1. Luận về đức, tài của người tình báo
Đức và tài của người tình báo vừa có sự thống nhất với đức, tài của người cán bộ cách mạng, của lực lượng vũ trang vừa có những đặc trưng riêng.
Trước hết nói về đức. Ngay từ những năm hai mươi, trong tác phẩm Đường cách mệnh, Hồ Chí Minh đã nêu lên 23 điều tư cách của người cách mạng, trong đó có một số điều mà sau này chính là đức của người tình báo (như “cẩn thận mà không nhút nhát”, “nhẫn nại ( chịu khó)”, “bí mật” ). Sau này, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Hồ Chí Minh khẳng định, người cán bộ cách mạng phải có đạo đức cách mạng. Phải giữ vững đạo đức cách mạng mới là người cán bộ cách mạng chân chính. Đạo đức cách mạng có thể nói tóm tắt là: nhận rõ phải, trái, giữ vững lập trường ( in nghiêng trong văn bản). Tận trung với nước. Tận hiếu với dân. Đạo đức đó liên quan tới cách mạng: mọi việc thành hay bại, chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng, hay là không. Một chỗ khác, Người khẳng định rằng, nói tóm tắt, thì đạo đức cách mạng là: quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất ( tôi nhấn mạnh). Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối chính sách của Đảng. Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc. Ra sức học tập chủ nghĩa Mác- Lênin, luôn luôn đấu tranh tự phê bình và phê bình để nâng cao tư tưởng và cải tiến công tác của mình và cùng đồng chí mình tiến bộ. Đạo đức cách mạng là tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân; là ra sức phấn đấu để thực hiện mục tiêu của Đảng ( in nghiêng trong văn bản). Nhiều chỗ khác, Hồ Chí Minh nhấn mạnh đạo đức cách mạng của người đảng viên như, bất kỳ khó khăn đến mức nào, người đảng viên cũng phải kiên quyết làm đúng chính sách và nghị quyết của Đảng, làm gương mẫu cho quần chúng; vô luận trong hoàn cảnh nào, người đảng viên cũng phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết.v.v..
Khi Hồ Chí Minh nói “người tình báo ắt phải có 4 đức tính: bí mật, cẩn thận, khôn khéo, kiên nhẫn” là Người muốn nhấn mạnh đặc trưng đạo đức riêng của người tình báo, bởi tình báo là một nghề đặc biệt, chứ điều đó hoàn toàn không phải người tình báo chỉ rèn luyện 4 đức tính đó. Hiểu một cách đúng đắn và đầy đủ, người tình báo, trong khi tu dưỡng, rèn luyện những đức tính chung, cần chú trọng những đức tính liên quan tới nghề nghiệp đặc thù của mình. Cần nhấn mạnh thêm rằng, đức là gốc trong mọi trường hợp, nhưng với cán bộ, chiến sĩ của một nghề đặc biệt liên quan đến sự tồn vong của đất nước như nghề tình báo thì cái gốc cũng có tính đặc thù, và vì vậy, việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức là vô cùng quan trọng và cần thiết.
Tài của người tình báo chứa đựng trong cụm từ “khoa học”. Đây là khoa học cách mạng, khoa học quân sự, khoa học xã hội- nhân văn. Cùng với những tài trí chung cần có của người cán bộ chiến sĩ trong lực lượng vũ trang, lực lượng công an nhân dân, với ý nghĩa là một nghề đặc biệt, tài của người tình báo cũng có nét đặc biệt. Chẳng hạn khoa học tình báo là để biết người, tức là để biết tình hình bên địch. Với tính cách là một khoa học, tình báo là một hoạt động mang tính khách quan; tin tức tình báo cũng phải rất khách quan, bảo đảm độ chính xác cao, bí mật, kịp thời. Cái tài của người tình báo là phải đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn, tổng kết những quy luật hoạt động của kẻ địch với một tổ chức tình báo rất khôn khéo, xảo quyệt. Chúng có nhiều kinh nghiệm, nhiều mánh khóe và một truyền thống lâu dài.
2. Vai trò đạo đức và mối quan hệ giữa đức và tài của người tình báo
2.1. Vai trò đạo đức của người tình báo
Vai trò đạo đức của người tình báo không nằm ngoài vai trò đạo đức chung của mỗi người, của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang. Trước hết, người tình báo phải có đức, phải được trang bị và thấm nhuần những điều thuộc tư cách một người cách mạng. Theo Hồ Chí minh, làm cách mạng mà chỉ giác ngộ chính trị và tăng cường sức mạnh tổ chức không thôi thì chưa đủ, mà còn phải thấm nhuần đạo đức cách mạng. Điều này sẽ đem lại sức mạnh cho cách mạng tăng lên bội phần. Bởi đó là yếu tố "chất người”, đóng vai trò động lực, làm cho văn minh thắng bạo tàn. Chẳng hạn, bàn về ý kiến của những người cho rằng cuộc kháng chiến chống Pháp của ta là "châu chấu đấu voi", Hồ Chí Minh giải thích: "Chỉ nhìn về vật chất, chỉ nhìn ở hiện trạng, chỉ lấy con mắt hẹp hòi mà xem, thì như thế thật. Vì để chống máy bay và đại bác của địch, lúc đó ta phải dùng gậy tầm vông. Nhưng Đảng ta theo chủ nghĩa Mác - Lênin, chúng ta không những nhìn vào hiện tại, mà lại nhìn vào tương lai, chúng ta tin chắc vào tinh thần và lực lượng của quần chúng, của dân tộc. Cho nên chúng ta quả quyết trả lời những người lừng chừng và bi quan kia rằng:
Nay tuy châu chấu đấu voi,
Nhưng mai voi sẽ bị lòi ruột ra" 1
1 Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXB CTQG, Hà Nội, 1995, t.6, tr.163 - 164
Từ kinh nghiệm của bản thân vượt qua nhiều khó khăn, nguy hiểm, Người khuyên cán bộ, đảng viên: "Chúng ta đem tinh thần mà chiến thắng vật chất, chúng ta vì nước, vì dân mà chịu khổ, một cái khổ rất có giá trị, thì vật chất càng khổ tinh thần càng sướng" 2.
(2) Hồ Chí Minh. Sđd, t.5, tr.148.
Nhiều người đã biết tới những luận điểm của Bác Hồ về vai trò, vị trí của đạo đức. Một luận điểm nổi tiếng của Người là : "Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân". Cần hiểu luận điểm này như thế nào cho đúng? Khi Bác nói "gốc", "nguồn" thì phải hiểu là từ đó sinh ra. Có gốc vững và gốc không vững; có nguồn nhiều nước và nguồn ít nước. Cho nên vai trò của đạo đức ở đây cần hiểu rằng nó tác động theo hai hướng: có đạo đức (gốc vững) thì cách mạng thắng lợi; ngược lại không có đạo đức (không có gốc hoặc gốc không vững) thì cách mạng thất bại. Bởi thế cho nên Bác viết: "Mọi việc thành hay bại, chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng, hay là không". Lại phải hiểu nhiệm vụ cách mạng, giải phóng dân tộc, giải phóng loài người là một công việc to tát. Vì vậy tự mình không có đạo đức, không có căn bản, hủ hoá, xấu xa thì còn làm nổi việc gì.
Bàn về vai trò, vị trí của đạo đức cách mạng, Hồ Chí Minh còn có những kiến giải khác. Người cho rằng năng lực và công việc mỗi người khác nhau, người làm việc to, người làm việc nhỏ, nhưng ai giữ được đạo đức đều là người cao thượng.
Đạo đức mới, đạo đức cách mạng được Hồ Chí Minh ví như một động lực giúp con người khi gặp khó khăn, gian khổ, cạm bẫy của chủ nghĩa cá nhân, thì vẫn đủ nghị lực vượt qua, phấn đấu cho lợi ích của Đảng, của cách mạng, của giai cấp, của dân tộc và của loài người. Có đạo đức cách mạng thì khi cần, sẵn sàng hy sinh cả tính mạng của mình cũng không tiếc. Ngược lại, khi gặp thuận lợi và thành công cũng vẫn giữ được tinh thần gian khổ, chất phác, khiêm tốn, chứ không kèn cựa về mặt hưởng thụ, không công thần, không quan liêu, không kiêu ngạo, không hủ hoá. Với tất cả những trình bày trên có thể kết luận lại theo tinh thần Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng là thước đo chất “người”, trình độ “ người” của một con người. Bởi vì, cũng như trời, đất, "thiếu một mùa thì không thành trời; thiếu một phương thì không thành đất, thiếu một đức thì không thành người".
Là những cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng tình báo, như đã nói ở trên, công việc liên quan tới vận mệnh quốc gia còn hay mất, nên phải thấy hết tầm quan trọng, vai trò, vị trí của đạo đức cách mạng. Lại phải thấy hết đặc thù nghề nghiệp để suy nghĩ về đạo đức tình báo. Chẳng hạn, cũng là bí mật, dựa vào dân, cẩn thận, khôn khéo, nhưng tố chất những đức tính này của người tình báo ắt phải khác những nghề khác. Nhận thức đúng đắn, sâu xa vấn đề này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, giúp người tình báo vượt qua khó khăn, nguy hiểm, phức tạp, hoàn thành tốt nhiệm vụ đặc thù của mình.
2.1. Mối quan hệ giữa đức và tài của người tình báo
Đạo đức của người tình báo là đạo đức mới, đạo đức cộng sản. Đạo đức đó phải phục vụ mục tiêu chính trị và lý tưởng cách mạng của Đảng, của dân tộc là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đạo đức người tình báo theo tư tưởng Hồ Chí Minh, xét đến cùng là nhằm giải phóng con người, đem lại Độc lập - Tự do - Hạnh phúc cho mỗi người và cho mọi người. Khi bàn về đạo đức, Hồ Chí Minh thường gắn liền hai cụm từ "cán bộ cách mạng" và "đạo đức cách mạng". Và điều chủ chốt nhất của đạo đức cách mạng là "quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng".
Vì đạo đức cách mạng luôn luôn gắn liền với việc thực hiện mục tiêu của Đảng và dân tộc, nên một người chiến sĩ cách mạng vừa phải có đức, vừa phải có tài, có tài lại phải có đức. Có đức mà không có tài, chẳng khác gì ông bụt trên chùa, không làm hại ai, nhưng cũng không thể phục vụ tốt nhiệm vụ cách mạng. Đặc biệt khi cách mạng phát triển, xã hội đi lên, chúng ta muốn bớt đi sự mò mẫm, sai lầm, thì càng phải có cả đức, cả tài. Cán bộ, đảng viên nếu không được học tập, nâng cao trình độ lý luận Mác - Lênin, không hiểu biết về khoa học, kỹ thuật, không có một trình độ văn hóa phổ thông... thì không thể nói tới việc xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.
Đối với nghề tình báo là một khoa học, thì trên cơ sở lấy đức làm gốc, việc luyện tài càng có ý nghĩa sâu sắc. Điều Bác dạy “vận mệnh của quốc gia còn hay mất một phần lớn do công của gián điệp” chứa đựng trong đó cả đức và tài. Người tình báo phải có tài để biết mình, biết địch thì mới “trăm trận đều thắng”. Khái niệm “tình báo giỏi” là Bác muốn nhấn mạnh đến cái tài của người tình báo. Người tình báo trước hết phải có tư cách của người tình báo, phải có tâm, có đức quyết tâm suốt đời phục vụ cách mạng, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Nhưng nếu không có tài thì nhiều khi cái đức đó trở thành vô nghĩa. Ví dụ tác phong làm việc không khoa học, trình độ kỹ thuật kém, không thành thạo trong nghiệp vụ chuyên môn về bí mật, điều tra, bám địch, v.v.. thì rất dễ hỏng việc.
Ngược lại, người có tài lại phải có đức. Mà phải trên cái nền, cái gốc là đức thì mới đi tới được việc rèn tài và mới có tài thật sự. Đạo đức cách mạng như đã phân tích ở trên, đóng vai trò quan trọng thúc đẩy sự nghiệp cách mạng. Mặt khác, xét đến cùng, làm cách mạng là phải đạt mục tiêu, có hiệu quả. Nếu có tài mà không có đức là vô dụng, sẽ không mang lại hiệu quả đích thực. Tư tưởng cốt lõi của Hồ Chí Minh về tình báo là tình báo cách mạng, tức nhiệm vụ của người tình báo là phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Người tình báo theo tư tưởng Hồ Chí Minh luôn luôn mang bản chất cách mạng. Vì vậy, người tình báo nếu chỉ đơn thuần giỏi về nghiệp vụ, chuyên môn mà không có đạo đức cách mạng, thì không những không phục vụ được đường lối cách mạng của Đảng, mà có khi lại hại cho Đảng, cho dân, cho nước. Cần phải nhận thức đúng đắn rằng, càng tinh thông nghiệp vụ chuyên môn, thì đức càng phải lớn. Chỉ có như vậy mới đúng nghĩa là tình báo cách mạng.
Mối quan hệ đức - tài ở người tình báo không chỉ vừa có đức vừa có tài, có tài phải có đức, trong đó đức làm gốc, mà còn ở chỗ trong đức phải có tài, trong tài phải có đức. Đức và tài tuy hai mà một, tuy một mà hai. Cách mạng là phá cái cũ đổi ra cái mới, phá cái xấu đổi ra cái tốt. Đạo đức cách mạng là nhằm phục vụ công việc và mục tiêu cách mạng. ở tầm bao quát, giải thích đạo đức cách mạng là gì, Bác nói nhiều nội dung, trong đó chứa đựng những yếu tố tài, như trí; nhận rõ phải trái, giữ vững lập trường; thực hiện mục tiêu của Đảng... Những yếu tố tài như vậy cũng lại là nội dung của đức.
Đối với nghề tình báo, nghiên cứu thấu đáo những quan điểm của Bác, chúng ta có thể nhận thấy không chỉ là mối quan hệ mà còn là sự thống nhất giữa đức và tài của người tình báo.
Khái niệm tình báo cách mạng với tính từ “cách mạng” giúp người tình báo hiểu bản chất người tình báo, đạo đức người tình báo, tài trí người tình báo và phương châm, nguyên tắc, biện pháp, nhiệm vụ tình báo. Phân tích như vậy để thấy ở đây hoàn toàn không có sự tách rời giữa đức và tài. Ngược lại, mỗi hoạt động của người tình báo phải thấu triệt và thấm nhuần cả đức và tài theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
Dựa vào dân, tin tưởng nhân dân, yêu thương, quý trọng nhân dân là đạo đức của người tình báo. Nhưng làm thế nào cho dân giúp sức là cả một khoa học, đó là khoa học dân vận, thuộc về năng lực của người tình báo. Người tình báo không có cách làm tốt, không vận động, giáo dục, thuyết phục tốt nhân dân…, thì rất khó phát huy được tinh thần và trí tuệ của nhân dân, rất khó được nhân dân giúp đỡ, ủng hộ, che chở, đùm bọc.
Bốn đức thuộc tư cách của người tình báo là bí mật, cẩn thận, khôn khéo, kiên nhẫn hàm chứa trong đó cả những tố chất thuộc về tài trí. ở đây thể hiện một sự thống nhất cao độ giữa đức và tài. Bốn đức đó vừa là đức vừa là tài.
Sự quan tâm của Hồ Chí Minh về sự thống nhất giữa đức và tài của mỗi người, đặc biệt là người cách mạng đã góp phần to lớn đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc tới thắng lợi. Sau khi Người qua đời, trong sự nghiệp đổi mới, Đảng ta đã có những cuộc vận động lớn nhằm đẩy mạnh việc nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới. Ngày 7-11-2006, Bộ Chính trị khóa X đã ban hành Chỉ thị 06 - CT/TƯ về tổ chức cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong toàn Đảng, toàn dân, bắt đầu từ ngày 03 - 02- 2007 đến hết nhiệm kỳ khóa X. Đây là cuộc vận động lớn vừa có ý nghĩa cơ bản lâu dài vừa mang tính cấp bách. Nghiên cứu thật kỹ chỉ thị thì đây không đơn thuần chỉ là nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, mà hàm chứa trong chỉ thị là sự thống nhất giữa đức và tài. Chỉ thị nhấn mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong tình hình hiện nay là nâng cao ý thức phục vụ nhân dân. Muốn phục vụ tốt nhân dân thì phải có cả đức và tài. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong tình hình hiện nay, người tình báo cách mạng phải rèn đức, luyện tài, xây dựng đức tính trung thành gan góc, khôn khéo, nhẫn nại, vừa thạo về chuyên môn vừa có ý thức chính trị cao và đạo đức cách mạng cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, gắn bó với nhân dân, dựa vào dân, sử dụng thành thạo phương tiện khoa học công nghệ hiện đại phục vụ cho chuyên môn, xây dựng lực lượng vững mạnh, tạo ra sức mạnh tổng hợp, góp phần sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển.