Dưới đây là câu chuyện về một trong những thành tựu vĩ đại nhất mọi thời đại . Suốt thời thơ ấu, hai anh em nhà Wright là Wilbur Wright (1867–1912) và Orville Wright (1871–1948) say mê món đồ chơi có cánh quạt được làm từ những thanh nhựa và cao su. Chính niềm đam mê này đã trở thành động lực thôi thúc hai anh em họ tìm tòi, nghiên cứu và chế tạo ra một cỗ máy chạy bằng động cơ chinh phục bầu trời, biến ước mơ hàng ngàn năm nay của loài người thành hiện thực. Chiếc máy bay đầu tiên do anh em nhà Wright sáng tạo là minh chứng cho khả năng kỳ diệu của bàn tay và khối óc con người. Họ là tấm gương sáng về tinh thần miệt mài trong lao động và sáng tạo. Vào năm 1900, anh em nhà Wright bắt đầu chế tạo những chiếc máy bay của họ tại Kitty Hawk thuộc vùng ven biển North Carolina. Sở dĩ họ chọn địa điểm này vì những luồng gió biển cùng những đụn cát cao ngất ở đây là môi trường lý tưởng cho việc thử nghiệm những chiếc máy bay đủ hình dạng của họ. Ngày 17 tháng 12 năm 1903, sau không biết bao nhiêu lần bay thử với không ít lần thất bại, Orville đã thực hiện thành công chuyến bay đầu tiên bằng động cơ ở độ cao 120 feet (37 mét) so với mặt đất. Lần bay thử thứ tư và cũng là lần máy bay đạt đến độ cao cao nhất trong ngày trọng đại đó, cỗ máy đã bay được ở độ cao 852 feet (260 mét) trong vòng 59 giây. Sự kiện lịch sử đó được Wilbur thuật lại trong câu chuyện dưới đây. Câu chuyện về anh em nhà Wright là bài học về ý chí của con người: Có những điều tưởng chừng như nằm ngoài khả năng của con người nhưng con người có thể làm nên những điều kỳ diệu khi nỗ lực hết mình để theo đuổi nó.
Những người dân sống tại Kitty Hawk rất có thiện cảm với hai anh em Wilbur và Orville. Họ không ngần ngại chia sẻ với hai anh em lương thực và mọi nguyên vật liệu sẵn có trong nhà. Thậm chí họ còn tìm đủ mọi cách để hỗ trợ hai anh em. Dù mọi người đều rất kính trọng anh em nhà Wright nhưng chẳng mấy ai tin rằng anh em họ có thể chế tạo nên cỗ máy biết bay. Cũng giống như cư dân ở những vùng miền khác, khi tranh luận về khả năng bay trên không trung của con người, người dân ở Kitty Hawk quen với nếp nghĩ đã ăn sâu vào tâm thức họ từ ngàn đời nay: “Nếu Chúa muốn loài người bay được thì Người đã ban cho chúng ta đôi cánh”.
Bill Tate là một người bạn thân lâu năm của hai anh em Wright. Thế nhưng, anh chàng này đã không có mặt tại buổi bay thử nghiệm ngày 17 tháng 12 năm 1903 vì không có niềm tin nơi bạn bè mình. Bill đã không ngần ngại tuyên bố: “Không một người bình thường nào lại cứ tìm mọi cách bay lên trời chỉ nhờ vào một cơn gió”.
Nhưng hai anh em Wright không bao giờ suy nghĩ theo lối mòn. Còn vài giây nữa là đồng hồ điểm 12 giờ trưa và đây là lần bay thử nghiệm thứ tư trong ngày, Wilbur ngồi vào vị trí lái, cánh quạt quay vù vù và động cơ phát ra tiếng kêu ầm ầm như sấm rền. Anh cột chiếc mũ thật chặt, gió phả vào người khiến anh có cảm giác gai gai. Bao giờ cũng vậy, khi khởi động, cả cỗ máy giật lên từng hồi, tròng trành lắc lư hết lao sang bên trái lại ngoặt sang bên phải trong gần 20 mét đầu tiên. Wilbur vững vàng trong chiếc ghế khá tiện nghi dành cho người điều khiển, hai chân bị che khuất phía dưới trong khi hai tay thì giữ chắc cần điều khiển. Anh kiểm tra chỉ số của ba chiếc máy đo sức gió rồi quan sát hai bên cửa sổ để chắc chắn không có ai đứng gần hai cánh của máy bay. Wilbur không tin tưởng vào những người không có chuyên môn nên quyết định tự mình xử lý mọi việc. Anh biết rất rõ rằng chiếc máy bay này chỉ cần chạy một quãng đường khoảng 15 mét trong sức gió thổi mạnh sẽ tạo ra một lực đủ mạnh để nâng nó lên khỏi mặt đất và lao vào không trung.
Wilbur ngẩng đầu lên, phóng tầm mắt ra xa quan sát khu vực bờ biển. Hôm nay thời tiết rất khác so với mọi ngày; sức gió rất mạnh, thời tiết âm u và hiếm hoi lắm mới thấy vài bóng hải âu sải cánh dưới bầu trời xám xịt.
Wilbur lại đưa mắt quan sát hai bên cánh máy bay, nhìn em trai mình và gật đầu. Mọi thứ đã sẵn sàng. Wilbur đưa tay ra kéo công tắc khởi động máy. Ngay lập tức, cả cỗ máy tiến về phía trước. Sau khi chạy trên mặt đất khoảng 15 mét, máy bay đã dễ dàng cất mình lên không trung. Dù Wilbur đã chuẩn bị tinh thần đối phó với mọi thay đổi của sức gió và hướng gió nhưng hôm nay, gió quá mạnh khiến anh phải chật vật xoay xở với hệ thống điều khiển cỗ máy. Trong mấy chục mét đầu tiên, máy bay cứ chồm lên chồm xuống như một con bò khổng lổ có cánh lao đi trong không trung. Khi đã cách mặt đất 60 mét, cỗ máy vận hành một cách nặng nhọc. Toàn thân nó lắc lư, chao đảo rồi đột nhiên đâm bổ xuống mặt đất. Tuy nhiên, chỉ cần dùng một chân nhấn ga bên dưới, Wilbur đã lấy lại quyền kiểm soát cỗ máy, hướng nó bay lên cao hơn.
90 mét cách mặt đất – đường bay của cỗ máy trong không trung bắt đầu ổn định hơn.
Có năm người tận mắt chứng kiến sự kiện lịch sử này còn Orville thì hét toáng và nhảy cẫng lên sung sướng. Phía trên, Wilbur đã vượt qua được bức tường vô hình nào đó của không trung sau khi kiểm soát được cỗ máy. Máy bay đang ở độ cao 120 mét cách mặt đất và động cơ đã vận hành êm hơn, cỗ máy không còn bất thình lình chồm lên chồm xuống nữa. Wilbur vẫn giữ máy bay ở độ cao ổn định, khi sức gió giảm dần thì máy bay cũng chỉ hạ độ cao xuống khoảng từ một đến hai mét.
Kim đồng hồ tích tắc điểm và chỉ sang giây thứ 15. Không còn nghi ngờ gì nữa: Chiếc máy bay đang được kiểm soát tốt; năng lượng từ động cơ đã có đủ sức nâng trọng lượng và đẩy nó lao đi trong không trung.
Bay được rồi!
Thành công rồi! Ngay tại giây phút này!
150 mét.
180 mét.
210 mét. Không thể tin được!
“Chúa ơi! Hình như anh Wilbur đang muốn quan sát toàn bộ khung cảnh Kitty Hawk từ trên cao. Anh ấy đã bay xa được cả dặm rồi”, Orville nghĩ. Và Orville đã đoán đúng, đó chính là ý đồ của Wilbur. Anh vẫn tiếp tục tiến về phía trước và không ngừng cho máy bay bay cao hơn nữa, bỏ xa những nóc nhà và những ngọn cây phía dưới.
240 mét.
Cỗ máy vẫn tiến về phía trước, tiếp tục hành trình chinh phục không trung. Trước mặt Wilbur là những đồi cát nhấp nhô. Anh điều chỉnh bánh lái, nâng mũi máy bay lên để nó vượt lên trên đỉnh đồi cát. Một khi vượt qua được chướng ngại này thì đường bay sẽ rất thoáng, không gặp phải rào cản nào nữa. Wilbur cho máy bay từ từ tăng độ cao. Tuy nhiên, những đụn cát này lại gây ra những tác động không lường khi những cơn gió quét qua với tốc độ cực mạnh. Đầu máy bay bị kéo xuống dưới sức nặng của gió. Wilbur điều chỉnh cho mũi máy bay hướng lên nhưng ngay lập tức, những cơn gió lại làm mũi máy bay chúc xuống. Cứ như thế, máy bay nâng lên rồi lại chúi xuống liên tục. Hôm đó, gió lại hào phóng một cách bất thường khiến cát tung mù mịt và vật thể bay “đột nhiên lao xuống mặt đất”. Sau này, chính Orville đã miêu tả lại cảnh tượng của lần bay thử nghiệm thành công đó bằng những lời như vậy.
Wilbur biết rằng việc cho máy bay hạ cánh còn khó khăn hơn cả việc giữ nó trên không trung. Những công tắc dùng để phanh máy bay được bóp chặt lại, cả thân hình đồ sộ của cỗ máy chịu một áp lực rất mạnh. Những người ở dưới còn nghe thấy cả tiếng những mảnh gỗ gãy răng rắc kèm theo tiếng nổ. Máy bay khựng lại ngay lập tức, gồng mình chịu đựng sức gió quật. Sau đó, nó từ từ hạ cánh xuống bãi cát, bánh lái phía trước lún xuống khiến cho mặt cát bị lõm xuống một góc. Máy bay bị kẹt lại trong lớp cát, động cơ rít lên kin kít và sau đó lại phát ra tiếng kêu xoành xoạch quen thuộc. Tuy nhiên, Wilbur vẫn bình an vô sự. Tuy hơi thất vọng vì không thể kéo dài thời gian bay hơn nhưng với anh, quãng thời gian ngắn ngủi được bay trên không trung đã là điều kỳ diệu. Wilbur với tay tắt công tắc vận hành máy. Những cánh quạt chậm dần lại rồi ngưng hẳn. Gió thổi phần phật vào chiếc áo bằng sợi vải thô mà Wilbur đang mặc trên người. Gió lùa qua bãi đất trống, chỉ có hai cánh hải âu thấp thoáng hiện ra phía bờ biển. Wilbur nghe thấy cả tiếng trái tim mình đang đập thình thịch trong lồng ngực.
Bay được rồi!
Wilbur đã chinh phục bầu trời được 59 giây.
Độ cao cao nhất máy bay đạt được là 260 mét.
Lộ trình trong không gian, tính cả sức cản không khí, vận tốc gió và những tác nhân khác thì Wilbur bay được hơn nửa dặm.
Wilbur - Không! Chính hai anh em họ - đã làm được điều kỳ diệu.
Thời đại chinh phục không trung đã đến.
Chỉ 56 ngày trước đó, trong một bài báo đăng trên tờ The Independent, Simon Newcomb - nhà khoa học duy nhất kể từ thời Benjamin Franklin trở thành cộng tác viên của học viện nghiên cứu khoa học của Pháp - trình bày những lập luận chặt chẽ chứng minh rằng chuyện con người bay vào không trung chỉ là giả thuyết ngông cuồng.
Tất cả ùa đến vị trí máy bay hạ cánh, nơi Wilbur đang đứng đợi mọi người. Không ai ghi lại những lời Wilbur đã nói vào giây phút trọng đại ấy và đây quả là một thiếu sót lớn cho lịch sử loài người.
Những cơn gió lạnh buốt vẫn không ngừng thổi; Orville và Wilbur trở về xưởng để chuẩn bị bữa trưa. Họ nghỉ ngơi ít phút rồi nghĩ đến việc thông báo thành tích của họ cho mọi người biết. Gần hai giờ chiều, cả hai đi bộ đến một trạm bưu điện cách Kitty Hawk khoảng bốn dặm trong thời tiết u ám, lạnh lẽo. Họ gửi điện tín đến Norfolk để nó được truyền đến một văn phòng ở Dayton - nơi ở của giám mục Wright, cha của hai anh em Wright. Và cha của họ đã nhận được một bức điện có nội dung như sau:
Gửi từ Kitty Hawk, North Carolina qua Norfolk đến Dayton.
Ngày gửi: Ngày 17 tháng 12
Người nhận: Giám mục Wright
Địa chỉ: Số 7 đường Hawthorne
Chuyến bay thử nghiệm lần thứ tư vào sáng thứ năm đã thành công. Vận tốc lúc xuất phát là 21 dặm một giờ, sau đó động cơ máy bay đạt đến vận tốc trung bình 31 dặm một giờ. Thời gian bay trên không trung là 57 giây. Khẩn trương thông báo cho mọi người biết. Chúc mừng Giáng sinh!
Orville Wright
5 giờ 25 phút chiều
Bức điện tín khá vắn tắt chứa một thông tin chưa chính xác về thời gian bay: bức điện đề 57 giây trong khi máy bay của họ bay được 59 giây. Hai anh em Wright đi đến trạm cứu thương gần đó để trao đổi với người quản lý trạm. S. J. Payne - người quản lý ở đó - cho biết ông đã dùng ống nhòm quan sát được cảnh máy bay của hai anh em bay trên bầu trời.
Khi đến bưu điện, Orville và Wilbur gặp đại tá và phu nhân Hobbs – những người đã hỗ trợ rất nhiều trong thời gian hai anh em chế tạo và thử nghiệm máy móc. Hai người cũng dành thời gian trò chuyện với Tiến sĩ Cogswell trước khi quay trở về lán. Vài ngày sau, hai anh em Wright mới tháo rời các bộ phận của máy bay ra và đóng gói tất cả lại. Sau đó, họ lại bắt tay vào công việc của mình một cách tỉ mỉ và cẩn thận như thường lệ. Tuy nhiên, thành công lần này vẫn chưa thu hút được sự chú ý quan tâm của dư luận. Sau đó cả Wilbur và Orville trở lại bãi đất trống nơi chiếc máy bay đã vài lần cất cánh. Họ đứng lặng nhìn vùng trời mà chiếc máy bay của họ đã chinh phục được.