời. Hôm sau, mới 5 giờ sáng, cổ đã đi mua bánh, cà phê rồi mang đến tận giường cho tôi. Những điều đó làm cho tôi có cảm giác mình như một ông vua.
Ăn xong, chúng tôi nói chuyện đến 8 giờ thì tôi phải về. Tôi không thể về nhà khi đang mặc bộ quần áo đi khiêu vũ, vì như vậy người khác sẽ biết tôi đi chơi sáng đêm. Cổ mới cho tôi mượn cái áo choàng đi mưa để có thể che hết cả người tôi. Cổ kêu taxi đưa tôi đến sát cổng khách sạn nơi tôi ở rồi đưa tôi lên đến tận lầu. Lấy lại cái áo mang về, cổ hỏi:
- Chúng ta có thể gặp lại nhau không? Tôi suy nghĩ và nói:
- Không! Cảm xúc tuyệt vời này chỉ có một lần mà không có lần thứ nhì. Cô sẽ sống lại cuộc đời của cô. Tôi sống lại cuộc đời của tôi.
Tôi nghĩ chuyện tình một đêm với cô kỹ nữ như một sự tình cờ, trời cho như vậy và chỉ một đêm như vậy thôi. Tôi tin rằng nếu ước ao có một lần thứ nhì như vậy thì cũng sẽ thất vọng khi không được như thế. Lần thứ nhì không thể có một đêm khiêu vũ trang trọng, lãng mạn như đêm đó.
Nếu gặp nhau vài lần nữa, tôi và cô ấy sẽ khám phá ra những điểm chưa toàn vẹn về nhau, thì cảm xúc, ấn tượng sẽ bị sứt mẻ. Cô ấy khát khao được làm một cô gái bình thường trong khoảng thời gian ngắn ngủi. Và tôi đã một lần cho cô ấy điều đó. Chưa chắc gì tôi có thể làm được điều đó lần thứ hai. Từ đó về sau, tôi và cô ấy gặp nhau trong tiệm cũng chào hỏi vui vẻ chứ không đi chơi với nhau.
Tôi biết phải đi tới đâu và dừng ở đâu trong những sự việc tương tự như vậy. Khi yêu, tôi yêu hết mình, biết tận hưởng, biết đắm say. Nhưng khi mọi việc kết thúc, tôi không bao giờ để cho mình bị say đắm và ghiền.
"Ố"
Vào những năm 60, tôi thành lập Trung tâm Học nhạc Đông phương để áp dụng phương pháp dạy nhạc truyền thồng theo cách truyền khẩu, truyền ngón. Về âm nhạc Việt Nam, tôi đảm nhận việc dạy đờn tranh, đờn kìm và lý thuyết.
Về nhạc Ba Tư, tôi được giáo sư Barkeshli giới thiệu nhạc sĩ Dariouche Safvate dạy đờn tar, setar và santour.
Giáo sư Hsu Tsang Hoei (Hứa Thường Huệ) giới thiệu cho tôi một cậu sinh viên Đài Loan biết đàn pipa (tì bà), gu zheng (cổ tranh), nanhu (nam hồ, một loại đờn nhị của Trung Quốc), Dizu (địch tử - ống sáo ngang của Trung Quốc), dong xiao (đồng tiêu), yang qin (dương cầm hay thường được gọi là tam thập lục).
Cậu định học Âm nhạc học tại đại học Sorbonne và nhờ tôi đỡ đầu để soạn luận án tiến sĩ với đầu đề: "Đàn pipa so sánh với các nhạc khí đồng loại". Tôi rất vui vì cậu ấy biết sử dụng nhiều cây đờn, tuy nhiên chưa có cây đờn nào mà cậu có thể sử dụng đạt tới trình độ nghệ sĩ biểu diễn. Dầu sao, cậu vẫn đủ sức hướng dẫn cho các sinh viên bắt đầu nhập môn vào lĩnh vực âm nhạc truyền thống châu Á nên tôi giao phần dạy nhạc Trung Quốc cho cậu.
Một năm sau, mẹ của cậu đến gặp tôi và nói: "Tôi nghe giáo sư Hứa Thường Huệ nói rằng giáo sư đang đỡ đầu cho con trai tôi soạn luận án tiến sĩ. Tôi vô cùng xúc động và đến xin giáo sư coi nó như con vì nó mồ côi cha. Tôi là mẹ, chỉ thương con mà không đủ sức dạy con. Tôi xin được phép tặng cho trung tâm những nhạc khí dùng trong ban nhạc phụ họa cho kinh kịch, từ đàn kinh hồ đến bảng cổ, đại la, tiểu la, chập chõa, phách bản".
Tôi rất xúc động, nắm tay bà mà trả lời: "Tôi hứa với bà rằng ngoài việc chỉ đạo nghiên cứu cho cháu soạn luận án tiến sĩ, tôi sẽ coi cháu như con và giúp đỡ cháu trong mọi sự trên đời". Bà chảy nước mắt: "Mẹ con tôi mang ơn giáo sư suốt đời".
Từ ngày đó, tôi hết lòng giúp đỡ cậu, giới thiệu cho cậu thay tôi dẫn chương trình trò chơi cuộc bầu cử thượng quan của nhà hàng La Table Du Mandarin, cho cậu tham gia vào chương trình hòa nhạc châu Á mà tôi tổ chức hàng năm tại đại giảng đường đại học Sorbonne.
Đến khi Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp cho phép tôi đề nghị người cộng sự khi tôi lên chức vị nghiên cứu sư (Maitre de Recherche) thì tôi đã đưa hai tên: cậu sinh viên đó và con gái tôi. Cậu trong chức vị phụ tá nghiên cứu và con gái tôi là thư ký văn phòng. Tôi giúp cậu bảo vệ thành công luận án tiến sĩ sau 5 năm học tập và tập sự với tôi tại đại học Sorbonne và tại Trung tâm Học nhạc Đông phương.
Nhờ lời giới thiệu nồng hậu của tôi, cậu được vào ngạch chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp. Tuy cậu làm việc rất chậm nhưng vì coi cậu như con, tôi hết lòng che chở, giúp sửa bản thảo những báo cáo khoa học, sửa lỗi chánh tả trong những thư từ cậu ấy viết thay tôi để gởi đến các cơ quan nghiên cứu trên thế giới…
Sau ba năm làm việc, cậu bắt đầu làm theo ý mình như buổi sáng thường gọi điện thoại cho tôi, báo rằng sẽ đến trễ vì ngoài đường kẹt xe hay có hôm, cậu báo tin xin nghỉ đột xuất để lo giấy tờ cho nhạc phụ đến từ Đài Loan… Tôi nhiều lần cho cậu biết rằng mặc dầu tôi thương cậu như con nhưng công việc làm của cậu còn quá chậm chạp, hiệu quả rất thấp. Cậu lại thường vắng mặt nên trong bảng đánh giá công việc của nhân viên, tôi có quyền đề nghị một trong ba trường hợp: đình chỉ việc lên cấp, lên cấp theo thâm niên, lên cấp đặc biệt vì thăng thưởng. Năm nào tôi cũng phê vào bảng cho cậu "lên cấp theo thâm niên".
Cậu có ý phàn nàn với tôi rằng bản thân tôi có sức làm việc phi thường nên không thể so sánh hiệu quả việc làm của tôi với những cộng sự. Tôi tưởng đâu cậu chỉ bất bình hay tủi thân. Nhưng một hôm, cậu lên nghiệp đoàn và than phiền rằng tôi là một thủ trưởng quá nghiêm khắc. Cậu nói rằng mọi người trong Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp đều biết tôi có sức làm việc phi thường mà tôi lại căn cứ vào bản thân để đánh giá người khác. Vì vậy, cậu làm với tôi lâu mà chưa lần nào tôi cho cậu lên chức mà không cần thâm niên.
Nghiệp đoàn nghe có lý nên mời tôi lên và yêu cầu tôi đối với nhân viên không nên nghiêm khắc quá. Tôi bắt buộc phải đưa ra những bức thư cậu ấy viết thay tôi, đầy lỗi chánh tả và văn phạm mà mỗi khi sửa những lỗi đó, tôi mất thời gian gần bằng hoặc nhiều hơn khi tôi tự viết thư.
Tôi kể ra những lúc cậu tự phép nghỉ vì công việc riêng mà không đợi sự ưng thuận của tôi nhưng tôi vẫn thông cảm và không cho đó là lỗi trong công việc.
Sau đó, những người trong nghiệp đoàn đều cho là tôi rất khoan hồng và bênh vực cộng sự vì trong hoàn cảnh của cậu, tôi có quyền chống lại sự lên chức theo thâm niên, nhưng tôi đã không làm. Nghiệp đoàn không có lời khiển trách tôi và ngược lại, khuyên cậu nên cố gắng làm việc có kỷ luật và hiệu quả hơn nữa.
Sau vụ việc đó, đứng về địa vị một người thủ trưởng khi một người cộng sự đi kiện mình, tôi có quyền đề nghị Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp sa thải cậu. Nhưng tôi không làm vì biết rõ sẽ không có cơ quan nào trong trung tâm tiếp nhận cậu làm người cộng sự, cậu sẽ lâm vào cảnh thất nghiệp. Tôi thương cậu có hai con còn nhỏ nên sẵn sàng đứng ra bảo lãnh để cậu có thể mượn tiền của cơ quan chánh phủ để mua nhà. Tôi cũng luôn luôn bảo vệ cậu đến tận ngày tôi về hưu. Ngày nay, cậu đã có nhiều kinh nghiệm và được các trường đại học của Đài Loan, Nhựt Bổn mời làm giáo sư biệt thỉnh.
Chúng ta không nên vì những bất mãn trong nghề nghiệp mà làm tổn thương đến tình cảm giữa người với người.
90 năm cuộc đời, tôi thấy niềm vui nhiều hơn nỗi buồn. Tôi nghĩ rằng làm chủ bản thân trước những hỉ nộ ái ố là điều quan trọng để bạn có thể thực hiện được những điều mình mong muốn và có một cuộc sống buồn ít hơn vui.