Tự bao đời nay, nhắc đến hoa, người ta chỉ biết nó đẹp. Nhưng từ vụ đông xuân 2009 - 2010 đến nay, nông dân ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long còn biết hoa là vệ sĩ của đồng ruộng.
Tất cả là nhờ mô hình ruộng lúa bờ hoa.
Làm một được ba
Tay nâng niu những bông lúa OM 3242 trĩu hạt căng tròn, chỉ chờ chiếc máy gặt đập liên hợp xuống nữa là ùn ùn cho lúa đầy bao, bà nông dân hiền hậu chỉ cho tôi nào là nhện giăng tơ trên những khóm xuyến chi, chuồn chuồn kim mắt lim dim đậu trên cành trâm ổi, ong vo ve hút mật nhụy hoa sao nhái rồi cười hể hả: “Nhờ chúng mà tôi chẳng còn biết thế nào là rầy nâu, sâu cuốn lá với vàng lùn…”.
Bà là Lê Thị Trang, 57 tuổi, ở ấp Hòa Bình, xã Bình Nghị, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang có 0,6 ha đất trồng lúa năm nào cũng bị rầy nâu phá hoại. Chuẩn bị vụ hè thu 2011, thấy thông báo có cán bộ bảo vệ thực vật đến ấp hướng dẫn diệt rầy nâu và các bệnh virus trên cây lúa nên bà tức tốc đến nghe. Nhưng lạ quá, bao nhiêu năm sống với đồng ruộng, chăm chỉ nghe đài, xem tivi, đi dự các lớp tập huấn kỹ thuật, bà cũng chỉ biết sạ đúng lịch để tránh mùa sinh nở của sâu, rầy rồi khi lúa lên cây mà bị chúng phá thì phải phun thuốc diệt. Ấy thế mà bây giờ cán bộ lại phổ biến chỉ cần trồng hoa trên bờ là xong. Khó tin quá! Nhưng Thạc sĩ Chiến8 mà mình vẫn nghe trên chương trình Nhịp cầu nhà nông đã cho hoa, lại còn bảo “Tôi xuống tận nơi tiếp sức bà con đánh rầy nâu, khỏi gọi hỏi tôi trên đài, tivi nữa” thì chắc là thật.
8 Hồ Văn Chiến, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ Thực vật phía Nam.
Tưởng giống gì lạ lẫm, hóa ra hoa mà cán bộ đưa đều là những thứ mọc dại hoặc được trồng quanh nhà lâu nay, nào sao nhái, mười giờ, xuyến chi, đậu xanh, đập bắp… Hoa càng sặc sỡ thì càng thu hút nhiều thiên địch đến trú ngụ và các loài ong đến hút mật. Khi ruộng lúa có sâu, rầy, chúng sẽ lập tức xuống tấn công. Nắm được bí quyết ấy nên bà Trang đi khắp ấp kiếm thêm được những loài hoa đồng nội như cẩm tú (tím), trâm ổi (trắng), cúc mặt trời (vàng rực), lại thêm các giống hoa Đà Lạt mà gia đình vẫn trồng làm kiểng trong vườn, trước sân nhà nữa. Tập trung các loại hoa vào trước sân, vô bầu cẩn thận rồi bà chi hội trưởng chi hội phụ nữ ấp lại đến từng nhà vận động chị em hội viên.
Bình thường, mỗi vụ bà Trang phải xịt thuốc ít nhất là ba lần để diệt sâu lá và rầy. Vụ hè thu 2011, bà không phải dùng đến bất cứ loại thuốc bảo vệ thực vật nào. “Tính ra, mỗi vụ tôi tiết kiệm được một triệu đồng/ha”, bà cho biết. Năm người theo bà trồng hoa trên bờ ruộng cũng mừng lắm! Thấy mới tin, vụ sau, 25 chị em tham gia và đến nay, con số đã là 42. “Từ ngày có ruộng lúa bờ hoa, ai cũng chăm đi thăm ruộng. Chiều chiều, sau một ngày làm việc vất vả, chị em lại ới nhau vừa thăm lúa vừa ngắm hoa cho thanh thản đầu óc”, bà Trang dí dỏm.
Thú vị hơn, trồng hoa không chỉ giúp diệt sâu, rầy trên ruộng lúa mà còn trở thành một nghề tăng thu nhập cho nông dân ấp Hòa Bình. Tết vừa rồi, gia đình bà Trang bán được 19 triệu đồng tiền hoa kiểng. Các hộ khác cũng kiếm được từ 20 đến 30 triệu đồng. Bà con ai cũng mừng vui, trồng hoa có ba cái lợi: môi trường sạch (vì không phải phun thuốc trừ sâu), lúa bội thu và cảnh quan đẹp. 12 chị em phụ nữ là nòng cốt với bà Trang hiện ngày ngày cần mẫn ươm, trồng hoa trên khắp đồng ruộng, đường sá, vườn tược để ước mơ Hòa Bình sớm trở thành “ấp vạn hoa”.
Anh Bùi Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Nghị, cho biết: Hiện mô hình “Cộng đồng sử dụng công nghệ sinh thái để quản lý rầy nâu và các bệnh virus trên cây lúa” đã được áp dụng trên 19,7 ha trong tổng số 192 ha ruộng lúa của ấp. Sau khi sạ lúa được bảy ngày, nông dân mang hoa ra trồng dọc bốn bờ ruộng. Bờ hoa thu hút khoảng 200 cá thể thiên địch/m2 gồm đa dạng chủng loại như: kiến ba khoang, bọ rùa, bọ nhện, đặc biệt là các loài ong ký sinh…”.
Thạc sĩ Hồ Văn Chiến, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam, nhớ lại: “Khoảng tháng 6 năm 2009, tại thành phố Hàng Châu, Trung Quốc diễn ra hội thảo ‘Đa dạng hóa sinh học’. Đoàn Việt Nam tham dự gồm có thầy Nguyễn Văn Huỳnh (Đại học Cần Thơ), anh Lã Phạm Lân (Viện Khoa học Nông nghiệp miền Nam), anh Nguyễn Văn Khang (Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Tiền Giang, nay là Chủ tịch UBND tỉnh) và tôi. Tại hội thảo, đoàn New Zealand trình bày báo cáo về việc khi họ trồng nho thì bị sâu ăn lá tấn công phải phun nhiều thuốc, sau khi họ trồng xen một loài hoa tím vào giữa thì phấn và mật của nó dẫn dụ thiên địch đến tấn công sâu hại nên không cần phun thuốc bảo vệ thực vật nữa. Ở bang Florida, Mỹ khi cải bị sâu tơ tấn công, họ trồng xen một loài hoa màu trắng cũng cho kết quả tương tự. Bao năm nay, nông dân trồng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long của chúng ta khốn đốn vì rầy nâu. Người ta dám làm trên rau màu thì mình đề xuất thực hiện trên lúa. Khi nghe tôi nêu ý tưởng, các thành viên trong đoàn Việt Nam cũng như Tiến sĩ Kong Luen Heong, nhà khoa học cao cấp, chuyên gia sinh thái học côn trùng của Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) và Tiến sĩ Geoff Gurr, giáo sư sinh thái học ứng dụng tại Đại học Charles Sturt, Úc rất ủng hộ. Tôi nói với anh em mình, dường như ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, năm nào nông dân cũng đồng loạt ra đồng phun thuốc trước khi nghỉ ăn Tết. Do vậy tôi đề nghị làm mô hình ruộng lúa bờ hoa ở huyện Cái Bè (gần Trung tâm Bảo vệ Thực vật phía Nam, chúng tôi cũng dễ dàng lui tới để điều tra đánh giá cũng như tập huấn nông dân). Anh Khang đề xuất nên làm thêm một mô hình ở huyện Cai Lậy. Khi về nước, chúng tôi thực hiện cả hai mô hình (30ha/mô hình) ở xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè và xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy của tỉnh Tiền Giang, từ vụ đông xuân 2009 - 2010”.
Mang ý tưởng lãng mạn là trồng hoa trên bờ ruộng để thuyết phục nông dân có nguy cơ trở thành… lãng xẹt. Anh Chiến tâm sự: “Khó khăn đầu tiên là rất khó chứng minh cho nông dân thấy tại sao trồng hoa trên bờ ruộng mà lại không cần phun thuốc trừ sâu (cũng chỉ là lý thuyết vì họ và ngay cả cán bộ kỹ thuật cũng chưa ai thấy tận mắt). Trồng hoa trên bờ thì phải tưới nước ở giai đoạn cây con, mà bờ ruộng thì nhỏ, bà con đi tới đi lui đạp nát hết cây... Tôi cố giải thích nếu như giống hoa tôi cho, bà con chịu khó trồng thì công trồng rẻ hơn các lần phun thuốc trừ sâu, rầy, sức khỏe cộng đồng dân cư nông thôn không bị ảnh hưởng, môi trường sạch, lại có quang cảnh đẹp. Tôi lại đến tận nhà bà con để thăm hỏi, động viên, có khúc mắc gì tôi hướng dẫn giải quyết luôn”.
Nói mạnh thế nhưng trong lòng anh run lắm, khuyên không xịt thuốc bảo vệ thực vật, lỡ sâu bệnh nhiều, cuối vụ năng suất giảm, người ta bắt đền thì chết. Thế là anh chỉ còn biết lên ruộng cạn, xuống ruộng sâu để nâng niu từng khóm hoa, động viên bà con cũng là để trấn an mình. Không uổng công, trong suốt vụ thực hiện việc trồng hoa nông dân không phun tí thuốc nào để trừ sâu; chỉ một lần phun thuốc trừ cỏ và hai lần phun trừ bệnh. Anh Chiến lại mời hết lãnh đạo Chi cục Bảo vệ thực vật các tỉnh phía Nam về dự hội thảo đầu bờ trước khi thu hoạch 10 ngày và tư vấn áp dụng mô hình!
Kiên trì thay đổi thói quen
Ngang dọc vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long, gặp gỡ, trò chuyện với bà con nông dân, cán bộ khuyến nông và các nhà nông học, tôi nhận ra những nghịch lý rất buồn cười.
Người nông dân miền Tây mê hoa số một. Cổng nhà cũng kết bằng những cây hoa giấy, huỳnh đàn, mai chiếu thủy; vạt đất dưới chân ban thờ ông thiên vàng rực sao nhái, đỏ ối mười giờ; cạnh chum nước có bao giờ thiếu cụm trang, điệp muôn sắc; các loài hoa, kiểng đầy vườn… Ấy vậy mà khi các cán bộ kỹ thuật nông nghiệp xuống tận xóm, ấp nói chuyện, tặng giống hoa, khuyên bà con mang ra trồng ở bờ ruộng thì lại được đón nhận hết sức dè dặt, thậm chí là thờ ơ. Lại nữa, bà con rất ưa những thứ đẹp mắt. Thế nên dù cán bộ khuyến nông đã tính toán và khuyến cáo chỉ nên sạ 12kg thóc giống với mỗi công ruộng thì lúa mới lên nhanh, tốt, hạn chế sâu bệnh nhưng bà con vẫn sạ đến 15kg. Lý do họ đưa ra là “sạ nhiều thì lúc lúa lên nhìn mới đẹp” mà bất chấp nó tạo điều kiện cho sâu, rầy làm tổ, sinh sôi. Không cần tiết kiệm 3kg thóc giống nhưng bà con lại rất hà tiện với diện tích bờ ruộng. Nhiều ruộng chỉ chừa bờ tin hin, ai bước không khéo là trượt chân xuống ruộng liền. Rồi cũng vì nóng vội nên cứ gặt xong được vài ngày là bà con đốt rơm, vừa ô nhiễm khói, bụi, vừa mất một nguồn phân hữu cơ tốt. Anh Phùng Mỹ Trung, nhà nghiên cứu đa dạng sinh học, than thở: “Thói quen đốt rơm của bà con còn làm cháy các luống hoa trồng trên bờ hoặc các hạt hoa rụng dưới đất, mất mầm giống. Hơn nữa, việc này còn xua đuổi, giết chết các loài thiên địch cũng như các loài động, thực vật khác sinh sống trên đồng ruộng, gây mất cân bằng sinh thái”.
Anh Bùi Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Nghị, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, tâm sự: “Nhiều tập quán lạc hậu đã ăn sâu vào tiềm thức của bà con nên rất khó thay đổi. Nhưng chúng tôi kiên trì vận động, thuyết phục, nói với 50 người mà có 20 người hiểu và thực hiện là tốt rồi. Từ thành quả của quá trình áp dụng mô hình ruộng lúa bờ hoa, năm tới, UBND xã sẽ phối hợp với Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang và Công ty Lương thực Tiền Giang triển khai chương trình “Cùng nông dân ra đồng” để thay đổi nhận thức, phương pháp canh tác của bà con, sản xuất thực phẩm sạch và tăng giá trị nông sản. Mắt thấy tai nghe, tôi tin bà con sẽ dần đón nhận”.
Đến nay, tất cả các huyện, thị xã của tỉnh Tiền Giang và An Giang đều đã áp dụng mô hình ruộng lúa bờ hoa. Ngày 14/3/2012, hội thảo đầu bờ ở huyện Châu Đốc, tỉnh An Giang, nông dân và các nhà khoa học trầm trồ trước 100 ha hoa - lúa đẹp như mơ, không có tí thuốc nào trong suốt vụ, năng suất lúa rất cao. Phong trào đã lan đến các tỉnh, thành phố: Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ, Kiên Giang và An Giang với tổng diện tích hơn 2.000 ha. Các tỉnh chưa có mô hình, Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam sẽ hỗ trợ kỹ thuật để cố gắng thực hiện trong thời gian tới. Những cánh đồng bát ngát của đồng bằng sông Cửu Long giờ không chỉ cho lúa trĩu bông mà còn dập dìu hoa thơm bướm lượn chim chóc hoan ca.