Đ
ời bạn sẽ không tránh khỏi những điều kì quặc khi mẹ bạn là một “nhà tiên tri” ở xứ Ohio. Không phải kiểu dự đoán số mệnh qua quả cầu thạch anh ma mị đâu – mà mẹ tôi là chuyên gia dự đoán trường đại học, giúp đỡ những “hạt giống nhân tài” tìm được môi trường học tập lí tưởng nhất. Không phải nói quá đâu, nhưng số học sinh ở khắp các bang trên Đại Bình nguyên Bắc Mỹ này đổ đến gặp mẹ tôi nhiều vô kể, mỗi người chỉ có vỏn vẹn đúng một tiếng đồng hồ. Thế mà sự đời còn đáng nực cười hơn nữa, khi tôi – con gái của bà mẹ vĩ đại như thế – lại nhận được thư từ chối từ ngôi trường mà mẹ chỉ định tôi đăng kí theo học.
Lá thư thứ hai thông báo sự thất bại ê chề của tôi trong công cuộc đăng kí nhập học cho kì mùa thu ở Đại học bang Ohio đang nằm chềnh ềnh dưới tấm đệm trải giường – nơi vinh dự được tôi nhồi nhét mọi bí mật tuổi teen. Chẳng hiểu thế nào mà trong các môn học, tôi lại trượt đúng môn Anh ngữ cuối cấp. Sau một chuỗi những sự kiện xúi quẩy, bao gồm cả sự nhầm lẫn tai hại về đề bài khóa luận và ông thầy khó tính, tôi đã không qua nổi môn – đen đủi nữa là trường Đại học bang Ohio lại yêu cầu chính cái môn đó cho chuyên ngành “Công nghệ và Truyền thông hiện đại”, dù tôi cũng chưa kịp rõ nó là cái ngành gì nữa.
“Đại học Ohio là lựa chọn hoàn hảo cho con, Danielle ạ,” mẹ nói. “Mẹ đã chứng kiến con khôn lớn, quan sát con cả đời, thế nên trường mẹ đã chọn cho con thì chắc chắn không lệch đi đâu được.”
Tôi hoàn toàn tin tưởng mẹ, bởi nhiều lúc tôi cảm giác như bà hiểu rõ bản thân tôi còn hơn cả tôi hiểu chính mình. Mẹ biết lúc nào tôi buồn phiền, khi nào cần sự hướng dẫn, thậm chí cả những khi tôi muốn yên tĩnh một mình. Nhưng may cho tôi là cả tháng nay mọi giác quan của mẹ đều tập trung cho đám khách hàng mới, và mẹ chẳng kịp phát hiện ra cơn-bão-muộn-phiền-ghê-gớm-đáng-xấu-hổ đang ám lấy tôi.
Quá trình tư vấn của mẹ tôi thường chia làm hai giai đoạn. Trước tiên, bà sẽ dành một buổi nói chuyện trực tiếp với học sinh, hỏi những câu rất cơ bản như sở thích của nó là gì, muốn theo học ở đâu, và những mong muốn nó ấp ủ là gì. Rồi sau đó, bà đi sâu vào những điều cốt lõi mà đứa học sinh đó thực sự đam mê, tìm kiếm những rung cảm bị đè nén sâu thẳm trong tâm hồn nó. Ví như trường hợp của một cô bé cả đời được nuôi dạy để trở thành bác sĩ, nhưng lại luôn mong ước được làm công việc của một người quản lý bảo tàng, thì thực tế nên theo đuổi ngành Lịch sử Mỹ thuật. Những lúc như thế thì đúng là không ai khổ sở bằng các vị phụ huynh, khi cục cưng – niềm tự hào của họ không thích những hình mẫu mà họ đã đặt ra. Còn đám học sinh thì khác, mười lần thì có đến chín, tôi thấy chúng bước ra khỏi nhà tôi với khuôn mặt thở phào nhẹ nhõm. Cho dù mẹ tôi thực sự không phải là một nhà tiên tri – có thể bà chỉ rất giỏi trong việc nắm bắt tâm lý và biết nhiều về các trường đại học – thì đám học sinh cũng cảm thấy yên lòng, vì biết rằng có người có thể hợp thức hóa tương lai của mình.
Xỏ nhanh đôi tất xù, tôi chạy xuống dưới lầu thì vừa kịp thấy mẹ đang dẫn một nhóm người ra cửa trước. Cả gia đình đó đều tươi cười, chứng tỏ rằng lần gặp mặt này không căng thẳng mấy. Tôi lẻn vào bếp, cố để không ai phát hiện ra mình. Dù chẳng có cái góc nào trong nhà là không có ảnh của gia đình, nhưng mỗi lúc mẹ có khách hàng thì chúng tôi phải “tàng hình” đi. Điều này không hề làm khó được tôi, nhưng với ba tôi và nhóc em trai – hai gã trai một lớn một bé đặc biệt thích mở phim hoạt hình với âm lượng tối đa mỗi sáng – thì việc cố gắng ẩn mình quả thực là chẳng dễ chút nào. Bạn có thể cho là Noah sẽ đá đít cái thói quen ngớ ngẩn ấy khi thằng bé đã 14 tuổi, nhưng đời không như là mơ, ngay khi tôi vừa mở cánh cửa dẫn vào bếp, thì tiếng của phim hoạt hình Road Runner đã như cào nát màng nhĩ tôi rồi.
Hai người bọn họ còn chẳng thèm liếc lấy một cái khi tôi bước vào. Tôi chào ba bằng một cái hôn trên trán rồi rót thêm cà phê vào cốc cho ông. Trên cốc có dòng chữ “Lời chào từ Oahu!” với cái tay cầm khắc hình cây dừa xù xì. Ông bà tôi là những lữ khách “cự phách”, và họ đánh dấu địa điểm du lịch hiện tại của mình bằng cách gửi về cho chúng tôi những cái cốc rẻ tiền. Tôi vớ lấy cái cốc có ghi dòng chữ “Có ai đó ở Paris yêu tôi”, chợt nhớ cái năm mà ông bà còn sống ở Pháp. Từ nhỏ tới giờ, đó là nơi mà tôi thấy ông bà ở lại lâu nhất, và những kí ức về mùa hè năm tôi 14 tuổi ở đó đã khơi gợi trong tôi niềm khao khát được “xê dịch” đó đây.
“Hai người biết là mẹ đang làm việc chứ,” tôi nói.
“Buổi gặp này là trường hợp khẩn; mẹ con cũng xong việc rồi,” ba đáp.
“Trường hợp khẩn” là mã hiệu ám chỉ mấy đứa học sinh chờ tới nước đến cổ mới thèm nhảy, tức là đến sát hạn chót rồi mới nộp đơn đăng kí vào đại một trường nào đấy. Ngoài những hiểu biết về các trường đại học, mẹ tôi còn tương đối có uy (dù không phải kiểu chính thống) khi nhắc đến mấy vụ tuyển sinh. Thường thì bà có thể “phù phép” một tí, khiến cho ban tuyển sinh xem xét lại một hồ sơ ứng viên, và mẹ cũng biết những điều đúng đắn mà đám học sinh nên viết vào trong thư đề nghị xem xét lại quyết định. Sau khi tốt nghiệp Đại học bang Ohio (hiển nhiên là vậy), mẹ tôi đã làm việc tại văn phòng tuyển sinh của trường một vài năm trước khi nhảy việc sang các trường khác. Trong suốt quá trình đó, bà đã tạo cho mình được nhiều mối quan hệ đến mức sau đó, mẹ tôi nhận ra rằng bà có thể tư vấn về các trường học dựa trên chính những trải nghiệm của mình. Thế là ngay lập tức mẹ tôi bắt đầu “ra tay” với đám học sinh sắp sửa thi vào đại học quanh nhà, mà tôi nhớ lúc ấy mình mới vừa tròn 12 tuổi. Như thế tức là cái mô hình ấy của mẹ tôi tính đến nay cũng có lịch sử vài năm tuổi rồi đấy.
“Tối nay cả nhà đều phải phụ chuẩn bị bữa tối đấy,” ba lên tiếng. “Dì Rachel và Claire sẽ đến nhà mình.”
Tôi còn lạ gì cái món ấy nữa. Dì tôi và thiên thần bé bỏng của dì chỉ ghé thăm vì một trong hai lí do: họ muốn khoe khoang cái gì đó, hoặc muốn than vãn chuyện gì đó. Mà thường thì, có Claire thì chắc chắn đây là một buổi khoe mẽ linh đình rồi. Khi thì ăn tối vì Claire được bình chọn là Công chúa trong Ngày hội trường (Homecoming1), khi thì ăn mừng chị ấy được nhận vào thực tập cho tờ Tạp chí Ánh sáng tuổi teen, rồi khi chị trúng tuyển vào trường Northwestern – chính là ngôi trường hoàn hảo mà mẹ tôi đã cất công tìm cho.
1 Một ngày hội truyền thống thường được tổ chức ở các trường học tại Mỹ. Trong dịp này các học sinh, sinh viên hoặc những người từng làm việc tại trường sẽ tụ họp để chúc mừng hoặc kỉ niệm ngày thành lập trường.
“Mọi người đều dùng bữa tối đấy chứ?” Tôi hỏi.
“Không đâu,” Noah đáp, cuối cùng nó cũng chịu rời mắt khỏi cái ti vi. “Tối nay ba đưa em đến lớp học diễn xuất rồi.”
“Chị có thể đưa em đi mà,” tôi nói. “Rồi tiện thể mình sẽ ăn kem và mua một con cún.”
“Hay đấy,” ba lên tiếng rồi tắt ti vi. “Chị họ con sẽ rất vui khi gặp con. Chị ấy chỉ về Denton vào cuối tuần thôi.”
“Con chẳng nghĩ là chị ấy có tí nào vui vẻ khi thấy con đâu,” tôi nói.
“Con thì không nghĩ là chị ấy vui vẻ khi gặp bất kì ai đâu,” Noah nói. Tôi và nó đập tay nhau ăn ý, rõ ràng nó và tôi đều có cùng suy nghĩ.
“Chúng ta đang nói về ai nhỉ?” Mẹ hỏi khi bước vào phòng bếp.
“Ờ thì mẹ biết đấy, Nữ hoàng Anh quốc chứ ai ạ,” tôi đáp. “Con còn nghe bảo cô ấy như kiểu một diva nữa cơ.”
“Nữ hoàng ư?” Mẹ nhướn mày.
“Dân tình đang đồn ầm lên mấy ngày nay đấy mẹ; thực sự thì mẹ nên tìm hiểu văn hóa pop thường xuyên hơn mới phải,” tôi nói. Mẹ có thể thấy tôi đang luyên thuyên nhảm nhí đến mức nào nhưng chọn cách lờ đi. “Buổi gặp khẩn cấp lúc nãy thế nào hả mẹ? Hình như họ rất hài lòng.”
“Chỉ là một hồ sơ nộp muộn như bình thường thôi. Mẹ chẳng phải tốn nhiều công sức lắm,” mẹ tôi đáp. “Và tin tốt là bây giờ chúng ta có nhiều thời gian hơn để chuẩn bị bữa tối. Danielle… Mẹ biết là con và Claire có chuyện...”
“Ba đã nói con rồi ạ. Con cũng chuẩn bị tinh thần sẵn rồi. Tuy nhiên con rất sẵn lòng đưa Noah đi học tối nay, nếu điều đó khiến cả nhà vui vẻ.”
Mẹ tôi khoanh tay. “Chẳng lẽ con không thể làm việc gì đó tử tế cho mẹ mà không phàn nàn hoặc tìm cách thoái thác được à?”
“Vâng, vâng, con đùa thôi. Con hứa,” tôi vừa nói vừa giơ tay thề thốt.
Trong khi đó ba và Noah thì ngồi im như thóc, cố gắng tìm cách chuồn khỏi căn phòng cũng như bầu không khí kì quặc đang diễn ra.
“Hay là con với Noah ra siêu thị mua thêm cho mẹ ít đồ nhé?” Mẹ lên tiếng.
Cả nhà thở phào khi căng thẳng được giải tỏa.
“Được ạ,” tôi nói. “Cung kính không bằng tuân lệnh!”
Mẹ chẳng cười vì câu đùa của tôi. Noah về phòng để thay bộ đồ ngủ đang mặc, và tôi cũng nhân cơ hội chuồn lẹ. Đóng sập cửa phòng ngủ, tôi ngồi dựa sát bên cánh cửa. Lời nói dối về việc bị từ chối cứ sôi sục trong người tôi, và tôi cảm giác như sự thật sẽ khiến mọi thứ xung quanh nổ tung. Mẹ mà biết thì bà sẽ sốc chết mất. Dù tôi nghĩ có thể mẹ đã chuẩn bị sẵn một kế hoạch dự phòng khẩn cấp, nhưng có vẻ điều ấy chẳng khả thi mấy. Vì phòng tôi đã được nhồi kín mít đồ gia dụng gắn mác trường Đại học bang Ohio, để tôi mang vào kí túc xá trường – trong đó còn có cả một miếng lót đệm ngồi toa-lét khá thoải mái. Tôi nằm vật xuống giường, luồn tay vào khoảng trống giữa khung giường và tấm nệm, cũng là nơi cất giấu mối nhục nhã ê chề của mình. Tôi mở bức thư ra một lần nữa, lòng thầm mường tượng rằng, biết đâu đấy, những suy nghĩ tích cực của tôi lại có thể biến đổi những dòng từ chối của trưởng ban tuyển sinh, bằng một cách màu nhiệm nào đấy.
Gửi em Danielle Cavanaugh,
Tôi rất lấy làm tiếc khi phải thông báo với em rằng, phía trường chúng tôi không chấp nhận hồ sơ ứng tuyển của em vào trường Đại học bang Ohio kì học mùa thu này. Sau khi ban tuyển sinh của trường đánh giá kĩ lưỡng học bạ của em, chúng tôi nhận thấy điểm số của em chưa phù hợp với điều kiện của ngành “Công nghệ và Truyền thông hiện đại” đầy cạnh tranh của trường chúng tôi.
Nếu em có nguyện vọng học lại các lớp chưa đủ điểm, em có thể nộp lại hồ sơ ứng tuyển vào kì tuyển sinh cho kì học mùa xuân. Hơn 10% số sinh viên tại trường bắt đầu vào kì học mùa xuân vẫn có thể hoàn thành chương trình học và lấy bằng trong thời gian ba năm.
Cảm ơn em đã quan tâm đến trường Đại học bang Ohio, và chúng tôi rất mong em sẽ nộp đơn đăng ký dự tuyển cho kì học mùa xuân.
TS. Caroline Bates
Trưởng ban Tuyển sinh
Đại học bang Ohio
Suốt một tháng vừa qua, tôi đã nảy ra không biết bao nhiêu kế hoạch tỉ mỉ và kĩ lưỡng chỉ nhằm mục đích duy nhất là thủ tiêu lá thư này. Tôi có thể thiêu trụi nó, hoặc đem làm mồi nhắm cho con chó nhà hàng xóm, hoặc biến nó thành pháo giấy nhờ cái máy tiêu hủy giấy – nhưng rốt cuộc chẳng có cách nào khả thi cả. Tôi nhớ một trong những thứ mà tôi ưa thích nhất ở trường tiểu học chính là chương trình “Vòng quanh thế giới cùng môn Thủ công”, mà cứ mỗi tuần chúng tôi lại tiến hành một dự án được lấy cảm hứng từ các quốc gia khác nhau. Tuần tuyệt vời nhất là tuần có chủ đề Nhật Bản, lúc đó chúng tôi đã làm các dây hạc giấy giăng khắp trần lớp học, và cứ để như thế đến tận hết năm. Những màu sắc diệu kì ấy vẫn luôn ở trong tâm trí tôi, và cho tới bây giờ, thỉnh thoảng tôi vẫn gấp hạc giấy mỗi khi cảm thấy căng thẳng hoặc cần tập trung vào việc gì đó. Tôi xé phần cuối lá thư, biến tờ giấy thành một hình vuông hoàn chỉnh để bắt đầu tạo hình hạc giấy. Thường thì trí nhớ tôi không được tốt lắm, nhưng riêng với kĩ thuật gấp hạc thì tôi có thể nhớ ra ngay lập tức.
Lúc hoàn thành xong, trông tác phẩm nhỏ hơn rất nhiều so với tưởng tượng ban đầu của tôi. Tôi không còn đọc nổi những chữ cái đã ám ảnh mình suốt thời gian qua nữa. Chúng trộn lẫn vào nhau thành một mớ chữ cái vô nghĩa nhưng trông lại khá đẹp mắt. Tôi dí con hạc vào sát mặt mình và chỉ nhìn rõ duy nhất một dòng chữ trên cánh. Tên của tôi. Danielle.
“Chúng ta bắt đầu đi mua sắm cho bữa tối tận thế thôi chứ nhỉ?” Noah thò đầu vào phòng tôi gọi. Tôi nhanh chóng đặt con hạc giấy trên chiếc bàn nhỏ cạnh giường và nhảy xuống giường.
“Để chị mặc thêm cái áo len rồi xuất phát,” tôi bảo thằng bé.
Nó gật đầu rồi rời đi, và tôi lại cầm con hạc giấy lên. Lẽ ra tôi đã có thể phóng nó qua cửa sổ và nhìn nó biến mất, nhưng rồi tôi lại đặt nó trên đỉnh giá sách.
Mặc dù thời tiết bên ngoài trời phải khoảng cỡ 80 độ F2, nhưng tôi vẫn thấy thoải mái khi mặc áo len. Hơn thế nữa, tôi nghĩ tuần hoàn máu của mình rất kém - bởi lúc nào tôi cũng thấy lạnh cóng cả người. Giá mà xã hội chấp nhận được việc khoác theo cái chăn dày sụ bất kể lúc nào khi ra đường, thì có lẽ tôi cũng chẳng ngần ngại gì mà không trùm kín mít luôn.
2 Tương đương 26ºC.
Cánh cửa dẫn vào văn phòng của mẹ đã đóng chặt khi tôi trở xuống dưới nhà, nhưng danh sách đồ cần mua đã được mẹ đặt sẵn trên quầy kèm theo chùm chìa khoá chiếc xe bán tải của gia đình tôi. Được lái chiếc xe bán tải ấy là cả một đặc ân. Mà cái xe lẽ ra phải được nghỉ hưu từ rất lâu rồi, nhưng ba tôi không đồng ý bỏ nó đi. Tôi gọi nó là chiếc xe phế thải, vì rất nhiều lí do, một trong số đó là vì đám khói phọt phẹt mà nó nhả ra mỗi lần khởi động.
Tôi cũng chẳng thất vọng nhiều lắm khi phải đi mua đồ, bởi như thế tôi lại càng có cớ để gặp Zoe – đứa bạn thân nhất của tôi. Zoe bắt đầu làm việc ở siêu thị Freeman từ lúc còn rất trẻ, và đã lên được vị trí trưởng ca được hai năm nay. Làm trưởng ca cũng đồng nghĩa là con bé có thể tuồn cho đứa bạn thân nhất và đứa em trai của nó những chiếc bánh donut thừa, nếu như hai chị em chúng nó biết xin xỏ nịnh nọt một cách tử tế.
“Danh sách gồm những gì thế hả người anh em Noah?” Tôi hỏi.
“Ức gà - loại ngon ở phía sau quầy - ớt ngọt, hành tây, nấm, và mì rau cải bó xôi,” thằng nhóc đáp.
“Mì rau cải bó xôi á?”
“Hiển nhiên là công chúa Claire không ăn đồ chứa gluten3,” Noah nói.
3 Một loại protein có trong lúa mì và yến mạch.
“Hẳn rồi.”
Siêu thị Freeman không quá đông, nhưng tôi phát hiện ra ít nhất 10 người quen vừa mới bước vào. Denton không phải là kiểu thị trấn nhỏ bé ai cũng biết mặt nhau, nhưng dẫu sao nó cũng chỉ là một trong những vùng ngoại ô nhỏ của Cleveland. Đi đến đâu bạn cũng sẽ bắt gặp một khuôn mặt nào đó quen quen. Tôi xịt một chút nước rửa tay tiệt trùng vào quai xách của chiếc giỏ trước khi cầm nó lên và tiến thẳng đến quầy bánh mì.
Zoe rất ghét mặc đồng phục khi làm việc ở quầy bánh mì. Siêu thị có quy định bắt buộc nhân viên phải đeo lưới tóc (cũng vì mục đích tốt thôi mà), nhưng khốn một nỗi là bộ đồng phục toàn màu trắng này lại quá khác biệt so với những bộ cánh sặc sỡ quá mức mà Zoe hay diện mỗi ngày. Tôi nom thấy nó đang miệt mài trang trí cho những chiếc bánh ngọt xinh xinh, kiểu công việc mà chỉ có Zoe mới đủ kiên nhẫn để thực hiện. Con bé cảm thấy vui vẻ nhất là lúc được sáng tạo, tay nó đã phải chịu đựng không biết bao nhiêu tổn thương do những vết bỏng súng bắn keo gây ra, cũng chỉ vì thủ công là thú tiêu khiển ưa thích của nó.
“Tôi muốn gặp trưởng ca để kiến nghị,” tôi nói với một nhân viên trẻ ở phía trước tiệm bánh. Vẻ mặt kinh hãi trên gương mặt cô bé đã xác nhận rằng nó không nhận ra tôi, hoặc cũng không đánh giá cao khiếu hài hước của tôi. Cô bé tội nghiệp đi về phía Zoe, con bé liền lau tay vào chiếc tạp dề đang đeo và mỉm cười theo cái điệu quen thuộc khi nhìn thấy tôi.
“Chị nghỉ giải lao một chút đi, Claudia. Đừng để bất cứ thứ gì bị cháy nhé,” Zoe bảo với cô bé, tháo chiếc tạp dề đang mặc rồi quẳng nó tại quầy hàng để qua chỗ chúng tôi. Con bé quay người và túm hai chiếc donut bị rắc đường quá tay, hình dạng méo mó, rồi trịnh trọng trao cho Noah và tôi.
“Lý do gì khiến mình có được cái vinh hạnh tiếp đón hai người đây?” Zoe hỏi.
“Tụi này phải mua đồ cho bữa tối với Claire đây này,” tôi đáp.
Con bé liền thỏ thẻ, “Sáng nay mình vừa làm một chiếc bánh lê ngon tuyệt đấy, nếu bà muốn mang về làm vật cầu hòa?”
“Tài nướng bánh của bà cũng chẳng cứu rỗi được bữa tối này đâu,” tôi nói. “Thằng nhóc con đằng kia đã tẩu thoát thành công rồi đấy, đồ nhãi.”
“Này này, chẳng qua chỉ là sự trùng hợp may mắn vì lớp học diễn xuất của em vào đúng giờ đấy thôi,” Noah lên tiếng.
“Thế thì lấy ai làm mặt xấu cùng chị mỗi lần Claire đưa ra bình luận châm biếm hả?” Tôi than vãn.
“Em tin là chị có thể xử lí tốt. Chỉ một tối chứ mấy,” thằng nhóc đáp.
“Nào, tóm lại là, bánh lê, lấy hay không?” Zoe giục.
“Ý mình là, dù sao thì nó cũng chẳng hại gì,” tôi nói.
Con bé cúi xuống dưới quầy và lấy lên một chiếc bánh chưa được trang trí. Rồi nó bắt đầu phủ kem, quay đều chiếc bánh trên cái bàn xoay - loại vẫn hay xuất hiện trên các chương trình làm bánh trên truyền hình ấy. Zoe đặt chiếc bánh trong một cái hộp, rồi dán thêm mác giảm giá to đùng lên trên để chúng tôi mang ra quầy thu ngân.
“Bà thực sự là một thiên thần,” tôi bảo với nó. Sau đó tôi giao cho thằng nhóc Noah nghĩa vụ phải cầm chiếc bánh, coi như là hình phạt nho nhỏ vì cái tội dám bỏ tôi một mình với bữa tối tận thế mà tôi sắp phải hứng chịu.
Chợt có tiếng rền rĩ inh tai từ phía sau quầy bánh vọng ra, cùng với tiếng la thất thanh của Claudia.
“Mình phải đi đây,” Zoe nói, cúi người xuống quầy hàng. “Mình tan ca lúc sáu giờ. Gọi cho mình nếu bà muốn vừa ăn khoai chiên của tiệm Moe vừa trút bầu tâm sự nhé.”
Tôi giơ tay lên trán, chào Zoe theo kiểu nhà binh. “Chắc chắn rồi. Cảm ơn lần nữa về chiếc bánh nhé.”
Con bé vẫy tay chào chị em tôi trước khi vội vã quay lại để giúp Claudia, hình như đang bị mắc kẹt dưới cái giá đựng bánh bị đổ.
Noah và tôi lượn lờ quanh siêu thị, chỉ để hỏi tìm mì rau cải bó xôi. Sợ thật, siêu thị Freeman này có cả một gian chuyên bày các thực phẩm hữu cơ và thực phẩm tự nhiên mà tôi thậm chí còn không biết là có. Tôi thì thích đồ ăn của mình lúc nào cũng đầy tràn gluten và các chất vô cơ hơn.
Khi về được đến nhà thì tôi đã thấy chiếc khăn trải bàn đắt tiền được phủ lên chiếc bàn gỗ, còn mẹ thì đang bày biện ra những chiếc đĩa đẹp đẽ từ cái tủ tít trên tủ lạnh mà không ai có thể với tới. Claire vừa giành được danh hiệu Hoa khôi đất Mỹ đấy à? Noah cùng với ba chuồn lẹ tới lớp học diễn xuất, trước khi rời đi còn kịp nắm chặt tay giương cao ngón cái với tôi, ra vẻ động viên ủng hộ.
“Con giúp mẹ lấy đĩa bày lên bàn, được chứ?” Mẹ tôi hỏi, rồi thổi bay đám bụi trên cái đĩa đầu tiên.
“Được ạ. Mấy cái vậy mẹ?” Tôi hỏi. Thông thường thì xác suất chú Brad đến nhà tôi chỉ là 50-50. Tôi thấy cũng khá dễ hiểu thôi, vì chú phải chịu dì Rachel lúc ở nhà quá nhiều rồi, giờ lại còn cả gia đình đáng ghét của dì nữa.
“Năm nhé,” mẹ tôi đáp, một nụ cười nhỏ lướt nhanh trên mặt bà ấy.
“Thế nghĩa là chú Brad cũng đến hôm nay ạ?”
“Không hẳn,” mẹ tôi đáp, bà bắt đầu cười lớn hơn. “Chị họ con sẽ dẫn theo bạn đến ăn tối cùng đấy! Thế chẳng phải là rất háo hức sao?”
Hoặc là rất kinh khủng. “Ai thế ạ?”
“Mẹ nghĩ chắc là bạn trai của Claire, ở tận Northwestern đấy. Rachel còn bảo là chúng nó khá nghiêm túc nữa cơ.”
“Ồ!” Tôi nói, cảm thán chắc có phần hơi quá so với những gì mà mẹ mong đợi. Nhưng thực ra thì, thông tin mới này cũng chẳng phải cái gì quá kinh khủng. Thậm chí nó có lợi cho mình là đằng khác - nếu mọi sự tập trung chú ý đều dồn vào Claire và gã bạn trai nghiêm túc của chị ấy, thì sự thất bại của tôi sẽ càng bị lờ đi. Có lẽ cái bữa tối “Danielle-chuẩn-bị-học-ở-đại-học-Ohio” sẽ được đổi tên thành “Claire-lừa-tình-thành-công-một-chàng- trai”, và lần đầu tiên tôi cảm thấy hoàn toàn hài lòng về vụ này.
“Thằng bé đang học Y đấy,” mẹ tôi nói.
Thì dĩ nhiên rồi. Claire chỉ có thể lao vào yêu đương say đắm một chàng bởi người đó là bác-sĩ-tương-lai. Sau khi bày biện bàn ăn, tôi giúp mẹ chuẩn bị món mì rau cải bó xôi và cho tất cả nguyên liệu của món sa lát vào một cái tô. Chúng tôi luôn là một đội ăn ý, miễn là tôi không phải phụ trách bất kì công đoạn nấu nướng nào. Tôi từng có chiến tích chẳng mấy tốt đẹp với cái lò nướng. Cứ mỗi lần đụng đến là y rằng không bàn tay thì cánh tay tôi sẽ bị bỏng, không cách này thì cách khác. Mẹ tôi chỉ tin tưởng mà giao cho tôi đúng món trộn sa-lát.
Đang say sưa với màn nhào trộn thì chuông cửa reo. Dù là quan hệ của tôi với Claire chẳng mấy tốt đẹp, nhưng tôi cũng rất háo hức muốn là người đầu tiên ra mở cửa để xem anh chàng duyên dáng đó là ai. Nhưng tôi có muốn đến mấy đi nữa thì cũng không thể nào nhanh chân bằng bà mẹ đang háo hức tột độ của mình. Bà lao nhanh ra phía cửa giống y như cái lần hay tin Noah nhận được một vai diễn mới. Tôi vẫn còn nhớ rất rõ, khoảnh khắc tỏa sáng và vui mừng khôn xiết ấy là khi thằng bé nhận được vai quần chúng trong một quảng cáo về kem đánh răng. Nó được phân vai một cậu bé sâu răng (Cavity Kid 2) và phải cười lớn với cái miệng chứa đầy những bông gạc, ở phía sau phòng khám nha sĩ. Chúng tôi đã khá là tự hào về dịp ấy.
“Đến rồi đấy à! Mau vào trong đi!” Tiếng mẹ vọng lại từ phía cửa nhà không giấu nổi sự phấn khích.
“Dạ vâng ạ,” một giọng nói trầm đáp lại, chắc đây là giọng của anh con trai kia rồi. Nếu không phải thì chỉ có nước là dì Rachel dùng chất cấm anabolic steroids thì giọng dì mới chuyển sang tông ấy được thôi. Tôi chạy lại phía cửa trước.
“Chào Dani, trông em dễ thương quá,” Claire nói rồi ôm trầm lấy tôi. Trời ạ, sao mà hai chữ “dễ thương” qua miệng chị ấy lại trở nên khó nghe đến vậy không biết. Lại còn đưa quà cho tôi nữa.
“Cảm ơn chị,” tôi đáp lễ.
Claire cười, vuốt lại chiếc váy hồng điệu đà cho phẳng phiu, rồi khoác tay anh chàng duyên dáng. Trông anh này cao hơn chị ấy cỡ khoảng một foot4, thoạt nhìn đã thấy anh với Claire giống nhau ở nước da rám nắng nhưng đầy khoẻ khoắn. Lại còn cả mái tóc và đôi mắt nâu sẫm cũng giống nhau nữa. Quả thực mà nói, trông anh này tuy già hơn Claire, cỡ bốn đến năm tuổi, nhưng lại cực kì ưa nhìn, thậm chí nói anh giống nam thần cũng chẳng ngoa. Nhưng trong mắt tôi, và cả Zoe nữa, việc có bạn trai quá đẹp hoặc đẹp hơn mình không bao giờ là điều tốt đẹp.
4 Đơn vị đo chiều dài (viết tắt là ft), 1 foot = 30.48 cm
“Giới thiệu với em đây là anh Marcus,” Claire lên tiếng.
Nói rồi anh con trai chìa ra đôi bàn tay to lớn ý muốn bắt tay với tôi. Tôi nắm tay anh và đáp lại bằng lực nắm mạnh nhất có thể.
“Chào Danielle, anh đã nghe kể rất nhiều về em đấy,” Marcus nói. Mong là toàn những điều đẹp đẽ. Tôi gật đầu cười lại một cách lịch sự khi anh bắt tay mẹ tôi. Dù biết là mẹ với dì Rachel đá lông mày với nhau nhưng tôi lờ đi như không thấy.
“Bà chị của em mà đã vào bếp nấu ăn tối nay thì món nào cũng hấp dẫn rồi,” dì Rachel nói rồi tiến lại phía gian bếp. “Chúng ta cùng vào thôi chứ?”
Mọi người đều ùa vào trong gian bếp màu xanh lá nhỏ xinh. Mẹ bảo mọi người lấy đĩa rồi bà lần lượt thêm gà và mì rau cải bó xôi vào đĩa của từng người. Marcus vẫn giữ nhịp tán gẫu với mẹ tôi, nào là căn nhà chúng tôi mới đẹp làm sao, nào là anh nhớ da diết những bữa cơm nhà của mẹ mình thế nào. Cách anh nói chuyện nghe thật chân thành, khiến tôi lại một lần nữa băn khoăn không hiểu Claire bỏ bùa mê thuốc lú gì cho mọi người nữa.
Mỗi lần có chuyện, Claire chỉ cần trưng ra điệu cười giả dối cùng mấy cái vuốt tóc là dễ dàng phủi bỏ mọi trách nhiệm. Dì Rachel thì như con rối trong tay Claire, lúc nào cũng chăm chăm đứng về phía chị ấy. Mối hận thù giữa hai đứa tôi đã bắt đầu ngay từ giây phút tôi được sinh ra, bởi đó cũng là lúc Claire bắt đầu cạnh tranh với tôi chỉ để giành sự chú ý của mọi người. Lần đỉnh điểm nhất trong mối thù không đội trời chung của hai đứa chính là năm tôi học lớp ba, chị ấy lớp bốn. Cả hai đứa tôi đều tham gia một buổi thử giọng cho vai diễn thiên thần trong đám rước Giáng sinh ở nhà thờ nơi chúng tôi sống. Rõ ràng là Claire biết tôi khát khao có được vai diễn đến mức nào, thế mà trước khi thử giọng, Claire đã bày trò thi uống nước có ga. Vốn là đứa con gái sẵn sàng chấp nhận thách thức, tôi hiên ngang chấp nhận lời thách đấu của Claire mà không hề biết rằng mỗi lần tôi rời mắt khỏi Claire là chị ấy đều nhổ hết chỗ nước có ga đi. Kết quả là tôi tè dầm ngay trước mặt tất cả đám trẻ có mặt trong buổi thử giọng hôm ấy, và đau đớn nhìn Claire đóng vai thiên thần trong suốt lễ Giáng sinh.
Mọi người đã quây quần đông đủ bên chiếc bàn phủ tấm khăn trải màu trắng còn rõ những đốm bẩn do nước sốt nam việt quất để lại từ dịp lễ Tạ ơn, những bộ khăn ăn thì được đặt ngay ngắn trên đùi mỗi người. Cuộc nói chuyện lại bắt đầu với những lời pha trò đầy vẻ lịch sự mà cung cách.
“Claire này, ta rất vui vì hôm nay con dẫn theo Marcus đến chơi nhà,” Mẹ tôi lên tiếng. Claire nắm chặt tay Marcus rồi cười với anh.
“Cháu rất vui vì cuối cùng cũng có cơ hội để dẫn anh ấy về gặp dì, dì Karen ạ,” chị ấy đáp lời mẹ. “Chúng cháu quá bận với việc học hành và công việc ở Ohio, nhưng thật mừng vì tối nay bọn cháu đã về được đây. Gia đình của Marcus cũng ở đây đấy dì ạ.”
“Ồ thật tốt quá! Như thế thì tiện đi lại cho cả hai đứa rồi!” Mẹ nói. “Thế tình hình ở Tạp chí Ánh sáng Tuổi teen thì sao rồi, Claire?”
“Tốt lắm dì ạ! Sếp của cháu đang cố gắng bố trí một nhóm phóng viên lưu động ở khu vực Chicago, và chị ấy đang cất nhắc cháu từ vị trí thực tập sinh lên làm phóng viên chính thức đấy ạ,” Claire đáp. Marcus siết chặt bàn tay chị ấy.
“Cô ấy chẳng chịu nghỉ ngơi lúc nào cả,” anh nói.
“Thật là đáng mừng!” Mẹ nói. Rồi bà nhìn đến tôi như thể muốn nói “hãy bảo với con bé là điều đó thật tuyệt vời đi,” nhưng lại một lần nữa, tôi chỉ có thể gật đầu và khẽ mỉm cười. Cảm giác ngộp thở và chán ghét vì thất bại ê chề khiến tôi chẳng còn thiết tha nói năng gì nữa. Đầu óc tôi bắt đầu vọng lại giọng nói yếu ớt và đầy lo lắng mách bảo tôi nên bỏ ra nhà vệ sinh hoặc làm điều gì đó để trốn thoát khỏi nơi này, nhưng chính tôi cũng lờ nó đi.
“Dạo gần đây Marcus và Claire có rất nhiều tin mừng,” dì Rachel lên tiếng, trên mặt còn nở nụ cười bí hiểm. Tôi ngước lên nhìn và bắt gặp Claire đỏ mặt thẹn thùng.
“Kìa mẹ,” Claire nói. “Mẹ biết là con đã giữ kín chuyện này rồi mà!”
“Ồ mẹ xin lỗi!” Dì Rachel cười lớn.
“Đợt này em có chuyện gì mới không hả Dani?” Claire bắt đầu quay qua tôi.
Tôi nhún vai và lẩm bẩm nhanh chóng “Không gì mới cả” để không mắc bẫy Claire. Tôi còn lạ gì cái mánh này của chị ấy nữa, mỗi lần muốn tránh né gì đấy là y như rằng lại quay qua tôi.
“Cháu không thể để câu chuyện lấp lửng thế này được, Claire ạ,” Mẹ tôi nói. Claire thì cố tình thở dài thườn thượt, lại còn ra vẻ bẽn lẽn e thẹn.
“Cháu tính là sẽ đợi đến khi chú Peter và Noah về đây thì mới nói, nhưng giờ thì chắc phải nói với hai người trước mất rồi,” chị ấy đáp lời mẹ tôi.
Tôi ngừng nhai. Chẳng lẽ chị ấy có em bé ư? Không thể thế rồi, nếu mà có chuyện đấy thì dì Rachel đã chẳng nhảy cẫng lên mà khoe với hai mẹ con tôi rồi. Nếu đã không phải là Claire có thai thì chỉ có duy nhất một chuyện nữa thôi. Chị ấy mân mê túi xách đang treo bên ghế, túm lấy thứ gì đó bên trong chiếc ví rồi quay lại chỗ chúng tôi.
“Cháu và Marcus đã đính hôn,” chị ấy ré lên đầy sung sướng, chìa ra bàn tay trái cho mọi người cùng chiêm ngưỡng. Mẹ nhảy ra khỏi bàn để lao tới ôm dì Rachel, rồi hai người nhảy nhót vì quá đỗi vui mừng. Tôi ngồi đó một cách kì cục, chứng kiến mọi hành động, và không biết nên trưng ra biểu cảm gì nữa. Tôi không biết mình cảm thấy thế nào trong khoảnh khắc ấy, không phải ghen tị, cũng chẳng phải vui mừng. Ý tôi là, Claire mới chỉ mười chín tuổi. Chúng tôi đã lớn lên cùng nhau suốt bao nhiêu năm, tôi mới chỉ chập chững vào đời mà chị ấy đã sẵn sàng gắn bó cả đời với một gã đàn ông, lại còn có được công việc mà chị ấy hằng ao ước nữa. Trong khi tôi còn không qua nổi môn Văn học đương đại.
“Ôi Claire! Thật quá tuyệt vời!” Mẹ nói. Bà lại đưa mắt về phía tôi như lúc nãy, bắt tôi phải tham dự vào câu chuyện.
“Chúc mừng chị!” Tôi nói.
Sau màn hò hét và nhảy nhót vì vui sướng, chúng tôi lại ngồi về chỗ để xử nốt phần mì rau cải bó xôi vẫn còn nguyên trên đĩa. Không ai bảo ai, nhưng chỉ nhìn cách mọi người đặt phần mì cạnh đĩa thì tôi cũng đoán được là chẳng mấy người thích món ấy. Marcus và Claire thì liên tục cười với nhau, thế mà Claire còn dở hơi đến mức chốc chốc lại đảo mắt về phía tôi để chắc rằng tôi đang quan sát cảnh hạnh phúc của họ.
“Dì Karen ơi, món gà này ngon tuyệt đấy ạ!” Claire nói. “Nhưng theo cháu biết thì dì chỉ làm những món này vào những dịp quan trọng thôi. Có phải mẹ cháu đã tiết lộ cho dì trước khi chúng cháu đến đây không?”
“Tất nhiên là không có chuyện đó rồi! Bữa tối nay là để dành cho vị khách của nhà ta. Đúng hơn là cho anh chàng của cháu và cho cả Danielle nữa. Chỉ cuối hè này thôi là con bé trở thành tân sinh viên của trường Đại học bang Ohio rồi, vì thế nên ta muốn chúc mừng cho sự thành công cũng như lễ tốt nghiệp của nó. Nào, hãy cùng nâng ly chúc mừng cho Danielle!” Mẹ vừa nói vừa nâng ly của mình lên. “Và cũng mừng cho việc đính hôn giữa Marcus và Claire nhà mình!”
Tôi cố gắng nhồi nhét thật nhiều thức ăn vào miệng, chỉ ước rằng chỗ thức ăn ấy có thể đè bẹp cảm giác tội lỗi đang xâm chiếm bản thân mình. Claire liếc xéo tôi, và tôi biết là kiểu gì chị ta cũng “đánh hơi” được mùi bất ổn ở đây. Chị ấy có thể phát hiện ra nỗi sợ hãi, sự yếu đuối và trái tim đập loạn xạ của tôi trước những lời nói dối. Trí lực của Claire trong cái trò làm-xấu-mặt-Danielle vẫn không hề suy giảm chút nào, ngay cả khi chị ấy đã mang theo vị hôn phu xuất sắc đến để làm vùng đệm. Claire vẫn chưa nhìn thấy lá thư từ chối, nhưng chẳng cần nhìn thì chị ấy cũng biết câu chuyện ở đây là gì.
“Thật trùng hợp, nhóc em trai nhà anh cũng sẽ là tân sinh viên Đại học bang Ohio năm tới đấy,” Marcus nói. “Em đã biết phòng mình ở đâu chưa hả Danielle? Biết đâu hai đứa lại ở cùng khu kí túc xá cũng nên.”
“À...ờ...Em vẫn chưa nhận được thư báo trúng tuyển nữa.”
“Ồ, anh tưởng là Bryan đã nhận được thư báo cách đây vài tuần rồi chứ,” anh ấy vừa nói vừa lắc đầu. Claire lại nhìn chằm chằm vào tôi lần nữa, chọc đúng điểm yếu của tôi.
“Cháu nghe bảo là hiện nay bên ấy đang trong tình trạng thiếu phòng kí túc xá thì phải,” Claire cất tiếng. “Cháu mong là con bé Danielle nhà mình không bị cho vào danh sách chờ phòng trống, dì Karen ạ!”
“Dì chưa hay biết gì về chuyện này cả,” mẹ nói. “Danielle, con đã nhận được email nào của trường gửi thông báo về việc này chưa? Mẹ muốn gọi hỏi xem việc này là thế nào.”
Mồ hôi bắt đầu vã ra, thấm ướt cả áo sơ mi đang mặc, tay tôi bắt đầu run bần bật. Lời nói dối trá mà tôi đã tuyệt đối giấu kín đang sôi sục và bùng cháy trong người, và tôi có cảm giác như mình có thể nổ tung lúc ấy. Tôi thật là kẻ nói dối tệ hại, và giờ thì lời dối trá đã gặm nhấm tôi suốt cả tháng qua sắp sửa bung bét hết trước mặt cô chị họ hoàn hảo cùng vị hôn phu quyến rũ của chị ta.
“Mẹ, con nghĩ là mình vô tình quẳng lá thư đi đâu đó rồi,” Tôi nói, không hiểu bằng cách nào mà lời nói dối trá vẫn có thể phát ra từ miệng tôi, trong khi bụng dạ tôi đang cuồn cuộn khó chịu mỗi lần nhả chữ.
“Em phải có một tài khoản mà trường cấp cho với đầy đủ thông tin trong đó chứ,” Claire hỏi dồn, đưa cho tôi điện thoại của chị ấy. “Chỉ cần đăng nhập vào là kiểm tra được ngay.”
Chiếc điện thoại như run rẩy theo từng nhịp bàn tay tôi. “Em không nhớ được thông tin đăng nhập. Để sau đi...”
“Chỉ cần nhập vào địa chỉ email của em và đặt lại mật khẩu là được,” Claire nói như ra lệnh.
“Claire!” Dì Rachel lên tiếng cảnh cáo.
Tôi nắm chặt cái điện thoại vài giây, rồi cố gắng dúi trả lại cho Claire. “Thực sự thì chúng ta vẫn nên để việc này lại sau khi...”
“Chị sẽ không thể ngủ nổi nếu như không biết chắc được là em sẽ có phòng ở trong năm tới, Dani ạ. Hãy xem lại thông tin đi em,” câu nói được thốt ra bằng cái giọng pha trộn đầy tinh tế giữa sự ngọt ngào và gian xảo. Ánh mắt Claire đanh lại, găm vào người tôi sắc lịm, ngầm biểu lộ thái độ tự cao với những chiến công rực rỡ của chị ấy ngay từ lúc chưa trưởng thành. Dù có đính hôn với anh Marcus và có một công việc mới cũng chưa hề đủ, thế nào thì chị ấy cũng phải tìm cách chế nhạo tôi bằng được.
“Em... Em không có tài khoản đăng nhập,” tôi nói.
“Nhưng đứa nào mà chả có,” Claire bật lại.
“Nhưng em vẫn chưa có,” tôi cãi.
“Ồ thú vị đấy, Danielle, đứa nào mà chẳng có tài khoản đăng nhập rồi,” chị ấy lại bắt bẻ, cuối cùng thì giọng điệu cũng trở về tông thường ngày. Có lẽ đây cũng là lúc thích hợp để cho anh chàng duyên dáng kia nhìn thấy bộ mặt độc ác của chị ấy.
“Không phải cái gì muốn là cũng được ngay, đôi khi...”
“Không, không hẳn là thế.” Chị ấy cười.
“Claire!” Dì Rachel gằn giọng lần nữa. Anh Marcus thì bắt đầu vòng tay ôm lấy Claire để can ngăn, nhưng chị ấy vẫn tiếp tục gây hấn.
“Có phải là em không được nhận vào trường, đúng không Dani?” Chị ấy hỏi, còn không quên trưng ra cái điệu nhếch mép khinh bỉ trên mặt.
“Claire, ngồi xuống đi em,” Marcus lên tiếng.
“Cháu đang nói cái gì thế hả Claire? Tất nhiên là con bé được nhận vào trường rồi. Chính dì đã nhìn thấy lá thư vào mùa thu năm ngoái, và nó vẫn còn được treo trên tủ lạnh đến tận giờ kia kìa,” mẹ nói. “Dì đã cố làm một bữa tối thật tuyệt cho cháu và hôn phu của cháu, thế mà cháu lại đến đây và buộc tội em họ cháu bằng những lời lẽ kinh khủng thế ư...”
“Mẹ,” tôi gọi.
“Con bé không hề nói dối,” mẹ tiếp tục. “Cháu biết rõ hơn ai hết là Danielle không phải là đứa dối trá như thế...”
“Mẹ,” tôi cố gọi lần nữa.
“Dì nghĩ là cháu nên xin lỗi em họ cháu ngay...”
“Thôi hết đi!” Tôi hét lên. Mọi người lập tức đổ dồn về phía tôi. Claire vẫn đứng khoanh tay, mặt mũi đỏ bừng. Mẹ vẫn còn há hốc khi quay sang nhìn tôi, còn anh Marcus thì lúng túng giống y như con cún tội nghiệp.
“Chị ấy nói đúng đấy,” tôi lí nhí.
“Cái gì?” Mẹ hỏi. Tất cả mọi người đều bất động, sự im lặng mà vài phút trước tôi khao khát giờ bỗng như ngòi đốt khiến tai tôi đau nhức.
“Con trượt môn Văn học Anh cuối cấp, và trường Ohio đã gửi thư từ chối con,” tôi nói.
Không gì diễn tả được cảm giác bị cán bẹp bởi sự thất vọng của mẹ và lòng căm ghét của ả chị họ cùng một lúc. Nước mắt tôi bắt đầu lã chã, và tôi biết là nếu không rời đi ngay bây giờ thì nỗi buồn và cả sự bẽ bàng mà tôi đang cố kìm nén sẽ làm nổ tung phòng ăn, giết chết tất cả những kẻ có mặt tại đây. Tôi liếc nhìn quanh bàn ăn một lần nữa trước khi bỏ chạy lên lầu.
Phòng tôi cũng trở nên ngột ngạt khủng khiếp, không tài nào thở nổi. Tôi trèo qua cửa sổ để lên mái nhà, ngồi thu chân một góc rồi ôm chặt hai đầu gối, tôi bắt đầu khóc như mưa. Rốt cục thì mọi thứ bung bét hết. Mẹ biết, Claire biết, và giờ thì chính tôi cũng phải thừa nhận nỗi nhục nhã ê chề ấy. Tôi không thể giả vờ rằng mọi chuyện sẽ được giải quyết hoặc trì hoãn quyết định thêm một ngày nào nữa. Thất bại ê chề của tôi ở ngay đây, trước mặt tôi, đang đấm đá tới tấp vào mặt mũi tôi. Tôi rút điện thoại ra và gọi cho người vẫn luôn bên tôi mỗi lần khủng hoảng.
“Zoe? Đến đón mình ngay được không? Việc nguy cấp.”
Con bé đã trên đường đến đây trước khi tôi kịp nói hết câu.