Leo Tolstoy viết truyện này vào năm 1886. Bằng phép ẩn dụ tài tình, nhà văn nhắc nhở chúng ta một bài học rằng con người cần phải biết đặt ra những giới hạn nhất định cho lòng ham muốn của mình.
Ngày xửa ngày xưa, ở một làng nọ có một bác nông dân tên là Pahom. Dù làm việc chăm chỉ quanh năm suốt tháng nhưng do không có một tấc đất cắm dùi nên bác Pahom vẫn nghèo xơ xác. Bác nghĩ bụng: “Than ôi, ta đầu tắt mặt tối làm lụng từ khi sinh ra tới nay mà nghèo vẫn hoàn nghèo. Nếu ta có một mảnh đất thì chắc chắn mọi thứ đã khác rồi”.
Bấy giờ, làng bên cạnh có một quý bà nọ sở hữu khoảng ba trăm mẫu đất. Một buổi sáng mùa đông, người ta đồn rằng bà này dự định sẽ bán một phần đất của mình. Pahom nghe nói người hàng xóm của bác đã mua năm mươi mẫu và quý bà nọ chấp thuận nhận một nửa số tiền, nửa còn lại sẽ trả trong vòng một năm.
“Mình mà chậm chân khéo chừng sẽ chẳng còn đất để mua nữa,” – bác Pahom nghĩ thầm. Thế rồi bác nói với vợ:
- Bà có thấy người ta đang kéo nhau đi mua đất không? Mình cũng phải mua ít nhất hai mươi mẫu. Không có đất thì mình chẳng làm ăn được gì cả.
Thế là hai vợ chồng bác bàn bạc tìm cách mua đất. Họ chỉ có một trăm rúp tiền mặt, cộng với số tiền bán một con ngựa non, nửa đàn ong và tiền làm thuê của cậu con trai. Số tiền còn thiếu, vợ chồng bác mượn của anh rể. Pahom đến nhà quý bà nọ và chọn mua một miếng đất đang trồng cây lấy gỗ rộng bốn mươi mẫu.
Bây giờ, bác Pahom đã có một mảnh đất của riêng mình. Bác gieo hạt và may mắn thay, ngay từ vụ đầu, bác đã được một mùa bội thu. Trong vòng một năm, bác Pahom đã trả hết số nợ cho người bán đất và anh rể. Bác trở thành địa chủ, gieo hạt trên “mảnh đất của Pahom”, cắt cỏ trên “mảnh đất của Pahom”, thu hoạch từ “những cái cây của Pahom”, nuôi “đàn gia súc Pahom” trên đồng cỏ cũng “của riêng Pahom”. Mỗi khi ra đồng cày cấy, thăm vườn ngô sắp tới mùa thu hoạch hay đi dạo quanh trang trại, trái tim bác luôn tràn ngập niềm vui. Đám cỏ trong vườn bác đang lớn nhanh và những luống hoa đang hé nụ thật đặc biệt. (Thật ra, cánh đồng của bác Pahom cũng giống những cánh đồng khác nhưng với bác thì chúng thật sự-rất-khác-biệt).
Một ngày nọ, bác Pahom đang ngồi nghỉ trên một thửa ruộng của mình thì thấy có một nông dân lạ đi ngang qua làng. Bác hỏi thăm ông ta và được biết ông ta đến từ phía thượng nguồn sông Volga. Chuyện trò hồi lâu, người đàn ông này kể rằng ở quê ông ta, đất đang được bán với giá hết sức hời và nhiều người đang đổ xô đến mua. Đất ở đó màu mỡ đến mức lúa mạch đen lớn nhanh như thổi và chỉ cần năm phát liềm đã được một bó to. Người đó còn kể về một anh nông dân đến đấy lập nghiệp với hai bàn tay trắng nhưng giờ đã tậu được sáu con ngựa và hai con bò.
Trái tim bác Pahom ngập tràn khao khát. “Sao ta lại chịu đựng sống trong mảnh đất chật hẹp này trong khi ở nơi khác người ta có thể sống sung sướng hơn?” - Bác nghĩ. - “Ta sẽ bán hết đất đai, nhà cửa vườn tược của mình ở đây. Với số tiền đó ta có thể bắt đầu một cuộc sống hoàn toàn mới ở nơi đó.”
Thế là bác Pahom bán hết trang trại rồi đưa cả gia đình đến sinh sống tại vùng đất mới. Và mọi thứ diễn ra đúng như lời người nông dân đã nói với bác Pahom. Với số tiền trong tay, bác Pahom mua được một mảnh đất rất rộng và rất nhiều gia súc. Chẳng bao lâu sau, bác trở nên giàu có hơn trước gấp mười lần.
Thoạt tiên, cảm giác bận rộn khi xây nhà và sắp đặt trang trại khiến bác Pahom cảm thấy rất hài lòng. Nhưng sau đó, khi đã quen với mọi thứ, bác nhận ra ngay cả ở đây bác cũng vẫn không thỏa mãn. Bác muốn trồng thêm nhiều lúa mạch nhưng đất đai nhà bác không đủ chỗ. Cuối cùng, bác Pahom quyết định thuê thêm đất để trồng trọt. Khí hậu thuận lợi đã mang lại cho bác nhiều vụ mùa bội thu. Nhưng một lần nữa, bác Pahom lại bắt đầu cảm thấy chán ngấy việc giành giựt thuê đất mỗi năm. Bác nghĩ: “Nếu chúng là đất của mình thì mình sẽ thoải mái trồng trọt và chẳng còn gì phải phiền hà nữa”.
Một ngày nọ, có một người môi giới đất đi ngang qua làng. Người này bảo rằng anh ta vừa trở về từ miền Bashkir xa xôi và đã mua mười ba ngàn mẫu đất ở đấy chỉ với vỏn vẹn một ngàn rúp.
Anh nói:
- Bác chỉ việc kết thân với thủ lĩnh của họ. Tôi đã chỉ bỏ ra một trăm rúp mua mấy cái áo khoác dành cho phụ nữ, vài tấm thảm và một số hộp trà để tặng cho ông ta. Ngoài ra, tôi mua rượu cho những ai có thể uống được rượu trong làng. Chừng đó lễ vật đã giúp tôi mua được một miếng đất chưa đến hai xu một mẫu.
Pahom nghĩ: “Chắc chắn ta sẽ có một miếng đất gấp mười lần thế này. Phải đến đó mới được”.
Thế rồi bác Pahom để các con trông nom trang trại rồi mang theo người tùy tùng lên đường. Họ dừng lại ở một thị trấn nọ mua trà, rượu và thêm mấy món quà khác theo lời khuyên của chủ quán. Mỗi ngày, bác Pahom và người tùy tùng đi được hơn ba trăm dặm. Đến ngày thứ mười bảy thì họ tới được nơi những người Bashkir hạ trại.
Ngay khi nhìn thấy Pahom, đám người túa ra khỏi lều và vây quanh hai vị khách lạ. Pahom lấy quà phân phát cho mọi người và giới thiệu mình đến từ một vùng đất rất xa. Họ mời Pahom uống trà, sữa ngựa và giết cừu thết đãi ông. Sau đó, họ dẫn ông đến gặp thủ lĩnh của họ.
Vị thủ lĩnh lắng nghe, ra dấu mọi người im lặng và nói với Pahom:
- Được thôi. Chọn bất kỳ mảnh đất nào ngươi muốn. Đất đai chúng ta rộng mênh mông.
- Giá cả thế nào, thưa ngài? - Pahom hỏi.
- Chúng ta chỉ có duy nhất một giá: Một ngàn rúp một ngày.
Pahom lắc đầu, không hiểu vị thủ lĩnh đang nói gì.
- Một ngàn rúp một ngày? Các ngài đo bằng kiểu gì vậy? Như thế là bao nhiêu mẫu?
- Chúng ta không tính chính xác bao nhiêu. Chúng ta bán đất theo ngày, một ngày giá một ngàn rúp. Trong một ngày ngươi đi được bao xa thì phần đất đó sẽ là của ngươi.
Pahom vô cùng ngạc nhiên:
- Nhưng trong một ngày tôi có thể đi được rất xa!
Vị thủ lĩnh cười lớn:
- Tất cả sẽ là của ngươi. Nhưng điều kiện kèm theo là nếu khi mặt trời lặn mà ngươi không thể trở lại đúng nơi xuất phát thì ngươi sẽ mất trắng một ngàn rúp.
- Nhưng bằng cách nào tôi đánh dấu đường mình đi được?
- Chúng ta sẽ đứng tại nơi ngươi chọn làm điểm khởi hành. Ngươi sẽ bắt đầu khoanh vùng đất đai của ngươi từ chỗ đó. Hãy mang theo một cái thuổng và đánh dấu những chỗ ngươi cho là cần thiết. Ở mỗi khúc quanh, ngươi phải đào một cái hố để sau này chúng ta có thể lần theo vết đào của ngươi. Ngươi muốn mảnh đất của mình rộng bao nhiêu tùy ý, nhưng trước khi mặt trời lặn ngươi phải trở về điểm xuất phát. Phần đất được đánh dấu sẽ thuộc về ngươi.
Pahom rất sung sướng khi nghe vị thủ lĩnh nói như vậy và quyết định sẽ bắt đầu ngay ngày mai. Sau đó, họ trò chuyện thêm đôi ba câu, uống một ít sữa ngựa, ăn thêm thịt cừu và uống trà rồi đi ngủ. Những người Bashkir mang đến cho Pahom một chiếc giường nệm lông cừu. Họ hẹn sáng mai sẽ tập trung tại nơi bác Pahom chọn làm điểm xuất phát.
Pahom nằm trên chiếc giường êm ái nhưng không ngủ được. Ông suy nghĩ mãi về mảnh đất mình sắp làm chủ: “Ta sẽ đánh dấu một vùng thật rộng lớn! Một ngày ta có thể dễ dàng đi được ba mươi lăm dặm. Với chiều dài này, mảnh đất của ta sẽ rộng mênh mông bát ngát. Phần đất kém màu mỡ ta sẽ bán hoặc để lại cho đám gia nhân. Ta chỉ lấy phần đất tốt nhất và gieo trồng trên đó. Ta phải mua thêm hai đàn bò và thuê hai người làm nữa. Một trăm năm mươi mẫu đất để gieo trồng và ta sẽ thả gia súc trên phần đất còn lại”.
Khi Pahom nhìn ra bên ngoài thì thấy trời đã mờ mờ sáng. Bác nghĩ bụng: “Đến giờ đánh thức họ rồi. Chúng ta phải bắt đầu ngay”. Bác trở dậy, đánh thức người tùy tùng, thúc anh này đóng yên cương rồi đến gặp người Bashkir.
- Ta bắt đầu đi đo đất thôi. - Pahom nói.
Những người Bashkir đã thức dậy và tập trung ở nhà vị thủ lĩnh. Lúc bác Pahom đến thì thấy họ đang uống sữa ngựa. Bác Pahom từ chối lời mời uống trà của họ vì bác không thể đợi thêm nữa.
- Chúng ta khởi hành thôi, đừng chần chừ nữa. Trễ lắm rồi! - Bác hối thúc.
Và cuối cùng, họ xuất phát theo đúng dự định; một số cưỡi ngựa và số còn lại ngồi trong xe. Pahom cưỡi ngựa riêng và mang theo một cái thuổng. Họ tiến về phía một cồn đất và xuống ngựa. Vị thủ lĩnh tiến lại gần Pahom và giơ cánh tay chỉ về phía thảo nguyên:
- Hãy nhìn đây, tất cả nơi này đều là đất của người Bashkir. Ngươi có thể lấy một phần nhỏ của nó.
Đôi mắt Pahom lóe sáng khi nhìn cánh đồng trải dài đến hết tầm mắt. Đất nơi này chưa khai phá, bằng phẳng như lòng bàn tay và có rất nhiều loại cỏ mọc cao đến ngang ngực.
Vị thủ lĩnh cởi chiếc mũ lông cáo ra, đặt trên đất và nói:
- Đây là dấu hiệu. Bắt đầu từ đây và kết thúc cũng tại đây. Phần đất được đánh dấu sẽ thuộc về ngươi.
Pahom lấy tiền đặt lên chiếc mũ. Sau đó, bác cởi áo choàng ngoài, tháo dây đai và thắt chặt nó dưới bụng. Pahom chỉ bỏ theo một bọc bánh mì nhỏ vào túi áo khoác cộc tay trước ngực và treo một bình nước vào dưới thắt lưng. Đoạn, bác sửa lại đôi giày, nhận chiếc thuổng từ người hầu và sẵn sàng xuất phát. Pahom ngẫm nghĩ nên đi theo hướng nào là tốt nhất vì mọi nơi đều có vẻ rất hấp dẫn. Cuối cùng bác quyết định: “Không hề gì, ta sẽ đi về phía mặt trời mọc”.
Pahom hướng mặt về phía Đông, đứng thẳng người chờ đợi mặt trời ló dạng. Bác nghĩ: “Ta không được chậm trễ một giây nào. Và đi bộ khi trời mát sẽ dễ dàng hơn nhiều”.
Khi mặt trời vừa xuất hiện ở đằng đông. Pahom liền vác thuổng lên vai đi về phía đồng bằng. Thoạt tiên, bác quyết định đi vừa phải, không nhanh không chậm. Đi được khoảng một ngàn thước, Pahom dừng lại, đào một cái lỗ và phủ cỏ khô sang bên cạnh để dễ phát hiện ra. Sau đó, Pahom tiếp tục đi nhưng lần này, bác không thể theo nguyên tắc đặt ra nữa nên quyết định sải bước nhanh hơn. Một lúc sau, Pahom dừng lại đào thêm một cái lỗ khác.
Pahom quay lại nhìn về nơi mình xuất phát. Trong ánh mặt trời, bác vẫn thấy cồn đất và đám đông tụ tập trên đó. Bác đoán chừng mình đã đi được ba dặm. Trời dần ấm lên, Pahom cởi áo trong vắt lên vai rồi tiếp tục. Đi thêm một lúc, bác nhìn mặt trời và quyết định sẽ nghỉ chân ăn sáng.
“Phần đầu coi như xong, nhưng mình phải đi đủ diện tích miếng đất này. Bây giờ còn quá sớm để rẽ hướng. Nhưng mình phải tháo giày ra đã”. - Pahom nghĩ thầm.
Pahom cúi xuống, tháo giày buộc ngang bụng và tiếp tục đi. Giờ đây bác bước đi dễ hơn trước rất nhiều. Pahom nghĩ: “Mình sẽ đi thêm ba dặm nữa rồi rẽ trái. Đất chỗ này tốt quá, bỏ đi thật uổng. Càng đi xa miếng đất sẽ càng rộng”.
Pahom tiếp tục đi thẳng và khi nhìn lại thì cồn đất chỉ còn là một dải lờ mờ và những người đứng trên đó trông bé tí như kiến. Bác nghĩ bụng: “Mình đã đi được khá xa, giờ thì đổi hướng được rồi!”.
Pahom dừng lại, đào một cái hố lớn và đùn đám đất sang bên cạnh. Bác mở bình nước, tu một hơi dài rồi rẽ trái. Bác cứ đi mãi giữa đám cỏ cao ngất và ánh mặt trời chói lọi. Càng bước, Pahom càng cảm thấy mệt. Bác nhìn lên thì thấy mặt trời đã đứng bóng. “Dừng lại nghỉ một chút đã,” - bác nghĩ thầm.
Pahom ngồi xuống, ăn bánh mì và uống thêm chút nước. Tuy nhiên, bác không dám nằm xuống vì sợ sẽ ngủ thiếp đi mất. Sau khi nghỉ ngơi được một lúc, bác lại đứng dậy đi tiếp. Tuy bữa trưa có làm cho Pahom khỏe lại đôi chút nhưng do trời quá nóng và đang rất buồn ngủ nên bước chân của bác cứ chậm dần. Tuy vậy, Pahom vẫn cố bước đi, nghĩ bụng: “Cố cực khổ hôm nay thôi rồi mình sẽ sung sướng cả đời”.
Bác Pahom đi theo hướng đó một lúc lâu; trong lúc bác toan rẽ trái thì thấy một vùng trũng ẩm thấp. Thấy vậy, Pahom nghĩ: “Bỏ mất phần này thì thật là uổng phí, cây lanh mọc ở đây sẽ tốt lắm!”. Bác bèn đi hết chỗ trũng rồi mới rẽ trái. Pahom nhìn lại cồn đất, khí nóng làm không gian trở nên mù mịt và mọi thứ giống như ảo ảnh.
“Ôi, ta đã đi quá chậm. Hai cạnh còn lại phải khẩn trương lên mới được”. Pahom bắt đầu tiếp tục cạnh thứ ba bằng những sải chân dài. Mặt trời đang tiến dần về phía chân trời trong khi Pahom phải đi thêm hai dặm nữa mới hết cạnh thứ ba và mười dặm nữa mới về đến đích.
Pahom nghĩ: “Không xong rồi, ta phải chạy thẳng về cồn đất thôi. Ta đã đi rất xa, mảnh đất có xiên xẹo một tí thì nó vẫn rộng mênh mông”.
Thế là Pahom nhanh chóng đào một cái lỗ và hướng thẳng về phía cồn đất.
Nhưng giờ đây, Pahom gần như đã kiệt sức, bàn chân trần đầy những vết cắt thâm tím trong khi bắp vế thì mỏi nhừ như muốn rụng ra. Pahom muốn nghỉ một lúc, nhưng nếu làm như vậy thì bác không thể về lại cồn đất trước khi mặt trời lặn. Mặt trời không đợi một ai, nó đang dần dần lặn thấp xuống.
“Ôi, ước gì ta không tham lam đi xa như vậy. Nếu ta về không kịp thì sao đây?” – Pahom hốt hoảng. Bác nhìn về phía cồn đất rồi về phía mặt trời. Bác vẫn còn cách đích rất xa trong khi mặt trời đã sắp lặn mất rồi.
Pahom bước mãi bước mãi. Dù mệt lả nhưng bác vẫn cố gắng đi mỗi lúc một nhanh hơn. Rồi Pahom bắt đầu chạy, vứt bỏ hết giày, mũ, áo khoác, bình nước và chỉ giữ mỗi cái thuổng làm gậy thăng bằng.
“Mình phải làm gì đây ? Mình đã đi quá xa và thua trắng trong vụ thỏa thuận này. Làm sao về lại đó trước khi mặt trời lặn được?” - Pahom vừa chạy vừa nghĩ.
Sự sợ hãi càng làm Pahom cảm thấy khó thở. Bác tiếp tục chạy, quần áo ướt sũng bết dính vào người và miệng khô khốc. Trống ngực Pahom đập liên hồi và chân bác mỏi nhừ đến nỗi sắp rời ra. Nhưng Pahom vẫn không dừng lại. “Sau tất cả những gì đã làm, giờ đây nếu mình dừng lại họ sẽ coi mình như một lão ngốc”. Pahom tiếp tục chạy, mỗi lúc một đến gần cồn đất hơn và nghe thấy tiếng những người Bashkir đang reo hò cổ vũ bác ầm ĩ. Âm thanh náo động đó càng khiến tim Pahom đập dồn dập. Tập trung hết sức lực còn lại, bác lao nhanh về phía trước.
Mặt trời tiến gần xuống dưới núi; sương mù bắt đầu lan rộng. Mặt trời đã xuống rất thấp và Pahom cũng đang rất gần mục tiêu của mình. Bác nhìn thấy những người ở cồn đất vẫy tay thúc mình chạy nhanh thêm nữa. Pahom cũng nhìn thấy chiếc mũ lông cáo với gói tiền của mình nằm phía trên ; ngay bên cạnh là vị thủ lĩnh đang ngồi bệt trên mặt đất.
“Đúng là một diện tích đất khổng lồ. Nhưng thần linh có cho ta được sống trên đó không? Ta sắp chết mất. Ta sẽ chết mất! Ta sẽ không bao giờ về lại điểm xuất phát được.” - Pahom nghĩ.
Mặt trời chỉ còn lóe những tia nắng cuối cùng. Với toàn bộ sức lực còn lại, Pahom lao về đích, cúi thấp người xuống để khỏi bị mất thăng bằng. Đúng lúc bác về đến cồn đất thì trời đột nhiên tối sầm. Pahom nhìn lên: Mặt trời đã lặn mất rồi! Bác ta khóc lớn: “Công sức ta đã tan thành mây khói!” rồi dừng lại. Tuy nhiên, những người Bashkir vẫn tiếp tục reo hò. Từ phía dưới chỗ Pahom nhìn lên thì mặt trời đã khuất bóng nhưng trên cồn đất, những người Bashkir vẫn còn nhìn thấy ánh nắng cuối ngày. Pahom hít một hơi thật sâu và chạy thục mạng. Bác nhìn thấy chiếc mũ, kề bên là vị thủ lĩnh đang cười to khoái trá. Pahom kêu lên một tiếng, khuỵu xuống rồi đổ nhào về phía trước, tay chạm vào cái mũ lông cáo.
- Ôi! Một người đàn ông tuyệt vời. Ông ta giành được nhiều đất đấy nhỉ! – Vị thủ lĩnh nói lớn.
Người tùy tùng của Pahom chạy lên phía trước để dìu ông chủ của mình đứng dậy. Nhưng khi đến gần, anh ta thấy máu trào ra từ miệng của Pahom.
Pahom đã chết!
Những người Bashkir chỉ bày tỏ sự thương tiếc của mình bằng vài cái tặc lưỡi.
Người tùy tùng nhặt lấy cái thuổng, đào một huyệt mộ rộng đủ để đặt ông chủ mình vào trong đó rồi lấp đất lên. Đối với Pahom, giờ đây chỉ cần hai thước đất là đủ.
- Leo Tolstoy