Từ ngày còn nhỏ, Nam được bố mẹ đặt cho biệt danh “hậu đậu”.
Vì Nam sờ vào đâu đổ đó, đụng vào đâu vỡ đó. Chân tay lóng ngóng, vụng về.
Nhưng không vì thế mà bố mẹ chịu “lui bước” trước một chàng trai với chân tay thừa thãi.
Mỗi buổi chiều, Nam vẫn thường cùng mẹ nấu ăn. Mỗi tuần, Nam sẽ có một ngày được đổi vai để “làm mẹ” hoặc “làm bố”.
Khi đó Nam sẽ đi chợ, nấu ăn, cằn nhằn, sai vặt. Bố và mẹ cứ răm rắp nghe theo. Vì lúc đó Nam là “mẹ” hoặc là “bố” kia mà.
Tuy nhiên để Nam hứng thú hơn với việc bếp núc, bố mẹ thường nghĩ ra những câu chuyện, khi thì mang hơi hướng dân gian, khi thì hóm hỉnh, vui nhộn... Vì Nam thích nghe truyện, thích được đắm mình trong thế giới của tưởng tượng.
Bố mẹ thường hay kể về bà phù thủy cưỡi chổi đậu trên mái bếp. Bà ấy có cái mũi dài thật dài. Và đôi khi thấy món ăn ngon quá, bà ấy chạm cái mũi của mình vào chỗ nồi nấu món ăn đó.
Nhưng ôi chao, nóng quá. Cái mũi của bà ấy đỏ tấy lên. Bà phù thủy vội vàng cưỡi chổi bay lên những đám mây. Rồi hôm sau, nhớ mùi thức ăn, bà phù thủy lại cưỡi chổi về đúng gian bếp đó.
Và rồi lại ghé mũi để hít hà mùi thức ăn.
Bà ấy cũng nhận ra một điều thật đặc biệt, rằng khi nào có một cậu bé nấu ăn trong bếp thì bà ấy hay bị… giật mình. Vì khi cậu bé nấu ăn, những tiếng loang choang loảng xoảng luôn vang lên trong bếp.
Có lần bà phù thủy giật mình đến ngã lộn nhào xuống sân nhà.
Bà ấy lộn nhào như thế này này… Bố làm bộ lăn tròn trên sàn nhà, mặt nhăn nhó. Thế là Nam cười như nắc nẻ, ôm lấy bố và nói: Thôi nào, ông Khốt, đừng có trêu con nữa. Bố là bà phù thủy mũi dài nhé.
Và căn bếp ngập tiếng cười. Có đôi lúc bố còn làm thơ nữa:
Bạn ơi có đói
Thì vào bếp ngay
Tôi sẽ ra tay
Làm món trứng rán.
Nếu bạn đã chán
Món trứng của tôi
Không cần lôi thôi
Làm thêm trứng luộc.
Tôi chẳng làm được
Những món “cao siêu”
Xoong chảo nồi niêu
Tôi không nhớ hết.
Nhưng mà vào bếp
Là nghề của tôi
Vừa làm vừa chơi
Bụng no kềnh kễnh…
Rồi bố vỗ vỗ vào cái bụng của Nam khiến cu cậu cười tít mắt.
Ý tưởng viết cuốn sách Vào bếp nấu ăn – săn ngay điểm tốt ra đời từ những kỉ niệm thân thương như thế.
Các tác giả mong muốn mỗi em bé, không chỉ học trong sách vở mà còn học ngoài đời sống, không chỉ học trong lớp học mà còn học ngoài công viên, trong vườn hoa, trong gian bếp…
Để các em thấy hứng thú, bên cạnh mỗi công thức nấu ăn là một câu chuyện thú vị, hấp dẫn.
Các em có thể vừa đọc truyện vừa thực hành nấu món ăn.
Và điều đặc biệt là các em có thể luyện viết văn theo sơ đồ, ngay từ món ăn mà mình đã chế biến.
Vì vậy, các bậc phụ huynh hãy khuyến khích con làm, sau đó đọc truyện, rồi viết, rồi trò chuyện và cùng nhau thưởng thức món ăn.
Đó là cách học vô cùng hiệu quả - học trong thực hành - học để phát triển năng lực.
Cách học này cũng phù hợp với xu thế đổi mới giáo dục phổ thông ở nước ta hiện nay: chuyển từ dạy học “cái gì?” (dạy nội dung) sang dạy “cái đó để làm gì?” (dạy học phát triển năng lực).
Ngoài ra, để các bạn nhỏ có thêm vốn từ liên quan đến nấu nướng, sách cũng dành một phần nhỏ để phát triển vốn từ tiếng Anh. Đây là đề xuất của Nam khi thấy bố mẹ viết cuốn sách này vì Nam nói: Học tiếng Anh qua cách này rất tuyệt.
Các tác giả xin trân trọng giới thiệu bạn đọc cuốn sách Vào bếp nấu ăn – săn ngay điểm tốt bằng niềm hân hoan của người đang đói khi ngồi trước món ăn ngon…
Nào mời các bạn cùng thưởng thức: Vào bếp nấu ăn – săn ngay điểm tốt!
Đỗ Xuân Thảo - Phan Thị Hồ Điệp