L
à một khái niệm được sử dụng rộng rãi đến thế, nhưng “quyền lực” lại khó nắm bắt và đo lường đến mức đáng ngạc nhiên. Tuy nhiên, những vấn đề như thế này không làm cho một khái niệm trở nên vô nghĩa. Rất ít người trong số chúng ta phủ nhận tầm quan trọng của tình yêu mặc dù ta không thể nói, “Anh yêu em gấp 3,6 lần anh yêu thứ khác”. Cũng như tình yêu, ta trải nghiệm quyền lực trong cuộc sống hằng ngày của mình, và nó có tác động thật sự dù cho ta không thể đo lường nó chính xác. Đôi khi, các nhà phân tích bấy lâu rất muốn vứt bỏ khái niệm này, cho nó là vô cùng mơ hồ và không chính xác, nhưng tự khái niệm này đã cho thấy nó rất khó thay thế1.
Triết gia vĩ đại người Anh Bertrand Russell từng ví vai trò của quyền lực trong khoa học xã hội như tính trọng yếu của khái niệm “năng lượng” trong vật lý, nhưng cách so sánh này dễ gây nhầm lẫn. Nhà vật lý có thể đo lường các mối quan hệ về năng lượng và lực giữa các vật vô tri khá chính xác, trong khi đó, quyền lực lại biểu thị các mối quan hệ ngắn ngủi hơn giữa con người với nhau, luôn thay hình đổi dạng trong nhiều hoàn cảnh khác nhau2. Những người khác đã lập luận rằng quyền lực so với chính trị cũng như tiền so với kinh tế học. Một lần nữa, cách ẩn dụ này dễ làm ta hiểu sai. Tiền là một tài nguyên linh hoạt, có thể thay thế được. Có thể dùng tiền để mua nhiều loại hàng hóa đa dạng, nhưng những tài nguyên sinh ra quyền lực trong mối quan hệ hay bối cảnh này có thể không sinh ra quyền lực trong mối quan hệ hay bối cảnh khác. Ta có thể dùng tiền trong thị trường nhà đất, thị trường rau quả hoặc đấu giá trên mạng, trong khi năng lực quân sự, một trong những tài nguyên quyền lực quốc tế quan trọng nhất, có thể sinh ra kết quả ta mong muốn trong một cuộc đấu xe tăng, nhưng không phải trên mạng Internet.
Nhiều năm qua, các nhà phân tích khác nhau đã cố gắng đưa ra các công thức có thể định lượng quyền lực trong thời cuộc quốc tế. Ray Cline là cựu quan chức cấp cao trong CIA phụ trách báo cáo cho các lãnh đạo chính trị về sự cân bằng quyền lực giữa Mỹ và Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh là một ví dụ. Các quan điểm của ông ảnh hưởng đến những quyết định chính trị có liên quan đến rủi ro cao và trị giá hàng tỉ đô la. Năm 1977, ông công bố một phiên bản cô đọng của công thức mình đã dùng để ước lượng quyền lực:
QUYỀN LỰC QUA CẢM NHẬN =
(DÂN SỐ + LÃNH THỔ + NỀN KINH TẾ + QUÂN SỰ) × (CHIẾN LƯỢC + Ý CHÍ)
Sau khi thay số vào công thức, ông kết luận rằng Liên Xô hùng mạnh gấp đôi Mỹ3. Dĩ nhiên, như ngày nay ta đã thấy, công thức này không phải là chỉ số chính xác để tiên đoán kết quả. Chỉ hơn chục năm sau, Liên Xô sụp đổ và các học giả còn tuyên bố Mỹ là siêu cường duy nhất trong một thế giới đơn cực.
Một nỗ lực gần đây hơn nhằm tạo ra một chỉ số quyền lực đã tính đến các tài nguyên của một quốc gia (công nghệ, hoạt động kinh doanh, con người, vốn, tài nguyên hữu hình) và hiệu suất quốc gia (những ràng buộc bên ngoài, cơ sở hạ tầng, ý tưởng) cùng cách thức chúng xác định năng lực quân sự và tài nghệ tác chiến4. Cách mô tả này cho ta biết về quyền lực quân sự tương đối, nhưng không phải tất cả các loại quyền lực hợp thời. Mặc dù quân lực hiệu quả vẫn là một trong những tài nguyên quyền lực chủ chốt trong thời cuộc quốc tế, như ta sẽ thấy trong chương tiếp theo, thế giới không còn tự tung tự tác như ở châu Âu thế kỷ XIX nữa, thời kỳ mà các sử gia có thể định nghĩa “cường quốc” là nước có khả năng thắng trong chiến tranh5.
Quân lực và tài nghệ tác chiến không cho ta biết nhiều về kết quả, chẳng hạn như trong thế giới tài chính hay biến đổi khí hậu. Hai yếu tố này cũng không cho ta biết nhiều về quyền lực của các chủ thể phi nhà nước. Nói bằng thuật ngữ quân sự, Al Qaeda chỉ là chú lùn so với gã khổng lồ Mỹ, nhưng tầm ảnh hưởng của những kẻ khủng bố không phụ thuộc nhiều vào tầm cỡ lực lượng của chúng mà phụ thuộc nhiều hơn vào những hiệu ứng sân khấu của các hành động, các câu chuyện kể, và những phản ứng thái quá mà bọn chúng có thể tạo ra. Theo nghĩa đó, khủng bố tựa như môn thể thao nhu thuật, trong đó, đối thủ yếu sử dụng sức mạnh của kẻ to lớn hơn để chống lại chính họ. Các chỉ số thông thường về quyền lực quân sự lại không bao hàm cơ chế tác động này.
Trong một số tình huống đàm phán nhất định, như Thomas Schelling đã chứng minh, sự yếu thế và nguy cơ một đối tác sẽ sụp đổ có thể là một nguồn quyền lực đàm phán6. Một công ty nợ nần đến phá sản nếu chỉ nợ 1.000 USD thì có ít quyền lực, nhưng nếu nợ 1 tỉ USD, thì con nợ đó có thể có quyền lực đàm phán đáng kể - đơn cử số phận của các tổ chức được đánh giá là “lớn đến mức bất bại” trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Kim Jong-Il của Bắc Triều Tiên “có lẽ là nhà lãnh đạo thế giới duy nhất có thể khiến Bắc Kinh trông như bất lực... Các nhà ngoại giao nói ông Kim luôn lợi dụng những nỗi sợ của Trung Quốc. Ông ta lập luận nếu phía Trung Quốc không bơm viện trợ vào nền kinh tế đang suy yếu của ông ta, thì họ sẽ đối mặt với tình cảnh nhiều người tị nạn đổ qua biên giới và có thể xảy ra bạo động”7.
Bất kỳ nỗ lực nào nhằm phát triển một chỉ số duy nhất về quyền lực đều sẽ thất bại bởi vì quyền lực phụ thuộc vào các mối quan hệ của con người vốn luôn thay đổi trong nhiều bối cảnh khác nhau8. Trong khi có thể dùng tiền để đo lường sức mua khắp các thị trường khác nhau, thì không có một quy chuẩn hữu ích nào có thể tổng kết tất cả các mối quan hệ và bối cảnh để sinh ra một tổng quyền lực mà ai cũng tán thành9.
ĐỊNH NGHĨA QUYỀN LỰC
Như nhiều khái niệm cơ bản, quyền lực là một khái niệm gây tranh cãi. Những người sử dụng từ này không ai chấp nhận một định nghĩa duy nhất nào, và lựa chọn định nghĩa nào sẽ phản ánh sở thích cũng như chuẩn mực của người chọn. Một số người định nghĩa quyền lực là khả năng tạo ra hoặc chống lại sự thay đổi. Những người khác nói rằng nó là khả năng đạt được cái ta muốn10. Định nghĩa rộng này gồm cả quyền lực đối với thiên nhiên cũng như đối với người khác. Vì tôi hứng thú với hành động lẫn chính sách, nên một nơi tự nhiên để khởi đầu là cuốn từ điển, và từ điển cho ta biết quyền lực là khả năng làm được việc và, trong các tình huống xã hội, là khả năng tác động người khác để có được kết quả mong muốn11. Một số người gọi đây là tầm ảnh hưởng, và phân biệt quyền lực với tầm ảnh hưởng, nhưng như vậy là nhầm lẫn vì từ điển định nghĩa hai từ này có thể thay thế cho nhau.
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến khả năng đạt được điều ta muốn. Ta sống trong một mạng lưới các lực lượng xã hội được thừa hưởng, trong đó, một vài lực lượng có thể thấy được còn các lực lượng khác thì biểu hiện gián tiếp và đôi khi được gọi là “lực lượng xã hội cấu trúc”. Ta có xu hướng xác định và chú trọng vào một vài trong số những ràng buộc vào lực lượng này hơn là những thứ khác tùy vào sở thích của ta. Ví dụ, trong tác phẩm về các nền văn minh, nhà khoa học chính trị Peter Katzenstein lập luận rằng quyền lực của các nền văn minh khác quyền lực trong các nền văn minh. Những chủ thể trong các nền văn minh nắm giữ quyền lực cứng và mềm. Quyền lực xã hội vận hành bên dưới cấp độ hành vi bằng cách định hình những cấu trúc xã hội nền tảng, các hệ thống tri thức và môi trường tổng quát12. Tuy các lực lượng xã hội cấu trúc như thế là quan trọng, nhưng vì mục đích chính sách ta cũng muốn hiểu các chủ thể có thể làm gì trong phạm vi các tình huống nhất định13. Các nền văn minh và các xã hội là không bất biến, và các nhà lãnh đạo hiệu quả có thể nỗ lực định hình những lực lượng xã hội lớn hơn với nhiều mức độ thành công khác nhau. Như nhà lý luận nổi tiếng người Đức Max Weber nói, ta muốn biết được xác suất một chủ thể trong một mối quan hệ xã hội có thể thực hiện được ý chí của mình14.
Dù chủ yếu chú trọng vào những chủ thể cụ thể, ta cũng không thể nói một chủ thể “có quyền lực” mà không nói rõ “quyền lực làm gì”15.Ta phải nói rõ ai tham gia vào mối quan hệ quyền lực (phạm vi của quyền lực) cũng như những đề tài nào có liên quan (lĩnh vực của quyền lực). Ví dụ, Đức giáo hoàng có quyền lực đối với những người Cơ Đốc giáo nhưng không có quyền lực đối với những người khác (chẳng hạn như người Tin Lành). Và ngay cả trong số những người Công giáo, có thể ông muốn có quyền lực đối với tất cả các quyết định về đạo đức của họ, nhưng một số môn đồ có thể bác bỏ quyền lực của ông trên một số vấn đề (chẳng hạn như kế hoạch hóa gia đình hay hôn nhân ngoài nhà thờ). Do đó, khi nói rằng giáo hoàng có quyền lực đòi hỏi ta phải nói rõ bối cảnh (phạm vi và lĩnh vực) của mối quan hệ giữa giáo hoàng và một cá nhân bất kỳ.
Một kẻ tâm thần có thể có “quyền lực” giết và thủ tiêu những người lạ mặt ngẫu nhiên, nhưng không có “quyền lực” thuyết phục họ. Một vài hành động ảnh hưởng đến người khác và đạt được kết quả mong muốn có thể mang tính phá hoại đơn thuần và không tùy thuộc vào suy nghĩ của nạn nhân. Chẳng hạn, Pol Pot đã giết hàng triệu công dân Campuchia. Có người nói, sử dụng vũ lực như vậy không phải là quyền lực bởi vì không có mối quan hệ hai chiều ở đây, nhưng điều đó còn phụ thuộc vào bối cảnh và động cơ. Nếu động cơ của chủ thể chỉ đơn thuần là ác dâm hay khủng bố, thì việc sử dụng vũ lực khớp với định nghĩa quyền lực là việc tác động người khác để có được thứ mà chủ thể muốn. Tuy nhiên, hầu hết các mối quan hệ quyền lực đều phụ thuộc rất nhiều vào suy nghĩ của nạn nhân. Một kẻ độc tài muốn trừng trị một người bất đồng chính kiến nếu nghĩ rằng làm vậy là thực thi quyền lực thì có thể hắn đã sai trong trường hợp người chống đối này thật sự muốn hy sinh để thúc đẩy lý tưởng của mình. Nhưng nếu kẻ độc tài chỉ muốn thủ tiêu người chống đối, thì ý đồ của người này không quan trọng đối với quyền lực của hắn.
Hành động thường dẫn đến những hệ quả khôn lường, nhưng nhìn từ quan điểm chính sách thì ta quan tâm đến khả năng sinh ra kết quả mong muốn. Nếu một người lính thuộc Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Afghanistan giết một đứa trẻ do lạc đạn, anh ta có quyền lực hủy hoại nhưng không có quyền lực đạt được kết quả mình mong muốn. Một cuộc không kích giết chết một phiến quân và nhiều dân thường chứng tỏ quyền lực hủy hoại tổng quát, nhưng có thể sẽ phản tác dụng đối với chính sách chống phiến quân. Hành động của một nước có nền kinh tế mạnh có thể có những hệ quả khôn lường, vô tình gây thiệt hại (hoặc làm giàu) cho một nước nhỏ16. Một lần nữa, nếu các hệ quả này là khôn lường, thì tồn tại quyền lực phương hại (hay làm lợi), nhưng đây không phải là quyền lực đạt được kết quả mong muốn. Người Canada thường than phiền là sống cạnh Mỹ giống như ngủ với voi. Theo quan điểm của phía Canada, ý định không quan trọng; nếu con thú trở mình thì mới có chuyện. Nhưng theo quan điểm định hướng chính sách, ý định vẫn quan trọng về mặt đạt được kết quả mong muốn17. Một quan niệm quyền lực theo định hướng chính sách phụ thuộc vào một bối cảnh cụ thể để cho ta biết ai được gì, bằng cách nào, ở đâu, và khi nào18.
Các nhà chính trị thực dụng và những người bình thường thường thấy các vấn đề về hành vi và động lực này quá phức tạp và khó đoán. Các định nghĩa về hành vi đánh giá quyền lực dựa vào kết quả được xác định sau hành động đó (các nhà kinh tế học gọi đây là “ex post”) thay vì trước hành động đó (“ex ante”). Nhưng, các nhà làm chính sách muốn có những dự đoán về tương lai để giúp dẫn đường cho các hành động của họ. Do đó, họ thường xuyên định nghĩa quyền lực đơn giản về mặt những tài nguyên có thể sinh ra kết quả. Theo định nghĩa thứ hai về “quyền lực như tài nguyên” này, một quốc gia là hùng mạnh nếu có dân số tương đối lớn cũng như lãnh thổ, tài nguyên thiên nhiên, sức mạnh kinh tế, quân lực, và sự ổn định xã hội. Ưu điểm của định nghĩa thứ hai này là nó chỉ ra quyền lực có vẻ như cụ thể, đo lường được, và đoán được - một cẩm nang hướng dẫn hành động. Quyền lực theo nghĩa này tựa như việc giữ các quân bài lớn trong một ván bài. Nhưng định nghĩa này có nhiều vấn đề lớn. Khi người ta đánh đồng quyền lực với những tài nguyên (có thể) sinh ra kết quả, họ thường gặp phải nghịch lý là những người có nhiều quyền lực trời phú nhất không phải lúc nào cũng đạt được kết quả họ mong muốn.
Ở đây không phủ nhận tầm quan trọng của tài nguyên quyền lực. Quyền lực được truyền đạt thông qua tài nguyên, hữu hình hay vô hình. Và người ta lại chú ý đến tài nguyên. Nếu ta đưa ra các quân bài lớn nhất trong một ván xì tố, người khác có thể gấp lại tụ bài của họ thay vì thách ta. Nhưng tài nguyên quyền lực dẫn đến thắng lợi trong ván bài này có thể không giúp ích gì trong một ván khác. Giữ một tụ bài xì tố mạnh cũng không thắng được nếu đây là ván bài brit. Cho dù là ván xì tố đi nữa, nếu ta chơi vụng tụ bài mạnh của mình, hoặc nhẹ dạ tin vào lời hù dọa hoặc lừa lọc, thì ta vẫn có thể thua. Chuyển đổi quyền lực - đi từ tài nguyên đến các kết quả về mặt hành vi - là một biến số trọng yếu ở giữa. Có các tài nguyên quyền lực không đảm bảo sẽ luôn có được kết quả mong muốn. Chẳng hạn, về mặt tài nguyên, Mỹ hùng mạnh hơn hẳn so với Việt Nam, nhưng lại thua trong cuộc chiến. Chuyển đổi tài nguyên thành quyền lực thật sự theo nghĩa đạt được các kết quả mong muốn đòi hỏi các chiến lược được thiết kế kỹ lưỡng và tài lãnh đạo thiện xảo - cái mà tôi gọi là quyền lực thông minh. Song các chiến lược thường không thỏa đáng còn các lãnh đạo thì thường xuyên phán đoán sai.
Tuy nhiên, định nghĩa quyền lực về mặt tài nguyên là một lối tắt mà các nhà làm chính sách thấy có ích. Nhìn chung, một nước được trời phú nhiều tài nguyên quyền lực có nhiều khả năng sẽ tác động đến một nước yếu hơn, và sẽ bớt phụ thuộc vào một chiến lược tối ưu so với trường hợp ngược lại. Các nước nhỏ hơn đôi khi có thể đạt được kết quả mong muốn bởi vì các nước này gây ra những cuộc chiến nhỏ hơn hoặc chỉ chú trọng vào một số vấn đề có chọn lọc. Thông thường, và trong những cuộc xung đột trực tiếp, ta không nghĩ Phần Lan sẽ thắng Nga19.
Như bước đầu trong bất kỳ trò chơi nào, trước hết ta nên tìm hiểu ai đang giữ các quân bài lớn và người này còn bao nhiêu xèng vốn để chơi. Song, một điều cũng quan trọng không kém là các nhà làm chính sách phải có sự am hiểu về thời thế để hiểu họ đang chơi ván bài gì. Các tài nguyên nào cung cấp cơ sở tốt nhất cho hành vi quyền lực trong một bối cảnh nhất định? Dầu mỏ không phải là một tài nguyên quyền lực ấn tượng trước thời kỳ công nghiệp, uranium cũng không quan trọng trước thời kỳ hạt nhân. Theo các quan điểm hiện thực truyền thống về thời cuộc quốc tế, chiến tranh là ván bài tối hậu trong đó người ta chơi các quân bài của chính trị thế giới. Khi tất cả các quân bài đều nằm trên bàn, các ước lượng về quyền lực tương đối được minh chứng và bác bỏ. Nhưng qua nhiều thế kỷ, khi công nghệ phát triển, các nguồn sức mạnh cho chiến tranh thường thay đổi. Hơn nữa, trước một số các vấn đề ngày càng nhiều trong thế kỷ XXI, chiến tranh không phải là yếu tố phân xử tối hậu.
Do đó, nhiều nhà phân tích bác bỏ cách tiếp cận “các yếu tố của quyền lực quốc gia”, vì nó dễ gây hiểu lầm và thua xa cách tiếp cận về mặt hành vi hay quan hệ mà thực tế đã trở nên nổi trội trong giới phân tích khoa học xã hội vào nửa sau thế kỷ XX. Nghiêm túc mà nói, những người hoài nghi đều đúng. Tài nguyên quyền lực chẳng qua là nguyên liệu hay các phương tiện truyền tải hữu hình và vô hình làm nền tảng cho những mối quan hệ quyền lực, và một nhóm tài nguyên bất kỳ có sinh ra kết quả mong muốn hay không tùy thuộc vào hành vi trong bối cảnh. Phương tiện này không phải là mối quan hệ quyền lực20. Biết được mã lực và tổng quãng đường đi được của một phương tiện không cho ta biết nó có đến được cái đích mong muốn hay không.
Trong thực tế, các thảo luận về quyền lực trong thời cuộc quốc tế đều dùng cả hai định nghĩa21. Có nhiều từ ngữ ta sử dụng hằng ngày, chẳng hạn như “quyền lực quân sự” và “quyền lực kinh tế”, là những từ lai kết hợp yếu tố tài nguyên với yếu tố hành vi. Theo đó, ta phải làm rõ liệu ta đang nói tới định nghĩa của quyền lực dựa trên hành vi hay dựa trên tài nguyên, và ta phải lưu ý tới mối quan hệ bất toàn giữa hai yếu tố này. Chẳng hạn, khi người ta nói về quyền lực đang lên của Trung Quốc hay Ấn Độ, họ có khuynh hướng chỉ ra dân số lớn và các tài nguyên được gia tăng về kinh tế hoặc quân sự của hai quốc gia này. Nhưng liệu cái năng lực mà những tài nguyên đó ngụ ý thực tế có thể chuyển đổi thành các kết quả mong muốn hay không còn tùy vào các bối cảnh và kỹ năng của quốc gia đó trong việc chuyển đổi tài nguyên thành các chiến lược sinh ra kết quả mong muốn. Các định nghĩa khác nhau này được đúc kết trong Hình 1.1. Hình này cũng minh họa định nghĩa một cách thận trọng hơn, tức là định nghĩa về mặt quan hệ, trong đó, quyền lực là khả năng thay đổi hành vi của người khác để sinh ra các kết quả mong muốn.
Đây là điều mà người ta ngụ ý khi nói đại khái như “Quyền lực không nhất thiết dẫn đến tầm ảnh hưởng” (mặc dù vì những lý do đã giải thích, cách mô tả đó rất khó hiểu).
Hình 1.1. Quyền lực được hiểu như tài nguyên và quyền lực được hiểu như kết quả về mặt hành vi
Chung quy lại, bởi vì chính các kết quả, chứ không phải tài nguyên, mới là thứ ta quan tâm, nên ta phải để ý nhiều hơn đến các bối cảnh và chiến lược. Các chiến lược chuyển đổi quyền lực hóa ra là một biến số trọng yếu nhưng lại không nhận được sự lưu tâm thỏa đáng. Chiến lược gắn kết phương tiện với mục đích, và chiến lược nào kết hợp tài nguyên quyền lực cứng và mềm thành công trong các bối cảnh khác nhau là chìa khóa dẫn đến quyền lực thông minh.
BA KHÍA CẠNH CỦA QUYỀN LỰC QUAN HỆ
Ngoài sự khu biệt giữa tài nguyên và các định nghĩa quyền lực mang tính quan hệ, ta cần phân biệt ba khía cạnh khác nhau của quyền lực quan hệ: chỉ huy sự thay đổi, kiểm soát nghị trình, và thiết lập các sở thích. Thông thường, những khía cạnh này đều kết hợp với nhau. Ví dụ, một cuốn sách gần đây về chính sách đối ngoại định nghĩa quyền lực là “thứ khiến người hoặc nhóm người làm chuyện họ không muốn làm”22. Nhưng cách tiếp cận eo hẹp như thế có thể dẫn đến sai lầm.
Khả năng chỉ huy người khác thay đổi hành vi ngược với sở thích ban đầu của họ là một khía cạnh quan trọng của quyền lực quan hệ, nhưng không phải là duy nhất. Một khía cạnh khác là khả năng tác động đến sở thích của người khác để họ muốn điều ta muốn và ta không cần phải chỉ huy họ thay đổi. Cựu Tổng thống (và Thống tướng) Dwight Eisenhower gọi đây là hành động khiến người khác làm điều gì “không phải chỉ do ta bảo họ làm vậy, mà còn do họ muốn làm cho ta theo bản năng của họ”23. Quyền lực chiêu dụ này tương phản với quyền lực chỉ huy và bổ sung cho nó. Cho rằng quyền lực cốt chỉ nhằm ra lệnh người khác thay đổi là một sai lầm. Ta có thể tác động đến hành vi của họ bằng cách định hình sở thích của họ theo các hướng giúp sinh ra điều ta muốn hơn là dựa vào cà rốt và gậy gộc để thay đổi hành vi của họ “khi không còn lựa chọn nào khác”. Đôi khi ta có thể đạt được các kết quả mong muốn mà không cần phải dùng tới hạ sách. Lờ đi khía cạnh này bằng cách dùng một định nghĩa quá hẹp về quyền lực có thể dẫn đến một chính sách đối ngoại được định hình thô vụng.
Khía cạnh thứ nhất, hay “bộ mặt”, của quyền lực do nhà khoa học chính trị Robert Dahl tại Đại học Yale định nghĩa trong các nghiên cứu về New Haven vào những năm 1950, và ngày nay nó được sử dụng rộng rãi mặc dù chỉ bao quát một phần hành vi quyền lực24. Bộ mặt quyền lực này chú trọng vào khả năng khiến người khác hành động theo hướng ngược với sở thích và chiến lược ban đầu của họ. Để đo lường hay đánh giá quyền lực, ta phải biết sở thích ban đầu của một người hoặc một quốc gia khác mạnh đến mức nào và bị các nỗ lực của ta thay đổi đến mức nào. Có thể thấy khá rõ hành động cưỡng ép trong một tình huống mà dường như có ít nhiều sự lựa chọn. Nếu một gã cầm súng chĩa vào quý vị rồi nói, “Đưa tiền hay là chết”, quý vị cũng có lựa chọn, nhưng nó rất nhỏ và không nhất quán với sở thích ban đầu của quý vị (trừ phi tính đến sở thích tự sát và hy sinh)25. Khi Tiệp Khắc đầu hàng quân Đức, đây không phải là do nước này muốn đầu hàng.
Các biện pháp kinh tế thì có phần phức tạp hơn. Trừng phạt tiêu cực (lấy đi lợi ích kinh tế) cho cảm giác cưỡng ép rất rõ ràng. Nếu thưởng phạt hay mua chuộc kinh tế để làm điều mà ban đầu ta không muốn làm, thì điều này có thể hấp dẫn hơn đối với đối tượng mục tiêu, nhưng bất kỳ khoản thưởng phạt nào cũng có thể dễ dàng bị biến thành một biện pháp trừng phạt tiêu cực bằng việc đe dọa cắt món tiền này, một cách ngấm ngầm hoặc công khai. Tiền thưởng cuối năm là một phần thưởng, nhưng nếu cắt đi phần thưởng này thì lại cho ta cảm giác đây là hình phạt. Hơn nữa, trong các mối quan hệ đàm phán không cân xứng, chẳng hạn giữa một chủ đất triệu phú và một nông dân đói khát, một khoản tiền “nhận hay không nhận” hèn mọn có thể cho người nông dân cảm giác ít có lựa chọn. Điểm quan trọng ở đây là một người có khả năng khiến người khác hành động ngược với sở thích và chiến lược ban đầu, và cả hai bên đều cảm nhận được quyền lực đó.
Vào những năm 1960, không lâu sau khi Dahl phát triển định nghĩa được chấp nhận rộng rãi của ông, các nhà khoa học chính trị Peter Bachrach và Morton Baratz chỉ ra rằng định nghĩa của Dahl đã bỏ sót cái mà họ gọi là “bộ mặt thứ hai của quyền lực”. Dahl đã lờ đi khía cạnh định khung* và thiết lập nghị trình26. Nếu có thể dùng các ý tưởng và các tổ chức để định khung nghị trình hành động theo hướng khiến các sở thích của người khác tỏ ra lỗi thời hoặc nằm ngoài tầm với, thì có lẽ không bao giờ cần thiết phải thúc ép họ. Nói cách khác, có thể định hình sở thích của người khác bằng cách tác động vào kỳ vọng của họ về tính hợp lý hay khả dĩ. Định khung nghị trình chú trọng vào khả năng tránh đưa vấn đề ra thảo luận, hay như Sherlock Holmes có thể nói, những con chó không sủa**.
* Framing: Diễn đạt sự việc theo một cách tỉ mỉ nào đó. Các cách định khung khác nhau có thể sẽ cho phản hồi khác nhau. Ví dụ, nói “Sản phẩm này có 1% chất béo” với “Sản phẩm này 99% không có chất béo” là hai cách định khung cùng một sự việc nhưng theo tâm lý học, người tiêu dùng có xu hướng chọn sản phẩm thứ hai hơn.
** Đề cập đến một câu chuyện phá án của Sherlock Holmes. Ông được mời tìm ra thủ phạm bắt trộm một con ngựa quý và sau khi nhận thấy con chó canh chuồng ngựa không sủa khi vụ việc diễn ra, ông kết luận thủ phạm là tay huấn luyện ngựa.
Các chủ thể có quyền lực có thể bảo đảm rằng những chủ thể ít quyền lực hơn không bao giờ được mời vào bàn, hoặc nếu họ tham gia, thì các quy tắc trò chơi đã được những người đến trước thiết lập sẵn. Chính sách tài chính quốc tế từng có đặc trưng này, ít ra là trước lúc cuộc khủng hoảng năm 2008 có sự mở rộng phần nào khi nhóm G-20 bổ sung cho nhóm G-8. Những ai chịu ảnh hưởng của bộ mặt thứ hai này của quyền lực có thể ý thức hoặc không ý thức về nó. Nếu họ chấp nhận tính chính đáng của các tổ chức hoặc nội dung nghị luận xã hội được dùng để định khung nghị trình, thì họ có thể không cảm thấy bị bộ mặt thứ hai của quyền lực ràng buộc quá mức. Nhưng nếu nghị trình hành động đó bị các mối đe dọa về cưỡng ép hay các lời hứa thưởng phạt ràng buộc, thì đây chỉ là một trường hợp cá biệt của bộ mặt thứ nhất của quyền lực. Việc đối tượng mục tiêu miễn cưỡng chấp nhận tính chính đáng của nghị trình là điều khiến bộ mặt này của quyền lực mang tính chiêu dụ và phần nào cấu thành quyền lực mềm - khả năng đạt được thứ ta muốn bằng các phương thức chiêu dụ: định khung nghị trình, thuyết phục, và khơi ra hành vi thu hút tích cực.
Về sau nữa, vào những năm 1970, nhà xã hội học Steven Lukes chỉ ra rằng các quan niệm và niềm tin cũng giúp định hình sở thích ban đầu của người khác27. Theo cách tiếp cận của Dahl, tôi có thể thực thi quyền lực đối với quý vị bằng cách khiến quý vị làm những điều quý vị không muốn; nói cách khác, bằng cách thay đổi hoàn cảnh của quý vị, tôi có thể khiến quý vị thay đổi chiến lược mong muốn của mình. Nhưng tôi cũng có thể thực thi quyền lực đối với quý vị bằng cách xác định nhu cầu cấp thiết của quý vị. Tôi có thể định hình các sở thích cơ bản hoặc ban đầu của quý vị, chứ không chỉ thay đổi hoàn cảnh theo hướng khiến quý vị thay đổi chiến lược để đạt được các sở thích của mình.
Khía cạnh này của quyền lực bị định nghĩa của Dahl bỏ sót. Một cậu bé mới lớn có thể chọn kỹ lưỡng một chiếc áo đúng mốt để mặc đi học cốt là nhằm thu hút một cô bé, nhưng cậu có thể không ý thức được rằng lý do chiếc áo hợp thời trang như vậy là do một nhà bán lẻ trong nước vừa mở một chiến dịch quảng cáo lớn. Thị hiếu của cậu lẫn thị hiếu của các cô cậu mới lớn khác đã bị một chủ thể ẩn mặt hình thành và chủ thể này đã định hình cấu trúc của nhiều loại sở thích. Nếu ta có thể khiến người khác cũng muốn cùng các kết quả mà ta muốn, thì sẽ không cần thiết phải lấn át khát khao ban đầu của họ. Lukes gọi đây là “bộ mặt thứ ba của quyền lực”28.
Có nhiều vấn đề trọng yếu cần bàn về tính tự nguyện trong việc xác định mức độ tự do lựa chọn sở thích của con người29. Không phải quyền lực mềm nào cũng có vẻ mềm yếu đối với người phê bình ngoài cuộc. Trong một số trường hợp cực đoan, rất khó để xác định cái gì cấu thành sự tự nguyện hình thành sở thích. Ví dụ, trong “hội chứng Stockholm”, những nạn nhân nào từng bị bắt cóc và căng thẳng do sang chấn sẽ bắt đầu đồng cảm với kẻ bắt cóc. Những kẻ giam cầm đôi khi ra sức “tẩy não” những người bị giam cầm và đôi khi ra sức lấy lòng họ bằng các hành động tử tế30. Nhưng trong một số tình huống, rất khó biết chắc sở thích của người khác. Phụ nữ Afghanistan chọn mặc áo burqa* có phải do bị áp bức? Còn phụ nữ chọn đeo mạng che mặt ở nước Pháp dân chủ thì sao?31 Đôi khi chỉ nhìn bề ngoài thì rất khó biết mức độ tự nguyện. Các nhà độc tài như Adolf Hitler và Stalin ra sức tạo ra một vầng hào quang của sự bất bại để thu hút người khác đi theo, và một số lãnh đạo ở các nước Đông Nam Âu đã bị khuất phục bởi hiệu ứng này. Trong trường hợp vũ lực tạo ra một cảm giác e sợ có tác dụng thu hút người khác, thì nó có thể là một nguồn quyền lực chiêu dụ gián tiếp, nhưng nếu yếu tố vũ lực này mang tính cưỡng ép trực tiếp, thì nó đơn giản chỉ là một trường hợp cá biệt của bộ mặt đầu tiên của quyền lực.
* Một loại áo dài có phần vải để trùm lên đầu, phía trước một tấm lưới dày che mặt khiến họ luôn nhìn thế giới bên ngoài qua tấm lưới dày.
BỘ MẶT ĐẦU TIÊN: A dùng dọa dẫm hoặc phần thưởng để thay đổi hành vi của B trái với sở thích và chiến lược ban đầu của B. B biết điều này và cảm nhận được hiệu ứng từ quyền lực của A.
BỘ MẶT THỨ HAI: A kiểm soát nghị trình hành động theo hướng giới hạn các lựa chọn về chiến lược của B. B có thể biết hoặc không biết điều này và ý thức được quyền lực của A.
BỘ MẶT THỨ BA: A góp phần tạo ra và định hình các niềm tin, nhận thức, và sở thích căn bản của B. Khó có khả năng B ý thức được điều này hay nhận ra được hiệu ứng từ quyền lực của A.
Bảng 1.1. Ba khía cạnh của quyền lực quan hệ
Một số nhà lý luận lâu nay vẫn gọi đây là những bộ mặt công khai, kín đáo và vô hình của quyền lực, qua đó phản ánh các độ khó mà đối tượng mục tiêu gặp phải trong việc khám phá nguồn quyền lực32. Bộ mặt thứ hai và thứ ba tiêu biểu cho các khía cạnh của quyền lực cấu trúc. Cấu trúc chẳng qua là cách sắp đặt tất cả các bộ phận của một tổng thể. Con người bị bao phủ trong những cấu trúc phức tạp luôn ảnh hưởng và ràng buộc họ về văn hóa, các quan hệ xã hội, và quyền lực. Trường hoạt động của một người bị “giới hạn bởi các chủ thể mà với họ người này không có bất kỳ tương tác hay giao tiếp nào, bởi các hành động xa xôi về thời gian và không gian, bởi các hành động mà người này hoàn toàn không phải là đối tượng của chúng”33. Một số trường hợp thực thi quyền lực phản ánh quyết định cố ý của một số chủ thể nhất định, trong khi các trường hợp khác là sản phẩm của những hệ quả khôn lường và các lực lượng xã hội lớn hơn.
Chẳng hạn, tại sao ô tô lớn thống trị đường phố đô thị của ta? Một phần, câu trả lời phản ánh lựa chọn của từng cá nhân người tiêu dùng, nhưng chính các sở thích tiêu dùng này lại được định hình bởi một lịch sử xã hội về quảng cáo, các quyết định của nhà sản xuất, các ưu đãi về thuế, chính sách giao thông công cộng, các khoản trợ giá làm đường, và hoạch định đô thị34. Nhiều chủ thể hữu hình cũng như vô hình trước đây đã có nhiều lựa chọn khác nhau về những vấn đề này, cho nên, ngày nay một cư dân đô thị phải đối mặt với các lựa chọn rất hạn chế.
Năm 1993, cố vấn chính trị của Bill Clinton, James Carville, được cho là đã bông đùa khi ông ước mình có thể tái sinh làm thị trường công trái bởi vì khi đó ông sẽ có quyền lực thực sự35. Khi nói về quyền lực của thị trường, ta nói đến một dạng quyền lực cấu trúc. Một nông dân trồng lúa mì muốn kiếm thêm thu nhập để trang trải học phí đại học cho cô con gái có thể quyết định trồng nhiều lúa mì hơn. Nhưng nếu các nông dân khác cũng trồng nhiều (và nhu cầu không thay đổi), thì các lực lượng thị trường có thể làm giảm thu nhập của người nông dân nọ và ảnh hưởng đến tiền đồ học vấn của con gái ông. Trong một thị trường hoàn hảo, chủ thể không có quyền lực định giá. Hàng triệu các chủ thể vô hình qua việc lựa chọn độc lập đã tạo ra sự cung cầu có tác dụng định giá. Đây là lý do các nước nghèo sản xuất hàng hóa thường chịu nhiều điểm khác nhau trong các điều khoản thương mại của họ. Nhưng nếu một chủ thể có thể tìm ra cách thay đổi cấu trúc một thị trường bằng cách đưa ra một yếu tố độc quyền bán (duy nhất một người bán) hoặc độc quyền mua (duy nhất một người mua), người này có thể đạt được ít nhiều quyền lực đối với giá cả. Người này có thể làm được điều đó bằng cách cá biệt hóa sản phẩm của mình qua quảng cáo, tạo sự trung thành với thương hiệu, chọn một địa điểm đặc biệt, vân vân. Hoặc trong trường hợp các nước sản xuất dầu, các chủ thể có thể ra sức hình thành một liên hiệp lũng đoạn (các-ten) như Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).
Các nhà phân tích khác nhau đã đi sâu vào kiểu mẫu phức tạp về nhân - quả và phân chia rạch ròi giữa lựa chọn cá nhân với các cấu trúc lớn hơn ở nhiều chỗ khác nhau. Ví dụ, các nhà xã hội học ít có khuynh hướng chú trọng vào các hành động và kết quả cụ thể như các nhà khoa học chính trị36. Các nhà phân tích nào chỉ chú trọng vào những chủ thể đơn lẻ, như bộ mặt thứ nhất của quyền lực thường chú trọng, rõ ràng không hiểu và mô tả được các mối quan hệ quyền lực một cách toàn diện. Song những người chỉ chú trọng vào các lực lượng xã hội tổng quát và góc nhìn lịch sử xa hơn, như bộ mặt thứ hai và thứ ba của quyền lực thường chú trọng, thì lại ít để ý đến các lựa chọn và ý đồ cá nhân mang tính trọng yếu trong chính sách. Một vài nhà phê bình đã gọi cách tiếp cận của tôi là quá “chú trọng vào chủ thể”, nhưng cách tiếp cận này vẫn ít nhiều tính đến các lực lượng cấu trúc mặc dù không bao gồm tất cả những khía cạnh của cấu trúc37.
Một số nhà phân tích xem những điểm khu biệt này là các khái niệm trừu tượng vô ích đều có thể quy về bộ mặt thứ nhất của quyền lực38. Tuy nhiên, nếu ta nghiêng theo xu hướng này, có khả năng ta sẽ giới hạn tầm nhìn của mình về mặt hành vi, mà điều này lại có xu hướng giới hạn các chiến lược mà những nhà làm chính sách thiết kế ra để đạt được mục tiêu của họ. Quyền lực chỉ huy (bộ mặt thứ nhất) được thể hiện rất rõ và dễ nắm bắt. Nó là cơ sở cho quyền lực cứng - khả năng đạt được kết quả mong muốn bằng cưỡng ép và thưởng phạt. Quyền lực chiêu dụ của bộ mặt thứ hai và thứ ba thì tinh tế hơn và do đó ít thấy rõ hơn. Nó góp phần vào quyền lực mềm, khả năng đạt được kết quả mong muốn bằng các phương tiện mang tính chiêu dụ là thiết lập nghị trình, thuyết phục, và thu hút. Điều rất thường thấy là các nhà làm chính sách xưa nay chỉ chú trọng duy nhất vào quyền lực chỉ huy cứng để thúc ép người khác hành động ngược lại với sở thích của họ và lờ đi quyền lực mềm phát sinh từ việc hình thành sở thích. Nhưng một khi thực hiện được việc chiêu dụ, các nhà làm chính sách có thể tiết kiệm cà rốt và gậy gộc39.
Trong chính trị thế giới, có một số mục tiêu mà các nhà nước theo đuổi dễ chịu ảnh hưởng của bộ mặt thứ hai và thứ ba hơn bộ mặt thứ nhất của quyền lực. Arnold Wolfers từng phân biệt cái mà ông gọi là mục tiêu sở hữu - các mục tiêu cụ thể và thường hữu hình - với mục tiêu hoàn cảnh, thường mang tính cấu trúc và vô hình40. Chẳng hạn, tiếp cận được tài nguyên hoặc quyền thiết lập căn cứ hoặc một hợp đồng thương mại là mục tiêu sở hữu, trong khi thúc đẩy một hệ thống thương mại mở, các thị trường tự do, dân chủ, hay quyền con người là mục tiêu hoàn cảnh.
Theo các thuật ngữ được dùng ở trên, ta có thể nghĩ tới các nhà nước có những mục tiêu cụ thể và mục tiêu chung chung hay mang tính cấu trúc. Chỉ chú trọng đến quyền lực chỉ huy và bộ mặt thứ nhất của quyền lực có thể khiến ta lầm lạc về cách thúc đẩy những mục tiêu này. Chẳng hạn, trong việc thúc đẩy dân chủ, các phương tiện quân sự đơn lẻ thì ít thành công hơn các phương tiện quân sự kết hợp với các cách tiếp cận mang tính quyền lực mềm - như Mỹ đã ngộ ra ở Iraq. Và quyền lực mềm từ việc thu hút và thuyết phục có thể có khía cạnh mang tính chủ thể lẫn khía cạnh mang tính cấu trúc. Chẳng hạn, một nước có thể ra sức thu hút các nước khác thông qua những hành động như ngoại giao công chúng, nhưng nước này cũng có thể thu hút các nước khác thông qua các hiệu ứng cấu trúc từ tấm gương của chính mình hay có thể gọi là hiệu ứng “thành phố tỏa sáng trên đồi”.
Một lý do khác không nên quy tất cả ba bộ mặt của quyền lực về bộ mặt thứ nhất là vì như vậy sẽ làm giảm sự chú ý đối với các mạng lưới, một loại quyền lực cấu trúc quan trọng trong thế kỷ XXI. Các mạng lưới đang trở nên ngày càng quan trọng trong thời đại thông tin, và việc chọn vị trí trong các mạng xã hội có thể là một tài nguyên quyền lực quan trọng.
Ví dụ, trong một mạng lưới trục-nan, quyền lực có thể xuất phát từ vai trò làm trục thông tin liên lạc. Nếu quý vị giao tiếp với bạn bè của mình thông qua tôi, thì điều này cho tôi quyền lực. Nếu các điểm trên vành nan không nối trực tiếp với nhau, thì việc phụ thuộc vào thông tin liên lạc qua trục có thể định hình nghị trình của các điểm đó. Ví dụ, ngay cả sau khi độc lập, nhiều thông tin liên lạc giữa các thuộc địa châu Phi thuộc Pháp cũ vẫn truyền qua Paris, và điều đó làm tăng quyền lực của Pháp trong việc định hình nghị trình của họ.
Ở các bố cục mạng lưới khác phức tạp hơn, các nhà lý luận chỉ ra tầm quan trọng của các lỗ hổng cấu trúc ngăn chặn sự liên lạc trực tiếp giữa các bộ phận nhất định của mạng lưới đó41. Những ai có thể bít hoặc khai thác các lỗ hổng cấu trúc có thể sử dụng vị thế của mình làm nguồn quyền lực bằng cách kiểm soát việc liên lạc thông tin giữa những người khác với nhau. Một khía cạnh khác của mạng lưới có liên quan trực tiếp đến quyền lực là tính rộng khắp của chúng. Ngay cả các kết nối yếu ớt rộng khắp cũng có thể hữu ích trong việc tiếp nhận và phân tán những thông tin mới mẻ và sáng tạo. Các kết nối yếu ớt cung cấp khả năng kết nối các nhóm đa dạng lại với nhau một cách hợp tác, thành công42. Điều này tăng khả năng của một nước trong việc đạt được quyền lực cùng với, hơn là đối với, những nước khác. Khả năng tạo ra các mạng lưới niềm tin cho phép các nhóm làm việc cùng nhau để tiến tới mục đích chung là điều mà nhà kinh tế Kenneth Boulding gọi là “quyền lực tích hợp”43. Theo các nhà tâm lý học, “Nhiều năm nghiên cứu cho thấy sự thấu cảm và trí tuệ xã hội có vai trò quan trọng đối với việc thụ đắc và thực thi quyền lực hơn hẳn vũ lực, lừa bịp, và khủng bố”44.
Nhà lý luận chính trị Hannah Arendt từng nói rằng “quyền lực nảy sinh giữa đàn ông khi họ hành động cùng nhau”45. Tương tự, một nhà nước có thể sử dụng quyền lực toàn cầu bằng cách tham gia và hành động cùng với các nhà nước khác, chứ không chỉ là hành động chống lại họ. Nhà khoa học chính trị John Ikenberry thuộc Đại học Princeton lập luận rằng quyền lực Mỹ sau Thế Chiến II phụ thuộc vào một mạng lưới các tổ chức và mạng lưới này trói buộc Mỹ nhưng lại cởi mở đối với các nước khác, do đó, gia tăng quyền lực Mỹ trong việc hành động cùng các nước khác46. Đây là luận điểm quan trọng trong việc đánh giá quyền lực của các nước trong hệ thống quốc tế hiện hành và là một khía cạnh quan trọng để đánh giá tương lai của quyền lực Mỹ và Trung Quốc trong thế kỷ XXI47. Ví dụ, nếu Mỹ tham gia nhiều hơn vào các mạng lưới truyền thông, nước này có cơ hội lớn hơn để định hình các sở thích theo bộ mặt thứ ba của quyền lực.
Vì mục đích chính sách, ta thử nghĩ về ba bộ mặt của quyền lực theo trình tự ngược lại thứ tự mà các nhà khoa học xã hội lập ra. Nhà làm chính sách nên xem việc định hình sở thích và định khung nghị trình là các phương tiện định hình môi trường trước khi chuyển sang bộ mặt thứ nhất - bộ mặt chỉ huy - của quyền lực48. Nói tóm lại, những ai luôn khăng khăng phải quy hai bộ mặt thứ hai và thứ ba của quyền lực về bộ mặt thứ nhất sẽ bỏ sót một khía cạnh ngày càng quan trọng của quyền lực trong thế kỷ này.
CHỦ NGHĨA HIỆN THỰC VÀ TOÀN DẢI PHỔ HÀNH VI QUYỀN LỰC
Ở Mỹ, xu hướng chú trọng vào bộ mặt thứ nhất của quyền lực phần nào phản ánh văn hóa chính trị và các tổ chức của Mỹ. Không nhà chính trị nào muốn tỏ ra “mềm yếu”, và Quốc hội cảm thấy nâng ngân sách của Lầu Năm Góc dễ dàng hơn nâng ngân sách của Bộ Ngoại giao. Sự thiên lệch này bấy lâu đã được các thuyết chính trị quốc tế đang thịnh hành củng cố. Trải qua nhiều thế kỷ, cách tiếp cận cổ điển thịnh hành nhất đối với thời cuộc quốc tế vẫn luôn được gọi là “chủ nghĩa hiện thực”, và mầm mống của nó đã có từ thời của các nhà tư duy vĩ đại như Thucydides và Niccolò Machiavelli. Chủ nghĩa hiện thực giả định rằng trong điều kiện vô chính phủ của chính trị thế giới, nơi không có chính phủ quốc tế nào cao hơn nhà nước, các nhà nước phải tự lực cánh sinh để bảo tồn nền độc lập, và khi bị dồn vào chân tường, biện pháp cuối cùng là sử dụng vũ lực. Chủ nghĩa hiện thực khắc họa thế giới về mặt các nhà nước tự trị hướng đến mục tiêu bảo tồn nền an ninh của họ, với quân lực là công cụ tối hậu. Do đó, chiến tranh bấy lâu vẫn luôn là một khía cạnh trường tồn của thời cuộc quốc tế xuyên suốt nhiều thế kỷ. Các nhà hiện thực chủ nghĩa có nhiều loại, nhưng tất cả đều có xu hướng lập luận rằng chính trị toàn cầu chính là chính trị quyền lực. Về mặt này họ đúng, nhưng một số người giới hạn cách hiểu của mình khi nghĩ đến quyền lực quá eo hẹp. Một nhà hiện thực chủ nghĩa thực dụng hoặc có óc phán đoán, thông thường tính đến toàn bộ các tài nguyên quyền lực, gồm cả ý tưởng, sự thuyết phục, và sự thu hút. Nhiều nhà hiện thực cổ điển trong quá khứ hiểu vai trò của quyền lực mềm rõ hơn một vài hậu duệ đương đại của họ.
Chủ nghĩa hiện thực tiêu biểu cho một nhát cắt mở đường đúng đắn trong việc khắc họa một số khía cạnh của quan hệ quốc tế. Song như ta đã thấy, nhà nước không còn là chủ thể quan trọng duy nhất trong thời cuộc quốc tế nữa; an ninh không chỉ là kết quả to lớn duy nhất mà họ theo đuổi, và vũ lực không phải công cụ có sẵn duy nhất hay hoàn hảo để đạt được những kết quả đó. Thật vậy, hoàn cảnh phụ thuộc lẫn nhau phức tạp này là điển hình trong các quan hệ giữa các quốc gia hậu công nghiệp tiên tiến như Mỹ, Canada, châu Âu, Úc, và Nhật Bản. Dân chủ tương hỗ, văn hóa tự do, và một mạng lưới sâu các liên kết xuyên quốc gia đồng nghĩa với việc tình trạng vô chính phủ có các hệ quả rất khác so với tiên đoán của chủ nghĩa hiện thực. Trong điều kiện như vậy, một chiến lược quyền lực thông minh pha trộn bộ mặt thứ hai và thứ ba của quyền lực với tỷ lệ cao hơn hẳn.
Tuy nhiên, không chỉ trong các quan hệ giữa những nước tiên tiến, quyền lực mềm mới đóng một vai trò quan trọng. Trong thời đại thông tin, các chiến lược truyền thông trở nên quan trọng hơn, và quân đội của ai thắng không phải là yếu tố duy nhất định hình kết quả mà còn có yếu tố câu chuyện của ai thắng. Chẳng hạn trong cuộc chiến chống khủng bố, cần thiết phải có lối kể chuyện có tác dụng lôi cuốn quần chúng và ngăn chặn những kẻ khủng bố cấp tiến tuyển mộ họ. Trong cuộc chiến chống phiến quân, quân lực năng động phải đi kèm với các phương tiện quyền lực mềm góp phần giành được con tim và khối óc (định hình sở thích) của đa số quần chúng.
Chiến lược thông minh phải có yếu tố thông tin và truyền thông. Các nhà nước đấu tranh với nhau về quyền lực định nghĩa quy chuẩn, và việc định khung vấn đề trở nên ngày càng quan trọng. Ví dụ, đài CNN và BBC định khung các vấn đề của Chiến tranh Vùng vịnh I vào năm 1991, nhưng trước năm 2003, Al Jazeera bấy giờ đang đóng một vai trò lớn trong việc định hình cách kể chuyện về Chiến tranh Iraq. Cách định khung vấn đề như thế không chỉ là tuyên truyền chính trị đơn thuần. Để mô tả các sự kiện vào tháng 3 năm 2003, ta có thể nói lính Mỹ “vào Iraq” hoặc lính Mỹ “xâm lược Iraq”. Cả hai phát biểu này đều đúng, nhưng chúng có các tác động rất khác nhau về mặt quyền lực dùng để định hình sở thích. Tương tự, nếu ta nghĩ đến các tổ chức quốc tế, thì nghị trình được thiết lập trong một Nhóm 8 thành viên có một ít khách mời sẽ khác với một Nhóm có 20 khách mời ngang hàng. Đây chỉ là vài ví dụ cho thấy các khía cạnh của bộ mặt thứ hai và thứ ba của quyền lực ngày càng trở nên quan trọng hơn trong nền chính trị toàn cầu vào thời đại thông tin.
TÀI NGUYÊN QUYỀN LỰC MỀM VÀ HÀNH VI QUYỀN LỰC MỀM
Một số nhà phê bình phàn nàn rằng định nghĩa thịnh hành về quyền lực mềm đã trở nên mơ hồ khi được mở rộng ra để “bao gồm cả nghệ thuật quản lý nhà nước về kinh tế - sử dụng vừa làm củ cà rốt vừa làm cây gậy - lẫn cả quyền lực quân sự... Quyền lực mềm giờ đây dường như đồng nghĩa với mọi thứ”49. Song những nhà phê bình này đã nhầm lẫn các hành động của một nhà nước nhằm đạt được kết quả mong muốn với các tài nguyên được dùng để sinh ra những kết quả đó. Nhiều loại tài nguyên có thể góp phần vào quyền lực mềm, nhưng điều đó không có nghĩa quyền lực mềm là bất kỳ kiểu hành vi nào. Tôi gọi hành vi dùng vũ lực, thưởng phạt, và thiết lập nghị trình phần nào dựa trên các hành vi đó là quyền lực cứng. Thiết lập nghị trình mà đối tượng mục tiêu cho là chính đáng, tích cực thu hút, và thuyết phục là các thành phần của bộ hành vi mà tôi tổng hợp trong quyền lực mềm. Quyền lực cứng là đẩy; quyền lực mềm là kéo. Định nghĩa đầy đủ, quyền lực mềm là khả năng tác động người khác qua phương tiện chiêu dụ, gồm định khung nghị trình, thuyết phục, và khơi gợi hành vi thu hút tích cực để đạt được kết quả mong muốn50.
Nhìn chung, các loại tài nguyên gắn với quyền lực cứng gồm các thứ hữu hình như vũ lực và tiền bạc. Các loại tài nguyên gắn với quyền lực mềm thường gồm các thứ vô hình như các tổ chức, các ý tưởng, các chuẩn mực, văn hóa và tính chính đáng của các chính sách qua cảm nhận. Nhưng mối quan hệ này không hoàn hảo. Các tài nguyên vô hình như lòng yêu nước, sĩ khí, và tính chính đáng ảnh hưởng rất lớn đến khả năng chiến đấu và chiến thắng của quân đội. Và các đe dọa dùng vũ lực thì vô hình, mặc dù đó là một khía cạnh của quyền lực cứng52.
Nếu nhớ lại sự khu biệt giữa các tài nguyên quyền lực và hành vi quyền lực, ta thấy rằng các tài nguyên nào thường gắn với hành vi quyền lực cứng cũng có thể sinh ra hành vi quyền lực mềm tùy vào bối cảnh và cách thức các tài nguyên đó được sử dụng. Quyền lực chỉ huy có thể tạo ra tài nguyên mà các tài nguyên này lại có thể tạo ra quyền lực mềm ở một giai đoạn sau, chẳng hạn như tạo ra các tổ chức sẽ cung cấp tài nguyên quyền lực mềm trong tương lai. Tương tự, hành vi chiêu dụ có thể dùng để sinh ra tài nguyên quyền lực cứng dưới dạng liên minh quân sự hoặc viện trợ kinh tế. Một tài nguyên quyền lực cứng hữu hình, chẳng hạn như một đơn vị quân sự, có thể sinh ra hành vi chỉ huy (bằng cách thắng một trận chiến) lẫn hành vi chiêu dụ (bằng cách thu hút) tùy vào việc tài nguyên đó được sử dụng như thế nào. Và bởi vì sức hút tùy thuộc vào cách nghĩ của người cảm nhận, nên các cảm nhận của chủ thể đóng một vai trò quan trọng trong việc xác định các tài nguyên bất kỳ sinh ra hành vi quyền lực cứng hay mềm.
Ví dụ, có thể dùng lực lượng hải quân để thắng trận (quyền lực cứng) hoặc giành được con tim và khối óc (quyền lực mềm) tùy đối tượng mục tiêu và vấn đề đang quan tâm là gì. Sự trợ giúp của hải quân Mỹ trong việc cứu trợ Indonesia sau trận sóng thần Đông Á năm 2004 có một tác động mạnh mẽ đến sức hút ngày càng lớn mà người Indonesia dành cho Mỹ, và Chiến lược Hàng hải 2007 của hải quân Mỹ không chỉ đề cập đến tác chiến trong chiến tranh mà còn đề cập đến “các lực lượng hàng hải... được khai thác để xây dựng sự tự tin và sự tin cậy giữa các quốc gia”53. Tương tự, thành quả kinh tế như của Trung Quốc có thể sinh ra quyền lực cứng là trừng phạt và hạn chế thâm nhập thị trường, đồng thời cũng sinh ra quyền lực mềm là thu hút và khiến các nước noi gương thành công đó.
Một số nhà phân tích đã hiểu sai quyền lực mềm là đồng nghĩa với văn hóa nên tiếp tục đánh giá thấp tầm quan trọng của nó. Ví dụ, sử gia Niall Ferguson mô tả quyền lực mềm là “các lực lượng phi truyền thống chẳng hạn như hàng hóa thương mại và hàng hóa văn hóa” rồi sau đó bác bỏ nó trên cơ sở là “nó, phải nói là, mềm yếu”54. Dĩ nhiên, ăn ở McDonald’s hay mặc áo Michael Jackson không nghiễm nhiên biểu thị quyền lực mềm. Dân quân có thể phạm tội ác hoặc chiến đấu chống lính Mỹ trong khi vẫn mang giày Nike và uống Coca- Cola. Nhưng sự phê bình này đã nhầm lẫn các tài nguyên có khả năng sinh ra hành vi với chính hành vi đó. Việc sở hữu tài nguyên quyền lực có thực sự sinh ra hành vi mong muốn hay không còn tùy vào bối cảnh và kỹ năng của chủ thể trong việc chuyển đổi các tài nguyên này thành các kết quả về hành vi. Ăn sushi, trao đổi quân bài Pokemon, hoặc thuê một cầu thủ ném bóng chày người Nhật (như đội Boston Red Sox đã làm) không hẳn là chuyển giao quyền lực cho Nhật Bản. Nhưng không phải chỉ tài nguyên quyền lực mềm mới vậy. Sở hữu một đội xe tăng lớn hơn có thể tạo ra chiến thắng nếu chiến đấu trên sa mạc, còn trong đầm lầy thì không. Tương tự, một nụ cười niềm nở có thể là tài nguyên quyền lực mềm, và quý vị có thể có xu hướng làm gì đó cho tôi nếu tôi cười mỗi khi chúng ta gặp mặt, nhưng nếu tôi mỉm cười tại đám tang của mẹ quý vị, điều này có thể phá hủy quyền lực mềm thay vì tạo ra nó.
QUYỀN LỰC MỀM VÀ QUYỀN LỰC THÔNG MINH
Như đã đề cập trong phần “Lời nói đầu”, tôi phát triển thuật ngữ “quyền lực thông minh” vào năm 2004 để chống lại nhận thức sai lầm cho rằng một mình quyền lực mềm có thể sinh ra chính sách đối ngoại hiệu quả. Tôi đã định nghĩa quyền lực thông minh là khả năng kết hợp các tài nguyên quyền lực cứng và quyền lực mềm thành những chiến lược hiệu quả55. Khác với quyền lực mềm, quyền lực thông minh là một khái niệm mang tính đánh giá cũng như mô tả. Quyền lực mềm có thể tốt hoặc xấu từ một góc độ quy chuẩn, tùy xem nó được sử dụng như thế nào. Quyền lực thông minh có sẵn tính đánh giá trong định nghĩa. Nhà phê bình nào nói “quyền lực thông minh, có thể gọi là Quyền Lực Mềm 2.0, đã thay thế Quyền Lực Mềm 1.0 trong từ điển chính sách đối ngoại của Mỹ” thì họ hoàn toàn nhầm lẫn56. Một phê bình chính xác hơn nói rằng vì khái niệm này (không như khái niệm về quyền lực mềm) có một khía cạnh mang tính quy chuẩn, nên nó thường thích hợp dùng trong các khẩu hiệu, mặc dù điều đó chưa chắc đã đúng.
Quyền lực thông minh dành cho tất cả các nhà nước (và các chủ thể phi nhà nước), chứ không riêng gì Mỹ. Ví dụ, như ta sẽ thấy ở chương 7, các nhà nước nhỏ bấy lâu thường phát triển những chính sách quyền lực thông minh. Na Uy, với năm triệu người, đã cải thiện sức hấp dẫn của nước này bằng các chính sách hợp thức hóa trong việc hòa giải và hỗ trợ phát triển, đồng thời còn là một thành viên năng nổ và hiệu quả trong khối NATO. Và ở thái cực còn lại về mặt quy mô dân số, Trung Quốc, một cường quốc đang lên về tài nguyên kinh tế và quân sự, đã chủ động đầu tư vào tài nguyên quyền lực mềm để khiến quyền lực cứng của mình trông có vẻ ít mang tính đe dọa hơn đối với các nước láng giềng và từ đó phát triển một chiến lược thông minh.
Quyền lực thông minh đi vào trọng tâm của vấn đề chuyển đổi quyền lực. Như ta đã thấy trước đó, một số quốc gia và chủ thể có thể được phú cho các tài nguyên quyền lực lớn mạnh hơn các quốc gia và chủ thể khác, nhưng vẫn không hiệu quả lắm trong việc chuyển đổi toàn bộ nguồn tài nguyên quyền lực của mình thành những chiến lược sinh ra các kết quả mà họ theo đuổi. Một số người lập luận rằng với cấu trúc chính phủ kém hiệu quả của thế kỷ XVIII, Mỹ rất yếu về chuyển đổi quyền lực. Những người khác phản hồi rằng phần lớn sức mạnh của Mỹ được xã hội dân sự và nền kinh tế mở của nước này tạo ra bên ngoài chính phủ. Và có lẽ chuyển đổi quyền lực luôn dễ dàng hơn khi một nước có của cải thặng dư và có điều kiện tài chính để hấp thu cái giá của sai lầm. Nhưng những bước đầu tiên hướng đến quyền lực thông minh và các chiến lược chuyển đổi quyền lực hiệu quả là hiểu được toàn bộ những nguồn tài nguyên quyền lực và nhận rõ các vấn đề trong việc kết hợp chúng một cách hiệu quả trong nhiều bối cảnh đa dạng.
Quyền lực cứng và quyền lực mềm đôi khi củng cố và đôi khi làm suy yếu lẫn nhau, và để phân biệt được cách chúng tương tác trong các tình huống khác nhau đòi hỏi một sự am hiểu về thời thế vững chắc. Nhưng sẽ là một sai lầm nếu nghĩ đến các chiến dịch thông tin về các mặt khiến ta hiểu sai cốt lõi của quyền lực mềm. Nếu phải chọn giữa việc sở hữu quyền lực quân sự và sở hữu quyền lực mềm trong chính trị quốc tế, ta sẽ chọn quyền lực quân sự. Nhưng quyền lực thông minh đề xuất rằng tốt nhất là nên có cả hai. “Quân đội phải hiểu rằng quyền lực mềm khó sử dụng hơn về mặt áp dụng lực lượng quân sự, nhất là khi hành động của lực lượng đó được nhìn nhận thiếu thiện cảm”57. Nếu các đòn bẩy của quyền lực mềm không kéo lên cùng một hướng, thì quân đội thường không thể tự mình tạo ra các điều kiện có lợi.
Đầu năm 2006, Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld phát biểu về cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố của chính quyền Bush, “Trong cuộc chiến này, một số trận chiến trọng yếu nhất có thể không diễn ra ở các vùng núi của Afghanistan hay trên đường phố của Iraq mà ở trong các phòng thời sự ở New York, London, Cairo và những nơi khác”. Như tờ The Economist đã bình luận về bài phát biểu của Rumsfeld, “Trước đây ông thẳng thắn xem việc chú trọng vào ‘quyền lực mềm’ là mềm yếu - một phần trong chính sách nhân nhượng với khủng bố của ‘châu Âu cũ’”. Giờ đây ông nhận ra tầm quan trọng của việc giành được con tim và khối óc, nhưng “bài phát biểu có trọn một phần chú trọng phân tích làm thế nào Mỹ có thể thắng được cuộc chiến tuyên truyền bằng chiến lược PR khéo léo hơn”58. Đáng tiếc là Rumsfeld đã quên mất quy tắc đầu tiên của quảng cáo: Nếu bạn có một sản phẩm tồi, thì quảng cáo hoành tráng đến đâu cũng không bán được nó. Ông cũng quên rằng chiến lược chuyển đổi quyền lực yếu kém của chính quyền Bush khi ấy đang phung phí tài sản quyền lực cứng lẫn quyền lực mềm. Bước đầu tiên để phát triển các chiến lược quyền lực thông minh hiệu quả hơn bắt đầu bằng việc hiểu đầy đủ hơn các loại quyền lực và công dụng của quyền lực.