Xưa kia, và cả bây giờ nữa, xã hội ta vẫn còn ở thời kỳ bán khai như những xã hội thời cổ mà nhà văn sĩ Fusstel de Coulanges đã tả trong cuốn sách rất có giá trị của ông ta. Dân ta sống một cách hồn nhiên, không biết giá trị của thời gian, mà cũng không chịu vào khuôn vào phép, vào kỷ luật để mưu tồn những công cuộc to lớn lâu dài. Dân ta chưa biết phương pháp tổ chức và xếp đặt những công cuộc của mình.
Ta chỉ cần quan sát một công cuộc chung nào của chúng ta là trông thấy sự thiếu thốn ấy. Những hội của ta thành lập lên trong sự bồng bột nhất thời – dần dần suy vi trụy lạc. Sự thất bại ấy không có cớ nào khác cái cớ thiếu phương pháp xếp đặt một cách chu đáo. Hoặc giả có sự lầm lẫn xẩy ra, mọi người đều tặc lưỡi an ủi: “Chà! Thế nào cũng xong thôi.” Ông Hội trưởng làm việc của ông thủ quỹ, ông thủ quỹ làm việc của ông thư ký, ai nấy đều tự nhủ rằng: “Thế nào cũng xong thôi.” Vì vậy, nên công việc lộn xộn, cẩu thả, không mảy may thứ tự, rồi rút cục lại, không có gì xong cả.
Ở các nước Âu – Mỹ, không bao giờ có những việc như vậy xảy ra được. Là vì họ làm việc có phương pháp nhất định. Trong một công cuộc chung, những phần tử đều có quyền hạn rõ ràng, có trách nhiệm phân minh, những phần tử ấy đều cùng hoạt động nhịp nhàng để mưu đoạt mục đích chung.
Phương pháp tổ chức và xếp đặt ấy là sức mạnh của người Âu trong các công cuộc vĩ đại. Phương pháp đó lại là một điều nhu cầu cho ta, mà hiện ta đương thiếu. Vì sự thiếu thốn đó, mà những công cuộc cải cách không có kết quả tốt đẹp.
Việc cải lương hương chính năm nào là một trong trăm ngàn thí dụ ta có thể mạnh bạo ở trên giấy tờ. Nhưng hy vọng đều tan theo mây gió đến khi thực hành cái chương trình đồ sộ nhưng không hợp thời ấy. Sự cẩu thả, chủ nghĩa “thế nào cũng xong thôi” của ta khiến công cuộc cải lương chỉ có một điều ích lợi: là tạo thêm mấy danh chức mới trong làng… Ngoài ra, công việc hàng xã vẫn luộm thuộm, hỗn độn như xưa.
Sự thất bại ấy, một phần lớn là do sự thiếu phương pháp tổ chức. Dân quê số đông là những người tiêm nhiễm cái học cũ, tiêm nhiễm những tục lệ cũ, đáng lẽ phải thay đổi tâm hồn họ đi đã, đáng lẽ phải tước bỏ cái chủ nghĩa “Thế nào cũng xong thôi” của họ, rồi mới mưu cuộc cải lương được. Đến lúc dân gian đã rõ sự ích lợi của sự xếp đặt phân minh, đến lúc cái thói quen luộm thuộm về tinh thần đã mất, thì lúc đó còn gì dễ hơn là cuộc cải cách nữa.
Một việc như vậy, trăm, ngàn việc đều vậy. Các hội học, các hội buôn, các hội ái hữu của ta, cũng bị hoặc thất bại hoặc dở dang vì công cuộc xếp đặt không được quang minh.
Vậy, cái tinh thần luộm thuộm cẩu thả của các cụ xưa, của phần đông dân ta hiện thời, ta phải coi như một người thù lớn. Ta cần phải cố tự luyện, tự tu, để đối chọi với cái tinh thần ấy và hết sức đem phương pháp xếp đặt của người Thái Tây áp dụng vào các công cuộc chung của ta mới mong có kết quả rực rỡ được.