Nếu đem một ông đồ nho An Nam sống ở thế kỷ trước bỏ rơi trước một trường vận động Châu Âu, hẳn là ông đã hết đỗi kinh ngạc khi trông thấy những trang thiếu niên ngực nở sắp hàng tập thể thao. Nhưng, hẳn rồi ông lấy móng tay dài vuốt đôi má hóp mà cười một cách khinh bỉ. Ông liệt ngay họ vào hạng man di, đáng để cho văn minh Đông Dương sáng sủa ông đến chinh phục.
Lòng kinh bỉ ấy cũng không có gì lạ. Dân tộc Việt Nam vốn là dân tộc chuộng văn, đã bao nhiêu năm nghiền ngẫm những lời đạo lý của mấy quyển Tứ thư, Ngũ kinh, mơ màng đọc những thơ phú của Lý Thái Bạch, Tô Đông Pha. Các cụ nho xưa chỉ chú trọng về tinh thần. Một người học trò đời trước, muốn được tiếng là nho nhã, văn nhân, cần phải xanh như tàu lá, gầy như ngọn cỏ, và lúc nào cũng gài trên mái tóc chiếc bút long… Một nhà túc nho cốt làm sao cho mười ngón tay chỉ dùng về việc bút pháp, dẫu bộ ngực lép chứa chất ngàn, vạn vi trùng lao cũng không sao.
Họ không thưởng thức vẻ đẹp của sức khỏe, trái lại nữa. Họ yên chí rằng sức mạnh của thân thể sẽ làm lấp mất sự sáng suốt của trí khôn, “vai u thịt bắp” là một câu chế riễu khinh bỉ của họ đối với những người tráng kiện. Họ không hiểu câu châm ngôn của người Hy Lạp xưa “Một linh hồn cường tráng trong một thân thể cường tráng”. Họ không biết rằng sức khỏe là một điều nhu yếu cho sự hành động của người đời.
Sự lầm lẫn của các cụ nho kết quả thực là nặng nề. Dân Việt ta không những vì sự trọng đãi quá thiên về tinh thần của các cụ đã dần dần đi vào con đường suy nhược của thế phách, mà lại còn trở nên ủy mị, yếu ớt về linh hồn.
Bây giờ không thể như vậy được nữa. Bây giờ là lúc chèo ngược dòng nước, là lúc chữa lại sự lầm lẫn kia. Bây giờ là lúc sự học của ta đã khiến ta công nhận rằng, luyện tập thể thao không phải chỉ riêng đem đến cho ta sức khỏe, sức mạnh và vẻ đẹp của thân thể. Luyện tập thể thao còn có ảnh hưởng lớn đến tính khí của ta nữa, nhiều đức tính của ta nhờ đó mà tăng tiến, lòng dũng cảm, chí kiên nhẫn, lòng tự tin và sự biết phục theo kỷ luật. Luyện tập thân thể, ta không thể coi khinh là một điều vô dụng như xưa. Ở một nước dân chúng ốm yếu như nước ta, việc ấy ta không thể coi là một điều phụ được. Ta phải luôn luôn nhớ rằng, điều cốt yếu thứ nhứt là luyện lấy sức khỏe, rồi đến luyện tính khí cho cương cường, lên từng trên nữa mới là việc mở mang trí khôn.
Hết thảy các nước văn minh trên hoàn cầu đều công nhận sự quan trọng của sức khỏe. Tại sân vận động Berlin nước Đức vừa rồi, bốn, năm mươi nước đều gửi người tài giỏi về các môn điền kinh đến dự. Nước Nhật trong cuộc tranh đấu đó, đã dự vào một ghế rất vẻ vang. Thành tích rực rỡ ấy nguyên do không khác, chỉ vì cả nước khuyến khích tập luyện thân thể hằng ngày.
Cái gương sáng ấy ta cần phải soi. Bổn phận của ta, của thanh niên, là phải kết đoàn lại lập hội thể thao khắp trong nước. Hiện giờ, phong trào thể thao tuy vẫn có, song chưa lan được rộng, chưa thấm được sâu vào dân chúng. Công việc của thanh niên, là tự luyện lấy thân thể cho cường tráng và hô hào người chung quanh theo gương để đi đến những thành tích vẻ vang của người Đức, của người Mỹ, của người Nhật.