Một huyện lỵ nhỏ ở miền Trung đương sống một cách nên thơ dưới quyền các ông quan đầy lòng thương dân. Một người bạn rủ tôi đến công đường xem xử một vụ án ly kỳ, đặc biệt.
Đứng trước tòa - tòa là cái công đường của ông huyện có hai tên lính cầm roi đứng canh - đứng trước tòa, một người trẻ tuổi, vẻ mặt hiền lành, nếu không có cặp mắt sáng với đôi lông mày dài và sắc. Thân thể gầy gò, người ấy rất đỗi lúng túng trong chiếc áo xô rộng và dài, thỉnh thoảng vén tay áo để lộ hai bàn lay nhỏ như bàn tay con gái.
Người nhỏ xíu ấy mắc một tội lớn tầy đình: Tội đi lậu công văn. Cử tọa thì thầm:
- Ý hẳn y làm việc quan, không chịu giữ bí mật nhà nghề chứ chi! Thế nào mà chẳng có chấm mút rồi.
- Hay là cùng tụi với Nguyễn Thành Hưng đi lậu điều bí mật trong Triều ra ngoài.
- Bậy nào, Đỗ Cay làm báo đấy mà!
Câu chuyện đến đây ngừng bặt, vì ông chánh án vừa cất tiếng ồ ồ hỏi bị cáo nhân:
- Công văn ấy là công văn bí mật, sao anh lại cả gan đi lậu, hử?
Tiếng trả lời dứt khoát, trong trẻo:
- Ngài bảo nó là bí mật, tôi mới biết nó là bí mật. Ngoài ra, nó vẫn có tính chất công khai lắm. Tôi thấy trát ở huyện về, sức cho lý trưởng làng tôi cấm không cho dân đi đón ông Godart, chỉ được cử đại biểu thôi...
- Những bí mật..
- Bẩm nếu bí mật, nghĩa là điều cấm bí mật, thì dân làm sao biết để tránh được?
Ông chánh án đỏ mặt, gắt:
- Tôi bảo nó bí mật là nó bí mật. Anh không được cãi. Cãi là phạm tội mạn thượng anh nghe chưa? Giờ tôi chỉ hỏi anh có viết bài báo về cuộc đón tiếp ông Godart, và trong bài đó, anh có đăng tờ trát kia không?
- Tôi nhận là có viết,...
- Thế là đủ rồi...
- Nhưng tôi mới định đăng báo chứ đã đăng đâu?
- Đăng rồi hay mới định đăng cũng vậy. Hai năm tù.
Nghe tuyên án, Cay nét mặt vẫn thản nhiên duy có cặp mắt là sáng hơn chút đỉnh.
Bạn tôi đứng dậy, rỉ vào tai tôi:
- Phiên tòa công khai này, anh đừng lo cho lên báo nhé. Có thể mắc tội đấy. Biết đâu nó không như lá công văn kia, vừa công khai lại vừa bí mật.