Người ta thường mỉm cười bảo rằng: “Người An Nam nào cũng có một ông quan trong bụng”. Câu nói đó tuy không đúng sự thực với toàn thể dân ta nữa, nhưng cái bả công danh vẫn còn là một sức mạnh cám dỗ nhiều linh hồn non.
Làm quan, ngày xưa, là nguyện vọng tối cao của thanh niên, Đỗ ông Nghè, ông Cống rồi sung sa súng sính chiếc áo thụng xanh vào hoạn trường, ấy là công thành danh toại, làm vẻ vang cho cha mẹ, họ hàng, nở ruột cho mẹ cái đĩ, thằng cu… đạt được lý tưởng. Chắc hẳn ai cũng còn nhớ bài văn sách của ông bảng Lê Quý Đôn có câu tán dương cái lý tưởng ấy:
“Chồng quan sang, vợ hầu đẹp, ai chẳng khen nhất chỉ thần tiên”.
Danh phận cả, bổng lộc nhiều, thế mới thỏa tam sinh chi hương hỏa. Từ đời Hậu Lê cho đến gần đây, giấc mơ phú quý đã không biết bao nhiêu nhân tài vào một lối đi nhỏ hẹp. Ai ai cũng mong kiếm chút công danh để thỏa chí bình sinh…
Cho nên, vì một lẽ rất dễ hiểu, người xưa nhầm công danh với sự nghiệp. Đỗ đạt, làm quan sang, lấy vợ đẹp, thu lộc nhiều, đủ chừng ấy không những là công danh hiển đạt, mà sự nghiệp cũng là to lắm. Làm quan to thì sự nghiệp to, làm quan bé thì sự nghiệp bé, làm quan nhỡ thì sự nghiệp nhỡ, còn làm đến Lại bộ Thượng thư, văn minh điện đại học sĩ thì sự nghiệp hiển hách không biết thế nào mà kể.
Sự thực dân có thế, sự thực, nhưng ông đại học sĩ kế chân nhau trong vòng ba trăm năm nay, không ai nói đến nữa. Chính vì sự nghiệp họ không có gì, nếu công danh của họ tột vời.
Sự thực, thanh niên thuở xưa hám công danh mà không hám sự nghiệp. Thản hoặc cũng có nhưng rất hiếm. Tôi chỉ thấy ở đời vua Tự Đức, có ông Nguyễn Công Trứ là người có chí cả, không ham công danh, chỉ muốn lưu lại sự nghiệp “với núi sông”. Nếu ông như người khác, làm tổng đốc còn muốn lên chức thượng thư, thì có lẽ lúc ông về hưu lại không đến nỗi chỉ là binh bộ thị lang. Nhưng ông coi vinh hoa là một điều phụ, nên lúc bị biến làm lính, thì lại nón, lại roi, không lấy thế làm xấu hổ. Cho nên ông để lại một sự nghiệp vẻ vang, oanh liệt, sự nghiệp của một nhà cai trị giỏi, có nhiều sáng kiến, có tài kinh doanh.
Ngoài ông Nguyễn Công Trứ, kể ra xưa cũng còn nhiều người để lại một sự nghiệp hiển hách. Về mặt văn chương, ta thấy có cụ Nguyễn Du. Nhưng sự nghiệp văn chương của cụ chỉ một sự ngẫu nhiên mà có, một việc bất thần xảy ra mà thôi. Cũng như sự nghiệp văn chương của ông Cao Bá Quát hay Tú Xương, hai người bất đắc chí về đường công danh. Ông Quát lúc chua chát địa vị một ông Huấn, ông Tú Xương lúc cay đắng vì đi thi hỏng, chắc không hề nghĩ rằng về sau người ta nhắc nhỏm đến hai ông mà không nhắc đến tên những ông tứ trụ thời bấy giờ.
Thời thế thay đổi, nhưng trong lòng người còn vương lại những sợi tơ cũ, hai chữ công danh vẫn còn là điều ao ước lý tưởng của nhiều người. Cách đây không lâu danh giá các ông tham, ông huyện đã có phen làm mờ tối lương tri của nhiều thiếu nữ. “Phi cao đẳng bất thành phu phụ” (Không có học vấn cao thì không thành vợ chồng) câu châm ngôn ấy ra đời có vẻ chua chát, không biết ngần nào.
Chẳng biết rồi đây ta có được nghe những câu châm ngôn khác cũng tương tự như vậy không, nhưng một điều chắc chắn là bổn phận của ta, của thanh niên, là phải đánh đổ những quan niệm sai lầm ấy.
Ta lúc nào cũng phải tự nhủ rằng: công danh không đáng kể, duy có sự nghiệp thôi. Ta không nên ngây dại như mấy cậu học trò chán đời quyên sinh vì không giựt được mảnh bằng con con, không níu được chút công danh nho nhỏ, ta phải nhớ rằng làm ông huyện, làm ông tuần hay làm một ông thượng thư cũng như làm một người cùng đinh, trong đám cùng đinh có hơn nhau chỉ nhờ ở sự nghiệp để lại.
Nói đến thượng thư, tôi sực nhớ đến ông Quỳnh (tức Phạm Quỳnh). Xưa kia hồi ông còn làm báo, ông cũng không phải là không có sự nghiệp gì. Nhưng đương nửa chừng, ông bị những vẻ đẹp huyền bí của thần kinh cám dỗ; theo tiếng gọi của trái tim ông và của cô lái đò sông Hương, ông bỏ sự nghiệp văn chương của ông, đi tìm công danh (vì sự nghiệp của ông khi làm thượng thư tôi chưa thấy có gì).
Trái lại, ông Vĩnh (tức Nguyễn Văn Vĩnh), người mà báo hiệu còn đương tiếc nhớ, lúc sinh thời không hề nghĩ đến ngôi cao, chức cả, chỉ lo đạt được chí vun xới cho sự nghiệp của ông ta.
Hai mẫu người, hai chí hướng, khiến ta nghĩ ngợi. Nhưng nên rằng ông Quỳnh có để tiếng lại về sau, sẽ không bao giờ vì ông đã thành một trong tứ trụ của triều đình, mà sẽ nhờ đời văn chương của ông mà ông đã ruồng bỏ.
Tuy nhiên, không phải là thanh niên ta không được nghĩ đến công danh, nhưng không bao giờ ta nên quá lo đến. Không bao giờ ta nên để công danh lên trên tất cả mọi sự, trên cả nhân phẩm, trên cả luân lý, như nhiều người tự xưng là thượng lưu trong xã hội ta.
Ta phải để hết tâm trí đến sự nghiệp. Ta phải chăm nom vun xới cho sự nghiệp của ta, ta sẽ được hưởng cái lạc thú vô song của một đời có ích cho người chung quanh.