K
hi đa số mọi người nói hay viết về quyền lực quân sự, họ có khuynh hướng nghĩ về mặt các tài nguyên làm nền tảng cho hành vi quyền lực cứng là chiến đấu và đe dọa khai chiến - quân lính, xe tăng, máy bay, tàu thuyền, v.v... Suy cho cùng, ở thế bí thì các tài nguyên quân sự này là quan trọng. Napoleon đã từng có phát biểu nổi tiếng rằng “Chúa đứng về phía các tiểu đoàn lớn”.
Nhưng quyền lực quân sự cần được xem xét thấu đáo hơn. Tài nguyên quân sự không chỉ là súng ống và tiểu đoàn, còn hành vi quân sự không chỉ là chiến đấu và đe dọa khai chiến. Từ lâu, tài nguyên quyền lực quân sự đã được sử dụng để bảo vệ đồng minh và hỗ trợ các nước bạn. Ngay cả hành vi thay mặt các nước bạn chiến đấu cũng có thể sinh ra quyền lực mềm. Như ta đã thấy trong chương trước, sử dụng tài nguyên quân sự một cách ôn hòa, không cưỡng ép có thể là một nguồn quan trọng của các hành vi quyền lực mềm, bao gồm định khung nghị trình, thuyết phục, và thu hút trong chính trị thế giới.
Ngay cả khi chỉ nghĩ đến chiến đấu và đe dọa, nhiều người hình dung ra chiến tranh liên nhà nước giữa các binh lính mặc quân phục, được các nhà nước tổ chức và trang bị thành các đơn vị quân sự chính quy. Nhưng cho đến tận thế kỷ XXI này, có nhiều “cuộc chiến” hơn xảy ra trong nội bộ các nhà nước thay vì giữa các nhà nước và nhiều bên tham chiến không mặc quân phục1. Dĩ nhiên, nội chiến và quân tham chiến không chính quy không phải điều gì mới mẻ, vì ngay cả luật chiến tranh truyền thống cũng nhìn nhận như thế. Điều mới mẻ trong thế kỷ này là sự gia tăng xung đột không chính quy và các biến đổi công nghệ làm gia tăng các nhược điểm và đặt quyền lực phá hoại vào tay các nhóm nhỏ là chủ thể phi nhà nước, những nhóm mà trong bối cảnh của các kỷ nguyên trước sẽ bị loại khỏi thị trường vì phá hoại đáng kể. Và giờ đây công nghệ đã mang đến một khía cạnh mới cho chiến tranh: viễn cảnh về tấn công điện tử. Như ta sẽ bàn đến ở chương 5, một kẻ thù - nhà nước hay phi nhà nước - có thể tạo ra sự phá hoại vật chất khổng lồ (hoặc đe dọa làm vậy) mà không cần một quân đội nào có thể vượt hẳn sang biên giới của một nhà nước khác.
CHIẾN ĐẤU VÀ CHIẾN TRANH
Cách đây 2.500 năm, khi giải thích tại sao các vị tướng của Athens có ý định đánh chiếm đảo Melos và giết hoặc bắt các cư dân ở đó làm nô lệ, Thucydides nhận xét, “Kẻ mạnh làm điều họ muốn còn kẻ yếu phải hứng chịu điều họ phải chịu”2. Chiến tranh và sử dụng vũ lực có đầy rẫy trong lịch sử con người. Thật vậy, lịch sử chính trị thường được kể dưới dạng một câu chuyện về chiến tranh và xâm chiếm. Nhưng như Kinh Thánh đặt câu hỏi trong Thánh ca 2:1-2, “Tại sao các dân tộc lại cùng nhau giận dữ mãnh liệt đến vậy?”.
Một câu trả lời là bản chất con người. Các nhà nhân chủng mô tả tinh tinh (một loài có bộ gen giống gần 99% với chúng ta) sử dụng vũ lực với nhau và với các bầy tinh tinh khác3. Một số nhà hiện thực cổ điển nhấn mạnh lòng tham là một động cơ. Những người khác nhấn mạnh sự thèm khát thống trị4. Những kẻ xâm chiếm vĩ đại như Thành Cát Tư Hãn, người càn quét khắp thảo nguyên Trung Á, hay các kẻ xâm chiếm Tây Ban Nha ở vùng châu Mỹ như Hernán Cortés và Francisco Pizzaro có lẽ ít nhiều có cả hai động cơ. Nhưng tư tưởng cũng có vai trò trong việc tổ chức nhân lực cho chiến tranh và xâm chiếm, chẳng hạn như cuộc bành trướng đạo Hồi trong thế kỷ sau cái chết của Mohammed, cuộc Thập tự chinh Cơ Đốc thời trung cổ, hay chủ nghĩa dân tộc và tự quyết sau thế kỷ XIX.
Chiến tranh đã định hình nhiều đế chế vĩ đại cũng như hệ thống nhà nước của châu Âu hiện đại, nhưng cần nhớ rằng thường đi kèm với quyền lực cưỡng ép cứng do tài nguyên quân sự sinh ra là ít nhiều quyền lực mềm. Như triết gia David Hume đã chỉ ra ở thế kỷ XVIII, không con người nào đủ mạnh để thống trị kẻ khác mà lại hành động một mình5.
Một kẻ bạo chúa phải có đủ quyền lực mềm để thu hút tay sai cho phép y sử dụng hành động cưỡng ép trên quy mô lớn. Chẳng hạn, đế chế tồn tại lâu dài của La Mã đã củng cố các cuộc xâm chiếm bằng quân sự của mình bằng hệ tư tưởng và thu hút những kẻ mọi rợ đã bị thu phục bằng cách cho họ cơ hội trở thành công dân La Mã6. Một vấn đề với tài nguyên quân sự, gồm cả quân lính, là chúng tốn kém và chi phí vận chuyển chúng tăng theo khoảng cách. Dân địa phương thì rẻ hơn nếu có thể chiêu dụ họ.
Một công nghệ mới mẻ, chẳng hạn như bàn đạp yên ngựa trong trường hợp Thành Cát Tư Hãn hay khẩu súng đối với những kẻ xâm chiếm Tây Ban Nha, có thể cung cấp sức bẩy cho phép một nhóm thiểu số chiến thắng một nhóm lớn hơn trước khi công nghệ này lan tỏa. Vào thế kỷ XIX, Sir Harry Johnson từng chinh phục Nyasaland (Malawi ngày nay) chỉ bằng một ít quân. Ở Ấn Độ, chưa đến một trăm nghìn binh sĩ và nhà cầm quân Anh từng cai trị ba trăm triệu người Ấn. Nhưng bí quyết của thành quả này không chỉ nằm ở công nghệ. Nó gồm cả khả năng phân chia quần chúng mục tiêu và chiêu dụ một vài trong số đó thành các đồng minh sở tại.
Tương tự, sự lan tỏa của đạo Hồi dựa trên cơ sở sức hút của tín ngưỡng, không chỉ là sức mạnh của thanh gươm. Học thuyết chống phiến loạn bằng quân sự ngày nay nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giành được trái tim và khối óc của dân chúng. Để hiểu được quyền lực quân sự, ta phải nhận thấy rõ rằng việc lý giải thành công không chỉ nằm ở câu cách ngôn nổi tiếng của thế kỷ XIX: “Ta có súng Gatling* còn bọn chúng không có”.
* Hay còn gọi là súng M134: Loại súng máy hiện đại có sáu nòng xoay, có tốc độ bắn cao (trên 3000 viên/phút) nhờ vào một động cơ điện gắn trực tiếp trên súng. Mặc dù là một vũ khí cầm tay, M134 có sức công phá rất khủng khiếp, ngoài khả năng bắn hạ bộ binh, súng còn có thể tiêu diệt xe bọc thép hạng nhẹ, chiến hạm nhỏ, trực thăng, phá hủy công sự và máy móc.
Một trường phái hiện đại của chủ nghĩa hiện thực không nhấn mạnh bản chất con người, mà nhấn mạnh cấu trúc của chính trị quốc tế7. Cách tiếp cận về mặt cấu trúc này nhấn mạnh bản chất vô chính phủ của chính trị thế giới và nhấn mạnh rằng không có cơ quan nào cao hơn nhà nước mà các nhà nước này có thể kiến nghị lên. Các nhà nước nằm trong địa hạt tự lực cánh sinh, và tài nguyên quân sự là yếu tố hỗ trợ tự lực nhiều nhất. Các động cơ như lòng tham hay dã tâm thống trị không quan trọng bằng an sinh và một khao khát sinh tồn giản dị. Các nhà nước bị kẹt vào trò chơi một mất một còn, trong đó tự xoay xở là phương án hợp lý bởi họ không thể tin tưởng người khác. Nếu một chủ thể giải giáp nhưng các bên khác lại không, thì chủ thể này khó có khả năng sinh tồn trong môi trường vô chính phủ. Các chủ thể nào nhân từ và cả tin có xu hướng biến mất theo thời gian. Họ bị tiệt trừ do cơ chế vận động được sinh ra từ cấu trúc của hệ thống. Con đường đến an sinh và sinh tồn đối với chủ thể này là phát triển tài nguyên quân sự của riêng mình qua tăng trưởng và hình thành các liên minh để cân bằng quyền lực của các chủ thể khác. Trong thế giới này, những cái được so với người khác thì quan trọng hơn là cái được tuyệt đối.
Dù có ăn sâu trong bản chất con người như trong chủ nghĩa hiện thực cổ điển của Thucydides và Machiavelli hay trong các lực lượng lớn hơn ảnh hưởng toàn hệ thống mà chủ nghĩa hiện thực cấu trúc hiện đại nhấn mạnh, tài nguyên quân sự nào cung cấp khả năng chiến thắng trong chiến tranh thường được khắc họa là dạng quyền lực quan trọng nhất trong thời cuộc thế giới. Thật vậy, vào thế kỷ XIX định nghĩa về cường lực là khả năng chiến thắng trong chiến tranh, và chắc chắn chiến tranh vẫn còn dai dẳng tới ngày nay. Nhưng như ta đã thấy trong chương trước, thế giới đã trở nên phức tạp hơn kể từ thế kỷ XIX, còn mô hình hiện thực chủ nghĩa không hoàn toàn khớp được tất cả các bộ phận với nhau.
Nhà ngoại giao Anh, Robert Cooper, lập luận rằng có ít nhất ba địa hạt khác nhau - hậu công nghiệp, công nghiệp hóa, và tiền công nghiệp - của các mối quan hệ liên nhà nước, với chiến tranh đóng một vai trò khác nhau trong mỗi địa hạt. Đối với thế giới hậu công nghiệp của các nền dân chủ tiến bộ, chiến tranh không còn là một công cụ chính trong quan hệ giữa các nền dân chủ này với nhau. Trong thế giới này, các nhà lý luận quả quyết đúng đắn rằng hầu như không thấy hiện tượng các nền dân chủ tự do tiến bộ đấu với nhau8. Thay vì vậy, những nền dân chủ này bị mắc kẹt trong một thứ chính trị mang tính phụ thuộc lẫn nhau phức tạp mà trong đó các công cụ khác được sử dụng vào các cuộc đấu tranh giành quyền lực. Điều này không có nghĩa là các nền dân chủ tiến bộ không gây chiến tranh với các nhà nước khác hay những nền dân chủ mong manh mới không thể chiến tranh với nhau9.
Và đối với các nhà nước chỉ mới công nghiệp hóa như Trung Quốc và Ấn Độ, chiến tranh vẫn là một công cụ tiềm năng, như tiên đoán của các nhà hiện thực chủ nghĩa. Tương tự, trong số các xã hội tiền công nghiệp, gồm cả phần lớn châu Phi và Trung Đông, mô hình hiện thực chủ nghĩa vẫn còn rất thích hợp, nên câu trả lời của thế kỷ XXI cho câu hỏi “Quyền lực quân sự có phải là dạng quyền lực quan trọng nhất trong chính trị thế giới không?” còn tùy thuộc vào bối cảnh. Ở nhiều nơi trên thế giới, câu trả lời là có, nhưng không phải trên mọi địa hạt hay trong tất cả các vấn đề.
BẤY LÂU TÍNH HỮU DỤNG CỦA QUYỀN LỰC QUÂN SỰ CÓ GIẢM THEO THỜI GIAN KHÔNG?
Ngày nay, các nhà nước hiển nhiên sử dụng quân lực, nhưng nửa thế kỷ vừa qua đã chứng kiến nhiều thay đổi trong vai trò của nó. Nhiều nhà nước, nhất là các nhà nước lớn, cảm thấy việc sử dụng quân lực để đạt được mục tiêu của mình là tốn kém hơn so với các thời đại trước. Khi dự báo về tương lai, Hội đồng Tình báo Quốc gia (bộ phận chuẩn bị các số liệu ước tính cho Tổng thống Mỹ) lập luận rằng tính hữu dụng của quyền lực đang suy giảm trong thế kỷ XXI10.
Đâu là các lý do? Một lý do là phương tiện quân lực tối hậu - những kho vũ khí hạt nhân của các cường quốc lớn - đều thiếu linh động. Mặc dù đã từng vượt con số năm vạn, vũ khí hạt nhân không được sử dụng trong chiến tranh từ năm 1945. Sự thiếu cân đối giữa sức tàn phá khủng khiếp của vũ khí hạt nhân và bất kỳ mục tiêu chính trị nào dù hợp lý đã khiến lãnh đạo các nhà nước rất ngại dùng vũ khí hạt nhân, một chuyện dễ hiểu. Nên dạng quân lực tối hậu này có thể nói là quá tốn kém - vừa là điều cấm kị về luân lý vừa gây ra nguy cơ trả đũa - nên các lãnh đạo quốc gia không muốn sử dụng trong chiến tranh11.
Điều này không có nghĩa vũ khí hạt nhân không đóng vai trò nào trong chính trị thế giới. Thật vậy, những kẻ khủng bố có thể không cảm thấy bị điều cấm kị hạt nhân này ràng buộc12. Và mặc dù khó sử dụng vũ khí hạt nhân để đẩy lùi thế lực khác, nhưng tính răn đe của nó vẫn rất đáng tin cậy và quan trọng. Nó gồm cả khả năng mở rộng sự răn đe đến thế lực khác, chẳng hạn như Mỹ đã làm với các đồng minh châu Âu và Nhật Bản. Các nhà nước nhỏ hơn như Bắc Triều Tiên và Iran theo đuổi vũ khí hạt nhân để răn đe Mỹ và gia tăng ảnh hưởng trong khu vực lẫn uy tín toàn cầu của mình, nhưng chúng không phải là đòn cân bằng trong chính trị thế giới. Và trong những điều kiện nhất định, nếu chúng khiến các nước khác phải quyết định gia tăng vũ khí hạt nhân, thì chúng có thể giảm an ninh bằng cách gia tăng viễn cảnh một vũ khí hạt nhân bị giải phóng thiếu sự kiểm soát toàn diện của trung ương hoặc rơi vào tay khủng bố. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, điều cấm kị chống lại việc nhà nước sử dụng vũ khí hạt nhân đã tồn tại được sáu thập kỷ. Vũ khí hạt nhân vẫn quan trọng trong chính trị thế giới, nhưng không quan trọng trong tác chiến chiến tranh.
Một lý do thứ hai là việc sử dụng lực lượng truyền thống để cai trị quần chúng dân tộc chủ nghĩa và quần chúng được huy động từ xã hội đã trở nên tốn kém hơn. Hành động chiếm cứ góp phần thống nhất các quần chúng đa dạng trong một số tình huống nhất định. Để ngoại bang cai trị là rất tốn kém trong thời đại truyền thông xã hội rộng rãi. Ngay trong thế kỷ vừa qua, báo chí và truyền thông đại chúng đã cho phép các quần chúng địa phương mở rộng nhận thức và bản sắc của mình thành cái bấy lâu gọi là “cộng đồng ảo”, và thời đại Internet đã mở rộng hiện tượng này hơn nữa13. Pháp thôn tính Algeria bằng ba mươi tư nghìn quân vào thế kỷ XIX nhưng không thể giữ được thuộc địa này bằng sáu mươi vạn quân vào thế kỷ XX14. Các công cụ, như bom xe và thiết bị nổ tự chế, mà các phiến quân được huy động sử dụng rẻ hơn hẳn so với các công cụ do quân đội chiếm cứ sử dụng. Và có một sự tương quan lớn giữa việc sử dụng kẻ đánh bom tự sát và hành động chiếm cứ của các lực lượng ngoại bang15.
Một lý do thứ ba là việc sử dụng quân lực đối mặt với các ràng buộc nội bộ. Theo thời gian, bấy lâu vẫn xuất hiện một hệ thống luân lý ngày càng phát triển chống chủ nghĩa quân sự, nhất là trong các nền dân chủ. Những động thái như thế mạnh mẽ ở châu Âu hay Nhật Bản hơn ở Mỹ, nhưng những động thái này có mặt ở tất cả các nền dân chủ tiến bộ. Các quan điểm như thế không ngăn chặn việc sử dụng vũ lực, nhưng lại biến nó thành một phương án rủi ro về mặt chính trị cho các nhà lãnh đạo, nhất là khi sử dụng vũ lực quy mô lớn hoặc trong thời gian dài. Đôi khi người ta nói rằng nền dân chủ không chấp nhận thương vong, nhưng như vậy là quá đơn giản. Ví dụ, Mỹ dự kiến sẽ có một vạn thương vong khi dự định tham chiến trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1990, nhưng lại không muốn chấp nhận thương vong ở Somalia hay Kosovo, nơi không có nhiều lợi ích quốc gia cho Mỹ. Hơn nữa, việc sẵn sàng chấp nhận thương vong còn chịu ảnh hưởng của triển vọng thành công16. Và nếu việc sử dụng vũ lực được xem là bất công hay không chính đáng dưới con mắt của các nước khác, điều này có thể khiến việc làm ấy trở nên tốn kém cho các nhà lãnh đạo chính trị trong các chính thể dân chủ. Vũ lực không lỗi thời, và các chủ thể khủng bố phi nhà nước ít bị những mối quan tâm về luân lý như thế ràng buộc như các nhà nước, nhưng đối với đa số các nhà nước thì vũ lực tốn kém và khó sử dụng hơn xưa.
Cuối cùng, có một số vấn đề hoàn toàn không thích hợp dùng các giải pháp bằng vũ lực. Đơn cử như quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Nhật Bản. Năm 1853, Chuẩn tướng hải quân Matthew Perry đi thuyền vào cảng Shimoda của Nhật Bản và đe dọa oanh tạc nếu Nhật Bản không mở cảng để giao thương. Đây không phải là một giải pháp có ích hay chấp nhận được về mặt chính trị cho các tranh chấp thương mại Mỹ - Nhật hiện nay. Ngày nay, Trung Quốc đã trở thành nước thải khí nhà kính hàng đầu và mỗi tuần lại đưa vào vận hành một nhà máy đốt than mới. Nhưng tư tưởng dùng bom hay tên lửa hành trình để phá hủy những nhà máy như thế thiếu sự tin cậy, mặc dù sản lượng của các nhà máy này có thể gây hại đến các nước khác. Ngày nay, phạm vi và quy mô của toàn cầu hóa kinh tế và sự phụ thuộc lẫn nhau phức tạp rất khác so với thế kỷ XIX.
Mặc dù vũ lực vẫn là một công cụ trọng yếu trong chính trị quốc tế nhưng nó không phải là công cụ duy nhất. Sử dụng sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế, truyền thông, các tổ chức quốc tế, và các chủ thể xuyên quốc gia đôi khi đóng một vai trò lớn hơn vũ lực. Quân lực không lỗi thời trong vai trò một công cụ của nhà nước - đơn cử như cuộc chiến ở Afghanistan, nơi mà Mỹ đã phế bỏ chính phủ Taliban chứa chấp mạng lưới khủng bố thực hiện các cuộc tấn công vào tháng 9 năm 2001 vào nước Mỹ, hay việc Mỹ và Anh sử dụng vũ lực để lật đổ Saddam Hussein vào năm 2003. Nhưng trong cả hai trường hợp, giành được thắng lợi trong cuộc chiến ban đầu chống lại một chính phủ thì dễ hơn giành được hòa bình từ tay các phiến quân phi nhà nước. Hơn nữa, chỉ quân lực thôi thì không đủ để phòng chống khủng bố. Trước 11/9, một chi bộ chủ chốt của Al Qaeda tồn tại ở Hamburg, nhưng thả bom vào Hamburg không phải là một phương án. Mặc dù quân lực vẫn là một công cụ quan trọng trong chính trị thế giới, nhưng các thay đổi về công hiệu và chi phí của nó khiến việc tính toán quyền lực quân sự ngày nay trở nên phức tạp hơn so với trước đây.
HÌNH THÁI THAY ĐỔI CỦA CHIẾN TRANH
Chiến tranh và vũ lực có thể sa cơ, nhưng không thất thế. Ngược lại, việc sử dụng vũ lực đang có nhiều hình thái mới. Một số nhà lý luận quân sự đã viết về “chiến tranh thế hệ thứ tư”, thứ chiến tranh đôi khi không có “chiến trường hay mặt trận rõ ràng” và trong đó sự khu biệt giữa dân thường và quân đội có thể biến mất17. Theo quan điểm này, thế hệ thứ nhất của chiến tranh hiện đại phản ánh các chiến thuật hàng và cột theo sau Cách mạng Pháp. Thế hệ thứ hai dựa vào hỏa lực tập trung và đạt cao trào ở Thế Chiến I; khẩu hiệu của nó là pháo binh chế ngự và bộ binh chiếm cứ. Thế hệ thứ ba của thao diễn quân sự phát sinh từ các chiến thuật mà quân đội Đức đã phát triển để phá thế bế tắc của chiến tranh mương hào vào năm 1918, và sau đó, họ đã hoàn thiện các chiến thuật này bằng những chiến thuật chiến tranh chớp nhoáng cho phép họ đánh bại lực lượng xe tăng đông hơn của quân đội Pháp và Anh trong cuộc thôn tính Pháp năm 1940. Cả ý tưởng lẫn công nghệ đã thúc đẩy những thay đổi này. Thế hệ thứ tư ngày nay cũng vậy, tập trung vào xã hội của kẻ địch và ý chí chiến đấu chính trị của chúng. Như một nhà lý luận đã nói, “Mỗi thế hệ tiếp theo đi sâu hơn vào lãnh thổ địch nhằm đánh bại chúng”18. Mặc dù chia chiến tranh hiện đại thành bốn thế hệ có hơi tùy tiện và cường điệu, nhưng xu hướng quan trọng cần lưu ý là sự lu mờ giữa tiền phương quân sự và hậu phương nhân dân.
Nhìn xa hơn nữa, nhà lý luận người Israel là Martin van Creveld lập luận rằng đặc trưng nổi bật của chiến tranh từ năm 1000 đến năm 1945 là nó luôn được củng cố. Trong thời trung cổ, hầu như không lãnh chúa nào có thể huy động hơn vài nghìn quân. Trước thế kỷ XVIII, các con số này đã tăng lên một, hai trăm nghìn. Trong các cuộc chiến tranh thế giới của thế kỷ XX, bảy nhà nước đã tuyển lựa hơn một trăm triệu quân và tham chiến khắp thế giới. “Phát động chiến tranh tổng lực với nhau, các nhà nước này đã đảm nhận nhiều chiến dịch lớn và khốc liệt đến nỗi cuối cùng, bốn mươi đến sáu mươi triệu người chết, và phần lớn một châu lục nằm trên đống tro tàn. Sau đó, vào ngày 6 tháng 8 năm 1945, quả bom nguyên tử đầu tiên rơi xuống từ bầu trời trong xanh, vĩnh viễn thay đổi mọi thứ”19.
Mặc dù còn nhiều nguyên nhân khác ngoài vũ khí hạt nhân20, và có một thời gian người ta chưa hiểu đầy đủ về các hệ quả này, chiến tranh tổng lực chẳng bao lâu đã nhường đường cho chiến tranh hạn chế như Chiến tranh Triều Tiên. Harry Truman, trước đó từng dùng vũ khí hạt nhân để kết thúc Thế Chiến II, đã quyết định không làm vậy ở Triều Tiên, và mặc dù Dwight Eisenhower đã bóng gió về triển vọng sử dụng hạt nhân, ông cũng tỏ ra rất ngại làm vậy. Thời đại chiến tranh tổng lực dường như đã kết thúc21. Đáng chú ý không kém, ngay cả các cuộc chiến giới hạn liên nhà nước “cũng trở nên ngày càng hiếm”. Van Creveld tính được chỉ có hai mươi cuộc chiến như vậy trong giai đoạn năm mươi năm sau 1945.
Tuy nhiên, xung đột vũ trang không biến mất. Chiến tranh liên nhà nước đã trở nên ít phổ biến hơn chiến tranh nội nhà nước và chiến tranh xuyên quốc gia có liên quan đến các chủ thể phi nhà nước. Trong số hai trăm hai mươi sáu cuộc xung đột vũ trang lớn từ năm 1945 đến 2002, chưa đến một nửa là chiến tranh giữa nhà nước và nhóm vũ trang vào những năm 1950, nhưng trước những năm 1990 đó là hình thức xung đột vũ trang phổ biến nhất22. Các nhóm này có thể chia ra thành phiến quân, khủng bố, dân quân và tổ chức tội phạm, mặc dù các phân nhóm này có thể chồng chéo lên nhau và ranh giới giữa chúng có thể lu mờ theo thời gian23. Ví dụ, quân du kích thuộc lực lượng vũ trang cách mạng Colombia đã liên minh với các các-ten về thuốc ảo giác trong nước, và ở Afghanistan một số nhóm Taliban có quan hệ chặt chẽ với những kẻ khủng bố Al Qaeda xuyên quốc gia, trong khi các nhóm khác thì theo định hướng mang tính địa phương hơn. Một số nhóm được các nhà nước ủng hộ, nhưng nhiều nhóm lại không.
Các nhóm như thế này xem xung đột là một thể liên tục các chiến dịch không chính quy mang tính chính trị và bạo lực trong suốt một giai đoạn dài và nó sẽ cung cấp quyền kiểm soát cưỡng ép đối với các quần chúng địa phương. Chúng hưởng lợi từ việc rất nhiều nhà nước yếu thiếu tính chính đáng hay năng lực kiểm soát lãnh thổ của mình hiệu quả. Kết quả là thứ mà Đại tướng Sir Rupert Smith, cựu chỉ huy người Anh ở Bắc Ireland và bán đảo Balkans, gọi là “chiến tranh giữa quần chúng”24. Hiếm khi những xung đột như thế do quân đội truyền thống định đoạt trên chiến trường truyền thống. Chúng trở thành những cuộc chiến tranh lai - “một hỗn hợp hợp nhất các vũ khí truyền thống, chiến thuật không chính quy, khủng bố, và hành vi tội phạm trong không gian chiến đấu”25. Ví dụ, trong một trận chiến ba mươi tư ngày với Israel ở Lebanon năm 2006, nhóm chính trị vũ trang Hezbollah sử dụng các chi bộ tinh nhuệ kết hợp tuyên truyền chính trị, các chiến thuật quân sự thông thường, và các tên lửa phóng từ những khu dày đặc dân thường để đạt được điều mà nhiều người trong khu vực xem là một thắng lợi chính trị. Ở Gaza, hai năm sau, Hamas và Israel chiến đấu trên không và trên bộ trong một khu vực dày đặc dân cư. Trong chiến tranh lai, các lực lượng không chính quy và lực lượng truyền thống, lính tham chiến và dân thường, tàn phá vật chất và chiến tranh thông tin hoàn toàn quyện vào nhau. Ngoài ra, với máy ảnh trong mỗi điện thoại di động và phần mềm Photoshop trên mỗi máy tính, cuộc tranh tài về thông tin có mặt ở khắp nơi26.
Một số nhà lý luận gọi hình thái mới này của chiến tranh là “chiến tranh không đối xứng”, nhưng cách mô tả về bản chất đó không có ích như bề ngoài ban đầu. Chiến tranh xưa nay vẫn luôn là không đối xứng27. Lãnh đạo và chỉ huy luôn luôn tìm cách khám phá điểm yếu của phe đối lập và tối đa hóa lợi thế riêng để theo đuổi thắng lợi. Sau sự sụp đổ của Liên Xô, Mỹ nắm giữ một lợi thế cực kỳ to lớn trong chiến tranh truyền thống như nước này đã chứng tỏ trong chiến dịch Bão Sa Mạc đánh bại Iraq năm 1991 với cái giá là một trăm bốn mươi tám lính Mỹ thiệt mạng. Tương tự, trong cuộc chiến Kosovo năm 1999 với Serbia, ưu thế không quân của Mỹ cuối cùng dẫn đến thắng lợi mà không lính Mỹ nào thương vong. Đối mặt với tình trạng bất đối xứng theo hướng có lợi cho Mỹ như thế này, các phe đối lập không đầu hàng; thay vào đó, họ chuyển sang các chiến thuật phi truyền thống để chống lại lợi thế Mỹ. Các nhà chiến lược Trung Quốc, nhận thấy đối mặt theo cách truyền thống với Mỹ là ngu xuẩn, đã phát triển một chiến lược “chiến tranh không giới hạn” kết hợp các công cụ điện tử, ngoại giao, ủy nhiệm khủng bố, kinh tế và tuyên truyền chính trị để lừa lọc cũng như làm kiệt quệ các hệ thống của Mỹ. Như một quan chức quân sự của Trung Quốc đã nói, “Quy tắc đầu tiên của chiến tranh không giới hạn là không có quy tắc gì cả”28. Theo đuổi các chiến thuật phi truyền thống để chống lại sự bất đối xứng không phải điều mới mẻ gì; hai nghìn năm trước, Tôn Tử từng sử dụng các chiến thuật này. Và dĩ nhiên, Tôn Tử nổi tiếng vì đã chỉ ra rằng không đánh mà thắng mới là thượng sách.
Các chính phủ không phải là những chiến binh duy nhất hiểu sự uyên thâm lâu đời này. Bọn khủng bố từ lâu đã hiểu rằng chúng không thể hy vọng đối đầu trực tiếp với một chính phủ lớn. Thay vì vậy, như đã đề cập trong chương 1, chúng đi theo tri thức sâu sắc của nhu thuật nhằm nâng bẩy sức mạnh của một chính phủ quyền lực để chống lại chính nó. Hành động của khủng bố được toan tính để gây thịnh nộ và khiêu khích phản ứng thái quá của kẻ mạnh. Chẳng hạn, chiến lược của Osama bin Laden là khiêu khích Mỹ phản ứng theo hướng phá hoại uy tín của Mỹ, làm yếu đồng minh của Mỹ khắp thế giới Hồi giáo, và cuối cùng dẫn đến kiệt quệ. Mỹ rơi vào cái bẫy này khi xâm lược Iraq với kết quả là không thể tiếp nối thành công ban đầu của mình ở Afghanistan. Al Qaeda đi theo chiến thuật “tổng kích động” thay vì “tổng tư lệnh”29. Điều đó cho phép tổ chức này cực kỳ linh hoạt khi các nhóm địa phương tự tuyển quân vào mạng lưới của Al Qaeda.
Mỹ đã chậm chạp trong việc thích nghi với những thay đổi này. Với sự sụp đổ của Liên Xô, Mỹ trở thành cường quốc quân sự duy nhất có nhiều năng lực toàn cầu và một ngân sách quân sự bằng tổng ngân sách các nước khác gộp lại, và Mỹ nằm ở vị trí đầu tàu của một nền kinh tế thông tin đang sinh ra một “cuộc cách mạng về quân sự”. Trong những năm 1990, chiến lược quân sự của Mỹ tập trung vào khả năng chiến đấu và giành thắng lợi cùng lúc hai cuộc chiến truyền thống (chẳng hạn với Bắc Triều Tiên và Iraq) và phát triển các công nghệ duy trì “nhận thức về không gian chiến đấu ưu thế” đã được chứng tỏ trong Bão Sa Mạc. Những trường hợp sử dụng quân lực khác không được xem là tác chiến trong chiến tranh mà là các trường hợp ít khi được kể đến, “các chiến dịch quân sự ngoài chiến tranh”. Khi Donald Rumsfeld trở thành Bộ trưởng Quốc phòng vào năm 2001, ông theo đuổi một chuyển đổi quân sự dựa vào các công nghệ mới. Kết hợp giữa không lực kỹ thuật cao và các lực lượng đặc nhiệm giới hạn liên minh với quân Afghanistan trên mặt đất, chiến thuật này ban đầu có hiệu quả ở Afghanistan, và thành công chớp nhoáng của cuộc xâm chiếm Iraq vào tháng 3 năm 2003, chỉ với ba mươi ba lính thương vong, cho thấy cả sức mạnh và điểm yếu của cách tiếp cận này30. Người Mỹ không nhầm khi đầu tư vào cuộc cách mạng về quân sự; họ sai vì nghĩ chỉ bấy nhiêu là đã đủ.
Công nghệ từ lâu luôn có những tác động quan trọng đối với quyền lực quân sự, và “cách mạng về quân sự” không phải là mới. Thật ra, xác định cách mạng kiểu này thì có phần tùy tiện, và ta có thể lập ra nhiều danh sách khác nhau về những thay đổi chính trong công nghệ31. Max Boot xác định được bốn thay đổi: Cách mạng thuốc súng ở châu Âu cận đại, Cách mạng Công nghiệp vào thế kỷ XIX, Cách mạng Công nghiệp lần thứ hai vào đầu thế kỷ XX, và Cách mạng Thông tin vào thời nay. Ông nói thêm rằng “lịch sử không thiếu những ví dụ về các siêu cường không tận dụng công nghệ... Người Mông Cổ bỏ lỡ Cách mạng Thuốc súng; người Trung Quốc, người Turk và Ấn Độ bỏ lỡ Cách mạng Công nghiệp, người Pháp và người Anh bỏ lỡ nhiều phần chính của Cách mạng Công nghiệp lần thứ hai, người Liên Xô bỏ lỡ Cách mạng Thông tin”32. Cái giá phải trả đã rõ ràng. Thứ ít thấy hơn là cái giá của việc đặt quá nhiều niềm tin vào công nghệ.
Thứ nhất, công nghệ là con dao hai lưỡi. Sớm muộn nó cũng sẽ lan truyền và nằm trong tầm tay của những đối thủ có thể có các năng lực thô sơ hơn nhưng cũng ít lộ điểm yếu hơn vì ít phụ thuộc vào công nghệ tiên tiến. Các nhà lý luận quân sự Mỹ trước đây thường lập luận rằng cho dù người khác cuối cùng cũng mua được một công nghệ cao nào đó “được bán đại trà”, thì khi ấy Mỹ cũng đang tiến vào thế hệ tiếp theo và tích hợp công nghệ vào một hệ thống của các hệ thống. Nhưng đó chỉ là vòng một trong ván cờ. Các lợi thế của Mỹ trong công nghệ rô-bốt và máy bay không người lái rồi cũng sẽ vào tay các đối thủ trong những vòng sau. Ví dụ, năm 2009 quân đội Mỹ phát hiện thấy các phiến quân đang xâm nhập vào kênh dữ liệu phát đi từ máy bay không người lái Predator bằng phần mềm có giá chưa đến 30 USD33. Trong khi đó, ngày càng phụ thuộc vào các hệ thống vệ tinh phức tạp và các hệ thống điều khiển bằng mạng máy tính khiến Mỹ dễ lộ điểm yếu hơn một số đối thủ của mình34.
Thứ hai, quá tin tưởng và chú trọng vào các lợi thế công nghệ có thể khiến ta không chú ý đến biện pháp bất đối xứng mà đối thủ có thể sử dụng. Chiến dịch “shock and awe” (gây sốc và kinh hoàng) của Mỹ dựa vào bom thông minh để nhắm mục tiêu chính xác trong các giai đoạn đầu của Chiến tranh Iraq, nhưng việc phiến quân dùng bom ô tô lẫn các thiết bị nổ tự chế đã cung cấp cho họ những quả bom thông minh rẻ và công hiệu riêng trong giai đoạn phiến loạn của cuộc chiến này. Và quá chú trọng vào công nghệ cao có thể dẫn đến việc thiếu đầu tư vào đào tạo, quân cảnh, phiên dịch, và những khía cạnh khác mà bộ binh cần để đối phó với phiến loạn.
Trước năm 2006, quân đội Mỹ vẫn còn ôn lại những bài học chống phiến loạn mà đã cố tình bị lãng quên sau các cuộc chiến tranh trước đó, rồi những bài học này bị lu mờ bởi sự chú trọng vào chiến tranh công nghệ cao, và cuối cùng được giao phó chủ yếu cho ngành đặc nhiệm35. Sổ tay Chiến trường chống phiến loạn của quân đội Mỹ/Lính thủy đánh bộ Mỹ do Đại tướng David Petraeus giám sát đã đúc kết các bài học từ kinh nghiệm ở Anh, Pháp và một số nước để chọn công tác bảo vệ thường dân, hơn là tiêu diệt kẻ địch, làm ưu tiên hàng đầu. Chiến trận thật sự đã trở thành chiến trận giành sự ủng hộ của dân thường để khước từ “con cá” phiến loạn khỏi “biển cả” dân thường mà nó ẩn nấp. Chống phiến loạn, thường gọi là “COIN” (counterinsurgency), không chú trọng vào các chiến dịch tấn công mà nhấn mạnh việc giành được con tim và khối óc của quần chúng nhân dân.
Quyền lực mềm đã được tích hợp vào chiến lược quân sự. Quyền lực cứng đã được sử dụng để dẹp một vùng phiến quân và duy trì nó, còn quyền lực mềm thể hiện qua việc làm đường, xây bệnh xá, và trường học thì bổ sung vào sau. Như Sarah Sewall đã nói trong phần dẫn nhập của sổ tay mới này, “Đây là một sự thoát ly hoàn toàn khỏi học thuyết Weinberger- Powell vốn nhấn mạnh việc sử dụng vũ lực tấn công một cách áp đảo và dứt khoát... Đôi khi càng dùng nhiều vũ lực, càng kém hiệu quả”. Thay vì tính toán mức độ quân lính cần thiết từ số quân địch, sổ tay COIN chú trọng vào dân cư và khuyến nghị ít nhất hai mươi quân chống phiến loạn cho mỗi một nghìn cư dân36. Như tổng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ khi ấy đã mô tả chiến dịch giành Marja ở Afghanistan, “Chúng tôi không chuẩn bị cho chiến trường bằng rải bom trải thảm hay phóng tên lửa. Chúng tôi chỉ bước vào, đúng giờ. Bởi vì, thẳng thắn mà nói, chiến trường không hẳn chỉ là cái sân nữa. Chiến trường còn nằm trong tư tưởng của con người”37. Và xu hướng này không chỉ xuất hiện ở Mỹ. Tổng thống Cộng hòa Ingushetia thuộc Nga nói rằng “chống khủng bố chủ yếu là vấn đề sử dụng quyền lực mềm. Hình phạt nghiêm khắc nhất chỉ nên chiếm 1%. 99% nên là thuyết phục, thuyết phục, thuyết phục”38.
Đồng thời, chống phiến loạn không phải là một giải pháp cho tất cả các vấn đề quân sự. Dù nỗ lực đến mấy, thường dân thương vong là tất yếu. Ở Afghanistan, “hiện tượng trầm kha sử dụng lực lượng hộ vệ chết người và bắn người ở các chốt kiểm tra đã dẫn đến bức xúc ngày càng lớn... một sự xung đột đã khiến làng mạc trở mặt và cương quyết chống lại hành động chiếm cứ”39. Thêm vào đó, các nhà thầu tư nhân đóng vai trò quan trọng trong các chiến dịch hiện đại, và hành động của họ thường khó kiểm soát40. Hơn nữa, các con số và thời gian cần thiết để chống phiến loạn có thể sẽ quá tốn kém về mặt chính trị lẫn ngân sách nên không khả thi trong nhiều tình huống. Ví dụ, số lượng và thời gian công tác của các lực lượng bảo an (ngụ ý từ tỷ lệ ở trên) có thể không bền vững theo công luận phương Tây, và điều đó khiến những người hoài nghi đặt câu hỏi về tính hiệu quả của cái mà họ gọi là “COIN-lite”41. Như một lính Taliban, Afghanistan được cho là đã nói, “Các ông có đồng hồ, còn chúng tôi có thời gian”.
Văn hóa bảo thủ, ngờ vực, thường dân thương vong, và các tiêu cực địa phương khiến việc giành được con tim và khối óc cấu thành khía cạnh quyền lực mềm của một chiến lược COIN là rất khó. Một báo cáo của tổ chức RAND* kết luận rằng “điểm yếu lớn nhất trong cuộc đấu tranh với phiến loạn của Hồi giáo không phải là hỏa lực của Mỹ mà là sự thiếu kỹ năng và thiếu chính đáng của chính những chính thể lẽ ra là phương án thay thế cho chính thể chuyên chế tôn giáo”. Hơn nữa, thành tích quá khứ của các chiến dịch chống phiến loạn có cả tốt lẫn xấu. Dù chỉ sơ sài và không chính xác, nhưng một ước tính cho rằng “khả năng thành công của các chiến dịch này, theo kinh nghiệm, là 50%”42. Một nghiên cứu RAND khác cho thấy tỷ lệ thành công là 8/30 trường hợp được giải quyết từ năm 1979, hoặc gần 25%43. Như một nhà phê bình quân sự đã nói, sổ tay mới về chống phiến loạn này “được viết thuyết phục, trình bày sáng sủa các mục đích của sổ tay đến nỗi nó khiến điều bất khả thi tưởng như khả thi”44. Và một trong những người ủng hộ nó kết luận rằng “chống phiến loạn nhìn chung là một trò chơi ta tránh được thì tránh... Ta nên tránh những can thiệp như thế này nếu được, đơn giản là vì cái giá quá cao còn ích lợi thì quá đáng ngờ”45.
* RAND Coporation: Một tổ chức nổi tiếng, có ảnh hưởng lớn nhất trong nhóm tinh hoa của những tổ chức nghiên cứu khoa học được coi là “trung ương thần kinh” của Mỹ. RAND chính là hình mẫu cơ bản cho hàng chục tổ chức chuyên nghiên cứu chính trị hiện đại và xây dựng những công nghệ chính trị mới.
Và, lẽ dĩ nhiên, phiến loạn không phải là đe dọa quân sự duy nhất mà các nhà hoạch định cần xem xét. Xung đột liên nhà nước chưa hoàn toàn biến mất, và các phiên bản lai tạo của chiến tranh vẫn là một mối quan ngại. Như Thứ trưởng Bộ Quốc phòng về chính sách đã tuyên bố về hoạch định chiến lược, “Tôi nghĩ lai tạo sẽ là tố chất quyết định. Các phạm trù truyền thống, rành mạch thật sự không còn hợp với hiện thực”46. Năm 2010, Báo cáo Đánh giá quốc phòng bốn năm một lần của Lầu Năm Góc nhấn mạnh tầm quan trọng của hải tặc, hiện tượng gia tăng vũ khí hạt nhân, tội phạm quốc tế, khủng bố xuyên quốc gia, và thảm họa tự nhiên cũng như chiến tranh liên nhà nước là các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia47. Và các nhà hoạch định của quân đội Mỹ đang chuẩn bị học thuyết gìn giữ hòa bình mới của mình đều đánh giá thấp tầm quan trọng của niềm tin vào công nghệ, hoạch định tuyến tính cũng như trung ương hóa. Thay vào đó, họ nhấn mạnh các giả định về tính bất định, phân quyền về địa phương, và một dải phổ các xung đột. Nói như Tướng H. R. McMaster, học thuyết mới này dứt khoát bác bỏ “niềm tin cho rằng các năng lực công nghệ về cơ bản đã xua tan đám sương mù chiến tranh... và sự phát triển của những năng lực công nghệ này sẽ thay thế các yếu tố truyền thống về sức mạnh tác chiến, sức mạnh chiến đấu*, nhất là trên bộ”48. Điều đó khiến nhiệm vụ quyết định phương thức đào tạo lực lượng và đầu tư tài nguyên hữu hạn vào ngân sách quân sự trở nên phức tạp hơn bao giờ hết49.
* Sức mạnh tác chiến (combat power) chỉ khả năng chiến đấu về mặt các tài nguyên hữu hình như binh lính, vũ khí, trang thiết bị... trong khi sức mạnh chiến đấu (fighting power) chỉ các yếu tố sức mạnh về mặt tinh thần trong chiến đấu như sĩ khí, kỷ luật quân đội, lòng can đảm, độ bền bỉ...
CÁCH THỨC SINH RA KẾT QUẢ HÀNH VI CỦA TÀI NGUYÊN QUÂN SỰ
Các nhà phân tích và hoạch định quân sự luôn luôn đo đạc và so sánh tài nguyên lẫn năng lực của lực lượng đối lập. Chẳng hạn, dân số một nước là tài nguyên cơ bản có thể được định hình thành một công cụ cụ thể như bộ binh, và bộ binh có thể được chia nhỏ thành các nhóm tác chiến chuyên biệt. Nhìn chung, các nhà phân tích xem xét những tài nguyên quân sự như ngân sách, nhân lực, các tổ chức và cơ sở hạ tầng quân sự, các ngành công nghiệp quốc phòng, và các kho quân sự. Sau đó, họ xem xét những yếu tố ảnh hưởng đến khả năng chuyển đổi như chiến lược, học thuyết, cách đào tạo, tổ chức, và năng lực chiến đấu sáng tạo. Cuối cùng, họ đánh giá mức hiệu quả tác chiến của các lực lượng trên bộ, trên biển, trên không và trong không gian theo nhiều khía cạnh chi tiết. Nhưng ngay cả những nhà hoạch định tin “thước đo tối hậu về quyền lực quốc gia là năng lực quân sự” cũng thừa nhận rằng phương pháp luận dựa trên năng lực không thể dự đoán được kết quả chiến trận50. Như đã thấy ở phần trước, ta vẫn phải nêu rõ điều gì cho phép tài nguyên quân sự sinh ra các kết quả hành vi mong muốn. Như nhà phân tích quân sự Stephen Biddle kết luận, “Không có một khái niệm đơn lẻ, tổng quát nào về ‘năng lực quân sự’ có thể áp dụng cho tất cả các xung đột ở tất cả mọi nơi và mọi thời điểm”51. Sử dụng vũ lực là việc trọng yếu. Chiến lược, kỹ năng kết hợp tài nguyên để đạt mục tiêu, là chìa khóa dẫn đến quyền lực quân sự thông minh.
Ở một cấp độ cơ bản hơn, ta phải nhìn nhận rằng tài nguyên quân sự liên quan trực tiếp đến cả ba khía cạnh hay ba bộ mặt của quyền lực quan hệ đã bàn luận ở chương 1. Về bộ mặt thứ nhất của quyền lực, vũ lực có thể đe dọa hay cưỡng ép người khác thay đổi sở thích và chiến lược ban đầu của họ. Tài nguyên quân sự cũng ảnh hưởng đến việc định khung nghị trình trong bộ mặt thứ hai của quyền lực. Khi một nước nhỏ biết mình không thể đánh bại một nước mạnh hơn, thì tấn công ít có khả năng nằm trong nghị trình của nước này52. Mexico có thể muốn phục hồi những lãnh thổ mà Mỹ đã chiếm vào thế kỷ XIX, nhưng chuyện thôn tính lại bằng quân sự thì không nằm trong nghị trình của thế kỷ XXI. Tinh tế hơn, thành công trong chiến tranh có thể sinh ra những tổ chức sẽ thiết lập nghị trình cho các giai đoạn sau - đơn cử các tổ chức tạo ra sau Thế Chiến I và II. Sự thống trị của quyền lực quân sự Mỹ sau Thế Chiến II đã cung cấp sự ổn định cho phép châu Âu và Nhật Bản chú trọng vào các nghị trình kinh tế nhấn mạnh những lợi ích tuyệt đối, thay vì tương đối và từ đó đẩy mạnh sự phát triển của tính phụ thuộc kinh tế lẫn nhau và toàn cầu hóa.
Vũ lực cũng có thể ảnh hưởng đến việc định hình sở thích trong bộ mặt thứ ba của quyền lực. Như ta đã thấy ở phần trước, những kẻ độc tài như Hitler và Stalin cố gắng phát triển cảm giác bất bại thông qua sức mạnh quân sự. Sự thành công luôn thu hút, và tiếng tăm sử dụng vũ lực thuần thục góp phần trong đó. Sau khi Mỹ sử dụng vũ lực một cách thuần thục và chính đáng trong Chiến tranh vùng Vịnh 1991, vị thế của Mỹ gia tăng ở Trung Đông. Điều này cho thấy có hơn một cách thức tài nguyên quân sự có thể sinh ra kết quả mong muốn. Cái mà quân đội gọi là sử dụng vũ lực “năng động”* không phải là đồng tiền duy nhất đo lường quyền lực quân sự.
* Nguyên văn là Kinetic: Mỹ từ của chính phủ Mỹ chỉ hành động quân sự khốc liệt. Các hành động hòa bình có tham gia của quân đội như cứu trợ là phi năng động (non-kinetic).
Tài nguyên quân sự có thể thực hiện bốn loại hành động là các hình thức hay các đơn vị đo lường quyền lực quân sự. Tài nguyên quân sự có thể được dùng để (1) chiến đấu và tiêu diệt; (2) đẩy lùi đe dọa trong ngoại giao cưỡng ép; (3) cam kết bảo vệ, gồm cả gìn giữ hòa bình; và (4) cung cấp nhiều hình thức trợ giúp. Khi những hành động này được thực hiện tốt, chúng sinh ra những thay đổi mong muốn về hành vi ở các đối tượng mục tiêu. Nhưng chúng có tác dụng trong việc sinh ra những kết quả mong muốn hay không còn tùy thuộc vào tố chất và kỹ năng đặc biệt được sử dụng trong các chiến lược chuyển đổi. Các chiến lược thành công phải xét đến bối cảnh của các đối tượng của quyền lực, điều kiện hay môi trường của hành động, và liệu có khả năng những mục tiêu sẽ phản hồi qua việc chấp nhận hay kháng cự không. Như Biddle đã kết luận về quyền lực quân sự, “Năng lực không phải chủ yếu thể hiện ở vấn đề vật liệu. Nó chủ yếu là một sản phẩm của cách mà nhà nước sử dụng tài nguyên vật liệu... Các nhiệm vụ quân sự khác nhau thì cực kỳ không giống nhau, khả năng làm giỏi một việc (hoặc nhiều việc) không hàm ý khả năng thuần thục các việc khác”54.
Bốn hành động chính yếu cấu thành các hình thức của quyền lực quân sự được mô tả ở Bảng 2.1.
Bảng 2.1. Các khía cạnh của quyền lực quân sự
Chiến đấu
Thành công trong hình thức đầu tiên, chiến đấu, tùy thuộc vào một chiến lược đòi hỏi sự thuần thục lẫn sự chính đáng. Thuần thục về khả năng chiến đấu thì hiển nhiên, nhưng nó đòi hỏi phải chỉ rõ “chiến đấu cái gì”? Nó có liên quan đến các trật tự chiến đấu được đo lường về mặt nhân lực, vũ khí, công nghệ, tính tổ chức, và ngân sách, cũng như đào tạo lẫn chiến thuật sử dụng trong đánh trận giả và sĩ khí của quân lính lẫn mặt trận quê nhà. Thuần thục về khả năng chiến đấu có một khía cạnh tổng quát đòi hỏi một cơ sở kiến thức chiến lược, sự hiểu biết sâu sắc về mục tiêu chính trị, và một cơ sở học thuyết mô tả nhiều loại xung đột tiềm tàng đa dạng. Tầm nhìn quá thiển cận khi áp dụng hoạch định vũ lực có thể làm giảm tính hiệu quả của vũ lực trong vai trò một công cụ quyền lực.
Chúa không chỉ đứng về phía của những tiểu đoàn lớn. Sự thuần thục trong khả năng chiến đấu có thể rất quan trọng đối với các nhà nước nhỏ ngay cả khi các nhà nước này không có triển vọng giành được thắng lợi trong một cuộc chiến kéo dài. Ví dụ, Thụy Sĩ trước đây sử dụng đặc điểm địa lý của mình cộng với chế độ cưỡng bách tòng quân nhằm khiến nước này không dễ để các nước láng giềng lớn hơn nuốt chửng, và Singapore, một thành bang dễ bị tấn công với bốn triệu dân, luôn đầu tư vào các năng lực quân sự ấn tượng để thuyết phục những kẻ thù tiềm tàng rằng nước này sẽ khó nhằn như “con tôm độc”.
Tính chính đáng là phần ít hiển nhiên hơn của một chiến lược chiến đấu bởi vì nó vô hình và luôn biến đổi. Theo ý nghĩa xã hội học, thì tính chính đáng chỉ một niềm tin rộng rãi cho rằng một chủ thể hay một hành động là đúng đắn. “Khái niệm tính chính đáng cho phép nhiều chủ thể khác nhau điều phối sự ủng hộ của mình... bằng cách đánh vào năng lực chung của họ là dễ bị các lý do luân lý lay động, khác với các lý do thuần chiến lược hoặc tư lợi”55. Mỗi niềm tin về tính chính đáng đều khác nhau và ít khi mang tính toàn cầu, nhưng tính chính đáng qua cảm nhận của việc sử dụng vũ lực trong mắt các bên thứ ba và đối tượng mục tiêu thì liên quan trực tiếp tới cách đối tượng đó phản hồi (đầu hàng nhanh hay chiến đấu lâu dài) và cái giá phát sinh từ việc sử dụng vũ lực. Tính chính đáng còn tùy thuộc một phần vào các quy chuẩn truyền thống về “chiến tranh công lý”, chẳng hạn như một mục đích chính nghĩa qua cảm nhận, cũng như óc phán đoán về nguyên tắc tương xứng và nguyên tắc phân định* trong cách vũ lực được sử dụng.
* Hai nguyên tắc trong luật chiến tranh quốc tế. Nguyên tắc tương xứng (proportion) yêu cầu bất kỳ hành động quân sự nào cũng phải tương xứng với mục tiêu quân sự chính đáng. Nguyên tắc phân định (discrimination) nghiêm cấm tấn công vào dân thường và các mục tiêu phi quân sự.
Các cảm nhận về tính chính đáng cũng chịu ảnh hưởng của những thay đổi thất thường trong việc điều khiển chính trị trong Liên hợp quốc, các kiến giải đối lập nhau của các tổ chức phi chính phủ (NGO) về luật nhân đạo, và những bài tường thuật của giới truyền thông, giới viết blog, và điện thoại di động. Chiến tranh Iraq năm 2003 đã minh chứng cho sự thuần thục của quân Mỹ trong cuộc xâm lược và đánh chiếm Baghdad, nhưng lại thiếu tính chính đáng qua cảm nhận vì thiếu một nghị quyết thứ hai của Liên hợp quốc. Hơn nữa, việc không chuẩn bị đủ lực lượng để đập tan nạn cướp bóc, bạo lực bè phái, cũng như phiến loạn xảy ra sau đó cuối cùng đã làm suy giảm cảm nhận về sự thuần thục. Một vài bài học trong số này đã được mang sang Afghanistan. Theo lời của Đại tướng Stanley McChrystal, cựu tư lệnh các lực lượng đồng minh ở đó, “Chuyện quan trọng nhất là thuyết phục người dân Afghanistan. Đây hoàn toàn là cuộc chiến về nhận thức. Đây không phải là cuộc chiến đọ sức về mặt anh giết bao nhiêu người, đánh chiếm được bao nhiêu thực địa hay cho nổ sập bao nhiêu cây cầu. Tất cả những thứ này đều nằm trong tư tưởng của các bên tham chiến”56.
Các quân nhân dày dạn từ lâu đã hiểu rằng không thể thắng trận chỉ bằng các hiệu ứng động năng. Theo lời của Tướng Petraeus, “Ở Iraq, chúng tôi đã thực sự tái khẳng định và nhìn nhận rằng ta không thể giết hay bắt giữ để thoát khỏi một cuộc phiến loạn có sức mạnh công nghiệp”57. Hay như McChrystal đã lưu ý, khi ta buộc phải sử dụng thủ đoạn, “kết cục là ta sẽ phải trả giá cho nó. Nhà tù Abu Ghraib và các tình huống tương tự sẽ không tự biến mất. Quân địch tiếp tục dùng chúng như gậy để đánh ta”58. Ở Afghanistan, nhóm Taliban đã “khởi động một cuộc chiến thông tin tinh vi, sử dụng các công cụ truyền thông hiện tại cũng như lỗi thời, để làm dịu đi hình tượng của mình và giành được ủng hộ của dân Afghanistan địa phương trong khi chúng cố gắng chống lại chiến dịch mới ‘giành được con tim và khối óc của người dân Afghanistan’ của lính Mỹ”59. Như chuyên gia COIN người Úc là David Kilcullen lưu ý, “Điều này hàm ý rằng tiếng tăm toàn cầu của Mỹ, uy quyền về đạo lý, trọng lượng ngoại giao, khả năng thuyết phục, sức hút văn hóa, và uy tín chiến lược - ‘quyền lực mềm’ của nước này - không phải một phần phụ trợ tùy ý của sức mạnh quân sự. Thay vì vậy, đây là một yếu tố quan trọng cho phép đạt được môi trường hoạt động dễ dãi... và nó cũng là sự thuần thục chính trị trọng yếu trong việc chống phiến loạn đã được toàn cầu hóa”60.
Tương tự, về mặt số lính thiệt mạng và số nhà cửa bị phá hủy, thì Israel thiện chiến hơn Hezbollah ở Lebanon vào năm 2006, nhưng Hezbollah đã tận dụng khéo léo số thường dân thương vong được đưa tin trên truyền hình (thương vong một phần do nhóm này đặt tên lửa gần nhà dân) cũng như khả năng thuyết phục quần chúng và các bên thứ ba rằng Israel là kẻ xâm lược, và điều này đồng nghĩa Hezbollah được quần chúng xem là bên thắng lợi sau khi Israel rút lui61. Năm 2008, Nga hầu như không gặp khó khăn nào trong việc đánh bại Gruzia và tuyên bố nền độc lập của Abkhazia và Nam Ossetia, nhưng Nga đã gặp khó khăn hơn nhiều trong việc giành được sự công nhận của quốc tế đối với các nước được bảo hộ mới này của Nga. Việc Nga phàn nàn rằng nước này chỉ lặp lại những gì NATO đã làm với Kosovo cho thấy Nga không hiểu rằng mặc dù cuộc chiến Kosovo thiếu sự chấp thuận của Liên hợp quốc, nhưng nó được đông đảo mọi người xem là chính đáng.
Tính chính đáng đặc biệt quan trọng trong các chiến lược chống phiến loạn bởi lẽ “cốt lõi của sự thách thức vị trí lãnh đạo quân sự hiện đại là mang tính đạo lý... Một thước đo khách quan quan trọng về tính hiệu quả là số dân thường vô tình bị thương thay vì được bảo vệ”. Thất bại hoàn toàn của quân Pháp ở Algeria vào những năm 1950 là do quân đội sử dụng tra tấn và vũ lực bừa bãi62. Một chuyên gia quân sự người Úc chỉ ra rằng nhiều phiến quân là “các quân du kích bất đắc dĩ” do thế lực can thiệp nước ngoài tuyển mộ để chiến đấu bên cạnh quân nòng cốt nhưng có khả năng tách ra từ quân nòng cốt. Theo quan điểm này, hành xử hợp với các quy ước quốc tế “không phải là một thứ xa xỉ tùy chọn hay dấu hiệu của sự yếu đuối về luân lý. Ngược lại, đây là một yêu cầu chiến lược chủ chốt phải có”63. Như lý thuyết chiến tranh chính nghĩa nhắc nhở ta, tính chính đáng bao gồm nguyên nhân chiến đấu lẫn các quy trình tiến hành chiến đấu.
Ngoại giao cưỡng ép
Hình thức thứ hai của quyền lực quân sự - ngoại giao cưỡng ép - cũng tùy thuộc vào các tài nguyên nền tảng như các tài nguyên sinh ra sự thuần thục trong việc chiến đấu và tiêu diệt năng động, nhưng nó còn tùy thuộc vào mức độ đáng tin cũng như cái giá của lời đe dọa. Một đe dọa sử dụng vũ lực có thể được dùng để đẩy lùi hoặc răn đe, nhưng tính răn đe của đe dọa thì thường đáng tin hơn. Nếu một đe dọa không đáng tin, nó có thể không sinh ra sự chấp thuận và có thể dẫn đến nhiều cái giá cho uy tín của bên nhà nước cưỡng ép. Nhìn chung, đe dọa luôn tốn kém khi thất bại, vì không chỉ khuyến khích đối tượng mục tiêu kháng cự, mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến các bên thứ ba quan sát kết quả.
Triển khai tàu và máy bay là một ví dụ điển hình về ngoại giao cưỡng ép, và các tài nguyên hải quân được lợi từ sự chuyển động linh hoạt trong vùng biển khai thác chung. Trong một nghiên cứu về hai trăm mười lăm trường hợp Mỹ sử dụng “vũ lực mà không có chiến tranh” vào giữa thế kỷ XX, một nửa số đó chỉ dính líu đến chuyển động của các đơn vị hải quân, trong khi các trường hợp còn lại dính líu đến việc báo động hoặc di chuyển của các đơn vị trên bộ và trên không64. Vũ lực không cần phải được đe dọa rõ ràng. Quân lực có thể được dùng để “giương cờ” hoặc “gậy chỉ huy”. Vào đầu thế kỷ XX, Tổng thống Theodore Roosevelt phái “hạm đội trắng vĩ đại” mới đóng của mình du hành khắp thế giới để ra hiệu về sự trỗi dậy của quyền lực Mỹ. Một số nước tổ chức các cuộc diễu hành quân sự công phu vào ngày lễ quốc gia cũng vì mục đích này.
Gần đây hơn, khi Trung Quốc phá hủy một trong số các vệ tinh của nước này trong quỹ đạo thấp, nhiều nhà quan sát xem đây là một lời nhắc nhở cưỡng ép gửi đến Mỹ rằng Mỹ không thể dựa dẫm vào quyền kiểm soát vùng không gian khai thác chung không đối thủ của mình. Và trong thời đại điện tử, ngoại giao cưỡng ép có thể thực hiện một cách gián tiếp khiến người ta mơ hồ về nguồn gốc phát sinh. Như ta sẽ thấy ở chương 5, triển vọng chiến tranh điện tử thêm một khía cạnh mới thú vị vào sự cưỡng ép và đe dọa.
Sự bảo hộ
Hình thức thứ ba, cung cấp sự bảo hộ, nằm ở trọng tâm của các mối quan hệ đồng minh nhưng có thể được mở rộng sang các nhà nước khác nữa. Một lần nữa, mấu chốt của một chiến lược thành công phải kể đến sự đáng tin cậy và liệu điều đó có sinh ra sự tin tưởng vào quốc gia được nhắm đến hay không. Ví dụ, khi Nga tổ chức tập trận vào mùa thu năm 2009, một tàu chiến Mỹ đi quanh dãy Baltic, sáu tướng cấp cao thăm Latvia trong thời gian mười hai tháng, và thêm nhiều bài tập trận song phương nữa được lên kế hoạch65. Các lực lượng quân sự và nhân sự của NATO được sử dụng để trấn an Latvia và nhắc nhở Nga rằng nền an ninh của Latvia được bảo đảm bằng tư cách thành viên của nước này trong liên minh NATO.
Tạo ra sự tin cậy thường tốn kém nhưng đôi khi lại không như vậy. Ví dụ, sau vụ nổ hạt nhân năm 2006 của Bắc Triều Tiên, sự hiện diện của lính Mỹ ở Nhật Bản đã tăng cường sự tin cậy với cái giá tương đối thấp bởi vì Nhật Bản chịu chi phí cho sự ủng hộ này. Khả năng mở rộng sự răn đe đến Nhật Bản và các đồng minh khác là một nhân tố quan trọng trong quyền lực Mỹ ở châu Á. Ví dụ, vào những năm 1990 Nhật Bản quyết định không ủng hộ đề xuất của Malaysia về một khối kinh tế loại trừ Mỹ sau khi Mỹ phản đối. Răn đe mở rộng tùy thuộc vào sự kết hợp giữa năng lực quân sự và tính đáng tin. Nó là một gradient thay đổi theo mức độ hứng thú của nước bảo hộ. Những hứa hẹn tốn kém để bảo vệ các vùng kém quan trọng thì không đáng tin, nhưng việc các lực lượng mặt đất của Mỹ đóng quân ở Nhật Bản và Hàn Quốc lại minh chứng cho mức độ cam kết và tính đáng tin cao. Điều này có nghĩa bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào các nước đó sẽ có khả năng gây ra thương vong cho lính Mỹ và do đó gắn số phận các nước này theo hướng mà chỉ nói bằng lời không thôi thì chưa đủ.
Sự bảo hộ có thể sinh ra quyền lực cứng lẫn quyền lực mềm cho nhà nước cung cấp sự bảo hộ. Các mối quan hệ đồng minh như NATO tăng cường các năng lực quyền lực cứng của Mỹ, nhưng chúng cũng phát triển một mạng lưới các liên kết cá nhân và một bầu không khí thu hút. Trong Chiến tranh Lạnh, quyền lực cứng trong sự bảo hộ quân sự của Mỹ góp phần tạo ra một bầu không khí quyền lực mềm có tác dụng thúc đẩy các mục tiêu hoàn cảnh của Mỹ về sự bình ổn và thịnh vượng kinh tế trong vùng Đại Tây Dương. Ngược lại, sự bảo hộ của Mỹ đối với Ả-rập Saudi (bắt đầu từ Thế Chiến II) dựa vào những bảo đảm ngầm hơn là liên minh chính thức và dựa vào các thỏa thuận đàm phán thu hẹp dựa trên lợi ích quốc gia của hai phía. Sự bảo hộ này sinh ra quyền lực mềm ở mức hạn chế trong mối quan hệ, nhưng bấy lâu nó thường sinh ra các lợi ích kinh tế vì chính phủ Saudi lâu nay đôi khi cũng sửa các chính sách năng lượng của nước này để thích ứng với các yêu cầu từ phía Mỹ66.
Các hoạt động gìn giữ hòa bình là một khía cạnh khác của hình thức bảo hộ các tài nguyên quân sự mà thường không liên quan đến chiến đấu thực sự. Trong những hoạt động gần đây, quân gìn giữ hòa bình đôi khi giết hoặc bị giết, nhưng mục đích chung của họ là răn đe và trấn an để cung cấp sự ổn định. Ở đây ta lại thấy mấu chốt xác định liệu tài nguyên quân sự có sinh ra các kết quả mong muốn hay không tùy thuộc vào hỗn hợp gồm quyền lực cứng và mềm. Thuần thục kỹ năng quân sự này có thể khác (và đòi hỏi mức độ đào tạo khác) với tác chiến trong chiến tranh, tuy nhiên trong những cuộc can thiệp quân sự hiện đại, quân lính có thể buộc phải đồng thời thực hiện hành động quân sự toàn diện, các chiến dịch gìn giữ hòa bình, và viện trợ nhân đạo trong phạm vi ba khối liền nhau.67 Điều này đòi hỏi phải tích hợp các năng lực tổng quát vào nhiều đơn vị nếu muốn có một lực lượng hiệu quả. Thực hiện tỉ mỉ các chức năng này sẽ quyết định được phản ứng của đối tượng mục tiêu cũng như những tác động đối với các bên thứ ba.
Hỗ trợ
Cuối cùng, quân lực có thể dùng để cung cấp hỗ trợ. Hình thức này có thể ở dưới dạng đào tạo quân đội nước ngoài, tham gia giáo dục quân sự quốc tế, tập trận định kỳ, hay viện trợ nhân đạo và khắc phục hậu quả thiên tai. Hỗ trợ như thế có thể làm tăng quyền lực cứng lẫn mềm. Ví dụ, qua việc đào tạo các lực lượng Iraq hoặc Afghanistan, Mỹ đang cố gắng tăng cường khả năng chiến đấu chống phiến loạn cho các lực lượng này. Nhưng nếu việc đào tạo, giáo dục, hay viện trợ quân sự cũng dẫn đến thu hút, thì các tài nguyên quân sự đang sinh ra quyền lực mềm. Hải quân Mỹ gần đây phát triển Một chiến lược hợp tác hải lực cho thế kỷ XXI, chú trọng vào vai trò của hải quân trong việc liên kết với các nhà nước khác để duy trì tự do trên biển và xây dựng các thỏa thuận tập thể nhằm đẩy mạnh sự tin tưởng lẫn nhau68. Chiến lược này bao hàm hợp tác đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật, cũng như các kỹ năng thực hiện viện trợ nhân đạo.
Không chỉ các nước láng giềng như Mỹ và Brazil, mà các nước ở xa như Israel và Trung Quốc cũng gửi quân đến giúp Haiti sau trận động đất khốc liệt vào năm 2010. Đơn vị đo lường sự hỗ trợ có được chuyển đổi thành công thành một chiến lược có thể sinh ra những kết quả mong muốn hay không còn tùy vào các tố chất như sự thuần thục và sự nhân từ qua cảm nhận. Sự thuần thục thì hiển nhiên, nhưng sự nhân từ tăng cường sức thu hút, và thiếu nó có thể dẫn đến phản ứng tiêu cực ở đối tượng mục tiêu. Các chương trình viện trợ nào được xem là ích kỷ, có mục đích điều khiển, hay giúp đỡ một nhóm thiểu số nhỏ chống lại một nhóm quần chúng khác thực sự có thể sinh ra phản ứng tiêu cực.
Tóm lại, tài nguyên quân sự có thể sinh ra quyền lực cứng lẫn mềm, và tỷ lệ này thay đổi tùy theo hình thức nào trong số bốn hình thức được sử dụng69. Điểm quan trọng là quyền lực mềm phát sinh từ các tố chất nhân từ, thuần thục, chính đáng, và đáng tin cậy có thể thêm lực bẩy vào quyền lực cứng là quân lực. Các chiến lược nào kết hợp cả hai thành công tượng trưng cho quyền lực quân sự thông minh.
TƯƠNG LAI CỦA QUYỀN LỰC QUÂN SỰ
Như Barack Obama đã nói khi nhận giải Nobel Hòa bình năm 2009, “Chúng ta phải bắt đầu bằng việc nhìn nhận sự thật khó chấp nhận là chúng ta sẽ không tiệt trừ được xung đột bạo lực trong đời mình. Sẽ có những lúc các dân tộc, hành động riêng lẻ hoặc hợp tác với nhau, thấy việc sử dụng vũ lực không những cần thiết mà còn hợp đạo lý”70. Dù cho viễn cảnh sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực giữa các nhà nước có xác suất thấp hơn trong thế kỷ XXI so với các kỷ nguyên trước, vũ lực vẫn sẽ giữ được tác động lớn, và các tình huống như thế khiến các chủ thể có lý trí mua bảo hiểm đắt tiền. Mỹ có khả năng sẽ là nhà phát hành chính các hợp đồng bảo hiểm như thế. Hơn nữa, cho dù đấu tranh giữa các nhà nước và các cuộc nội chiến thuyên giảm, thì chúng vẫn có khả năng sẽ tiếp tục giữa các nhóm phiến quân và các nhóm phi nhà nước xuyên quốc gia hoặc giữa các nhà nước và các nhóm như thế. Những cuộc chiến lai và “cuộc chiến giữa quần chúng” sẽ vẫn dai dẳng. Một năng lực chiến đấu và cưỡng ép, bảo hộ và hỗ trợ, sẽ vẫn quan trọng ngay cả khi chiến tranh liên nhà nước tiếp tục giảm.
Điều này dẫn đến điểm quan trọng hơn về vai trò của quân lực trong chính trị thế giới có liên quan đến bộ mặt thứ hai của quyền lực: Định hình nghị trình. Quân lực vẫn quan trọng bởi vì nó góp phần kiến trúc chính trị thế giới. Một số nhà lý luận lập luận rằng tính hữu dụng của quyền lực quân sự hạn chế đến nỗi quyền lực này không còn là “thước đo tối hậu để đối chiếu với các dạng quyền lực khác”71. Nhưng việc quyền lực quân sự không phải lúc nào cũng đủ để quyết định các tình huống cụ thể không có nghĩa nó đã mất đi toàn bộ tính hữu dụng72. Mặc dù còn nhiều tình huống và bối cảnh mà trong đó rất khó sử dụng, quân lực vẫn là nguồn quyền lực sống còn trong thế kỷ này, bởi lẽ sự hiện diện của nó trong tất cả bốn hình thức có tác dụng kiến trúc các kỳ vọng và định hình những toan tính chính trị của các chủ thể.
Như ta sẽ thấy trong chương tiếp, các thị trường và sức mạnh kinh tế phụ thuộc vào cơ cấu chính trị. Trong điều kiện hỗn loạn cực kỳ bất định, nhiều thị trường thất bại. Các cơ cấu chính trị phụ thuộc vào các quy chuẩn và các tổ chức, nhưng cũng phụ thuộc vào sự quản lý quyền lực cưỡng ép. Một nhà nước hiện đại có trật tự tốt được định nghĩa theo khía cạnh một nhà nước độc quyền sử dụng vũ lực chính đáng, và điều đó cho phép thị trường trong nước vận hành. Về mặt quốc tế, nơi trật tự dễ phá vỡ hơn, những quan ngại tàn dư về việc sử dụng vũ lực cưỡng ép, mặc dù xác suất này rất thấp, có thể có các tác động quan trọng. Quân lực cung cấp cơ cấu (cùng với các quy chuẩn, các tổ chức, và các mối quan hệ) góp phần cung cấp một mức độ trật tự tối thiểu. Hiểu một cách bóng bẩy, quyền lực quân sự cung cấp một mức độ an ninh mà đối với trật tự giống như khí ô-xi đối với việc hít thở: Ít được nhận ra cho đến khi nó bắt đầu trở nên khan hiếm. Một khi chuyện đó xảy ra, sự thiếu vắng nó sẽ thống trị tất cả những thứ khác. Theo nghĩa này, vai trò của quyền lực trong việc kiến trúc chính trị thế giới có khả năng sẽ duy trì vào thế kỷ XXI. Quyền lực quân sự sẽ không có cùng tính hữu dụng cho các nhà nước như tính hữu dụng trước kia của nó trong thế kỷ XIX và XX, nhưng nó sẽ vẫn là một thành phần trọng yếu của quyền lực trong chính trị thế giới.