64người thuộc chín nhóm dân tộc thiểu số trên khắp ba miền được cấp máy và hướng dẫn chụp ảnh để lưu lại bản sắc của cộng đồng mình. Những ánh mắt và tâm sự từ trong nhìn ra ấy đã gây ngỡ ngàng cho nhiều người.
Hoạt động này nằm trong dự án photovoice do Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) tổ chức.
Thấy sao chụp vậy, biết gì kể nấy
Sống ở vùng núi cao, xa xôi, hẻo lánh, chưa một lần được sờ vào chiếc máy ảnh, nên khi nghe nói có mấy người về thôn cho mượn máy ảnh để thích gì cứ chụp thoải mái, chị Hồ Thị Bụi, 24 tuổi, ở thôn Tà Rụt 1, xã Tà Rụt, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị, khấp khởi đến xem sao. Được cấp chiếc máy ảnh kỹ thuật số Nikon dạng du lịch, chị cứ mân mê mãi như không tin vào mắt mình. Và chỉ cần được hướng dẫn loáng một cái Bụi đã biết cầm máy vững, bấm nút nhanh rồi chỉ chừng một giờ sau là những kỹ thuật: canh nét, đặt khẩu độ, tốc độ, lấy bố cục, giao lưu với nhân vật... đã được chị làm thuần thục. Trong năm ngày tiếp theo, cùng trò chuyện, la cà với các nhà nhân học Hoàng Cầm, Phạm Văn Dương, Võ Mai Phương…, Bụi đã xóa tan mặc cảm về dân tộc Pacôh của mình.
Kể từ đó, ngày ngày, chiếc máy ảnh và cuốn sổ tay luôn là vật bất ly thân của chị trên những nẻo đường lên rẫy, xuống suối, vào thôn. Thấy cảnh hay là Bụi giơ máy lên chớp lấy khoảnh khắc rồi rủ rỉ hỏi chuyện nhân vật để làm chú thích. Bốn tháng ròng rã, chụp được cả trăm bức ảnh về cuộc sống thường ngày và những phong tục tập quán của cộng đồng người Pacôh, bức nào cũng thích nhưng có một bức mà Bụi tâm đắc hơn cả. Đó là ảnh chụp vợ chồng anh Hồ Văn Lờ và chị Hồ Thị Đơn ở thôn Tà Rụt 1, xã Tà Rụt, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị. Chị giải thích: “Theo quan niệm của người Pacôh, khi lúa chín thì giữ ở ngoài nương, không được mang về nhà. Nếu mang lúa về giữ ở trong nhà thì thần lúa sẽ không ưa và sẽ làm cho mất mùa, gia đình sẽ bị đói kém. Thần lúa chỉ quý đàn bà nên không cho đàn ông vào chòi đựng lúa, chỉ có phụ nữ mới được vào, nếu đàn ông vào thì thần lúa sẽ nổi giận. Nhưng trong bức ảnh này người chồng đang ở trong chòi và người vợ thì đứng ở ngoài. Đây là một điều khác lạ. Sở dĩ có người chồng vào chòi, bởi vì bữa đó người vợ đến thời kỳ (nguyệt kỳ). Với người Pacôh, phụ nữ khi mà bị như vậy coi như là dơ bẩn, không được đến gần thần lúa. Chính vì vậy chồng chị đã vào chòi thay chị lấy lúa để đi xát. Trước khi cho chồng vào chòi chị đã cầu khấn xin phép thần lúa cảm thông cho hoàn cảnh của chị, và nếu không lấy lúa đi xát thì nhà sẽ không có gạo ăn”. Chị Bụi bảo đây là một bức ảnh rất đặc biệt. Đối người dân tộc khác thì thấy bình thường, nhưng đối với người Pacôh đây lại là một bức ảnh đặc sắc, mang đậm dấu tích văn hóa. Những lần khác Bụi hướng ống kính mô tả tục đi sim, chữa bệnh bằng phương pháp cổ truyền, làm khèn bè, chọn đất phát rẫy, dựng nhà... Được tấm nào ưng ý, chị lại đến nhà các ông bà già để tìm hiểu về phong tục, tập quán của dân tộc mình để kể câu chuyện đằng sau khuôn hình. 16 bức ảnh được chọn để triển lãm, in sách của chị là những câu chuyện đa dạng, độc đáo về đời sống vật chất và tinh thần của dân tộc Pacôh mà ai xem cũng thích thú. Chị Lương Minh Ngọc, cán bộ Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE), đã theo suốt dự án photovoice, bảo rằng chị Bụi chụp ảnh đẹp, diễn giải sâu sắc như vậy là nhờ năng khiếu bẩm sinh và tình yêu cháy bỏng với văn hóa của cộng đồng mình.
Cũng như chị Hồ Thị Bụi, 63 người khác thuộc chín nhóm dân tộc: H’mông si (đỏ), Dao (tỉnh Yên Bái), H’mông đen, Dao đỏ (tỉnh Lào Cai), Mường, Thái (tỉnh Thanh Hóa), Pacôh, Vân Kiều (tỉnh Quảng Trị), và Khmer (tỉnh Sóc Trăng) đều có những cách riêng để phát ngôn cho cộng đồng mình. Chị Lý Thị Líu, 18 tuổi, ở thôn Nậm Chậu, xã Nậm Búng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, hồn nhiên tả về một buổi xuống đồng: “Ngày khai xuân người Dao, ngày tốt mọi người rủ nhau xuống đồng để cấy. Cấy thật chứ không phải cấy giả vờ. Hôm đấy em cũng đi xuống ruộng để cấy, thấy các chị cấy đẹp thì em chạy ra chụp. Ngày khai xuân này vui lắm, mọi người đều đi xem, thôn chỉ chọn một mảnh ruộng để cấy. Mọi người cấy hết ruộng luôn. Cũng chẳng cần phải chọn ruộng bằng hay ruộng dốc, ruộng to hay ruộng nhỏ mà chỉ cần nhà nào làm xong mạ thì cấy thôi”.
Giàng Thị Xá kể ngay công việc của gia đình: “Anh Hoàng Văn Tuân, chồng em, là người Thái, đang sao chè. Nhà mình hái, thu mua và sao chè. Sao khô xong mang bán, chủ yếu là chuyển xuống Hà Nội. Vào mùa ngày nào hai vợ chồng cũng làm. Đây là công đoạn đầu tiên đang sao chè tươi. Nhà em cả năm thu được hai tấn búp tươi. Trong thôn mới chỉ có hai hộ có máy sao chè, mới có vài năm nay thôi. Chủ yếu các hộ gia đình bán búp chè tươi cho nhà máy chè”.
Chị Lý Thị Hồng Kiều tự hào: “Hồi xưa, người Khmer có tục vần công, đổi công: bữa nay làm cho nhà này, bữa sau chuyển sang làm cho nhà khác, đến khi xong thì thôi. Bây giờ, các chủ ruộng thích mướn máy gặt đập liên hợp vì giá rẻ, gặt nhanh và lúa đỡ bị rơi rụng hơn. Chỉ những chủ điền nhỏ hoặc những người còn tình cảm với bà con mới còn mướn gặt thủ công. Bức hình này chụp các nhân công đang vác máy suốt làm cho anh Đen ở ấp Tâm Phước, xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng. Tôi thấy bà con mình thân thiện, đoàn kết quá”.
Anh Hà Văn Dung chụp ngôi nhà của bà Bùi Thị Tiệp, 74 tuổi ở thôn Khà, xã Điền Quang, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa, để giới thiệu: “Đây là phía trước nhà gác đặc trưng của người Mường. Cột hiên được xẻ vuông, nhỏ hơn vì ngày nay không còn nhiều gỗ nữa. Trước kia, nhà thường làm ba, năm, bảy hoặc chín gian, không làm gian chẵn vì sẽ bị người ta nói là nhà không có đàn ông. Quan trọng nhất trong nhà là gian thứ hai, có đặt bàn thờ tổ tiên phía sau cột cái. Khách lên không được dựa vào cột cái, cũng không được sờ vào bàn thờ tổ tiên, con dâu mới về nhà chồng cũng không được sờ vào bàn thờ và cột cái, con dâu đã có con thì là con trong nhà, được ra vào nơi này”.
Không chỉ giới thiệu cái đẹp, họ còn ưu tư về những chuyện không hay diễn ra ở cộng đồng. Anh Sùng A Của, 27 tuổi, thôn Pang Cáng, xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, buồn phiền về chuyện người H’mông đào những cây trà cổ bán cho người dưới xuôi làm cây cảnh. “Một cây chè cổ thụ bán được hơn chục triệu. Xã cũng cấm nhưng người dân vẫn bán. Cuộc sống khó khăn nên cây chè này được trả giá cao thì người ta cứ bán thôi. Nếu để thu hoạch thì một cây chè một năm cũng không được nhiều tiền như thế. Nếu muốn giữ những cây chè này thì người ta phải có thu nhập tốt hơn. Hiện nay thu nhập chính cũng không từ cây chè vì giá chè không ổn định, họ vẫn phải làm nương ngô, nương sắn”, anh cho biết.
Anh Vàng A Sáu thì bất bình về chuyện chướng tai gai mắt của đội văn nghệ ở khu du lịch Cát Cát (xã San Sả Hồ, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai): “Múa không giống của người H’mông nhưng người giới thiệu vẫn nói là của người H’mông. Những người biểu diễn ở đây chỉ có một người là người H’mông thôi, còn lại là người ở Sơn La đến, có người Kinh làm quản lý. Nó7 mặc áo người H’mông nhưng không biết hát tiếng H’mông. Người H’mông ở đây đi làm thì trả lương thấp, người nơi khác đến thì trả lương cao. Trước kia tôi có tham gia, họ trả lương thấp quá tôi không làm nữa. Tôi có hỏi tại sao, họ nói không có bằng cấp, nhưng ở đây múa như nhau, múa truyền thống, hỏi bằng cấp làm cái gì? Trong xã cũng có nhiều người biết văn nghệ nhưng họ không lấy mà cứ lấy từ nơi khác đến”...
7 Từ người H’mông chỉ người khác, không hề có ý miệt thị.
Đa dạng và khác biệt
Trên thực tế, giữa các dân tộc thiểu số và người dân (chủ yếu là người Kinh) sống tại các thành phố có một khoảng cách khá lớn không chỉ về địa lý mà còn về thông tin. Chẳng hạn đời sống văn hóa, sinh kế, tâm linh của các dân tộc thiểu số còn rất xa lạ với đa số, thậm chí có khi bị hiểu lầm. Người dân tộc thiểu số có rất ít cơ hội để lên tiếng và đưa được thông tin từ cộng đồng mình đến xã hội.
Nhằm thu hẹp khoảng cách đó, iSEE sử dụng phương pháp photovoice, một phương pháp nhân học để người dân có thể thông qua sáng tạo nghệ thuật, thông qua hình ảnh và những câu chuyện kể nói lên tiếng nói của mình, tiếng nói của những người trong cuộc, giới thiệu và giải thích về cuộc sống của mình cho công chúng rộng lớn biết đến. iSEE tập trung trước hết vào các dân tộc đang có rất ít thông tin ra bên ngoài như Pacôh, Vân Kiều, hoặc đang bị hiểu lầm nhiều như H’mông, Dao, hay ít được để ý như người Mường, Thái ở Thanh Hóa (người dân chủ yếu biết người Mường ở Hòa Bình và người Thái Tây Bắc). Sau khi lựa chọn địa bàn đảm bảo có cả ba miền Bắc, Trung, Nam, người dân được phát máy ảnh kỹ thuật số loại du lịch. Kỹ thuật chụp được nhiếp ảnh gia Nguyễn Hoài Linh, các nhà nhân học Hoàng Cầm, Phạm Văn Dương, Lê Hải Đăng, Nguyễn Trường Giang, Vũ Thị Hà, Phạm Minh Phúc, Võ Thị Mai Phương, Mai Thanh Sơn... hướng dẫn trong nhiều đợt. Đợt đầu tiên năm ngày dành một phần thời gian cho hướng dẫn về đa dạng văn hóa và thống nhất chủ đề, phần còn lại dành cho kỹ thuật chụp. Người dân được hướng dẫn từ cách cầm máy ảnh, ấn nút, đến ánh sáng, góc độ... Bà con thực hành chụp rồi đưa lại sản phẩm cho chuyên gia để cùng nhận xét. Đợt thứ hai chuyên gia trở lại cộng đồng để tiếp tục lựa chọn, phản hồi về chất lượng ảnh và cách kể chuyện.
Chủ đề của ảnh do bà con và cộng đồng tự quyết định. Sau khi tham dự những buổi tập huấn về đa dạng văn hóa, bà con tổ chức một buổi họp để cùng bàn bạc với cộng đồng xem mình muốn giới thiệu cái gì, cái gì mình thấy rất đặc trưng và rất tự hào, cái gì còn hay bị hiểu lầm. cần làm rõ.
Anh Hồ Văn Phương, người Vân Kiều, ở thị trấn Krông Klang, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị, nhớ lại: “Nhiều người nhất quyết không cho hoặc bỏ chạy khi thấy mình chụp ảnh. Tôi phải tốn khá nhiều thời gian giải thích rằng những sinh hoạt của dân tộc mình đều là văn hóa; mình có điều hay phải khoe thì người ngoài mới biết; cái gì chưa hay thì mình cũng phải ghi lại để thế hệ sau biết mà sửa. Nói mãi bà con mới đồng ý.”
Còn với anh Kray Sức, trưởng nhóm nhiếp ảnh Pacôh, xã Tà Rụt, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị, khó nhất là chuyển các câu chuyện từ tiếng Vân Kiều, Pacôh sang tiếng Kinh. Thế nên, các thành viên trong nhóm thống nhất dịch sát nghĩa, chân thực... Mỗi khi viết xong một câu chuyện, họ lại tập trung trau chuốt ý tứ, ngôn từ sao cho vừa đúng vừa hay.
Kéo dài từ tháng 12 năm 2011 đến tháng 4 năm 2012, dự án photovoice đã thu được hơn 70.000 bức ảnh kèm câu chuyện độc đáo. Những tấm ảnh có bố cục và màu sắc đẹp, ẩn chứa những thông điệp sâu sắc về cuộc sống cộng đồng. Kèm theo ảnh là những chia sẻ thú vị, đầy tính gợi mở về các phong tục tập quán, tín ngưỡng, tâm linh và cả về những biến đổi trong nhiều mặt của đời sống tộc người. Giá trị đặc biệt là những tấm ảnh đều được chụp từ góc nhìn của người trong cuộc, điều mà các tác phẩm nhiếp ảnh chuyên nghiệp khó lòng có được.
Ông Lê Quang Bình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường, khẳng định: “Những bức ảnh đặt cạnh nhau nói lên rất nhiều ý nghĩa. Người xem có thể cảm nhận được văn hóa không có cao, thấp, mà đẹp ở sự đa dạng và khác biệt. Họ cũng sẽ thấy văn hóa đang đem lại lợi ích kinh tế cho các cộng đồng. Hơn hết, ta có thể thấy người dân tộc thiểu số đang chủ động khám phá, thể hiện và quyết định văn hóa được bảo tồn và tiếp thu như thế nào”.
Chị Hồ Thị Bụi tâm sự: “Trước đây, em thấy văn hóa mình ít đẹp, ít độc đáo, bây giờ em lại thấy khác. Bắt đầu từ năm 2010, ở thôn em đi đám cưới phải mặc như người Kinh, em nghĩ thế là đúng. Em thấy các bà các mẹ đeo khuyên tai nặng, em không hiểu tại sao. Em nhìn thấy người dân tộc khác đeo vàng đeo bạc, em nghĩ dân tộc mình lạc hậu, em cũng hơi xấu hổ. Bây giờ em biết và thấy tự hào vì các bà còn đeo trang sức truyền thống. Em sẽ nói với mọi người khác là mình cần phải giữ văn hóa của mình”. Còn với Lý Thị Líu, 18 tuổi, dân tộc Dao ở thôn Nậm Chậu, xã Nậm Búng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, thì đơn giản là: “Sau chương trình, em tự hào hơn về bản thân, biết nhiều hơn về các dân tộc khác”.
Đó cũng chính là niềm mong mỏi của những người tổ chức dự án.
Box
16 giờ ngày 10 tháng 11 năm 2012, tại công viên Lam Sơn, phường Bến Nghé, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh, Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường, với sự hỗ trợ của tổ chức CARE tại Việt Nam và Oxfam tại Việt Nam, tổ chức khai mạc triển lãm Văn hóa của mình - Đối thoại trong không gian mở.
143 bức ảnh được tuyển chọn từ hơn 70.000 bức ảnh do người dân tộc thiểu số ba miền Bắc, Trung, Nam tự chụp cùng với những câu chuyện đặc sắc mà họ tự kể về văn hóa của mình sẽ ra mắt công chúng. Triển lãm là kết quả của một quá trình sáng tạo nghệ thuật cộng đồng - một quá trình thu hút cả người lớn tuổi và các bạn thanh niên, khiến họ có thể thảo luận cởi mở và cùng nhau tìm về gốc rễ dân tộc. Chính vì vậy, triển lãm không chỉ là nơi trưng bày những bức ảnh đẹp, mà còn là một cánh cửa mở ra hàng trăm câu chuyện có đời sống riêng mà người xem có thể đi sâu tìm hiểu.