T
rong diễn văn nhậm chức của mình vào năm 2009, Tổng thống Barack Obama phát biểu rằng, “Quyền lực của chúng ta tăng trưởng là do được sử dụng một cách khôn ngoan; nền an ninh của chúng ta xuất phát từ tính chính nghĩa của chúng ta, tác động gương mẫu mạnh mẽ của chúng ta, các tố chất được tôi luyện về khiêm tốn và kiềm chế”. Tương tự, Bộ trưởng Ngoại giao Hillary Clinton đã nói, “Mỹ không thể tự mình giải quyết các vấn đề cấp bách nhất, và thế giới không thể giải quyết những vấn đề này mà không có Mỹ. Chúng ta phải sử dụng thứ mà lâu nay vẫn được gọi là ‘quyền lực thông minh’, toàn bộ các công cụ mà chúng ta có sẵn”1. Trước đó, năm 2007, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã kêu gọi chính phủ Mỹ dành nhiều tiền bạc và sức lực hơn cho các công cụ quyền lực mềm, bao gồm ngoại giao, viện trợ kinh tế và truyền thông, bởi vì một mình quân đội không thể bảo vệ lợi ích của Mỹ trên khắp thế giới. Ông chỉ ra rằng tổng chi phí quân sự bấy giờ đạt hơn 500 tỉ USD mỗi năm so với ngân sách của Bộ Ngoại giao là 36 tỉ USD. Theo lời ông, “Tôi có mặt ở đây để đưa ra lập luận ủng hộ việc tăng cường năng lực sử dụng quyền lực mềm của chúng ta và tích hợp nó tốt hơn vào quyền lực cứng”2. Điều này có nghĩa gì? Quyền lực sẽ vận hành ra sao, và nó đang thay đổi như thế nào trong thế kỷ XXI?
Để trả lời những câu hỏi như thế, ta cần phải hiểu về quyền lực rõ hơn khái niệm thông thường trong hầu hết các cuộc thảo luận gần đây. Tôi xin đưa ra hai ví dụ, một mang tính cá nhân và một công khai.
Giữa những năm 1970, Pháp đồng ý bán cho Pakistan một nhà máy tái xử lý hạt nhân có thể chiết xuất plutonium, chất có thể dùng cho mục đích dân dụng hoặc để chế tạo bom. Quan ngại về sự lan tràn của vũ khí hạt nhân, chính quyền Ford ra sức ngăn chặn nhà máy này bằng cách mua chuộc Pakistan bằng các máy bay hiệu suất cao, nhưng Pakistan từ chối thương vụ đó. Cả chính quyền Ford lẫn chính quyền Carter đều muốn thuyết phục Pháp hủy vụ mua bán này, nhưng phía Pháp lại từ chối trên cơ sở đây là một thương vụ hợp pháp chỉ vì mục đích dân dụng. Mọi việc bế tắc mãi đến tháng 6 năm 1977, khi tôi phụ trách chính sách cấm phổ biến vũ khí hạt nhân của Jimmy Carter và được phép trình cho các quan chức Pháp xem chứng cứ mới cho thấy Pakistan đang chuẩn bị một vũ khí hạt nhân. Một quan chức Pháp chóp bu nhìn vào mắt tôi rồi bảo nếu đúng như vậy thì Pháp sẽ phải tìm cách hủy việc hoàn tất nhà máy. Sau đó, ông ta giữ đúng lời hứa, và nhà máy không được hoàn thiện. Mỹ đã đạt được mục tiêu lớn này như thế nào? Không dọa nạt. Không thưởng phạt. Không treo củ cà rốt cũng không vung cây gậy nào*. Hành vi của Pháp thay đổi do hành động thuyết phục và sự tin tưởng. Tôi đã ở đó chứng kiến chuyện này. Điều này hầu như chẳng khớp với kiểu mẫu thông thường về quyền lực vốn thịnh hành trong hầu hết các bài xã luận hay trong các cuốn sách gần đây về chính sách đối ngoại vốn không xem hành động thuyết phục là một dạng quyền lực, vì nó “về bản chất là một quá trình lý tính hoặc cảm tính”3.
* Cây gậy và củ cà rốt: Một loại chính sách ngoại giao trong quan hệ quốc tế, thường được các nước lớn áp dụng nhằm thay đổi hành vi của các nước nhỏ hơn. “Cây gậy” tượng trưng cho sự đe dọa trừng phạt, “củ cà rốt” tượng trưng cho quyền lợi hay phần thưởng.
Gần đây hơn, tháng 8 năm 2008, Trung Quốc và Nga cho thấy những tương phản rõ rệt trong việc sử dụng quyền lực. Như nhà phân tích người Pháp Dominique Moisi đã viết vào thời điểm đó, “Trong khi Trung Quốc có ý định cám dỗ và gây ấn tượng với thế giới bằng số huy chương Olympic thì Nga dùng cách chứng tỏ sự ưu việt về quân sự - quyền lực mềm của Trung Quốc đấu với quyền lực cứng của Nga”. Một vài nhà phân tích kết luận rằng việc Nga xâm lược Gruzia chứng tỏ tính “lỗi thời” của quyền lực mềm và sự thống trị của quyền lực cứng về quân sự4. Trên thực tế, chuyện hóa ra lại phức tạp hơn cho cả hai quốc gia này về lâu dài.
Việc Nga sử dụng quyền lực cứng đã làm yếu đi tính chính thống của nước này và gieo e sợ lẫn ngờ vực cho nhiều nước. Các nước láng giềng châu Âu trở nên thận trọng hơn.
Một cái giá trước mắt dành cho Nga là Ba Lan chuyển từ chống đối sang chấp nhận hệ thống tên lửa chống tên lửa đạn đạo của Mỹ. Khi Nga kêu gọi ủng hộ chính sách của mình về Gruzia trước các thành viên khác của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, Trung Quốc và các nước khác đã từ chối ủng hộ. Một bài phân tích một năm sau đó kết luận rằng lời kêu gọi của Nga đối với các nước láng giềng nghe không được hấp dẫn lắm. “Lý tưởng mà nói, Nga sẽ đưa ra một mô hình hấp dẫn về mặt chính trị và kinh tế cho các nước láng giềng của mình. Các thế hệ trẻ sẽ học tiếng Nga bởi vì họ muốn học, còn các khối liên minh hậu Liên Xô sẽ là những câu lạc bộ mà các nước láng giềng của Nga sẽ xếp hàng để gia nhập”. Như nhà phân tích người Nga Alexei Mukhin đã tóm tắt vấn đề, “Tình yêu mua bằng tiền sẽ không bền lâu. Đó là tình yêu được mua. Nó không đáng tin cậy lắm”5.
Ngược lại, Trung Quốc khép lại tháng 8 với kết quả là quyền lực mềm của nước này được nâng cao từ việc tổ chức thành công Thế vận hội. Tháng 10 năm 2007, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào tuyên bố ý định của Trung Quốc là muốn nâng cao quyền lực mềm của mình, và Thế vận hội là một phần quan trọng của chiến lược đó. Bằng việc thành lập vài trăm Học viện Khổng Tử để quảng bá văn hóa Trung Quốc ra khắp thế giới, tăng cường phát sóng ra nước ngoài, thu hút sinh viên nước ngoài vào các trường đại học Trung Quốc, và ngoại giao mềm mỏng hơn với các nước láng giềng ở Đông Nam Á, Trung Quốc đã có những khoản đầu tư đáng kể vào quyền lực mềm. Các cuộc trưng cầu ý kiến cho thấy uy tín quốc tế của Trung Quốc đã tăng. Bằng việc kết hợp song song sự tăng trưởng về quyền lực cứng của mình với lối kể chuyện thu hút mang tính quyền lực mềm, Trung Quốc đang ra sức sử dụng quyền lực thông minh để truyền đi quan niệm về sự “trỗi dậy hòa bình” của mình và từ đó ngăn chặn một sự cân bằng quyền lực đối lập.
QUYỀN LỰC CỦA MỸ TRONG THẾ KỶ XXI
Một cách tổng quát hơn, khi kinh tế Mỹ bị suy yếu và Trung Quốc tiếp tục phát triển trong cuộc suy thoái lớn năm 2008-2009, các tác giả Trung Quốc đã mở ra “một cơn lũ những bình luận mang tính chủ nghĩa suy yếu về Mỹ”. Một chuyên gia cho rằng, đỉnh cao của phóng chiếu quyền lực* của Mỹ là vào năm 2000. Không chỉ phía Trung Quốc mới có những phát biểu như thế. Trong một cuộc trưng cầu vào năm 2009 của Trung tâm Nghiên cứu Pew, phần đông dân chúng tại mười ba trong số hai mươi lăm nước tin rằng Trung Quốc sẽ thay thế Mỹ trong vai trò siêu cường hàng đầu thế giới7. Ngay cả Hội đồng Tình báo Quốc gia của chính phủ Mỹ cũng dự báo tầm thống trị của Mỹ sẽ “thuyên giảm đáng kể” trước năm 2025. Tổng thống Nga Dmitri Medvedev khi ấy gọi cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 là một dấu hiệu cho thấy sự lãnh đạo toàn cầu của Mỹ đang đến hồi kết, và ngay cả một nhà quan sát đồng cảm, lãnh đạo phe đối lập người Canada Michael Ignatieff, cũng đề nghị Canada nên nhìn xa khỏi Bắc Mỹ bởi vì giờ đây “giờ chính ngọ của Mỹ và sự thống trị toàn cầu của Mỹ đã kết thúc”8.
* Power projection: Khả năng triển khai quyền lực của một nhà nước đến các khu vực ngoài biên giới của nhà nước đó, chẳng hạn như triển khai quân đội ứng phó với thảm họa thiên tai ở nước khác.
Làm sao ta biết họ đúng hay không? Câu hỏi đó đã làm tôi thích thú hai thập kỷ qua, và cuốn sách này là đỉnh điểm của quá trình tôi điều tra, nghiên cứu nguồn gốc lẫn quỹ đạo của quyền lực Mỹ. Để trả lời câu hỏi đó, ta cần hiểu rõ hơn ý ta muốn nói khi nói đến “quyền lực” lẫn cách thức quyền lực biến đổi trong bối cảnh khởi đầu của một cuộc cách mạng đang đâm chồi về công nghệ thông tin và toàn cầu hóa trong thế kỷ XXI. Ta cũng cần tránh một số cạm bẫy nhất định trong lý luận.
Trước hết, ta phải thận trọng đối với những cách ví von sai lạc về sự hủy hoại hữu cơ. Các quốc gia không có tuổi thọ đoán trước được như con người. Chẳng hạn, khi Anh mất các thuộc địa tại Bắc Mỹ vào cuối thế kỷ XVIII, Horace Walpole đã xót xa về “sự sa sút của nước Anh xuống tầm một quốc gia tầm thường như Đan Mạch hay đảo Sardinia”9. Ông ta không thấy trước được là Cách mạng Công nghiệp sẽ mở ra cho nước Anh một thế kỷ thứ hai với uy thế còn lớn hơn. La Mã vẫn ở thế độc tôn trong hơn ba thế kỷ sau đỉnh cao quyền lực La Mã. Dù vậy, La Mã không đầu hàng trước sự trỗi dậy của một nhà nước khác, nhưng lại chết một cái chết của một nghìn vết cắt do nhiều bộ lạc mọi rợ khác nhau giáng vào. Thật ra, bất luận nhiều tiên đoán thời thượng rằng Trung Quốc, Ấn Độ, hay Brazil sẽ vượt mặt Mỹ trong các thập kỷ tiếp theo, những mối nguy hiểm lớn hơn có thể đến từ các kẻ mọi rợ hiện đại và các chủ thể phi nhà nước. Hơn nữa, như ta sẽ thấy, sự chuyển giao cổ điển về quyền lực giữa các nhà nước lớn có thể chỉ là vấn đề nhỏ so với sự trỗi dậy của các chủ thể phi nhà nước. Trong một thế giới dựa vào thông tin luôn mất an ninh về điện toán, sự phân tán quyền lực có thể là một mối đe dọa lớn hơn sự chuyển giao quyền lực.
Ở một cấp độ căn bản hơn, sử dụng quyền lực trong thời đại thông tin toàn cầu của thế kỷ XXI sẽ có ý nghĩa như thế nào? Một cạm bẫy thứ hai là nhầm lẫn quyền lực với những tài nguyên mà các nhà nước sở hữu và giới hạn sự tập trung của ta duy nhất vào các nhà nước. Tài nguyên gì sẽ sinh ra quyền lực? Vào thế kỷ XVI, việc kiểm soát các thuộc địa và vàng nén đã cho Tây Ban Nha lợi thế; vào thế kỷ XVII, Hà Lan hưởng lợi từ mậu dịch và tài chính; vào thế kỷ XVIII, Pháp hưởng lợi từ dân số và quân đội lớn hơn; còn vào thế kỷ XIX, quyền lực của Anh dựa vào thế độc tôn của nước này trong cuộc Cách mạng Công nghiệp và vào lực lượng hải quân. Theo lý luận thông thường xưa nay thì nhà nước có quân đội lớn nhất sẽ thắng, nhưng trong một thời đại thông tin thì có thể nhà nước (hoặc các chủ thể phi nhà nước) có câu chuyện hay nhất sẽ thắng10. Như ta sẽ thấy trong chương 5, cuộc Cách mạng Thông tin và toàn cầu hóa đang cung cấp những tài nguyên quyền lực mới cho các chủ thể phi nhà nước. Ngày 11 tháng 9 năm 2001, số người ở New York bị chủ thể phi nhà nước giết còn nhiều hơn số người bị Nhật Bản giết tại Trân Châu Cảng vào năm 1941. Đây có thể gọi là tư nhân hóa chiến tranh. Ngày nay, ta chưa rõ làm thế nào để đo lường sự cân bằng quyền lực, huống hồ là việc hiểu rõ làm thế nào để phát triển các chiến lược thành công để tồn tại trong thế giới mới này. Hầu hết những dự báo hiện tại về chuyển dịch cán cân quyền lực toàn cầu đều chủ yếu dựa vào một yếu tố - dự báo tăng trưởng tổng sản lượng quốc gia của nhiều nước khác nhau. Những dự báo đó bỏ qua các khía cạnh khác của quyền lực được thảo luận trong cuốn sách này, chưa kể các khó khăn trong việc kết hợp các khía cạnh khác nhau này thành những chiến lược thành công.
QUYỀN LỰC THÔNG MINH
Quyền lực thông minh là sự kết hợp giữa quyền lực cứng mang tính cưỡng ép và thưởng phạt với quyền lực mềm mang tính thuyết phục và thu hút. Quyền lực mềm không phải là giải pháp cho mọi vấn đề. Mặc dù nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-Il xem phim Hollywood, nhưng điều đó ảnh hưởng rất ít đến chương trình vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Và quyền lực mềm đã không đi đến đâu trong việc thu hút chính phủ Taliban tránh xa việc hậu thuẫn Al Qaeda vào những năm 1990. Phải dựa vào quyền lực quân sự cứng vào năm 2001 để kết thúc việc đó. Để làm sáng tỏ luận điểm này, trong cuốn sách viết năm 2004 của tôi là Quyền lực mềm: Phương tiện đưa đến thành công trên chính trường thế giới, tôi đã đưa ra thuật ngữ “quyền lực thông minh” để chỉ việc kết hợp quyền lực cứng và quyền lực mềm thành những chiến lược thành công. Vài năm sau, Richard Armitage và tôi cùng chủ trì một Ủy ban Quyền lực Thông minh lưỡng đảng tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế. Ủy ban kết luận rằng hình tượng và tầm ảnh hưởng của Mỹ đã suy yếu trong những năm gần đây, và Mỹ phải chuyển từ gieo rắc nỗi sợ hãi sang truyền đi sự lạc quan và niềm hy vọng11. Ủy ban Quyền lực Thông minh không đơn độc trong kết luận này, và các chủ thể khác cũng đã tham gia kêu gọi sử dụng các chiến lược quyền lực thông minh.
Lầu Năm Góc là cánh tay tinh nhuệ nhất của Chính phủ Mỹ, nhưng khả năng đạt được thành tích của một mình sức mạnh quân sự thì có giới hạn. Thúc đẩy dân chủ, quyền con người, và sự phát triển của xã hội dân sự bằng nòng súng không phải là thượng sách. Đành rằng quân đội Mỹ có năng lực tác chiến ấn tượng, nhưng nếu việc gì cũng quay sang Lầu Năm Góc bởi vì nơi đây làm được việc thì điều đó sẽ dẫn đến sự liên tưởng về một chính sách đối ngoại bị quân sự hóa thái quá. Các quan chức quân sự cấp cao hiểu điều này. Theo lời của Đô đốc Mike Mullen, Tổng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, “Bộ trưởng Clinton và Bộ trưởng Gates đã kêu gọi đầu tư tài chính nhiều hơn và chú trọng nhiều hơn vào quyền lực mềm của ta, và tôi hoàn toàn đồng ý với họ. Nếu chọn cách gây ảnh hưởng chỉ qua quân đội của ta, ta sẽ thấy tầm ảnh hưởng của Mỹ sớm muộn cũng sẽ thuyên giảm”12. Quyền lực thông minh không đơn giản là “quyền lực mềm 2.0”. Nó chỉ khả năng kết hợp quyền lực cứng và mềm thành những chiến lược hiệu quả trong nhiều bối cảnh khác nhau.
CÁC BỐI CẢNH CỦA THẾ KỶ XXI
Quyền lực luôn phụ thuộc vào bối cảnh. Đứa trẻ kiểm soát toàn sân chơi có thể trở nên lù khù khi chuông giải lao rung lên, và bối cảnh chuyển sang một lớp học trật tự. Vào giữa thế kỷ XX, Josef Stalin đã hỏi một cách khinh miệt là giáo hoàng có bao nhiêu sư đoàn, nhưng trong bối cảnh của nhiều tư tưởng năm thập kỷ sau đó, chế độ giáo hoàng vẫn tồn tại, trong khi đế chế của Stalin đã sụp đổ.
Ngày nay, quyền lực trên thế giới được phân bố theo một kiểu mẫu giống ván cờ ba chiều phức tạp. Trên bàn cờ trên cùng, quyền lực quân sự đa phần là đơn cực và Mỹ có khả năng sẽ giữ vị trí tối cao được một khoảng thời gian. Nhưng trên bàn cờ ở giữa, quyền lực kinh tế mang tính đa cực đã tồn tại hơn một thập kỷ, với Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc là các kỳ thủ chính, và các nước khác thì đang gia tăng tầm quan trọng. Kinh tế châu Âu lớn hơn kinh tế Mỹ. Bàn cờ dưới cùng là địa hạt của những quan hệ xuyên quốc gia vượt qua biên giới ra khỏi tầm kiểm soát của chính phủ, và nó gồm cả các chủ thể phi nhà nước đa dạng như các chủ ngân hàng chuyển các món tiền điện tử còn lớn hơn đa phần các ngân sách quốc gia ở thái cực này và các kẻ khủng bố chuyển vũ khí hay tin tặc đe dọa an ninh điện tử ở thái cực kia. Bàn cờ này cũng gồm cả những thách thức xuyên quốc gia mới như đại dịch và biến đổi khí hậu. Trên bàn cờ dưới cùng này, quyền lực được phân tán rộng rãi, và ở đây không có các khái niệm đơn cực, đa cực, bá quyền, hay những thứ sáo rỗng tương tự khác mà những nhà lãnh đạo chính trị và học giả nói trong các bài diễn thuyết của họ.
Có hai chuyển dịch quyền lực lớn đang diễn ra vào thế kỷ này: một sự chuyển tiếp quyền lực giữa các nhà nước và một sự phân tán quyền lực đi từ tất cả các nhà nước đến các chủ thể phi nhà nước. Ngay cả sau cuộc khủng hoảng tài chính, tốc độ thay đổi chóng mặt về công nghệ tiếp tục thúc đẩy toàn cầu hóa, nhưng hệ quả chính trị sẽ khác xa đối với giới quốc gia dân tộc* và giới chủ thể phi nhà nước. Trong chính trị liên nhà nước, yếu tố quan trọng nhất sẽ vẫn là “sự trở lại của châu Á”. Năm 1750, châu Á chiếm hơn nửa dân số thế giới và sản lượng thế giới. Trước năm 1900, sau cuộc Cách mạng Công nghiệp ở châu Âu và Mỹ, sản lượng của châu Á giảm xuống còn một phần năm sản lượng thế giới. Trước năm 2050, châu Á sẽ mặc nhiên trở về vị trí xưa nay của mình. Sự “gia tăng” về quyền lực của Trung Quốc và Ấn Độ có thể tạo ra tình trạng bất ổn định, nhưng đây là một vấn đề đã có tiền lệ, và từ lịch sử, ta có thể biết được các chính sách có thể ảnh hưởng đến kết quả như thế nào. Một thế kỷ trước, Anh quản lý sự trỗi dậy của quyền lực Mỹ mà không xảy ra xung đột, nhưng thất bại của thế giới trong việc quản lý sự trỗi dậy của quyền lực Đức đã dẫn đến hai cuộc chiến tranh thế giới tàn khốc.
* Nation-state: Một quốc gia độc lập do một dân tộc (cùng chung ngôn ngữ, văn hóa, tập quán, v.v.) hình thành, trái với quốc gia đa dân tộc.
Trong nền chính trị xuyên quốc gia - bàn cờ dưới cùng - cuộc Cách mạng Thông tin đang giảm đáng kể chi phí xử lý thông tin và truyền thông. Bốn mươi năm trước, công nghệ truyền thông toàn cầu tức thời có khả thi nhưng tốn kém, và chỉ dành cho các chính phủ cùng tập đoàn. Ngày nay, công nghệ truyền thông này gần như miễn phí đối với bất kỳ ai có đủ phương tiện vào một địa điểm truy cập Internet. Các rào cản ngăn trở việc tham gia vào chính trị thế giới đã được hạ thấp xuống, và chủ thể phi nhà nước giờ đây tràn ngập vũ đài chính trị. Tin tặc và tội phạm điện tử gây thiệt hại hàng tỉ đô la cho các chính phủ và doanh nghiệp. Một cuộc lan truyền đại dịch do chim hay du khách trên máy bay có thể giết số người nhiều hơn số người bỏ mạng trong Thế Chiến I hoặc II, và biến đổi khí hậu có thể khiến ta phải trả nhiều cái giá khổng lồ. Đây là bối cảnh chính trị thế giới mới mà ta không có nhiều kinh nghiệm với nó.
Vấn đề cho tất cả các nhà nước trong thế kỷ XXI là ngày càng có nhiều thứ nằm ngoài tầm kiểm soát của cả những nhà nước hùng mạnh nhất, do có sự phân tán quyền lực từ các nhà nước đến các chủ thể phi nhà nước. Mặc dù Mỹ xoay xở tốt về các biện pháp quân sự, nhưng ngày càng có nhiều sự kiện diễn ra trên thế giới mà những biện pháp đó không được tính đến. Dưới ảnh hưởng của cuộc Cách mạng Thông tin và toàn cầu hóa, chính trị thế giới đang thay đổi theo chiều hướng cho thấy người Mỹ không thể đạt được tất cả các mục tiêu quốc tế của họ nếu hành động một mình. Ví dụ, sự ổn định tài chính quốc tế là sống còn đối với sự thịnh vượng của người Mỹ, nhưng để bảo đảm điều đó Mỹ cần sự hợp tác của các nước khác. Biến đổi khí hậu toàn cầu cũng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, nhưng một mình Mỹ không thể xoay xở vấn đề này. Và trong một thế giới mà các đường biên giới ngày càng đứt đoạn hơn bao giờ để mở lối cho mọi thứ, từ ma túy, bệnh truyền nhiễm đến khủng bố, các quốc gia phải huy động các liên minh quốc tế và xây dựng những tổ chức để đối phó với các nguy cơ lẫn thách thức chung. Theo nghĩa này, quyền lực trở thành một trò chơi có tổng dương*. Nghĩ theo nghĩa quyền lực đối với người khác là chưa đủ. Ta cũng phải nghĩ theo nghĩa quyền lực nhằm đạt được mục tiêu và bao hàm quyền lực cùng người khác13. Về nhiều vấn đề xuyên quốc gia, tiếp cho người khác sức mạnh có thể giúp ta đạt được mục tiêu riêng. Trong thế giới này, các mạng lưới và tính gắn kết trở thành một nguồn quyền lực hợp thời quan trọng.
* Positive-sum game: Khái niệm trong lý thuyết trò chơi, biểu thị cuộc cạnh tranh trong đó không có bên thua.
Sự thức thời, khả năng hiểu một môi trường đang tiến triển và tận dụng các xu hướng, sẽ trở thành một kỹ năng thiết yếu trong việc cho phép các nhà lãnh đạo chuyển các tài nguyên quyền lực thành các chiến lược thành công14. Ta sẽ cần sự am hiểu về thời thế nếu muốn hiểu rằng vấn đề quyền lực Mỹ trong thế kỷ XXI không phải là vấn đề về suy yếu, mà là vấn đề không nhận thấy rằng ngay cả quốc gia lớn nhất cũng không thể đạt được mục tiêu nếu không có sự giúp đỡ của các quốc gia khác. Điều đó sẽ đòi hỏi phải hiểu sâu hơn về quyền lực, hiểu nó đang thay đổi ra sao, và làm thế nào để xây dựng những chiến lược quyền lực thông minh. Điều đó sẽ đòi hỏi một câu chuyện kể phức tạp hơn là những câu chuyện cổ điển về sự trỗi dậy và sụp đổ của các cường quốc. Mỹ có khả năng sẽ vẫn là quốc gia hùng mạnh nhất của thế kỷ XXI, nhưng điều đó không đồng nghĩa với thống trị. Khả năng đạt được kết quả mà ta muốn sẽ tùy thuộc vào một câu chuyện kể mới về quyền lực thông minh. Người Mỹ cần phải ngừng hỏi ai là số một, và ngừng mơ tưởng đến những câu chuyện kể về thế độc tôn, mà nên bắt đầu hỏi về chuyện làm thế nào để có thể kết hợp những công cụ quyền lực khác nhau thành những chiến lược thông minh để đạt được quyền lực cùng các quốc gia khác thay vì chỉ đối với các quốc gia đó. Suy nghĩ rõ ràng hơn về quyền lực và kích thích câu chuyện kể rộng mở hơn đó chính là mục đích của cuốn sách này.
Tôi đã cố gắng viết một cuốn sách ngắn theo phong cách dễ tiếp cận với những người đọc thông minh hơn là nhắm đến đối tượng học giả, nhưng kèm theo một cấu trúc phân tích kỹ lưỡng được nêu rõ trong phần ghi chú. Một mặt tôi tiếp tục công cuộc khám phá tương lai quyền lực Mỹ, mặt khác, tôi cố gắng đào sâu những khái niệm theo hướng có thể áp dụng được cho các quốc gia khác. Đâu là những vấn đề của việc chuyển đổi các tài nguyên quyền lực thành các chiến lược sinh ra kết quả như mong muốn? Đâu là các vấn đề của “bành trướng đế quốc quá khả năng”* trong các mục tiêu quốc tế và “đầu tư trong nước dưới khả năng”** trong việc huy động tài nguyên? Làm cách nào để cân bằng hai việc này? Các khía cạnh khác nhau của quyền lực đang thay đổi như thế nào trong thế kỷ này, và sự thay đổi đó có ý nghĩa ra sao đối với định nghĩa về thành công chiến lược? Điều gì sẽ xảy ra với quyền lực Mỹ hay quyền lực Trung Quốc hay quyền lực của các chủ thể phi nhà nước trong thời đại điện tử? Không ai có thể kết luận chắc chắn đối với cái khái niệm quyền lực còn gây tranh cãi, nhưng vì ta không thể né tránh nói về nó, tôi hy vọng sẽ làm sáng tỏ hơn cuộc thảo luận này và đưa ra một góc nhìn rộng hơn về tầm nhìn chiến lược. Đó chính là quyền lực thông minh.
* Imperial overstretch: Thuật ngữ chỉ sự đầu tư nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng của một cường quốc một cách quá khả năng, dẫn đến nguy cơ suy yếu kinh tế và sụp đổ sau đó. Liên Xô là một ví dụ.
** Domestic underreach: Ngược với thuật ngữ trên.