Có thể nói, hiếm có tình thầy trò và cũng là tình bạn nào đáng cảm phục như tình cảm cao đẹp giữa Helen Keller (1880–1968) và Anne Mansfield Sullivan (1866–1936). Tình bạn khăng khít giữa hai cô trò trở thành tấm gương sáng được mọi người ngưỡng mộ và ca ngợi.
Chưa đầy hai tuổi, một trận sốt cao đã cướp đi thị giác của Helen Keller. Không những thế, chẳng bao lâu sau, tai cô bé cũng bị điếc. Cả thế giới như đóng sập một cách phũ phàng trước mắt Helen. Năm năm sau đó, cô bé lớn lên trong một thế giới chỉ có màu đen, như những gì Helen kể lại về sau: “Tôi lớn lên trong một thế giới mà mọi thứ đều do mình tưởng tượng lấy. Đó là một thế giới u mê, mông muội và tôi không thể biết trước được chuyện gì sắp xảy ra với mình. Tôi cười một mình, khóc một mình, tha hồ gào thét và bộc lộ mọi trạng thái cảm xúc. Chân bước đi không va phải cái này cũng đá trúng cái kia, những vết xước do té ngã là chuyện thường ngày. Tôi cố dùng hết sức gào lên những chuỗi âm thanh vô nghĩa vì tai hoàn toàn không nghe được gì cả”.
Sự có mặt của cô Anne Sullivan từ Học viện Perkins dành cho người khiếm thị ở thành phố Boston tại gia đình Keller ở Alabama đã thay đổi cuộc đời của Helen. Một bên mắt của cô Sullivan cũng không nhìn thấy được do bị nhiễm trùng nên cô rất thấu hiểu hoàn cảnh của Helen. Cô đến bên Helen với sự cảm thông, lòng trắc ẩn, xuất phát từ mong muốn được giúp đỡ cô bé bằng tất cả tấm chân tình của mình. Bằng sự tinh tế và nhạy cảm, Sullivan đã nhanh chóng chiếm được lòng tin của cô học trò nhỏ. Trong vòng ba năm, cô Sullivan đã dạy Helen đọc và viết thành thạo bảng chữ nổi Braille. Năm mười sáu tuổi, Helen đã nói năng trôi chảy và đủ điều kiện vào học trường dự bị trung học và đại học. Năm 1904, Helen tốt nghiệp loại ưu tại trường Radcliffe. Sau đó, cô cống hiến cả đời mình cho việc giúp đỡ những người khiếm thính và khiếm thị, giống như công việc cao cả mà cô giáo Sullivan đã âm thầm theo đuổi. Tuy là quan hệ thầy trò nhưng tình bạn cao đẹp, hiếm có giữa hai người phụ nữ đầy ý chí và nghị lực này mãi mãi vững bền theo thời gian. Ngay cả khi cô Anne qua đời, Helen vẫn giữ mãi trong lòng niềm tôn kính và lòng biết ơn sâu sắc dành cho cô giáo mình.
Dưới đây là những dòng cảm nhận được trích dẫn từ tác phẩm “The Story of My Life” (Câu chuyện đời tôi) của Helen Keller, kể lại những ấn tượng của Helen về lần đầu tiên cô giáo Sullivan đến nhà mình.
Trong ký ức của tôi, ngày trọng đại đánh dấu bước ngoặt thay đổi toàn bộ cuộc đời tôi chính là ngày cô giáo Anne Mansfield Sullivan xuất hiện. Khi ấy, đầu tôi chứa đầy những câu hỏi về sự khác biệt trong cuộc sống sắp tới giữa mình và cô giáo. Đó là ngày 3 tháng 3 năm 1887, ba tháng trước khi tôi tròn bảy tuổi.
Buổi chiều của ngày xảy ra sự kiện đáng nhớ ấy, tôi đứng bất động trước hiên nhà, lòng phấp phỏng chờ đợi. Tôi mường tượng trong đầu những cử chỉ của mẹ và quang cảnh mọi người nôn nóng đi đi lại lại phía trước nhà để chuẩn bị chờ đón một việc trọng đại sắp xảy ra. Vậy là tôi đi ra cửa và đứng chờ ở bậc thang dẫn lên nhà. Ánh nắng buổi chiều chiếu thẳng vào gương mặt tôi; tay tôi mân mê những chiếc lá cùng những cụm hoa mà hình dáng của chúng đã trở nên quen thuộc với tôi. Tôi biết vào mùa này, cây cối đang đâm chồi nảy lộc, chuẩn bị chào đón mùa xuân rực rỡ của phương Nam. Tôi đã không biết rằng trong tương lai, số phận dành cho tôi quá nhiều những điều bất ngờ kỳ diệu. Suốt một thời gian dài, tôi nuôi lòng oán hận và chua xót trước những bất hạnh mà số phận đã dành cho mình. Kết quả là cơ thể tôi suy nhược nghiêm trọng. Mọi nỗ lực duy trì niềm vui đối với sự sống cho tôi đều trở nên vô vọng.
Hãy tưởng tượng bạn đang ở giữa biển khơi bao la, xung quanh chỉ có lớp sương mù dày đặc. Bạn bị vây hãm giữa những tấm màn trắng đục, tầm nhìn hoàn toàn bị che khuất. Lúc đó, bạn phải điều khiển một con tàu khổng lồ, mò mẫm tìm hướng đi để đưa nó cập bến an toàn bằng dây dò mực nước. Bạn phấp phỏng lo âu không biết chuyện gì sẽ xảy đến với mình và con tàu. Tâm trạng của tôi khi đứng trước hiên nhà chiều hôm ấy chờ đợi khóa học mới cũng giống như tâm trạng người lái tàu đi giữa biển sương mù dày đặc – bơ vơ và cô độc. Chỉ mình tôi ở đó, không có la bàn định hướng, không có dây dò mực nước và cũng không có cách nào để biết được còn bao xa nữa mới đến được bến cảng gần nhất. “Ánh sáng. Hãy cho tôi ánh sáng” là nỗi khao khát vô vọng, là tiếng gào thét trong câm lặng đang khuấy đảo tâm hồn tôi. Và ánh sáng của tình thương yêu đã soi lối cho tôi đi trong những thời khắc tưởng như tuyệt vọng ấy.
Tôi cảm nhận được có người đang tiến đến gần mình. Tôi đưa tay về phía trước vì tôi nghĩ người đó là mẹ mình. Người đó nắm lấy tay tôi, ôm chặt tôi trong vòng tay ấm áp. Và đó chính là người đã mang lại ánh sáng cho đời tôi bằng cách tiết lộ cho tôi biết những bí mật của thế giới muôn màu, người đã dạy tôi rất nhiều bài học quý giá. Trên hết, cô đã đến bên tôi với trái tim chan chứa yêu thương và cô cũng chính là người đã dạy tôi biết cách yêu thương.
Sáng hôm sau, cô dẫn tôi vào phòng cô và tặng tôi một con búp bê. Về sau, tôi biết đó là món quà mà một em gái nhỏ bị mù tại Học viện Perkins đã gửi đến cho tôi, còn một bạn tên là Laura Bridgman đã chuẩn bị váy áo cho nó. Sau khi để tôi chơi với búp bê được một lúc, cô Sullivan từ từ viết vào lòng bàn tay tôi những ký hiệu của từ “b-ú-p b-ê”. Ngay lập tức, tôi thấy rất hứng thú với trò chơi dùng các ngón tay này và cố cử động ngón tay bắt chước theo cô. Khi tự mình viết lại được từ “búp bê” thành thạo, lòng tôi trào dâng một niềm hân hoan xen lẫn tự hào về kết quả mình vừa đạt được.
Tôi vội chạy xuống nhà để khoe với mẹ thành tích của mình. Tôi lấy tay vạch lại ký hiệu của từ “búp bê” mà không biết rằng mình đang đánh vần nó. Lúc ấy, tôi không hề biết đến sự tồn tại của hệ thống chữ viết mà chỉ đơn giản cử động các ngón tay sao cho giống với những gì cô giáo đã chỉ. Những ngày sau đó, tôi học cách đánh vần rất nhiều từ theo cái cách kỳ lạ này. Những từ tôi đã học lúc đó là cục pin, nón, tách trà và một số động từ như ngồi, đứng, đi dạo. Sau vài tuần, nhờ sự hướng dẫn của cô giáo, tôi hiểu rằng mỗi sự vật trên đời này đều có tên gọi riêng của nó.
Một hôm, trong khi tôi đang ngồi chơi với con búp bê mới của mình thì cô Sullivan kéo con búp bê lớn bằng vải của tôi ngày trước đặt vào lòng tôi. Sau đó, cô viết từ “b-ú-p b-ê” vào tay tôi và cố tìm mọi cách để giảng cho tôi hiểu rằng từ “búp bê” là từ chỉ chung cho cả hai con búp bê này. Vào buổi sáng ngày hôm ấy, hai cô trò đã có cuộc vật lộn với hai từ “cốc nước” và “nước”. Cô Sullivan cố gắng giải thích cho tôi nghĩa của từ “cốc nước” hoàn toàn khác với nghĩa của từ “nước”. Hai từ này chỉ hai sự vật khác nhau nhưng cái đầu ngoan cố của tôi vẫn không thể phân biệt được sự khác nhau đó. Thất vọng, cô Sullivan tạm ngừng dạy về chủ đề này. Một lúc sau, cô cố gắng giải thích lại cho tôi giống như lần đầu tiên. Tôi bắt đầu mất kiên nhẫn vì cô cứ lặp đi lặp lại những động tác cũ nên quơ tay túm con búp bê cô mới tặng ném mạnh xuống sàn. Tôi rất hả hê khi cảm nhận được những mảnh vỡ của nó dưới chân mình. Cơn tức giận bột phát của một đứa trẻ vừa mù vừa điếc không có chỗ cho nỗi buồn hay sự hối hận. Tôi không thích con búp bê đó. Từ trước đến nay, tôi sống cô độc, lầm lũi trong cái thế giới chỉ có một màu đen u tối. Thế giới đó không có khái niệm của sự yếu đuối hay tính đa sầu đa cảm. Tôi cảm nhận được cô giáo của mình đang quét những mảnh vỡ của con búp bê dồn vào góc lò sưởi. Tôi rất sung sướng và hả hê vì từ nay con búp bê kia không còn làm tôi khó chịu nữa. Cô Sullivan đội nón lên đầu cho tôi, như vậy là cô sắp dẫn tôi ra ngoài trời. Ý tưởng đó – nếu những xúc cảm không lời nảy nở trong đầu tôi lúc đó được xem là một ý tưởng – khiến tôi sung sướng đến mức muốn nhảy cẫng lên.
Cô dẫn tôi bước đi trên con đường mòn dẫn tới nhà bơm nước. Hai cô trò tôi như ngây ngất trước mùi hương thơm ngát tỏa ra từ những khóm kim ngân được trồng dọc hai bên lối đi. Ai đó đang kéo ống nước tưới cây, cô giáo tôi cầm tay tôi đặt dưới vòi nước. Khi dòng nước mát lạnh tuôn chảy xuống một bàn tay tôi, cô Sullivan cầm tay còn lại của tôi và viết vào lòng bàn tay ký hiệu của từ “n-ư-ớ-c” một cách chậm rãi. Tôi lặng người đi, từng tế bào trong cơ thể tôi đều tập trung vào việc theo dõi và nắm bắt sự chuyển động của ngón tay cô Sullivan. Đột nhiên, tôi mơ hồ nhận ra rằng hình như mình đã quên mất một điều – những luồng cảm xúc run rẩy mong manh khi dòng ý thức bất chợt trở về. Và bằng một cách thần diệu nào đó, tấm màn bí mật của ngôn từ đã mở lối cho tôi bước vào thế giới vô cùng mới lạ được tạo nên từ những ký hiệu. Cuối cùng, tôi cũng đã hiểu từ “nước” dùng để chỉ vật thể mát lạnh đang tuôn chảy qua tay mình. Thực thể trực tiếp, sống động này đã làm tâm trí u mê của tôi bấy lâu nay được thông suốt. Dòng nước mát lạnh đã mang lại ánh sáng, niềm vui, niềm hy vọng cho cuộc sống của tôi và chắp cánh cho tâm hồn tôi bay bổng. Dù lúc đó vẫn còn hàng rào ngăn cách nhận thức mông muội của tôi với hệ thống những ký hiệu mới mẻ này nhưng tôi tin một lúc nào đó những bức tường ngăn cách kia sẽ bị phá bỏ hoàn toàn.
Tôi rời khỏi vườn, trong lòng như được thắp lên ngọn lửa của lòng ham mê học hỏi, khám phá. Mọi sự vật trên đời này đều có tên gọi riêng và mỗi cái tên đó gợi ra trong tôi một khái niệm hoàn toàn mới mẻ. Khi hai cô trò trở về nhà thì mỗi từ tôi học được trở thành một bước tiến của tôi trong hành trình khám phá thế giới ngôn từ đầy thú vị này. Kể từ giây phút đó, tôi nhìn mọi vật theo một quan niệm khác. Một thế giới mới mẻ ùa vào tâm hồn tôi như một luồng sáng nhiệm màu. Khi bước vào nhà, tôi chợt nhớ đến con búp bê tôi ném vỡ khi nãy. Tôi tiến về phía lò sưởi, mò mẫm nhặt từng mảnh vỡ lên. Nhưng nỗ lực của tôi nhằm hàn gắn các mảnh vỡ của con búp bê chẳng mang lại kết quả. Tôi bật khóc vì nhận thức được mình đã có một hành động tồi tệ như thế nào. Lần đầu tiên trong đời tôi biết đến cảm giác ăn năn, hối hận.
Ngày hôm đó, tôi đã học được rất nhiều từ mới. Đến bây giờ, mặc dù tôi không nhớ chính xác tất cả những từ đó nhưng có một vài từ tôi luôn khắc sâu trong tâm trí mình như từ mẹ, bố, chị gái, cô giáo. Những từ này mở ra cánh cổng để tôi bước vào một thế giới ngập tràn màu sắc của trí tưởng tượng, giống như chuyện muôn hoa bung nở nhờ chiếc gậy thần kỳ của Aaron trong Kinh Thánh. Buổi tối, trước khi đi ngủ, tôi nghĩ khó có em bé nào dưới bầu trời này có được niềm hạnh phúc lớn lao như niềm vui tôi đã được đón nhận ngày hôm đó. Suốt bao tháng năm qua, đây là lần đầu tiên tôi cảm thấy rằng cuộc sống thật tươi đẹp và xứng đáng để mình sống.
- Helen Keller
Dưới đây là vài dòng tâm sự của cô Anne Sullivan trong những bức thư cô viết cho bạn bè kể về việc cô đã chứng kiến “phép thần kỳ” tác động đến Helen như thế nào.
Ngày 20 tháng 3 năm 1887
Phép màu đã diễn ra trong buổi sáng hôm ấy và khiến lòng tôi tràn ngập niềm vui sướng. Vậy là cô học trò bé nhỏ của tôi đã thấu hiểu được sức mạnh của trí tuệ và sự hiểu biết. Và kể từ đây, cuộc sống của cô bé bắt đầu có những bước đổi thay đáng kể.
Cô nhóc bướng bỉnh mà tôi gặp cách đây hai tuần đã dần trở thành một cô học trò ngoan ngoãn, biết vâng lời. Con bé ngồi sát bên cạnh tôi khi tôi viết bài; gương mặt trẻ thơ toát lên vẻ trong sáng. Con bé đang đan một chiếc khăn dài màu đỏ bằng len xứ Scotch. Tuy chỉ mới học đan được gần một tuần nay nhưng tôi biết con bé rất tự hào về thành quả mình đã đạt được. Sau khi đan xong một sợi dây đủ dài để giăng khắp phòng, con bé tự vỗ tay khen mình và cầm sản phẩm đầu tiên cọ cọ vào má. Những lúc vui vẻ như thế này, Helen thường sà vào lòng tôi và ngồi im trong vài phút. Nhưng có một điều đặc biệt là con bé không bao giờ đáp lại những cử chỉ vuốt ve âu yếm của tôi.
Cô học trò nhỏ của tôi đạt được một bước tiến đáng kể trong quá trình học tập. Helen tỏ ra hơi cáu kỉnh khi tôi cố ép nó học bài học đầu tiên. Nhưng sau đó thì con bé quen dần với việc học. Trách nhiệm của tôi là tìm cách tiếp cận và uốn nắn tố chất thông minh cùng những phẩm chất tốt đẹp đang được khơi dậy trong tâm hồn cô bé này. Tôi rất tâm huyết với công việc của mình. Hầu hết mọi người đều nhận ra sự thay đổi ở Helen. Mỗi ngày, cha của cô bé ghé qua phòng học của hai cô trò hai lần, một lần trước khi đi làm và một lần sau khi ông tan sở. Khi nhìn thấy nét mãn nguyện trên gương mặt bé bỏng, xinh xắn đang ngồi xâu những chuỗi hạt hoặc khâu những đường nằm ngang trên khung thêu của con bé, ông thốt lên: “Trông nó mới chăm chú làm sao!”. Ông hết sức lo lắng khi nhận thấy Helen ăn rất ít. Ông lo rằng con bé biếng ăn là do nhớ nhà nên định mang con bé về. Dù không đồng ý với suy nghĩ này nhưng tôi hứa với ông rằng hai cô trò tôi sẽ sớm rời khỏi căn phòng ngột ngạt này.
Trong tuần này, Helen phải học một số từ khó và phải phân biệt sự khác nhau giữa hai từ cốc nước và nước. Đây thật sự là việc rất khó khăn đối với con bé. Khi con bé đánh vần từ nước thì lại nghĩ là từ này chỉ cốc nước, còn khi đánh vần từ cốc nước thì con bé lại biểu thị những động tác như đang rót nước hay uống nước. Rõ ràng là con bé đang lẫn lộn nghĩa của các từ này với nhau. Lúc bấy giờ, Helen không hề biết rằng tất cả mọi sự vật trên thế giới này đều có tên gọi riêng của nó.
Ngày 5 tháng 4 năm 1887
Tôi vội viết ngay cho bạn mấy dòng vì ngày hôm nay đã diễn ra một sự kiện quan trọng. Helen đã có bước tiến vô cùng quan trọng trong quá trình học tập. Cô bé đã hiểu và chấp nhận rằng mỗi một sự vật đều có tên gọi riêng, và bảng chữ cái nổi chính là chiếc chìa khóa để cô bé tìm hiểu kho tàng kiến thức vô tận của nhân loại.
Trong thư trước, tôi đã kể với bạn về nỗi khổ sở của Helen khi phải đánh vật với hai từ “cốc nước” và “nước”. Con bé luôn luôn nhầm lẫn những danh từ chỉ thức uống với động từ “uống”. Cô bé không biết từ biểu thị cho hành động “uống”nhưng bất cứ khi nào đánh vần từ “cốc nước” hay “nước” thì con bé lại có những động tác như diễn kịch câm thể hiện hành động uống nước. Sáng hôm đó, trong khi rửa tay, Helen muốn học tên gọi của vật thể được gọi bằng danh từ “nước”. Khi muốn biết tên của vật nào đó, cô bé chỉ vào nó và vỗ nhẹ vào tay tôi. Tôi viết những ký hiệu của từ “n-ư-ớ-c” và không nghĩ ra được cách nào tốt hơn để giải thích cho con bé hiểu. Sau khi dùng điểm tâm xong, tôi nảy ra một sáng kiến có thể giúp cô học trò bé nhỏ của mình vượt qua khó khăn trong việc phân biệt cặp từ “cốc nước – nước”. Hai cô trò dẫn nhau ra chỗ nhà bơm nước và tôi đặt một tay của Helen đang giữ chặt lấy chiếc cốc dưới vòi nước và viết từng ký tự của từ “n-ư-ớ-c” vào tay còn lại. Tôi nghĩ Helen hiểu ngay ý nghĩa của từ này khi cảm nhận được dòng nước mát lạnh tuôn chảy qua kẽ tay mình. Con bé đánh rơi cái cốc và đứng sững người ra một lúc. Nét hân hoan hiện ra trên gương mặt của cô học trò nhỏ. Con bé viết đi viết lại từ “nước” nhiều lần. Sau đó, Helen ngồi thụp xuống sân và hỏi tôi tên gọi của nó là gì, rồi thì con bé lại chỉ vào cái cần bơm nước và giàn dây leo. Sau đó, con bé ôm chầm lấy tôi và muốn biết tên của tôi đánh vần như thế nào. Tôi viết những ký tự của từ “cô giáo”. Lúc ấy, một người giúp việc bế em gái nhỏ của Helen ra nhà bơm nước chơi và Helen đánh vần từ “em bé” và chỉ tay vào cô hộ lý. Trên đường về nhà, Helen tỏ ra rất phấn khởi. Con bé muốn biết tên gọi của tất cả những vật mà mình có thể chạm tay vào nên chỉ vài giờ sau, cô học trò nhỏ của tôi đã có thêm ba mươi từ mới trong vốn từ còn ít ỏi của mình.
Tái bút: Tôi không kịp hoàn tất lá thư để gửi đi vào tối hôm qua nên tôi viết thêm vài dòng nữa. Sáng hôm nay Helen thức dậy, trông xinh xắn và rạng rỡ như một thiên thần nhỏ. Cô bé tung tăng chạy nhảy hết chỗ này đến chỗ khác, hỏi tên gọi của đủ mọi thứ trong nhà và vui vẻ đến hôn vào má tôi. Đêm hôm qua, khi tôi chuẩn bị đi ngủ, con bé cứ ôm riết lấy hai cánh tay tôi trong vòng tay bé nhỏ của nó và lần đầu tiên Helen hôn tôi. Tôi thấy tim mình thổn thức, lòng dâng lên một niềm hạnh phúc không thể diễn tả bằng lời. Vậy là những nỗ lực của tôi đã được đền đáp xứng đáng. Cuộc đời của cô bé từ đây sẽ bước sang một bước ngoặt mới, hứa hẹn một tương lai tươi sáng hơn.
- Anne Sullivan