NGUYỄN VĂN PHÚ chỉ có cái tên là mầu mỡ. Ngoài ra trông rất có vẻ nghèo nàn. Bộ mặt hốc hác trong bộ quần áo nâu rách, màu bạc phếch. Mái tóc bờm xờm dễ đã ngoài hai tháng không cạo, như mái tóc một nhà làm thơ mới Việt Nam.
Ông chánh án hình như cũng thương hại hỏi bằng giọng rất ngọt ngào:
- Thế nào? Anh có nhận đã lấy ngôn từ mạ lỵ một viên chức dịch trong khi hành vụ không?
Nhà thi sĩ Phú cất giọng run run hỏi sẽ người thông ngôn:
- Bẩm thế là làm sao ạ?
- Thế nghĩa là anh có chửi rủa đội bếp không?
- Bẩm không, quả không.
Vừa trả lời, nhà thi sĩ vừa lắc bờm tóc một cách cương quyết và giương mắt nhìn ông chánh án một cách ngây thơ.
- Bẩm thật quả không. Hôm ấy con đương ngồi ăn ở góc đường thì thầy đội đến bảo con là “đồ chó nhai xương” rồi lôi con lên bót, có thế thôi.
Ông chánh án mỉm cười:
- Có thế thôi, theo lời anh nói thì giản dị quá. Thế ra tự nhiên người đội sếp đến mắng anh chơi cho có chuyện?
- Bẩm vì thầy ấy con ăn...
- Ăn, ai chẳng ăn?
- Bẩm, nhưng con ăn những đồ ăn còn thừa trong trại lính thải ra đem bán. Hôm ấy con ăn “xúp”. Thầy đội văng tục ra với con, thì con có bảo: “Thầy thử nghèo đói xem có nhai không? Giàu có thì làm ra bộ thế nào chẳng được”.
- À ra thế. Lỗi ở cả thầy đội.
Nhưng thầy đội làm chứng lại nhất định không nhận lỗi, và cũng nhất định chối đây đẩy là không văng tục. Theo thầy thì ở đầu phố thấy đông, thầy đến dẹp: Mọi người đều giãn, duy chỉ có Phú là nhất định ngồi uống hết bát “xúp”.
- Nó lại mời cả con ăn nữa. Con lắc đầu bảo nó đi thì nó văng tục bảo “tiên sư mày làm bộ”.
Ông chánh án mỉm cười, rồi sau một lúc cân nhắc trọng lượng của hai câu chửi, và sự thực thà của hai người, ông hạ tứ:
- Một ngày nhà pha.
Nhà thi sĩ rũ bờm tóc một cách tuyệt vọng lặng lẽ bước ra.